Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.204.371
 
Cần đổi mới sân khấu
Tuấn Giang

 

1.Thi pháp kịch.

 

Sân khấu đổi mới, đòi hỏi nền sân khấu hiện nay phải đổi mới: đổi mới nội dung đề tài vở diễn, đổi mới kịch bản. Đổi mới kịch bản đòi hỏi đội ngũ tác giả đổi mới cấu trúc hình thức kịch bản, đổi mới nội dung phản ánh hiện thực cuộc sống  đề tài vở diễn. Đổi mới toàn diện thi pháp kịch, hình thức thể hiện.

 

Thi pháp kịch, là hệ thống các phương tiện biểu hiện đời sống tác phẩm bằng hình tượng nghệ thuật qua cấu trúc kịch bản. Thi pháp kịch là hệ thống ngôn ngữ, phương thức phản ánh thế giới nội tâm, đời sống nhân vật, ấn tượng nghệ thuật, thẩm mỹ sân khấu. Thi pháp phản ánh cấu trúc hình thức tác phẩm kịch, ngôn ngữ, phong cách, xây dựng hình tượng nhân vật và hình tượng tác phẩm. Thi pháp xây dựng hình tượng là mô hình cấu trúc hệ thống hoá hình tượng thế giới nhân vật qua thời gian, không gian, tạo thành hình tượng tác phẩm nghệ thuật. Nhìn lại hình thức cấu trúc tác phẩm kịch Việt nam quá lỗi thời về thi pháp, đó là các phương diện tổ chức, tác phẩm ngôn ngữ, văn phong, hình tượng nhân vật, phương thức, hình thức thể hiện cần đổi mới thi pháp kịch.

 

Về ngôn ngữ văn phong kịch Việt Nam so với những năm 70 của thế kỷ trước đến những năm đầu thế kỷ mới đã đổi mới, nhưng chưa theo kịp yêu cầu nhịp sống ngôn ngữ hiện đại. Xu thế đổi mới ngôn ngữ thiếu văn phong ngôn ngữ trí tuệ hiện đại, phần lớn các tác phẩm kịch, chèo, tuồng, cải lương … lại đổi mới theo ngôn ngữ thị dân, ngôn ngữ dung thục thô bỉ. Nhiều vở diễn khai thác chất tình dục của Hồ Xuân Hương, nhưng không có cái sâu xa, dí dỏm, văn hoá, ý nhị của bà, mà đi vào tình dục bạo lực. Những lời đối thoại như: Xin phép chị! em đi đái sắc (trong vở Gái quê) hoặc “ con ấy mất trinh rồi”, hay những lời nói phi văn chương, ngôn ngữ đời thường văn phong các thể loại sân khấu thể hiện:

 

- Thiếu hình ảnh văn chương đậm hồn thơ dân tộc.

- Thiếu những đoạn độc thoại hành động tâm lý, nội tâm kịch tính.

- Văn phong giãi bày, kể chuyện trần thuật dài dòng, thiếu nhip điệu ngôn ngữ thông tin hiện đại.

 

Về cấu trúc ngôn ngữ, từ vựng, cú pháp không mới, hoặc ít có sáng tạo cống hiến từ vựng mới cho ngôn ngữ văn học kịch. Ngôn ngữ văn chương kịch thiếu tính trí tuệ, ngôn ngữ tri thức hiện đại. Tính toàn cầu hoá, những tác động của các ngành khoa học công nghệ hiện đại, tác phong lối sống công nghệ lớp người mới chưa tác động nhiều tới ngôn ngữ tác phẩm văn học kịch. Đây là sự bảo cổ, thiếu tiếp nhận hiện thực cuộc sống mới của tác giả kịch bản thuộc các thể lại sân khấu. Chưa kể có những loại sân khấu chèo, tuồng, cải lương … bị hiện đại hoá theo kiểu phá vỡ ngôn ngữ văn phong có tính truyền thống của các thể loại, biến thành ngôn ngữ kịch nói – Ngôn ngữ kịch nói hoá thị dân dung tục, xa rời ngôn ngữ chèo, tuồng, cải lương truyền thống.

