Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.209.696
 
Phạm Văn Nhàn, Những hiển lộ từ miền ký ức
Nguyễn Lệ Uyên

 

Phạm Văn Nhàn viết ít. Đến nay ông có 2 tập truyện là “Vùng đồi” và “Màu thời gian”, đều viết khi định cư tại Hoa Kỳ và do Thư Ấn Quán xuất bản. Trước 75 ông cũng có một số truyện ngắn đăng rải rác trên các báo văn nghệ miền Nam, nhưng có lẽ do chiến tranh, hành quân và huấn luyện nên không giữ được bản thảo và cả những bài lai cảo để có thể coi đó là dấu mốc cho sự nghiệp văn chương cho cá nhân.

 

Có lần ông tâm sự: “Tôi đến với văn chương, trước hết là vì bạn bè”. Như vậy, phải chăng niềm đam mê của ông với chữ nghĩa được nhìn thấy từ bóng dáng các bạn văn nghệ một thời, nơi những vùng đất đóng quân, kéo dài từ Bình Định đến Bình Thuận. Đó là những Trần Hoài Thư, Lê Văn Trung, Võ Tấn Khanh, Nguyên Minh, Nguyễn Bắc Sơn, Tô Đình Sự… nhất là với người anh Từ Thế Mộng. Nói khác, ông đã bị cuốn hút vào sinh hoạt văn nghệ từ trong nước hay sau này ở nước ngoài, ít nhiều đều xuất phát từ những người bạn. Ở đó, họ sống hết mình, làm việc hết mình và đối đãi với nhau bằng cả tấm lòng chân thật.

 

Chưa có thể khẳng định, rằng truyện của ông đã thành công hay chưa thành công trong thời kỳ văn học Việt Nam ở hải ngoại đang nở rộ muôn màu, muôn sắc và hẳn ông cũng không mong muốn mình là nhà văn “được chú ý”. Ông viết chỉ để trải lòng, để giải toả những ẩn ức, những u uẩn mà chính ông và thế hệ ông đã đưa lưng ra gánh đỡ một giai đoạn lịch sử quá đỗi bi thương, nhục nhằn. Nói theo chữ của Albert Camus, thì thế hệ ông “đã bị đẩy lên tàu – engagé le bateau”.

 

Đọc những truyện của ông, không phải để tìm kiếm điều gì mới lạ trong cách viết, nội dung hay những tư tưởng cao xa. Đề tài ông mang đến cho người đọc rất bình thường và gần gũi, xoay quanh những người thân yêu, những chiến binh một thời cùng ông lặn lộn trên chiến trường hay một vùng nông thôn, một thị trấn nhỏ và  nghèo, ở đâu đó. Bóng dáng các nhân vật trong truyện ít nhiều để lại trong ông những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn. Nó là những khuất lấp, nhưng lại hiển lộ ở một miền ký ức, từ những hồi tưởng. Nói khác, đó là sự chen lẫn giữa quá khứ và hiện tại. Nó xoắn tít như người ta đánh những sợi dây thừng. Các nhân vật ấy, từ ông bước ra rồi lại quay trở về với chính ông, như một mất mát được tìm thấy đầy khó khăn và nỗi cô đơn giữa chốn xa cũng khó khăn không kém!

 

Với cách kết cấu như thế, có vẻ như ông dễ dàng để cho cảm xúc tự bay nhảy, chảy tràn qua ngòi bút, không cần trau chuốt, không nắn nót, gò bó. Ông cứ buông thả cho ngòi bút tự do nói lên điều ông muốn nói, như một lời thì thầm, tâm sự mang tính chất độc thoại. Và hơn thế, là sự tìm kiếm tuyệt vọng nơi chính ông. Đó là những lão, những hắn, trôi lướt thướt qua ký ức mù mờ, chừng như cũng đã mất dần tên tuổi.

 

Trong truyện ngắn “Nơi góc phố cũ”, một sĩ quan ngày nào, giờ là lão, trở về nơi “lão” đã từng có thời gian dài gắn bó, chia sẻ niềm hạnh phúc cùng những táo tác trốn chạy với một vài người, với nhiều người. “Lão” trở về giữa trưa nắng và bới móc và hồi tưởng như một đoạn phim bị dập nát giữa trưa nắng đổ lửa: “Buổi trưa đứng bóng. Con đường như muốn bốc hơi. Như hai mươi tám năm trước khu vực lòng chảo vẫn nóng như đổ lửa dạo nào mà lão đã nhìn thấy những tân binh trong tiểu đoàn của lão ướt đẫm mồ hôi… Con đường mà lão đi lại nhiều lần, sáu năm chứ chẳng phải ít ỏi chi đâu. Đủ để cho lão nhớ”. 

