Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.230.376
 
Ngọn Nến Thắp Trong Đêm
Nguyễn Trung Dũng

 

“Xuân Tâm đáo tử ti phương tận

Lạp chúc thành bôi lệ thủy can”

Thác rồi tằm mới dứt tơ

Tàn rồi ngọn nến mới khô lệ sầu.

(của...)

 

Tôi xin tự giới thiệu, tên tôi là Nến. Cũng có người không gọi tôi là Nến, họ gọi tôi là Đèn Cầy. Nơi sinh ra tôi ở một xưởng chế tạo nhiên liệu chất đốt. Bố tôi là những người thợ làm trong xưởng. Mẹ của anh em chúng tôi là những cỗ máy nặng nề bằng sắt. Khởi thủy, chúng tôi chỉ là chất sáp được nấu chín và đổ thành khuôn. Với hình tròn và dài, trong bụng có một sợi bấc ruột. Tùy kích thước cho mỗi loại nến, người ta chế chúng tôi ra nhiều khổ loại khác nhau. Lớn, nhỏ, dài, ngắn cho mỗi cây tùy theo ý muốn của họ. Khi anh em chúng tôi đã thành hình thù, mỗi hộp đựng chúng tôi cái to cái bé, gọn ghẽ và ngay ngắn trong mỗi cái hộp hay phong giấy bóng đó bọc chúng tôi lại có chữ và hình. Xuất phát từ xưởng chế tạo nến, chúng tôi được phân tán đến những cửa hàng bán tạp hóa, chợ rau cỏ trái cây, hay những nơi chùa chiền nhà thờ. Đấy là những gì tôi biết qua lời nói của chủ nhân xưởng sản xuất với những người đặt hàng đến mua chúng tôi.

 

Từ khi có một người khách đứng trước sạp bầy các thứ tạp dụng, người đàn ông này đưa tay lấy hộp đựng 6 anh em chúng tôi, rồi mang về nhà, ông để chúng tôi ở trên kệ tủ.

 

Năm trong 6 anh em chúng tôi, người trước kẻ sau đã được ông nhà văn lấy ra, đầu bị đốt, thân bị chảy, vào những dịp giỗ tết hay lễ lạt. Tôi là đứa cuối cùng còn sót lại chưa được ông nhà văn lấy ra dùng.Vì thế, ở nơi ông để tôi, trên một cái kệ gần chỗ ông ngồi làm việc trong một căn phòng đầy những kệ tủ sách vở, tôi không bao giờ thấy ông đụng tới. Căn phòng đó, như tôi đã nói, có những giá đựng sách báo, có một cái bàn mà để trên mặt bàn là một cái đầu máy, trước đầu máy có những ô chữ hình vuông. Từ chỗ tôi nằm, tôi có thể nhìn xuống thấy ông. Ông ngồi đó dùng hai bàn tay gõ mổ với những ngón tay của ông. Về ban ngày, cũng có lúc ông gõ máy, nhưng thường mỗi khi đêm tối về, ông nhà văn vẫn có thói quen là ngồi vào bàn và làm công việc của ông một cách chăm chỉ với bản chữ được gõ mổ, khi thì nửa đêm, khi thì mặt trời đã bắt đầu mọc.

 

Tối, với trận bão rớt thổi về thành phố, vì thế, bầu trời bao phủ với mây đen và gió lớn. Mây đen ngậm đầy nước, khi nước đã nặng, cái túi mây đựng nước chịu hết nổi thì rách toác. Mưa. Mưa lúc thưa, lúc mau, lúc ồ ạt, lúc ngưng rớt. Gió cũng có lúc hung hãn dữ tợn xô đẩy cành nhánh cây cối trong vườn, sàng qua sàng lại những cây cọ thân cao với lá xanh hay khô đeo dính ở đỉnh ngọn.

 

Khi ông nhà văn đã ngồi dưới ánh đèn sáng và cái máy đánh chữ đã mở, cơn bão ở bên ngoài, dường như, ông chẳng cần quan tâm đến. Ông gõ, gõ và gõ những ngón tay trên mỗi phiếm mẫu tự. Mỗi cái gõ của ngón tay ông, trên màn ảnh màu trắng hình chữ nhật cái máy ông đang đánh, ngay sau đó là một chữ hiện lên khung hình. Cứ đầy một hàng thì chữ tự động nhẩy xuống hàng dưới rồi đi tiếp nếu ngón tay ông nhà văn vẫn còn mổ trên mỗi phiếm hình ô vuông.

