Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.231.686
 
Sâu Thẳm Mắt Người
Phan Đức Nam

 

Hãy viết câu thật nhất mà anh biết.

ERNEST HEMINGWAY

 

 

Theo quán tính, Trung quẹo xe vô hẻm quen thuộc, quanh co chút nữa là tới nhà, Trung chợt nghĩ: Phải quay ra, đi đường mới mở coi họ làm tới đâu rồi? Thiên hạ buôn bán ra sao?... Từ nay mình đi đường đó cho quen…

Con hẻm dẫn vào nhà Trung đã hẹp lại ngoằn ngoèo, vừa đủ xe ba gác chui lọt, muốn quay xe honda Trung phải lựa thế, hoặc lùi… Không sao! Đường nào gần, rộng và thuận lợi thì mình đi.

Cải tạo kinh Nhiêu Lộc và mở hai con đường dọc bờ kinh quả là đại công trình! - Trung nghĩ. Dưới lòng kinh, những chiếc xà-lan đang nạo vét bùn rác, trong khi đó hai bên bờ rầm rập xe cần cẩu, xe cơ khí đóng cừ… Chà! Những cừ bê-tông khổng lồ dài trên chục mét, đóng san sát ken dọc hai bên bờ kinh dài hàng chục cây số, vậy thì nhiều biết bao nhiêu mà kể!

Đường bờ kè rộng và vui thiệt! Máy xúc, máy ủi, xe ben chở đất đá, xe lu, xe trải nhựa… và đủ loại xe cộ qua lại mịt mù! Nhà nước mở đường tới đâu dân sửa nhà lên tầng tới đó, nhà nào cũng mở rộng cửa quay ra mặt tiền.

Một cuộc đổi đời! Người cười người khóc! Mà khóc lóc gì? Vừa khóc vừa cười thì có. Khóc đòi thêm tiền đền bù giải tỏa đó mà. Trước nay sống chui nhủi trong túp nhà sàn ọp ẹp, phía dưới là kinh nước đen hôi thúi, bệnh tật, nghèo đói… Không thoát ra được mới phải chịu! Giờ nhà nước giải tỏa, ai có giấy tờ được đền bù, ai không giấy được hỗ trợ, di dời tới khu dân cư hay chung cư mới. Cơ hội này trước đây nằm mơ cũng không thấy, vậy mà có nhà chưa chịu đi, phân bì này nọ!...

Trung lan man nghĩ, cho xe chạy chậm trên con đường mới trải đá dăm, thấy khoảng vài trăm mét lại có máy xúc đang đào múc những bố sâu gần nhau. Trung tấp xe vô, hỏi anh công nhân đang đổ bê-tông:

- Những hố này để làm gì vậy hở em trai?

Anh công nhân trả lời:

- Hố lọc cống rác đó ông à.

À! Vậy sắp tới, những đường cống từ các ngõ hẻm trong phố sẽ dẫn ra các hố lọc nhiều tầng này, trước khi chảy xuống lòng kinh, sẽ dần dần bớt mùi hôi. Điệu này trong tương lai, qua cải tạo môi trường, người ta văn minh hơn, vì sự sống của mình, sẽ bảo nhau gìn giữ… Kinh nước đen sẽ xanh trong… Hai bên bờ kinh nhiều chỗ người ta đang làm công viên, trồng hoa… Sẽ có ghế đá, đèn đường, đèn chùm, và những cây cầu đẹp bắc qua… Mình đổi đời rồi!

Trung sung sướng nghĩ đến đó thì tới nhà em gái. Từ cổng bước qua là tới sân nhà Trung. Tiện thiệt!

Mà sao cứ phân biệt cổng nhà mình với cổng nhà con Hoa? Sân chung mà.

Trước đây căn nhà dài cha mẹ để lại chia ba, phân cách bằng gỗ tạp nham. Ông anh lấy vợ khá giả, vợ ổng không chịu nổi mùi hôi thúi nên kéo chồng đi rồi. Mới giải phóng nhà rẻ lắm! Huống chi nhà sàn hôi thúi này, bán chưa chắc ai mua, nên ổng cho mình với con Hoa. Thoát khỏi chỗ này là sướng rồi! Còn cái sân là nhờ gia đình bà Tư kế bên đi kinh tế mới. Thành ra nhà này trở nên rộng, hai ba căn mà thiệt ra là một nhà, một mái tôn. Trước đây vợ chồng anh Hai, vợ chồng mình, vợ chồng con Hoa đi chung một cổng, đâu có phân biệt gì. Thời thế đổi thay, căn nhà sàn của ông Sáu phía cuối sát bờ kinh bị giải tỏa, nhà mình bay cái chồng heo, nhưng lòi ra mặt tiền đường bờ kè mới mở. May thiệt! Nhờ mình làm trên quận nên mới tranh thủ lo giấy tờ, kiếm tiền đền bù, mở thêm cổng lớn. Trời cho ai người đó hưởng.

