Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.207.953
 
Lê Văn Khoa, Người Nghệ Sĩ Tài Danh, Đức Độ. Bài 1
Phan Bá Thụy Dương

 

Những ai đã từng quen biết, thường giao hữu với Lê Văn Khoa trước 75 tại Việt Nam hay sau 75 trên khắp các vùng đất định cư mới này, đặt biệt là tại Hoa Kỳ đều công nhận anh là một người đa tài, đa năng, đa hiệu. Những đức tánh tốt như khiêm tốn, đầy óc sáng tạo, tự tin và cẩn trọng của anh có thể đã là nguyên nhân giúp anh thành công trong cuộc đời và sự nghiệp. Anh lại là người luôn cởi mở, biết lắng nghe, hòa nhã trong cách ứng xử, nên ai ai cũng ái mộ. Tài năng của anh và ảnh hưởng, tên tuổi lừng danh, nổi bật trên thế giới của anh quả là một điều xứng đáng cho người Việt Nam chúng ta khâm phục, hãnh diện.

 

 

NS Lê Văn Khoa nói về CD Symphony Viet Nam 1975

cothommagazine.com

 

Lê Văn Khoa ra đời vào ngày 10 tháng 6 năm 1933 trong một gia đình thanh bạch tại Tây đô, tức Cần Thơ. Nơi ấy là một thành phố đầy thơ mộng, nằm bên hữu ngạn dòng Bassac – tức Hậu giang [sông Hậu], thuộc vùng đồng bằng, châu thổ sông Cửu Long. Anh mất mẹ sớm nhưng may thay lại có một người cha hiền đức, một vị mục sư đầy lòng bác ái, chăm chỉ, tận tụy vì đời vì giáo chúng của mình. Anh thừa hưởng tình thương, sự giáo huấn và lòng nhân từ cha mình đề làm hành trang quí báu, dấn thân trên bước đường tạo dựng sự nghiệp mà anh hằng ấp ủ, mơ ước.. Đến khi trưởng thành anh đã đem tình thương và lòng vị tha, bao dung đó để hướng dẫn, giáo hóa những trẻ bụi đời, thăng hoa kiếp sống của những em thiếu nhi khốn cùng, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Anh là người chăm học, hiếu học và lạ lùng, kỳ diệu thay, lãnh vực nào anh cũng thành công.

 

Khi giáp mặt, tiếp cận anh, người ta đều có thể mau chóng, dể dàng cảm nhận ra rằng ẩn trong cái dáng hiền hòa, đôi mắt sáng và nụ cười tươi vui, thân thiện kia đang tiềm tàng cả một tâm hồn rộng lớn cùng ý chí sắt son và quan trọng hơn là cả một khối kiến thức uyên bác.

 

Đến nay, tuy đã trên 77 tuổi anh vẫn còn là người tích cực đóng góp trong các hoạt động về âm nhạc, văn học và nghệ thuật. Con người trầm lặng, đầy óc sáng tạo đó vẫn ngày ngày âm thầm tư duy, làm việc không biết mệt mỏi để cống hiến những khám phá mới cho người, cho đời cả một kho tàng lớn lao về mỹ thuật và âm nhạc học...

 

Tôi rong chơi ở các nước ngoài cả năm vừa trở về Mỹ thì nhóm chủ trương “Nghĩ về Lê Văn Khoa, một người Việt Nam” yêu cầu viết bài về anh cho kịp ngày in sách. Thật ra thì các thân hữu này chẳng cần mời gọi vì trước đây 2 năm khi tôi và anh Lê Văn Khoa cùng tham dự ngày ra mắt sách kỷ niệm về nhạc sĩ Anh Bằng, tôi đã hứa với anh em là tôi sẽ viết về thi lão Hà Thượng Nhân và anh Lê Văn Khoa. Lời hứa viết về vị chưởng môn đáng kính của nhật báo Tiền Tuyến tôi đã thực hiện trên ấn phẩm “Kỷ Niệm Về Thi Sĩ Hà Thượng Nhân” vừa phát hành, ra mắt vào hạ tuần tháng 11/2010 tại San José. Hơn nữa cụ Hà và Lê hiền huynh là 2 trong những thân hữu, có giao tình sâu đậm khác mà tôi đang cố gắng hoàn tất cho cuốn “Những Trích Tiên Phiêu Bạt Trong Dòng Thi Ca, Nghệ Thuật Việt Nam”. Đó là các anh Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Trần Tuấn Kiệt, Hoàng Trúc Ly, Tường Linh và các bạn Anh Việt Thu, Trần Hoài Thư…

