Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.798
 
Grace Kelly thời khắc của định mệnh
Sâm Thương

 

Khi bộ phim Mười Bốn Giờ (Fourteen Hours, 29th 1951) của Henry Hathaway được trình chiếu lần đầu tiên, những người có mặt trong buổi chiếu đã phải bàng hoàng trước sắc đẹp đài các của người phụ nữ 23 tuổi lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh. Phụ nữ đó chính là Grace Kelly, nàng bắt đầu cuộc chinh phục Âu châu và thế giới.

 

 

Grace Kelly gốc người Ireland, dòng học Kelly nhập cư vào Mỹ năm 1867. Thân phụ Grace là John B.Kelly, một người say mê thể thao và trở thành vô địch thế giới về môn bơi xuồng năm 1920. Tại một bể bơi, ông bị choáng váng trước thân hình tuyệt mỹ của một nhà nữ vô địch nhào lộn: Margaret Hayes. Năm 1924, ông cưới Margaret rồi được sự giúp đỡ của bố mẹ vợ, ông mở một hãng sản xuất gạch.

 

Grace Kelly tên thật là Grace Patricia Kelly sinh ngày 12.11.1929, theo truyền thống Ireland, cha mẹ đặt những lời chúc vào vỏ chai rượu vang. Nó sẽ được mở khi đứa bé tới tuổi trưởng thành. Lời chúc của ông bố dành cho Grace: “Con cũng sẽ tốt bụng như mẹ con”. Grace là tên người chị của John qua đời năm 22 tuổi, người đã rất muốn trở thành một diễn viên. Cũng như bao bé gái Mỹ khác, Grace được mẹ giáo dục rất kỹ lưỡng. Những đứa con đều ngoan ngoãn có khiếu hài hước và được truyền cho máu chiến thắng của dòng họ nội. Phần lớn do công người mẹ, trong khi cha của Grace chỉ ham làm ăn, hoạt động chính trị, chơi golf và chạy theo những bóng hồng khác. Tuy nhiên, không vì thế mà Margaret chịu ly dị để bảo vệ thanh danh gia đình; nhất là sau khi đứa con thứ tư, Lizanne ra đời vào năm 1933 đồng thời với việc John thât bại trong việc tranh chức thị trưởng thành phố, và từ đó John thôi hoạt động chính trị, mà chỉ chú trọng vào công cuộc kinh doanh.

 

Mọi tham vọng của John đều đổ dồn lên đầu cậu con trai Kell, may mà cậu không phụ lòng của bố, đã thắng người Anh tới hai lần trong cuộc đua thuyền và còn đoạt huy chương đồng thế vận hội 1935 nữa.

 

Trong một gia đình, đầy những nhà vô địch, coi thể thao là phương tiện thành công trong cuộc sống, Grace thì trái lại, bản tính nhút nhát, hướng về nội tâm, biết đọc rất sớm, hay chìm trong những cơn mơ mộng, làm thơ ca ngợi vẻ đẹp của bông hoa.

 

