Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.210.252
 
Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển Và Quyền Tài Phán Của Quốc Gia Trên Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế
Phan Tấn Thiện

 

I. DẪN NHẬP

 

Để diễn tả cho bức tranh hoành tráng, bao la của núi non cùng biển cả cổ nhân thường cho rằng: “Tam Sơn, Tứ Hải, Nhứt Phần Điền.” Nói như thế ắt người xưa nghĩ rằng nếu quả đất của chúng ta chia ra làm tám phần thì trong đó núi non chiếm hết ba phần, bốn phần là biển cả và chỉ còn lại một phần chúng ta cày cấy được mà thôi.

 

Ngày nay, khi con người đã đặt chân cho tới cung trăng, sao Hỏa thì việc tính toán về diện tích của địa cầu và sự phân bố của biển cả cũng như núi rừng so với phần đất còn lại dành cho con người sinh sống bằng nông nghiệp ắt không còn là một bài toán mơ hồ khó khăn như lúc trước.

 

Hãy gạt bỏ vấn đề đúng sai về phương diện tính toán khoa học của câu nói trên. Theo tôi, có lẽ cổ nhân muốn nhắn nhủ lại cho hậu thế rằng cái mà tạo hóa dành cho loài người thật là it ỏi. Con người muốn tồn tại cần phải đấu tranh và khắc phục thiên nhiên. Chẳng những thế thôi, quả đất của chúng ta không nở rộng thêm ra mà dân số thì tăng lên mãi sau khi đã khấu trừ đi những mất mác bởi lão hóa, thiên tai, nạn dịch, và chiến tranh.

 

Đất hẹp, người càng ngày càng đông, ngoài sự đấu tranh với thiên nhiên, sự đấu tranh giữa người với người cũng càng thêm gay gắt. Có lẽ bởi đó mà ra tất cả những lý thuyết, chủ nghĩa, giai cấp, nhân danh đều là những chiêu bài để bành trướng quyền tư hữu về đất đai và lợi nhuận.

 

Khi đấu tranh với thiên nhiên, con người vận dụng trí thông minh để chinh phục cho bằng được những trở lực mà tạo hóa áp đặt, đôi khi con người cũng bị thiên nhiên quật ngã không thương tiếc. Khi đấu tranh giữa người và người nảy sinh thì luật pháp xuất hiện lý giải cho công lý vượt lên phía trước và cho xã hội loài người được thăng hoa.

 

Công ước Quốc tế về Luật Biển là sự đồng thuận của đa số những quốc gia trên thế giới về những tập tục của quốc tế về Hàng Hải và Đại Dương. Qua đó chủ quyền của những quốc gia cận duyên được xác định trên vùng biển bao bọc xung quanh đất liền hay những hải đảo trực thuộc chủ quyền của quốc gia mình.

 

Bài viết này bắt đầu bằng sự giám xét nguyên lý tiên khởi của khái niệm về vùng Đặc Quyền Kinh Tế dựa trên quan điểm đóng góp về địa dư và kinh tế của một quốc gia. Vấn đề sẽ được tiếp tục bàn thảo về quyền tài phán của một quốc gia trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế. Sau hết chúng tôi sơ lược những học thuyết về hàng hải khi nghiên cứu vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trong khi bảo vệ những tài nguyên thiên nhiên và những hoạt động bất hợp pháp của những cá nhân hay tập thể hay những quốc gia khác trong vùng biển tiếp cận với quốc gia mình.

 

II. MỰC NƯỚC TRÊN BIỂN THUỘC QUỐC GIA CẬN DUYÊN THEO CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ

 

Vùng biển tiếp xúc với đất liền của một quốc gia theo công pháp quốc tế hiện nay thì được chia làm ba vùng rõ rệt.

 

1. Chúng tôi xin tạm dịch vùng gần đất liền nhất là vùng Nội Hải (Territorial Sea): cách mực nước tại bờ 12 hải lý (dặm biển).

 

2. Vùng kế tiếp là vùng Tiếp Cận (Contiguous Zone): là vùng giáp ranh với vùng Nội Hải là 12 hải lý, hay nói một cách khác cách bờ 24 dặm biển.

 

3. Vùng thứ ba rộng lớn hơn, nếu tính từ mức nước tại bờ trở đi là 200 dặm biển, vùng được gọi này là vùng Đặc Quyền Kinh Tế (Exclusive Economic Zone), vùng này bao trùm luôn cả vùng tiếp cận, và nếu bắt đầu đo từ cuối vùng Nội Hải trở đi là 188 dặm.[i]

 

Trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế này, quốc gia có bờ biển tiếp cận được quyền hành xử rộng rãi đối với những tài nguyên thiên nhiên, như khoáng sản, dầu mỏ, ngư trường. Những quốc gia khác chỉ được quyền di chuyển tàu bè, hoặc bay ngang không phận trong vùng hoặc chạy những đường dây cable hay đường ống dẫn dầu trong vùng đặc quyền kinh tế này mà thôi.[ii] Căn cứ vào những tập tục và qui ước đó, những quốc gia ven biển được quyền thiết lập quyền hành xử và những biện pháp chế tài đối với những vi phạm trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế của họ.[iii]

 

Cho đến giữa thế kỷ 20, tất cả những vùng biển từ 12 dặm, kể từ dấu mé nước tiếp giáp với đất liền, trở đi đều được cho rằng đó là những vùng thuộc hải phận quốc tế, và như vậy không quốc gia nào được quyền cho rằng mình có quyền trên vùng biển đó cả.[iv]

 

III. LỊCH SỬ TIẾN HÓA CỦA VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ

 

Trước năm 1945, tất cả những khiếu nại, tuyên bố về sự độc quyền khai thác ngư trường và khoáng sản trong thềm đại lục của một quốc gia ở mọi cấp độ hay trong phạm trù tiến bộ của khoa học và kỹ thuật được dựa vào những nguyên tắc lịch sử. Luật về biển cả được phát triển một cách có hệ thống cũng bắt đầu vào năm 1948, trong năm đó Hoa Kỳ đầu tiên tuyên bố rằng lãnh hải của quốc gia phải đi kèm với những đặc quyền tương xứng với tiềm năng về quặng mỏ và ngư trường trong vùng biển của nước mình.

