Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.211.347
 
Ngôi Nhà Ma Ở
Nguyễn Trung Dũng

 

Đường số 5 phố tôi ở, ngôi nhà đó có ma. Không ai tin nhưng sẽ tin nếu đến thuê ở. Nhìn mặt ngoài, với hai tầng lầu cao, với hai tháp kiến trúc theo kiểu cổ, với chiều dài của nó, ngôi nhà được coi là rộng và đẹp. Nhưng nhà có ma, nhiều người thấy giá thuê rẻ thì ham, ở chỉ ở được vài tháng thì ham bỗng thành ngán.

 

Ông cụ người Mễ nhà ở đối diện có lần kể, nhiều năm trước đây, ngôi nhà này có người treo cổ. Chết đến bẩy ngày, xác đã rữa, thịt đã thối, người phát thư vô tình mới phát hiện. Chẳng mấy ai bước lên bực thềm nhà này, trừ ra ông phát thư đến phát thư mỗi bữa. Ông lái xe đến đỗ ở góc đường, đẩy cái xe đẩy với những xấp thư, đi từ đầu phố đến cuối phố, hai bên có nhà để phát. Nếu là khu chung cư, thùng thư là thùng thư công cộng để ở ngoài đường. Nếu là tư gia, thùng thư vuông vức chỉ là cái hộp, hộp gắn ở vách. Ông đã đến bỏ thư cho thùng thư của căn nhà bà già, thấy đã một tuần, thư đầy ắp vẫn không được lấy. Chẳng có nơi nào ông phát thư thấy thư đầy áp như thế, ngoại trừ thùng thư ở nhà bà cụ chủ ngôi nhà. Mới, ông nghĩ và cho rằng, chủ vắng nhà đi chơi xa hay rời chỗ ở. Và, một bữa, bước lên thềm, bỏ thư vô hộp,  mũi ông bắt thấy có mùi hôi. Nói là hôi chưa đúng lắm, mùi đó là mùi thum thủm khăm khẳm của thịt thối rữa, của da vữa nát. Mùi xúc vật, chuột bọ chết đã sinh dòi. Báo cảnh sát, cảnh sát đến đạp cửa xông vào, cảnh sát phát hiện ra kẻ treo cổ. Kẻ treo cổ là một bà già thì vô lý. Một bà già ngồi xe lăn không thể tự mình đứng lên trên một cái ghế, tự mình đút đầu vào cái thòng lọng, và tự mình điều khiển đôi chân tật nguyền để đẩy ngã cái ghế dưới chân. Vụ án được đi đến kết luận: thủ phạm là một người nào đó đã đột nhập căn nhà, cướp vàng bạc, tiền của, rồi treo cổ bà cụ để đánh lạc hướng điều tra của cảnh sát theo sự  tính toán của gã. Nhưng tính thế là tính sai, nên không bao lâu vụ án giết người xẩy ra, kẻ gây tội ác đã bị bắt và bị tù.

 

Đấy là chuyện của quá khứ. Quá khứ là quá khứ không còn mấy ai bận tâm và nhớ. Còn hiện tại, ngôi nhà vẫn là ngôi nhà tọa lạc ở đó trên đường số 5. Có người đến thuê ở. Có người mới dọn đến thuê ở nếu chủ cũ rời đi. Dọn đến, rời đi, tính ra trong năm có đến ba bốn vụ. Họ đến thì xe chở khối đồ đạc bằng xe vận tải loại trung, và rồi, họ đi cũng vẫn cái xe vận tải loại trung 6 bánh đó di chuyển đồ đạc. Và đi, họ chẳng nói với bất cứ ai lý do đi. Duy có ông Mễ già sớm tối ngồi ở hiên nhà, uống cà phê, đọc báo, ngó ra đường, thì ông biết tại sao họ “move” đi nơi khác. Đã có một gia đình đến ở dẫn theo một con chó to như con bê. Chó lông đen tuyền, mặt mũi nom dữ như sư tử. Ma sợ chó mực tức chó lông đen như con chó của ông chủ nhà mới. Nhưng con ma xem ra không sợ chó mà ma còn phá khiến con chó cứ sủa suốt đêm. Mùa mưa, trời tối sớm. Cây lớn trồng trước nhà cành lá võng rủ, gió đùa quạt như chổi cua quét ván sàn nhà, rồi còn cả tiếng hụ nấc như chim cú kêu.