 

Ngôn ngữ các thể loại sân khấu cần đổi mới văn phong, ngôn ngữ hiện đại vẫn bảo tồn tính ngôn ngữ truyền thống của mỗi thể loại, tuồng, chèo, cải lương, kịch nói … Đó là ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ hiện đại trí tuệ trong cấu trúc ngôn ngữ kịch hiện đại. Ngôn ngữ bình dân là ngôn ngữ kịch đời thường của nhân dân, nhưng là ngôn ngữ của thời đại công nghệ tin học, là tính thông tin nhịp điệu mau lẹ, giàu hành động, không phải thứ ngôn ngữ tự sự dài dòng … Ngôn ngữ kịch hiện đại, trí tuệ, là ngôn ngữ của lớp người có tri thức công nghệ, mang tính thời đại, cần thể hiện trong các tầng nhân vật kịch, là đổi mới cấu trúc ngôn ngữ kịch hiện đại.

 

Về cấu trúc kịch bản, các tác giả còn viết theo hình thức cấu trúc kịch dài hồi, những lớp đối thoại dài dòng, thiếu độc thoại nội tâm ngắn gọn, đầy tính hành động. Hình thức cấu trúc kịch cần thay đổi cấu trúc kịch ngắn có thể một màn, nhiều màn, nhưng thời gian chỉ 30 đến 45 phút một vở, không nên kéo dài một giờ rưỡi đến hai giờ. Đây là thói quen của người viết và người quản lý, thích dựng những vở dài thời gian, đề cập nhiều nội dung cuộc sống, mà quên mất công chúng thời nay cần thông tin giải trí ngắn gọn. Sân khấu Mỹ đã bị mất công chúng những năm cuối thế kỷ XIX, sang đầu thế kỷ XX, các nhà cách tân sân khấu Mỹ đã lấy lại người xem bằng kịch ngắn, cấu trúc hiện đại, còn kịch dài hồi là kịch tiểu thuyết, tiểu thuyết kịch. Họ có hài kịch một màn 45 phút, nhưng lại có kịch tiểu thuyết xem bốn đến năm giờ mới hết. Những nhà cách tân sân khấu Mỹ: Eugeneeoneill, Arthumiller, Tosephstein, Tenesess Wiliams … tạo dựng các trường phái kịch hiện đại: chủ nghĩa hiện thực mới, hiện thực ảo vọng, kịch hình thể … đưa sân khấu Mỹ tới đỉnh cao. Tại Newyork có 39 nhà hát Broad way, diễn nhạc kịch và kịch hình thể, nhiều vở diễn đạt kỷ lục vô địch thế giới 3000, 6000 đêm diễn vẫn hết vé. Văn học, nghệ thuật Mỹ đặc biệt coi trọng hình thức cấu trúc, hình thành các khuynh hướng nghệ thuật và sân khấu: hiện sinh, cấu trúc, hiện đại, hiện thực ảo vọng, huyền ảo,  phi lý, hậu hiện đại … Nếu các tác giả không thay đổi cấu trúc hình thức kịch bản sẽ không có nội dung đề tài mới, sân khấu không thể chiếm lĩnh công chúng thời hiện đại.

 

