Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.170
 
Các giá trị tinh thần trước những thách đố của kỷ nguyên mới
Nguyễn Đăng Trúc

 

 

 

I-  Vấn đề canh tân xã hội của chúng ta trong bối cảnh thế giới ngày nay

 

 

Cuối thế kỷ 19 đến tiền bán thế kỷ 20, sau những năm tháng bất đắc dĩ phải tiếp cận với xã hội, văn hóa Tây phương, dân tộc Việt Nam chúng ta, đặc biệt là tầng lớp sĩ phu đã có dịp nêu lên vấn đề canh tân xã hội, thay đổi tâm thức, cập nhật các trào lưu tiến bộ của nhân loại. Từ những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ đến những chủ trương Tây phương hóa của Tự Lực Văn Đoàn, từ việc hình thành các đảng phái chính trị đến việc thành lập các chế độ Cộng hòa và chế độ Mác xít…, dần dà trong nhiều sinh hoạt xã hội, chúng ta như đã rời khỏi khung trời hạn hẹp của một vùng Viễn Đông đóng kín để đặt mình vào trào lưu văn hóa của Tây phương đang bành trướng, được hiểu là bước tiến phổ quát trong vận mệnh chung của nhân loại.

 

Vào cuối thế kỷ 20, nghĩa là trong thời buổi hiện tại của chúng ta đang sống, thực trạng khó khăn của đất nước lại buộc chúng ta phải nêu lên vấn đề canh tân xã hội, nhưng vấn đề nêu lên phức tạp gấp nhiều lần. Một mặt thực trạng đó đối chiếu với nhịp sống chung của các dân tộc trên thế giới còn quá tiêu cực, khi sinh hoạt xã hội của chúng ta còn dậm chân, tự trói buộc vào một cơ chế mà lịch sử nhân loại đã chứng thực như một thất bại ê chề. Mặt khác trong bối cảnh chung của sinh hoạt nhân loại mà các mối giao lưu văn hóa, kỹ thuật, chính trị đang ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của dân tộc chúng ta, nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội xảy đến dồn dập, tiên đoán cho những giai đoạn khủng hoảng. Có người bi quan còn nghĩ đến một tương lai kinh hoàng, nếu con người ngày hôm nay không kịp thời tìm những giải pháp để điều chỉnh và cải cách. Nói cách khác trong nổ lực nêu lên vấn đề canh tân cuộc sống xã hội đất nước, chúng ta không còn có sẵn hai mẫu mực để chọn lựa và đối chiếu một cách dễ dàng như vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, không chỉ nêu lên các phương cách tổ chức và áp dụng hay hội nhập, nhưng là lúc cần xét lại tận căn những giá trị nền tảng của chính con người và xã hội để can đảm đề xuất những phương cách sinh hoạt thích ứng với các giá trị đó.

 

II-Những khó khăn và mâu thuẫn của xã hội hôm nay

 

a- Vấn đề đặc loại của xã hội Việt Nam chúng ta

 

Tâm thức chung của cách đặt vấn đề canh tân xã hội của chúng ta còn bị giới hạn trong khung cảnh của một cuộc tương tranh thuần chính trị giữa một bên là cơ chế chuyên chính xã hội chủ nghĩa theo học thuyết Mác-xít và bên kia là thế giới tự do. Tình trạng này đã làm cho chúng ta nhớ lại tâm thức của xã hội và triều đình nhà Nguyễn vào thế kỷ 19. Vấn đề canh tân của xã hội thời bấy giờ đã vướng mắc vào một sự kiện thực tế do thâm ý thực dân của ngoại bang. Nhân danh bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia, triều đình từ khước luôn những đề nghị canh tân của các minh nho thời bấy giờ. Ngày nay thực trạng của một chế độ chuyên chính đi kèm với một lý thuyết Mác xít đầy ảo tưởng đã làm cho bên này và bên kia hụt chân trước những vấn đề canh tân mà thế giới đang đặt ra và sớm muộn lại ảnh hưởng đến trên cuộc sống của chúng ta trong tương lai.