Năm 7 tuổi, trong một dạ tiệc gia đình, Grace được Douglas Fairbanks Jr, một diễn viên đương thời nổi tiếng hôn lên trán khen ngợi và bảo với Grace: “Sau này cháu cũng sẽ trở thành một diễn viên tên tuổi”. Lớn lên, Grace không còn yếu đuối nữa, bơi giỏi, đánh quần vợt xuất sắc nhưng ông bố vẫn bảo rằng còn thiếu máu chiến thắng. Được tám tuổi Grace đã được các nữ tu chọn đóng vai Mc.Maria, tổ chức những buổi diễn kịch Peter Pan có thu tiền hẳn hoi, nên ai nấy đều tin rằng sau này cô sẽ trở thành một diễn viên. Cả trong cuốn sách lưu niệm hàng năm của trường cô theo học cũng vậy. “Có lẽ Grace sẽ trở thành một ngôi sao kịch nghệ hay điện ảnh”. Grace quyết định vào nghề diễn viên, được sự chấp nhận gần như miễn cưỡng của cha, nhưng lại được sự giúp đỡ, động viên của George, người bác lúc đó là một kịch tác gia, từng đoạt giải Pulitzer, muốn chứng minh cho John thấy không phải chỉ có gạch và thể thao người ta mới ngoi lên được. George đã trở thành một người đáng mến phục nhất của Grace, vì đã dám đối đầu với cha cô; và là người đã tìm được cho cô một vai trong vở kịch của ông tại Broadway: một vai rất quan trọng cho cô bé chưa đầy 12 tuổi và là vai diễn rất khó. Nhưng sức tập trung và sự dễ dàng hòa nhập của Grace đã tạo nên một hiệu quả đặc biệt. Vở kịch đạt thành công, báo chí nói đến cô con gái của John Kelly như một hiện tượng nghệ thuật đặc biệt và đầy triển vọng.

 

 

Mùa xuân 1947, sau khi tốt nghiệp trung học, ai cũng tưởng Grace sẽ tiếp tục theo đại học, không ngờ Grace ngỏ ý với bố mẹ muốn trở thành một diễn viên. Ông bố trả lời một câu rất ngắn ngủi:

 

- Con sẽ phải thành công hoặc thay đổi ý kiến.

 

 

Nhưng được ông bác George khuyến khích, Grace chỉ muốn đến với thánh đường của kịch nghệ sân khấu Broadway; Viện Hàn lâm Kịch nghệ New York. Nhưng ở đây không nhận đơn nữa, may có George xin được thi kiểm tra cho cô cháu. Ngày 20.8.1947, trên tầng ba tòa cao ốc Carnegie Hall ở New York, Grace đứng trước vị giáo sư kiểm tra Emile Diestel. Sau đó nhận được lời phê bình của ông ta: “Tư chất tốt, lối diễn sáng, có trí tưởng tượng tích cực, bản năng kịch nghệ thật sự. Khuyết điểm duy nhất: giọng mũi và hơi cao. Kết luận: một đứa trẻ xuất sắc sẽ nhanh chóng phát triển”.

 

Dù Grace kiên trì không vấp ngã, ông bố vẫn luôn không tin tưởng cô con gái. Cho nên vì muốn mình cũng có chất lửa của gia đình Kelly mà cô đã đi New York với mơ ước làm được một cái gì đó, tạo cho mình một cái tên riêng. Cô em gái Lizanne nói: “Chị ấy muốn chứng tỏ cho bố thấy là chị cũng đến được thành công”. Lúc đó Grace Kelly được 18 tuổi. John Kelly vẫn mãi mãi không tin tưởng con gái. Ngày con gái ra đi, ông ta nói với bạn bè “Cứ để cháu đi. Một tuần nữa là quay về thôi”. Nhưng sự thật đã không như ông suy đoán.

 

Grace vừa đi học vừa kiếm sống bằng nghề làm người mẫu. Sau đó, rất mau chóng, nàng bắt đầu xuất hiện trên sân khấu, trước hết là diễn ở các tỉnh, rồi ở Broadway nàng thủ một vai trong Người Cha (The Father) rồi vở Tiếp Tục (A Suivre). Hai lần thử thách ấy đủ để cho những con mắt tinh đời ở Hollywood phải chú ý tới nàng. Và nàng bước lên màn ảnh lần đầu tiên với bộ phim Mười Bốn Giờ của Henry Hathaway.

 

Sau khi được xem Grace đóng trong Mười Bốn Giờ, đạo diễn lừng danh Stanley Kramer cũng bị lôi cuốn bởi phong cách phu nhân của Grace, Lady-Like (phong cách phu nhân) là thành ngữ ông đã sử dụng để nói về người phụ nữ diễn viên tương lai mà ông đã chọn lựa để đóng vai người vợ trẻ của Gary Cooper trong một bộ phim cow-boy mang tên High-Noon (1952).