 

A. Tuyên Bố của Truman:

 

Theo tuyên ngôn Truman của Hoa Kỳ về luật biển, Hoa Kỳ khẳng định rằng tất cả những tài nguyên thiên nhiên nằm trong thềm lục địa của Hoa Kỳ, nằm trong vùng đất dưới lòng biển tiếp giáp với Hoa Kỳ là tài nguyên thuộc Hoa Kỳ và nằm trong sự kiểm soát, chịu sự chi phối của luật lệ Hoa Kỳ[v]. Theo tuyên ngôn này thì chính phủ Hoa Kỳ có toàn quyền trong việc bảo vệ ngư trường của mình dầu ngư trường này có nằm trong vùng hải phận quốc tế đi nữa một khi vùng biển quốc tế này có dính dáng đến những vùng tiếp cận của lãnh hải Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ cho rằng trước kia những thỏa ước về ngư nghiệp giữa Hoa Kỳ và những quốc gia khác không đủ bảo vệ ngành cá trong vùng biển xung quanh Hoa Kỳ. Hoa Kỳ tuyên bố có đầy đủ thẩm quyền để gìn giữ và quản lý ngành cá trong những ngư trường mà trước đây ngư dân Hoa Kỳ hoạt động. Những vùng đánh cá nào mà trước đây có sự đánh cá chung chạ giữa ngư dân Hoa Kỳ và những ngư dân của những quốc gia khác sẽ được qui định bảo vệ và quản lý chung giữa hai quốc gia. Nói vậy chứ thật ra Hoa Kỳ chưa thành lập được những thẩm quyền quản lý chung với quốc gia khác như tuyên ngôn này qui định.

 

B. Tuyên Bố của Những Quốc Gia thuộc Vùng Châu Mỹ La-Tinh:

 

Năm 1952, Peru, Chile và Ecuador cùng ký tuyên ngôn tại Santiago cho những qui định về lãnh hải. Những quốc gia này cho rằng những quốc gia tiếp cận với biển có chủ quyền và có đầy đủ thẩm quyền tài phán trong vùng biển tiếp cận với quốc gia mình trong tầm không quá 200 hải lý[vi]. Ba quốc gia trên vừa tuyên bố xong thì một số lớn các quốc gia trong vùng Nam Mỹ Châu hò lên hưởng ứng và tuyên bố rằng họ có đầy đủ chủ quyền trên thềm lục địa và trên vùng biển tiếp cận của quốc gia mình trong chiều rộng là 200 hải lý kể từ mức nước tại bờ[vii].

 

Đến đây chúng ta có thể thắc mắc tại sao con số 200 hải lý lại được chọn làm lằn ranh tối đa cho vùng biển tiếp cận của một quốc gia, bao trùm luôn cả vùng Đặc Quyền Kinh Tế? Thực ra sự chọn lựa này có nguyên nhân chính trị và lịch sử chứ không ăn nhập gì đến vấn đề địa dư, môi trường hay sinh học của quốc gia. Ngay tại Hội Nghị về Công Ước Quốc Tế về Luật Biển 3 nước Chile, Peru, và Ecuador đều dành cho mình có hải phận cách bờ là 200 dặm biển. Không thể thuyết phục 3 thành viên này chấp nhận chiều rộng của hải phận mình nhỏ hơn 200 dặm, cho nên cách dễ giải quyết nhất là hội nghị đồng ý rằng 200 dặm là lằn mức tối đa cho Công Ước Quốc Tế về hải phận của những quốc gia trên thế giới. Nhưng đến đây câu hỏi trên dường như chưa được trả lời thỏa đáng. Tại sao Chile lại chọn con số 200 hải lý làm chiều rộng cho hải phận của quốc gia mình tính cho đến mút lằn ranh của vùng Đặc Quyền Kinh Tế? Thật ra con số 200 dặm biển này cũng là một sự tình cờ ngẫu nhiên mà thôi. Chile có công nghiệp về Cá Voi, muốn bảo vệ nền công nghiệp này, cũng như không cho những ngư dân các nước khác săn Cá Voi trong vùng lãnh hải của mình, Chile cần có thẩm quyền kiểm soát vùng biển của mình trong vòng 55 hải lý kể từ mực nước tại bờ. Nhưng ước muốn của ngành công nghiệp Cá Voi của Chile không dừng tại đây. Theo Tuyên Ngôn của Panama năm 1939 thì vùng an toàn cho lãnh hải của một quốc gia phải kể rằng là 300 hải lý. Cho nên ngành công nghiệp Cá Voi của Chile chiếu theo tiền sự này và cứ đòi cho được Hải phận của quốc gia mình có chiều rộng là 200 dặm biển.[viii]

 

Như những quốc gia khác, Canada cũng tuyên bố vùng biển cận duyên của quốc gia mình dựa theo những qui định trong Công Ước Quốc Tế về Luật Biển, trên từ cơ sở đó luật pháp Canada tìm cách xác nhận chủ quyền của quốc gia mình để tìm ra những biện pháp thích nghi trong việc hành xử quyền tài phán cho quốc gia mình trên biển cả.

 

Trước khi bàn thảo về những tiến bộ trong việc hành xử quyền tài phán của Canada trên vùng Đặc Quyền Kinh Tế, chúng ta cũng nên có một cái nhìn sơ lược qua những căn bản pháp lý mà Canada đã thành lập để xác định lằn ranh lãnh hải của quốc gia trong biên giới của một vùng biển bao la.

