Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.232.356
 
Những Cái Chum Trên Cánh Đồng Cỏ Cói
Nguyễn Trung Dũng

 

Phía Tây, mặt trời đã lặn. Ở đó, chân mây vẫn còn những tia nắng hừng sáng với mầu vàng da cam của nó. Mầu vàng da cam là cái nền lót làm nổi bật hình thù những cái chum trên cánh đồng cỏ cói của buổi hoàng hôn yên tĩnh ở vùng Bắc nước Lào. Cái vùng ông Sousath Phetrasy đến lần đầu vào năm 1990, và kể từ đó, ông đã bị những cái chum có ma lực ám ảnh ông đến nỗi Sousath Phetrasy chẳng lúc nào quên được chúng trong bất cứ lúc nào.

 

Với những cái chum nằm rải rác trên cánh đồng, chọn một cái tên để gọi nó không gì khác là Cánh Đồng Chum. Có lẽ khởi đi từ một người rồi nhiều người, cái tên đó đã trở thành quen miệng rồi chính thức là cái tên mỗi khi dân địa phương nói đến nó. Cánh Đồng Chum có những cái chum từ 2000 năm trước đã được nhiều nhà khảo cổ để ý đến nó, tìm hiểu xuất xứ lai lịch của nó như một di tích lịch sử của một thời đại xa xưa mà đến nay, những tiền nhân đều đã hóa ra tro bụi, nhưng những cái chum vẫn còn, tiếp tục còn, theo thời gian không chịu mai một. Giả thuyết được đưa ra thì nhiều, nhưng sự quyết đoán chính xác và rõ ràng thì lại ít có chứng cớ cụ thể. Người ta chỉ có thể dựa vào những yếu tố khảo cứu để mô tả về vật chất chế tạo, niên đại và thời đại cổ nhân để phỏng đoán xuất xứ và lai lịch những cái chum trên cánh đồng chum ở một vùng đất khô cằn với cỏ cói mọc. Vẫn chỉ là giả thuyết được suy luận thì theo những nhà khảo cổ có người cho rằng: “những cái chum dùng để đựng rượu”, người khác bảo: “những cái chum dùng để đựng xác chết khi xác rữa da thịt thành ra xương cốt, xương cốt đó được lấy đem đi chôn”. Giả thuyết có quá nhiều nhưng điều để xác quyết về giả thuyết đó thì lại thiếu căn bản cụ thể.

 