 

Từ sân khấu, nàng bước lên màn bạc. Người ta bảo rằng nàng chính là cái mẫu người có thể quyến rũ được những người chồng và làm an tâm các bà vợ qua các phim Mười Bốn Giờ (Fourteen Hours, 20th 1951) của Henry Hathaway, High-Noon (1952) của Gred Zinnemann, Mogambo (MGM, 1953) của John Ford. Bị hấp dẫn bởi cái vẻ đẹp băng giá của Grace, Hitchcock đã mời nàng đóng vai chính trong Vụ Án Mạng Gần Như Hoàn Chỉnh (Dial M for Murker WB, 1954), và Cửa Sổ Trông Ra Sân (Rear Window, Par, 1954), tiếp theo đó là Lửa Xanh (Green Fire, MGM, 1954), Cô Gái Quê (The Country girl, 1954), Những Chiếc Cầu Ở Toko-Ri (The Bridges at Toko-Ri, Par, 1954) của đạo diễn Mark Robson, Con Thiên Nga (The Swan, MGM, 1954) của Charles Vidor và Xã Hội Thượng Lưu (High Society, MGM, 1956).

 

Trong nền điện ảnh Mỹ vào những năm 50, Grace được coi như một phụ nữ viết bằng chữ hoa. Trong một thành phố đầy rẫy những tên du côn, những gái điếm, những vụ âm mưu, những chuyện ngồi lê đôi mách, những tên nghiện rượu, những kẻ mắc bệnh thần kinh, cái dáng dấp “quận chúa” của nàng đã được tôn trọng. Người ta bảo nàng là một phụ nữ hiền thục. Chuyện gì cũng không làm tổn thương đến danh giá của nàng. Ngoài ra, trên màn bạc nàng là hiện thân cho một phụ nữ tóc vàng quý phái, đối nghịch lại với những loại tóc vàng phàm tục nhất và đầy nhục dục nhất. Đã có những mẫu người như Lana Turner hoặc như Jayne Mansfield. Thành thử ra, Grace Kelly đã trở thành một mẫu người khác hẳn.

 

Chính Alfed Hitchcock đã nhận thấy những nét đặc thù ở Grace, nên đã tạo dựng cho nàng thành một mẫu phụ nữ duy nhất trong điện ảnh Mỹ đương thời. Tất nhiên đóng phim Grace không thể tránh khỏi những cảnh về tình ái, nhưng nó đã được bù đắp lại bởi những cử chỉ thanh tao cao nhã và cái dáng dấp kiêu sa của nàng.

 

Năm 1954, Grace đã vượt qua Dorothy Dandridge trong Carmen Jones, Judy Garland trong Astar is Born, Audrey Hepburn trong Sabrina và Wyman trong Magnificent Obsession để nhận được giải Oscar dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Cô Gái Quê, từ tay Bette Davis, để rồi sau đó được đóng chung với những mẫu người Mỹ đẹp nhất và đầy tài năng như: Clark Bable, Cary Grant, William Holden, James Stewart, Bing Crosby, Frank Sinatra.

Chẳng hạn, ba bộ phim nàng đóng do Hitchcock đạo diễn. Không phải là để thán phục một lần nữa cái tài năng của nhà đạo diễn không thể thay thế được ấy, mà cốt để thấy lại những giây phút choáng váng từ cái nhan sắc lộng lẫy ấy, nạn nhân của một người chồng xảo quyệt trong Vụ Án Mạng Gần Như Hoàn Chỉnh, hoặc như một cô gái thành thị trẻ đẹp bị hấp dẫn bởi những cái gì diễn ra bên kia Cửa Sổ Trông Ra Sân, hoặc sau hết, cô gái tính khí thất thường và lẳng lơ đã phải lòng Cary Grant trong Thộp Co quay ở Côte d’Azur, ở đó đã ghi một dấu ấn bí mật cho tương lai của nàng.