Nội dung đề tài, là một đòi hỏi những phát hiện đổi mới đề tài cuộc sống không gian xã hội sân khấu. Từ ngày có nền sân khấu cách mạng, các tác giả quan tâm đến nội dung đề tài chính trị xã hội, ít hoặc chưa đi sâu vào đời sống riêng tư của một con người, một gia đình. Đây là những nội dung sân khấu ít đề cập tới, nếu có phản ánh về gia đình, cá nhân, cuối cùng lại hướng tới cái chung, cái toàn xã hội. Nhìn sang sân khấu ca nhạc nhẹ gần 97% những sáng tác mới nói về cái tôi, cái con người riêng tư, số bài hát nói về cái chung chỉ chiếm số nhỏ ở những nhạc sĩ lớp trước. Những nhạc sĩ trẻ có nói về quê hương, đất nước, cũng từ cái tôi cá thể, tôi chủ thể của một góc riêng tôi. Sân khấu Mỹ khi cách tâm họ đã chuyển hướng đề tài, nội dung phản ánh những bi kịch gia đình giữa hiện thực và mơ ước ảo vọng, sự sống và cái chết ... Nhân vật hành động mạnh mẽ, xung đột nội tâm mãnh liệt, thay cho nội dung đề tài xã hội chung chung, tự sự dài dòng trước đây. Nội dung những kịch bản sân khấu  Mỹ, phản ánh sinh hoạt đời thường mỗi cá thể trong gia đình, những bi kịch, sự tức giận, thù hận và tội ác, tình yêu và ghen tuông ... Sân khấu ta chưa thực sự đi sâu vào cái tôi nhức nhối của các gia đình thời kỳ đổi mới, sân khấu ta chẳng khác gì sân khấu Mỹ thời xa xưa về nội dung phản ánh hiện thực. Cần đổi mới nội dung đề tài, chuyển hướng phản ánh nội dung hiện thực, dù có những nội dung thời sự tham nhũng như vụ PMU 18, thì những con người ấy họ có gia đình không? Những vở diễn nên đi vào cái bi kịch con người từ chỗ đứng nào, nếu họ mất điểm tựa gia đình...

 

Kịch bản sân khấu cần đổi mới nội dung đề tài, nội dung cấu trúc hình thức, văn phong ngôn ngữ kịch bản, góp phần đổi mới sân khấu.

 

2. Đổi mới nghệ thuật diễn.

 

Nghệ thuật biểu diễn là ngôn ngữ hành động của nhân vật, tạo ra hình tượng, nghệ thuật, qua ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ hành động, thể hiện nội dung tình cảm, tư tưởng tác phẩm  sân khấu. Nghệ thuật biểu diễn không ngừng vận động, biến đổi theo các trào lưu nghệ thuật, từ đó biểu hiện khuynh hướng, trường phái sân khấu. Thực tế nghệ thuật biểu diễn từng thể loại: tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca, kịch nói, xiếc, múa rối ... Thường xuyên biến đổi làm mới ngôn ngữ nhân vật và vở diễn. Nhưng đổi mới nghệ thuật biểu diễn là phá bỏ hình thức cũ, tìm ngôn ngữ cấu trúc hành động biểu diễn mới. Sự đổi mới ấy thay đổi tầm nhìn, ngôn ngữ đạo diễn của nhà chỉ đạo sân khấu và đạo diễn chưa có cách tân đáng kể? Đổi mới nghệ thuật diễn từng thể loại sân khấu, kế thừa ngôn ngữ dân tộc, tạo dựng nghệ thuật biểu diễn ngôn ngữ mới còn ở phía trước.

 