Cái nhớ đầu tiên là nỗi nhớ đến nhức nhối ruột gan. Đó là những con người đang mang số phận như “lão”, là bóng dáng “lão”, đang sắp bị ném vào lò lửa chiến tranh tương tàn cực kỳ phi lý và dã man: “Nhìn một đoàn quân lính chưa ra lính, dân cũng không phải dân, rồi nhìn những tiểu đoàn bạn đi sau. Lão thấy tội nghiệp cho lão mười năm trong quân ngũ. Được cái gì và hôm ấy mất cái gì” (truyện đd).

 

Và số phận ấy, sau ngày tang thương, họ lại thấp thoáng hình hài Bá Di,Thúc Tề  chỉ ăn rau vi, không chịu ăn thóc nhà Chu. Họ hoài nghi về tính chính danh trong hóc kẹt của kẻ “chiến thắng”, của sự dối trá, lừa mị. Họ khó hoà nhập vào xã hội mà ở đó họ bị qui kết, bị báng bổ và lăng nhục? Hành động và tâm trạng kia, chưa có thể đặt cho cái tên mỹ miều là khí tiết, nhưng dẫu sao đó là cách chọn lựa ít khó khăn nhất trong hoàn cảnh oan khốc của lịch sử!

 

Người xưa lui về ẩn ở núi Thú Dương, sáng tối nghêu ngao: “Lên núi Tây kia chứ, rau vi ta hái. Bạo ngược thay bạo ngược chừ, chẳng biết là trái… Than ôi, chết thôi, vận mệnh chừ suy rồi” (Bá Di liệt truyện, Sử ký,Tư Mã Thiên). Ngày nay thì chiến hữu của “lão” lại hành xử không khác mấy: “Ông thường hay lùa đàn bò vào trong những khu rừng dưới chân núi Bạch Mã cho bò ăn cỏ. Ông chán không muốn trở về nhà khi còn ánh sáng” (truyện đd).

 

Hai người lính năm xưa gặp lại nhau trong ngần ấy năm, nhưng không phải trong tư thế của một là sĩ quan chỉ huy và một là Trung sĩ dưới quyền, trong Tiểu đoàn năm xưa mà là những “bại binh” bất đắc dĩ vẫn còn giữ trong tận đáy lòng những tình cảm sâu nặng, gần như ruột thịt: “Đàn bò dừng lại bên cầu, và Chấn chạy lại ôm lấy lão: Thầy đã về lại sao. Tự nhiên những giọt nước mắt của hai người lính già ứa ra trong cái lạnh hây hây của sương rừng” (truyện đd).

 

Những giọt nước mắt đã khép lại câu truyện, nhưng lại là truyện buồn, rất buồn.

Hình như, trong con người Phạm Văn Nhàn, nỗi buồn luôn chất chứa những bi phẫn. Bởi vì thế hệ ông đã “sinh ra lầm thế kỷ”, phải chứng kiến những cảnh đau lòng dằn xéo tâm hồn ông. Những con người bên này hay bên kia, không ai khác, chính là anh em ruột thịt, xóm giềng ngày ngày trông thấy mặt nhau, từng bên cạnh nhau, nay bỗng dưng chia lìa, thù hận: “…trong bóng đêm lại có những bước chân của những con người bí mật, âm thầm trở về, rồi cũng âm thầm ra đi… Cha theo về phía bên kia. Con cháu về phía bên này. Cứ đánh nhau hoài. Có thể cha con đánh nhau trên cùng một mặt trận mà không hay biết. Chiến tranh kỳ quặc, rõ ràng nồi da xáo thịt trong ngôi nhà của bác tôi” (Một chút ngậm ngùi).

 