 

b- Vấn đề mâu thuẫn của văn minh thế giới

 

Nói đến tiến bộ văn minh thế giới, một từ ngữ đặc biệt mới xuất hiện là toàn cầu hóa nhằm nói đến các dự kiến phát triển trong tương lai gần, nghĩa là vào đầu thiên niên kỷ thứ III. Toàn cầu hóa ở đây  lại được hiểu là phổ cập hóa nền văn hóa và văn minh đặc loại của Tây phương.

 

Nếu dùng lại từ ngữ của triết gia Karl Jaspers, chúng ta chứng kiến rằng nhân loại có hai thời trục có tính cách quyết định cho hướng phát triển văn hóa nhân loại.

 

Thời trục đầu : Những xuất hiện của các thánh nhân, triết nhân, văn hào từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 4 trước công nguyên đã tạo nên những nền văn hóa đặc loại của các vùng, như Lão, Khổng tại Trung Hoa, Phật tại Ấn Độ, Héraclite, Parménide, Socrate tại Hy Lạp, các tiên tri Do Thái…

 

Thời trục thứ hai : Nhưng đến thời Phục Hưng của xã hội Tây Phương và sau đó là các thế kỷ 17, 18, 19, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến hóa lịch sử, tính phổ quát của lý trí…cô đọng trong các tiền đề của trào lưu Triết học ánh sáng và với các lý thuyết nhân bản khác nhau.  Thời trục nầy như một làn sóng lan tràn dần ra khắp các vùng trên thế giới. Đây là một thời trục đầy lạc quan về khả năng vô tận của lý trí con người, có lúc đi đến độ như ứng dụng câu của Protagoras, một nhà ngụy luận Hy Lạp thời Socrate: “Con người là thước đo vạn vật”, mà gần đây chúng ta còn nghe lại các bài hát của chế độ Cộng sản Việt Nam “Bàn tay ta làm nên tất cả”. Nỗi lạc quan đó, được nữ Giáo sư Chantal Delsol cô đọng lại như sau trong cuốn “Le Souci contemporain” (Ed. Complexe) như sau :

 

“Chúng ta đã từng tin rằng chúng ta có thể cải biến tận căn con người và xã hội: khi thì do triết lý tiến bộ từ Condorcet hứa hẹn với chúng ta rằng chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói có thể được khử trừ, có khi do các ý hệ tiên đoán một tương lai rạng rỡ”.

 

Một cách hầu như chính thức, thế giới của toàn cầu hóa ngày nay được hiểu là cộng đồng nhân loại đang sinh hoạt trong khung cảnh giới hạn của một trào lưu văn hóa, văn minh Tây phương nầy.

 

Trên bình diện tiến bộ khoa học kỹ thuật, nổ lực thực hiện một số định chế xã hội, chính trị, không ai có thể chối cãi nhiều đóng góp tích cực của trào lưu văn hóa của thời đại được gọi là thời tân kỳ ấy.

 

Nhưng, nỗi lạc quan để thiết định bản tính con người như chỉ là một sinh vật hiểu biết, khai thác thiên nhiên vật chất, tự sức mình làm nên nhân cách và quyết định vận mệnh của mình, -  (một lối thiết định phẩm giá nhân tính dựa trên cùng một chuẩn mực của bất cứ sinh vật tự nhiên nào trong vũ trụ, nói cách khác là một sinh vật mất hết chiều kích “linh ư vạn vật”,  thì thực tại lịch sử ngày hôm nay đang chứng minh ngược lại. Nền nhân bản của con người lao tác (homo faber) của Mác-xít đã chứng thực những thất bại với sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Các nền nhân bản vô thần khác của các trào lưu triết lý và mốt sống tự do cá nhân tuyệt đối, hư vô chủ nghĩa, tương đối chủ nghĩa, con người kinh tế tiêu thụ, con người chơi (homo ludens) kế tiếp xuất hiện trong thế giới của tự do kinh tế thị trường…cũng không giải đáp được những ước vọng thâm sâu nơi con người. Và điểm thất bại ê chề nhất của văn hóa được gọi là nhân bản Tây phương là có quá nhiều thuyết nhân bản. Những định nghĩa dị dạng và mâu thuẫn nhau về nhân tính đã đưa đến tình trạng tương tranh quyết liệt giữa các khối chính trị, tâm thức hoài nghi về sự hiện hữu của chân lý và về các chuẩn mực đạo đức nền tảng. Hiện trạng xã hội mất hướng ngày nay tố giác giấc mơ võ đoán dựa trên những tiền đề xây dựng nên chính điểm khởi phát của nền văn hóa thời tân kỳ Tây phương.