 

Trong năm năm, nàng đóng 11 phim và trở thành nữ hoàng Hollywood. Người ta bắt đầu viết về những vai dành riêng cho nàng, như xưa kia cho Ingrid Bergman, hay Greta Garbo. Nhgề nghiệp sáng chói và đoạn đường nàng đi qua không vấp váp. Tuy nhiên, cũng như Bergman và Garbo, nàng sẽ rời bỏ thành phố này và cái đó đã gây ra nhiều sự ồn ào, nhưng không có scandale.

 

Năm ấy, Con Thiên Nga đã được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Công chúng đã chóng mặt khi thấy trong phim này “nữ hoàng” Hollywood đã lấy một ông hoàng của một vwong quốc giả tưởng. Để “lăng xê” Grace, hãng Metro Goldwyn Mayer đã trưng ra một biểu ngữ “Một phụ nữ mà bạn mơ ước được sống suốt đời bên nàng”.

 

Grace mỉm cười về cái chuyện đó và nàng cũng chưa có một ý niệm nào về lai lịch của con người có được cái diễm phúc ấy.

 

Nhưng không đầy 50 cây số cách chỗ nàng ở, có một ông hoàng đơn chiếc 32 tuổi, ngồi trầm tư trên một phiến đá. Chàng tìm những thú vui trong việc lái xe đua, sưu tập những thú rừng và kéo dài một cuộc sống rất hiếm có những sự bất ngờ dưới những bức chân dung khổ hạnh của 31 vị lãnh chúa và những ông hoàng đã tạo ra lịch sử của Monaco.

 

Monaco chỉ là một vương quốc hết sức nhỏ bé, dài ba cây số, rộng 250 mét, với 4.027 thần dân, sống bằng lợi tức của những sòng bạc lớn nhất thế giới.

 

Và lịch sử một cuộc tình lớn nhất thế kỷ bắt đầu.

 

Do đâu lại có một cuộc gặp gỡ diệu kỳ này? Ký giả Pierre Galante của tạp chí Paris Match tường thuật như sau:

 

“Dạo đó, tôi được cử đi công tác tại Liên hoan phim Cannes. Trước ngày liên hoan một hôm, Gaston Bonheur, tổng thư ký tòa soạn Paris Match đã có ý nghĩ tổ chức một cuộc gặp gỡ Grce Kelly – Rainier. Thật là một đề tài vô cùng hấp dẫn cho tờ báo của chúng tôi. Một cuộc chạy đua với thời gian: Grace Kelly chỉ ở lại Cannes có ba ngày. Tôi vội gọi điện thoại cho đặc phái viên của chúng tôi ở Nice: Jean-Paul Oliver, yêu cầu anh ấy liên lạc với ông Ballerio, bí thư của ông hoàng Rainier, để được xin yết kiến. Ngoài ra tôi lại còn phải dàn xếp làm sao để Grace nhận lời mời đột xuất của ông hoàng. Tôi chỉ biết trông mong vào Olivia de Havilland, vợ tôi, và tôi hy vọng nàng sẽ thuyết phục được Grace.

 

Xem chừng Grace cũng có vẻ thích thú với đề nghị ấy. Còn ông hoàng thì vui vẻ nhận lời tiếp nàng tại hoàng cung.

 

Thứ sáu, hồi 13 giờ 30 ngày 6.5, Olivia, hai phóng viên nhiếp ảnh: Michou Simon, Edward Ouinn và tôi, đứng canh chừng ở trong đại phòng Carlton, đối diện với thang máy. Hai mươi lần cánh cửa mở ra cả hai mươi lần chúng tôi đều thất vọng. Nhưng rồi sau cùng, Grace cũng xuất hiện cùng với Gladys de Degonzac, cô bạn gái của nàng và người đại diện của MGM. Nàng mặc một cái áo đen có in hình những bông hoa màu hồng và xanh. Bất chợt, tôi phát hiện ra rằng nàng không đội mũ. Tôi bảo Grace:

 

- Ông hoàng tiếp cô theo nghi lễ chính thức, như vậy cô bắt buộc phải có mũ.

