Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.572
 
Đá trắng
Nguyễn Thanh

Những ngày cuối đông, cái im vắng, buồn tẻ thường diễn ra ở Bãi Nam Hòn Khoai. Thật thế, nhưng theo ông già gác đèn biển, ông Hai Hòn, nguyên nhân gây ra cảnh tượng đó đều do những tảng đá chông chênh ngồi gần mé nước: Những tảng đá mốc trắng, kể cả những tảng đá ngồi lẻ loi trên vách núi đều tư lự, khi ngóng dòm ra biển cả, khi lơ mơ nhìn lên trạm đèn ngất nghểu, xam xám. Thảm hại hơn, chính tấm thân của nó lem luốc những vết bẩn và những chữ “nhớ”, “cô đơn”, “BB!”, “em yêu”, “buồn”...

 

Thế nên những ngày này, ông Hai Hòn uể oải ít chịu lui tới Bãi Nam mặc dù so với Bãi Chướng, nhà ông ở gần Bãi Nam gấp mười lần. Lại nữa, ông già không muốn nhìn cảnh tượng mặt trời sắp lặn xuống biển.

 

Nói thế, không phải tuyệt nhiên ròng rã hàng tháng trời ông Hai Hòn chỉ một việc mải miết leo ngược lên trạm đèn. Còn mấy ngày đi săn kỳ đà, mấy ngày đánh cá, mấy ngày trồng rau tỉa hạt và thỉnh thoảng theo sau con chó đốm Mi Mi xuống Bãi Nam nhận một ít quà, một ít muối, khô cá dứa, cá khoai, vài chục xâu tôm lụi phơi khô của người quen từ Rạch Gốc, Kinh Năm, Cái Xép... gửi ra. Có cả vài chai rượu nếp uống gần cháy cổ của ông Hai Lộng ở Rạch Tàu.

 

Nhưng đùng một cái, ông già đổi ý và đảo lộn mọi sinh hoạt hằng ngày. Ông lên lên xuống xuống Bãi Nam như ăn cơm bữa.

 

Do Bời chăng ? Chính anh Trung đội trưởng Thông tin ấy đã xui khiến ông già trở nên khác thường. Ngay từ hôm anh em Bời trên đỉnh dọn xuống Bãi Nam ở, chưa vào những gian nhà gạch thấp lè tè giáp với mé nước đã thấy ông già gác đèn có mặt tại đây. Ông tự xếp cho mình một việc giúp bộ đội : Cầm mấy nhánh cây tuốt hết lá quơ quét trên nền xi-măng nham nhở ...

 

Chuyện thật đơn giản, ấy thế mà ông già có vẻ nghiêm nghiêm, trịnh trọng. Ông quơ quét chậm rãi, thật nhẹ nhàng đến đỗi không nghe thấy tiếng chổi kéo sột soạt trên nền xi-măng.

 

 Mời các chú vào ! Xin mời !

 

Ông già nhanh nhẩu lên tiếng rồi không từ giã ai, ra về. Bời cầm giữ ông cách nào cũng không được.

 

Rồi tiếp sau, ông già lui tới với anh em Bời thường xuyên như lui tới trạm đèn vậy. Hoàn toàn ông già đến đây không phải chỉ vì việc nhận quà, loại trừ khả năng dòm ngó thăm nom chiếc ghe mới đóng còn dở dang nằm xểnh trên bãi cát ...

 

Lần nào cũng thế, chưa tới nhà, ông già đã lên tiếng trên triền dốc :

 

Bời đâu ? Có đứa nào rảnh đi lên nói với Bé Bảy cắt cho ít đọt rau thơm. Ăn uống gì kham khổ vậy ? Nghe rõ chưa ? Trả lời ...

 

Bời đâu ? Ban đêm mắc trực máy thì thôi, bằng không, ngó giùm lên ngọn đăng coi có cháy đều không ? Hai mươi giây, bốn chớp. Nhận rõ ? Trả lời ...

 

Tiếng ông Hai Hòn oang oang, khản đặc từ trên triền dốc và suốt dọc đường vào tới nhà.

 

Hởi vắng mặt. Bời và vài anh em ở nhà ra đón khách. Anh bỏ dở hết chuyện vặt vãnh như nhen lửa, lặt rau sau bếp để kè kè bên khách, hơi khép nép, khác hẳn anh Đại đội trưởng Hởi vừa nói chuyện tự nhiên vừa nhấp nháp với ông già cốc rượu trắng. Chẳng vậy, Bời còn “dạ rõ, dạ rõ” lia lịa nghe phát mệt.

 

Thật cũng khó cho Bời xử lý : Ông khách có chịu ngồi yên một chỗ đâu. Đằng này, hai tay ông khách chắp sau đít, lui lui tới tới tự nhiên như nhà mình vậy, khiến Bời kè kè phía sau như một cái đuôi. Họa hoằn ông già mới đứng yên được vài phút đối diện với Bời. Những lúc đó Bời càng khép nép. Chốc chốc, Bời nhìn một thoáng vào gương mặt xương xương, người mảnh dẻ, khỏe khoắn và râu mép không một sợi bạc rung nhè nhẹ của ông già.

 

Bời thích, nhìn hoài.

 

Lại nữa, ông già có tính rộng rãi, quý khách, và khi ông nói giống hệt một chiến sĩ Thông tin trực máy.

 

Thật vậy, Ông già quấn quýt ngay với đơn vị 962 chiếm lĩnh Hòn Khoai vào sáng ngày 2, tháng 5, năm 1975. Và ông già cùng ăn ngủ chung với tốp Thông tin của đơn vị.

 

Trước đó vài ngày, ông cùng sáu nhân viên cũ, có cả binh lính, trong đó có anh tài xế xe GMC cự tuyệt không chạy theo bọn cướp biển bỏ hòn chạy trốn ra nước ngoài. Đủ bảy người ra tiếp nhận cái thư kêu gọi đối phương đầu hàng của quân Giải phóng do ông Sáu Bộ từ đất liền mang ra.

 

Nhưng chẳng bao lâu, tốp chiến sĩ thuộc đơn vị 962 được điều đi nơi khác. Thay vào chỗ trống ấy là đơn vị Bời.

