Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.229.985
 
Ba đồng vàng 1
Nguyễn Thành Nhân

 

(Three Guineas)

Virginia Woolf

Nguyễn Thành Nhân dịch

 

Một

 

Ba năm là một thời gian dài để gác lại việc hồi đáp một lá thư, và thư của ông đã nằm đó không có hồi âm thậm chí còn lâu hơn thế. Tôi đã hy vọng rằng nó có thể tự giải đáp, hoặc những người khác sẽ giải đáp cho tôi. Nhưng lá thư và câu hỏi của nó – Theo ý bà, chúng ta ngăn ngừa chiến tranh bằng cách nào? – vẫn chưa được giải đáp.

 

Đúng là có nhiều giải đáp đã nảy sinh, nhưng không giải đáp nào không cần sự lý giải, và lý giải thì mất thời gian. Trong trường hợp này cũng vậy, có những lý do vì sao việc tránh hiểu lầm lại đặc biệt khó khăn. Trọn một trang có thể đầy những lý do biện bạch và lời xin lỗi; những tuyên bố về tình trạng vô tài, bất lực, thiếu kiến thức và kinh nghiệm: và hẳn là thật thế. Nhưng ngay cả khi những điều đó được nói ra, vẫn còn có một số khó khăn cơ bản đến độ việc giải thích hay làm cho ông hiểu được rõ ràng là bất khả. Nhưng người ta không muốn gác lại không hồi đáp một lá thư đáng chú ý như thư của ông – một lá thư có lẽ là độc nhất vô nhị trong lịch sử thư tín của loài người, vì trước đó, đã có khi nào một người đàn ông học thức hỏi một phụ nữ rằng theo ý của cô ta, có thể ngăn ngừa chiến tranh bằng cách nào? Vì thế chúng ta hãy cố một lần; ngay cả khi việc này tất phải thất bại mà thôi.

 

Trước hết chúng ta hãy vạch ra thứ mà tất cả mọi kẻ viết thư đều vạch ra theo bản năng, một phác họa về cá nhân nhận lá thư. Nếu không hơi ấm và hơi thở của một ai đó ở phía bên kia trang giấy, những ngôn từ là vô giá trị. Hồi ấy, ông, người đưa ra câu hỏi, đã lún phún tóc bạc ở hai bên thái dương; tóc trên đỉnh đầu ông không còn dày nữa. Ở tuổi trung tuần, ông đã trở thành một luật sư, không phải không nỗ lực; nhưng nhìn chung hành trình của ông đều thuận lợi. Không có chút cằn cỗi, tiều tụy hay bất mãn trên nét mặt ông. Và, không muốn tâng bốc ông đâu nhé, sự thành đạt của ông – vợ con, nhà cửa – là xứng đáng. Ông không hề chìm vào sự thờ ơ thỏa mãn của cuộc sống tuổi trung tuần, vì, như thư của ông từ một văn phòng ở trung tâm London cho thấy, thay vì trở trăn trên gối, thúc đuổi đàn heo và cắt tỉa những cây lê của mình – ông có vài mẫu Anh ở Norfolk – ông đang viết những lá thư, dự những cuộc họp, điều hành chuyện này chuyện khác, đưa ra những câu hỏi, với âm thanh của súng đạn trong tai. Đối với số người còn lại, ông bắt đầu học vấn của mình ở một trong những trường tư thục lớn và kết thúc ở trường đại học.

 

Chính lúc này khó khăn đầu tiên trong việc giao tiếp giữa chúng ta xuất hiện. Chúng ta hãy nhanh chóng chỉ ra nguyên do. Trong thời đại lai tạp này, khi mà dù con cái có dòng máu pha trộn, các giai tầng vẫn cố định, cả hai chúng ta đều xuất thân từ chỗ có thể gọi một cách thuận tiện là tầng lớp có học vấn. Khi gặp mặt nhau, chúng ta nói cùng một giọng; dùng dao nĩa theo cùng một cách; mong đợi những cô hầu nấu ăn và dọn rửa sau bữa ăn; và có thể trò chuyện không chút khó khăn về chính trị và mọi người trong bữa ăn; chiến tranh và hòa bình; man rợ và văn minh – tất cả những vấn đề mà thật ra lá thư của ông đã nêu lên. Ngoài ra, cả hai chúng ta đều làm ăn kiếm sống. Nhưng… ba dấu chấm đó đánh dấu một vách dựng, một vực nước giữa chúng ta, sâu đến độ trong suốt hơn ba năm tôi đã ngồi bên phía của mình tự hỏi có ích lợi gì không khi cố nói xuyên qua nó. Chúng ta hãy đề nghị một người khác nói thay cho chúng ta vậy – đó là Mary Kingley.

 