Ông Sousath Phetrasy không phải là một nhà khảo cổ, vì thế ông chẳng có một thắc mắc nào để mất thì giờ ngồi đó đưa ra những giả thuyết vu vơ vô tích sự. Với ông, điều thực tế là ông thấy cần những cái chum trên cánh đồng vì nó có sức quyến rũ và gây lợi nhuận trước mắt cho ông hơn là chuyện tìm hiểu về điều này điều nọ. Xuất xứ, lai lịch của những cái chum chẳng cần thiết nếu như những cái chum đó chỉ là những cái chum vô dụng chẳng khiến ông Sousath Phetrasy phải quá sức bận tâm. Có điều chắc chắn ông Sousath Phetrasy biết rằng, những cái chum đó là nguồn lợi lớn khi ông khai thác nó vào đúng mục đích thì mục đích là cứu cánh và phương tiện sinh ra tiền của cho ông. Đơn giản chỉ có thế còn những chuyện khác không phải là chuyện của ông làm. Ông đã cân nhắc tính toán kỹ lưỡng trước khi ông chính thức xin nghỉ việc ở sở làm, để rồi Sousath Phetrasy quyết định dọn về thị trấn Phonsavan ở hẳn. Xây dựng một khách sạn, Sousath Phetrasy dĩ nhiên là chủ nhân khu khách sạn đó với chủ trương cho khách du lịch mướn phòng và hướng dẫn họ đi đến cánh đồng có những cái chum. Công việc đó không đơn giản như người ta tưởng, vì trước đó nhiều thời gian, Sousath Phetrasy và đứa con trai của ông đã phải khai quang những nơi dự tính được du khách đến thăm viếng. Cỏ cói hay những chướng ngại vật nào khác chẳng là điều làm ông Sousath Phetrasy quan ngại, nhưng điều quan ngại lớn nhất vẫn là sự nguy hiểm ở những quả bom nằm nhẫn nhục ẩn mình dưới sâu lớp đất. Tại sao lại có bom ở một nơi đồng không mông quạnh có những cái chum nằm lăn lóc đã từ ngàn năm bị bỏ quên. Điều đó chẳng là điều bí mật phải tra cứu sách vở, hỏi han ai xa, vì ông Sousath Phetrasy đã biết quá rõ vào thời chiến tranh, những chiếc máy bay Mỹ đã xuất hiện trên bầu trời, rồi những quả bom nặng ký đeo dưới bụng đã được thả xuống. Có những quả chạm đất rồi nổ, nhưng cũng có những quả chui sâu xuống dưới đất không nổ từ nhiều năm rồi. Thời điểm đó vào thập niên năm 1960, cánh đồng Chum là chiến trường ác liệt và đẫm máu nhất khi lực lượng Cộng sản Lào và bộ đội quân Bắc Việt mở mặt trận xâm nhập vào lãnh thổ để uy hiếp thủ đô. Yểm trợ bằng không lực cho sắc dân chủng tộc thiểu số người Hmong và binh sĩ Thái Lan, thay vì đưa binh lính Hoa Kỳ tới tham chiến, Mỹ đã gián tiếp can thiệp bằng cách dùng phi cơ đem bom thả xuống vùng có địch. Đối với những quả bom chưa nổ nằm lẫn lộn với những cái chum trên cánh đồng vẫn là điều khiến ông Sousath Phetrasy quan ngại, bởi vì ông South Phetrasy không thể kiểm soát nổi để biết chắc nơi nào vẫn còn bom khi đưa du khách tới coi những cái chum trên cánh đồng. Cùng với đứa con trai, suốt một thời gian dài, với công sức bỏ ra, ông Sousath Phetrasy đã khai quang được khá nhiều chỗ bằng cách làm vô hiệu hóa những quả bom đó, đưa chúng về và sử dụng chúng vào các việc khác hữu ích hơn là để chúng sát hại người. Ở khách sạn có tên Maly của ông, ông Sousath Phetrasy đã thực hiện được một bộ sưu tập lộng kiếng với những bom đạn và vũ khí mà ông lấy về, để mỗi khi khách du lịch tới thuê mướn phòng, ông lại có dịp chỉ tay lên bức vách tường khoe chúng với lời chỉ dẫn đầy hứng thú và hãnh diện. Sự thực, việc tháo và gỡ những quả bom chưa nổ không thể coi là một chuyện đùa nếu như những vật vô tri vô giác đó bị kích hỏa. Chỉ cần một sự bất cẩn thì trong tích tắc, những quả bom sẽ tự xé nát thân thể nó cũng như thân thể người sờ mó nó để chẳng còn gì nguyên vẹn như lúc ban đầu. Ông Sousth Phetrasy chưa hề theo học một khóa huấn luyện về đạn dược, vì thế Sousath Phetrasy không thể được coi là một chuyên viên tháo gỡ bom mìn để làm cái công việc cực kỳ nguy hiểm như thế. Đó là sự ngu dốt và liều lĩnh vì Sousath Phetrasy thực tình chưa hiểu về những quả bom nó có sức công phá đến mức độ ghê gớm như ông ta hiểu. Một người chuyên môn về đạn dược đã nói với ông Sousath Phetrasy sau này để cảnh cáo ông không nên tiếp tục chuyện đùa rỡn với Tử thần nếu như ông vẫn còn biết quí mạng sống. Thực ra, đây không phải là lần đầu ông Sousath Phetrasy dám mò mẫm những quả bom chưa nổ, mà vào lúc 10 tuổi, Sousath Phetrasy được cha gửi sang Trung Quốc để tránh chiến tranh bất ổn ở trong nước. Ở Trung Quốc, Sousath Phetrasy vốn ghét đến trường nên vượt biên trở lại đất Lào rồi kẹt ở vùng biên giới phía Bắc. Năm năm sống ở hang động, tự túc mưu sinh, ông Sousath Phetrasy đã phải tháo gỡ bom đạn chưa nổ để lấy thuốc nổ bắt cá và thú rừng. Chính vì sự hiểu biết về những quả bom chưa nổ quá thiển cận của mình, ông Sousath Phetrasy đã chẳng bao giờ nghĩ tới những quả bom đó sẽ phát nổ và khi nổ, nó sẽ mang đi mạng sống của ông.

