Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.139
123.227.429
 
Nhân cách sống
Trương Quang Cảm

 

Đi coi thi bốn ngày. Sau ngày coi thi thứ hai, tôi và hai thầy giáo khác đang ngồi uống cà phê tối tại quán Nhạc Hoa Viên, thuộc trong số quán lớn và đẹp ở thành phố Cam Ranh. Được nửa tiếng, bỗng có chuông điện thoại, thầy Điền gọi, bảo đến điểm trường Trần Hưng Đạo chơi. Khi ba chúng tôi đến đã thấy có sẵn một chiếc bàn nhỏ kê giữa sân và chung quanh bàn, ngoài thầy Điền còn có ba thầy khác nữa. Trong khi nhấm nháp từng cọng mực khô với mấy ngụm bia, đám người đã chuyện trò thân mật và bắt đầu rôm rả. Nào là chuyện đi coi thi, chuyện ăn tết, chuyện tem phiếu, xếp hàng mua thực phẩm thời bao cấp. Biết thầy Đô đang dạy ở trường Hoàng Văn Thụ , tôi kể  những năm 1982 đến 1984 thời thầy Vĩnh làm Hiệu trưởng, cứ mỗi lần đến tết tôi phụ trách đời sống công đoàn cùng với  thầy Vĩnh lên Krôngpac mua nếp, đậu xanh về cho giáo viên gói bánh tét. Cái thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên trong những ngày cận tết. Ban đêm thì rất lạnh, còn ban ngày nắng nóng chói chang. Cứ thế mỗi người góp vào một câu chuyện kể.    

Bỗng Thầy An cất tiếng: “ Tôi kể chuyện này…Các ông nghe mà khóc thôi… nhưng trước khi kể hãy cùng nâng ly lên uống !  Năm 1976 tốt nghiêp Đại học Sư phạm T.P. Hồ Chí Minh, một số bạn bè như Hơn, Thanh…xin về lại quê Khánh Hoà. Còn tôi  tình nguyện ‘đi bất cứ nơi đâu”. Tổ  chức phân công về tỉnh Lâm Đồng. Ty giáo duc Lâm Đồng bổ về dạy ở trường Thăng Long Đà Lạt nhưng tôi xin được dạy ở nơi nào ít lạnh hơn …Thế là họ cho tôi về Bảo Lộc. Ta  nâng ly uống đi cái đã… Thấy giọng Thầy An đã hơi nhài nhại…Anh em trong bàn cười. Còn thầy Đa thì không những cười mà còn chọc giỡn phá ngang. Riêng có thầy Điền ngồi đối diện thầy An, biết thầy An xúc động nên bảo thầy Đa không giỡn nữa. Thầy An tiếp tục kể, trước khi kể lặp lại câu “các ông nghe …rồi khóc thôi…”. Thời ấy nghỉ tết chỉ có bốn ngày 30, 1, 2, 3. Ngày 30 không còn vé về Nha Trang. Tôi đành quá giang xin đi nhờ xe chở chè từ Bảo Lộc đi Đà Lạt. Họ cho tôi ngồi trên cái rờ mọc chở đầy chè tươi mới hái. Qua Di Linh đến ngã ba Phi Nôm, tôi xin xuống, đứng đón xe Đà Lat về  Nha Trang. Trời đã xế chiều, trong quán nước mía ngoài tôi còn có một chú bộ đôi và một cô gái trạc tuổi tôi. Cả ba đều chờ đón xe Đà Lạt xuống để về Nha Trang. Qua đôi ba câu tôi biết cô gái dạy ở Lộc Thanh. Chúng tôi ngồi uống mía và canh chừng xe. Nghe tiếng thế nào mà chú bộ đội đứng bật dậy tròng ba lô vào vai chạy ra. Tôi chạy theo. Còn cô gái đồ đạc lỉnh kỉnh  chạy sau cùng. Chiếc xe chạy bằng than trườn tới … người phụ xe ra hiệu hai ngón tay. Chú bộ đội và tôi nhảy phóc lên đu bám phía sau đuôi chiếc xe. Khi chiếc xe di chuyển, tôi ngoái nhìn lại thì thấy cô gái vừa chạy đến… miệng kêu to… “ đi với… đi với…”  tiếng kêu  lạc giọng. Còn chiếc xe thì vẫn như cứ dửng dưng tiếp tục chạy đi. Tôi quay lại nhìn, hình như cô gái đưa tay lên gạt nước mắt. Tôi và chú bộ đội đu phía sau xe. Nhưng chú bộ đội chạy trước nên được đứng hai chân. Còn tôi chạy sau đứng ở bên bìa xe và phải đứng một chân nhưng cũng may là có xe  để về kịp ăn tết với gia đình.  Không chỉ suốt trong chặng đường từ Phi nôm về Nha Trang mà hàng mấy mươi năm qua, tôi vẫn cứ ám ảnh cái dáng tuyệt vọng của cô gái.