“Tôi không biết đã bao giờ tôi tiết lộ với bạn sự thật rằng được phép học tiếng Đức là TẤT CẢ nền học vấn phải trả tiền mà tôi từng có hay chưa. Tôi đã tiêu của em tôi hai ngàn bảng mà tôi vẫn còn hy vọng là không uổng phí.” Mary  Kingley không chỉ nói cho riêng bản thân mình, bà đang nói thay cho nhiều cô con gái của những người đàn ông học thức. Và bà không chỉ nói thay cho họ; bà cũng đang chỉ ra một thực tế rất quan trọng về họ, một thực tế hẳn phải tác đông sâu xa tới tất cả mọi thứ theo sau: thực tế về Quỹ Giáo dục Arthur[1]. Ông, người từng đọc Pendennis[2], sẽ nhớ ba mẫu tự bí ẩn A.E.F. được hiểu như thế nào trong những cuốn sổ tay nội trợ. Kể từ thế kỷ 13, các gia đình Anh vẫn đang chi trả cho khoản tiền đó. Từ  gia tộc Paston tới gia tộc Pendennis, tất cả những gia tộc học thức từ thế kỷ 13 cho tới nay đã chi trả cho khoản tiền đó. Đó là một cái bụng phàm ăn. Ở nhà nào có nhiều con trai, gia đình phải có một nỗ lực lớn lao để giữ cho nó được đầy. Vì việc học của ông không chỉ là là học trong sách vở; những trò chơi trui rèn cơ thể ông; bằng hữu dạy cho ông nhiều hơn những cuốn sách hay những trò chơi. Việc trò chuyện với họ mở rộng tầm nhìn của ông và làm phong phú tâm trí ông. Ông đi du lịch vào những kỳ nghỉ lễ; thủ đắc một thị hiếu về nghệ thuật; một tri thức về chính trị ở hải ngoại; và rồi, trước khi ông có thể tự kiếm sống, cha ông cấp cho  ông một khoản chi tiêu để ông có thể sống trong lúc học ngành nghề chuyên môn mà giờ đây cho phép ông bổ sung hai chữ K.C[3] vào tên mình. Tất cả đến từ Quỹ giáo dục Arthur. Và như Mary Kingsley chỉ ra, các chị em gái của ông đã góp phần vào đó. Không chỉ nền học vấn của chính bản thân họ, ngoài những khoản nhỏ để trả cho giáo viên tiếng Đức, đều đi vào đó; mà còn nhiều thứ trong những khoản xa hoa và thêm thắt, mà nói cho cùng, là một phần chủ yếu của nền học vấn, chẳng hạn như du lịch, xã hội, trạng thái cô đơn, ăn ở xa nhà –  những thứ này đều cần được thanh toán. Nó là một cái bụng phàm ăn, một thực tế sờ sờ – Quỹ Giáo dục Arthur – một thực tế thật sự sờ sờ trước mắt đến nỗi nó phủ bóng lên toàn thể bức tranh phong cảnh. Và kết quả là dù chúng ta nhìn vào cùng những điều như nhau, chúng ta nhìn thấy chúng một cách khác biệt nhau. Cái tập hợp công trình xây dựng đó là gì, với một phong cách bán tu viện, với những tiểu giáo đường, đại sảnh và những sân chơi xanh cỏ? Với ông, nó là trường trung học cũ của ông: Eton hoặc Harrow; đại học cũ của ông, Oxford hoặc Cambridge; nguồn cội của vô số hồi ức và truyền thống.

 

Nhưng với chúng tôi, những người nhìn nó qua cái bóng của Quỹ Giáo dục Arthur, nó là một cái bàn trong lớp học, một chiếc xe buýt hai tầng chạy tới trường, một người phụ nữ nhỏ bé với một cái mũi đỏ, bản thân không có mấy học thức, mà có một người mẹ tật nguyền cần trợ giúp; một khoản trợ cấp hàng năm 50 bảng, để mua sắm quần áo, tặng quà và thực hiện những hành trình tới sự trưởng thành. Đó là những tác động của Quỹ Giáo dục Arthur đối với chúng tôi. Nó thay đổi bức tranh một cách nhiệm mầu đến nỗi những khoảnh sân và khuôn viên cao quý của Oxford và Cambridge thường xuất hiện trước mắt những cô con gái của những người đàn ông học thức như những chiếc váy lót dài nhiều lỗ rách, những chiếc chân cừu lạnh, và con tàu khởi hành tới bến cảng đi nước ngoài trong lúc những người gác cửa đóng sập cửa lại trước mặt họ.

 

Thực tế rằng Quỹ Giáo dục Arthur làm biến chuyển bức tranh phong cảnh – những sảnh đường, sân chơi, những dinh thự thiêng liêng – là một thực tế quan trọng; nhưng khía cạnh đó phải được gác lại cho cuộc thảo luận trong tương lai. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm tới tới thực tế hiển nhiên, khi xét tới câu hỏi hệ trọng này – chúng tôi sẽ giúp các ông ngăn ngừa chiến tranh bằng cách nào – nền học vấn đó tạo nên sự khác biệt. Một số tri kiến về chính trị, về quan hệ quốc tế của nền kinh tế, hiển nhiên là cần yếu để thấu hiểu những nguyên do dẫn tới chiến tranh. Triết học, thậm chí học thuyết, có thể góp phần đắc lực. Ông, kẻ thất học, ông, kẻ có trí tuệ chưa được trui rèn, không thể có khả năng giải quyết những câu hỏi đó một cách thỏa đáng. Chiến tranh, với tư cách kết quả của những lực lượng phi cá nhân, là điều ông sẽ đồng ý bên ngoài tầm thấu hiểu của một trí tuệ chưa rèn luyện. Nhưng chiến tranh với tư cách bản chất con người là một chuyện khác. Nếu ông không tin rằng bản chất con người, những nguyên do, những cảm xúc của đàn ông và phụ nữ bình thường, dẫn tới chiến tranh, thì hẳn ông đã không viết thư yêu cầu sự giúp đỡ của chúng tôi. Ông ắt phải lý luận rằng, đàn ông và phụ nữ, tại đây và vào lúc này, có thể vận dụng ý chí của họ; họ không phải là những con tốt và những con rối nhảy múa trên một sợi dây do những bàn tay vô hình điều khiển. Họ có thể hành động và tư duy cho chính họ. Có lẽ thậm chí họ có thể tác động tới những ý tưởng và hành động của nhiều người khác. Một số lập luận như thế ắt phải dẫn ông tới việc liên hệ tới chúng tôi; và với sự biện minh. Bởi lẽ thật là vui khi có một nhánh giáo dục đến từ cái tên gọi “giáo dục không phải trả tiền” – sự thấu hiểu về con người và những động cơ của họ mà, nếu từ này loại bỏ những liên kết khoa học của nó, có thể được gọi là tâm lý học. Hôn nhân, cái nghề nghiệp lớn lao mở ra cho giai tầng của chúng tôi kể từ thuở hồng hoang cho tới năm 1919; hôn nhân, nghệ thuật chọn lựa một người để sống một đời sống vẹn toàn, hẳn đã dạy chúng ta một kỹ năng trong điều đó. Nhưng ở đây lại có một khó khăn khác đối mặt với chúng ta. Bởi dù cả hai giới ít nhiều gì đều có những bản năng chung, đấu tranh luôn là thói quen của đàn ông chứ không phải của phụ nữ. Pháp luật và thực hành đã phát triển sự khác biệt đó, dù là bẩm sinh hay ngẫu nhĩ. Trong quá trình lịch sử, hiếm khi một con người gục ngã dưới khẩu súng của một phụ nữ; đại đa số các loài chim và thú đều bị giết bởi các ông chứ không phải bởi chúng tôi; và khó mà phán xét điều chúng tôi không chia sẻ.3