 

Ác thay trong hành trang của nàng lại không có một cái mũ nào hài hòa với cái áo nàng đang bận. Chả có hy vọng gì mua được cái mũ ấy vào giờ giấc này. Tất cả các cửa tiệm đều đóng cửa nghỉ trưa. Chúng tôi bàn bạc miết cũng chẳng đi đến đâu, và thế là mất mười phút, Gladys nảy ra một ý kiến thần sầu. Nàng chợt nhớ ra trong va li của Grace có một cái mũ làm bằng hoa nhân tạo. Chúng tôi cần phải có cái đó để làm cho Grace một thứ như cái mũ đội lên đầu.

 

Lúc bấy giờ đã 13 giờ 45. Chúng tôi phải có mặt ở Monaco trước 15 giờ, trong khi đó chúng tôi phải vượt qua 50 cây số trên một chặng đường khúc khuỷu và nhiều xe cộ. Ra khỏi Cannes, để tránh một cái xe du lịch đi ngược chiều, Laipinière vội nhảy xuống coi xem chiếc Studebaker mới mua của mình có hư hỏng gì không. Cũng may, cái xe chỉ bị xây xát chút ít. Dù sao cũng bị hao phí mất 15 phút quý báu. Lapinière càng cáu kỉnh. Riêng Grace vẫn giữ được thái độ bình tĩnh và thản nhiên.

 

Ba giờ kém năm, chúng tôi tới công quốc. Không một ai trong chúng tôi được ăn trưa. Vì nóng ruột nên càng đói bụng hơn. Gladys và tôi đói muốn chết. Grace, luôn luôn bình thản, có điều mặt cũng xanh xám đi, nói rằng nàng sẵn lòng ăn một cái bánh sandwich. Tại Hôtel de Paris, tôi tới quầy mua mấy cái bánh ấy cho họ.

 

Tại hoàng cung, lần đầu tiên, Grace tỏ ra nôn nóng. Nàng lục lọi trong ví tay và lấy ra một búp hoa phấn. Vừa vỗ nhẹ cái búp lên mũi, Grace vừa hỏi chúng tôi:

 

- Phải xưng hô với ông hoàng ra sao? Ông ấy có nói tiếng Pháp không? Ông ấy bao nhiêu tuổi?

 

Một sĩ quan hậu vệ tới loan báo cho biết ông hoàng sẽ tới phòng khách danh dự bằng chiếc xe thể thao: chiếc Lancia. Lần cuối cùng, Grace đứng ở trong góc, nhẩm lại những nghi thức trong chốn cung đình. Nhưng tới lúc diện kiến ông hoàng, nàng không còn bối rối nữa. Sự giản dị và nụ cười dễ thương của Rainier đã khiến nàng ngạc nhiên và lấy lại được sự bình tĩnh.

 

Ông ta mặc bộ gabardine màu nước biển, đi giày đen đế cao. Ông ta xin lỗi về sự hơi chậm trễ của mình.

 

Ông hoàng trẻ tuổi này vừa bị một cú thất tình: yêu Gisele Pascal, một diễn viên điện ảnh ở Cannes, và muốn lấy làm vợ, nhưng cuộc tình bất thành, và nàng lấy Raymond Pellegrin.