 

Bây giờ công việc của Sousath Phetrasy chỉ đơn giản là có khách sạn cho du khách đến thuê phòng. Và cũng còn một việc nữa là hướng dẫn du khách đến cánh đồng coi những cái chum nếu họ yêu cầu ông cho họ đến. Cả hai đều sinh sôi tiền bạc và giúp cho Sousath Phetrasy có một cuộc sống có ý nghĩa. Nếu không có ông là người khởi xướng ra việc này, dĩ nhiên cánh đồng chỉ là cánh đồng bị người ta bỏ quên và những cái chum cũng chỉ là những cái chum vô ích nằm ở một vùng đất chẳng có một bóng người. Sousath Phetrasy có quyền hãnh diện với công việc của một người khai phá ra nơi đất thiêng mà ở đó, những cái chum cổ mang nhiều huyền bí từ ngàn năm không được biết, được nhắc đến. Ngày nay, chỉ có mình ông, ông là người bạn chí thân với những cái chum nằm an phận trên cánh đồng cỏ cói, nằm bên cạnh những quả bom ẩn mình dưới lớp đất sâu, nằm dưới những cơn mưa lạnh hay những ngày nắng nóng suốt nhiều năm trôi đi với nỗi buồn của những cái chum có miệng nhưng không biết nói. Bây giờ, chính ông Sousath Phetrasy là người đã nói thay cho chúng, bảo giùm chúng với mọi người rằng: “chúng tôi dù là những cái chum bằng sành hay bằng đá, chúng tôi vẫn hiện diện ở nơi đây với hồn của người xưa. Mọi vật sẽ mất nhưng chúng tôi vĩnh viễn sẽ không mất”. Điều đó, chỉ riêng ông Sousath Phetrasy biết và hiểu âm hiệu mà từ những cái chum truyền đạt.