 

Ông già gác đèn mủi lòng lúc tiễn đưa và ngồi khóc đỏ chạch hai mắt trên trạm đèn biển. Lại nữa, ông già buồn buồn ngồi nhìn dãy cây nằm nước ở chót mũi Cà Mau hình dèn dẹt, mũi nhọn giống một đoàn tàu nối đuôi nhau ra khơi đánh cá. Ông mải miết nhìn vũng nước màu sữa loang loáng phía bên kia, chỗ hai vàm sông Bảy Háp và Cửa Lớn nhập lại. Vô số cánh nhạn xam xám, chấp chới chỗ ấy, khắp trên biển và quay cuồng trên nóc tháp đèn nơi ông đứng...

 

Mấy tháng ăn ở chung với tốp chiến sĩ toàn người miền Trung, miền Bắc, ông già coi chẳng khác nào đơn vị 962. Ông quen hết ráo, nhớ tên từng đứa một. Và đứa ông quen sớm nhất chính là Bời đang tiếp chuyện với ông.

 

Mời Bác ngồi – Bời vồn vã nhưng không được tự nhiên.

 

Lần này ông già dợm ngồi xuống. Chưa ngồi hẳn bỗng ông sững người nhìn ra bãi cỏ xanh um trước mặt : Con Mi Mi gặm cái gáo dừa chạy xẹt ngang cửa và sủa lên ăng ẳng mấy tiếng. Con chó đốm bị vướng vít những cọng dây tơ vàng nhạt ngang cổ; dây lá khô, rau muống biển quấn quanh hai đùi sau, và bộ lông lốm đốm trắng của nó giờ đây xù cả lên như vừa mới phá phách hoặc vật nhau với kỳ đà trên rừng.

 

Ông già bước ra khỏi cửa đã trông thấy bóng đứa con gái của ông : Cô Bé Bảy đang đi xuống triền dốc chỗ đặt mấy cái máy đèn phế thải “Mày đi việc gì ? Mi Mi đi việc gì ? Cả hai đi hết, chuột tha ma bắt hết con gà, con heo trong chuồng cũng không ai biết nữa. Con gái!...” Ông già nói thầm trong bụng, không từ giã ai, cắm cúi lội lên nhà.

 

Mầy xuống đây làm gì? Đi thường hơn tao nữa nghe. Tao biết!... - Ông già dừng lại hất hàm về phía con gái – Mầy đi việc gì ? Nói ...

 

Bé Bảy đứng sững, khép nép :

 

Con Mi Mi nó sủa hoài, giống như có kỳ đà bò đâu đây, nó lôi con đi...

 

Nó lôi à ? Nó lôi hay mầy lôi ? – Ông già đĩnh đạc hỏi – Thằng trong đất liền, thằng ngoài hòn, chọn đứa nào? Nhận rõ chưa ? Trả lời ...

 

Im lặng.

 

Bé Bảy day mặt vào vách núi, nhìn thấy bóng mình ngả dài tới mí con đường lên nhà tối om om.

 

Chỗ tình nghĩa anh em thôi, con mới xuống. Ba nói con tức quá – Bé Bảy nói, mặt buồn buồn và đôi mắt hơi đăm chiêu nhìn thẳng vào mặt cha.

 

Ông già lầm bầm :

 

Mầy thấy cái cây bị gió lớn xô ngã xuống còn đó. Mấy trăm gia đình liệt sĩ nhưng chỉ mình anh Hai Lộng mới được ra cưa cây. Thằng Chín cũng sắp ra nữa đó. Nó coi cũng được. Tùy mầy – Ông già dừng lại nhìn chung quanh một thoáng – Mà đứa ngoài hòn tao cũng thương ! Nhận rõ ? Trả lời ...

 

Nói xong, ông già bước gấp gảy lên triền dốc. Bảy dần dà một chỗ mãi lâu, nửa muốn xuống Bãi Nam, nửa muốn quay lên nhà. Cô gái đưa một tay phủi bụi,  sửa sửa vạt áo sơ-mi ngắn tay. Cô mặc nguyên bộ đồ vải lin-phăng đen. Tay kia xoay tròn mấy lọn rau rắp cá, rau cần. Tóc cô thơm thoang thoảng mùi trái bồ kết nấu chín. Cô vừa gội tóc bằng trái bồ kết, chưa kẹp, nên những lọn tóc đen mượt buông xuống lõa xõa.

 

Bé Bảy nghiêng người xuống và để rớt hai lọn rau trên thảm rau muống biển. Cô rẽ trái, bước thẳng về hướng chiếc ghe của cô. Cô và con Mi Mi còn ra tận mỏm đá cheo leo đầu bãi cát màu nâu lấp lánh.

 

Trước khung cửa sổ của gian nhà gạch, bóng Bời thấp thoáng. Và sau bếp, nồi cơm già lửa sôi ùng ục, nắp xoong trễ một nửa ra ngoài...

 

Buổi chiều, gió thường rú rít bên Bãi Chướng. Bóng núi sập xuống làm tối đen một vùng nước ngầu bọt trắng xóa, lan ra gần giáp với Hòn Sao kề bên. Tiếng sóng vỗ vào thành đá ầm ì như tiếng đại bác, tiếng một đoàn tàu nổ máy. Còn Bãi Nam im vắng lạ. Sóng lừng lên nhấp nhứ phía ngoài những tảng đá án ngữ. Nước tụt sâu xuống phơi ra những viên đá cuội bám rong rêu như bầy cá đen. Mặt trời sắp lặn xuống biển, dần dà, cháy rực lên trên vách núi. Vô số đọt non của một loài cây không tên tua tủa như những ánh lửa nhảy nhót từ những hốc đá, trên thảm cỏ dại màu xanh rêu, từ những lối mòn ngoằn ngoèo màu vàng sậm. Trạm đèn trên nóc tháp xam xám tựa hình người đứng gác với chiếc nón lá đội đầu, không dở nón xuống, cũng không chịu đổi gác lần nào. Và kia, những tảng đá chông chênh ngồi tư lự. Chưa ai kỳ cọ rửa sạch trên lưng nó những dòng chữ chứa đựng một điều tâm sự, một nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu, một sự tha hóa, đơn độc và những điều nhảm nhí, tục tằn ...

 

Đối với Bé Bảy, những tảng đá ấy biết nói. Là vì nó luôn gợi nhớ một dĩ vãng đau xót, không chỉ riêng cô mà còn với gia đình cô nữa.