 

Một tiền đề then chốt của văn hóa Tây phương phổ quát trong thời tân kỳ của chúng ta đó là tiền kiến cho rằng những giá trị linh thiêng của nhân tính, những giá trị tinh thần, chẳng qua chỉ là là những khả  năng của lý trí hiểu biết sự vật khách quan. Tiền kiến nầy đang bị thách thức để đối đầu với những hiện tượng xã hội đang xảy ra, những hiện tượng kinh hoàng vốn là hệ quả của chính nền văn hóa nầy. Chúng tôi xin chỉ nêu lên một vài sự kiện đặc trưng :

 

-    Người ta đã minh chứng rằng trong việc tiêu diệt những người Do Thái vô tội trong các lò sát sinh, hơi ngạt, là kết quả của một cuộc vận dụng trí năng đến mức tối đa, với những kỹ thuật hết sức tân thời.

 

-    Khoa học kỹ thuật lý trí đã dồn nổ lực để hình thành ra bom nguyên tử, cũng như các loại vũ khí vi trùng có thể tiêu diệt trọn bộ nhân loại.

 

-    Có rất nhiều phát minh trong lãnh vực truyền thông tân kỳ nhằm rút ngắn khoảng cách không gian, xóa dần khoảng cách thời gian; nhưng chưa bao giờ con người cảm thấy cô đơn và lạc lõng hơn lúc này, nhất là những vùng dân cư được hưởng những phương tiện văn minh vật chất cao độ nhất.

 

-    Trình độ hiểu biết được nâng cao đồng nhịp với những sáng kiến của khoa học kỹ thuật, sản xuất lương thực và của cải vật chất, nhưng các mối tương quan xã hội trên bình diện phối trí lao động, phân phối các sản phẩm, phẩm chất của các sinh hoạt văn hóa và cộng đồng ngày càng trở nên khó khăn, và đôi lúc hầu như không còn được lưu ý đến nữa.

 

-    Và lấy một hiện tượng tiêu biểu về sự mâu thuẫn của nền văn hóa, văn minh ngày nay làm thí dụ có tính cách điển hình: Chúng ta chứng kiến nổ lực của các nhà khoa học, các chương trình quy mô của các chính phủ, các tổ chức đại học và y tế, các hệ thống bảo hiểm đang tích cực để kéo dài tuổi thọ của con người. Nhưng sự gia tăng tuổi thọ lại đi kèm với phẩm chất tiêu cực trong từng giây phút sống của con người. Con người thời đại của chúng ta càng ngày càng cảm thấy cô đơn, chán chường, như ý nghĩ cuộc sống đã trốn thoát đi đâu rồi ! Hiện tượng tự tử trong giới trẻ gia tăng, đặc biệt các thành phố lớn và phát triển về mặt kinh tế, chưa kể đến những cuộc tự sát tập thể trong một số các giáo phái đã từng xảy ra trong các thập niên gần đây…

 

III-   Các phản ứng trước những khó khăn và mâu thuẫn của văn minh ngày nay

 

Ý thức về những hiện trạng tiêu cực của xã hội mình đang sống, những phản ứng của cá nhân hay từng nhóm, từng lứa tuổi, từng lớp quần chúng nhằm ly khai chống đối nếp suy tư, tập tục, cơ chế, trật tự ưu thắng của xã hội đương thời… luôn hiện hữu trong mỗi giai đoạn của lịch sử loài người. Thông thường hơn nữa, mỗi một thời đại đều quay nhìn lại thực trạng xã hội mình và xem đó là tình trạng nguy kịch hơn cả, kèm theo những giải pháp tưởng chừng có thể giải quyết dứt khoát những sai lầm của quá khứ cũng như hiện tại.