Hầu hết những truyện ông viết đều mang nỗi hoài nhớ, pha lẫn chút ngậm ngùi. Các nhân vật đang vật lộn với đời sống khó khăn hôm nay, nhưng trong tận cùng đáy sâu tiềm thức của họ là những lớp sáng tối của quá khứ. Cái quá khứ ấy không hẳn là trọn vẹn, là hạnh phúc; nhưng trải qua những ngày từ thơ ấu cho tới lúc trưởng thành, bước chân vào đời, luôn là những bài thơ đẹp lộng lẫy như khói trời; bởi nó thấm đẫm tình người. Một cậu bé gánh nước thuê ngày nào, một ngôi biệt thự cổ kính, người thầy nhân ái, một thiếu nữ luôn thoi thóp về tình yêu… tất cả hiện trong tâm trí “hắn” như những hình nhân trong chiếc đèn kéo quân. Nó được tái hiện qua những hồi ức loá sáng, hụt hẫng để khi ‘hắn” trở về, thì nhận ra tất cả đều đã “già cỗi”, thay đổi quá nhiều. Và rồi “hắn” tự nhìn lại mình qua ngoại giới làm trung gian: “…hắn cố nhìn lại gương mặt của hắn in dưới dòng nước trong xanh. Già  lắm phải không, nước ơi, sông ơi, ta nhờ mi soi bóng ta  bên cầu mà đã bao năm tháng ta như cỏ rác, như lau lách bên bờ kinh, như cỏ gấu, cỏ mực trên đồi hoang. Đã bao năm ta sợ mảnh gương soi rọi ta trong đó. Bây giờ nhờ dòng sông soi rọi lại ta, để cho ta biết: ta của ngày nào” (Hương xưa).

 

Dòng sông, cây cầu, nơi “hắn” nhìn “hắn” không ngọt ngào, ảo diệu như khúc ly tao. Ngoại giới giống hệt quả pháo xô “hắn”, bắn vỡ hắn thành trăm mảnh ngậm ngùi: “…gợi lại gương mặt của mấy thằng bạn thân lưu lạc nơi chân trời góc biển. Chiến trường như nuốt chửng từng thằng một. Mỗi đứa mỗi nơi. Sống hay chết rồi cũng chẳng ai hay biết. Có chăng chỉ còn một chút kỷ niệm”.

 

Ba truyện ngắn ông viết về chiến tranh là: “Tháng năm hoa mận nở, Đất khổ người khổ, Vẫn những mùa xuân” là những phác hoạ có tính chấm phá về cuộc chiến tàn khốc mà chính ông đã tham dự, đã tận mắt chứng kiến. Đó là cảnh khốn khổ của người thiếu phụ đi tìm chồng nằm trong quân y viện, là cái làng quê bé nhỏ, nghèo nàn mang tên Gò Bồi bị dằn xéo giữa Ngày và Đêm, là tiếng gầm rú đạn bom, là nỗi sợ hãi, nhếch nhác của đám dân quê không còn đất sống; hay một cái chết tức tưởi của người thân yêu trong những ngày cuối cùng của miền Nam… Đọc những truyện này, dẫu cứng lòng đến đâu, khi khép sách lại vẫn thấy vướng vất một chút buồn thoi thóp, tựa khúc củi mục chìm dưới đấy ao, có muốn trồi lên cũng không thể. Các truyện trên chất chứa những miên man ngậm ngùi, không tàn khốc như các truyện của Phan Nhật Nam, Cao Huy Đỉnh, Thế Uyên…

 

Trên tuần báo Khởi Hành số tháng1.1970, đăng truyện ngắn của ông, có tựa: “Trong khoảng trời chiều” lấy bối cảnh ở một làng quê Bình Định, nơi ông đóng quân. Về cốt truyện, có rất nhiều nhà văn khai thác trước hoặc sau ông. Tuy nhiên ở truyện này, ông xâu chuỗi giữa hiện tại và hồi ức về quá khứ: Đó là những khổ luỵ của người dân vô tội bị mắc kẹt giữa hai lằn ranh, trong cuộc chiến Nam-Bắc và cuộc chiến của cả dân tộc thời kháng chiến chống Pháp. Cốt truyện không mới, không lạ, nhưng hơn hẳn là ông đẩy cao hơn tính nhân bản vào truyện, so sánh từ các nhân vật ở những thời kỳ khác nhau. Nhân vật chính là một sĩ quan chỉ huy của đơn bị bộ binh phải đối mặt với 20 người dân nơm nớp lo sợ trong một căn nhà hoang vào đêm tối trời, dưới ánh đèn leo lét, mù mờ. Tất cả bọn họ đều bị bắt về trong ngôi làng bỏ hoang, bị nghi là du kích! Số phận của những người dân không do họ quyết định, mà từ những con người như Thư, như Trung sĩ Ba, như Phú hay những con người ở phía bên kia. Họ có thể làm những việc tồi tệ, hạ cấp nhất như thời đánh Tây, đã xảy ra: “Thư không thể nào chấp nhận, cái lối chấp nhận của những tên Tây đen rạch mặt của hai mươi mấy năm về trước…Má của anh đó. Dì của anh đó. Em của anh đó. Những gương mặt nhơ nhớp của những tên Tây đen rạch mặt năm nào như sống lại… Hơn mười một thằng Tây thay phiên nhau thoả mãn thú tính xong thì cả mẹ, cả dì và cả em của anh nữa cũng chỉ là những cái xác không hồn ” (truyện đd).