 

Buổi tối mùa hạ, khi ánh sáng của vầng trăng chiếu xuống tàng lá rậm rạp, có người nói nhìn thấy hình người mặc áo trắng. Người mặc áo trắng đu từ cành cây này sang cành cây kia như một con bạch hầu. Điều đó thực hư ra sao không rõ, nhưng đường số 5, ngôi nhà đó là nhà có ma. Ở Winchester, cũng có ngôi nhà ma. Ngôi nhà đã lâu đời, phòng ốc cả trăm phòng, bỏ không bỏ hoang  và được dùng vào việc thu tiền bán vé cho ai muốn coi. Coi thì coi nơi âm u cùng cốc vào ban ngày, còn ban đêm, cho không vé cũng ít người dám vào coi. Mà đêm xuống, bóng tối là lúc ma quỉ hiện, lúc cõi dương nhường cho cõi âm, những hồn ma bóng quế mới về trần thế. Ở ngôi nhà ma đường số 5 cũng vậy, ngày thì bình thường, đêm thì không bình thường. Hết rung giường, nhấc đệm, lắc sàn, cào vách, rớt đổ đồ đạc, thêm vào đó lại còn tiếng cót két, tiếng cọt kẹt, tiếng leng keng, tiếng loảng xoảng của đủ thứ tiếng lúc thấy lúc không. Ma quậy phá vì ma không chịu để cho người lạ đến ở. Mà quậy phá theo cách đó làm người ở khủng hoảng tinh thần, sợ đến nước phải dọn đi.

 

Người cuối cùng đến ở phải dọn đi, ngôi nhà từ đó lại bỏ trống. Bỏ trống dễ có nửa năm, người ở phố đường số 5 không thấy ai đến thuê. Cứ tối tối, nhà các dẫy trong khu phố sáng ánh sáng đèn, duy ngôi nhà ma cửa sổ trên gác lầu, phòng bên dưới, đèn đóm không một ngọn. Chẳng mấy ai rảnh để bận tâm nhắc đến nơi ở đó sau một ngày đi làm về, lo sửa soạn cơm nước, nghỉ ngơi, giải trí, và đợi tới giờ đi ngủ.

 

Trưa thứ bẩy bữa đó, ông già người Mễ theo thói quen vẫn ra ngồi ở hàng hiên nhà. Ngồi với chai bia, uống bia và đọc báo. Đúng lúc ông buông tờ báo để cầm ly bia lên uống, mắt ngó sang nhà dẫy phố bên kia, ông thấy chiếc U Haull - loại xe cho thuê để chở hàng trờ tới. Xe đến trước ngôi nhà ma thì đỗ lại. Đồ đạc được chuyển xuống vỉa hè, xuống đường. Đồ đạc gồm giường, nệm, tủ, bàn, khung tranh vẽ. Khung tranh có tranh đã vẽ, có khung chưa vẽ tranh. Đoán, ông đoán chủ mới là một tay họa sĩ. Họa sĩ mới lắm khung đến thế. Còn không, dọn nhà, mang khung tranh nhiều đến thế làm gì. Điều ông đoán không sai. Ông mới tới thuê căn nhà là một tay cầm cọ. Một người to lớn vạm vỡ, râu xồm, tóc xù, vẽ tranh là nghề của ông ta. Đến sẩm tối, đồ đạc từ thùng xe bốc xuống vệ đường, choán hết lối đi với đống khung gỗ đã được giải tỏa. Đồ đạc đã được đưa hết vào nhà khi bóng tối tối hẳn, nhà phố đã lên đèn. Đêm, ở trong căn nhà âm u nằm dưới cây du già cũng có đèn sáng. Đèn ở trên lầu, dưới nhà và ở cả mặt tiền. Đèn sáng chứng tỏ ngôi nhà đã có người ở.