 

Những phản ứng có tính cách xã hội trước nền văn minh và nếp sống văn hóa ngày nay cũng mang những đặc tính tương tự.

 

Thêm vào đó, chúng ta nhận ra rằng thường các giải pháp đưa ra là cái nhìn đối nghịch với những nếp sống và quan điểm đang chi phối cuộc sống xã hội hiện tại.

 

-    Trước trào lưu toàn cầu hóa về mặt không gian qua mẫu mực của văn minh Tây phương đang thịnh hành, phong trào quốc gia quá khích tôn vinh chủ nghĩa chủng tộc, độc tôn vùng miền, quốc gia đi kèm với việc bài xích sự hiện diện của người dị chủng trong môi trường sống của mình.

 

-    Một số giáo phái đi tìm những nơi hoang vắng, tạo thành những cộng đồng riêng lẻ sống ngoài lề sinh hoạt chung của xã hội.

 

-    Người ta hoài nghi về niềm tin liên quan đến thời gian lịch sử được xem như cuộc thăng tiến không ngừng và đồng bộ trong cuộc phát triển kinh tế, xã hội và cuộc sống tinh thần. Từ tôn giáo, triết học, nghệ thuật…nhiều phong trào quay lại với quá khứ thật xa xưa, hoặc truy tìm những giá trị văn hóa, tôn giáo mà khởi thủy của thời tân kỳ xem là lạc hậu, man rợ, thiếu ý thức…

 

-    Đặc biệt trong một số tôn giáo lớn, nhiều khuynh hướng gọi là nguyên tuyền (intégriste) cơ bản (fondamentaliste) nuối tiếc một thời vàng son của thời tôn giáo toàn trị về mặt trần tục đã dấy lên những vùng ảnh hưởng, những phong trào chống lại nếp sống tân kỳ, tạo ra những xung đột bạo lực, bất tương dung, vượt ra ngoài các sứ điệp yêu thương và giải thoát của các niềm tin tôn giáo.

 

-    Trong khuynh hướng phản ứng ngược lại với trật tự hiện hữu của xã hội, người ta dần dần dững dưng hoặc chống đối các giá trị và định chế truyền thống; người ta thường nhắc đến tình trạng mất niềm tin vào các tôn giáo lớn, thiếu hứng khởi trong sinh hoạt chính trị, nhưng ngay cả ý thức đạo đức và nổ lực trau dồi văn hóa cũng không còn được quan tâm. Điều đáng ghi nhận hơn nữa, là sự xuất hiện của nhiều nhóm trẻ tôn vinh các giá trị tiêu cực, đôi lúc đi đến những hành vi bạo loạn và tội ác: Những nhóm suy tôn Satan, phá tán các mồ mả, đập phá các nơi thờ tự của các tôn giáo…

 

-    Về các sinh hoạt định chế hiện hành đang chi phối sinh hoạt chính thức của xã hội, phản ứng rất đa dạng, nhưng khung cảnh chung cho chúng ta thấy một tình trạng bất cập để giải quyết vấn đề :

 

o        Những phản ứng còn nằm trên bình diện điều chỉnh hoặc khử trừ có tinh cách kỹ thuật. Nói cách khác, các hiện tượng chống kháng lại các định chế, và đằng sau đó là sự mong chờ những giải đáp trung thực và thích hợp với ước vọng và bản tính con người, chỉ được nhìn như những hiện tượng hoàn toàn tiêu cực về mặt xã hội. Lý do thâm sâu là các định chế hiện hành, kể cả tôn giáo, không vượt ra khỏi tiền kiến về nền tảng được xem là vững chắc, phổ quát của vũ trụ quan, nhân sinh quan xây dựng nên thời đại tân kỳ ngày nay. Tôn giáo và tầng lớp trí thức không còn đóng vai tiên tri hay còn gọi là khai sáng ; nếu còn giữ khoảng cách không trở thành công chức cho các định chế chính trị, xã hội, thì cũng không vượt ra khỏi những tiền đề văn hóa của một thời kỳ lịch sử rất giới hạn tạo nên nền văn minh tân kỳ.