 

C. Quyền Tài Phán của Canada trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế

 

Vào năm 1964, Canada tự mình thành lập một vùng ngư trường bao bọc chung quanh vùng biển của mình rộng 9 hải lý dựa theo Đạo Luật Nội Hải và Ngư Trường[ix]. Theo Đạo Luật này quốc gia duyên hải có quyền xác định mực nước trong vùng biển nội địa của mình. Lằn ranh của mực nước nội địa cho những quốc gia cận duyên đều dựa vào luật quốc tế và những tập tục quốc tế được minh thị trong phán quyết United Kingdom v. Norway [x]. Đây là vụ án tranh chấp chủ quyền trên những vùng đảo nhỏ ở Bắc Âu mà Na-Uy đã đưa ra Tòa Án Quốc Tế để phân xử. Na-Uy nại rằng trong vùng biển dọc theo những đảo nhỏ xung quanh quốc gia mình, Na-Uy có quyền thiết lập một lằn ranh bao bọc bên ngoài những đảo nhỏ này và cấm tàu bè ngoại quốc không được xâm phạm vào lằn ranh mà Na-Uy đã tuyên bố rằng đây là vùng nội địa của biển mình. Sự cấm đoán này áp dụng chung ngay cả cho những tàu bè của nước Anh. Na-Uy cho rằng trong vùng nước này những ngư dân ven bờ phụ thuộc nhiều nhất về hải sản, và như vậy quốc gia cận duyên có quyền vẽ lằn ranh bao bọc chung quanh bờ biển của mình được minh thị theo Luật và Tập Tục Quốc Tế. Toà Án quốc tế đã thụ lý vụ kiện này vào năm 1951 và phán rằng: "Trong những điều kiện đặc biệt, Luật Quốc Tế cho phép những quốc gia cận duyên được quyền vẽ lằn mức từ đó xác định được vùng nội hải của mình. Vậy vùng biển kể từ lằn mức này trở vào bờ, quốc gia cận duyên có đầy đủ chủ quyền trên vùng nước mà họ quì định." Quyết định này của Toà Án Quốc Tế cũng được áp dụng trong trường hợp những quốc gia có bờ biển thật khúc khuỷu, khi biển lấn sâu vào đất liền và cùng lúc đó có những đoạn đất liền ăn xa bờ [xi]. Tòa Án Quốc Tế cũng đưa ra ba tiêu chuẩn chính để minh thị đường biên trên mặt biển tuỳ theo sự quanh co khúc khuỷu của bờ biển thuộc quốc gia cận duyên [xii].

 

Năm 1970, Đạo Luật Nội Hải và Ngư Trường được cải biên cho phép Canada được mở rộng vùng nội hải của mình rộng 12 hải lý cho cả bờ biển phía Tây là Thái Bình Dương và ngay cả bờ biển phía Đông là Đại Tây Dương.

 

Sự cải biên của đạo luật nói trên cho phép Canada được đương nhiên công bố ba ngư trường thuộc vùng nội hải của mình từ Vịnh St. Lawrence, Vùng Vịnh Fundy, và vùng Queen Charlotte Sound [xiii]. Vào những năm cuối thập niên 1960, quan điểm về những vùng bảo vệ và quản lý ngư trường tiếp cận vùng nội hải của những quốc gia cận duyên đã trở thành thông lệ trong luật quốc tế. Trong suốt cuộc Hội Nghị về Công Ước Quốc Tế về Luật Biển lần thứ 3, có cả thảy 150 quốc gia tham dự đã chấp nhận rằng ngư trường của quốc gia cận duyên sẽ có chiều rộng là 200 dặm biển. Vào ngày 1 tháng Một năm 1977, Canada tuyên bố rằng nước này có vùng độc quyền khai thác hải sản có bề rộng là 200 hải lý dọc theo bờ biển của mình [xiv].

 

Như vậy từ nay trở về sau Canada sẽ có được hai vùng ngư trường rộng lớn một nằm về phía Đông trong biển Đại Tây Dương và một nằm về phía Tây trong vùng biển Thái Bình Dương. Thừa thắng xông lên, tháng Hai năm 1977, Canada tuyên bố rằng trong vùng biển Bắc Băng Dương nơi chót vót trên nóc nhà của Địa Cầu, Canada cũng có một vùng ngư trường rộng là 200 hải lý kể từ mực nước trong bờ.

Dầu là đất liền, biển cả hay không gian, một khi một quốc gia nào đó đã tuyên bố vùng này nằm trong quyền kiểm soát của quốc gia mình, thì quốc gia này đều có quyền tài phán trên những vùng mà mình đã tuyên bố nằm trong chủ quyền của quốc gia mình. Riêng theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển mỗi khi có sự vi phạm trên vùng Đặc Quyền Kinh Tế của quốc gia mình thì quốc gia nào cũng vậy đều có ba quyền quan trọng:

 

- Quyền bắt giam những tàu bè trái phép đang ở trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế,

- Quyền truy nã, và

- Quyền sử dụng hỏa lực.

 

1. Quyền Bắt Giữ Những Tàu Bè Trái Phép trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế:

 

Căn cứ theo điều 56 (1) của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển, quyền khai thác những tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả quyền khai thác hải sản, trong vùng đặc quyền kinh tế đều thuộc chủ quyền của quốc gia cận duyên. Căn cứ theo điều khoản đã dẫn, những quốc gia có bờ biển bao bọc chung quanh đều có chủ quyền bắt giữ những tàu bè ngoại quốc khi vi phạm chủ quyền của quốc gia mình. Những tàu bè này có thể thực hiện những chuyến đánh cá lậu trong vùng biển mà mình kiểm soát, hay xâm nhập với ý đồ khai thác những tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế. Những vụ án sau đây cho thấy Canada đã hành xử quyền tài phán theo luật biển đối với những tàu đánh cá lậu của Tây Ban Nha khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Canada, và những lý do viện dẫn của các bị cáo đưa ra trước vành móng ngựa.

Trong vụ án R. v. Alvares and Laboa [xv] bị cáo là hai chiếc tàu lưới quét của Tây Ban Nha đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Canada vào năm 1985 đã bị phi cơ tuần tiễu của Canada chụp hình và phát hiện nhưng không bắt được ngay tại trận vào lúc đang bị vi phạm. Canada xúc tiến cuộc điều tra trong vòng 1 năm kể từ ngày sự cố xảy và ra sau khi thu thập đầy đủ dữ kiện và cơ quan điều tra đã ra lệnh tầm nã 2 chiếc tàu lưới quét của Tây Ban Nha kia.

 

Sau hai năm chạy trốn, lần này vừa mò vô vùng nước thuộc Đặc Quyền Kinh Tế của Canada thì hai chiếc tàu kia bị bắt theo lệnh truy nã có hiệu lực kể từ hai năm trước.