 

Nếu như tôi biết đọc tôi sẽ đọc được những hàng chữ của bản văn để biết ông viết về cái gì trên bản văn đó. Điều ấy, dù có cố gắng đến đâu, tôi cũng chẳng thể làm được. Bởi vì tôi chỉ là một cây nến mù chữ. Một cây nến vô tri vô giác so với một sinh động vật có lý trí và tình cảm. Có than thân trách phận cũng chẳng đi tới đâu, tôi tự an ủi mình là mọi cái hữu thể hiện thực ở cõi thế gian này, nó đã được an bài trước rồi nên không nên cần thắc mắc làm gì.

 

Bây giờ tôi muốn trở lại câu chuyện về ông nhà văn. Ông ngồi đó và đang say mê gõ. Chữ nối đuôi nhau theo một hàng dài như xác những con muỗi. Cứ nhìn cách ông chăm chú làm việc, tôi có thể chắc chắn và bảo đảm ông đang hứng thú một cách tột cùng. Phải vào những lúc nguồn văn tuôn chảy như dòng nước từ thượng nguồn đổ xuống phía thấp, ông mới có thể đi nhanh đến như thế được. Kính ông đeo đôi lúc trễ xuống sống mũi, ông cũng không có thì giờ để đẩy nó lên cho ngay ngắn. Hình như ông chú tâm một cách tuyệt đối vào việc làm của mình đến nỗi mà, cửa sổ ông quên đóng, gió đem cái lạnh ùa vào phòng ông cũng chẳng cần bận tâm.

 

Bỗng một tia chớp lóe sáng sau tiếng nổ. Sét đánh xuống cây cổ thụ trước tiền nhà. Rồi điện cúp. Điện cúp do một cành cây lớn gẫy. Cành cây rớt xuống đúng dây điện dẫn nhập vào nơi tư gia ông nhà văn. Mất điện chỉ là chuyện bình thường nếu ông không đang ngồi gõ bài, nhưng lại không bình thường vào cái lúc ông đang đánh dở cái truyện. Đây là một trở ngại lớn khiến ông phải buột miệng lên tiếng cằn nhằn. Chẳng thể ngưng ngang công việc ông đang có hứng thú, cần có ánh sáng để ông tiếp tục làm việc, đấy chính là lý do ông nhớ đến tôi.

 

“Cây nến đâu rồi. Mình để cây nến ở chỗ này mà. Tối quá. Tối thế này làm sao tìm được cây nến”.

 

Ông vừa nói vừa sờ soạng tay lên cái kệ tủ. Cuối cùng, bàn tay ông cũng tìm thấy tôi. Sáng lên từ một cái bật lửa, ông dí sát cái ngọn lửa đó lên đầu tôi. Sợi bấc là tim ruột tôi bắt cháy. Ở cái bàn viết chỗ ông ngồi, ông cắm đứng chân tôi trong một cái lọ thủy tinh thấp cổ. Bây giờ, thay vì ông ngồi gõ máy, ông dùng bút tiếp tục viết lên giấy những gì ông nghĩ ra.

 

Tôi nhớ lại những dòng chữ ông đã gõ trên máy không quá nhiều, chỉ năm sáu hàng cho một đoạn mở bản truyện ngắn, nay, ông đã quên nên ông khởi dựng lại từ đầu. Dĩ nhiên, một khi đã mất điện, ông biết chẳng còn cách nào tốt hơn là viết bằng tay trên tờ bản thảo trong lúc này.

 

Ngòi bút đi lúc nhanh lúc chậm tùy theo cảm hứng cho dòng văn ông đang ghi. Trong khi đó, bên ngoài trận mưa lớn đã bớt, chỉ còn những nhịp gõ đều và thưa của những giọt nước rớt trên tàng lá cây hay mái tôn bên hàng hiên căn nhà.