o        Trong dư luận và nơi cảm nhận của quần chúng, các định chế, tầng lớp trí thức và các tôn giáo còn loay hoay trong cuộc tương tranh giữa khuynh hướng tiến bộ nghĩa là tôn vinh nền văn hóa văn minh tân kỳ hiện hành, và khuynh hướng bảo thủ, quay về một quá khứ được xem là vàng son nhằm chống lại nền văn minh được xem là một xã hội quá tục hóa. Hậu quả là các hiện tượng bất thường của xã hội ngày nay hoặc được đánh giá là do hậu quả của xã hội văn minh tân thời, hoặc bị lên án là tác dụng của khuynh hướng phản động, bảo thủ mà phát sinh.

o        Tình trạng bất cập và hụt chân của các định chế trước những khám phá của khoa học kỹ thuật. Cuộc hội thảo của các nhà khoa học và triết gia tại Tokyo, Nhật bản năm 1995 đã đồng thanh lên tiếng báo động :

 

“Lần đầu tiên, các nhà khoa học và triết gia đồng thanh quả quyết rằng chúng ta đã đi vào thời đại sống còn của nhân loại và thúc đẩy các giới hữu trách có biện pháp thích ứng cho một hoàn cảnh đang bùng nổ” (trích phúc trình của triết gia Michel Random về cuộc hội thảo tại Tokyo, 1995 đăng trên tạp chí Le Nouvel Observateur – hors-série số 28, tr.52).

 

Hoàn cảnh xã hội bùng nổ khi khoa học tiếp cận sự sống và bản chất của con người không còn nêu lên phẩm giá đăc loại của nhân tính : người ta khai thác thân xác và tinh thần con người như khai thác các vật thể trong thiên nhiên. Người ta khai thác những khám phá về di truyền học, miễn dịch học bất chấp những nguy cơ trong việc áp dụng và đưa ra thị trường. Gần đây sự kiện con cừu Dolly được “biến chế” từ một tế bào vô tính do viện Roslin đã làm cho dư luận choáng váng…

 

Mọi người choáng váng vì hai lý do :

 

-    Thứ nhất, những tiên liệu bảo chứng cho giá trị của khám phá khoa học nay đã vượt qua. Tương quan giữa tiến bộ khoa học và hạnh phúc con người không còn nền tảng nào chắc chắn nữa khi khoa học đang trên đường tác tạo một giống người như một sinh vật nào khác vượt lên trên mọi dự đoán.

-    Thứ hai, giá trị tối thượng của con người vốn là nhân tính “linh ư vạn vật”, giá trị linh thiêng ấy đã bị thời tân kỳ chuyển thành khả năng lý trí để hiểu biết các sự vật. Nay chân lý và phẩm giá về nhân tính phải chăng chỉ được đo lường qua sự hữu hiệu của việc áp dụng sự hiểu biết này vào việc làm chủ thiên nhiên và hưởng dụng những sản phẩm vật chất do bàn tay và trí năng con người làm ra ?

 

Tiền đề văn hóa nền tảng đó của thời đại tân kỳ, vốn được xem là một giá trị thần thánh mới mặc nhiên cho phép khoa học có thể mạnh dạn khẳng định “Cái gì có thể làm được trong lãnh vựa khoa học đều có thể được phép làm”. Và khi các định chế xã hội, từng lớp trí thức và tôn giáo cũng đang nằm trong khung văn hóa được xem là phổ quát, là một định mệnh không cưỡng lại được của lịch sử nhân loại, thì xã hội khó lòng tìm được một giải pháp thỏa đáng.