 

Ra trước Toà, hai chiếc tàu kia viện dẫn Luật Hiến Pháp của Canada trong đó có điều 11 của Hiến Chương Nhân Quyền và Quyền Tự Do của Canada qui định rằng: thời gian truy tố một bị can ra Toà phải hợp lý. Chuyện này đã xảy ra 2 năm trước rồi coi như là chuyện xưa rồi. Lúc đó hai chiếc tàu kia đã chạy ra khỏi vùng hải phận quốc tế và chạy tuốt về nước của họ rồi. Năm nay mới vừa xâm nhập chưa kịp làm ăn gì thì bị tóm cổ coi như sự truy tố của Tòa Án Canada không phù hợp với Hiến Pháp Nhân Quyền và Quyền Tự Do của Canada cho nên hai chiếc tàu kia yêu cầu Toà Án Canada miễn tố cho họ.

 

Tối Cao Pháp Viện của Tỉnh Bang New Found Lands của Canada sau khi nghe viện dẫn của Công Tố Viên và của trạng sư bênh vực cho hai chiếc tàu phạm pháp, phán rằng: "Trong những hoàn cảnh đặc biệt như tàu bè chạy trên biển và trong vùng nước thuộc chủ quyền của một quốc gia cận duyên, Canada không hề vi phạm đến thủ tục tố tụng nếu cho rằng lệnh truy nã được tống đạt không đúng lúc, quyền đưa bị cáo ra xét xử trước tòa và quyền áp dụng hình phạt cho những đối tượng phạm luật là đi ngược lại điều 11 của Hiến Pháp Canada. Bởi đó, Toà cho rằng thủ tục tố tụng này không bị vi Hiến và có hiệu lực, thỉnh cầu của đương sự không được chấp thuận."

 

Trong một vụ án khác, R. v. Alegria and Mavan, vụ án này dính líu đến ngư phủ của Tây Ban Nha đã xâm nhập đánh cá bất hợp pháp trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Canada. Bị cáo này lại cũng viện dẫn Luật Hiến Pháp của Canada cho rằng toà án Canada đã sai sót trong thủ tục truy tố bị can. Một lần nữa Toà án Canada lại phải khẳng định rằng không có gì gọi là vi phạm đến những nguyên tắc căn bản về công lý như đã được qui định cụ thể theo điều 7 của Hiến Chương Nhân Quyền và Quyền Tự Do của Canada trong quyền Tài Phán của Canada khi thiếu thông báo cho đương sự biết quyền xử lý đối với bị can.

 

Cũng nên ghi nhận rằng trong cả hai vụ án kể trên không hề thấy bên nào đưa vấn đề chủ quyền của Canada trong việc bắt giam những con tàu ngoại quốc vi phạm chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế, và hình như mọi bên đều đồng ý rằng quyền tài phán trong vùng biển thuộc Đặc Quyền Kinh Tế của những quốc gia cận duyên là một quyền tuyệt đối và được thừa nhận bởi những tập tục Quốc Tế trên biển.

Tuy nhiên một đôi khi những quốc gia cận duyên coi việc can thiệp của mình với những tàu bè quốc tế trong vùng hải phận quốc tế là những việc làm thích nghi với quyền tài phán dành riêng cho lãnh thổ của mình. Trong vụ án Spanish v. Canda, Tòa án quốc tế phán rằng Tòa Án Quốc Tế không đủ thẩm quyền để phán xét vụ án mà Spain đưa ra vào năm 1995, trong vụ án này Spain nại rằng Canada không có quyền gì khi bắt giữ con tàu Estai trong vùng hải phận quốc tế. Riêng Canada lại cho rằng nếu căn cứ theo Đạo Luật Bảo Vệ Ngư Trường Cận Duyên của Canada thì Canada có quyền bắt giữ bất cứ tàu bè ngoại quốc nào ngay cả khi những tàu bè nằm trong hải phận quốc tế nếu thấy có dấu hiệu những tàu bè này đã vi phạm Đạo Luật Bảo Vệ Ngư Trường của Canada [xvi]. Về phía Spain nại rằng vụ án này liên hệ đến vấn đề chủ quyền của Canada, vì Canada đã ngang ngược bắt giữ tàu bè của ngoại quốc trên vùng biển quốc tế, nằm ngoài khu đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên Tòa Án Quốc Tế với tỷ số 12-5 thẩm phán thừa nhận rằng Tòa Án Quốc Tế không đủ thẩm quyền để thụ lý vụ án mà Tây Ban Nha đưa ra để chống lại quyền trên biển của Canada. Ủy Ban Bảo Vệ Ngư Trường của Canada năm 1994 cho rằng họ không thừa nhận quyền tài phán của Tòa Án Quốc Tế về điều hành ngư trường trong vùng Tây Bắc Đại Tây Dương. Bởi lẽ rằng những tranh chấp này bắt nguồn từ những sự thay đổi về pháp chế để bảo vệ cho nguồn cá ven biển của Canada cho nên những tranh chấp này phải nằm trong quyền tài phán của những chế tài về luật pháp của Canada mà thôi.

 

Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia cận duyên còn có quyền áp dụng luật và những qui tắc luật của quốc gia mình để bảo vệ và quản lý những nguồn tài nguyên sống trong vùng biển của mình [xvii].

 

Theo vụ án Saiga, mới xảy ra vào năm 1999 [xviii], thì Saiga là con tàu chở dầu mang số đăng ký ở Saint Vincent và Grenadines. Con tàu này bị Guinea bắt khi đang bán dầu bất hợp pháp cho những tàu đánh cá trong vùng hải phận quốc tế nằm ngoài vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Guinea. Tòa án quốc tế thừa nhận rằng những quan chức của những quốc gia cận duyên có quyền áp dụng luật pháp của quốc gia mình, họ có quyền lên tàu, xét tàu, bắt giữ tàu và thuỷ thủ đoàn trên tàu đưa ra xử lý theo luật nếu tàu bè đó có dấu hiệu vi phạm luật của quốc gia. Tuy nhiên, tàu và thủy thủ đoàn phải được thả ra ngay tức khắc sau khi đã đóng tiền thế chân hay có sự đảm bảo rằng họ không bỏ trốn nếu khi có lệnh triệu tập của Toà trong tương lai. Nếu những quốc gia tranh chấp là hội viên của Công Ước Quốc Tế thì khi có những vụ bắt bớ liên hệ đến công dân hay những tài sản tàu bè thuộc quốc gia mình thì quốc gia hội viên có quyền khiếu nại lên Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển nếu quốc gia thi hành lệnh giam giữ cố ý trì hoãn không chịu thả ngay khi có đóng tiền thế chân hay khi có sự bảo đảm cho những người bị tình nghi vi phạm luật này.