 

Đêm đầu, ông họa sĩ ngủ ngon. Ngủ đẫy giấc sau một ngày vất vả khuôn vác, khiêng mang đồ đạc. Ngủ ngon nên buổi sáng mặt trời ngó vào cửa sổ, chói mắt ông mới dậy. Đêm thứ hai, nửa khuya thức, ông nghe thấy đủ thứ tiếng động ở trên lầu, ở dưới nhà, ở dưới hầm. Tiếng động kéo dài suốt đêm cho mãi đến sáng mới ngưng. Đêm thứ  ba, ông ngồi dưới ánh sáng của ngọn đèn, trước mặt là khung đặt trên cái giá gỗ có ba chân, vẽ. Ông có thói quen làm việc vào lúc khuya khoắt thay vì ban ngày. Giờ mọi người đều ngủ, nhưng đối với ông, giờ thiên hạ ngủ lại là giờ ông thức. Ông thức với cây cọ, sơn và khung vải bố. Từ những đường đi của cây cọ đó, ông phóng những đường phóng để vẽ một hàng cây với cành khô khẳng, với những con dơi quạ treo thân lủng lẳng, với một bầu trời mầu vàng úa ở phía sau. Những con dơi quạ chân bám dính cành, cánh như hai vạt áo chùng khép thân, mầu đen nhọ chảo. Đến nửa khuya, bức tranh ông vẽ đã hình thành theo đầu óc ông thể hiện. Ông buông cọ, châm thuốc hút, ngồi ngắm nghía bức tranh. Lúc ngó về góc tối của căn phòng, ông nhìn thấy một bà già ngồi trên cái xe lăn, mặt với hai má hóp, đầu với tóc trắng xóa, miệng móm vì răng không còn, cứ chăm chắm nhìn ông. Ông để rơi ly rượu rớt xuống sàn, cái ly bể và bà cụ ngồi trên xe lăn biến mất.

 

Đêm hôm sau, bức tranh tựa đề “Dơi Treo Thân Ngủ” của ông đã hoàn chỉnh. Nhưng cũng vào nửa khuya đêm đó, ông đang vẽ tiếp một bức mới thì tai ông nghe tiếng vù vù của những cái cánh vỗ. Cánh của vô số những con chim hay con dơi đập cùng một lúc mới tạo ra tiếng động ào ào như sóng của biển khơi lúc biển động. Ông là người có tính liều lĩnh, với những hiện tượng quái dị xẩy ra như thế, ông đã không sợ mà còn cười. Cười thách thức, mỉa mai và khinh khi.

 

Nhiều đêm sau đó ông vẫn ngồi mải mê với sơn cọ. Vẫn vẽ và vẫn miệt mài với đường phết vung vãi sơn trên khung vải bố. Vẫn thản nhiên lì lợm với bóng tối đêm khuya khoắt và sự tĩnh mịch đến ghê rợn khi nhà phố đã ngủ yên. Đêm nay, ông hình thành bức họa vẽ bức “Quạ”. Những con quạ đứng trên ngọn cây khô nghển cao cổ gào. Những con quạ mầu đen như mầu của những con dơi. Mầu đem u ám ông thường sử dụng trên mỗi bức tranh. Ngay cả những bức vẽ buổi sáng của một ngày hửng nắng, ông cũng cố ý đem mầu đen đó vào để bôi phết một khoảng trời nắng chưa liếm tới. Mà ở đó là một khu rừng với cây cối còn ngủ. ở đó có những ngôi nhà chưa thức, ở đó ruộng rẫy chưa tan hơi sương. Bức “Quạ” với quạ đen ông vẽ qua đêm, lúc vẽ ông nhác thấy ở góc căn phòng tối, chỗ bà cụ già ngồi trên chiếc xe lăn, thay vì thấy bà cụ già ngồi trên chiếc xe lăn như bữa trước, ông lại thấy bà cụ bị treo cổ. Lủng lẳng với cái thân thể suông đuột, chân và tay suông đuột, đầu nghẻo và mắt trợn, lưỡi thè, bà cụ nhìn ông vẽ. Với một người khác chắc không đủ bình tĩnh và can đảm đứng vẽ tiếp, nhưng ông là người dư thừa sự bình tĩnh và can đảm nên cọ vẫn đi, sơn vẫn chấm, việc vẫn làm. Rồi gần sáng, bức họa được coi là xong. Lúc gục xuống ngủ, ông nghe tiếng đập cánh của nhiều cái cánh chim, tiếng quạ kêu la quang quác, có lúc như gào, ở quanh khu nhà. Lúc tỉnh, ông nhìn lên bức tranh, cây cối còn đó, nhưng những con quạ đen bay đâu cả. Đêm từ nền vải vẽ dơi biến mất. Ngày từ nền vải vẽ quạ bay đi. Đó là điều khó hiểu mà ông họa sĩ không sao hiểu được.