Nghệ thuật biểu diễn hiện nay trong các thể loại sân khấu dân tộc có tính truyền thống, chèo, cải lương ... đã phát triển trong ngôn ngữ hành động, nhưng cần đổi mới. Các thể loại sân khấu tuồng, chèo, cải lương... thường bị các đạo diễn khai thác ngôn ngữ hành động kịch nói, lắp ghép các mảng sân khấu kịch nói vào đạo diễn sân khấu dân tộc. Nhiều năm qua làm mất, hoặc xa dần nghệ thuật biểu diễn sân khấu dân tộc. Nhiều đoàn, nhà hát, kết hợp với đạo diễn đề cao quan điểm  nghệ thuật biểu diễn đồng diễn tập thể, loại bỏ các diễn viên ngôi sao. Sử dụng diễn viên trẻ, dưới danh nghĩa “trẻ hóa” nghệ thuật, diễn viên, nghệ thuật biểu diễn hiện đại ... Nhằm phục vụ riêng ý đồ của một số đạo diễn, hoặc trưởng đoàn kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Những luận điểm ấy, đã làm mất bản sắc sân khấu dân tộc, dẫn đến kịch nói hoá sân khấu dân tộc, công chúng chưa cảm nhận hết vẻ đẹp duyên dáng, mặn nồng, sắc sảo của các cô đào chèo, tuồng xưa từng làm nghiêng ngả sân khấu bởi họ hát hay, múa đẹp, diễn xuất mượt mà tinh tế, sâu sắc. Người diễn viên xưa của chèo, tuồng, cải lương, bất kể diễn vai nào chính hay phụ, họ đều tạo dáng, những ấn tượng đặc biệt cho nhân vật ngay phút đầu, lời nói đầu khi bước ra sân khấu. Đó là quyền năng, ma lực của người diễn viên khi bước ra sân khấu phải hút hồn khán giả, trấn an đám đông buộc họ phải theo dõi mình. Ngày nay, diễn viên nào bước ra sân khấu cứ diễn bàng bạc như nhau chẳng để lại ấn tượng gì, có chăng mãi đến cao trào tính cách, sự biến của nhân vật mới thấy loé lên một chút, còn nhiều nhân vật phụ chẳng để lại gì. Sân khấu dân tộc cần ở người diễn viên toàn diện, điều này ai cũng biết, nhưng họ không quan tâm cái toàn diện ấy. Cái toàn diện, còn gọi là cái tổng hợp của người diễn viên kịch hát từ dáng vẻ bề ngoài trang phục, đến hành động bên ngoài nhân vật, ngoại hình, dáng đi, ánh mắt ... Tất cả mới chỉ là dáng vẻ bề ngoài, nhưng những cái ấy, lại có sức chinh phục khán giả ngay từ phút đầu bước ra sân khấu. Những cái bề ngoài của diễn viên ấy, là cái bề ngoài của diện mạo nhân vật, diễn nhân vật nào phải ra nhân vật ấy từ hình dáng đến nội dung tính cách bên trong. Các đạo diễn kịch nói, đạo diễn sân khấu dân tộc thường tính đến tuyến hành động nhân vật, tuyến hành động tập thể nhân vật tuần tự từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, tạo cao trào hành động, cao trào tính cách, cao trào thắt nút kịch và các khối nhân vật có bề thế, xử lý không gian sân khấu… Nhưng những hình thức đạo diễn ấy, chưa diễn tả hết ngôn ngữ sân khấu dân tộc. Sân khấu dân tộc có các loại cao trào, nhưng hình thức xử lý tình huống sân khấu hoàn toàn khác. Những lớp diễn của các cô đào cứ nền nã, ngọt ngào, con mắt đong đưa, bước đi lung liếng, thướt tha, đỏng đảnh họ hát bài ca ... Dù có lớp diễn tập thể như lớp “ăn khoán” Thị Mầu, thì cách diễn riêng mỗi nhân vật cứ sắc đầy cá tính từng nhân vật, lại hoà vào lớp đồng diễn, không hình thức như kịch nói. Tuỳ theo tính cách, tình huống mà xử lý ngôn ngữ phù hợp để người xem thấy cái đẹp, cái duyên, thanh thoát nhẹ nhàng, tinh tế của sân khấu dân tộc. Cái sâu sắc, nhẹ nhàng, tinh tế sân khấu, là tư duy hành động của người Việt Nam, dù rằng nhu cầu nhịp sống hiện đại đòi hỏi cảm giác mạnh, nhưng cái mạnh ấy không thể rứt bỏ truyền thống! Phải làm sao kết hợp truyền thống với hiện đại, làm đổi mới nghệ thuật biểu diễn. Sự đổi mới sân khấu, cần trả lại vị trí diễn viên ngôi sao, đào tạo các diễn viên ngôi sao cho tuồng, chèo, cải lương ... Sân khấu dân tộc cần các diễn viên ngôi sao, không có ngôi sao không thể hấp dẫn công chúng, không đẩy vở diễn lên cao. Người phương Nam có tục xem cải lương: “Nghiền”. Tục ấy, lan ra cải lương đất Bắc từ năm 1920 đến năm 1964, công chúng đổ xô vào rạp mê: diễn viên ngôi sao. Mê câu Vọng cổ xuống hò. Mê nghệ thuật diễn tích truyên kịch.  Xã hội hoá sân khấu cần nhiều diễn viên ngôi sao để nhà hát, đoàn tồn tại vì công chúng. Nhiều đạo diễn cho rằng một nền sân khấu chỉ dựa vào diễn viên ngôi sao là sân khấu nghiệp dư, nhưng nghệ thuật nào chẳng có ngôi sao, điện ảnh, sân khấu, ca nhạc... đều có diễn viên ngôi sao. Công chúng cả thế giới đã quen xem  các diễn viên ngôi sao, còn đồng diễn tập thể có nghệ thuật diễn cao, nhưng không thể thiếu ngôi sao. Sân khấu cần:

