Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.023
123.201.586
 
Nghĩ về một tương lai đầy ẩn số trong tay thế hệ trẻ
Lê Hải*

 

Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?

 

Công việc của tôi thường phải đọc và suy ngẫm những vấn đề về văn hóa cộng đồng, cho nên thỉnh thoảng hay gặp những câu chuyện rất lý thú mà các đồng nghiệp ngành Việt Nam học trên thế giới đem ra chia sẻ, như một báo cáo mới gần đây từ Đại học tổng hợp Warszawa. Khi nghiên cứu cộng đồng người Việt ở Ba Lan, tiến sĩ Teresa Halik phát hiện thấy vấn đề mà có lẽ tất cả người Việt dù đang sống ở đâu cũng sẽ cảm thấy cần suy nghĩ và chia sẻ. Xuất phát điểm để hiểu điều này là hiện tượng các gia đình người Việt ở nước ngoài thường chỉ có hai thế hệ là bố mẹ và con cái, thiếu vắng hẳn sự có mặt và vai trò truyền thống của ông bà. Do điều kiện địa lý cách trở, vé máy bay tốn kém, thủ tục visa rắc rối và cả điều kiện tài chính bên cạnh nhiều yếu tố khác mà số lượng thành viên trong một đơn vị gia đình được rút xuống tối thiểu. Các em bé Việt Nam sinh ra và lớn lên trong môi trường không chỉ không có ông bà, mà còn mất mát mối quan hệ với cô dì chú bác và anh em họ. Hơn vậy, nhiều em còn hầu như không mấy khi gặp bố mẹ đang phải vất vả lo toan cuộc sống từ sáng sớm đến tối mịt, phó thác con cho nhà trường, bạn bè và bảo mẫu - thường là một bà Tây gần nhà. Nhìn rộng ra thì đây không chỉ là hiện tượng của các nhóm di dân kinh tế người Việt ở nước ngoài, mà có thể xảy ra bất cứ nơi đâu ở chính ngay tại Việt Nam, khi thanh niên rời quê đi lập nghiệp, kết hôn và nuôi con ở các thành phố và trung tâm công nghiệp. Thậm chí ngay cả khi bố mẹ và ông bà cùng sống trong một thành phố nhưng cường độ công việc và áp lực cuộc sống cũng thường khiến cả nhà không mấy khi gặp nhau.

 

Đây không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà còn là câu chuyện của thời đại, là dấu hiệu cho thấy cấu trúc nền tảng trong xã hội đã thay đổi, như từng được một trong số những nhà nhân học hàng đầu thế giới là giáo sư Margaret Mead dự báo trong một bài giảng, mà độc giả quan tâm có thể tìm đọc quyển sách của bà về Văn hóa và Sự gắn kết (có sẵn bản tiếng Anh trên mạng ở địa chỉ http://mx.esc.ru/~assur/ocr/mead/mead.htm). Khởi đầu từ những nghiên cứu trên các đảo ở Thái Bình Dương mà nhiều nhất là Samoa, chủ tịch hiệp hội nhân học Hoa Kỳ dần liên kết thêm các quan sát thế giới đương đại để xây dựng cơ sở lý thuyết văn hóa nhìn vào tiến trình lịch sử thế giới. Theo đó, cũng như ba chương trong tập sách vừa kể, lịch sử thế giới đương đại có thể được phân kỳ thành ba giai đoạn, nếu nhìn qua lăng kính của khái niệm figurative, tức mô hình tạo dựng bản sắc. Trong xã hội truyền thống trong quá khứ, tức là phân kỳ đầu tiên, mà GS Mead gọi là postfigurative, các hình mẫu đã được định hình qua năm tháng, và đứa trẻ lớn lên trong khuôn khổ gia đình, tiếp nhận bản sắc văn hóa từ những người già trong cộng đồng mà gần nhất là ông bà mình. Trong xã hội đương đại cũng như trường hợp cộng đồng di dân ở Ba Lan, xã hội chỉ còn lại mối liên kết giữa hai thế hệ là phụ huynh và con cái, mà mỗi người đều phải tự bươn chải để thích nghi với cuộc sống mới. Di dân thế hệ một và con cái của họ đều đứng cùng một vạch xuất phát điểm để học tất cả những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày trên mảnh đất mới, từ ngôn ngữ, luật lệ cho đến phong tục, văn hóa, và cả những thói quen nhỏ nhặt nữa. Thường nhờ lợi thế cả về điều kiện học tập lẫn tiếp xúc mà các em ở thế hệ hai sẽ vượt xa bố mẹ.