 

Vì sách đang chuẩn bị lên khuôn, nên tôi chỉ có đủ thời gian để đề cập đến Lê Văn Khoa qua 3 lãnh vực tiêu biểu của anh, mà đa số người thân cận hoặc đã tìm hiểu về anh đều công nhận là xuất sắc. Sự đóng góp của anh trên các lãnh vực này phải nói là đã vượt khỏi biên giới, không gian nhỏ bé Việt Nam để gây ảnh hưởng sâu đậm, hòa hợp, nhập cuộc, bay bổng cùng với âm nhạc, nghệ thuật hoàn vũ. Mấy hoạt động khác của anh về báo chí, dịch thuật, xã hội và nhân văn…nếu có dịp sau này tôi sẽ trở lại để trình bày, đề cập đến.

 

LVK: NGƯỜI THẦY, BẬC PHỤ HUYNH TỪ ÁI CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC THIẾU NHI.

 

Một người thông thái, khôn ngoan phải ghi nhớ rằng

trong khi ông ta là hậu duệ của quá khứ,

ông ta cũng là một đấng sinh thành của tương lai ". [1]

Herbert Spencer

 

Trước tháng 4 năm 1975 những ai thường theo dõi các chương trình của đài truyền hình Sàigòn đều biết, đều say mê khi xem Chương Trình Thế Giới Của Trẻ Em – tức Chương Trình Thiếu Nhi Lê Văn Khoa- trên băng tầng số 9. Đó là một chương trình giáo dục thực dụng, mới mẽ được nhiều người xem nhất, không riêng gì với thanh thiếu nhiên, thiếu nhi mà cả giới phụ huynh của họ. Chương trình Tivi của anh cùng với 2 shows nhạc của Anh Việt Thu, Bảo Thu luôn luôn thuộc loại “prime time ăn khách” thời bấy giờ và thường xuyên được chiếu lại, ít nhất, trên băng tần số 6 của Đài Truyền Hình Cần Thơ, nơi quê hương thân yêu của vị thiếu niên ham học, thông minh, sớm phát triển óc mỹ thuật, nghệ thuật này.

 

 

le van khoa, nguoi nghe si tai danh duc do

art2all.net

 

Chương Trình Thế Giới Của Trẻ Em chẳng những giúp mở mang kiến thức và lòng yêu nước cho trẻ em trong một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, tràn ngập khói lửa mà còn gợi ý, tạo hứng khởi cho một số các nhà giáo dục, khoa học gia cải tiến lãnh vực chuyên nghiệp của họ. Đồng thời chính các nỗ lực và sáng kiến của anh còn giúp đưa danh dự và uy tín của trẻ em Việt Nam ra thế giới bằng những cuộc triển lãm, dự thi tranh thiếu nhi quốc tế. Nhờ vậy nhiều em đã đoạt được những giải thưởng, bằng khen cao quý. Chính những kết quả rất đáng khích lệ, tuyên dương này đã khơi dậy lòng tự tin để các thiếu nhi mạnh dạn phát triển tài năng của mình. 

 

Đìều đáng tiếc là chương trình của anh đã không nhận được một sự trợ giúp nào từ ngoại bang hay các tổ chức, hiệp hội quốc nội. Ngay cả chính phủ thời bấy giờ cũng không biết khai thác những ưu điểm ấy để làm lợi cho quốc gia

.