 

- Đạo diễn tổ chức ngôn ngữ hiện đại nâng cao sân khấu dân tộc, nhưng cần đạo diễn tổ chức màn, lớp, tổng hợp theo truyền thống sân khấu dân tộc, không  lắp ghép mảng miếng, hình khối của sân khấu kịch nói, kịch cổ điển Châu Âu.

- Cần trang trí, phục trang mỹ thuật tổng hợp, theo quan niệm sân khấu dân tộc, không trang trí sân khấu hộp kiểu kịch nói Phương Tây.

 

Mỹ thuật sân khấu, nghệ thuật diễn chèo là chèo, tuồng là tuồng, cải lương ra cải lương, không phải loại sân khấu nửa chèo kịch, nửa kịch tuồng, tuồng kịch, kịch cải lương ... Những năm đổi mới, sân khấu dân tộc diễn ra hai hình thức tồn tại, một là chèo có kế thừa cách tân, hai là chèo kịch, kịch chèo, cải lương, tuồng cũng tương tự. Cần trả lại nguyên chất sân khấu dân tộc, cần phân biệt hai hình thức, một là tuồng, chèo truyền thống, hai là tuồng, chèo thử nghiệm, không nên lẫn lộn mỗi thứ một tý. Tuy nghệ thuật diễn có nhiều tiến bộ, nhưng các hình thức sân khấu dân tộc nặng về ngôn ngữ diễn hành động kịch nói, theo ngôn ngữ đài từ kịch nói. Dù nghệ thuật hành động nội tâm sâu sắc nhưng phải mang ngôn ngữ tuồng, chèo cổ, hành động diễn và lời thoại, bài ca là sân khấu dân tộc. Đổi mới nghệ thuật diễn bằng cách trả lại ngôn ngữ sân khấu dân tộc, từ đó phát triển hiện đại làm mới nghệ thuật diễn sân khấu dân tộc.

 

Nghệ thuật diễn kịch nói, cải lương thời kỳ đổi mới có nhiều sáng tạo thể hiện ngôn ngữ hành động nội tâm, tâm lý và hành động ngoại hình nhân vật. Kịch nói luôn thể hiện nghệ thuật biểu diễn hành động, ngoại hình, hoặc có dựng lại những vở nước ngoài khai thác lời thoại tâm lý nhân vật, hành động tâm lý sâu sắc. Sang những năm đầu thế kỷ, kịch nói thiên về sân khấu giải trí, nhiều nhóm hài, kịch hài, tấu hài ... Hài bị lạm dụng thành hài không chuyên nghiệp, nhiều diễn viên trước kia diễn chính kịch sau chuyển diễn hài, họ tỏ ra là người đa tài, nhưng nghệ thuật không phải đã thành công, còn một số diễn viên chuyên diễn chính kịch đi sâu ngôn ngữ hành động, biểu hiện nội tâm, hành động hành vi đời thường. Một số khác tiếp nhận sân khấu kịch hình thể Mỹ đưa vào tuyến hành động ngôn ngữ nhân vật, diễn những trích đoạn riêng lẻ khá thành công, nhưng trong cả vở thì những lớp diễn hình thể không thành công. Nguyên nhân, chưa tìm ra sự hài hoà thống nhất hành động nhân vật với cả vở diễn, nên những lớp diễn hình thể ấy không ăn nhập vào vở diễn, thiếu tính thống nhất một ý tưởng sáng tạo tác phẩm sân khấu. Những diễn viên diễn hài, tấu hài, kịch hài có ba tình huống gây cười: tình huống ngôn ngữ, tình huống kịch tính bất ngờ, tình huống hành động ngoại hình, họ đã vận dụng cả ba, nhưng hướng tới tình huống hành động ngoại hình nhiều hơn, đó là hình thức gây cười bên ngoài, sử dụng ngoại hình kiểu như Minh Vượng, Xuân Hinh ... hay vận dụng tình huống ngôn ngữ và diễn ngoại hình.