 

-    Mặt khác, ngoài tình trạng bế tắc về việc canh tân nền tảng các định chế, những hiện tượng xã hội tiêu cực như thất nghiệp, phát triển nghịch chiều giữa tiến bộ khoa học-kỹ thuật và phẩm chất đời sống của cá nhân và xã hội… dần dà đưa quần chúng đi vào tình trạng thu mình lại, cá nhân chủ nghĩa, để mặc, hoặc thực hiện một nếp sống dựa trên “chủ nghĩa tương đối về các giá trị. Ý thức về công ích và dấn thân phục vụ đồng loại nhường chỗ cho những ưu tư giải thoát cá nhân. Các giá trị linh thiêng, đạo đức nay chỉ được xem như là một cảm nghiệm riêng tư của lòng mình, đôi lúc bất chừng và tùy hứng, để phản ứng lại những dự phóng ảo tưởng của các ý thức hệ đang chi phối nhân loại.

 

 

IV – Một đôi điều suy nghĩ

 

a - Trước những dự án cải cách của nhà nước Cộng sản Việt Nam hiện nay

 

Dự án cải cách của nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) muốn tìm một lối thoát để sống còn, dựa trên một tổng hợp rất kỳ lạ: đó là hạ tầng cơ sở kinh tế theo chế độ thị trường bên cạnh một chế độ chính trị đối nghịch là chế độ CS chuyên chính. Trong khuôn khổ cuộc trao đổi này, chúng tôi không bàn đến vấn đề khả thi hay những hậu quả kinh tế, chính trị của cuộc tổng hợp đó. Nhưng trên bình diện văn hóa, chúng ta nhận thấy rằng việc tổng hợp này ngay từ đầu bị chi phối bởi những tiền đề cố hữu :

 

-  Con người và xã hội được định nghĩa là sinh vật được làm nên bởi vật chất, biến đổi vật chất bằng lao tác và hưởng dụng vật chất.

-  Nhũng tiền đề về con người và xã hội như thế dựa trên tính khách quan của lịch sử.

 

Thời gian qua đi, niềm tin về một thiên đàng trần thế sẽ được thực hiện nhờ cuộc cách mạng CS đã không thể biện minh được nữa trước những thực tế lịch sử khách quan mà nhân loại đã trải qua.

 

Và trong ý hướng ứng dụng kinh tế thị trường vào xã hội Việt Nam, nhà nước CS như chỉ biết có quá khứ và không hề biết đến những khủng hoảng, ít nhất về mặt văn hóa, mà các quốc gia đang phát triển nhờ kinh tế thị trường phải đối đầu.

 

Cuộc khủng hoảng đó, hàn lâm viện Jacques-Yves Cousteau đã cô đọng trong lần phát biểu tại Tokyo, 1995:

 

Một nhà độc tài vô danh và vô hình rất tàn nhẫn, Ông Thị Trường, đang hành xử một loại uy quyền độc đoán. Sự thay đổi quyền uy nguy hiểm nầy biểu lộ một sự suy thoái của nếp sống văn minh, đi đến tình trạng man rợ, từ dân chủ đi đến một nền độc tài không thể xác định” (Tạp chí Nouvel Observateur số 28, tr. 53).

 

b – Khủng hoảng các giá trị phát xuất từ đâu?

 

Một số những hiện tượng xã hội tiêu cực, hoặc đáng lo ngại đang xảy ra cho thời đại chúng ta, không có nghĩa là xã hội hiện nay chúng ta đang sống là một hỏa ngục. Và chúng ta cũng không vội vàng phi bác một cách hồ đồ và đồng loạt những giá trị tích cực mà thời đại tân kỳ đã cống hiến cho lịch sử nhân loại. Nhưng những giới hạn và bế tắc của những tiền đề xây dựng nên nếp văn minh của thời đại tân kỳ đó buộc ta phải đặt lại vấn đề. Những giới hạn và bế tắc có thể được nêu lên, vì khi đối chiếu những thành quả của nền văn minh đó đem lại với những hứa hẹn có thể đáp ứng trọn vẹn tất cả những yêu sách và khát vọng của con người, thì có sự bất tương hợp.