 

Xã hội đương đại cũng tràn ngập những sản phẩm của nền văn minh mà nổi bật nhất là các thế hệ thiết bị điện tử và hệ thống mạng, và cũng đặt các bậc phụ huynh vào thế yếu trong cuộc chạy đua bên cạnh con cái. Trong một xã hội như vậy bản sắc và cá tính con người không còn chịu nhiều ảnh hưởng từ ông bà với vai trò nay đã mờ nhạt, mà hình thành chủ yếu là qua mối quan hệ với bạn bè đồng lứa, thế hệ bố mẹ với bố mẹ, thế hệ con cái với con cái. Vòng ảnh hưởng có thể nhỏ như liên kết cộng đồng ở tổ dân phố, khu dân cư hay công việc và nơi vui chơi giải trí, mà cũng có thể rộng như mạng lưới xã hội trên Internet, điển hình như facebook, trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó của thời đương đại bản sắc được hình thành trong mối quan hệ tác động qua lại bổ sung lẫn nhau, tức là cofigurative như GS Mead phác họa cho phân kỳ thứ hai. Điều này thực ra cũng không quá mới mẻ với nhiều người Việt, khi trong xã hội truyền khẩu nhau kinh nghiệm “học thầy không tày học bạn”, nhắc nhở về tầm quan trọng của bạn đồng lứa. Sau ngày mở cửa thì thế hệ con cái và thế hệ phụ huynh ở Việt Nam ở vào thế cùng đứng trước chung một xuất phát điểm trong cuộc chạy đua tìm hiểu thế giới, mà trong nhiều gia đình thì thế hệ trẻ có nhiều lợi thế hơn. Nhiều người ý thức được giới hạn của mình nên sẵn sàng “hi sinh đời bố củng cố đời con”, tạo cơ hội cho con trẻ hội nhập thế giới toàn cầu từ rất sớm.

 

Nếu quan sát kỹ cộng đồng người Việt ở các nước, chúng ta sẽ còn ghi nhận thêm một biểu hiện nữa, đó là sau khi nhận thấy mình thua kém con cái trong quá trình hội nhập thì thế hệ phụ huynh sẽ phải học ngược từ thế hệ con cái để bảo đảm cuộc sống. Trước hết, bạn có thể hình dung ra tình huống bố mẹ không biết tiếng Ba Lan và phải lệ thuộc vào con cái làm phiên dịch trong buổi họp phụ huynh. Đến phần gặp riêng giáo viên chủ nhiệm và phải lựa chọn giữa hai phương án, thì có khi con họ chỉ chọn dịch duy nhất phương án mình thích và thêm vào câu kết luận là cô giáo bảo như vậy, thay vì dịch chính xác là cô giáo bảo chọn giữa hai phương án và trình bày phương án còn lại. Và phụ huynh chỉ có duy nhất một con đường là gật đầu với phương án mà chính con mình đã chọn, mất đi quyền uốn nắn con theo cách tính của mình. Những chuyện tương tự như vậy rất thường xảy ra không chỉ trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Và sau đó, trong rất nhiều gia đình, con cái được trang bị trình độ đại học thực sự ở nước ngoài cũng sẽ hơn hẳn phụ huynh từ luật pháp, tài chính cho đến chính trị, xã hội và tâm lý cuộc sống, rồi nhanh chóng nắm quyền chi phối trong các quyết định kinh doanh hay cuộc sống của toàn gia đình. Mô hình tiếp biến văn hóa theo chiều ngược như vậy được GS Margaret Mead ghi nhận bằng thuật ngữ prefigurative, tức là xã hội chưa hề có hình mẫu nào, phải học theo những đứa trẻ mà bây giờ mới đang hình thành bản sắc. Hơn vậy, đó sẽ là xã hội trong tương lai, tức phân kỳ lịch sử văn hóa thứ ba, mà nếu xét thời điểm bài giảng của Mead là vào năm 1969, thì đây chính là qui luật hoạt động của xã hội toàn cầu mà chúng ta đang sống hiện nay.