 

Vậy thì chúng tôi phải hiểu vấn đề của các ông thế nào đây, và nếu chúng tôi không thể, làm sao chúng tôi có thể trả lời câu hỏi của ông, làm cách nào để ngăn chận chiến tranh? Câu trả lời dựa trên kinh nghiệm và tâm lý của chúng tôi – Vì sao đánh nhau? – là một câu trả lời không có chút giá trị nào. Hiển nhiên với các ông có một sự vinh quang nào đó, một nhu cầu thiết yếu nào đó, một cảm giác thỏa mãn nào đó trong việc chiến đấu mà chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy hay thích thú. Sự thấu hiểu trọn vẹn chỉ có thể đạt được thông qua sự truyền máu và truyền ký ức – một phép mầu vẫn còn nằm ngoài tầm với của khoa học. Nhưng chúng tôi, những kẻ hiện đang sống có một cái để thay thế cho việc truyền máu và truyền ký ức; và nó phải phục vụ trong tình thế ngặt nghèo. Có sự trợ giúp tuyệt trần, luôn không ngừng đổi mới , thế nhưng lại không được khai thác một cách rộng rãi trong việc thấu hiểu những động cơ của con người, được cung cấp trong thời đại của chúng ta bởi tiểu sử và tự truyện. Còn có nhật báo nữa, lịch sử ở thể thô sơ. Như vậy không còn bất cứ lý do nào để bị giới hạn trong quãng thời gian một phút của kinh nghiệm thật sự, thứ mà với chúng tôi vẫn còn quá hẹp, quá hạn chế. Dĩ nhiên đây chỉ là một bức tranh hiện tại, nhưng nó phải phục vụ ở mức đó. Vậy chính tiểu sử là thứ chúng tôi sẽ quay sang trước nhất, một cách nhanh chóng và ngắn gọn, để cố thấu hiểu chiến tranh có ý nghĩa gì đối với các ông. Chúng ta hãy trích dẫn vài câu từ một tiểu sử. Đầu tiên, đoạn này từ cuộc đời của một người lính:

 

Tôi đã có một cuộc sống khã dĩ là hạnh phúc nhất, và luôn làm việc cho chiến tranh, và hiện đang bước vào thời kỳ lớn lao nhất của một đời chiến sĩ… Tạ ơn Thượng đế, một giờ nữa chúng tôi xuất quân. Thật là một trung đoàn tuyệt phách! Những con người như thế, những con ngựa như thế! Trong vòng mười ngày, tôi hy vọng Francis và tôi sẽ phi ngựa cạnh nhau thẳng vào bọn Đức.4

 

Ở đây, người viết tiểu sử bổ sung thêm:

 

Từ giờ đầu tiên anh ta đã cực kỳ hạnh phúc, vì anh ta đã tìm ra tiếng gọi thật sự của mình.

 

Với nhận định đó, chúng ta hãy bổ sung thêm đoạn này từ cuộc đời của một phi công:

 

Chúng tôi nói về Hội Quốc Liên[4] và những viễn cảnh về hòa bình và giải trừ quân bị. Về chủ đề này ông ta tỏ ra có tính thượng võ hơn là quân phiệt. Sự khó khăn mà ông ta không thể tìm ra lời giải đáp cho nó là nếu đạt được hòa bình thường xuyên, và các quân đội cùng hải quân thôi tồn tại, sẽ không có lối thoát cho những phẩm chất đàn ông mà việc chiến đấu đã phát triển, và thể chất con người, tính cách con người đó sẽ trở nên sa đọa.5

Ở đây, ngay lập tức, có ba nguyên do dẫn giới tính của các ông tới chỗ đánh nhau; chiến tranh là một nghề nghiệp; một nguồn hạnh phúc và phấn khích; và nó còn là lối thoát cho những phẩm chất đàn ông, mà nếu không có nó những người đàn ông sẽ trở nên tồi tệ. Nhưng việc những cảm giác và ý kiến này không hề có chút tính phổ quát nào đối với giới tính của các ông đã được chứng minh bởi đoạn trích sau từ một tiểu sử khác, cuộc đời của một thi sĩ đã bị giết trong cuộc chiến châu Âu. Wilfred Owen.

