Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.707
 
Dọn Chết
Nguyễn Trung Dũng

 

[Dựa theo Rẻo Đất Cuối Đời của Phùng Quán]

 

 

Khách kéo ghế ngồi xuống, miệng nhẩm tính tiền túi mang theo để liệu chừng gọi món ăn. Mang theo trong người không nhiều nhặn, chi phí chưa thể biết phải chi phí những gì vào lần đi này, khách cẩn thận như thế cũng là đúng. Mà vào quán, không nhiều thì ít  cũng phải gọi hai ba đĩa món ăn cho phải phép, chẳng lẽ vào lại chỉ vào suông. Vả lại, khách còn có bạn. Ngồi đối diện chuyện trò, có uống có ăn chuyện trò nó mới cởi mở đậm tình đậm nghĩa. Bởi thế, tính nhẩm số bạc rồi, khách vào quán cùng người dẫn đường, kêu một đĩa thịt luộc, một xị rượu dư rót cho hai ly.

 

Bạn cũng chẳng là bạn, gặp để hỏi đường, hỏi người mình cần kiếm, nên tình cờ quen là quen vậy. Chứ khách chẳng rõ mô rõ tê gì về người bạn đó, dù chỉ là một tí lý lịch gốc gác ngọn nguồn.. Nhưng người bạn tự giới thiệu có làm thơ thì nghĩ là nhà thơ ở bản huyện. Mà đang lúc lạc đường, tìm gặp người cần gặp, nghe người bạn mới nói biết cái ông mình đang tìm, khách thấy được thế là đủ rồi. Đủ và chẳng đòi hỏi gì nhiều cho thêm vướng mắc.

 

Gắp lát thịt thái mỏng lùa thẳng vô miệng, người bạn sơ giao nhai nhồm nhoàm vừa lúng búng nói:

 

“Cái quán này chuyên bán thịt chó. Quán mở ra dễ cũng cả vài năm nay. Nấu khéo, giá rẻ, nổi tiếng ở cái thị xã hẻo lánh này. Chẳng cần quảng cáo, khách ở  đẩu ở đâu cũng biết tìm đến ăn. Đấy, bác nhìn coi sáu bẩy ông ngồi ở góc đằng kia, toàn là cán bộ luống tuổi về hưu, rảnh rang đến nhậu rượu thịt. Họ không nói thì thôi, chứ đã nói thì nói ra toàn những chuyện trên trời dưới đất cả. Cái ông Đang nào đó bác cần gặp, lát nữa ta qua bàn hỏi họ chắc cũng có ông biết về cái ông đó. Kìa, sao không thấy bác đụng đũa. Ăn đi. Ăn miếng thịt chó ở cái quán này một lần, hợp khẩu vị rồi thì lần sau lại nhớ mà tới nữa đấy”.

 

“Anh cứ dùng tự nhiên. Đừng quan tâm đến tôi. Nãy giờ bỏ miệng một hai miếng cũng đủ rồi, thịt luộc mền, thẳng thớ, ăn ngon lắm”.

 

Sự thực, đi đường xa, bụng xuống cũng thấy đói, nhưng đảo mắt nhìn đĩa thịt loe ngoe gọi là, khách ngại ăn không đủ cho hai người, nên cứ nhởn nhơ nhường cho bạn.

 

Hết nhẵn thịt, đĩa sạch trơn, thanh toán tiền cho bữa nhậu đại khái qua loa, xoàng xĩnh, hai người đứng dậy đi lại cái bàn có mấy ông cán bộ đang ngồi. Khách gật đầu chào lên tiếng:

 

“Thưa mấy ông anh, trong các ông anh ngồi ở đây, có vị nào biết ông Đang xin phép cho tôi hỏi”.