 

Tôi quen anh hơi muộn màng. Tuy biết và nghe danh tiếng anh từ lâu, nhưng mãi đến đầu năm 1971, sau khi được chính thức giải ngũ, được điều động về Bộ Tài Chánh, tôi mới có cơ duyên hội ngộ cùng anh tại đài Truyền Hình Việt Nam. Cơ sở truyền hình này nằm trên khuôn viên đường Hồng Thập Tự và Đinh Tiên Hoàng, kế cận trường Đại học Văn Khoa. Đại Học Văn Khoa là nơi trong những năm đầu thập niên 60, tôi, Phạm Quốc Bảo, Bùi Ngọc Tuấn… đã từng ngồi lê trên các giảng đường nóng bức, chật hẹp thiếu tiện nghi trong mấy năm đầu khi trường này còn nằm giữa đường Nguyễn Trung Trực và Gia Long. Sau khi tôi về trường Luật, rồi nhập ngũ để thi hành nghĩa vụ công dân trong thời chiến thì Pạm Quốc Bảo được bầu là chủ tịch sinh viên Sài Gòn. Hai bạn Bảo, Tuấn đều là giáo sư và cũng là những người luôn tán thưởng, đánh giá cao về chương trình giáo dục thiếu nhi đầy sống động, vui tươi, tân tiến của Lê Văn Khoa.

 

Chính Phạm Quốc Bảo và các bạn trong ban đại diện sinh viên là những người đã từng thụ ân của anh Lê Văn Khoa trong việc họ cùng Tổng hội Sinh viên Nhật Bản đã tổ chức thành công cuộc triển lãm “Our Beloved Việt Nam” [VN Quê Hương Dấu Yêu] về các bộ mộn văn mỹ nghệ. Cuôc triển lãm này kéo dài cả năm 1967 tại National Museum, một bảo tàng viện đồ sộ ở Tokyo và tại các trường trung, đại học trên đất nước của “thần Thái Dương”.

 

Số là sau khi phân ban Việt Nam thu góp xong được một số tranh tiêu biểu của các họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên, Hồ Thành Đức, Bé Ký, Nguyên Khai, Đinh Cường, Nghiêu Đề..., thơ của Trần Tuấn Kiệt, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của các lò gốm Bình Dương, nhạc của Trịnh Công Sơn thì Phạm Quốc Bảo và các sinh viên khác phát hiện họ còn thiếu 2 lãnh vực quan trọng. Đó là tranh và điêu khắc của thiếu nhi VN.

 

Theo yêu cầu của Phạm Quốc Bảo, anh Khoa đã vui vẻ nhập cuộc để giải quyết nan đề khó khăn, cấp bách này. Bằng uy tín và tài tổ chức của mình, Lê Văn Khoa đã nhanh chóng thực hiện một cuộc thi về 2 bộ môn này với cả trăm thiếu nhi tham dự  Nên ghi nhận thêm ở đây: phần lớn nhóm trẻ này là những người đã do anh Khoa trực tiếp dạy dỗ, đào luyện. Chính những tác phẩm mỹ thuật chọn lọc của các em đã giúp phân ban sinh viên Việt Nam quảng bá đầy đủ hơn nền văn mỹ nghệ đặc thù của dân tộc. Giới thưởng ngoạn, chuyên gia văn hóa thế giới đã ngạc nhiên, không ngờ trong thời kỳ chiến tranh, khói lửa như vậy mà các nghệ nhân, văn nghệ sĩ, thiếu nhi Việt Nam lại vẫn có thể hoàn thành những sản phẩm, tác phẩm đặc biệt có giá trị cao như thế.

 

 

Giống như các thanh thiếu niên, thiếu nhi khác, các con tôi rất hâm mộ, say mê, thường xuyên theo dõi show của anh, đã thấy anh đàn và ước vọng được trực tiếp tham dự. Thế là gần cuối năm ấy, tôi được anh bạn vốn là nhân viên nồng cốt của sở Chương Trình và Thời Sư, cùng cô em vợ làm việc tại đài cho biết ngày giờ thâu hình chương trình Thế Giới Của Trẻ Em để phát hình trong dịp Tết, tôi đã mang các cháu Phan Thủy Như Quỳnh, Phan Thủy Duyên Giao và Phan Bá Thụy Vi vào gặp anh.