 

Ông chỉ thỉnh thoảng ngưng viết để đọc lại đoạn văn đã viết được. Hình như đó là lúc ông hơi cạn hứng, ông lùi một bước để lấy sức lực tiến lên về phía trước. Bao giờ cũng thế, tôi đã thấy ông nhà văn nhiều lần làm như vậy trong lúc ông vận động óc não, hít xâu vào để thở ra như một người tập luyện dưỡng sinh. Khi bơi, người bơi muốn lâu và xa, mỗi lần hụp đầu xuống nước thường phải nín thở, mỗi lần ngóc đầu lên khỏi nước, họ hớp mạnh không khí vào đầy buồng phổi để lúc hụp đầu xuống nước vẫn không bị ngộp. Bài văn ông viết đã được quá nửa trang giấy. Ngọn lửa trên đầu tôi vẫn reo vui giúp ông. Và đêm yên tĩnh trở lại khi cơn mưa đã tạnh hẳn. Bỗng, tôi thấy ông cao giọng đọc:

 

“Những tảng mây đen đùn lên ở phía chân trời. Đài dự báo thời tiết hôm qua đã loan báo cơn bão lớn đang kéo tới. Chẳng biết họ tiên đoán ra làm sao lại dám cả quyết sức gió và sóng biển lớn và mạnh đến nỗi phải khuyến cáo cư dân trong vùng tạm rời chỗ ở. Đối với những người lo lắng thái quá đã vội vàng hấp tấp ra đi. Họ thuê khách sạn hay ở nhờ người thân bạn bè nơi xa bờ biển và nơi luồng gió không qua đó. Còn riêng bà già Suzanne, bà chẳng cần quan tâm đến những gì tai nghe mắt thấy. Đứng ở sân nhà, khi những tảng mây đen kìn kịt đang đùn lên ở phía chân trời, bà Suzanne không những thản nhiên mà còn bình tĩnh hơn lúc nào hết. Bà đã ở trong ngôi nhà gần sát bên bờ biển này tính ra tới nay, chẳng quá  nhiều cũng chẳng quá ít, ba mươi năm rồi. Ngôi nhà đó, hồi chồng bà còn sống, ông đã bỏ công bỏ của có được bằng mồ hôi nước mắt xây dựng nên. Khi bà Suzanne về ở với ông chồng bà, thì ngôi nhà khang trang và rộng rãi đã được ông mua để làm món quà tặng cho bà vào ngày cưới. Bà Suzanne ở đó ba mươi năm trời rất thỏa mãn đúng với ý thích của bà. Bà Suzanne ở đó suốt tuổi hoa niên cho đến bây giờ tuổi đã già, bà chẳng phải cực khổ mưu sinh vì nhờ tài sản khổng lồ của ông chồng để lại. Thừa hưởng gia tài của một người chồng giầu có, dĩ nhiên bà phải là một trong số những người đàn bà hạnh phúc nhất trên đời. Trận bão như thông báo của đài khí tượng và của sở dự báo thời tiết năm nay không phải đây là lần đầu tiên bà nghe nói. Cũng đã có nhiều lần bão kéo đến nơi bà ơ,û hoành hành một hai ngày rồi kiệt sức phải cuốn gói bỏ đi”.

 

Ông nhà văn viết đến đó thì buông cây viết. Ông cầm bao thuốc lá để ở trên bàn rồi rút ra một điếu. Điếu thuốc được gắn lên môi. Đầu thuốc được ông dí vào ngọn lửa cháy trên đầu tôi. Thời gian tôi không biết đã qua bao lâu, nhưng thân thể tính theo chiều dài của tôi thì xác tôi đã rữa ra vừa đúng hai đốt ngón tay. Sáp lỏng của thân thể tôi chảy xuống theo một đường dài tạo thành một hình thù xù xì xấu xí. Tôi cảm thấy rát bỏng với sức nóng của ngọn lửa thiêu đốt sợi tim tôi. Nhưng tôi biết chắc chắn ông nhà văn đang cần tôi giúp ông để ông hoàn tất bản truyện ông đang viết. Điều đó đã khiến tôi ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình, là phải tận lực và cố gắng như ông nhà văn đang cố gắng và tận lực với công việc của ông. Vẫn đứng thẳng, vẫn giữ cho ngọn lửa cháy trên đầu, tôi chịu đựng và cương quyết để tự nguyện mình sẽ xứng đáng là một ngọn nến can đảm và hi sinh.