 

Từ lâu rồi, những cố vấn của ông hoàng trong hội đồng tư vấn quốc gia đã yêu cầu Rainier lập gia đình, nhưng lần nào ông ta cũng nói: “Tôi biết cái đó khiến các vị bận tâm, nhưng dù sao cũng không bận tâm bằng tôi”. Và khi ông ta nêu ra cái tên Gisele Pascal, Hội đồng tư vấn đã phủ quyết hoàn toàn, và không đưa ra một lời giải thích nào cả. Thế rồi chính các ông hội đồng lại bắt đầu lo lắng, bởi từ sau cái vụ thất tình, ông hoàng của họ không bao giờ bày tỏ cái ý muốn lấy vợ nữa. Đây là một chuyện quan hệ tới quốc gia đại sự. Do thỏa hiệp giữa Pháp và Monaco, cái ghế của ông hoàng không có người kế vị sẽ có thể biến đổi công quốc thành một xứ bảo hộ và các thần dân Monaco sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự và đóng thuế.

 

Trong cuộc gặp gỡ lần này, Rainier đã mời Grace đi dạo trong vườn. Ông hoàng cúi đầu nhìn xuống đất, má Grace hơi bừng đỏ. Rồi Rainier chỉ cho Grace coi những con thú bị nhốt trong chuồng.

 

 

Grace và Rainier cảm thấy như chỉ có họ ở trên thế giới này. Chàng thò tay qua chấn song sắt và ve vuốt một con hổ đang nhe răng. Grace nhìn cái cảnh ấy và mặt nàng biến sắc. Đôi mắt nàng mở rộng ngắm nghĩa chàng trai đang biểu tỏ một sự can đảm cực kỳ và không hề có một chút khoe khoang.

 

Và lần đầu tiên trong cuộc đời, ngôi sao điện ảnh thận trọng nhất của Hollywood đã tới chậm trong một buổi tiếp tân mà nàng phải chủ tọa.

 

Tối hôm ấy, Grace đã nói với Olivia:

 

- He is very, very charming. (Anh ấy rất dễ thương).

 

Công quốc Monaco treo cờ ăn mừng. Ngày 6 tháng giêng năm 1959, các thần dân của xứ này nhận được tin chính thức về cuộc hôn phối giữa ông hoàng trẻ đẹp của họ là Rainier II Grinaldi với Grace Kelly và lễ cưới được tổ chức vào ngày 19.4.1959.

 

Đối với Grace Kelly thì: “Sự thành công không bao giờ có ảnh hưởng thật sự đối với tôi, nếu tôi chia sẻ nó với một ai. Tôi luôn luôn biết rằng tôi sẽ lấy chồng, và tới ngày ấy, tôi sẽ giã từ nghề nghiệp. Một người chồng và những đứa con đã có ý nghĩa lớn nhất trong suốt đời tôi”.

 

Và theo truyền thống tốt đẹp của dòng họ Grace, ba đứa con: Caroline, Albert và Stéphanie đã được Grace đích thân dạy dỗ, đúng như khuôn phép trong gia đình Kelly.

 

Hạnh phúc của Grace và Rainier kéo dài 26 năm. Trong cái vương quốc thanh bình, nhỏ bé ấy, họ đã là biểu tượng cho một cuộc tình bền vững nhất và tươi đẹp nhất. Đối với thế giới, Grace là hóa thân của một chuyện tình tuyệt vời. Trong 26 năm, họ chỉ nghĩ tới hạnh phúc.

 

Dưới triều đại Rainier - Grace, Monte - Carlo ngày càng thịnh vượng. Nó đã trở thành một trung tâm du lịch và hội hè, đình đám quanh năm đã lôi cuốn rất nhiều du khách, trong đó có không ít các bạn đồng nghiệp năm xưa của nàng.

 

Nhưng rồi thảm kịch đã diễn ra.