 

Trong dòng phát triển văn hóa của Phương Tây Hy Lạp, các giá trị sinh hoạt con người được qui chiếu vào nhận thức về nhân tính như là một sinh vật có lý tính. Nhưng thuở bình minh của nền văn hóa đó, con người có lý tính nghĩa là được tham dự vào sự sống vượt lên trên các sinh vật, sự sống đó gọi là “Logos”. Héraclite nêu lên “Logos” này, nhưng đồng thời nhấn mạnh không ai trong cõi người ta có thể sở đắc hay hiểu thấu đáo được “Logos” là gì. Socrate cũng nêu lên câu châm ngôn khác trên đền thờ Delphes “người ơi hãy tự biết mình”, đề cao sự hiểu biết như là giá trị tối thượng của nhân tính, nhưng đi đôi với châm ngôn đó, vị thầy của văn hóa Tây phương cũng cho rằng “điều mà ông biết, đó là ông không biết gì cả”.

 

Nhưng cái mới trong giòng lịch sử văn hóa Tây phương và hiện nay đang phổ biến tràn lan trên thế giới làm khởi phát thời đại tân kỳ, là “Logos” mà con người thoáng nhận ra và luôn mãi phải lắng nghe và đi tìm của Héraclite và Socrate, nay được hiểu là khả năng hiểu biết của con người về bản chất sự vật và còn hơn nữa là biến đổi sự vật. Đồng thời cũng nhờ có khả năng lý trí nầy, con người có được phẩm giá của mình nơi quyền tự do và tự lập. Vì thế cũng có thể là đã lo âu cho một tương lai đen tối của thời đại tân kỳ đang mở ra, hoặc có thể là để tuyên dương cho những khám phá mới mẻ của nhân loại. F. Nietszche dùng miệng một người mất trí mà hô to giữa công trường “Thượng Đế đã chết, tất cả chúng ta đã là những tên đồ tể sát thần”.

 

Tiêu chuẩn để đo lường các giá trị từ nay không còn là Chân lý vượt lên trên khả năng của con người mà con người phải biết lắng nghe, đối chiếu và tự kiểm, nhưng nay giá trị được đo lường và thiết định dựa trên sự hữu hiệu của các nổ lực hiểu biết và thể hiện tự do, hạnh phúc, mà khả năng con người lý trí, vốn được xem như vô hạn, có thể triển khai.

 

Thực tế cho thấy rằng lý trí phổ quát mà mỗi cá nhân đều sở đắc không phổ quát như nỗi lạc quan của các nhà tư tưởng thời tân kỳ chủ xướng: những ý hệ nhân tăng mâu thuẫn nhau, những nền nhân bản liên tục thay nhau xuất hiện ; việc sở đắc các kiến thức khoa học cũng không đem lại trọn vẹn những ước mong hoàn thành nhân tính con người. Và bế tắc của thời đại tân kỳ như điều mà F. Nietszche đã tiên đoán là con người đang mệt mỏi về thân phận làm người, con người đang phiêu lưu vào sa mạc của hư vô chủ nghĩa, mà ngôn ngữ ngày nay gọi là  khủng hoảng tận căn các giá trị.

 

Trước tình trạng này, nhiều nhà tư tưởng Tây phương đã giật mình tự vấn về “con người suy tư” của truyền thống văn hóa; và một trong những triết gia đã mạnh dạn nói rằng:

 

“Điều làm cho chúng ta suy tư hơn cả trong thời đại của chúng ta, một thời đại làm ta phải suy nghĩ, đó là chúng ta chưa từng suy tư” (Heidegger – Qu’appelle-t-on penser? Bản dịch của Aloys Becker và Gérard Granel. PUF. Paris 4è éd, 1983. tr.24)

 

Tại sao chúng ta chưa từng suy tư?