 

Đúng ra các con tôi còn quá nhỏ, chưa ai hội đủ điều kiện để gia nhập, nhưng có lẽ vì là một chương trình đặc biệt vui Xuân nên anh đã vui lòng để 3 cháu tham gia, góp mặt với những em cháu thường trực khác. Cuối chương trình khi cameramen quay cảnh Lê Văn Khoa đang phát bao lì xì cho các em thì vì bỡ ngỡ, chưa quen, nên một hoạt cảnh náo nhiệt đã xảy ra mà tôi và chắc anh còn nhớ mãi. Cháu Thụy Vi lúc ấy mới hơn 2 tuổi, nhất định không chịu nhận bao tiền lì xì, rồi cứ bỏ chạy vòng vòng la hoảng: “Con không lấy. Không lấy. Con không lấy đâu.” Cháu Như Quỳnh và anh Khoa phải dổ dành, khuyên bảo nó mới cầm tiền, cám ơn bác Khoa. Sự kiện đột ngột xảy ra khiến tất cả mọi người trong hội trường đều cười xòa, hoan hỉ.

 

Chính nhờ ảnh hưởng, sự dìu dắt, hưởng dẩn ban đầu này của anh Khoa mà hai đứa con tôi là cháu Duyên Giao và Thụy Vi đã chịu học thêm piano và đàn organ sau khi tôi và 3 cháu vừa định cư tại Hoa kỳ trong những ngày đầu thập niên 80, khi các cháu còn theo học nội trú tại trường trung học tư thục Moye Brown ở Providence, tiểu bang Rhodes Island. Vì nguyên nhân này mà một số những người trong hội bảo trợ tôi như vợ chồng tiến sĩ John, Marjorie Udalls, vợ chồng bác sĩ Roger và Ann Ward… phải thay phiên nhau mỗi chiều lái xe vào trường đón 2 cháu để đưa chúng đến nhà vợ chồng nhạc sĩ Milligans ở thị trấn Cumberland học nhạc, rồi đưa các cháu về lại trường nội trú. Cháu đầu lòng Như Quỳnh thì vừa bận học vừa phụ bố trong cảnh gà trống nuội con chăm lo cho các em lại còn phụ trách trang Thiếu Nhi cho tờ Lửa Việt bên Canada nên không còn thì giờ theo học đàn dương cầm mà cháu rất yêu thích.

 

 

LÊ VĂN KHOA,. “NGƯỜI VIẾT LỊCH SỬ. VIỆT NAM BẰNG ÂM NHẠC”

saigontimesusa.com

 

Đối với các em cháu thiếu nhi trong thời khoảng 1968 -1975 thì Lê Văn Khoa luôn là một người huynh trưởng, một bậc phụ huynh đức độ, nghiêm cung, từ ái. Không ai là không từng thừa hưởng những kiến thức bác học thâm uyên, thực dụng mà anh đã gieo cấy vào những khối óc, tâm hồn trong sáng, những mầm non đầy triển vọng của tương lai, đất nước.

 

 

Xin mời quí vị đọc qua lời phát biểu dưới đây của thầy Nguyễn Thanh Liêm – một nhà giáo dục uyên bác, nổi danh của Việt Nam Cộng Hòa và là nguyên Thứ trưởng Văn Hóa Giáo Dục, để hiểu thêm về khả năng bẩm sinh, đặc thù của anh:

 