 

Khi ông hút hết điếu thuốc, mẩu thuốc ông rụi vào cái gạt tàn, tôi thấy ông lại cầm lấy cây bút. Đầu ngọn bút tiếp tục đi theo đường ngang trên tờ giấy trắng, với những chữ được ông nhà văn ghi lại. Ông đã có trớn để đi nhanh hơn và gấp hơn như một dòng suối có nước từ thượng nguồn đổ xuống. Trợ giúp cho ông viết, máu huyết da thịt tôi liên tục tiếp sức cho sợi tim là lòng ruột tôi cháy với lửa đều ngọn. Độ cao của thân thể tôi bây giờ chỉ còn hơn phân nửa so với lúc ban đầu, nhưng điều đó không là điều đáng để tôi quan tâm. Đoạn văn đã kín một trang giấy với những chữ, tôi thấy ông nhà văn có vẻ mệt. Lại buông bút ngừng viết, ông đọc phần mới viết như để rà lại những sai sót cần phải sửa.

 

“Khi bà Suzanne ngồi ở phòng khách, đồng hồ quả lắc treo tường gõ một tiếng boong, thì đúng là lúc khối lượng mây đen kịt đã xâm nhập bầu trời trên phố thị. Mây nặng và thấp đến nỗi mọi khi vào giờ này, ở trong nhà hay ở ngoài đường lộ, chẳng ai phải dùng đến ánh sáng của điện lực. Đấy là bởi bóng tối đã đến như bóng tối sau buổi hoàng hôn. Khởi đầu xô đẩy gây tiếng động bởi những cơn gió thổi cực mạnh, tôn mái hay đồ vật bị tung hất hoặc bay lên tứ tung. Bao giờ cũng có cuồng phong đi trước để dọn sẵn  đường cho cơn mưa đổ xuống. Với nước chứa trong cái vải bạt khổng lồ và đen kịt căng suốt bầu trời, dường như cái vải bạt chẳng chỗ nào không thủng lỗ, nên nước tạo thành một cơn mưa lớn chưa từng thấy. Bà Suzanne ngồi trong cái ghế sofa bọc da màu đen, nghe bằng tai, nhìn bằng mắt, tiếng động tưởng như đang thời chiến tranh, có súng đại bác nổ ầm ầm, có tiếng bom làm rung rinh mặt đất, bà bây giờ thực sự mới biết sợ. Bà sơ, nhưng đang lúc này, muốn bước chân ra khỏi nhà để rời đến nơi an toàn, điều đó không những đã khó mà thực sự không thể làm được. Tất cả mọi nơi, mọi chỗ, nhà cửa, đồ đạc, xe cộ, kể cả cây cối, trụ đèn, hết thảy đều rơi vào cảnh tàn phá đổ vỡ hỗn độn ghê sợ. Mọi khi, ở phòng khách nơi bà Suzanne đang ngồi, mắt bà có thể nhìn qua khung kính cửa, bà có thể thấy biển và phong cảnh ở bên ngoài. Nhưng bây giờ, vào lúc này, tầm nhìn của bà đã bị hạn chế không xa qua khỏi cái sân ở bên ngoài, mà ở đó, bà còn thấy những chậu cây hoa kiểng cái còn cố gắng đứng, cái đã bị hất xuống đổ với chậu vỡ đôi, vỡ ba. Chính vì bởi mắt bà không thể nhìn xa ngoài tầm nhìn, nên bà Suzanne đã không thấy những cơn sóng lớn đang tận lực ùa vào bờ. Chúng dựng đầu như đầu những con khủng long, với thân quẫy lộn nước của con mãng xà, tiếp nối từng đợt để thi nhau đổ về bờ đất đánh sập nhiều nơi cận biển. Và nếu với sức tấn công ồ ạt và liên tục của những đợt sóng lớn như thế, những ngôi nhà nằm sát mí biển sẽ bị sập rồi bị kéo ra khơi. Một khi tình trạng hết sức xấu như thế xẩy ra, cái nhà của bà Suzanne cũng khó hi vọng đứng vững mà không bị cuốn trôi ra biển”.