 

Cách đây mười năm, Bảy còn là một cô gái mười bảy tuổi. Từ thành phố Mỹ Tho, Bảy bỏ dở việc học hành tìm đến Hòn Khoai ở luôn với cha. Lý do duy nhất, Bảy trốn thoát một người chồng sắp cưới do người dì xếp đặt thuộc loại giàu có, lớn hơn cô gấp đôi tuổi tác.

 

Lúc Bảy tới hòn, tay chỉ xách mấy bộ quần áo, cây đàn ghi-ta được buộc dính vào một thanh sắt nhỏ gập đôi trên cần đàn để vặn trục đàn bị hỏng. Đàn ve kêu rả rích bay theo cô ra tới hòn. Cô tưởng vậy. Tiếng ve kêu suốt đêm, rộn lên trong khu rừng đậm đặc. Cô say say trong tiếng ve âm u và tiếng sóng vỗ ầm ào vào vách đá những ngày đầu tới hòn. Không một người quen ngoài cha cô, ngoài con Mi Mi lúc ấy vẫn còn nhỏ xíu, thường vểnh tai nghe ngóng, sủa ăng ẳng trong bụi rậm. Con chó đốm trắng Mi Mi của một người quen từ trong đất liền gửi ra cho, thay cho con chó già lụ khụ, giỏi giang trước của cha cô đã chết.

 

Thế rồi không bao lâu, cha con cô Bé Bảy, con Mi Mi phải đón tiếp một tốp quân ngụy tăng cường cho Hòn Khoai trên những chiếc phum đen từ hướng cửa Bồ Đề đổ ra. Tiếng ầm ào của máy tàu chưa dứt, những mũi tàu dèn dẹt chưa vào tới bãi, Thượng sĩ Ba đã nhảy ùm xuống nước và lội phăng lên. Hắn rùng người xuống nước ngấp nghé tới cổ. Khẩu côl 12 ly gác ngang những chiếc răng ám khói thuốc, to cộm. Hắn lội ngùm ngụp, không phải vì để cho đứa khác noi gương, mà khổ nỗi, chỉ vì bóng dáng một đứa con gái hiện ra thấp thoáng trên hòn.

 

“Thì ra, cái hòn mát mẻ chứ không như người ta tưởng!”. Hắn nghĩ. Nhưng hắn tỏ ra không lưu ý đến ai cả. Men tới mé bãi, hắn không do dự, ngơ ngác trước những tảng đá ngồi chông chênh, trước cây cối um tùm và khe nước róc rách lẩn khuất trong lùm bụi, trong sỏi đá...

 

Quê Thượng sĩ Ba ở vùng rừng đước Viên An, Năm Căn. Hắn chính là con đẻ của một ông chủ có nhiều miệng lò than ở Cái Chồn, sau dời sang Đường Kéo, có cả phần hùn với mụ Trần Lệ Xuân em dâu Tổng Thống Diệm, độc quyền mua hết than đước vùng này. Đối thủ lợi hại của thượng sĩ Ba lúc bấy giờ là ông Bông Văn Dĩa, Ba Pháo, Hắc Hổ – những lão thành cách mạng chính thống. Thượng sĩ Ba tỏ ra không kém những ông ấy từ chuyện lội rừng, thuộc nằm lòng trăm ngàn con rạch xuyên giữa rừng, đến chuyện nhìn ra những thân cây vẹt, cây đước biết chúng mọc lên ở vùng nào...

 

Nhưng dù sao, trước nhất, thượng sĩ Ba cũng phải tỏ ra khuất phục ông Hai Hòn cái đã.

 

Là vì ông Hai Hòn đã ở đây tròn ba chục năm. Không được như bác già Bắc-tô-li trên quần đảo Xăngghine một quần đảo đá hoa cương tại cửa vịnh Agiắcxiô miền Nam nước Pháp, lệ thường vào mùa khô cứ ba mươi ngày ở đảo thì được mười ngày ở đất liền. Đằng này, ông Hai Hòn ở suốt ba mươi năm, chứng kiến mọi sự đổi thay thật kỳ diệu của cái hòn đã gắn liền với ông nửa đời người.

 

Lúc ông già đến hòn, đèn không cháy bằng máy phát điện như bây giờ, phải lên dây thiều ken két. Bốn mặt đèn sặc sỡ bị phá vỡ, và căn cứ hải quân đến năm 1971 mới xây xong với bốn chục tên cố vấn Mỹ từ hạm đội 7 vào đây chiếm cứ. Nửa năm 1972, con đường nhựa đen bóng hoàn thành nối dài từ Bãi Chướng leo lên tới đỉnh hòn, và lướt tới nữa, qua tới sân bay lên thẳng.

 

Thế nên mới ngày đầu tới hòn, thượng sĩ Ba đã quen với ông già gác đèn biển, sau đó cười hềnh hệch với ông già trên trạm đèn.

 

Mỗi lần như thế, ông già tuôn ra khối chuyện hòn, chuyện thú rừng, chim muông, kể cả những giống cây quý và những chuyện linh thiêng ông được biết. Mỗi lần như thế, ông già phải chạm cốc với tay Thượng sĩ ngồi sầm sầm, đen trũi trước mặt, và ông phải say túy luý. Ông phải thua cuộc. Cái chỗ yếu của ông Hai Hòn là món rượu trắng với tôm khô trộn dưa kiệu và tôm lụi phơi khô. Ông tự thú điều đó.

 

Thượng sĩ Ba vốn mạnh rượu. Ví như mười tảng đá ngồi sau lưng thức dậy, biết chạm cốc cũng phải thua hắn, huống hồ một ông già nhỏ nhắn, yếu đuối như ông Hai Hòn.

 

Thượng sĩ ngồi nhìn ông già ngáy ngủ rồi quay lại cười hềnh hệch với những tảng đá. Chốc lát, Thượng sĩ chán ngán, hai mắt lim dim như buồn ngủ. Nhưng, hắn không đánh giấc ngon lành như ông già gác đèn. Da mặt hắn càng sạm đen, tai tái. Hắn cố giương đôi mắt lơ đãng nhìn lên trạm đèn. Ở đấy đang phát ra tiếng đàn ghi-ta và tiếng hát của một thiếu nữ. Hắn nuốt vào người những lời ca như nốc rượu suông khỏi cần phải thịt cá làm mồi.

 

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ

Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao,

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”

 

Tiếng hát trong và ấm vừa rõ nghe, hơi chơi vơi, vật vờ. Đôi lúc tiếng đàn lấp khuất tiếng hát, tiếng đàn như cơn gió nhẹ rong ruổi tỏa lan trên tháp đèn, quyện trong mùi hương của những đóa huệ màu hồng phơn phớt dưới chân tháp.