Nghĩ vậy nhưng Trung cau mặt nhìn cây vú sữa vẫn còn ngang nhiên đứng sát cổng, sát bờ rào - được dựng tạm bằng tre của vợ chồng Hoa. Trung thấy những cành vươn ra đã được chặt, vun quanh gốc, lá rụng ngổn ngang… Nói rồi! Đốn mẹ cây vú sữa đó đi mà không nghe!

Thò tay rút chốt đẩy cổng tre vào cũng được, nhưng Trung đang tức, nhấn còi bim bim. Em rể tên Việt chạy ra, tươi cười:

- Anh Ba về…

Trung làm mặt lạnh. Việt không để ý, nói:

- Em cũng mới từ Tân Thuận về - Rồi kể - Hồi trưa em tát đìa bên đó bắt được hơn chục con lóc, mang về chia mỗi nhà vài con. Nãy em ghé anh Hai, ảnh nói chút nữa qua. Anh em mình lai rai.

Trung gật, chỉ cây vú sữa:

- Sao hổng đốn đi mà chặt cành tùm lum vậy?

Việt chắt lưỡi:

- Hồi sáng em tính chặt, nhưng vợ em cản, nó nói cây vú sữa kỷ niệm, do cha mẹ trồng, chăm sóc…

- “Vợ chồng mày lặt vặt thấy mẹ! Không có điều kiện thì thôi, có thì phải nhà cao cửa rộng. Chặt cây vú sữa đó đi, làm cổng lớn rộng cho quang đãng sáng sủa. Bộ muốn chui nhủi hoài sao?

- Dạ… Gốc cây vú sữa… vẫn trong đất nhà mình, ngoài qui hoạch lề đường… Xây tường vẫn còn dư anh à.

- Chừa cây vú sữa lại để tụi trộm dễ leo vô hả? Chưa kể gốc rễ nó làm làm nứt đổ tường.

Việt gãi đầu:

- Thiệt tình em hổng tiếc, nhưng vợ em…

- Con đó biết cóc khô gì? Hổng tiếc gì hết. Còn cả đống kỷ niệm lớn hơn. Bộ cứ ôm kỷ niệm mà sống hả? Tao nói rồi: Phải lấp luôn cái giếng trước sân nhà mày để xe ra vô thoải mái. Không nuôi heo nữa để giếng làm chi? Sinh hoạt có nước máy rồi. Để cây vú sữa và cái giếng đó, có ngày tụi trẻ leo nghịch lao đầu xuống. Mày là đàn ông phải nhìn xa trông rộng chớ.

Trung nói xong rồ ga chạy thẳng xe vô khoảng sân nhà mình.

Trung cởi áo vắt lên yên xe, nói:

- Mày vô lấy cho tao cây rựa… Để tao đốn cây vú sữa đó cho. Con Hoa về hổng dám ý kiến gì đâu.

Việt “dạ” rồi chạy vô bếp lấy ra cây rựa. Trung nói:

- Xưa cha mẹ làm một, giờ anh em mình phải làm hai, làm ba. Mai mốt con cháu nó hổng thích, đập đi làm bốn làm năm. Cứ vậy mà tiến. Cha mẹ có sống lại thấy càng mừng đó nghe mậy.

- Dạ… Thôi anh Ba chặt giùm em, để em vô làm chút mồi. Anh Hai chắc cũng sắp qua.

Trung cầm rựa vừa phác vừa kéo đám cành lá ban sáng Việt gom vào, để lấy chỗ trống chặt gốc cây vú sữa. Tay rựa đang ngon chợt mềm oặt?... Linh tính, Trung nhảy lùi lại… Một thân rắn lục dài bị đầu rựa móc lôi ra, khoảng bụng rắn to phình, lặc lè oằn oại… Con rắn đau đớn dương mắt nhìn Trung… Rựa hơi cùn nên sóng lưng nó chỉ bị gãy dập. Trung chém phát nữa, lần này thân rắn đứt ngang, cái bụng vàng từ từ lòi ra vài con rắn nhỏ xanh mướt như đậu đũa non.

