Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.212.606
 
Dốc Mơ
Phạm Văn Nhàn

 

Buổi sáng ngồi uống trà, Hòa nghe tôi về tới thăm. Và, rũ tôi đi uống cà phê. Tôi đồng ý nhưng chỉ thích uống cà phê ở vĩa hè hơn là vào những tiệm có máy điều hòa không khí. Ngột ngạt , khó chịu. Ngồi ở vĩa hè thoáng, nhìn ông đi qua bà đi lại vui hơn. Hòa nói, tôi nghĩ mấy ông ở bên đó quen ngồi uống cà phê có máy điều hòa, ngồi bên ngoài sợ “vi trùng xâm nhập”. Người bạn vừa nói vừa cười. Tôi hiểu cái hóm hỉnh trong câu nói của người bạn , rồi hai đứa cười xòa trong số tuổi mà người nào nhìn lại cũng già. Hơn nữa đời người rồi, có còn trẻ chi đâu. Tính trên đầu ngón tay, chẳng còn  bao nhiêu đứa còn sống.

 

Hòa nói, ông thấy thế nào? Tôi nhìn hắn, thế nào là thế nào? Thì ngồi uống cà phê nơi vĩa hè này. Thích lắm, tôi yêu khoảng không gian này mà đã hơn hai mươi năm tôi không thấy được. Bên đó không có? Không. Tôi không biết thành phố khác như thế nào. Những thành phố có nhiều người Việt sinh sống tôi cũng chẳng biết, hầu như không quan tâm lắm. Còn ông thì sao, cuộc sống? Bình thường của một người làm “cu li” ngày tám tiếng trong hãng. Chừng tuổi này còn làm à, chưa về hưu à? Về rồi, nhưng ráng làm thêm kiếm chút  thu nhập. Tiền hưu ít ỏi. Đọi. Không thể về quê thăm nhà được thì làm sao ngồi đây với ông mà nói dóc.

 

Người bạn nhổ râu cầm, nhìn ra đường, một cậu bé trạc tuổi 13, 14 tuổi đi tới ông mua cho con vài tấm vé số, tối nay xổ đó ông? Tôi lấy 10 tấm cùng một con số như nhau, tôi nói  trúng trở thành tỷ phú phải không? Đứa bé nói dạ phải, trở thành đại gia đó ông. Tôi cười vỗ đầu nó. Lanh lắm, con nhà ai khéo ăn khéo nói. Hòa bảo con nít bây giờ là thế, lanh mới kiếm sống được.

 

Mỗi thời mỗi khác, ngày xưa, tôi hay nói hai chữ “ngày xưa” của những năm 1966 của thế kỷ trước, những đứa trẻ như thế này cũng bập bẹ vài ba tiếng Mỹ để dẫn dắt những người lính Mỹ hay Đại Hàn đến chỗ ăn chơi trong một thành phố có quá nhiều quán bar và động đĩ, để kiếm chút tiền còm từ mấy người con gái mua dâm. Còn bây giờ cũng những đứa bé chừng tuổi này đi bán từng tấm vé số phụ cho gia đình để đi học thêm là điều đáng quý. Hòa bảo với tôi như vậy. Tôi quay qua đứa bé, hỏi: Cháu còn đi học không? Dạ còn. Nhìn trên gương mặt sáng sủa. Tôi tin. Hòa nói những đứa trẻ nhà nghèo tự nó phải tìm thêm thu nhập cho gia đình để mua sách vở. Tôi hiểu.

 

Cuộc chiến đã qua gần bốn mươi năm, sự yên bình đã trở lại trên quê hương. Không còn những cái chết và sợ hãi của người dân do  bom đạn hai bên tham chiến trút xuống. Thành phố hôm nay mở rộng. Kinh tế phát triển. Nhưng hố sâu giàu nghèo trong dân vẫn còn cách biệt. Không thể giải quyết hết được. Hòa nói như vậy, còn bên ông có vậy không, giàu nghèo? Hút mẹ gì, ông tưởng tư bản là giàu hết chắc. Ai cũng có nhà lầu xe hơi? Còn có lắm người đi ăn xin nữa kìa. Ông giỡn? Không tin, ông lấy chuyến du lịch qua đó mà xem. Có điều họ ăn xin theo lối “tư bản”, viết vài ba dòng chữ trên tấm bìa, đứng ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Thất nghiệp. Không nhà. Ai cho một đồng thì cám ơn. Như vậy thì ở đâu cũng có người nghèo? Hòa đăm chiu. Tôi hớp một hóp cà phê nóng. Xã hội mà.

 

Ngồi cà kê với người bạn già trong xóm sau hai mươi năm gặp lại.  Trước một chín bảy mươi lăm, Hòa là con một nên khỏi phải bị “động viên” vào lính. Tụi bạn thường chơi với nhau bảo Hòa là “hủ mắm treo đầu giàng” của dòng họ . Còn chúng tôi thì cứ ung dung đón chờ cái giấy gọi lên đường. Trốn không được thì phải cầm súng , thế thôi. Chẳng có chút bận tâm. Không lấy đời lính làm cứu cánh. Như hôm nay, sau hai mươi năm về thăm quê, gặp lại vài người bạn cũ, lòng thấy thanh thản vô cùng.