 

Mấy lần Thượng sĩ Ba muốn mon men tới nhấc chân lên từng bậc thang để nhìn tận mặt đứa con gái ông già gác đèn. Sao gương mặt ấy ám ảnh Thượng sĩ không chịu nổi ngay từ hôm Thượng sĩ đặt chân lên hòn. Da mặt cô ta thật mịn, sống mũi thẳng và đôi mắt mí lót đen nhánh. Thật hiếm có người con gái nào ở vùng nước mặn mòi quanh năm mà da mặt được mịn màng như cô ta. Thượng sĩ mơ mơ muốn nghe cô hát tiếp. Đến lúc không chịu nổi, Thượng sĩ men đến gần trạm đèn. Nhưng không hiểu sao, hắn quay lui về chỗ cũ và rùng mình so đôi vai rộng, nghe lành lạnh sau gáy. Loáng thoáng trong óc hắn những tay đối thủ lợi hại : Ông Bông Văn Dĩa đã từng sống ở nơi đây một thời niên thiếu, đã từng gánh chuối giúp bà mẹ từ trên triền dốc xuống Bãi Nam. Bóng dáng ông Hắc Hổ lội sùm sụp trong rừng lùng Việt gian thời Pháp thuộc. Chiếc ghe cui và ông Ba Pháo vào bãi Nam chở nước ngọt về Kinh Năm một dạo đùm bọc chở che cán bộ Cộng sản...

 

Thượng sĩ Ba trấn tỉnh một lần nữa và cả quyết những tay đối thủ lợi hại ấy không có mặt, không có cánh để bay ra tới cái hòn phải đi mất nghiến hai tiếng đồng hồ bằng ghe gắn máy. Nhưng, cái hòn này linh thiêng lắm! Hắn ngơ ngác nhìn lên mấy gian nhà xây bằng đá chỗ thằng Ô-li-vê, sếp hòn, trước kia chết vì mấy cục đá tát vào mặt của ông Sến trong cuộc khởi nghĩa chiếm Hòn Khoai do thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo tháng 11, năm 1940.

 

Ô-li-vê đứng chỗ ấy, vênh váo cạnh bàn đặt máy vô tuyến điện trước khi chết. Chỗ kia, là bậc thềm rêu mốc nơi Ô-li-vê giãy giụa và  trút hơi thở cuối cùng. Và dưới kia nữa, kề bên con đường tối hun hút là hồ tắm xây bằng gạch hứng nguyên vẹn nguồn nước từ trên đỉnh hòn đổ xuống. Ô-li-vê mỗi ngày một lần, có khi đến hai lần, cùng vợ đong đưa trên chiếc võng bốn người khiêng đến đó bơi lội ! Thằng Tây sếp hòn chết là phải lắm ! Còn Thượng sĩ này có cần ai khiêng ai cáng cho đâu ! Thượng sĩ chỉ cần gương mặt mịn màng của một thiếu nữ thôi ! Lẽ nào?...

 

Nghĩ thế, thượng sĩ Ba chờn vờn đưa một tay ôm ghì lấy tảng đá, tay kia chà chà lên mặt mình. Mặt trời tụt xuống khỏi đỉnh hòn sau lưng hắn lúc nào. Hắn có cảm giác một làn sương mỏng đang phủ trùm lấy người hắn.

 

Giờ đây tiếng đàn sang một giai điệu khác thường. Chỉ có tiếng đàn rong ruổi lướt qua. Cái dạo đầu sao mà lâu đến vậy ? Thượng sĩ Ba nôn nôn muốn được nghe tiếng hát. Rồi tiếng hát lại vút lên, chao lượn như một cánh nhạn xa xăm.

 

“...

Chiều nay còn mưa sao em không lại ?

Nhớ mãi trong cơn đau vùi.

Làm sao có nhau

Hằn lên nỗi đau

Bước chân em xin về mau...”

 

Đến đó, tiếng đàn lẫn tiếng hát rơi nhẹ xuống như thể những chiếc lá bứa vàng úa khẽ khàng đáp xuống trên mặt đường nhựa đen.

 

Những câu hát được dạo lại mấy lần liên tiếp. Và có lần chỉ nghe rõ tiếng hát. Tiếng hát thêm chao lượn, vật vờ trong ngàn lá lao xao. Tiếng hát toát ra tâm sự khắc khoải của một cô nữ sinh xa thành phố.

 

Thượng sĩ Ba hiểu. Hắn đã men tới cánh cửa sắt dưới chân trạm đèn. Và đến khi tiếng hát vừa dứt, hắn bước lộp cộp lên nấc thang đầu tiên, lần lên nữa, lên mãi, qua hết bốn mươi mốt bậc thang đến trạm đèn.

 

Bé Bảy không ngó ngoái lại. Cô tựa cằm lên thùng đàn mơ màng nhìn vào chót mũi Cà Mau. Ở đấy hình đoàn tàu ra khơi đánh cá mờ dần, và những cánh nhạn thôi lấp lánh. Bảy bình thản nghe ngóng tiếng thang gác chuyển động vì cứ ngỡ cha cô trước khi chập tối lên đây lau chùi bốn mặt đèn pha lê sặc sỡ, có cả con Mi Mi đứng chờ phía dưới...

 

Tất cả những cái đó đều không như Bảy tưởng. Cho đến khi Bảy bị vật ngã trên chiếc ghế dựa, cô vẫn ngỡ con Mi Mi leo lên tới nơi giỡn hỗn với cô chủ. Nhưng đời nào con Mi Mi lên tới đây được ! Không phải con Mi Mi của cô. Mùi rượu bốc tỏa lên mặt cô muốn ngạt thở, và đôi vai thon nhỏ của cô bị vòng tay to cộm siết chặt. Cô gọi cha cô liên tiếp. Cô kêu con Mi Mi tới tiếp cứu nữa. Tiếng cô khản dần...

 

Dưới mặt đường nhựa không biết từ đâu tới, con chó đốm cắn giật gấu áo ông già gác đèn mấy cái ; con chó gừ gừ đánh thức ông dậy. Ông già lật đật chạy theo con chó đốm tới chân trạm đèn. Ông kêu toáng lên :

 

Trên đó có gì không ? Thấy gì không ? Nhận rõ ? Trả lời ... - Ông già hỏi trong lúc ngước cổ lên trạm đèn, còn con Mi Mi tru tréo vang dậy.