 

Nghệ thuật diễn kịch nói có nhiều cách tân, nhưng thiên hướng diễn hành động hành vi ngoại hình, cần đổi mới nghệ thuật diễn bình dị, gần gũi như ngôn ngữ cuộc sống con người. Hai hướng kịch nói Bắc – Nam, nên giảm và tăng mỗi miền một chút thì gần gũi công chúng, có ngôn ngữ hiện đại hơn. Kịch nói phía Bắc diễn căng cứng từ lời thoại đến hành động, tạo khoảng cách công chúng với sân khấu, hình thức này là nghệ thuật diễn kịch cổ điển Châu Âu. Kịch nói phía Nam lại đời thường quá, quá đến mức dễ dãi, có phần cười cợt với công chúng như một loạt vở Đời cười I, II, III ... Kịch nói phía Bắc nên diễn bình dị  gần gũi công chúng, đời thường một chút, kịch nói phía Nam cần nâng cao nghệ thuật diễn mang tính sân khấu hơn như vở Giữa hai bờ sương khói ... Kịch nói phía Nam thường có khoảng cách, những vở vào hội diễn dựng và diễn sâu sắc, mạch lạc, “sạch sẽ”. Những vở diễn ngoài sân bãi nhiều vở không thể xem nổi. Có thể do dân chí chăng? nếu có thì nghệ thuật là một bước nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật công chúng như những vở họ từng tham dự hội diễn. Là nghệ thuật cái gì hay công chúng vẫn hưởng ứng, không nên hạ thấp thẩm mỹ công chúng. Sự tiếp nhận các hình thức sân khấu hiện đại, mới lạ của nước ngoài vào kịch nói, cần sự hài hoà, sâu sắc, bình dị gần gũi cuộc sống. Tuy nhiên, xu thế nghệ thuật hiện đại có hai hình thức biểu hiện, một loại cao siêu mang ngôn ngữ hình thượng biểu trưng, một loại ngôn ngữ cuộc sống đời thường, đưa nghệ thuật gần lại con người hơn. Đi theo hướng nào tuỳ mỗi nhà hát, mỗi đoàn, nhưng cần sự thống nhất ngôn ngữ hành động nghệ thuật diễn, không chắp vá, hình thức như nhiều vở diễn những năm qua. Đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật diễn kịch Việt Nam là kế thừa sân khấu truyền thống, phát triển tiếp nhận tinh hoa, sân khấu thế giới nhằm nâng cao nghệ thuật diễn, đem đến công chúng sự hấp dẫn nội dung nghệ thuật diễn hiện đại.

 

Sân khấu cải lương thời kỳ đổi mới, từ năm 1990 của thế kỷ XX, giới cải lương đi sâu nghệ thuật diễn nội tâm sâu sắc, nhiều vở, có những lớp độc thoại trở thành những mảng diễn kinh điển của cải lương như Hoàng Hậu của hai vua – Lê Duy Hạnh, do Bạch Tuyết khởi diễn năm 1993. Là vở diễn kỹ thuật ngôn ngữ hành động cao, có kỹ thuật tổng hợp nghệ thuật diễn độc thoại: đài từ, kỹ thuật tâm lý, sự nhập thần ngôn ngữ ra bộ tính cải lương truyền thống, hành động nội tâm, hành hộng ngoại hình ... ca diễn ngọt mùi. Vở diễn đi sâu nội tâm nhân vật, một mình độc thoại với những hoài niệm, biến cái vô hồn, vô cảm của quá khứ thành nhân vật sống đối thoại với thực tại. Vai diễn Hoàng Hậu của hai vua, do Bạch Tuyết thể hiện, có mối quan hệ truyền thống với hiện đại qua ngôn ngữ diễn độc thoại, là bước đổi mới nghệ thuật diễn cải lương. Người diễn viên cùng một lúc thể hiện các tâm trạng nhân vật mình và các nhân vật vô ngôn có tính lưỡng phân trong nghệ thuật, không đồng hoá mình với nhân vật mà đối thoại mình với hình nộm và các kỷ vật quá khứ. Nghệ thuật diễn sâu sắc ấy, thành trào lưu nhiều nghệ sĩ noi theo, làm đổi mới nghệ thuật cải lương.