Trung chắt lưỡi! Bình tĩnh quay sống rựa đập chết những con rắn non chưa kịp sinh ra đó, nghĩ: Còn con nào nữa không?... Để chúng sống, biết đâu lớn lên chúng sẽ trả thù…

Chợt một thân rắn lục dài nữa luồn nhanh qua đám lá… Trung giật mình, thấy rõ đuôi rắn đỏ chót! Con rắn còn quay đầu nhìn Trung rồi mới chui vào bụi cỏ. Chà! Rắn lục đuôi đỏ - rắn lục chúa!... Trung run tay rựa… Phải cẩn thận! Phải giết cho được con rắn này. Chắc rắn chồng?...

Trung hét:

- Việt! Ra đây mau! Phụ tao đập rắn…

Việt hấp tấp chạy ra…

Vừa lúc đó thì ông Minh lơn tơn đi tới…

Ba anh em hè nhau vây đập rắn. Trung nói với anh Hai:

- Em thấy rõ ràng con rắn lục đuôi đỏ, dài lắm!

Ông Minh gật:

- Vậy hả? Anh em mình sắp có thêm món nhậu.

Việt nhăn răng cười.

Suốt nửa giờ, đám cành lá quanh gốc vú sữa được dọn sạch, bụi ớt bụi rau thơm gần đó cũng được bứng, mà vẫn không thấy con rắn. Ông Minh lầm bầm:

- Nó trốn đâu cà? Coi có hang hốc gì không?...

Việt nói:

- Rắn lục thường sống trên cây…

Trung gật:

- Vậy khoan chặt cây vú sữa… Lỡ nó phóng xuống mổ…

Hoa chở con bằng xe đạp về, cô với tay đẩy cổng:

- Mấy anh làm gì vui vậy?

Việt giơ gậy tre:

- Coi chừng! Có rắn!

Hoa tái mặt, dắt xe len sau lưng chồng. Thằng Bi tám tuổi lưng đeo cặp ngồi sau bám chặt yên xe không dám xuống.

Việt nhìn trời:

- Sắp tối rồi. Thôi hai anh rửa tay vô nhà em nhậu. Để mai em chặt cây vú sữa đó cho. Gặp rắn là em đập, em hổng sợ nó đâu.

Ông Minh gật:

- Rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cực độc! Mày phải cẩn thận.

Trung dặn thêm:

- Nhớ tìm kỹ đập chết nó cho tao.

Rồi chợt rùng mình! Nhớ con rắn đuôi đỏ trước khi chui vô bụi còn quay đầu nhìn…

Tối đó, ba anh em uống bay két bia, chuyện trò sôi nổi, hết chuyện này tới chuyện khác. Hoa yên lặng phục vụ không ý kiến gì, lâu lâu liếc chừng thằng Bi, bụng lo lo về chuyện con rắn…

Ông Minh nói với Trung:

- Cổng làm mét hai đẹp rồi. Để tiền đền bù cho thằng Việt sửa nhà.

Trung chậm rãi:

- Đã làm thì phải làm cho đàng hoàng. Chuyện cổng và tường em lo. Anh cứ để em.

- Vậy thì hoan hô!

Trung cười:

- Biết đâu mai mốt anh em mình có xe hơi thì sao?

- Ờ... Thời đại tân tiến, xe hơi cũng nhiều như xe hai bánh bây giờ…

- Chắc rồi! Anh em mình chưa có thì bạn bè mình có, họ tới chơi, chạy xe vô tận sân hổng sướng hơn sao?

- Mày nói làm tao ham quá!

- Vợ chồng anh dư sức mua xe hơi, chẳng qua nhà bán cà phê chưa có chỗ để đó thôi.

Việt thúc thêm:

- Anh Hai mua xe hơi đi, để sân nhà tụi em - nhà anh gần đây mà, để tụi em được đi ké…

Ông Minh cười:

- Bà xã tao ham làm ăn, hổng dám chơi như anh em mình đâu. Trong ba anh em mình đây, nếu có thì thằng Trung mới là người mua xe hơi trước.

Trung lắc đầu:

- Em còn chưa dám xây nhà đây nè…

- Tao hổng tin. Mày làm báo, làm giám đốc Nhà văn hóa. Vợ mày thầu căn-tin trong đó mà nói hổng có tiền. Mày đang có thế, nhơn dịp này đúc nhà cho rồi.