 

Tôi đã thấu hiểu một thứ ánh sáng sẽ không bao giờ ngấm vào tín điều của bất kỳ nhà thờ quốc gia nào: cụ thể, một trong những chỉ thị chủ yếu của Chúa Ky-tô là: Thụ động ở bất cứ giá nào! Hãy gánh chịu sự ô nhục và bị ghét bỏ, nhưng đừng bao giờ viện tới vũ khí. Bị ức hiếp, bị lăng nhục, bị giết chết; nhưng đừng giết chóc… Bạn thấy giáo lý Cơ đốc thuần túy sẽ không phù hợp với chủ nghĩa ái quốc thuần túy ra sao rồi đó.

Và trong một số ghi chú đối với những bài thơ mà ông ta không còn sống để viết là những đoạn sau:

 

Sự phi tự nhiên của các thứ vũ khí… Sự phi nhân của chiến tranh… Tính chất không thể chịu nổi của chiến tranh… Sự tham lam kinh khủng của chiến tranh… Sự ngu xuẩn của chiến tranh…6

Từ những trích dẫn này. Rõ ràng là cùng một giới tính lại có những ý kiến rất khác nhau về cùng một thứ. Nhưng cũng rõ ràng, từ nhật báo ngày nay, rằng bất kể có nhiều người không tán thành quan điểm đa số đến mấy, đại đa số giới tính của ông ngày nay ủng hộ chiến tranh. Cả Hội thảo Scarborough của những người đàn ông học thức lẫn Hội thảo Bournemouth của giới lao động đều nhất trí rằng việc sử dụng 300,000,000 bảng hàng năm là một sự cần thiết. Họ cho rằng Wilfred Owen đã sai lầm; rằng giết vẫn tốt hơn là bị giết. Thế nhưng vì tiểu sử cho thấy rằng có nhiều khác biệt về ý kiến, rõ ràng là hẳn phải có một lý do nào đó thắng thế để mang tới sự nhất trí hoàn toàn áp đảo này. Chúng ta sẽ gọi nó, vì tính khúc chiết, là “lòng yêu nước”? Vậy thì, tiếp đó chúng ta phải hỏi, phải chăng cái “lòng yêu nước” này dẫn các ông tới chiến tranh? Hãy để ngài Chánh án tối cao của nước Anh diễn dịch điều này cho chúng ta:

 

Người Anh tự hào về nước Anh. Với những người đã được đào tạo trong các trường trung học và đại học Anh, và những người đã kiếm sống ở nước Anh, ít có  tình yêu nào mạnh mẽ hơn tình yêu chúng ta dành cho đất nước của chúng ta. Khi chúng ta xét tới những quốc gia khác, khi chúng ta phán xét những phẩm chất của chính sách của nước này hay nước nọ, chúng ta áp dụng chính chuẩn mực của đất nước mình… Tự do đã chọn nơi cư ngụ ở nước Anh. Nước Anh là quê hương của những thể chế dân chủ… Đúng là giữa chúng ta có nhiều kẻ thù của nền tự do – một số trong đó, có lẽ, ở những khu vực khá bất ngờ. Nhưng chúng ta đang đứng vững. Người ta đã bảo rằng nhà của một người Anh là tòa lâu đài của anh ta. Ngôi nhà của Tự do nằm ở nước Anh. Và nó thật sự là một tòa lâu đài – một tòa lâu đài sẽ được phòng vệ cho tới lúc cuối cùng… Vâng, chúng ta, những người Anh, thật rất đỗi hạnh phúc.7

 

