Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.210.411
 
Hương xưa
Hòa Văn

 

Đáng lẽ truyện ngắn nầy được viết cách đây ba mươi năm, hồi tôi hai mươi lăm tuổi. Nhưng tôi cứ lần khân mãi đến tận bây giờ.

 

Bây giờ... khoảng thời gian có thể khi bạn đang đọc, cũng có thể sau đây hàng năm, bảy chục năm. Bây giờ không có giới hạn hay nói rõ ra là lúc nào cũng có thể... bây giờ...

 

Em và tôi yêu nhau.

 

Chắc chắn mọi cuộc tình giữa đôi nam nữ na ná như nhau. Một: Tình cờ gặp nhau. Hai: Quen biết nhau. Ba: Thân thiết nhau. Bốn: Vì nhau. Năm: Cho nhau. Sáu:... Bảy:... Tám:... Chín:...

Em không đẹp đến nỗi “chim sa cá lặn” hay “nghiêng thành đổ nước”, em không là tiểu thư đài cát chẳng lộng lẫy cao sang!. Em trong con mắt ai thế nầy thế nọ không cần thiết, riêng với tôi em đẹp em nết na em dịu dàng, em...

 

*

Buổi chạng vạng ở quê trời lại mưa lắc rắc khiến cảnh vật ẩm ướt và tối sẩm. Những căn nhà nửa gỗ nửa tre, nửa mới nửa cũ được mọi người dở về từ khắp nơi lắp ráp vội vàng ngay sau những ngày đầu đất nước thôi chiến tranh năm bảy lăm trông giống những chiếc nấm mọc sau trận mưa giông, bên trong chiếc nấm ấy sự sống dần dà nẩy nở.

 

Lúc đầu em bảo tôi “Chắc em đi ra thành phố kiếm một việc gì đó làm chứ ở đây buồn và vất vả quá!”. Tôi nghe câu nầy em nói nhiều lần thành quen nên bữa nay cũng vậy tôi không chú ý mấy. Kéo con ngựa(1) ra đầu hè, tôi nói em ngồi.

 

Động tác lặp đi lặp lại như điệp khúc của một bài hát ruột, em cười xinh lắc nhẹ mái tóc để lộ khuôn mặt trái xoan trên đó là đôi mắt nói sao cho chính xác à... đôi mắt có lửa đồng thời có nước, có lửa bởi mỗi khi em nhìn tôi hình như từ em truyền sang tôi hơi nóng hừng hực thì phải và có nước vì sau đó tôi bần thần, chạy dọc nơi sống lưng có gì đó lành lạnh...

 

Anh đi phá bói(2)?. Em hỏi.

Em làm chi?. Tôi hỏi.

Bọn con Sâng thằng Dy sắp tới làm đám hỏi. Em nói.

Răng biết?.

Nghe mẹ em kể hồi trưa.

Em và anh bao giờ hè!.

Em “ghét” anh!.

Thôi!.

 

Trời dứt mưa lúc nào không hay, trăng thượng tuần không tỏ nhưng đủ ánh sáng thấy rõ mọi cảnh vật và người... Tiếng con chim dạt sành gọi bạn kêu rân rân liên hồi theo ca theo nhịp nghe vừa dễ thương vừa thấy tội tội sao ấy!. Mọi sinh động vật đều cần đến nhau. Cặp dế, cặp chim... Chòm cây... Riêng cặp chim quốc thì vô cùng cần đến nhau khi một con không còn tồn tại con còn lại không thể sống nỗi...

 

Gió nhè nhẹ hương bồ kết từ mái tóc em tỏa ra thơm phức.

Em gội đầu?.

Dạ! Hồi chiều.

 

Em có một thói quen rất dễ thương cứ mỗi lần gội đầu bằng nước trái bồ kết thì hôm đó dù có bận bịu điều chi đến đâu cũng tìm cách tạo cớ hẹn để hai đứa gặp nhau. Mùi bồ kết phải nói hết sức gợi cảm quyến rũ. Mái tóc xanh dài chấm ngang bờ vai của em suôn mượt đen nhánh đã là tác phẩm đẹp của tạo hóa rồi lại được em nâng niu chăm chút cẩn thận bằng nước gội bồ kết càng tăng thêm vẻ đẹp... rất tuyệt!. Tôi chỉ biết lơ mơ về chuyện xử dụng trái bồ kết gội đầu cho đến khi em hướng dẫn cụ thể bài bản. “Mà không phải tự em nghĩ ra đâu, do bà ngoại chỉ vẻ đó”. Em trìu mến thầm thì với tôi như thế.