 

Các giá trị tinh thần nằm trong khuôn khổ của bản tính con người “linh ư vạn vật”. Nhưng nếu đặc tính thiêng liêng là suy tư lại được xây dựng trên sự hiểu biết về sự vật và từ sự hiểu biết này xây dựng lại bản tính con người và thần thánh; phải chăng đây là sự hiểu lầm và sử dụng lầm tận căn hay không?  Các nền thần học, đạo đức, nhân bản ngày nay đã không đặt vấn đề con người, Thượng đế là “cái gì” hay sao? Làm sao một nền văn hóa có thể đi xa những kinh nghiệm thông thường của con người dưới phố khi đặt câu hỏi “con người là gì?”, “cha tôi là gì?”, “mẹ tôi là gì?” Và nếu phải đề cập đến các giá trị thiêng liêng, đạo đức về nhân tính, thì nền văn hóa dựa trên tiền đề về sự hiểu biết sự vật (về những cái gì) làm nền tảng khởi phát liệu sẽ cống hiến được những nội dung nào cho khát vọng tự nhiên của tâm hồn con người  ?

 

Từ “cái gì” đến “ai” như trọng tâm của suy tư, phải chăng là một thách đố của văn hóa nhân loại cho Thiên niên kỷ sắp đến ?

 

c - Câu chuyện của chúng ta

 

Ôn cố tri tân”. Chúng ta tự hào về nền nền văn hiến dân tộc, chúng ta muốn đóng góp phần mình vào sinh hoạt chung của nhân loại. Trong muôn vàn điều đáng tự hào và những giá trị tích cực có thể cống hiến, có một câu chuyện được lưu truyền phản ảnh những thao thức về giá trị gọi là  Cương thường  hay Đạo làm người. Đó là câu chuyện Họ Hồng Bàng.

 

Đế Lai đem theo vợ mình là nàng Âu Cơ nhằm chiếm đất nước của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân. Đế Lai chỉ nghĩ đến quyền lực của mình và tìm cách vơ vét các tài vật thiên nhiên trong xứ (nhũng cái gì), bỏ mặc nàng Âu Cơ và tùy tùng (những ai) trong trại.

 

Âu Cơ trong nỗi cô đơn khắc khoải, được Lạc Long Quân, con người bất tử, cứu thoát và được nâng lên làm người bạn đồng sàng với chàng. Trong cuộc gặp gỡ Đất – Trời – Người nầy, nàng sinh hạ trăm con và gây dựng nên dân tộc mới.

 

Nhưng Lạc Long Quân vốn là Thần Thánh, nên sau một năm gần gũi với Âu cơ thì ẩn mặt.

 

Trong nỗi nhớ nhung về người bạn Thần Thánh Lạc Long Quân, Âu Cơ và các con chỉ còn có duyên gặp gỡ chồng và cha tại Tương Dạ.

 

Ngày nay con người chỉ muốn sống “sống bởi bánh”, nghĩ tới việc sở đắc tài vật và quyền uy cho cá nhân và thực thi bạo lực, con người “chấp ngã” đó của Đế Lai phải chăng đã đến lúc nên nhường đất trời cho một thế hệ con người mới. Con người mới ấy sẽ  biết ân cần, ưu lo nghĩ đến một Lạc Long Quân rất gần, nhưng luôn ẩn mặt và gặp gỡ mỗi người, muôn người nơi Tương Dạ hay còn gọi là Tâm Linh ./.

 

Bài thuyết trình tháng 08 năm 1998 tại Luân đôn.

 

Nguyễn Đăng Trúc
Số lần đọc: 2170
Ngày đăng: 03.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tím Ngát Màu Thời Gian - Chế Diễm Trâm
Thêm Tài Liệu Về Nguyễn An Ninh Và Báo “Trung Lập” - Lại Nguyên Ân
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -4 - Đỗ Thế Cường
Tế Hanh, dòng sông, mùa hạ - Đặng Tiến
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -3 - Đỗ Thế Cường
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -2 - Đỗ Thế Cường
Văn Kết Hợp Báo Trong Tiểu Thuyết “Pa Ri 11 Tháng 8” Của Thuận - Lê Thị Hải Vân
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -1 - Đỗ Thế Cường
Kinh Tế Phật giáo 5 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 4 - Quán Như Phạm Văn Minh
Cùng một tác giả
Nhớ Nguồn 1 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 2 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 3 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 4 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 5 (tiểu luận)