 

Bỗng, Hòa hỏi ông còn nhớ Chừ không? Chừ! Nhớ chứ. Gần 50 năm tôi không gặp . Bây giờ hắn ta là một nông dân thong dong, nhàn nhã cỡ như phú hộ thời còn “thực dân tây”. Mặc áo bà ba “sa tanh” láng bóng. Tôi cười, ông nói gì mà ghê thế. Giỡn cho vui. Chừ bây giờ có cuộc sống thoải mái của một nông dân với những khu vườn trồng thanh long xanh mướt. Ông lên thăm Chừ không, tôi gọi nó?

 

Tôi vui lắm, khi gặp lại bạn bè. Ở cái tuổi  đất gần trời xa gặp lại bạn cũ là một niềm vui. Tôi nói với Hòa như thế. Chừ, người bạn nhỏ khi còn ngồi ghế trường làng lớp nhì, lớp nhất năm nào. Bỗng dưng một hôm tôi gặp Chừ đổi đến đơn vị của tôi. Nhìn nhau trong ngỡ ngàng nhưng lại vui. Chừ đến khoảng đâu gần một năm, thì tôi lại ra đi nơi khác, không còn liên lạc với nhau. Khi đó tôi về hậu phương, một ngành không chiến đấu. Còn Chừ, nghe đâu đơn vị cứ biệt phái, tăng phái hết chỗ này tới chỗ khác. Đời sống mấy ông thích thật, đi nhiều nơi nhiều chỗ. Một bà lão  đi tới trên tay cầm xấp vé số, mời mọc. Tôi lấy một xấp 10 tờ. bà già cám ơn rồi qua bàn khác. Tôi nói thích cái con mẹ gì, thằng nào cũng sợ chết. Nhưng với Chừ tôi có một kỷ niệm buồn. Một cái chết của Mơ. Mơ nào? Ông đưa tôi lên thăm Chừ sẽ biết.  

 

Đã lâu tôi mới trở lại vùng quê này. Con đường vào nhà Chừ không còn là con đường dùng để xe trâu, hay xe bò đi mà là con đường nhựa thẳng tắp. Nhựng ngôi nhà gạch khang trang, thoáng mát. Nhà Chừ không là ngôi nhà ngói nhỏ như ngày nào mà là ngôi nhà lầu, cao ráo, đồ xộ. Ngày xưa, chung quanh nhà trồng toàn mía. Một loại mía Tây, to tròn, ngọt nước. Mỗi lần thu hoạch, Chừ bó lại từng bó 10 cây, có thương lái tới mua. Còn bây giờ ruộng mía đó không còn thấy mà từ cổng vào là cả một khu vườn trồng thanh long xanh mướt. Hòa nói ban đêm thật đẹp, đèn sáng  từ những bụi thanh long này trông rất đẹp mắt. Tôi thấy Chừ đứng trên bật cấp của ngôi nhà chờ. Bộ áo bà ba lụa đúng như Hòa nói, mở gà. Tôi cười khi gặp Chừ sau cái bắt tay thật chặt. Không ngờ bọn mình cũng có ngày gặp lại sau cuôc chiến. Chừ nói. Làm sao chết được hã ông, còn sống là có ngày gặp lại. Tôi nói nhìn ông đúng là một nông dân nhàn nhã như Hòa đã nói. Thì lớn rồi, con cái nó nuôi, mình chỉ ngồi xem lũ nhỏ làm. Tụi trẻ bây giờ năng động lắm. Còn giỏi nữa.

 

Ba chúng tôi ngồi trong bộ ghế salon làm bằng gỗ đánh bóng, gió từ ngoài thổi vào mát, cửa sổ mở toang. Tôi lại nhớ gương mặt Chừ của 50 năm về trước, còn trẻ lắm, tôi cũng vậy, không ngờ hai thằng bạn hồi còn học tiểu học trường làng lại gặp nhau tại đơn vị này. Lúc đó tôi nhìn trong đôi mắt của Chừ có cái gì đó buồn buồn, tôi rũ qua hầm tôi uống cà phê vì tôi mới gởi mua dưới thị trấn BS . Chừ qua hầm của tôi vẫn gương mặt buồn buồn ấy. Tôi hỏi có chuyện gì vậy? Tin nhà. Không, chuyện chiếc xe Lam bị vướng mìn vào tuần trước. Thằng Chánh chưa kịp  gỡ thì chuyến xe đã qua. …Bây giờ, 50 năm sau, gặp lại tôi, Chừ hỏi ông còn nhớ Mơ không. Sau khi chuyến xe lam  bị vướng  mìn?

 

Nhớ Mơ không? Tôi nhìn ra khung cửa sổ như muốn dấu một nỗi buồn mà câu chuyện ấy đã qua 50 năm rồi, nhiều khi tôi cũng không muốn nghĩ tới nữa. Công việc sau đó của tôi ngập đầu khi tới đơn vị khác, rồi sau này phải lo cho vợ, cho con, nhiều khi tôi lại muốn quên, ngay cã cuộc chiến mà bọn mình tham dự, tôi cũng không muốn nghĩ đến. Mơ, tôi nghĩ 50 năm qua, nàng đã siêu thoát.