 

Không có tiếng đáp lại. Văng vẳng tiếng rên rỉ từ trạm đèn vọng xuống. Ông già nghi ngại đến quật cánh cửa sắt đang đóng im ỉm. Ông mệt nhoài và lảo đảo ngồi phịch xuống. Núi lớn quá ! Biển rộng quá !Còn ông và con Mi Mi quá bé nhỏ. Làm gì đây?...

 

Ông già hoang mang tự nhủ bỗng có tiếng rơi độp khô khan trên nền gạch. Tiếng một tập sách dày cộm mà bất cứ người gác đèn nào cũng có từ trên cao rơi xuống. Ông già quơ tay lượm lấy. Đúng là nét chữ của con gái ông nơi trang cuối.

 

Ông xem lướt qua:

 

“Ngày hai mươi, tháng chạp, năm 1970. Có hiện tượng trời giông lúc đêm, có thể sớm hơn, lúc chập tối. Đúng trưa nay, ba chiếc tàu đen xuất hiện từ hướng Bồ Đề. Nhiều tiếng nổ lớn trên biển gần đây. Giống tiếng bom. Mây đen nhiều phía trên gió, hướng Đông Bắc. Chắc chắn có mưa giông...”

*

*           *

 

 Sao mà im lặng dễ sợ vậy anh Bời ? – Bé Bảy hỏi trong khi vừa kết thúc câu chuyện kể về một kỷ niệm đau xót của mình. Bé Bảy bộc bạch với Bời trong lúc hai người tụt lại đi sau tốp bộ đội có cả anh Hởi tải gạch xây công sự phòng không trên giàn ra-đa.

 

Im lặng.

 

Bời đưa một tay gãi tóc và hơi lúng túng không biết nói gì đây với Bé Bảy. Lần đầu tiên Bời nghe Bảy gọi mình bằng anh, và cũng lần đầu tiên Bời được nghe câu chuyện của cô bạn gái lớn hơn Bời một tuổi. Bốn năm rồi còn gì !

 

Bời cảm động ngồi im, một tay bó gối nhìn con đường nhựa đen lượn xuống Bãi Chướng. Con đường giữa trưa bốc hơi nóng như thể có một đám cháy gần đâu đây, rát cả mặt. Nắng đổ sao lốm đốm trên thảm cây mắc cở và rau muống biển.

 

Lát lâu, Bời vừa đứng lên xốc xốc cái bồng căng cứng những viên gạch, giục:

 

Thôi, ta đi!...

 

Bời không nán đợi Bé Bảy nâng cái bồng bự cộm không kém bồng mình, bước lẹp kẹp trên thảm rau muống biển, lên đỉnh. Bời cắm cúi, chậm rãi như đợi  Bảy cùng đi theo.

 

Đợi với, anh Bời ! – Bảy lên tiếng phía sau – Bời nghe tiếng tưởng chừng như Bảy còn đâu dưới xa. Nhưng anh không dòm ngoái lại.

 

Bé Bảy chân không dép, đôi chân như bị phỏng vì mặt đường nhựa nóng nghi ngút. Cô nương theo những dề rau muốn biển, bước lẹp kẹp, đôi lúc chạy ra giữa đường nóng rát tránh những chòm cây mắc cở lởm chởm gai nhọn mọc lần ra lối đi.

 

Người gì mà kỳ cục chẳng nói tiếng nào ! Bảy nghĩ. Cô gái nhớ Chín ngồi buồn xo khi Bảy thuật vắn tắt, không chỉ kể chuyện thằng Thượng sĩ Ba dịp Bảy vào Rạch Tàu thăm nhà Chín. Chín ngồi như vậy đến lúc ông Hai Lộng khua xuồng dưới bến gọi Chín giật giọng, Chín mới rời cái xoong luộc tôm và nhanh nhẩu xuống cầu thang giở vó.

 

Chín buồn buồn như vậy là chuyện không vừa. Tối ngày hôm ấy, anh như con ba ba lội biển, hát nghêu ngao luôn miệng dưới bến vó. (Nhà Chín không có ghe máy, không có lưới đánh cá như những gia đình khác, quanh năm chỉ nhờ hai mươi miệng vó dưới bến).

 

Bảy buồn buồn ngẫm đời có lắm chuyện mình chưa nghiệm ra, không hiểu tới. Giấu kín nó thì chịu không được, còn nói ra thì như thể mình trút gánh nặng cho người khác. Thôi đành vậy.

 

Bảy tủi, muốn khóc.

 

Chờ đây nầy, nhanh lên ! – Tiếng Bời từ trên cao vọng xuống. Bời dừng hẳn lại đợi Bảy. Ác thật. Bời chọn chỗ thân cây ngã xuống chờ mình à? Bảy nghĩ. Riêng Bời, không phải lần đầu tiên anh bước tha thẩn tại chỗ này. Đến chỗ này, Bời chồn chân hẳn. Lần nào cũng vậy, kể từ lúc anh nghe tin ông Hai Lộng sắp ra cưa cây đem về Rạch Tàu.

 

Kể ra không lúc nào anh chiến sĩ Thông tin Bời mềm lòng, man mác buồn và trong lòng xao động đến vậy ! Trước đây Bời là một chiến sĩ gan lì, dũng cảm. Từ khi rời khỏi quê nhà – một vùng đồi trọc trồng toàn bạch đàn xanh ngắt ven sông Lô – Bời tham gia rất nhiều trận đánh trên biển, có mặt suốt chiến dịch Hồ Chí Minh, thu hồi nhiều đảo. Lần gần đây nhất, đơn vị Bời từ đảo Phú Quốc bí mật đánh thọc vào cảng Kông-pông-xom yểm trợ cho đơn vị bạn giải phóng đất nước Cam-pu-chia ra khỏi họa diệt chủng của Pôn-pốt.

 

Bời chợt hỏi :

 

Chừng nào bác Hai ra cưa cây, Bảy ?

 

Bác Hai nào anh ?

 

Còn hỏi ! Bác Hai Lộng ấy mà.

 

Bảy ngồi xuống, tự nhiên :

Có biết chừng nào đâu, chuyện của người ta ở mịt mù san dã trong đất liền, ai biết được.