Hồi ấy bồ kết là loại cây nhà nào ở quê cũng trồng nơi góc vườn nhà, bóng cây lớn xoè tán rộng râm mát ven đường làng ngõ xóm, đến mùa hoa nở rộ trái kết theo từng chùm chắc vì vậy mà còn gọi là trái chùm kết!. Hoa có hai màu trăng trắng và tim tím bông hoa to hao hao quả chanh tròn như đôi bông tai của ngoại, trái còn non màu xanh hạt xanh, lúc trái già vỏ có màu đen hạt cũng đen huyền. Mỗi lần muốn gội đầu bà ngoại và sau này mẹ và em cũng làm theo một quy trình: bẻ nhỏ trái bồ kết - xong bỏ bồ kết vào thau - cho nước lạnh xăm xắp rồi đem phơi nắng mấy giờ đồng hồ để bồ kết ra nước, kế đó sẽ cho vào nồi đun nấu sôi khoảng mươi phút. Màu nước bồ kết nâu đậm sóng sánh... chỉ cần khuấy nhẹ nhiều lần bồ kết sủi bọt trẳng trông thích mắt. Cả một thời gian rất rất lâu chí ít cũng hàng ngàn năm... đây là “hóa chất” thân thiện với bao thế hệ bà mẹ, người chị người em..., không như bây giờ tiện nhất là dùng một gói dầu gội Sun... hoặc Lix... hoặc Rej..., vân vân là gội, tiện hơn nữa cứ đến tiệm sẽ được phục vụ chu đáo từ A đến Z...

 

Tôi ngồi im nghe em kể chuyện rồi thêm vào:

Em nói hay như ngoại em!

Thiệt không?.

 

Em kể tiếp:

À! Bà ngoại còn kể thời ngoại sau khi gội đầu bằng bồ kết phải tỉ mỉ lau khô nước rồi hong gió cho khô mới xong. Bà bảo cứ trông các cô gái mười tám đôi mươi nửa chiều rủ nhau ra bờ giếng, bờ sông ngồi xoả tóc gội đầu và hong tóc. Tóc mây bay bay theo gió, đẹp tựa như nơi cảnh tiên!.

 

Em viết văn rồi!.

 

Tôi ghẹo như thế. Em nhéo vào tai tôi rồi ngồi dang ra xa một chút. Phải nói sau hòa bình gặp lúc gia cảnh khó khăn em đành bỏ học giữa chừng, nhưng với kiến thức Đại học văn năm ba, nên em viết văn khá hay. Nhiều truyện ngắn, tản văn được em lần lượt viết đầy kín trong nhiều tập vở học trò từ lớp đệ nhị(3) đến nay đọc lại tuyệt thật. Em bối rối mỗi lần được tôi khen và lúc đó nhìn em đẹp hơn bao giờ hết.

 

Chắc mình chia tay.

Em đột nhiên nói như thế. Tôi hỏi:

Em nói chi anh không hiểu?.

Mẹ em bảo em không thể thương anh được.

Em ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Quá bất ngờ...

 

Và cho đến bây giờ sau hơn ba mươi mấy năm mọi chuyện rõ ra mới thấy biết bao nhiêu sự vô lý đeo bám lấy ta làm cho ta sống không thật lòng.

Chuyện như thế nầy thời kỳ chiến tranh ba của em là đội quân binh Hoàng Sa, xong giải ngũ về phố Hội, mở tiệm Cao Lầu ở ngã ba bến xe, nuôi sống cả nhà, chỉ có như vậy chứ gì ghê gớm đâu vậy mà có người bảo ba em từng đi “lính bên kia”, lý lịch không rõ ràng và em xa tôi thật!.

                    

Tới nhà tôi xuống xe. Trời vẫn nắng như đổ lửa, con đường vào làng cũ nơi một thời tôi sống cùng gia đình vẫn thẳng đuột, nom có khá hơn do mới đổ lại bê tông không còn ổ gà ổ voi đi lại cực nhọc như xưa nhưng chính nền đường xi măng trắng toát như miếng gang nằm trên lò than! làm tăng thêm sức nóng bức dù mới tháng ba...

 

Mẹ tôi ngồi tựa cửa nhìn ra thấy tôi, vui vẻ vội vội vàng vàng lom khom bước từng bước chân một xuống thềm hiên nhà ra sân cũng đã láng bê tông đón tôi. Tôi chạy nhanh vào dìu mẹ trở vào nhà.

Con về một mình!. Mẹ nắm tay tôi ân cần hỏi.

 

Dạ có chị em thằng Đông nữa. Hai đứa xuống xe ghé nhà anh bạn của con mượn chiếc xe Hon Da về chừ.

 

Mấy hôm nay sau buổi dự lễ Thanh Minh, Chạp mả ở nhà thờ tộc, tôi dự tiếp lễ khánh thành đình làng mới phục dựng lại trên khuôn viên đình cũ và bù lu bù loa nhiều công việc khác mà việc nào cũng cần và nên dự cả vì vậy ngày nào cũng vui và cũng mệt lả người. Đó là chưa kể Chủ nhật tới trước khi vào lại Sài Gòn còn một buổi họp mặt bạn học cùng khối lớp nhất (4) hồi ở quê ngày xưa.