Đó là một phát biểu chung khá rõ về ý nghĩa của lòng yêu nước đối với một người đàn ông học thức và những bổn phận anh ta phải gánh vác. Nhưng còn cô em gái của người đàn ông học thức – với cô ta, “lòng yêu nước” có nghĩa là gì? Cô ta có cùng những lý do để tự hào về nước Anh, để yêu mến nước Anh, để bảo vệ nước Anh hay không? Cô ta có “rất đỗi hạnh phúc” ở nước Anh hay không? Có vẻ như khi bị chất vấn, lịch sử và tiểu sử sẽ chỉ ra rằng địa vị của cô ta trong ngôi nhà của nền tự do khác với địa vị của “anh cô ta” và dường như tâm lý học sẽ gợi ý rằng lịch sử không phải không tác động lên tâm trí và cơ thể. Do đó, diễn dịch của cô ta về từ “lòng ái quốc” có thể rất khác với diễn dịch của anh ta. Và sự khác biệt đó có thể khiến cho cô ta cực kỳ khó khăn trong việc thấu hiểu định nghĩa của anh ta về lòng yêu nước và những bổn phận mà nó đưa tới. Nếu vậy, câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi của ông, “Theo ý bà chúng ta sẽ ngăn chận chiến tranh bằng cách nào?” tùy thuộc vào việc thấu hiểu các nguyên do, các cảm xúc, lòng trung thành đã dẫn những người đàn ông tới chỗ chiến tranh, và lá thư này tốt hơn nên bị xé ngang và vất vào sọt giấy vụn. Vì dường như rõ ràng là chúng ta không thể hiểu nhau do những khác biệt này. Dường như rõ ràng rằng chúng ta tư duy khác nhau là do chúng ta sinh ra khác nhau; có một quan điểm của Grenfell; một quan điểm của Knebworth; một quan điểm của Wilfred Owen; một quan điểm của ngài Chánh án tối cao và quan điểm của con gái một người đàn ông học thức. Tất cả đều khác biệt. Nhưng có một quan điểm tuyệt đối hay không? Chúng ta có thể tìm được một phán xét đạo đức được viết ra đâu đó trong những lá thư của lửa hay vàng rằng “Điều này đúng. Điều này sai.” – một phán xét đạo đức mà bất kể các khác biệt của chúng ta có ra sao, tất cả chúng ta phải chấp nhận hay không? Vậy thì chúng ta hãy tham chiếu vấn đề về tính chất đúng hay sai của chiến tranh tới những những người  tạo ra đạo đức cho nghề nghiệp của họ – giới tăng lữ. Chắc chắn nếu chúng ta hỏi giới tăng lữ câu hỏi đơn giản: “Chiến tranh đúng hay sai?” họ sẽ đưa ra cho chúng ta một câu trả lời minh bạch mà chúng ta không thể chối bỏ. Nhưng không – nhà thờ của nước Anh, có thể được cho là có khả năng trừu tượng hóa câu hỏi từ những rối rắm trần tục của nó, cũng ngần ngừ lưỡng lự. Ông Giám mục thành London khăng khăng rằng “mối nguy thật sự đối với hòa bình thế giới ngày nay là những người theo chủ nghĩa hòa bình. Chiến tranh xấu là thế nhưng mất danh dự còn tệ hơn nhiều.”8 Mặt khác, ông Giám mục thành Birmingham9 đã tự mô tả bản thân như là một “người theo chủ nghĩa hòa bình cực đoan… tôi không thể tự mình nhìn ra rằng chiến tranh có thể thể được xem là hòa hợp với tinh thần Cơ đốc.” Vậy là bản thân Nhà thờ đã cho chúng ta một lời tư vấn nước đôi – trong một số hoàn cảnh chiến đấu là đúng; trong bất kỳ hoàn cảnh nào chiến đấu là đúng. Thực tế này thật đáng lo, gây trở ngại và làm người ta rối trí, nhưng phải được đối mặt; không hề có sự chắc chắn ở trời cao hay mặt đất. Thật sự càng đọc về nhiều cuộc đời, càng nghe nhiều phát biểu, càng tham khảo nhiều ý kiến, sự rối rắm càng trở nên lớn lao hơn và nó càng có vẻ ít khả năng hơn, vì chúng tôi không thể hiểu những thôi thúc, những động cơ, hay đạo đức dẫn các ông tới việc tham gia chiến tranh, để đưa ra bất kỳ đề xuất nào có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh.

 

Nhưng ngoài những bức tranh này về cuộc đời và tâm trí của những người khác – nhũng tiểu sử và lịch sử này – còn có những bức tranh khác – những bức tranh về các sự kiện thực tế; những tấm ảnh. Những tấm ảnh, tất nhiên, không phải là những lập luận hướng tới nguyên do; đơn giản chúng là những phát biểu về sự thật được đưa tới con mắt. Nhưng chính tính chất giản đơn đó có thể có đôi chút dụng ích. Chúng ta hãy xét xem khi nhìn vào cùng những tấm ảnh, chúng ta có cùng một cảm nhận hay chăng. Tại đây, trên mặt bàn trước mắt chúng ta có những tấm ảnh. Chính phủ Tây ban Nha đã gửi chúng tới với sự ngoan cố đầy nhẫn nại khoảng hai lần một tuần.[5] Chúng không phải là những tấm ảnh thú vị để nhìn. Đa số, chúng là ảnh chụp những thi thể. Bộ sưu tập sáng nay bao gồm ảnh của thứ có thể là thi thể của một người đàn ông hay một người phụ nữ; nó bị thương tổn đến mức có thể là, mặt khác, thi thể của một con lợn. Nhưng chắc chắn những tấm kia là lũ trẻ con đã chết, và tấm đó không còn ngờ gì là một phần của một ngôi nhà. Một quả bom đã phá tung một phía; vẫn còn một cái lồng chim treo trong cái có thể giả đoán là phòng khách, nhưng phần còn lại của ngôi nhà trông không khác gì một bó thẻ gỗ treo giữa không trung.

 

Những tấm ảnh này không phải là một lập luận; đơn giản chúng là một phát biểu thô bạo về sự thật được gửi tới con mắt. Nhưng con mắt kết nối với bộ não; bộ não có hệ thần kinh. Hệ thống đó gửi những thông điệp của nó trong một chớp mắt qua mọi ký ức quá khứ và cảm giác hiện tại. Khi nhìn những tấm ảnh đó, trong lòng chúng ta như có gì đó chảy tan ra, bất chấp sự khác biệt về học vấn và các truyền thống giữa chúng ta, những tri giác của chúng ta giống như nhau; và chúng tàn bạo. Ông, chính ông, gọi chúng là “khủng khiếp và ghê tởm”. Chúng tôi cũng gọi chúng là khủng khiếp và ghê tởm. Và những từ giống nhau vọt lên môi chúng ta. Chiến tranh, ông nói, là một điều kinh tởm; một sự dã man; phải chăn chận chiến tranh ở bất cứ giá nào. Và chúng ta đồng thanh cất tiếng. Chiến tranh là một điều kinh tởm; một sự dã man; phải ngăn chận chiến tranh. Vì cuối cùng giờ đây chúng ta đang nhìn vào cùng một bức tranh; chúng tôi và ông đang nhìn thấy cùng những thi thể, cùng những ngôi nhà bị tàn phá.