 

Sau mấy ngày nghỉ tết, tôi trở lại Bảo Lộc. Lần này tôi cũng không sao mua được vé Nha Trang đi Bảo Lộc. Tôi bỏ cả ngày để xếp hàng nhưng đi lượt tôi thì hết vé. Tôi mua vé đi Đà Lạt, đến ngã ba Phi Nôm lại xuống, đón xe đi Bảo Lộc. Trong lúc chờ xe, tôi lại ngồi uống nước mía ở quán cũ và hỏi người chủ quán về chuyện cô gái hôm chiều 30 tết ấy có đón được xe về không? “ Không, Cô gái đưa cho tôi  nửa kí hột dưa, nửa kí mứt gừng, một kí đậu xanh, hai kí nếp… mà cơ quan phân phối  rồi ăn tết với gia đình  chúng tôi”.

 

Kể đến đến đây, thầy An đứng dậy đi vào trong phòng. Khoảng nửa tiêng sau có người vào và bước  ra nói thầy An say và ngủ rồi. Câu chuyện bị bỏ dỡ.

 

Buổi coi thi của buổi sáng hôm sau kết thúc, về nghỉ trưa, tôi được thầy Hà cho biết đã từng được thầy An kể về cho nghe câu chuyện này rồi. Sau mười năm dạy học ở Bảo Lộc, thầy An xin chuyển công tác về tỉnh nhà , và được phân bổ dạy ở trường THPT Nguyễn Trãi Ninh Hoà. Trong một lần dự tiệc cưới của một người bạn đồng nghiệp cùng dạy trong trường, thầy An phát hiện cô dâu sao có khuôn mặt hao hao người đón xe dạo nào ở PhiNôm. Về sau khéo léo dò hỏi , thầy An biết đích thị là cô gái ấy. Nhưng thầy An giấu không kể ra. Còn cô gái thì không nhận ra thầy An. Thầy An chắc chắn như vậy. Vì thường hay gặp vợ chồng cô gái và cô gái vẫn giữ vẻ tự nhiên như thường. Đặc biệt chồng cô , người dạy cùng trường, đã từng khen An nhiều lần trước mặt vợ: “ anh An người tốt lắm”. Người vợ cười rất tươi không lộ điều gì là bí hiểm. Những lúc như vậy chỉ có thầy An là luống cuống xấu hổ như muốn chuôi xuống đất trốn.  Có lần thầy An chợt nhớ câu chuyên hai người bạn và con gấu. Hai người bạn đang đi lạc trong rừng bỗng thấy một con gấu to hung dữ tiến tới. Người kia chạy đến cái cây và leo lên ngọn trốn. Còn người nọ không biết leo trèo, sợ quá nằm xuống đất nín thở. Con Gấu đến ngửi ngửi cái tai tưởng là xác chết nên bỏ đi. Khi gấu đi rồi người kia tuột xuống chạy đến hỏi: “ Con gấu nó nói gì với bạn thế?” Người nọ trả lời: “ Nó nói bỏ bạn trong lúc nguy khốn là người không tốt”. Tuy hai câu chuyện khác nhau nhưng giống nhau ở nhân cách sống.

 

Trong thời bao cấp  kinh tế khó khăn, cái gì cũng thiếu. Cả hội đồng giáo viên có đến gần một trăm người mà chỉ phân phối năm chiếc lốp xe đạp hiệu Sao vàng. Công đoàn nhà trường phải tổ chức bình bầu tới, bình bầu lui. Đồng nghiệp với nhau  mà tranh giành từng cái lốp xe, từng bó củi, từng hột tiêu…

 

Bây giờ sống trong hoàn cảnh kinh tế đầy đủ, nhớ lại  thời ấy có mấy người biết dằn vặt, xấu xa nhục nhã?  Câu chuyện của thầy An chỉ là nhỏ. Thế mà cũng đủ để Thầy An khóc mỗi khi nhớ lại. Quả đúng là người có nhân cách. Đáng quí sao!./.

  

Trương Quang Cảm
Số lần đọc: 2036
Ngày đăng: 09.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thành Viên Mới - Nguyễn Đình Phư
Mùi cam chín nẫu - Hoàng Mai
Nhà báo, nhà giáo & nàng dâu - Nguyễn Văn Ninh
Bản Nhạc Viết Lúc Không Giờ - Võ Anh Cương
Mần Ăn - Lê Văn Thiện
Người già buồn buồn... - Hòa Văn
Người Tình - Nguyễn Trung Dũng
Thây ma nổi giận - Dương Đức Khánh
Kẻ Dụ Hoặc - Nguyễn Đạt
Tạ Ơn - Chế Diễm Trâm