 

2. Quyền Truy Nã:

 

Nhiều thế kỷ trước, quyền truy nã trên vùng biển thuộc quốc gia mình kiểm soát là một trong những tập tục của luật quốc tế về luật biển. Cho đến năm 1958, trong Hội Nghị về Luật Biển tại Geneva, thì quyền này được ghi vào điều 23 của Công Ước. Trong tác phẩm Luật Quốc Tế về Đại Dương tác giả D.P. O'connell cho rằng: "Quyền truy nã những tàu ngoại quốc trên hải phận quốc tế coi như hợp pháp nếu như những tàu ngoại quốc này vi phạm luật trên vùng biển của quốc gia cận duyên xong rồi bỏ chạy ra vùng biển quốc tế, việc truy nã này phải có tính cách tức khắc và liên tục sau khi vi phạm luật và những chiếc tàu ngoại quốc này khi bị truy nã đã cố tránh né sự truy nã của quốc gia sở tại bằng chạy tuốt ra vùng biển quốc tế" [xix].

 

Trong vụ án The Ship "North" v. The King, Thẩm phán Davies nhận định về quyền truy nã trên biển như sau: "Tôi nghĩ rằng theo Luật Hàng Hải tuy tòa án có thẩm quyền xét xử phải hạn chế quyền của mình theo luật của quốc gia sở tại, nhưng nếu có một chiếc tàu nào của nước ngoài mà vi phạm luật của quốc gia cận duyên về luật bảo vệ ngư trường hay vi phạm những nguồn tài nguyên nằm trong vùng biển thì quốc gia chủ có quyền truy nã những chiếc tàu ngoại quốc vi phạm này và sự rượt bắt này có hiệu lực mặc dầu những chiếc tàu ngoại quốc này đã chạy ra cho tới vùng hải phận quốc tế".[xx]

 

Trong vụ án R. v. Blanco [xxi], tòa nhận định rằng mặc dầu những qui ước và những tập tục quốc tế về Luật Biển đã được qui định rõ theo giấy trắng mực đen, nhưng tập tục về luật biển đã trở thành thông dụng cho tất cả những toà án quốc tế về luật biển và đã được áp dụng hàng nhiều thế kỷ qua. Trong vụ án này mặc dù nguyên cáo bị tuyên xử về tội đánh cá bất hợp pháp ngoài vùng hải phận của Canada. Vậy thì vấn đề được đặt ra là những toà án của Canada có thẩm quyền xét xử những tàu đánh cá bất hợp pháp trong vùng nước gần Canada nhưng thực sự không nằm trong sự kiểm soát của Canada. Công tố Viện của Canada dựa trên học thuyết của "quyền truy nã" mà lập luận rằng, trong những trường hợp khẩn thiết, quyền tài phán của Canada phải được mở rộng đối với những tội phạm xảy ra khi quyền truy nã được phát động. Bị cáo thì nại rằng vì tội phạm này xảy ra trong vùng biển quốc tế nên Canada không có quyền tài phán nào đối với bị can cả và xin tòa án bãi bỏ án lệnh nói trên.

 

Tòa án kết luận rằng Canada không có được quyền tài phán về hình sự đối với những tội phạm xảy ra trên hải phận quốc tế. Học thuyết về "quyền truy nã" không gián tiếp cho phép quốc gia cận duyên áp dụng luật của mình đối với những tội phạm xảy ra ngoài vùng biển qui định là vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia mình. Theo luật Common Law đang được áp dụng tại những quốc gia nói tiếng Anh, thì quyền truy nã được xem như là quyền tự vệ của quốc gia mình đối với những tàu biển phạm luật trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế và bị rượt đuổi đã chạy ra được tới hải phận quốc tế. Quốc gia cận duyên này được xem như là đại biểu của những quốc gia trong Công Ước Quốc Tế được quyền truy bức tội phạm để bảo vệ những quyền lợi cho trật tự quốc tế. Luật quốc tế còn cho phép những quốc gia cận duyên được quyền bắt giữ và sử dụng hạn chế hỏa lực đối với những ghe thuyền phạm pháp.

 

Trong vụ án R. v. Kirchoff [xxii] là vụ án điển hình cho quyền truy nã trên mặt biển đối với những tàu bè phạm pháp, tàu tuần duyên của Canada phát hiện tàu bị cáo tiếp xúc với một chiếc tàu con, gọi tắt là tàu LT, ngoài hải phận quốc tế. Tàu tuần duyên này tiếp tục theo dõi tàu bị cáo trong vùng nước ngoài hải phận quốc tế, cho đến khi nhận được mật lệnh rằng chiếc tàu con LT khi lúc gặp tàu bị cáo ở ngoài khơi, nay đã vào bờ tại Tiểu Bang Nova Scotia và bị phát hiện có chở một số lượng bạch phiến rất lớn. Tàu tuần duyên của Canada lập tức truy đuổi chiếc tàu mẹ và bắt giữ trên vùng biển quốc tế. Bị cáo nại rằng theo thủ tục hình sự của điều 477 Bộ Luật Hình Sự của Canada thì thứ nhất khi bắt giữ một tàu ngoại quốc hình cảnh của Canada phải được sự chấp thuận của Chưởng Lý Liên Bang, thứ nữa khi sử dụng quyền truy nã theo luật biển thì sự truy nã này phải bắt đầu từ trong vùng nước thuộc Canada chứ đây sự truy nã chỉ xảy ra trong vùng biển quốc tế nên hình cảnh của Canada trong trường hợp này không tuân thủ đúng theo luật định. Tuy nhiên, tòa án Canada nhận xét rằng việc bắt giữ chiếc tàu phạm pháp này hoàn toàn đúng luật. Mặc dầu công ước quốc tế về luật biển thừa nhận rằng quyền truy nã trên biển phải bắt đầu từ vùng nước thuộc quốc gia cận duyên và tàu bị truy nã chạy ra vùng biển quốc tế thì sự truy nã này mới được coi như hợp pháp. Nhưng trong trường hợp này tàu mẹ tuy ở ngoài vùng nước biển của Canada nhưng chiếc tàu con tải hàng cho chiếc tàu mẹ thì đang trong vùng biển của Canada cho nên tòa phải áp dụng nguyên tắc của sự hiện diện trực tín và cho rằng chiếc tàu mẹ này cũng nằm trong phần biển của Canada. Viên chức của Canada khi thi hành nhiệm vụ cũng đã xin phép chưởng lý khi lên tàu khám xét cho nên không có điều chi trái với nguyên tắc tố tụng hình sự.