 

Nhưng lạ, sao hôm nay Chừ lại nói đến Mơ? Lòng bỗng dưng thấy buồn buồn ray rứt. Mấy mươi năm không gặp ông nhỉ? Chừ hỏi. Lâu lắm đấy, tính hôm nay vào khoảng 50  năm. Nữa đời người. Chừ thở dài. Thế mà hôm nay gặp là vui lắm rồi. Hòa nói. Vui thì có vui. Buồn cũng có buồn ông ạ. Bây giờ gặp lại ông, tôi nhớ con dốc đó. Hình như ông đặt cho nó là dốc Mơ. Ừ, tôi nói. Nếu Mơ không chết trong chuyến xe lam đó, hai đứa tôi lấy nhau. Còn thằng Mít? Chừ hỏi thằng Mít cũng tán cô ấy? Tôi cười, với Mơ thì nhiều người theo lắm. Một cô gái thợ may, ít nói, mắt to gương mặt như trăng sáng, đôi môi chum chím cười hoài, đỏ như son ấy, con gái xứ dừa mà cậu nào không muốn tán. Thằng Mít nói với tôi có lần thấy Mơ may cờ “Mặt Trận”? 50 năm qua tôi vẫn không tin, tôi nói với Chừ như thế. Tôi hỏi, ông còn nhớ ngày đó tôi với ông tới hiện trường, trong cái giỏ mang theo của Mơ có rất nhiều quần áo trẻ con nào xanh, nào đỏ, nào vàng, nào trắng. Những xắp quần áo trẻ con mà Mơ mang xuống thị trấn BS để giao hàng có cờ “Mặt Trận” nào không? Hay chỉ toàn là máu của Mơ dính vào trong những bộ quần áo trẻ con còn thơm mùi vải?

 

50 năm qua, chiến tranh cũng lùi lại gần 40 mươi năm rồi ông nhắc lại để làm gì. Hòa nói như vậy là tôi hiểu Mơ mà ông nói khi nảy nơi ngồi uống  cà phê vĩa hè. Tôi nhìn Chừ, nhìn Hòa chẳng có ai vui khi nghĩ đến cuộc chiến, nhất là cuộc chiến trên quê hương mình. Dân khổ vẫn là nông thôn. Bây giờ tôi nhìn ông, nhìn lại ngôi nhà của ông đã thay đổi nhiều quá không phải như mấy mươi năm trước mà tôi có dịp lên chơi với ông. Thanh bình rõ trên vùng quê này. Phải chi ngày xưa, con dốc nhỏ mà chỉ có tụi mình biết và đặt tên Dốc Mơ, sau cái chết của người tôi thương ấy, cô gái thợ may 17 tuổi, ộng và tôi cũng khoảng đôi mươi thì đẹp biết bao nhiêu sau ngày im tiếng súng , như hôm nay, ông nhỉ?

 

Chừ ngồi im trong sự suy nghĩ của ba người bạn già, hai người tham chiến một người không, để tùy mỗi người theo đuổi sự suy nghĩ im lặng trong căn phòng khách  nhà Chừ sau cái chết của Mơ mà Chừ vừa mới nhắc lại. Chỉ có tôi, Chừ ạ, vết thương năm xưa chừ bỗng nhiên sống lại. Tôi nghĩ ngươi con gái thợ may 17 tuổi năm xưa đó, hồn nhiên đến rồi hồn nhiên ra đi, giờ chắc đã siêu thoát, cũng như con dốc  mà tôi đặt tên Dốc Mơ chỉ có tôi và ông cùng một số người biết.  Giờ này chắc không ai biết nó là Dốc Mơ ở nơi nào. Cái địa danh đó nó mù mờ quá. Chỉ có trong cuộc chiến mà thôi. Vâng, con dốc nào ông đã đưa tôi về với tuổi thanh xuân của tôi một thời buồn nhiều hơn vui  trong cuộc chiến ấy./.

 

* một loạt bài viết khi về lại thăm quê sau hai mươi năm, gặp lại bạn bè*

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 2247
Ngày đăng: 25.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghe Kinh - Phạm Thanh Chương
Cơm Mo Cau Giữa Lòng Thành Phố - Lê Ký Thương
Sơn La Ký Sự 3 - Nguyễn Khôi
Nhân cách lớn làm nên một con người - Trần Ngọc Trác
Cha Tôi - Ngô Nhật Đăng
Ký (vô tích) sự vòng Bờ Hồ - Nam Dao
Xem Bóng Rỗi Hát Tế, Múa MâmVàng - Phạm Nga
Đại Ngàn Buồn Muôn Thuở - Minh Nguyễn
Sắc Màu Vùng Cao Nguyên Đá - Nguyễn Thị Hậu
Ăn Don Quảng Ngãi Mà Chạnh Nhớ Quê Xưa… - Phạm Nga