 

Ông nhà văn bỗng ngáp. Đã khuya và tôi biết ông đã mệt lắm rồi. Từ độ dài phân nửa vào lúc ông nhà văn cầm lấy bút cho tới bây giờ, cái phân nửa của tôi chỉ còn phân nửa cái còn lại. Như thế có nghĩa là thân thể tôi cụt dần dần theo tỷ lệ thuận của thời gian và độ cháy. Không biết bản truyện ông viết còn bao lâu sẽ chấm dứt, trước khi tôi hóa thân trở để về cõi cát bụi làm cây nến phục vụ cho con người. Trong khi tôi bận tâm nghĩ thế, thì ông nhà văn đã lại cặm cụi hí hoáy viết tiếp. Có lẽ ông cũng hối hả để hoàn tất cái truyện ông đang viết này như tôi cố hết sức  cháy để có ánh sáng cho ông sáng tác. Ông đọc đi đọc lại đoạn trên ông đã viết để ông bắt xuống đoạn dưới ông tiếp tục.

 

“Đêm đó, đối với bà Syzanne quả là một đêm khiếp đảm. Nhiều lúc bà tưởng như ngôi nhà của bà giống như một con tầu biển lắc lư trên sóng. Bà đang ở trên con tầu đó trôi giữa vùng đại dương. Đó chỉ là cảm tưởng mà không là sự thực. Vì sự thực, ngôi nhà của bà Suzanne có nghiêng ngả bởi mỗi cơn gió thổi thốc tháo vào vách tường, nhưng nó vẫn cố sức chống trả để không bị sập. Một vài ngôi nhà ở sát cạnh nhà bà Suzanne, thì, hình như nó đã biến mất sau khi phát ra những tiếng ầm ầm dữ dội của vật liệu đổ vỡ. Những ngôi nhà đó nằm cận mép bờ biển, nơi có sóng lớn ồ ạt đánh vào và moi vét mang đi những mảnh đất thịt. Khoét thành lỗ rộng như một cái hang xâu, đất mặt nền bị hẫng chân đã nhanh chóng lở sụt và lôi theo những căn nhà xây trên đó. Thời gian có lúc tưởng như ngừng lại, đấy là bởi sự mong đợi trời sáng rõ, nhưng ở bên ngoài, mắt bà cụ chẳng còn nhận ra vật thể hình thù gì. Chỉ là bóng tối một màu đen ngòm ngòm. Điện đã cúp. Bà Suzanne chỉ di chuyển nếu thấy cần, còn không, bà cụ ngồi đâu ngồi chết đó. Bà có một cái đèn bấm cầm ở tay. Muốn nhìn chỗ này chỗ kia cho rõ, cái đèn bấm với ánh sáng giúp bà thấy đồ đạc vật dụng chỗ đó. Khi thật rất cần, bà Suzanne mới sử dụng để tiết kiệm điện trì. Trong cơn mưa giông và gió dữ, ngôi nhà của bà đứng với sức chiến đấu không ngừng nghỉ mỗi khi bị xô đẩy, lôi kéo và đập phá. Còn bà Suzanne, từng giờ từng phút, bà cụ giành giật với tử thần cái sống và cái chết đang nắm giữa hai người. Nằm dưới chân bà già, con chó Lota nhìn chủ với con mắt sáng rực, chứng tỏ cho bà biết, nó chẳng có sợ cuộc bạo hành của đất trời. Một đêm kinh hoàng như đêm nay, bà Suzanne mới nhận ra con chó của bà đúng là một người bạn để bà không bị cô độc. Con chó đã gợi bà nhớ đến chồng. Hồi đó, nó rất nhỏ và dễ thương được chồng mua về nuôi, cho đến bây giờ, nó đã lớn tướng và khôn ngoan đủ trí khôn để biết thương yêu chủ và trông coi nhà cửa. Nó xứng đáng là một con chó tốt để bảo vệ bà yên tâm có giấc ngủ bình yên khi đêm tối đến. Trong cảnh cô đơn và lẻ loi vào lúc mưa gió bão bùng khủng khiếp như thế này, chưa bao giờ bà Suzanne cảm thấy nó đã gần gũi và thân thiết hơn lúc nào hết để vực đỡ niềm tin tưởng trước cảnh hãi hùng khủng khiếp của trận cuồng phong tung hoành ở bên ngoài ngôi nhà bà ở”.

 

Ngòi bút trên tay ông nhà văn khựng lại. Đấy là lúc ông không tiếp tục viết nữa để ngồi rà lại đoạn đã xong. Tôi nghe ông ta nói:

 

“Ta có thể kết được rồi. Phải đi nhanh hơn trước khi ngọn nến tắt. Phải đi nhanh hơn, trước khi”.