 

Con tàu phạm pháp còn cãi thêm rằng theo điều 17 khoản 4 của Công Ước Quốc Tế chống việc buôn lâụ ma túy được chấp thuận tại Vienna, nước Áo ngày 19 tháng 12 năm 1988, thì quốc gia cận duyên phải xin phép quốc gia có tàu phạm pháp mới được lên tàu xét hàng và bắt người khi có bằng cớ rằng tàu này có vận chuyển bất hợp pháp chất ma tuý. Trong trường hợp này Canada không xin phép quốc gia mang cờ trên tàu mà đã nhảy lên tàu lục soát, bắt hàng, bắt người.

 

Để trả lời cho viện dẫn nói trên của bị cáo, tòa cho rằng quyền truy nã không được xem như bắt đầu trừ phi tàu tuần duyên nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ rằng tàu ngoài xa là tàu mẹ và cho tàu con vào bờ để làm những chuyện bất hợp pháp, bởi các lẽ đó cho nên tòa án Canada đã phán rằng việc truy nã và bắt bớ tàu mẹ trong vùng biển quốc tế là đúng theo Công Ước Quốc Tế phù hợp với những tập tục quốc tế về luật biển.

 

Trong vụ án R. v. Dunphy [xxiii], bị cáo bị truy tố về tội buôn lậu thuốc lá và rượu mạnh trái với điều 159 Luật Thuế Quan. Khi tuần tiễu thường lệ trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Canada, Cảnh Sát Liên Bang phát hiện có tàu lạ đang tiến về phía họ. Khi lại gần bỗng nhiên con tàu bẻ lái 180 độ bỏ chạy. Cảnh Sát Liên Bang cố rượt theo con tàu đang bỏ chạy và cố chận chiếc tàu này lại trong vùng biển thuộc quyền kiểm soát của Canada. Con tàu này không chịu dừng lại mà cứ cấm đầu cắm cổ chạy, và chạy tuốt cho đến đảo St. Pierre, một vùng trực thuộc của Pháp trên biển Đại Tây Dương, mới chịu dừng lại. Khi rượt đuổi các sĩ quan đã quan sát thấy trên tàu có nhiều bao rác màu xanh cột miệng lại. Khi tàu dừng tại St Pierre thì sĩ quan Cảnh Sát nhảy lên tàu và xé miệng bao rác màu xanh ra và phát hiện bên trong toàn là thuốc lá không đóng thuế. Cảnh sát kết luận rằng số lượng thuốc lá này là thuốc lá lậu, nhưng không bắt bớ ai, cũng như không tịch thu hàng hóa. Sự kiện xảy ra đã gây tổn thương đến bang giao quốc tế, Cảnh Sát Liên Bang của Canada có thư xin lỗi chính quyền St. Pierre. Con tàu chở thuốc lá lậu và rượu lậu này lý luận rằng bằng cớ của cuộc bố ráp này là không đúng luật và xin Tòa tiêu hủy.

 

Tòa đồng ý sự kháng cáo của đương sự. Tòa án cũng nói thêm rằng khi thủ phạm chạy trốn thì cảnh sát không cần phải xin trát bắt giữ, tuy nhiên nếu thủ phạm chạy trốn khỏi phạm trường nếu chứng cớ không bắt được quả tang trong vùng biển của mình thì chứng cớ này coi như bị mất. Tòa đồng ý rằng cảnh sát có quyền truy nã, lục soát và bắt giữ trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của mình, nhưng quyền truy nã này không được mở rộng nếu con tàu phạm pháp chạy tuốt qua vùng biển của quốc gia khác. Hành động của sĩ quan cảnh sát lần này nhảy lên tàu mở bao rác ra xem thuốc lá lậu là hành động bất hợp pháp theo luật quốc tế. Riêng theo điều 8 của Hiến Pháp Canada thì bằng chứng này không được toà án chấp thuận khi cảnh sát vượt quá quyền hạn luật định của mình. Các viên chức thừa hành của chính phủ khi sử dụng quyền hạn của mình trên biển phải biết tôn trọng luật lệ của những quốc gia láng giềng. Luật quốc tế cho phép những quốc gia cận duyên khi đuổi bắt những tàu ngoại quốc có những hành vi trái luật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình cũng được sử dụng võ lực nhưng chỉ được sử dụng ở một mức độ nào đó mà thôi.