 

Vậy chúng ta hãy, trong giây lát, từ bỏ nỗ lực giải đáp câu hỏi của ông, chúng tôi có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh như thế nào, bằng cách thảo luận về những nguyên do chính trị, yêu nước hay tâm lý đã đưa ông tới cuộc chiến. Cảm xúc quá xác thực để có thể chịu đựng sự phân tích nhẫn nại. Chúng ta hãy tập trung vào những đề xuất mang tính thực tế mà ông đã đặt ra cho chúng tôi cân nhắc. Có ba đề xuất. Trước tiên là ký một lá thư gửi cho những tờ báo; thứ hai là tham gia một hội đoàn cụ thể; thứ ba là đóng góp cho ngân quỹ của nó. Trên  bề mặt, không còn gì có thể đơn giản hơn thế. Viết nguệch ngoạc một cái tên trên một tờ giấy thật dễ dàng; tham gia một cuộc họp nơi những ý kiến yêu chuộng hòa bình ít nhiều đã được lặp lại một cách cường điệu với những người đã sẵn lòng tin vào chúng; và viết một tấm chi phiếu để ủng hộ cho những ý kiến có thể chấp nhận một cách mơ hồ đó, dù không phải dễ, là một phương cách rẻ tiền để xoa dịu cái có thể gọi một cách thuận tiện là lương tâm của một người. Thế nhưng có những lý do khiến chúng tôi do dự; những lý do mà chúng tôi phải đi sâu hơn vào nó sau đây. Tới đây đã đủ để nói rằng dù ba phương thức mà ông đề xuất có vẻ hợp lý, thế nhưng cũng có vẻ như nếu chúng tôi làm theo những gì ông yêu cầu, cảm xúc gây ra bởi những tấm ảnh vẫn còn đó chẳng thể nguôi ngoai. Cảm xúc đó, chính cái cảm xúc xác thực đó, đòi hỏi một điều gì đó tích cực hơn là một cái tên viết trên một tờ giấy; một giờ lắng nghe những lời phát biểu; một tấm chi phiếu viết ra bất cứ khoản tiền nào chúng tôi có thể đáp ứng – cứ cho là một đồng ghi-nê. Dường như cần phải có một phương thức mạnh mẽ hơn, tích cực hơn để thể hiện niềm tin của chúng tôi rằng chiến tranh là dã man, chiến tranh là phi nhân, rằng chiến tranh, như Wilfred đã nhận định, là không thể chịu nổi, khủng khiếp và đầy thú tính. Nhưng, gạt bỏ sự hoa mỹ sang bên, phương thức tích cực nào mở ra cho chúng tôi đây? Chúng ta hãy cân nhắc và so sánh. Ông, dĩ nhiên, có thể đã hơn một lần cầm vũ khí – ở Tây Ban Nha, như trước đó ở Pháp – để bảo vệ hòa bình. Nhưng có thể giả định đó là một phương thức mà sau khi thử ông đã khước từ. Ở bất cứ giá nào, phương thức đó không mở ra cho chúng tôi; cả lục quân và hải quân đều khép lại trước giới tính của chúng tôi. Chúng tôi không được phép chiến đấu. Chúng tôi cũng không được phép là thành viên của sàn chứng khoán. Như vậy chúng tôi không thể sử dụng áp lực của sức mạnh lẫn áp lực của đồng tiền. Những vũ khí ít trực tiếp hơn nhưng vẫn hữu hiệu mà các anh em trai của chúng tôi, với tư cách là những người học thức, đoạt được trong hoạt động ngoại giao, trong nhà thờ, cũng chối bỏ chúng tôi. Chúng tôi không thể giảng đạo hay đàm phán những hòa ước. Vậy, một lần nữa, dù đúng là chúng tôi có thể viết những bài báo hay gửi những lá thư tới báo giới, sự kiểm soát của báo giới – quyết định in cái gì và không in cái gì – hoàn toàn nằm trong tay của giới tính các ông. Đúng là trong hai mươi năm qua chúng tôi đã được chấp nhận cho tham gia vào Dịch vụ dân sự và hành nghề luật; nhưng vị thế của chúng tôi vẫn rất bấp bênh và thẩm quyền của chúng tôi ở mức thấp nhất. Như vậy tất cả những thứ vũ khí mà với chúng một người đàn ông học thức có thể thực thi ý kiến của mình hoặc ngoài tầm tay hoặc gần như nằm ngoài tầm tay chúng tôi đến độ ngay cả khi chúng tôi sử dụng chúng, chúng tôi vẫn hầu như không thể tạo được một vết xước nào. Nếu những người đàn ông trong nghề của ông đoàn kết lại trong bất kỳ đòi hỏi nào và nói: “Nếu việc này không được cho phép, chúng tôi sẽ ngưng làm việc,” luật pháp nước Anh sẽ không còn ai điều hành nữa. Nếu những người phụ nữ trong nghề của ông nói giống hệt như vậy, việc đó không tạo nên bất kỳ khác biệt nào đối với luật pháp nước Anh. Chúng tôi không chỉ yếu hơn những người đàn ông thuộc giai tầng của chính chúng tôi một cách không tài nào so sánh được; chúng tôi còn yếu hơn những người phụ nữ thuộc giai cấp lao động. Nếu những phụ nữ đang lao động trong nước nói: “Nếu các anh tham gia chiến tranh, chúng tôi sẽ từ chối việc chế tạo đạn dược hay giúp sản xuất hàng hóa,” sự khó khăn trong thực hiện chiến tranh sẽ gia tăng nghiêm trọng. Nhưng nếu tất cả những cô con gái của những người đàn ông học thức vất bỏ công cụ làm việc vào ngày mai, không có gì chủ yếu trong cuộc sống hoặc trong việc thực hiện chiến tranh của cộng đồng trở nên rối rắm. Giai cấp của chúng tôi là giai cấp yếu ớt nhất trong tất cả mọi giai cấp trong nước. Chúng tôi không có vũ khí nào để thực thi ý chí của chúng tôi.10