 

Một trong sáu ông, ông đầu đội mũ nồi đen nhướng cặp mắt kính lên nhìn người lạ. Tưởng là cái ông đầu đội mũ nồi đen đó nghe hỏi thì nói, nhưng lại là ông đầu bạc miệng móm ngẩng lên nhìn khách rồi thủng thẳng bảo:

 

“Ông nói cái lão Đang dở hơi cám hấp đấy có phải không. Gặp cái lão đó làm gì. Đã tham gia cách mạng lại đi làm báo viết lách chống Đảng chống Nhà Nước, bị  cho đi cải tạo 15 năm tù. Tù ở Hà Giang mãn hạn mới được tha ra. Ông muốn tìm gặp cái lão đó cũng chẳng khó. Từ đây cứ thẳng một lèo vào tới cuối xóm, hỏi ai cũng biết căn nhà của lão Đang mà chỉ cho”.

 

Khách chỉ cần hỏi và biết như thế là đủ rồi. Sau câu cám ơn xã giao đúng phép, khách rời quán. Chớm Đông. Thời tiết se se lạnh. Khách nhận thấy bầu trời bủng mầu chì. Mầu chì xám sịt. Thế nhưng mưa thì không. Ắt hẳn xám sịt như thế là mây đang ngậm nước. Ngậm mãi tất có nước. Bấy giờ sẽ đổ mưa. Khách đi theo con đường ngõ hẹp. Cứ con đường ngõ hẹp đó mà vào sâu xóm. Tưởng gần như lời ông già cán bộ chỉ vẽ lại hóa ra không phải là gần. Bởi đi miết miết rồi, khách đụng một cái quán nhỏ ở bên đường, nhà của ông Đang cần đến vẫn bằn bặt không thấy. Thèm rượu, khách tạt vào quán gọi một ly uống cho ấm bụng. Quả uống vào, men bốc, chống cái lạnh, làm  ấm áp ruột gan.

 

Chủ quán ngồi gần lân la tò mò hỏi chuyện. Biết khách muốn tìm ông Đang thì vui vẻ nói:

 

“Ai chứ ông Đang thì cứ uống đi rồi tôi chỉ cho chỗ. Kia kìa. Ông nhìn qua cửa sổ có thấy mấy cái nhà ở dẫy kia không. Nhà tập thể của các cô giáo đó. Mái bốc khói là căn bếp nấu nướng. Ông Đang ông ấy ngụ ở đó cứ đến là gặp “.

 

Khách nhẩn nha tợp nốt chỗ rượu còn sót lại ở ly. Định cáo từ để đi thì chủ quán đã nhanh nhẩu kể rằng:

 

“Cái ông ấy về già lạ lắm. Lạ là lạ thế này. Tuần trước, ông ấy đạp cái xe đạp cà khổ ghé vào đây. Lại đèo theo xe cái giỏ đan tre buộc nút kỹ lắm. Hỏi đựng cái gì mà phải buộc kỹ thế. Ông đáp bắt được con rắn. Rắn dữ và lạ. Tính đen xả thịt ăn nghĩ lại tiếc. Bữa nay chở lên huyện bán lấy vài ngàn mua mấy lạng mỡ lá. Thằng mua rắn coi rắn xong bảo, con này không có trong bộ Tam xà. Rắn là rắn thường nên từ chối không mua. Đã không bán được rắn, uổng công đạp xe, lại mỡ lá không có, bực cả mình. Đấy. Cái ông ấy tính tình bây giờ già đâm ra lẩm cẩm. Chỉ vì một con rắn không ra rắn, cất công đạp từ nhà lên phố huyện xa lơ xa lắc, cuối cùng chỉ nhận được một lời chê thế có khùng không”.

 

Khách nghe thì cười. Lại rời quán đi thêm một đỗi nữa theo đường chủ quán dặn, khách đụng một cái ao cá. Có một cô gái đứng phơi phóng quần áo ở dây phơi ngẩng lên nhìn người lạ, hỏi bâng quơ một tiếng:

 

“Ông tìm ai?”.

 

“Ông cụ Đang”.