 

Bời đưa một tay nhóng thử cái bồng còn vướng trên vai Bảy. Tự nhiên, Bời muốn đứng sát bên Bảy, giọng bâng quơ :

 

Cây nó khô héo hết. Lâu quá.

 

Bảy đáp :

 

Nó tươi hoài thôi mà. Cây ở hòn không như ở các nơi khác đâu nghe. Nó mọc trên đất đá mà...

 

Nghe vậy, Bời thè lưỡi, lắc đầu, bước sấp bước ngửa chẳng đợi Bảy như khi nãy.

 

Bảy không muốn gọi Bời, không muốn đi tiếp lên đỉnh nữa. Lạ thật. Lâu nay Bảy không lần nào được chứng kiến cử chỉ ấy của Bời, mặc dù ngày nào cũng trông thấy bóng anh ấy đi ngang qua nhà mình hoặc dừng lại lớ ngớ trước cửa xin một nắm rau thơm, hoặc cùng với Bảy đi săn kỳ đà tận sâu trong vùng đá tảng, được tắm bằng những giọt nước từ trên những chòm cây rậm rạp.

 

Bảy nghĩ phải chăng Bời quan tâm đến khúc cây nằm cạnh đường đi? Quan tâm đến mình ? Được như thế Bảy vui chứ sao ?

 

Bảy chậm chạp bước lên đỉnh.

 

Chuyện Thượng sĩ Ba tự nhiên tan mất. Chộn rộn trong lòng người con gái nhất là lúc này đây. Cô cho rằng mình có so hơn tính thiệt là quyền của riêng mình. Ai biết được. Cô tự đặt ra một câu hỏi về lời hứa của cha với người bạn già trong đất liền, cũng như sự im lặng của cô mỗi lần cha gạn hỏi có sớm sủa lắm không ? Sớm làm sao được. Năm nay Bảy hai mươi tám tuổi. Nhưng thân con gái mười hai bến nước, khó biết được bến nào đục trong?

 

Đang nghĩ lẩn thẩn bỗng Bé Bảy xốc xốc chiếc bồng căng cứng những gạch, hướng về cái công sự phòng không xây dở trên đỉnh, vụt bước nhanh...

*

*           *

Thế là những ngày nắng lửa ở Hòn Khoai đã qua đi một cách nhanh chóng. Mùa mưa bắt đầu với những cơn mưa ầm ào xối lên những tảng đá trơ trụi ngồi kế bên mé nước, trên con đường nhựa đen bóng, ngoằn nghoèo, và trên lùm cây cổ thụ rộn rực tiếng chim, tiếng dơi quạ chí chóe giành nhau những trái xoài chín ngọt. Rồi thoáng chốc, mùa thu tàn, xuất hiện những cánh nhạn chao lượn trên tháp đèn báo hiệu mùa đông đang tới. Bãi Chướng dồi lên những con sóng lừng trắng xóa đập ầm ào để đổi lấy cái im vắng  cho Bãi Nam.

 

Đối với ông Hai Hòn, ông già gác đèn biển, những tảng đá trắng ở Bãi Nam không còn là nguyên nhân của sự buồn tẻ nữa. Ông già đang mang một tâm trạng chẳng phải nhỏ nhen gì cho cam : Một đàng ngoài đảo, một đàng trong đất liền, biết chọn đàng nào? Trả lời...

 

Câu hỏi ấy ta hãy hỏi ta trước đã, sau mới tới phiên con gái ta.

 

Hỏi ta à ? Ta thì chịu thua thôi. Đàng nào ta cũng bằng lòng ! Ước gì ta có thêm một đứa con gái nữa cho đời vui thêm một ít.

 

Ông già cười thầm với ý nghĩ ngộ nghĩnh vừa lóe ra trong óc ông. Sau đó ông tự an ủi số phận của những người ở giữa biển khơi này là thế, cứ trăm mối ngổn ngang giật dậy như cái hòn nhỏ nhoi nầy chống đỡ với gió bão, với sóng biển. Sóng và gió ở mũi Cà Mau phải biết, nó trừng trừng dữ tợn đối với những người đi biển chứ chẳng vừa đâu!

 

Nhưng rồi cái tâm trạng cũ vẫn quấy rầy ông, trong lúc ông già không hở tay với những công việc đêm ngày trên trạm đèn. Giờ đây ngoài việc lau chùi bốn mặt đèn sặc sỡ, ông già còn lo đến số phận của chiếc máy nổ, mấy phi dầu, phần gạo ăn từ trong đất liền chuyển ra ... Ty Hải đăng từ Sài Gòn bổ sung thêm cho ông gần chục nhân viên nữa để đảm bảo đèn cháy suốt thâu đêm cho những con tàu đi qua lại vùng biển này.

 

Từ trên trạm đèn biển, ông gọi giật giọng và phân công công việc ngay cho những nhân viên mới đến trên trạm đèn. Tiếng ông oang oang, khản đặc. Ai cũng vui vẻ nhận lãnh phần việc của mình vì không còn lạ gì kiểu cách tự nhiên của ông. Rồi lần lượt tới phiên một nhân viên nữ cũ duy nhất trên hòn đến trạm đèn chờ đợi sự phân công của ông. Ông già thuyết một thôi dài, giọng tự nhiên kẻ cả về cách chuyển dầu lên đỉnh, dặn dò Bé Bảy cách chiết dầu ra, cách vặn nút cẩn thận để khi tải dầu lên khỏi bị đổ tháo.

 

Không có xe lên đỉnh như  trước nữa. Chiếc GMC đã được điều qua Phú Quốc, nên mọi thứ chuyển lên đỉnh đều tải bộ như việc chuyển dầu.

 

Ông già dặn dò Bé Bảy xong, nhìn chung quanh một thoáng rồi không biết nghĩ sao, ông im lặng một lúc lâu mới cất tiếng hỏi :

 

Tỉnh táo chớ ! Nghe rõ nè: Đàng ngoài đảo, đàng trong đất liền, con chọn đàng nào ?

 

Chỉ hỏi thế xong, không cần nghe đáp lại, ông già bước  lộp cộp lên trạm đèn và nhoài người ra cái bệ xi-măng bao quanh buồng kiếng pha lê . Ông già tự nhiên để cho lòng mình rưng rưng vì không ai thấy cả, mắt ông có đỏ lên cũng không hề gì ! Những con chim nhạn quay cuồng trên đầu ông cũng không hề gì !