 

3. Quyền Sử Dụng Hỏa Lực:

 

Mặc dầu các qui ước quốc tế về Luật Biển không có điều khoản nào minh thị rõ ràng về quyền sử dụng hỏa lực khi chận bắt những tàu bè ngoại quốc. Tuy nhiên, theo điều 293 của Công Ước có nhắc nhở rằng phải tránh dùng võ lực, tránh được chừng nào tốt chừng nấy. Nếu gặp những trường hợp chẳng đặng đừng bắt buộc phải dùng hỏa lực thì sử dụng hỏa lực chỉ xảy ra trong mức độ cần thiết hợp lý mà thôi [xxiv]. Những nguyên tắc sử dụng võ lực trên biển nêu trên đã được tuân thủ trong nhiều thập niên qua. Thông thường khi muốn chận bắt một tàu ngoại quốc trong vùng biển của mình, tàu chủ nhà phải ra ám hiệu, hay dùng những hiệu báo quốc tế để yêu cầu chiếc tàu bị tình nghi dừng lại. Một khi đã ra hiệu cho chiếc tàu tình nghi dừng lại nhưng chiếc tàu kia không chịu ngừng thì tàu chủ nhà lập tức thực hiện những hành vi khẩn cấp để chận đứng tàu bị tình nghi, hành động này bao gồm cách bắn chận trước mũi tàu. Sau khi tất cả những cố gắng trên không thành công thì hỏa lực mới được dùng đến, nhưng phải cố gắng tối đa để tránh tổn thất về nhân mạng [xxv].

 

Trong vụ án I'm Alone [xxvi], tàu I'm Alone là con tàu của Anh được đăng ký tại Canada. Vào năm 1929, Hoa Kỳ là quốc gia khao khát rượu mạnh. Tàu này chuyên chở rượu Rum để bán lậu vào Hoa Kỳ. Vào ngày 22 tháng Ba năm 1929, tàu này chuyên chở rượu mạnh từ Belize ở British Honduras, xác định điểm giao hàng trong vùng Vịnh Mễ Tây Cơ gần ven biển Louisiana, từ điểm giao hàng này sẽ có những tàu nhỏ chuyển hàng lậu đưa vào Mỹ để bán. Chẳng may, I'm Alone bị tàu Wolcott, một tàu Thuế Vụ của Mỹ phát hiện, theo dõi trong vùng Nội Hải. Sau khi bị rượt chạy từ vùng Nội Hải ra cho tới ngoài vùng Đặc Quyền Kinh Tế là 200 hải lý, thì tàu I'm Alone bị một tàu thuế vụ thứ hai của Mỹ, là tàu Dexter, cố đụng cho chìm.

 

Ủy Ban điều tra vụ án cho rằng nhân viên công lực Mỹ trong vụ án này có quyền truy nã và đã truy nã trực tiếp chiếc tàu của Canada nói trên. Tuy nhiên, Ủy Ban Điều Tra của vụ án cũng đã minh thị công nhận rằng một khi tàu rượt đuổi cố ý đánh chìm chiếc tàu ngoại quốc bị rượt đuổi là một hành vi phạm những Hiệp Ước về việc sử dụng hoả lực trên biển giữa Hoa Kỳ và Canada, cũng như vi phạm tập tục quốc tế về luật biển. Hành động cố ý đánh chìm tàu của Vệ Binh Duyên Hải của Hoa Kỳ đối với chiếc tàu của Canada là một hành động trái luật. Ủy Ban cho rằng Hoa Kỳ phải công nhận đây là một hành động trái luật, và phải có lời xin lỗi chính phủ Canada đồng thời phải bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc căn bản trong việc sử dụng hỏa lực để bắt tàu ngoại quốc trên biển đã được tái khẳng định bởi Thỏa Ước thi hành những điều khoản của Công Ước Quốc Tế về luật biển vào ngày 10 tháng 12 năm 1982. Thỏa Ước này qui định rằng: "Quốc Gia truy nã phải đảm bảo những chuyên viên xét tàu của họ:

 

(f) Tránh dùng hỏa lực ngoại trừ những trường hợp bảo đảm an toàn cho những người lên xét tàu, và khi những nhân viên xét tàu thi hành phận sự bị cản trở bởi những cá nhân hay tập thể của những con tàu bị bắt. Tuy nhiên, mức độ sử dụng hỏa lực cũng phải chỉ ở mức độ vừa phải và tùy theo hoàn cảnh mà thôi."

 

IV. KẾT LUẬN

 

Mang tính chất đầu tiên là vùng biển quốc tế, vùng Đặc Quyền Kinh Tế đã trở thành một vùng sống động cho những quốc gia có số phận liên quan đến vùng biển đang tranh chấp. Những tranh chấp về ngư trường, cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đã gây nên những căng thẳng về chính trị và pháp lý. Những quốc gia liên hệ đôi khi nếu không khéo xử sự dễ đưa đến những xung đột quân sự khiến cho tình trạng bất ổn trong vùng lại gia tăng. Ngày nay, luật pháp quốc tế đã có những cố gắng xoay quanh đề tài chủ quyền của quốc gia và quyền tài phán của quốc gia trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế để làm sáng tỏ rằng quốc gia nào thực sự có chủ quyền.

 

Nói đến những vùng đặc quyền Kinh Tế trên biển cả bao la lại nhớ đến quê ta với rừng vàng biển bạc. Việt Nam nước ta có hơn 2,500 Km bờ biển từ Móng Cái cho đến Hà Tiên với những bãi cát trắng xóa, non nước hữu tình, đầy những phong cảnh vừa nên thơ, vừa hùng vĩ. Biển Đông ta với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa như “một bầy thủy quái khổng lồ nổi trên mặt biển, che mặt biển Đông như những tấm bình phong.” [xxvii] Chính nơi đây Trung Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Darusssalam, Nam Dương, và Việt Nam đang tranh cãi về chủ quyền của mình.

Những quốc gia tranh chấp nên ý thức rằng vấn đề này nhất định không phải giải quyết bằng võ lực mà phải dùng Công Pháp Quốc Tế và hãy để cho Tòa Án Quốc Tế định đoạt số phận của từng hòn đảo. Những luật gia quốc tế hãy rời khỏi tháp ngà của mình đến tận nơi, từng hòn đảo nhỏ, đối diện với sự thật, nằm lắng nghe tiếng nói của lương tâm và luật pháp. Hãy đưa nhác cuốc của lương tri xuống cho tới tận cùng của những tầng sinh thổ để chứng minh cho thế giới thấy rằng Việt Nam đã xác nhận chủ quyền của mình trên hai quần đảo này kể từ ngày Vua Lê Thánh Tôn cắm cờ trên núi Đá Bi.