Ông nói với đôi mắt nhìn tôi. Điều đó đúng như ông nghĩ. Máu và da thịt tôi đã chảy ra và cạn kiệt khi thân thể tôi chỉ còn một mẩu cụt ngắn ngủi. Chưa bao giờ tôi hiểu và thương ông bằng lúc này. Ông muốn tôi giúp ông đúng với thâm tâm tôi sẵn sàng tiếp giúp ông. Vì thế, tôi dồn hết máu huyết còn lại trong người để nuôi cho ngọn lửa cháy sáng. Từng mảng thịt da tôi rát bỏng, chảy dọc xuống thân thể với những dòng sáp khô và đọng lại.

 

“Vào lúc trời đã sáng rõ, bão giảm dần. Những đợt mưa và gió chậm chân còn ở lại đùa quét lá trên đầu những ngọn cây. Nhưng với sức mạnh đã yếu không còn tác hại cho nhà cửa và những cột điện chưa hề hấn trong đêm khi cơn bão vào thành phố. Bà Suzanne có thể mở cửa để bước ra sân sau nơi có những chậu hoa đã đổ, cây trồng  đã bị gẫy, đồ vật để chỗ này chỗ kia đều bị xê dịch khỏi vị trí của chúng. Mắt bà nhìn ra xa biển khơi, bà không khỏi sửng sốt và ngạc nhiên khi thấy ít ra hai ba ngôi nhà đang nổi bập bềnh như những cái thuyền bị lật. Điều đó giúp cho bà hiểu rằng, những tiếng động quá lớn xẩy ra trong đêm chính là những tiếng của những ngôi nhà trên nền đất gần mé biển đã bị sụt lở rồi kéo chúng đổ xuống bờ ghềnh. Mặc dù không còn sóng lớn, nhưng mắt bà Suzanne vẫn có thể nhìn thấy những đợt hải triều dựng ngọn với những cái móng quặp đang thi nhau xô đẩy về bờ. Nhưng rõ ràng những đợt sóng đó không đủ sức mạnh như lúc biển động, cho nên lớp tới lớp lui đã biến mất khi chưa kịp tới thềm đất phía bên trong. Một cành hồng bà cầm ở tay, bà đưa lên mũi và ngửi nó. Bà chẳng biết mình làm thế để làm gì khi cầm trên tay cành hồng có ba bông hoa hồng để ngửi nó”.

 

Chữ cuối cùng ông viết xong cũng là lúc ngọn lửa cháy trên đầu sợi tim bấc trong ruột tôi lụi dần. Tôi kiệt sức rồi hóa thân theo tàn khói đen bay lên cao trong căn phòng ông để đi về cõi khác. Cuộc đời thật ngắn ngủi. Mới đây thôi, tôi sinh ra làm kiếp cây nến, để bây giờ, chỗ tôi đứng chỉ còn chất sáp khô trong cái lọ thủy tinh thấp cổ ở nơi bàn viết của ông. Tôi đã trả xong nhiệm vụ và bổn phận của thân phận làm cây nến, dù nhiệm vụ và bổn phận đó chẳng đáng để vinh danh, nhưng ít ra, nhờ tôi, ông nhà văn đã có một bản truyện ông viết trong đêm. Nếu giả như cái truyện ngắn ông viết đó được mọi người đọc ca tụng ông, ông sung sướng mãn nguyện, ông có nhớ đến công lao của tôi không, tôi tin rằng ông đã không nhớ, nhưng nhớ hay không nhớ đối với tôi cũng chẳng nên bận tâm để làm gì./.

 

5/04

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 2179
Ngày đăng: 29.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Tình Cô Đơn - Nguyễn Trung Dũng
Bên Hàng Dậu - Phan Ngọc Danh
Cầm thú truyền kỳ - Trần Hạ Tháp
Bên Dòng Sông Quê - Trần Minh Nguyệt
Nếu, Nếu Ngày Mai Nếu - Nguyễn Trung Dũng
Bức Thư Tình - Phan Ngọc Danh
Chiếc Răng Giả - Đặng Kim Côn
Tàn Theo Khói Thuốc. - Nguyễn Trung Dũng
Người Bạn Vong Niên - Trương Hoàng Minh
Đêm rơi ở phía sau lưng - Nguyễn Anh Thế
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)