 

“À. Ông Đang. Ông Đang ở kia. Mé ao đó. Chẳng hiểu ông cụ kỳ cọ cái gì mà ngày nào cũng thấy ông ra cái cầu ao ngồi kỳ cọ”.

 

Khách nhắm hướng ngón trỏ của cô gái nhìn về phía đó. Khách nhận ra trên tấm ván gỗ chìa ra mặt ao, có một người đang ngồi lúi húi kỳ cọ mấy viên gạch thẻ. Nắm rơm cầm ở tay, vục nước vốc lên gạch, mải mê ông già cứ chà mấy cục đất nung hình chữ nhật mà chẳng hề hay biết có khách lạ đứng đằng sau chăm chú nhìn mình. Không dám làm rộn người khác đang lúc bận việc, khách cứ đứng yên lặng mà chờ. Đứng thời khách quan sát thấy cái mũ cối méo mó đội trên đầu ông già Đang, vải sợi đã buột, mầu xanh cứt ngựa đã bạc phếch bạc phác, cái áo bông chống lạnh cũ mèn, rách nát bươm bả, lỗ chỗ lỗ. Rồi cả cái quần lao động ông mặc cũng đã đổi sang mầu cháo lòng, cái đôi giép cao su quai tréo ông sỏ bàn chân như sỏ vào cái đai thùng sắt rỉ.

 

Khách chợt đem so sánh cái thời ông mặc áo quần Tây, cổ đeo cà-vạt, đi khắp Trung Nam Bắc đăng đàn diễn thuyết nom  bảnh bao, nom kẻng hết chỗ nói. Thời đó khởi đầu mở Mặt Trận Bình Dân, uy danh ông lớn lắm.

 

Bây giờ, cái hào quang đó đã tắt rồi. Dưới mắt khách, người xa xưa thuở đó hiện thân chỉ là một ông già ốm yếu, còm cõi, xơ xác, tiều tụy, ngồi trên cái cầu ao lẩn thẩn kỳ cọ dăm ba viên gạch thẻ.

 

Bắt lạnh, cổ ngứa, khách không chặn được cái ho. Ho làm ông Đang giật mình ngoái vội đầu nhìn lại:

 

“Ủa. Chú Quán”.

 

“Vâng. Thưa anh. Anh khỏe”.

 

Không đáp câu hỏi của khách hỏi, ông cụ Đang đứng bật dậy, đưa tay kéo khách đi về phía mấy ngôi nhà. Vừa mừng vừa vồn vã nói:

 

“Vào đây. Chú vào đây đã”.

 

Vào đây là vào cái chái bếp gần căn hộ độc thân của mấy cô giáo dậy ở trường làng. Căn bếp đó ngang rộng chừng năm mét vuông. Vừa chật lại vừa hẹp, chứa đầy những đồ đạc lỉnh kỉnh. Trên cái sào ngang sát mái, khách đếm có đủ cả chục cái khăn mặt đã thủng lỗ, đã rách bươm như sơ mướp. Cái áo “may ô” lỗ chỗ những lỗ, như mắt lưới đan thưa, treo lủng là lủng lẳng cạnh cái quần lao động vá chằng vá đụp và đầy những vết bẩn ố đen như nước thuốc lào.

 

Mắt đụng nhằm sâu chuỗi lục lạc đeo ở cái cạp quần, khách ngạc nhiên chăm chú nhìn đến độ mắt quên cả chớp. Đoán được cái ý nghĩ thắc mắc trong đầu người khách, chủ nhà cười mà giải thích:

 

“Chú không hiểu công dụng của nó đâu. Này nhá, tôi bắt chước cái cách của người miền núi, bò trâu treo mõ, cạp quần tôi đeo chùm lục lạc, đi đâu lúc đêm tối, lục lạc phát ra kêu, người chạy xe đi đường biết có người phía trước mà tránh. Nếu không họ ủi vào mình thì có khi té ngã, có khi xây xát, có khi gẫy chân lọi xương không biết đâu mà nói trước được. Làm một chùm lục lạc chẳng mất công tốn kém gì cả. Vỏ hộp dầu sao vàng đục một lỗ thủng, bỏ cục sỏi vào, luồn bằng một sợi giây thép nhỏ, hơn chục cái sâu vào nhau như chuỗi tràng hạt là xong rồi. Chú cần có một cái để đeo phòng hờ lúc đi đây đi đó về khuya”.