Đêm đó đã khuya. Không ngủ được với nhửng tiếng trống chiêng và tiếng la hét vọng về từ cõi nào đó, có thể là cánh đồng nơi có những cái chum bằng đá xanh, đất thó nung đỏ, lọt vào tai ông Sousath Phetrasy lúc rõ lúc mất, lúc cuồng nộ, lúc trầm buồn. Điều đó gây cho ông Sousath Phetrasy khó hiểu nên ông thắc mắc về một đêm có quá nhiều tiếng động bất thường. Đứng ở ban công trên thượng tầng của khách sạn, với tầm xa nhìn về cánh đồng có những cái chum thì xa quá, xa nên mắt ông Sousath Phetrasy chẳng dễ gì nhận ra vật thể ngoài cái bóng tối đen kịt mầu nhựa đường. Nhưng thay vì nhãn quan, thần trí đã giúp ông Sousath Phetrasy nhận ra rằng, ở đó, nơi cánh đồng có những cái chum vẫn là những cái chum nằm rải rác khắp nơi, những cái chum như đang nhấp nhổm trong điệu vũ trong ánh sáng của những bó đuốc đỏ rực. Chung quanh những cái chum đó, ông Sousath Phetrasy còn thấy những bóng người nhẩy múa với một vòng tròn rộng, vừa nhẩy họ vừa hát bằng ngôn ngữ không sao ông hiểu được. Ảo giác hay ảo tưởng đã khiến ông Sousath Phetrasy mất định hướng tâm trí về một điều thực và hư trong hai đêm liền ông thức giấc, đứng ở “balcon” rồi nhìn trố con mắt về phía cánh đồng có những cái chum. Sự thực, chẳng ai biết chắc về những đêm như thế, những người xa xưa trở về cõi đất nơi có những cái chum họ chế tạo bằng đá trong một ngày hội để gặp lại nhau bên những đồ vật mà giờ đây chúng đã trở thành di tích cổ kính tồn tại nơi thế gian. Ông Sousath Phetrasy thường đem những hiện tượng quái đản đó ra nói với mọi người, nhưng phần lớn những người nghe ông kể đều kết luận rằng: “chuyện đó hoàn toàn không thực”, “chuyện đó là chuyện hoang tưởng bởi đầu óc bất bình thường của ông mà ra”. Ông Sousath Phetrasy thì vẫn dứt khoát tin tưởng những cái gì ông thấy đều đúng mà không do ông bịa đặt. Và để chứng thực điều đó, một đêm tối trời khi nghe mọi âm thanh của tiếng trống chiêng, tiếng hát và những bóng người nhẩy chung quanh những cái chum cũng nhấp nhổm nhẩy múa, ông Sousath Phetrasy đã có mặt ở nơi xẩy ra như chính ông là người được mời đến dự hội. Khoảng cách rất gần và rất rõ để mắt ông Sousath Phetrasy có thể nhìn thấy và tai nghe rõ thì ông Sousath Phetrasy đã chẳng nhận ra gì ngoài những cái chum nằm bất động như chúng bất động từ 2000 năm rồi. Chuyện như thế chẳng cần phải bận tâm đến nữa, thì ngày lại ngày, ông Sousath Phetrasy bỏ hết thì giờ lo việc đón tiếp du khách và đưa họ đi coi những cái chum với lời giải thích khi cần giải thích về điều này điều nọ cho họ biết. Khác với lòng tôn kính của ông đối với những cái chum có linh hồn thì những người du khách do ông dẫn đến lại tỏ ra rất thiếu lịch sự khi đứng coi những cái chum. Dưới mắt họ, ông Sousath Phetrasy biết một điều chắc chắn, họ chỉ coi những cái chum là đồ vật như bất cứ mọi đồ vật nào khác chẳng có giá trị gì về mặt tinh thần. Trái lại, Sousath Phetrasy quan niệm khác hẳn, ông cho rằng, những cái chum đó là vật linh thiêng vì từ vật chất vốn dĩ, nó đã gửi gắm linh hồn của những tiền nhân thời đại xa xưa để lại. Gỗ, đá, sắt, thép chỉ là gỗ, đá, sắt, thép bình thường, nhưng một khi từ gỗ, đá, sắt, thép được đúc tạc thành tượng Thần Thánh, tượng Chúa và Phật, thì chính những đồ vật thờ phụng đã linh thiêng vì nó ẩn mật tinh thần không thể chối cãi được. Một đôi khi, ông Sousath Phetrasy đã tỏ ra khó chịu về sự bất kính của một vài du khách khi họ phạm lỗi lầm là ngồi, gõ hoặc nạy bóc những mảnh vụn của những cái chum đó như một sự nghịch ngượm vô ý thức. Ông Sousath Phetrasy chưa bao giờ dám có những hành động cử chỉ như thế vì ông tin rằng, ở mỗi cái chum rải rác trên cánh đồng chum, mỗi cái chum đó là một ngôi nhà của những hồn ma những người xưa đã khuất. Nếu người ta đặt giả thuyết cho rằng, chum là nơi để đựng những người đã chết và khi xác chết đã rữa thịt da, nắm xương tàn được bốc khỏi chum đem đi cải táng. Chum thay cho quan tài đựng hình hài người quá cố hiểu theo nghĩa đó thì những cái chum đã chứa đầy những hồn ma của rất nhiều người rồi. Giờ đây, cho dù chúng chỉ là những vật thể vô tri vô giác, nhưng chúng đã trở thành những bảo vật hiếm quí có một không hai tồn tại sau 2000 năm đứng rất vững, rất kiên nhẫn trên cánh đồng cỏ. Ông Sousath Phetrasy còn biết có nhiều kẻ bất lương đã đến nơi đây với mục đích lấy cắp chum đem đi. Tất nhiên những cái chum đó được bán sang tay cho những người khảo cổ biết giá trị của di vật mà họ ham muốn tìm mua. Hành động như vậy đều được ông Sousath Phetrasy cho là xúc phạm thô bạo đến những nơi linh thiêng ở vùng cánh đồng có những cái chum được coi là cổ vật bất khả xâm phạm.

 

Có một đêm, ngồi trà đàm với một nhà khảo cổ đến thị trấn Phonsavan ở thuê phòng khách sạn của Sousath Phetrasy, trong lúc chuyện trò ông Sousath đã phàn nàn về những điều ông bất ưng bất xứng việc người ta ít chú trọng đến một di tích cần được khai thác và bảo tồn. Đối với người khách du lịch thì việc ông Sousath Phetrasy nêu ra chẳng có một ý nghĩa gì cả, nó đi ra ngoài phạm vi, quyền hành và bổn phận của ông ta nên chỉ sau đó ít phút, ông ta không chú tâm bao nhiêu về vấn đề được ông Sousath Phetrasy coi là lớn lao trọng đại.