 

Câu trả lời cho điều đó quen thuộc đến độ chúng ta có thể dễ dàng đoán ra. Con gái của những người đàn ông học thức không có ảnh hưởng trực tiếp, điều đó đúng; nhưng họ có một sức mạnh lớn hơn hết; đó là tầm ảnh hưởng mà họ có thể tạo nên đối với những người đàn ông học thức. Nếu điều này đúng, nghĩa là, nếu tầm ảnh hưởng vẫn là thứ vũ khí mạnh nhất của chúng tôi và là thứ vũ khí duy nhất có thể hữu hiệu trong việc giúp các ông ngăn chặn chiến tranh, chúng ta hãy, trước khi chúng tôi ký vào bản tuyên ngôn của các ông hay gia nhập đoàn thể của các ông, cân nhắc xem ảnh hưởng đó quan trọng tới mức nào. Rõ ràng nó không có tầm quan trọng lớn lao để xứng với một sự thâm cứu sâu sắc và kéo dài. Ảnh hưởng của chúng tôi không thể sâu sắc; nó cũng không thể kéo dài; nó phải nhanh chóng và không hoàn hảo – tuy nhiên chúng ta cứ cố thử xem sao.

 

Vậy trong quá khứ chúng tôi đã có ảnh hưởng ra sao đối với nghề nghiệp nối kết gần nhất với chiến tranh – đối với chính trị? Một lần nữa có những tiểu sử nhiều vô số, vô giá trị, nhưng một nhà giả kim có thể rối trí khi trích ra từ khối đông cuộc đời của những nhà chính khách cái sức căng cụ thể đó, tầm ảnh hưởng của phụ nữ đối với họ. Phân tích của chúng tôi có thể khinh suất và nông cạn; tuy nhiên nếu chúng tôi thu hẹp yêu cầu vào những giới hạn có thể kiểm soát, và lược qua những cuốn hồi ức của một thế kỷ rưỡi, chúng tôi hầu như không thể từ chối rằng có những phụ nữ đã tác động tới chính trị. Nữ công tước xứ Devonshire, phu nhân Palmerston, Phu nhân Melbourne, Madame de Lieven, Phu nhân Holland, Phu nhân Ashburton nổi tiếng – lướt từ cái tên nổi tiếng này tới cái tên khác – tất cả, không ngờ gì nữa, đều có một tầm ảnh hưởng chính trị to lớn. Những ngôi nhà và những bữa tiệc nổi tiếng của họ đóng một vai trò lớn trong các cuốn hồi ức chính trị của thời đó đến độ chúng ta hầu như không thể chối bỏ rằng chính trị nước Anh, thậm chí có lẽ cả những cuộc chiến của Anh, hẳn sẽ khác đi nếu những ngôi nhà và những bữa tiệc đó chưa bao giờ tồn tại. Nhưng có một đặc điểm chung trong tất cả những cuốn hồi ức đó; tên của những lãnh tụ chính trị lớn – Pitt, Fox, Burke, Sheridan, Peel, Canning, Palmerston, Disraeli, Gladstone – nằm rải rác trên mọi trang; nhưng ông sẽ không tìm thấy dù là ở đầu cầu thang để đón tiếp quan khách hoặc trong những gian phòng riêng tư hơn của ngôi nhà, bất kỳ cô con gái nào của một người đàn ông học thức.

 

Có thể là họ kém cỏi về vẻ duyên dáng, trí thông minh, tầng lớp hay trang phục. Dù nguyên do là gì đi nữa, ông có thể lật từ tờ này sang tờ khác, cuốn này sang cuốn khác, và dù ông sẽ tìm thấy những anh em trai và những ông chồng của họ – Sheridan ở tòa nhà Devonshire, Macaulay ở tòa nhà Holland, Mathew Arnold ở tòa nhà Lansdowne, Carlyle ở tòa nhà Bath, những cái tên của Jane Austen, Charlotte Brontë, và George Eliot không xuất hiện; và dù bà Carlyle có xuất hiện, dường như bà cũng tỏ ra cảm thấy không thoải mái.

Nhưng, như ông sẽ chỉ ra, con gái của những người đàn ông học thức có một loại ảnh hưởng khác – một thứ ảnh hưởng độc lập với sự giàu có và địa vị, rượu vang, thực phẩm, quần áo và tất cả những thứ tiện nghi khác khiến cho những ngôi nhà lớn của những đại phu nhân trở nên quyến rũ. Thật sự, ở đây chúng ta đứng trên nền đất cứng, vì dĩ nhiên có một chính nghĩa chính trị mà con gái của những người đàn ông học thức luôn để tâm tới trong suốt 150 năm qua: quyền bầu cử. Nhưng khi chúng ta xét tới việc họ đã mất bao lâu để giành thắng lợi cho chính nghĩa đó, và mất bao nhiêu công sức, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng ảnh hưởng này phải kết hợp với sự giàu có để có thể trở nên một vũ khí chính trị hữu hiệu, và loại ảnh hưởng có thể được vận dụng bởi con gái của những người đàn ông học thức này rất thấp về sức mạnh, rất chậm trong hành động, và rất đau khổ trong sử dụng.11

 