 

Khách vẫn ngồi im. Lại nhìn hết xó này tới xó góc khác, mắt khách dừng lại ở cái tủ mọt hai cánh gỗ có khóa, khóa khoen móc sắt. Nóc tủ xếp một chồng nón cối, cái nọ đặt trên cái kia, đếm chừng một chục. Vải bọc nón đã te tua, mầu bạc phếch cả. Nón cũ mà còn giữ, để làm cái gì sao không đem rục, khách ngại hỏi nên  không dám hỏi.

 

Diện tích cái chái bếp ông ở, khách thấy quá hẹp. Kê cái giường thì cái giường đặt lưng xuống nằm, được đầu thì  dư chân và ngược lại. Lại chẳng thể gọi nó là cái giường, vì cái giường đó chỉ là một tấm ván kê trên bốn cái chân bằng gạch. Gạch xếp lên theo chiều cao đủ tầm cao để đặt ván lên lấy chỗ đặt lưng. Đến cái mềm bông ông đắp, lớp vải bọc ngoài đã sờn rách tơi tả, gòn lót bên trong lòi cả ruột, ngửi thấy lợm mùi hôi của mốc.

 

Thấy mắt khách cứ lom lom nhìn khắp đồ vật, ông già Đang vừa cười vừa chỉ cái bàn nói:

 

“Chú nhìn cái này. Nó là cái bàn đấy nhé. Nhưng cái bàn lại chỉ có hai chân. Hai chân như một con vật đi bằng hai chân. Đi bằng hai chân thì đúng là người. Chú để ý coi, chân kia tôi treo nó bằng giây lạt buộc. Lúc viết lách, lúc ăn uống, thì nó đúng là cái bàn. Lúc bình thường nom nó giống một thằng người đứng trên hai chân. Cứ coi nó là người để mình đỡ cô đơn cũng chẳng sao cả. Ờ, còn những viên gạch chú thấy tôi chất đống ở góc kia. Gạch thẻ nung rất già. Cứng như sành sứ. Tốt vô cùng. Gạch đó tôi đi lượm đem về, mang ra ao hồ kỳ cọ rửa sạch, dùng vào được khối việc”.

 

Lại cười, khách nhìn bó dép cao su bó thành từng bó, để dưới gầm cái bàn có chân hai cẳng. Cạnh đó còn có hai cái vại. Vại có nắp đựng gì không hay biết. Đến cả những cái bản lề cửa hoen rỉ, mẩu sắt vụn, cái đinh ốc, nùi dây thép đã han và đóng muội, khách thắc mắc ông cụ cất giữ làm gì mà không vứt đi. Thắc mắc lại cũng  không dám hỏi.

 

Đã đến giờ nấu ăn.  Ở khu nhà bếp tập thể bốc lên mùi thịt nướng cháy, mùi hành phi, mùi canh rau cải thơm lừng. Đang ngồi tiếp khách, ông Đang bỗng hếch hếch mặt, hít hít vài cái rồi gật gù bảo:

 

“Ở cạnh cái nơi nấu nướng này, ngửi mùi thức ăn bay qua cũng thấy đủ no cái bụng. Được ăn uống vào dạ dày cũng tốt, mà hít thở hương vị thức ăn bụng không no nhưng cảm được cái ngon. Tôi đọc sách, biết ông Tô Đông Pha ngày bị biếm ra Đam Châu, thực phẩm tích trữ nhẵn sạch, tiếp tế chậm kỳ, đói lắm. Ngồi bó cẳng trước cửa thềm nhà, thấy ếch nhái, thấy rắn dưới ruộng há miệng đớp đớp ánh nắng bèn bắt chước. Bắt chước rồi bụng hết đói. Hóa ra loài ếch nhái, rắn rết cũng hay nhỉ. Tôi không dập theo cách ông Tô, nhưng ngửi mùi thức ăn sào nấu cũng no một bụng”.