“Nói chung, lãnh vực nghệ thuật là lãnh vực đã làm cho Lê Văn Khoa được nhiều người biết đến và tán thưởng. Nhưng ở con người Lê Văn Khoa còn có một tài năng rất có giá trị khác mà ít người biết đến hay nói đến. Đó là tài dạy học của ông. Trên phương diện dạy học, ông là một nhà giáo có khả năng sư phạm bẩm sinh rất đặc biệt. Trước kia ở Việt Nam ông đã có những lớp học trên đài truyền hình. Qua những lớp học đặc biệt này người ta có thể thấy được triết lý, chủ trương cũng như phương pháp giáo dục của ông. Ông không tốt nghiệp ở một trường sư phạm nào, không dạy chánh thức ở một trường công lập hay tư thục nào cả. Ông chỉ có một lớp học nhỏ với một ít học sinh trên đài truyền hình mà thôi. Bài học ông dạy không theo sát chương trình học của Bộ Giáo Dục. Tuy nhiên kết quả giáo dục của ông rất đáng kể.

 

Trước hết những kiến thức mà ông trao cho học sinh của ông là những kiến thức rất thực tế, cụ thể mà nhà trường vì điều kiện vật chất thiếu thốn không cho phép, không thể cung ứng cho học sinh được. Thí dụ như một số những thí nghiệm về hóa học mà ông có thể cho học sinh của ông thực hiện được trong chương trình của ông trong khi học sinh ở các trường công lập cũng như tư thục chỉ học trên lý thuyết. Thành ra bài học cụ thể của ông giúp ích rất nhiều cho sự hiểu biết và sự ghi nhận của học sinh hơn là những bài học lý thuyết suông ở trường học.” [NGUYỄN THANH LIÊM - Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính]

 

Khi được hỏi về những điều đáng ghi nhớ qua Chương Trình Thế Giới Của Trẻ Em mà anh đã dày công thực hiện cả chục năm trước khi đào thoát, tránh nạn Cộng sản, anh cho biết:

 

“Kỷ niệm khó quên thì rất nhiều, ví dụ như sự ngạc nhiên của các em cũng như khán giả bên ngoài khi thấy tôi làm việc tréo cẳng ngổng bằng cách cho ông già Noel xuất hiện trong chương trình Trung Thu. Những chương trình truyền hình của tôi đều không có tập dợt trước, nên phản ứng của các em rất chân thực. Thái độ, nét mặt và lời nói đều hoàn toàn của các em trong giây phút đó.

 

Trong những cuộc giao tiếp, gặp gỡ tình cờ ngoài đường phố tôi đã được nhiều anh em quân nhân cám ơn vì tôi đã thay mặt họ hướng dẫn, giáo hóa dùm con cái họ - qua truyền hình – bởi bản thân họ không có mặt thường xuyên ở nhà để dạy dỗ. Có những quân nhân còn chân thành cám ơn tôi vì nhờ chương trình truyền hình của tôi họ từ bỏ cuộc sống bụi đời để trở nên người lính chiến bảo vệ quê hương. Tôi nghĩ những lời khen ngởi, tri ân chân thành đó là phần thưởng cao quý hơn những bội tinh, huy chương mà tôi nhận được. Với tôi, một ly nước mía bên lề đường trong tâm tình lắng đọng giữa con người với con người thật sự còn ngọt ngào, chân tình hơn một ly rượu sang trọng trong dinh Độc Lập.”

 

 

Phan Bá Thụy Dương
Số lần đọc: 2441
Ngày đăng: 03.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ Kỹ Thuật & Ma Thuật Đến Nghệ Thuật & Tác Lực Qua Góc Nhìn Của Alfred Gell* - Đinh Hồng Hải
Nghệ thuật xiếc với thiếu nhi - Tuấn Giang
Nguồn gốc nghệ thuật Tuồng - Tuấn Giang
Nghệ Thuật Ảo Cảnh - Vũ Ngọc Anh
Ngôn Pháp - Vũ Ngọc Anh
Các Biểu Tượng Trong Nghệ Thuật - Đinh Hồng Hải
Việt Nam là gì? - Lê Hải*
Bàn về mỹ nghệ - Lê Hải*
Bàn về thứ hạng trong nghệ thuật - Lê Hải*
Đặc trưng xiếc - Tuấn Giang