 

Ông già tỏ thái độ ấy vì mới vừa đây cha con ông Hai Lộng và mười người cùng xóm cặp ghe dưới Bãi Nam, nấn ná chơi với ông hai đêm liền. Thân cây dầu gãy đổ cặp kề con đường nhựa được cưa ra thành những tấm ván đỏ au. Nhánh nhóc khô héo còn đây, nằm trên một chặng đường ngắn bằng phẳng, cũng là cái điểm dừng chân của năm ba anh bộ đội, của những anh em nhân viên trạm đèn mỗi lần lên xuống đỉnh. Hãy còn mạt cưa tung tóe và lá khô sột soạt, có cả vỏ bứa, hột xoài, những trái chùm kết vung vãi...

 

Thái độ của ông già còn là những anh bộ đội hải quân trong đó có Hởi và Bời đặc biệt quan tâm đến ông và những công việc hằng ngày của ông. Thật khó cho ông quyết định số phận đứa con gái khi thấy Bời ngoài giờ làm việc trên đỉnh lại ngồi gò lưng đục đẽo những miếng ván lắp ghép chiếc ghe của ông kéo xểnh lên bãi. Có Hởi giúp sức.

 

Cứ sáng sáng, ông già lau chùi mấy mặt đèn sặc sỡ, ghi ghi, chép chép mấy dòng vào tập sách để trên chiếc ghế dựa, coi lại chiếc máy nổ ... Sáng sáng, ông lắng nghe tiếng tít tít, te te của máy truyền tin, tiếng hát ồn ào từ hướng sân bay lên thẳng, có cả tiếng đàn, tiếng hát của đứa con gái ông nữa. Và ông đi dự nhiều buổi Câu lạc bộ dưới Bãi Chướng, nghe truyền thanh những bản tin mới nhất từ Hà Nội, tham gia trồng tỉa với tốp hải quân, và ông đã từng mục kích những anh chiến sĩ Thông tin kỳ cọ, bôi xóa những dòng chữ cũ mèm trên lưng những tảng đá...

 

Theo ông, chuyện kỳ cọ, bôi xóa những dòng chữ trên lưng đá là hoàn toàn vô bổ, thật uổng công biết bao nhiêu! Nhưng Bời lại khác. Bời chăm chỉ đến đỗi làm cho ông già gác đèn và ngay cả đứa con gái của ông ngạc nhiên. Ông già và cô con gái không dám góp vào một lời nào nữa.

 

Vẫn áo ka-ki xám hoặc áo trắng cổ viền xanh bỏ vào thắt lưng gọn gàng, Bời ngồi gò lưng bôi xóa những vết bẩn như những công việc khác diễn ra hằng ngày với một chiến sĩ Thông tin. Thường thường Bời đến với những tảng đá vào buổi chiều khi trên triền dốc có nhiều ánh lửa cháy rực, đỏ chói, khi nước tụt sâu xuống phơi ra bãi đá cuội như một bầy cá đen.

 

Có một buổi chiều đang làm việc đó bỗng Bời đứng ngẩng ra nhìn về phía đất liền. Anh bàng hoàng vừa trông thấy ba chiếc ghe ghim mũi về chỗ anh đang đứng. Một hiện tượng lạ cho anh thấy đó không phải là những chiếc vỏ tàu bình thường đi đánh cá lúc chập tối. Và trên ba chiếc ghe ấy hiện rõ những chiếc áo xanh, áo trắng, và có cả những tán dù bung đỏ giống như những nụ hoa nở xòe trôi bồng bềnh trên thảm xanh của biển cả.

 

Bời đứng hai chân như bắt rễ xuống đá, đôi mắt không rời ba chiếc ghe đang nhích dần ra hướng hòn.

 

Bóng chiều nhòa dần. Rải rác trên triền núi chốc chốc một đám lửa le lói với mớ tàn lửa lốm đốm dịu dần mỗi khi có một cơn gió giần giật những đọt cây non. Rồi thoáng chốc, trời xẩm tối, ba chiếc ghe cập bến hòn.

 

Nhận ra được vài người quen từ xa, Bời lật đật chạy lên triền dốc. Bóng anh thấp thoáng rồi mất hút vào con đường tối om om.

 

Ông già gác đèn đi vắng, Bời dừng lại mép cửa trước gọi giật giọng :

 

Bé Bảy ! Cô Bé Bảy ! Chuẩn bị ! Có khách !

 

Khách nào vậy, anh Bời ? – Một tiếng con gái từ nhà sau vọng ra.

 

Bời nhanh nhẩu đáp :

 

Khách Rạch Tàu đấy !

 

Bé Bảy đang gội tóc. Nồi nước đầy trái bồ kết xóc xách, đổ tháo. Chưa kịp kẹp tóc, Bảy vén mớ tóc sang bên má, ghì mấy ngón tay vào như thể người bị đau răng, chạy hối hả ra sân.

 

Anh Bời, khoan đi đã... - Bé Bảy không kịp nhìn quanh, gọi Bời.

 

Bời khựng lại, chân giẫm lên một ống nước đen dẫn từ trên cao xuống. Không quay lại, Bời nghe một làn hơi nóng hổi phà vào phía sau gáy anh.

 

Bảy nắm một tay Bời, giọng nhỏ xíu :

 

Anh đừng đi. Anh tiếp khách với em !

 

Bời vẫn đứng lặng, vẫn để yên bàn tay mình trong bàn tay Bé Bảy hồi lâu. Bỗng anh từ từ quay lại, và thoáng chốc, anh siết thật chặt bàn tay ấy.

 

Bời nghĩ anh phải đi, anh có nhiệm vụ tạm thay cho ông già gác đèn đêm nay. Rồi anh rút tay lại, chạy thẳng lên trạm đèn.

 

Đám tuyên hôn cho Bé Bảy theo dự tính vào trưa mai, đúng ngày rằm tháng chạp, nhưng khởi đầu nhóm họp ngay trong đêm nay và suốt đêm hôm sau nữa. Tiệc tùng bày ra trước sân nhà ông già gác đèn dưới những tán xoài cổ thụ rợp bóng mát. Mâm bàn, bao bị, những giỏ xách từ trong đất liền mang ra đựng đầy những chai rượu trong xanh như mắt mèo, những xâu tôm lụi thơm phức và những lẩu cá dứa, cá ngát, những dĩa tôm khô trộn dưa kiệu ... Không có thịt kỳ đà ca-ri như người ta tưởng. Không có xoài chín. Ông Hai Hòn bận rộn không đi săn được và mùa xoài đã qua lâu rồi.