 

Bầu trời chiều bữa đó kéo mây đen. Rồi mưa. Mưa to bởi lượng nước mây ngậm quá nhiều, nước đổ xuống nhiều và nặng. Đập lên mái. Vỗ trên cây. Ném như đá sỏi mặt đường phố. Tạt vào kính cửa sổ. Mưa to. Giữa cơn mưa nghe sấm rền sét nổ. Sét đánh xuống ngôi nhà. Cây cổ thụ trước nhà sét chém. Cành gẫy. Lửa bốc cháy. Cháy bùng như ngọn đuốc. Cháy vì dây điện chạm. Lửa từ dây điện chạm cứ thế theo đường chuyền dẫn liếm vào mái hiên nhà. Mái hiên gỗ ván cháy. Nóc mái cháy. Sàn nhà cháy. Đồ đạc cháy. Mọi cái đều phát hỏa nên cháy dựng như một hỏa diệm sơn phụt chất nhám thạch. Chẳng thể ngăn chặn được với thần lửa điên lên khi ông giận dữ vào lúc đó. Dù xe cứu hỏa cấp thời kéo đến, dù những người lính cứu hỏa tận tình phận sự, dù nước từ trời đổ xuống đang khi mưa, dù vòi phun tới tấp phun từ những chiếc xe chữa lửa đỗ kín con đường, đến sáng, ngôi nhà rụi. Nó không thể còn gọi là ngôi nhà với những vật liệu đổ nát, bừa bãi, hỗn độn và chồng chất không còn ra hình thù gì.

 

Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi nhà còn ông họa sĩ râu rậm và những bức họa của ông thì sao. Với những tro than của đồ đạc, ông biến ra tro than như những đồ đạc theo lời người lính cứu hỏa nói. Còn hai bức “Dơi” và “Quạ”. Đã cháy lớn đến cỡ đó, họa may những con Quạ và con Dơi biết bay thì còn sống, nhưng vải bố căng trên khung gỗ vẽ chắc chắn đều ra tro.

 

Đất ở ngôi nhà cháy sau khi thu dọn đã để trống. Có một hàng rào sắt ngăn mục đích cấm người xâm nhập. Đất ở ngôi nhà cháy để lâu không xây cất thì cỏ dại mọc. Cỏ thi nhau mọc, mọc rậm rạp và ngọn cao ngỏng./.

 

 

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1953
Ngày đăng: 19.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trong căn phòng của kẻ ngốc - Hoàng Mai
Dọn Chết - Nguyễn Trung Dũng
Biển Gọi - Mây Ngàn Phương
Người Lấy Vợ Ông Tướng Cụt Đầu - Phạm Nga
Mỏng Như Cánh Chuồn - Chế Diễm Trâm
Hương xưa - Hòa Văn
Bão Magic - Nguyễn Đình Bổn
Một Buổi Chiều Vàng - Võ Anh Cương
Trái Đắng Trong Vườn Cây - Nguyễn Trung Dũng
Phía Sau Người Đàn Ông - Ngô Thị Ý Nhi
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)