Hẳn nhiên thành tựu chính trị to lớn này của con gái một người đàn ông học thức bắt cô ta phải trả giá hơn một thế kỷ lao động kiệt sức như con ở; khiến cô ta lê bước trong những đám diễu hành, làm việc trong những văn phòng, phát biểu ở những góc phố; cuối cùng, vì đã sử dụng vũ lực, cô ta bị tống giam, và có khả năng vẫn còn bị giam ở đó, nếu sự tình không diễn ra rằng, khá là nghịch lý, sự trợ giúp cô trao cho những anh em trai của mình khi họ dùng vũ lực rốt cuộc đã cho cô ta cái quyền để tự gọi mình, nếu không phải là một đứa con ruột thì cũng là một đứa con ghẻ của nước Anh.12

 

Như vậy, khi kiểm tra lại, dường như tầm ảnh hưởng này chỉ đạt được hiệu quả trọn vẹn khi kết hợp với địa vị, sự giàu có và những ngôi nhà lớn. Những kẻ có thế lực là con gái của những người quý tộc chứ không phải con gái của những người học thức. Và ảnh hưởng đó là loại ảnh hưởng đã được mô tả bởi một thành viên xuất chúng trong nghề nghiệp của ông, Sir Ernerst Wild quá cố.

 

Ông khẳng định rằng ảnh hưởng lớn mà những người phụ nữ đã tạo nên đối với những người đàn ông đã là, và luôn phải là, một ảnh hưởng trực tiếp. Đàn ông thích nghĩ anh ta đang tự làm công việc của mình khi, trên thực tế, anh ta chỉ đang làm điều mà người đàn bà muốn, nhưng người đàn bà thông minh luôn để cho anh ta nghĩ rằng anh ta đang điều hành vở diễn trong khi không phải vậy. Bất cứ phụ nữ nào quan tâm tới chính trị đều có một quyền lực lớn hơn nếu không bầu cử so với bầu cử, vì cô ta có thể tác động tới nhiều cử tri. Cảm giác của ông là việc đưa phụ nữ xuống tầm mức của đàn ông là điều không đúng. Ổng ngẩng lên nhìn những người phụ nữ, và muốn tiếp tục làm như thế. Ông ước ao rằng thời đại của tinh thần thượng võ hào hoa sẽ không trôi qua, vì mọi gã đàn ông có một người phụ nữ chăm sóc cho mình đều thích được tỏa sáng trong đôi mắt của nàng ta.13

Vân vân.

 

Nếu đó là bản chất thật sự của tầm ảnh hưởng của chúng tôi, và tất cả chúng tôi đều công nhận sự mô tả đó đã lưu tâm tới những hiệu quả, hoặc nó nằm ngoài tầm với của chúng tôi, vì nhiều người trong số chúng tôi đơn giản, nghèo và già; hoặc ở dưới mức sự khinh thị của chúng tôi, vì nhiều người trong số chúng tôi thích tự gọi mình một cách đơn giản là những cô gái điếm và đứng công khai dưới những ngọn đèn ở giao lộ Piccadilly Circus hơn là sử dụng nó. Nếu đó là bản chất thật sự, bản chất gián tiếp, của thứ vũ khí trứ danh này, chúng tôi phải hành động mà không có nó; bổ sung sự thúc đẩy nhỏ bé của chúng tôi vào những lực lượng đáng kể hơn của các ông, và trông cậy vào, như ông đề nghị, việc ký tên vào những lá thư, gia nhập đoàn thể và thỉnh thoảng rút ra một tấm chi phiếu eo hẹp. Dường như đó là một kết luận không thể tránh khỏi, dù gây khó chịu cho yêu cầu của chúng tôi trong việc đi sâu vào bản chất của tầm ảnh hưởng,

 

(còn tiếp)

 



[1] Quỹ Giáo dục Arthur (Arthur’s Education Fund) là một lý thuyết về bất bình đẳng giới của Virginia Woolf, xuất phát của cụm từ này là cuốn tiểu thuyết Pendenis.

[2] Tiểu thuyết của tác giả Anh William Makepeace Thackeray. Bối cảnh là nước Anh thế kỷ 19, đặc biệt ở London. Nhân vật chính là Arthur Pendennis, một chàng quý tộc trẻ tuổi.

[3] King’s Counsel: một địa vị tư pháp của giới luật sư Anh.

[4] League of Nations, viết tắt là LON, một tổ chức liên chính phủ được thành lập như là một kết quả của Hội nghị Hòa bình Paris sau khi Thế chiến I kết thúc. Đây là tổ chức quốc tế thường trực đầu tiên có nhiệm vụ chủ yếu là duy trì hòa bình thế giới.

[5] Phần này được viết trong mùa đông 1936 -7.

 

Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 1801
Ngày đăng: 09.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Các giá trị tinh thần trước những thách đố của kỷ nguyên mới - Nguyễn Đăng Trúc
Tím Ngát Màu Thời Gian - Chế Diễm Trâm
Thêm Tài Liệu Về Nguyễn An Ninh Và Báo “Trung Lập” - Lại Nguyên Ân
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -4 - Đỗ Thế Cường
Tế Hanh, dòng sông, mùa hạ - Đặng Tiến
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -3 - Đỗ Thế Cường
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -2 - Đỗ Thế Cường
Văn Kết Hợp Báo Trong Tiểu Thuyết “Pa Ri 11 Tháng 8” Của Thuận - Lê Thị Hải Vân
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -1 - Đỗ Thế Cường
Kinh Tế Phật giáo 5 - Quán Như Phạm Văn Minh
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)