 

Vết thương giấu kín tận đáy lòng trong từng ấy năm dài lại bùng lên khi thuộc cấp của Thư thốt lên: “Thiếu úy cho tôi mang nó ra ngoài là nó khai ngay thôi”. Anh hiểu Phú muốn gì. Và chính điều Phú muốn đã làm tấy sưng vết thương năm nào đến nỗi: “Anh thấy ghê tởm câu nói của Phú: mang nó ra ngoài là nó khai ngay thôi. Anh hiểu câu nói ấy…Một sự im lặng nặng nề trong ngôi nhà gạch bỏ hoang này. Anh không ngờ Phú lại có ý nghĩ tán tận lương tâm đến như thế…”. Tôi tự đặt cho riêng mình câu hỏi, rằng liệu Thư không bị ám ảnh bới chuyện cũ, hay chuyện ấy không xảy ra cách đó mấy chục năm thì liệu nhân vật chính có hành xử theo chuẩn mực đạo đức làm người không? Tôi chắc chắn là có. Bởi một truyện ngắn của bạn ông, có thời gian đóng quân chung một chiến trường khốc liệt, khi mô tả cánh quân kích đêm phát hiện có địch quân bên bờ suối từ tiếng hát “thiên thần tuổi ấu thơ, vô tư, trong trẻo tuổi thanh xuân” của người lính phương Bắc. Và, thay vì nổ súng, tiêu diệt, máu chảy, chết chóc, ai oán… người chỉ huy để cho cả toán kích đêm mằn im, nghe người anh em hát: “Tiếng hát như nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam.... Tiếng hát như dậy khỏi mồ, bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc lá như thể thôi lay động trên cành. Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái tim. Và trái tim thì lúc nào cũng sống vĩnh cửu" (Trần Hoài Thư, Viễn thám).  

 

Điều này không dễ gì xảy ra cùng một thời điểm, ở phía bên kia, bởi trong đầu họ đã sơn phủ một lớp sơn vĩnh cửu “hãy nhắm thẳng đầu thù mà bắn”. Vâng, khác phe phía đều bị qui kết là kẻ thù với những hành vi hãm hiếp, cướp của, đốt nhà, giết người không gớm tay… vẫn nhan nhản trong các truyện, tiểu thuyết của họ!

 

Khi viết những dòng này, thật lòng, tôi không cố ý dùng phép so sánh lố bịch; song, những gì đã xảy ra hai mươi năm trước đó và gần bốn mươi năm hôm nay, thì tri giác nơi những con người chân chính vẫn luôn cảm thấy đau nhói, như có hàng trăm ngàn mũi kim nhọn găm xoáy vào thịt da, giống y như dòng chữ cuối cùng trong truyện “Trong khoảng trời chiều”: “Người con gái đưa mắt nhìn theo chàng rồi tiếp tục cúi xuống vẽ những vòng tròn trên nền nhà gạch xụp đổ”.

 

Cảm ơn nhà văn Phạm Văn Nhàn đã dựng lên hình ảnh sống động của hôm qua và hôm nay, của quá khứ và hiện tại: những vòng tròn trên nền nhà gạch xụp đổ./.

 

 

 

Phạm Văn Nhàn

sinh 1942 tại Phan Thiết

Tốt nghiệp khoá 19 SQTB Thủ Đức

Trước 75 viết trên Khởi Hành và các tập san văn nghệ khác

Hiện định cư tại Hoa Kỳ

Trong nhóm chủ trương Tạp chí Thư Quán Bản Thảo

Tác phẩm đã xuất bản:

-Vùng Đồi

-Màu Thời Gian

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 2044
Ngày đăng: 27.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chữ Tháng Sáu - Nguyễn Hồng Nhung
Bão Tháng Sáu - Cẩm Loan
Nhớ “Cơn Lốc Màu Hoa Hồng” Trên Cầu Thị Nghè - Phạm Nga
Chiều Tha Hương - Trương Hoàng Minh
Tiếng Gà Trưa & Nỗi Nhớ Thương Hoài Niệm Một Đời… - Mang Viên Long
Nhà Viết Tuồng Đào Tấn, Và Cái Nhìn Tiến Bộ Về Phụ Nữ… - Trần Minh Nguyệt
Vài ghi chép khi đọc - Nguyễn Hồng Nhung
“Chuyện đời như lửa” của Đỗ Nam Cao: “Có thơ không để tôi rơi xuống trần” - Lãng Ma
Thư Gửi Người Biệt Tích - Tuyết Linh
Mưa rơi trên sông Hàn - Nguyễn Linh Khiếu
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)