 

Sống gần những cái chum thầm lặng trên cánh đồng cỏ cói và tiếp những du khách đến rồi đi sau khi thỏa mãn mắt nhìn những cái chum khổng lồ, ông Sousath Phetrasy vẫn chỉ là một người cô đơn nhất, buồn bã nhất với vai trò chủ nhân của cái khách sạn chẳng thể được coi là lớn, ở Phonsavan - cái thị xã ở tỉnh Xieng Khuang nó cũng quạnh hiu như  Sousath Phetrasy với bụi bậm và vắng vẻ. Thế nhưng đối với Sousath Phetrasy, điều hạnh phúc nhất vẫn dựa vào những cái chum cách không xa thị xã, vùng Thong Hai Hin là một nơi có những ngọn đồi, một nơi nằm rải rác vài trăm cái chum lớn nhỏ, vẫn là cái an ủi và hài lòng đối với Sousath Phetrasy.

 

Nhiều năm trôi đi cho đến nay, có đôi khi trước lúc bóng tối kéo về cánh đồng cỏ cói, dân địa phương nhìn thấy ông Sousath Phetrasy đứng chống gậy, đưa mắt ngó những cái chum nom xa như những cái đầu người, nhấp nhô mỗi chiếc mỗi nơi trên rải đất dài và rộng. Bây giờ tuổi già, sức yếu, lực kiệt, ông Sousath Phetrasy biết chẳng thể đến gần những cái chum để sờ mó tay, nhìn ngắm chúng như lúc còn khỏe mạnh. Nhưng với khoảng cách của tầm mắt, ông Sousath Phetrasy vẫn có khả năng của nhãn lực để thấy được những cái chum trước khi đêm đen bao phủ cánh đồng cỏ cói xóa đi mọi vật. Nhỏ nhoi và đơn giản chỉ có thế nhưng đối với ông Sousath Phetrasy thì điều đó lại là điều hạnh phúc vô cùng của đời ông. Và đời ông so với những cái chum trên cánh đồng chum lại đoản hạn của kiếp người. Một mai ông chết đi, những cái chum vẫn không chết như ông vì số mạng của những cái chum đó bất tử nếu chúng không bị quấy rầy bởi bọn buôn bán đồ cổ vật.

 

Đêm có gió, gió thổi vào miệng những cái chum nghe như tiếng sáo ở không xa vùng Thong Hai Hin, thị xã Phonsavan đầy bụi đất và cô quạnh với nhà cửa dân cư lèo tèo. Và đêm như thế, ông Sousath Phetrasy thường ngồi cạnh cửa sổ với một điếu thuốc lá gắn trên môi, đưa mắt nhìn về cánh đồng có những cái chum mà lúc bấy giờ, không gian và thời gian đặc quánh và khuya lơ khuya lắc. Nhưng, với điếu thuốc, ông vẫn ngồi ở đó cho đến khi ở phía cánh đồng chum, mặt trời đã mọc để thấy hình thù những cái chum hiện ra như những quả bí ngô vóc dáng khổng lồ. 

 

* Dựa theo Cánh Đồng Chum, bài của Richard C.Paddock, bản dịch của Nguyễn Bá Trạc, đăng trên Việt Mercury.  

   

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 2081
Ngày đăng: 03.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quả bóng Euro - Hòa Văn
Chôn Đứng - Khuất Đẩu
Ngọn Nến Thắp Trong Đêm - Nguyễn Trung Dũng
Người Tình Cô Đơn - Nguyễn Trung Dũng
Bên Hàng Dậu - Phan Ngọc Danh
Cầm thú truyền kỳ - Trần Hạ Tháp
Bên Dòng Sông Quê - Trần Minh Nguyệt
Nếu, Nếu Ngày Mai Nếu - Nguyễn Trung Dũng
Bức Thư Tình - Phan Ngọc Danh
Chiếc Răng Giả - Đặng Kim Côn
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)