 

Ngày 13.9.1982, chiếc xe Rover 350 lăn bánh trên con đường núi hình chữ chi, thuộc địa phận Turibie. Quận chúa Grace và thứ nữ Stéphanie, sau chuyến nghỉ cuối tuần ở Roc Agel, đang trên đường trở về nhà. Tại một khúc quanh, vì đường hẹp lại lỡ trớn, chiếc xe đã lao xuống vực sâu tới 40 thước, và sau nhiều lần lộn nhào, nó đã đụng nát một cột xi măng ở trong rừng thông. Dầu từ trong xe chảy ra, và hai người đàn bà bị giam hãm bên trong thét lên kêu cứu. Sesto Lechio, một người làm vườn ở gần đó, chạy tới mang theo một cái bình chữa lửa, và cố gắng dập tắt ngọn lửa đã bắt đầu bùng cháy. Được sự giúp đỡ của một người bạn đồng nghiệp, Sesto đã lôi được Stéphanie ra khỏi xe, nhưng còn Grace bị kẹt ở phía sau, ông ta phải gọi nhân viên cứu hỏa đến trợ lực.

 

Grace và con gái được chở đến bệnh viện Princesse Grace de Monaco. Nhưng tại đây, không có đầy đủ dụng cụ y khoa cần thiết nên người ta phải dùng trực thăng đưa Grace đến bệnh viện ở Nice; tới đó vào lúc 10 giờ 45, tức là chưa đầy một giờ sau khi xe rơi xuống hố.

 

Tình trạng sức khỏe của Grace mỗi lúc mỗi xấu đi. Khoảng 19 giờ 30, những người có trách nhiệm xứ Monaco đã mời giáo sư Duplay, trưởng khoa giải phẫu thần kinh ở Nice tới tiếp tay. Đúng 20 giờ, ông chẩn đoán rất nhanh và phát hiện hai vết chấn thương sọ não; một rất sâu và dẫn đến tình trạng xuất huyết bên trong. Vào lúc 20 giờ 30, sau khi có sự can thiệp của Duplay và Chatelain, biểu đồ đo não hoàn toàn cân bằng. Grace đã vĩnh viễn từ giã cõi đời.

 

Những người chứng kiến tai nạn cho rằng, Grace đã không tự chủ được trong khi lái. Nhưng suy luận này bị bác bỏ, và không thấy báo nào trong thời điểm ấy trình bày. Người ta còn nói, sau khi kiểm tra lại xe, thì có một số nghi vấn được đặt ra: thắng và một số chi tiết của xe đã bị hỏng. Việc hỏng này không do tình trạng của xe gây ra mà có thể do phá hoại. Người ta cũng đặt giả thuyết cho rằng có thể thủ phạm là Mafia, mục đích của chúng là nhằm vào ông hoàng, để cảnh cáo ông đã làm trở ngại đối với công cuộc buôn bán ma túy, mà lãnh thổ nhỏ bé của ông được coi như một trạm chuyển hàng của chúng.

 

Nhưng dù có thể là như vậy đi chăng nữa, đến nay, người ta cũng không có được những bằng chứng cụ thể để khẳng định giả thuyết đó là đúng. Vả lại, cũng chẳng thay đổi được gì, bởi Grace Kelly đã không còn nữa!

 

Hai mươi lăm ngàn bông hồng trang hoàng trong đại sảnh để kỷ niệm 25 năm ngày cưới cũng sẽ úa tàn vĩnh viễn./.




Sâm Thương
Số lần đọc: 4095
Ngày đăng: 01.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
huyền thoại của điện ảnh Pháp - Sâm Thương
Điện ảnh Ấn Độ còn lạ lẫm với người Việt Nam ? - Anh Dũng
Rita Hayworth hành trình qua địa ngục - Sâm Thương
Làn sóng Hàn Quốc từ âm nhạc và phim ảnh, thử tìm lời giải đáp - Anh Dũng
The Snow White And The Seven Dwarfs, Giấc Mơ Tuổi Thơ - Sâm Thương
Phim chuyển thể văn học: một chút tâm sự - Anh Dũng
Xem phim Người nông dân nổi dậy, ngẫm công lý và một nền tư pháp trong sạch - Anh Dũng
Jacquou, người nông dân nổi dậy - từ tiểu thuyết đến phim - Hà Anh
Phim Có Thể Là Một Áng Văn Học Không ? - Vũ Ngọc Anh
Chuyến Xe Mang Tên Dục Vọng - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)