 

Ông nói thế nhưng biết đã tới bữa rồi, có khách xa tới chẳng lẽ để khách ngồi chuyện trò bụng rỗng. Đứng dậy, đoán là ông cụ đi dọn thức ăn, khách vội nói:

 

“Để em ra chợ”.

 

“Chợ búa gì. Nhà sẵn cả. Mẻ mới chế này. Cơm có nữa. Lại còn rượu cam loại xuất khẩu để tôi đem ra đãi chú”.

 

“Rượu xuất khẩu thì thượng hảo hạng rồi. Rượu đó anh mua hay ai cho”.

 

“Cho cả. Mắc tới thắt gan, tiền đâu mà mua hả chú”.

 

Lại lọ mọ kiếm cái chìa khóa, ông già Đang lúi húi tra vào ổ. Vặn nhẹ một vòng, cái cần bật. Cánh cửa tủ mở, mắt khách quét một đường vô trong. Tưởng đựng gì quí giá, khách nhìn chỉ thấy rặt là áo quần cũ, báo chí lưu, giấy tờ nhầu nát, vài cuốn sách gờ mép cong queo. Ngăn dưới thì lỉnh kỉnh chai lọ, vỏ hộp, lon bia và bao thuốc lá rỗng điếu. Khoắng tìm một lúc, bàn tay ông vớ trúng cái cổ chai như vớ được cổ vịt thì lôi ra. Lôi ra vừa cầm vừa cười nói riễu:

 

“Mày có trốn ông cũng bắt được. Trốn cũng không thoát nổi đâu nhe. Coi này, rượu cam nguyên chất chưa khui chú nhé”.

 

Lúc rót ra ly, uống rồi khách mới khà một tiếng khen ngợi. Oâng Đang nhìn khách cười hỉ hả hài lòng. Nhân lúc vui say, khách tò mò buột miệng:

 

“Anh bây giờ lại có thú sưu tập cả bao thuốc lá nên cất giữ đầy cả tủ nữa à”.

 

“Sưu với tập gì chú. Hàng “đối lưu” của tôi đấy mà”.

 

“Đối lưu”.

 

“Ờ, đối lưu là trao đổi qua lại. Kinh tế mà chú. Nói rõ ra để chú hiểu là như thế này, lấy được thứ mình muốn thì mình thay vì đem tiền mua lại đem bao thuốc đổi. Tôi đổi theo định giá một con cóc, con nhái, con ếch hay con rắn qui ra là mấy bao thuốc, thuận rồi thì đổi, không thì thôi. Ở cái xóm ngõ này, khách hàng của tôi có đến năm sáu chú lỏi. Có cóc nhái, rắn rết, chúng bắt được đem tới “đối lưu”. Ngày nào có hàng, ngày đó tôi có chất đạm. Lỡ nhiều ăn không hết, thì đem ra chế biến làm mắm, làm chả để dành. Bữa nay đãi chú món chả chiên toàn là thịt cóc nhái, chú ăn thấy ngon không?”.

 

 

Khách đang nhai nghe thế thì bắt lợm họng. Nhưng đã lỡ, nhả ra bất nhã, nuốt vào, khách thấy ghê ghê cả miệng .Quơ vội cái ly còn lưng  cốc rượu, khách uống sạch để tảy cái mùi tanh tanh do vị giác vừa bắt thấy.

 

Đúng lúc chủ khách buông đũa bát, có tiếng trẻ nhỏ léo nhéo ở bên ngoài. Một đứa nói vọng vào:

 

“Ông Đang ơi. Tụi cháu đến đây này”.