 

Nghệ thuật diễn cải lương phía Bắc từ lâu như đường mòn đồng diễn tập thể, loại bỏ, hoặc ít chú ý đến diễn viên ngôi sao, không ít diễn viên ngôi sao phải chuyển nghề , hoặc mờ đi qua tay đạo diễn. Ngược lại, có nhà hát lại tô vẽ cho ngôi sao của mình ngày một sáng lên, có những vở chỉ viết riêng hẳn một màn, hoặc nhiều lớp để diễn viên ấy mặc sức ca diễn, bỏ rơi cả vở và nhiều diễn viên khác. Nghệ thuật diễn cải lương Bắc thiếu ổn định, đôi khi len lỏi những ý đồ cá nhân vào nghệ thuật, vì đố kỵ tài năng... Cải lương Bắc có nhiều tiến bộ diễn “sạch sẽ” thường có tính học thuật, ca diễn sâu sắc, nhưng thiếu ngọt mùi, có phần căng cứng trong ca diễn. Nghệ thuật diễn cải lương bị kịch nói hoá. Cải lương Nam lại có hai trạng thái tồn tại, diễn ở Hội diễn đậm chất cải lương, nghệ thuật diễn nhiều vở thành công cao, nhưng diễn ngoài sân bãi doanh thu lại dễ dãi, chạy theo thị hiếu thị dân “cải lương ôm”, cải lương sex…

 

Nghệ thuật cải lương những năm đầu thế kỷ mới, tiếp nhận ngôn ngữ kịch câm, kịch hình thể, nhảy múa rap, hip hop … vào cải lương. Hướng chung tiếp nhận hiện đại, theo hướng cải lương có tính truyền thống như những gì đã thành công trong hội diễn. Đổi mới nghệ thuật diễn cải lương là đổi mới ngôn ngữ diễn, ca diễn ngọt mùi, dân tộc hiện đại, tiếp nhận những tinh hoa nghệ thuật, sân khấu thế giới vào cải lương theo hướng cải lương hoá, không bê nguyên xi các hình thức nghệ thuật hiện đại vào cải lương làm mất bản sắc nghệ thuật diễn cải lương dân tộc.

Đổi mới nghệ thuật diễn sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, kịch dân ca, múa rối … là đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật diễn: ngôn ngữ hành động tâm lý, hành động ngoại hình, ca từ, ca bộ … Thể loại nào ra thể loại ấy, có cách tân, hiện đại, đổi mới cần giữ vững bản sắc sân khấu từng thể loại. Mặc dù xu hướng giao lưu, hội nhập nghệ thuật hậu hiện đại, nhưng không thể đánh mất ngôn ngữ biểu diễn mỗi thể loại sân khấu dân tộc.

 

3. Đổi mới hệ thống kỹ thuật, sàn diễn sân khấu (phần sau).

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3465
Ngày đăng: 10.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi Tên Là Louis Amsterdam - Nguyễn Quỳnh USA
Sân Khấu Mộc Thầu Hý - Giá Hai. - Tuấn Giang
Sang-Đi Đừng Để Em Mong! - Nguyễn Quỳnh USA
Vài Ghi Nhận Về Kịch - Nguyễn Vy Khanh
Sơn Ca 1 - Sâm Thương
Sơn Ca 2 - Sâm Thương
Sơn Ca 3 - Sâm Thương
Gia Tài Kếch Xù 1 - Sâm Thương
Gia Tài Kếch Xù 2 - Sâm Thương
Con Sâu Trong Mắt - Lữ Kiều
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)