 

Đề cập đến sự xác định về chủ quyền của một quốc gia trên một vùng lãnh hải, yếu tố lịch sử phải được soi xét cẩn trọng. Những quốc gia tương tranh phải hiểu rằng ngoài trách nhiệm giữa quốc gia này đối với quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế, chúng ta còn có những nghĩa vụ quốc tế của quốc gia mình đối với những quốc gia trong vùng tranh chấp. Đừng ỷ mạnh hiếp yếu, đừng giở trò thảo khấu của những kẻ chỉ dựa sức mạnh trên đầu mũi súng.

 

Gần đây, chính trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã bắn chết nhiều ngư dân Việt Nam đang thả lưới buông câu để kiếm sống. Họ là những ngư phủ bình thường, không một tất sắt trong tay, đang kiếm ăn trên vùng biển mà tổ tiên của họ hàng bao thế kỷ đã thả lưới buông câu, nhưng nay họ lại bị bắn giết bởi đội quân của một nước “láng giềng hữu nghị”. Hành động giết người bừa bãi nầy của Trung Quốc, cũng như việc Trung Quốc tuyên bố thành lập huyện Tam Sa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa, đã vi phạm trắng trợn Công Ước Quốc Tế về Luật Biển và đủ cấu thành tội ác xâm lăng./.

 



[i] H. M. Kindred, K. Mickelson, R. Provost, L. C. Reif, T. l. McDorman, A. L. C. deMestral & S. A. Williams. "International Law, Chiefly as Interpreted and Applied in Canada", 6th Edition, Edmond Montgomery Publications Limited, 2000, at 882.)

 

[ii] R.R. Churchill & A.V. Lowe, "The Law of the Sea" Manchester University Press 1983 at 125.

 

[iii] Mc Dougal & Burke, "The Public Order of the Oceans", New Haven, Conn., 1952, at 2.

 

[iv] L.B. Sohn, "The Law of the Sea", West Publishing Company, Minnesota, 1984, at 115.

 

[v] R.P. Anand. "Law of the Sea Caracas and Beyond", Martinus Nijhoff Publishers, 1980 at 205.

 

[vi] A.L. Hollick, "The origins of 200 mile off shore zone", (1977) 71 AJIL at 404.

 

[vii] President Declaration of Chile, 4 Whiteman, Digest of International Law 794-96 (1965). Xem tiªp 1947 President Decree No. 781 of Peru, id. at 797-98; 1951 Ecuadorean Congressional Decree, id. at 799-800.

 

[viii] Supra 6 at 494-500.

 

[ix] Territorial Sea and Fishing Zones Act, S.C. 1964-1965, c. 22.

 

[x] United Kingdom v. Norway [1951] I.C.J. Rep. 116.

 

[xi] Ibid 10 at 128.

 

[xii] Convention entre Grande-Bretagne et Russie, concernant les limites de leurs possessions respectives sur la cote Nord-Oust de l'Amerique. 1825, Recueil de Martens, Nouvelle serie, Vol. II at 427-8 as cited in D. Pharnd, Canada's Artic Waters in International Law (Cambridge: Cambridge University Press, 1988) Appendix A at 258.

 

[xiii] Fishing Zones of Canada (Zones 1, 2, 3) Order, C.R.C. 1978, Vol. XVIII, c. 1547, page 13739.

 

[xiv] C.R.C. 1978, cc. 1547-1549.

 

[xv] R. v. Alvares and Laboa (1989), 76 Nfld, And P.E.I. R. 256 (Nfld S.C.)).

 

[xvi] Canadian Coastal Fisheries Protection Act.

 

[xvii] Công Ước Quốc Tế về Luật Biển điều 37. 

 

[xviii] Trong vụ án Saiga, xảy ra vào nåm 1999: St Vincent and the Grenadines v. Guinea, Case No. 2 (Int'l Tri. for Law of Sea, July 1, 1999), 92 Am. J. Int'l L. 278 (1999) [International Decision reported by Bernard H. Oxman].).

 

[xix]D.P.O'Connell "The International Law of The Sea", (2nd ed., I, A. Shearer, ed.), Vol. II at 1075.).

 

[xx](1906), 37 S.C.R. 385 at 394.

 

 

[xxi] [1991] N.J. No. 313 DRS 93-00713 1991 St. J. No. 2471.

 

[xxii] [1995] N.B.J. No. 599 DRS 96-0448 No. B/M/158/95).

 

[xxiii] [1996] N.J. No. 100 DRS 96-10438 1994 G.B. No. 156).

 

[xxiv] H.M. Kindred et al. "International Law" (2000) Edmond Montgomery (6 ed.) at 899).

 

[xxv] Supra 18 at 87.

 

[xxvi] Canada v. United States, 1935, U.N.R.I.A.A., Vol. III, p. 1609; (1935), 29 Am. J. Int. L. 327.

 

[xxvii] Xem bản đồ Hồng Đức đời Vua Lê Thánh T ông (1470-1498) đã chỉ rõ quần đảo Trường Sa nằm ngoài khơi biển Đông là vùng lãnh hải của Việt Nam.  Tài liệu này đã được in lại trong “Đại Nam Nhất Thống Chí”, phần “Toàn Đồ Triều Nguyễn”, tài liệu này dựa vào bài viết của t c giả Lê Tùng Minh: “Lịch Sử đã Chứng Minh Chủ Quyền Hợp Pháp của Việt Nam về Hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

 

 

 

Phan Tấn Thiện
Số lần đọc: 3458
Ngày đăng: 06.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qua sử chí Trung Quốc, thử tìm hiểu vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung - Hồ Bạch Thảo
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 3 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 2 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Văn từ ngoại giao - Hồ Bạch Thảo
Khi Người Tàu Nghiên Cứu Về Việt Nam - Phạm Cao Dương
NHẮC LẠI CHUYỆN NHÀ MINH CƯỚP SÁCH CỦA TA ĐEM VỀ TÀU - Phạm Cao Dương
Giặc khách: Hoàng Sùng Anh - Hồ Bạch Thảo
Lịch sử là gì? - Kim Oanh
Nhà truyền giáo dòng Augustinô ở Quảng nam vào khoảng năm 1595-1605 - Trần Văn Mầu