Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.200
 
Còn Không Những Nổi Đau Của Người Phụ Nữ Thời Nay?
Hương Lan

 

(Nhân đọc bài thơ Điều ước của những người đàn bà của Trương Minh Phố)

 

 

ĐIỀU ƯỚC CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ

 

Họ cùng ngồi ở bến đợi xe

Đường còn xa mà xe tới trễ

Thời gian cũng như ngưng trệ

Họ giết thời gian bằng câu chuyện tầm phào

Người trẻ nhất ước ao

Thật sung sướng khi có chồng vừa đẹp trai vừa nhiều tiền bạc

Người thứ hai im lặng quay nhìn đi hướng khác

Gạt thầm nước mắt

Nụ cười héo hắt nét son

Người thứ ba cầm sợi tóc rụng trên tay

Mơ ước được một lần hưởng nỗi đau sinh nở

Người đàn bà thứ tư cúi nhìn chiếc bị cói bên chân

Đường vào thăm con ngoằn ngoèo trong trí nhớ

Người đàn bà thứ năm xoè bàn tay sần chai

Mong mỗi ngày kiếm được bát cơm vơi

Gom góp gửi về vùng quê vừa qua cơn lũ…

Những điều ước mong chưa bao giờ cũ

Luôn bủa vây thế giới đàn bà

Họ sinh ra và sống trong lấm lem bụi cát

Mà                                                        

Vẫn nghe tiếng nói cười trong vắt

Mỗi ban mai trước thân thiện con người.

 

 

Có xa gì, ngày xưa, nàng Thúy Kiều trong lưu lạc vẫn ao ước được Rảy xin chén nước cho người thác oan để có thể gặp lại chàng Kim nơi chín suối? Có lâu gì, hôm nào, nữ sĩ Hồ Xuân Hương thổn thức trong đêm Trơ cái hồng nhan khao khát được một lần trọn vẹn trong tình yêu?...

 

Và giờ đây, vẫn còn đó, những nỗi đau? Cả một trời mơ ước vẫn còn dành cho người phụ nữ. Những điều ước mong chưa bao giờ cũ!      

 

Bài thơ Điều ước của những người đàn bà của Trương Minh Phố lại một lần nữa gợi lại thế giới tâm tưởng của những người đàn bà, gợi lại những suy tư, trăn trở trong lòng biết bao người đọc về họ. Cái thế giới của những niềm đau và cả những niềm khao khát không thôi, muôn màu, muôn vẻ, chứa đầy những dằn vặt, giằng xé tâm can con người.

 

Trữ tình trong lối thơ tự sự như là những lời giải bày tha thiết của nhất của phụ nữ. Khung cảnh chuyện được mở ra từ nơi phức tạp, đông đúc nhất - bến đợi xe, nơi mới bắt đầu cho một hành trình dài đầy gian khổ, để kho chuyện của đàn bà tuôn ra. Chuyện bắt đầu từ người trẻ nhất. Những háo hức, mãnh liệt và cả sự bồng bột, non nớt trong khao khát của chị - …có chồng vừa đẹp trai vừa nhiều tiền tiền bạc. Không né tránh, cũng chẳng chút dè dặt, cái mơ ước giản dị và nông nổi. Để rồi mơ ước chỉ là mơ ước, để rồi, suốt đời thèm muốn, luyến tiếc, xót xa… Người thứ hai, nổi đau không nói thành lời, ẩn giấu vào thẳm sâu không cùng, để chỉ biết quay nhìn đi hướng khác, để Gạt thầm nước mắt, để nhoẻn Nụ cười héo hắt nét son. Bi kịch của đời chị được khơi dậy từ niềm ao ước đơn sơ của người vợ trẻ, chia nổi buồn cho người bạn đồng hành, nhưng nổi niềm trong lòng mình như lại như bị nhân lên. Đầy xót xa! Nổi đau ấy thật khó nói, khó sẻ chia, nó dai dẳng, thầm lặng, suốt đời!...

 

Có những nỗi đau thể xác mà khi trải qua một lần người ta phải bàng hoàng, sợ hãi. Nhưng nghiệt ngã thay, đôi khi nó lại trở thành nỗi thèm muốn không thôi của một đời người! Đó là câu chuyện của người đàn bà thứ ba – cái giật mình thảng thốt khi mỗi lần cầm sợi tóc rụng trên tay, tuổi sinh nở đang qua, đời người đang ngắn dần lại, để lại khao khát được một lần hưởng nổi đau sinh nở. Nghe ra thật kì quặc nhưng lại đầy xót xa cho sự bất hạnh của những mảnh đời! Thế mới biết quí trọng cái hạnh phúc lớn lao, được làm mẹ, được nhọc công vì tổ ấm, mà mỗi người đàn bà có được!

 

Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào, không nỗi thèm khát nào giống nỗi thèm khát nào! Chuyện của người đàn bà thứ tư có vẻ chua chát, cay đắng hơn! Suốt một đời nhọc nhằn nuôi con chắc có lẽ cũng không đớn đau bằng cái đau khi nghe con phạm tội. Cái tuổi già cần được nghĩ ngơi, yên tĩnh. Giờ đây những sóng gió, chao đảo của cuộc đời như vắt kiệt tinh thần người mẹ, để chỉ còn ngoằn ngoèo trong trí nhớ, trên con đường vào nhà giam thăm con.

 

Chuyện của người đàn bà thứ năm với những nhọc nhằn, lam lũ với chặng đường hành khất của mình, như khép chuyện của những người đàn bà ở bến đợi xe lại nhưng có lẽ lại mở ra bể khổ không cùng của những người phụ nữ thời nay. Thế nhưng dũng mãnh thay, tuyệt vời thay, những người đàn bà vẫn ngẩng đầu bước tiếp, vẫn truyền lửa cho căn nhà của mình và nhân loại. Đó là lời kết cho bài thơ:

 

Vẫn nghe tiếng nói cười trong vắt

Mỗi ban mai trước thân thiện con người.

 

Cả bài thơ dài có hai chuyện: chuyện về những nỗi đau như núi và chuyện tình yêu vô bờ của thế giới đàn bà. Chuyện khổ đau thì vô kể, nhưng vượt được lên những nỗi đau ấy thì mới đáng kể. Hóa ra kể khổ là để kể cái cao cả, cái vĩ đại. Dụng ý ấy của tác giả khiến người đọc càng thêm khâm phục, nghiêng mình. Sức mạnh tuyệt vời của người đàn bà thời nay có lẽ là ở đây!./.

 

Hương Lan
Số lần đọc: 1712
Ngày đăng: 29.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không Chỉ Là Gió Và Đêm - Nguyễn Thành Thi
Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi - Lâm Xuân Vi
Bên Sông Vọng Một Tiếng Đàn - Lê Hoài Lương
Joseph Huỳnh Văn Thi Sĩ Của Những Chữ - Nguyễn Tấn Cứ
Nguyễn Thánh Ngã - Mùa Đã Men Say Lắp Bắp - Trần Hòang Vy
Tuệ sỹ trên ngõ về im lặng - Tâm Nhiên
Hai Bàn Tay Thì Đầy - Bùi Việt Thắng
Phía Sau Những Bóng Mờ - Nguyễn Đông Nhật
”Bờm ơi là bờm !” - Bùi Công Thuấn
Nhìn về thơ Trần Yên Thảo - Trần Tuấn Kiệt*