 

Đêm. Người ta bày mười cái bàn thấp la đà trước sân. Bày hết ra những lẩu cá dứa, cá ngát ... Tàn lửa lốm đốm dưới những nồi nước sôi ùng ục. Bày ra những chảo giấm đặt lên bếp than để nhún tôm tươi, những dĩa rượu lao xao ngọn lửa xanh để hơ nướng tôm lụi. Mùi thơm dìu dịu tỏa ra từ cái bếp có mấy cô gái xào nấu thêm món thịt gà. Đủ ba chục người từ trong đất liền ra hòn, có năm sáu chị, năm sáu cô gái tiện đi thăm bộ đội hải quân. Và khá đông bộ đội mặc áo trắng cổ viền xanh bỏ vào thắt lưng chỉnh tề ngồi chen lẫn với khách đàng trai. Đàng gái họ hàng vẫn vỏn vẹn vài chục anh bộ đội và vài nhân viên trạm đèn. Túc trực tại bàn của ông Hai Lộng râu tóc trắng như cước là ông già gác đèn hòn. Ông già gác đèn chốc chốc lại nhấp nháp một ít rượu, và có lúc ông mím môi vào vành ly kéo tới phân nửa chia hai với ông Hai Lộng. Và chốc chốc ông nhìn lên tán xoài đang được kẻ ngang bằng những vệt sáng hai nhanh hai chậm rất đều đặn. Những vệt sáng cứ lướt qua không dứt, như một cánh quạt xoay tít trên đầu.

 

Giống một cánh quạt thật sự ! Một cánh quạt với đôi cánh xòe rộng ôm trọn Hòn Khoai, và xa hơn nữa kia, những vệt sáng kéo dài tận dãy cây nằm nước ở chót Mũi Cà Mau hình đoàn tàu đêm ngày hể hả ra khơi đánh cá. Ông già nghĩ lẩn thẩn, nhắc chừng :

 

Coi đứa nào đó đi thay cho thằng Bời xuống đây chơi. Ngọn đăng đêm nay cháy tốt !

 

Nhiều người nghe theo lời ông lên trạm gác đèn, có cả cô Bé Bảy và Chín, nhưng không rõ vì lẽ nào Bời không xuống được !

 

Cho đến khi Bé Bảy sắp sửa xuống bến để về ở hẳn trong Rạch Tàu, ông già khỏi phải đưa cô gái. Sẵn chuyến về căn cứ Hải quân Năm Căn, một chiếc phum đen với trên mười anh bộ đội sẵn sàng đưa cô dâu một đỗi đường.

 

Ông già lật đật vác cây đàn ghi-ta cũ lội ngược lên đỉnh. Ông và con Mi Mi buồn buồn đi như chạy, kéo theo sau lưng ông già tiếng lách cách của thanh sắt nhỏ gập đôi vặn trục đàn khua vào cần đàn liên hồi.

 

Nghe tiếng ông già từ xa nhưng Hởi không muốn gọi Bời ra đón. Bời thức suốt đêm, mới vừa giụi mắt nằm xuống chiếc ghế dựa và dường như đã ngủ ngon.

 

Hởi còn nấn ná lật tập sách của người gác đèn mà Bời mới vừa gập lại. Anh dừng lại khi trước mắt hiện ra trang giấy đề ngày 20, tháng chạp, năm 1970. Anh xem lướt qua và bốc lấy tờ giấy rời với những dòng chữ màu xanh đen trải ra trước mặt. Đúng là nét chữ nghiêng nghiêng của Bời.

 

Giấy viết :

 

“... Sáng nay biển lặng. Những cánh nhạn trôi từ dãy cây mờ kia. Chắc là nhạn dè chừng gió lớn không chịu ra đảo.

 

Ở đấy mà làm gì, hở nhạn ? Hãy ra đây chứ. Có nhọc nhằn, vùi dập đi nữa mới dày vững thêm đôi cánh, nhạn nghe!

 

Cũng sáng nay dưới Bãi Nam, một chiếc tàu chiến đi trước, ba chiếc ghe lướt theo sau, sau nốt là chiếc ghe xanh với những tán dù xòe ra như những ánh lửa cháy rực trên sóng, bập bềnh.

 

Sao mà chậm vậy hở chiếc ghe sơn xanh ? Lần đầu tiên ghe ra khơi đấy. Lần đầu tiên ghe đi xa. Ai lại không lo lắng, và ai lại không tin ghe vượt qua được sóng cồn biển cả.

 

Ghe nhớ về thăm bến bãi trò chuyện với những tảng đá trắng Hòn Khoai ! Kia, những tảng đá không biết vui hay buồn mà cứ ngồi ngẫm ngợi ? Đã trắng lưng rồi thì hãy giữ cho lòng trong trắng, đá nghe ! Có ta đứng vững trên hòn đây, có ta bên cạnh !...”

 

Hởi đọc hai lần. Ông già gác đèn lên tới sân gạch. Tiếng ông già oang oang:

 

Bời đâu ? Con Bảy nó gởi lại cây đờn cho mầy. Phải tặng mầy thôi ! – Ông già dừng lại nheo nheo mắt nhìn lên trạm đèn – Bời đâu ? Bác Hai con đây nè. Bác phải coi ngọn đăng nầy. Nghe rõ ? Trả lời...

 

Từ trên trạm đèn, dáng Hởi cao lêu khêu hiện ra phía ngoài bệ xi-măng bao quanh buồng kiếng. Anh đáp vọng xuống :

 

Thưa bác !  Dạ ! Rõ ...

 

Tiếng “rõ” đĩnh đạc, âm vang. Và sau đó tiếng thang gác chuyển động khác hơn thường ngày.

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 2954
Ngày đăng: 25.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con chim xanh định mệnh - Hồ Tĩnh Tâm
Tiếng bước chân - Anh Động
Chung kết - Anh Động
Cát đợi - Nguyễn Thị Thu Huệ
Mùa đông ấm áp - Nguyễn Thị Thu Huệ
Tiếng vạc sành - Phạm Trung Khâu
Tình quạ - Phạm Trung Khâu
Vài ngày ở Cần Thơ - Mường Mán
Ông già xay lúa - Sơn Nam
Rạn vỡ - Hoàng Thu Dung
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)