 

“Vào đi. Có món gì đổi không hả”.

 

“Có con rắn hổ cụ Đang ạ”.

 

“Tính bao nhiêu đây”.

 

“Ba bao thuốc”.

 

“Hơi đắt đấy nhé. Rắn này chỉ đáng một bao thôi”.

 

“Một bao thì tụi cháu không đổi. Bắt được nó bắt khó lắm. Hai bao đi ông Đang”.

 

“Bữa nay tụi bay làm khó dễ tao. Ừ, tao chịu hai bao”.

 

Chủ nhà lại kéo cái chuỗi lục lạc đeo ở cạp quần, kiếm cái chìa khóa mở khóa tủ. Cần hai cái bao thuốc nên ông cụ chỉ lấy ra hai thôi. Thằng bé đưa con rắn nhận hai cái bao thuốc lá xăm soi đưa cao lên coi. Một cái nó ưng, cái kia nó không chịu trả lại cằn nhằn:

 

“Ông đổi cho cháu cái này. Nó rách mép”.

 

“Mày lại khó. Rách mép chút síu có làm sao đâu”.

 

“Nhưng đưa người ta người ta không chịu. Lại thiếu tờ giấy vàng lót bụng nữa ông”.

 

Ông Đang cầm lấy coi lại, đúng là thiếu cái giấy lót thiếc mỏng mầu thếp vàng. Lại cái chìa khóa tra vào cái khóa tủ, ông quẳng cái bao xấu vào trong, lấy ra một cái khác.

 

Lại lật qua lật lại coi kỹ trong ngoài một lượt, lần này thằng bé mới chịu. Chúng bỏ đi. Bữa ăn  xong. Đủng đỉnh, hai người đi dạo quanh nhà. Đến chỗ bụi tre già, ông Đang trỏ tay xuống chỗ đất được đào, ngang dài như hình một cái huyệt, sâu có cả thước, nói như đùa:

 

“Làm sẵn chỗ này để ngộ chết có nơi đặt lưng. Ở cái tuổi tôi, đi lúc nào mà hay trước được. Như ngọn đèn lụn bấc, cạn dầu, thoi thóp rồi thì tắt. Đào cái hố nó ở cận nhà, lúc yếu quá còn cố sức bò ra nằm xuống, chẳng muốn làm phiền ai. Sống không ai nhơ,ù chết cứ lẳng lặng mà chết hóa ra hay”.

 

Ông nói xong thì nhếch môi cười. Cái cười dính chặt trong óc não khách trên đường rời nơi thôn xóm quạnh quẽ. Cái cười không đúng là cái cười mà đó là nỗi u uất cay đắng pha lẫn hận thù từ đáy cõi lòng người bạn già đã tiết ra. Chất đắng của mật. Chất đắng của nỗi buồn.

 

Đi giữa cánh đồng quạnh hiu buồn bã, khách mới nhận ra đi như thế quả là cô đơn. Bấy giờ khách mới vỡ lẽ mà hiểu được cái sâu chuỗi hộp dầu cù là của ông Đang, hóa ra cũng hữu dụng thật./.

 

 

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1906
Ngày đăng: 16.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Biển Gọi - Mây Ngàn Phương
Người Lấy Vợ Ông Tướng Cụt Đầu - Phạm Nga
Mỏng Như Cánh Chuồn - Chế Diễm Trâm
Hương xưa - Hòa Văn
Bão Magic - Nguyễn Đình Bổn
Một Buổi Chiều Vàng - Võ Anh Cương
Trái Đắng Trong Vườn Cây - Nguyễn Trung Dũng
Phía Sau Người Đàn Ông - Ngô Thị Ý Nhi
Hôm Qua Nó Còn Đi Học - Lê Văn Thiện
Những Cái Chum Trên Cánh Đồng Cỏ Cói - Nguyễn Trung Dũng
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)