 

Thế giới từng lên cơn sốt vì những chiếc máy Walkman của đám trẻ thích đeo tai nghe và nhún nhảy khắp mọi nơi, khiến tất cả mọi lứa tuổi đều chạy theo thế hệ walkman. Cách đây không lâu ta có thế hệ @, của những chàng trai cô gái sống trong không gian ảo nhiều hơn ngoài đời thật, nói chuyện với nhau toàn bằng những từ ngữ hình thành từ game online, cũng khiến các bậc phụ huynh phải học dùng webcam để mà còn chát. Gần hơn nữa thì người ta nói nhiều đến thế hệ viết blog, một thú tiêu khiển mà ban đầu chỉ là dành cho thanh thiếu niên mà nhanh chóng gây nghiện cho những tên tuổi mà năm sinh chắc chắn không phải 9x, 8x, hay thậm chí 7x, như Osin, Kwan, và Beo. Ngay bây giờ thì có thể nói cả thế giới đang lên cơn sốt vì Facebook và đám cưới của cặp đôi Mark Zuckerberg – Priscilla Chan nổi tiếng từ Harvard. Thế hệ phụ huynh luôn luôn phải chạy theo những trào lưu khó mà dự báo trước của thế hệ trẻ, cho nên để cho tiện người ta đặt tên luôn là thế hệ X – một ẩn số. Nếu bạn không hiểu ít nhất một nửa những từ khóa vừa được dùng trong đoạn văn này thì chắc sẽ rất vất vả mới đuổi kịp thời đại.

 

Vấn đề là sau khi nhận ra qui luật của lịch sử văn hóa, mỗi phụ huynh còn phải dám vượt qua ego (cái Tôi) để học tập từ con mình, không chỉ để biết “con hơn cha nhà có phúc” mà còn dám nhận “trứng khôn hơn vịt” nữa, trong ngôi làng toàn cầu của thế giới phẳng mà chúng ta đang sống. Bởi vì, nếu không thì các vị tiên chỉ nhà ta đến một ngày sẽ phải nghe không phải là con cháu mình giảng bài mà chính là những bạn trẻ như Dâu Tây (Joe Ruelle) hay thầy cúng Paul Sorrentino và TS Edyta Roszko dạy lại về bản sắc văn hóa Việt Nam. Bạn sẽ muốn phụ thuộc vào một thế hệ trẻ đầy ẩn số là con cháu mình hay con cháu những cộng đồng dân tộc xa lạ nào đó? Trong một thế giới mà các bạn trẻ Việt Nam sẽ tự do chọn lựa bản sắc, nếu không học hỏi con cháu để tạo mối dây gắn kết thì đến một ngày bọn già chúng ta sẽ cô đơn ngồi tranh cãi trên mảnh đất không còn đơm hoa kết trái - mải mê hồi tưởng về một thời xa xưa “có gì đẹp hơn lúa” khi xung quanh một đám trẻ từ nơi khác từ lúc nào đã tràn ngập và đang thay đổi hết mọi đường đi lối lại lẫn ngay cả tên địa danh nơi này - để rồi ngơ ngác hỏi nhau: (chúng) ta (sẽ) là ai?

 

(*) Phiên bản chỉnh sửa và bổ sung đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 3.6.2012 với tựa đề “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” và kéo theo một cuộc tranh luận nhiều kỳ đang tiếp diễn. http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Cuoc-song-muon-mau/494804/Bon-tre-se-dat-ta-di.html

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2064
Ngày đăng: 23.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư ngỏ của Trần Mạnh Hảo Viện trưởng viện văn học - Trần Mạnh Hảo
Ngọn giáo - Huỳnh Văn Úc
Ksenia Sobchak - Huỳnh Văn Úc
Việt Nam không có báo lá cải ? - Tu Hú
"Ai cũng biết chỉ tổ chức tham mưu không biết" - Diệp Văn Sơn
Thảm họa báo lá cải, trách nhiệm thuộc về ai ? - Hồng Chung
Máy Xưng Tội Tự Động - Vũ Ngọc Anh
Đôi lời xin trao đổi với dịch giả Trần Thiện Đạo về bài báo “Dịch loạn” - Nguyễn Thành Nhân
đọc sử để thấm lẽ đời vua hiền - tôi sáng - Đinh Văn Hạnh
Thư Ngỏ Gửi Anh Đặng Hùng Võ - Vũ Ngọc Tiến
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)