 

Tối nay tôi đến nhà thăm em. Tôi đứng lặng người chặp lâu khi gặp em. Nét đẹp mặn mà của em vẫn còn y như ngày nào. Nhìn ngôi nhà ba gian xinh xắn gọn gàng và được bày biện một số đồ gia dụng đắt tiền như bộ salon gỏ, tủ sách, ti vi màng hình phẳng, vi tính... tôi tỏ vẻ vui, em lại buồn buồn... Tôi hỏi:

Em khoẻ!

Dạ!

 

Mẹ (tôi thường gọi mẹ của em như thế cách đây ba mươi mấy năm) vẫn khoẻ!.

Dạ!. Mẹ em đi phố thăm và ở lại chơi với con chú em út cả tuần rồi chưa về.

 

Em đứng dậy lấy gói cà phê Vina bột và hỏi anh uống nghe. Tôi vừa gật đầu vừa đứng dậy ra xe lấy quyển sách tựa đề Đi... Về... của tôi vừa mới in, ký và trao cho em. Em thoảng thốt:

Của anh!.

 

Ờ!.

Sau đó em và tôi nói chuyện văn chương với nhau. Em kể ngoài chuyện mua mua bán bán quầy tạp hóa ngay kế bên nhà vẫn dành thời gia làm điều em yêu thích -viết văn. Em chỉ vào dàn vi tính và nói không viết bằng tay nữa mà nhờ nó đấy!.

Tôi hỏi:

Có mạng không?.

Dạ có.

Em bật vi tính:

Anh xem truyện ngắn em mới viết thử được không?.

 

*

...

“Anh yêu, cách đây hơn tuần lễ cu Nom, cháu kêu em bằng dì ruột mới học xong lớp mẫu giáo bé hỏi con thấy dì “nhớn” rồi sao chẳng chịu “nấy” “ồng”!. Câu nói ngọng nghịu của đứa trẻ lên năm đầy thiện ý và dễ thương như vậy mà em mất ngủ gần ba hôm. Phải chi ngày xưa ấy, chuyện của em và anh suôn sẻ chắc... “...

 

Tôi chỉ đọc chừng ấy câu trong truyện ngắn em viết mà lòng lao lư quá!.

Em ngồi chăm chú đọc tập truyện của tôi, khi tôi quay lại ngồi đối diện với em mới biết em đang thút thít khóc. Em nói:

- Truyện anh viết về em và anh quá thật!.

 

Hương bồ kết ngày xưa còn lẩn quẩn đâu đây./.

 

----------------

- (1): Cái ghế gỗ có bốn chân gắn vào một tấm gỗ dày chiều dài khoảng hai mét.

- (2): Một loại cây mọc dọc bờ cát ven sông, sau chiến tranh mọc hoang chiếm cả đất canh tác.

- (3): Tương đương lớp 11 hệ Trung học phổ thông.  

- (4): Tương đương lớp 5 bậc Tiểu học.    

 

Hòa Văn
Số lần đọc: 2125
Ngày đăng: 11.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bão Magic - Nguyễn Đình Bổn
Một Buổi Chiều Vàng - Võ Anh Cương
Trái Đắng Trong Vườn Cây - Nguyễn Trung Dũng
Phía Sau Người Đàn Ông - Ngô Thị Ý Nhi
Hôm Qua Nó Còn Đi Học - Lê Văn Thiện
Những Cái Chum Trên Cánh Đồng Cỏ Cói - Nguyễn Trung Dũng
Quả bóng Euro - Hòa Văn
Chôn Đứng - Khuất Đẩu
Ngọn Nến Thắp Trong Đêm - Nguyễn Trung Dũng
Người Tình Cô Đơn - Nguyễn Trung Dũng
Cùng một tác giả
Rạng Đài Mây (truyện ngắn)
Tiếng chim (truyện ngắn)
Ngày nói thật (truyện ngắn)
Chiếc lá (truyện ngắn)
Chú Gấu Bông (truyện ngắn)
Yêu Internet (truyện ngắn)
Chuyện mơ ngủ (truyện ngắn)
Ở phố nghe gà gáy (truyện ngắn)
Thế Lính Hoàng Sa (truyện ngắn)
Quả bóng Euro (truyện ngắn)
Hương xưa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Chiều cạn (phê bình)
Sống dở... (truyện ngắn)
Mẹ Chồng Tôi (truyện ngắn)
Giấc mơ lân (truyện ngắn)
FB &... (truyện ngắn)
Nhân cách (truyện ngắn)
Kiểu... (truyện ngắn)