- Chưa được đâu...

- Sao chưa được? Mày nói tao nghe thử?

 Trung im lặng, nghĩ tức ông anh hay xía vô chuyện của mình.

Ông Minh mỉm cười:

- Anh em giấu nhau làm chi? Miếng đất mày mua ở Tân Phú cách đây 5 năm đâu? Giờ tiền tỉ đó. Ê! Đừng nghĩ tao ganh. Anh em ai khá là tao mừng.

Trung vẫn im lặng. Ổng toàn nói hay! Hồi mua miếng đất đó vợ chồng mình phải qua ổng mượn 5 cây. Ổng nói tao ở rể, ngại lắm! Mày hỏi vợ tao đó, tao nói thêm vô cho. Ổng tránh trách nhiệm đó mà! May vợ ổng cho mượn, nhưng chắc cú giữ giấy tờ đất. Thôi thì anh em kiến giả nhứt phận, cho mượn là tốt rồi, vậy mà giờ ổng còn nhắc!...

Ông Minh thấy Trung lầm lì, không khí mất vui, liền nói:

- Tao nghĩ sao nói vậy. Lúc đó tao nghĩ vợ chồng mày mua đất là để có chỗ thoát khu ổ chuột này. Đời cha mẹ, đời anh em mình ai cũng mong vậy. Tao may nhờ bên vợ khá giả. Cha nói số tao đào hoa cư thê vậy mà đúng. Kể ra lấy được vợ giàu cũng đỡ, nhưng ít nhiều cũng mặc cảm, thấy lép vế… Nhiều lúc tao khùng lên thì bả lại xìu… Chà! Hồi mới cua bả, tao đâu biết bả là con nhà giàu, cứ nghĩ mình là kẻ chinh phục, ai ngờ bị bả cho vô tròng…

Trung và Việt bật cười. Ông Minh tiếp:

- Trung à, mày cố bám trụ, tự lo mà còn phát triển là hay lắm! Giờ đất cha mẹ để lại đã khác. Tao càng mừng cho mày, nhứt là mừng cho vợ chồng con Hoa, vợ chồng nó hiền lành. Chẳng qua giờ tao thúc mày làm nhà là để vợ chồng con Út được nhờ bức tường, chớ vách ngăn mối mọt lắm rồi!

Trung gật gù. Việt chớp mắt lắng nghe. Ông Minh nói tiếp:

- Vợ chồng mày sợ thiên hạ dòm ngó chớ gì? Ở đời nghèo người ta khinh, giàu người ta ganh. Cờ đến tay ai người đó phất. Làm lớn ở nhà lớn là chuyện thường. Miếng đất vợ chồng mày mua cứ để đó, ngày càng lời, sau này cho con hay làm gì cũng được. Đất đó giờ sao bằng đất nhà này - nhứt đây là đất kỷ niệm của cha mẹ.

Ổng chỉ giỏi cái miệng! - Trung nghĩ - đã vậy mình nói cho biết.

Trung uống cạn ly bia, chậm rãi:

- Anh Hai nói vậy rất phải. Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Em chưa làm nhà, bởi phải sắp lo nhà cho con Liên. Anh thấy, lo đám cưới cho nó xong, năm sau nó đẻ, vợ em lại phải lo, chớ thằng rể nhà em mới ra trường lương lậu đâu bao nhiêu, lại đi làm xa tận Long An. Thằng đó tự ái lắm! Em biểu nó bỏ đi, về đây em cho thầu giữ xe, tháng kiếm ba bốn triệu mà không nghe. Nó không hợp thằng Út anh à. Thằng Tiến thì anh biết đó, quậy lắm!

Ông Minh gật: - Mỗi nhà mỗi cảnh!...

- Còn miếng đất ở Tân Phú, sẵn anh nhắc em nói luôn: Mới đầu em cũng tính thoát khỏi chỗ này… Nhưng giờ con Liên xin ở riêng. Thôi thì coi như chia của hồi môn cho nó. Nhưng vợ em vẫn đứng tên, nói là cho vợ chồng nó mượn, để thằng rể có trách nhiệm, đề phòng cột chưn nó không dám phụ rẫy con mình. Nước mắt chảy xuôi mà anh.

- Tao hiểu!...

- Vợ chồng con Liên chưa trả tiền đất mà đã tính chuyện làm nhà. Làm cha mẹ lại phải lo! Không lo không được! Con Liên ở đây, chồng nó nửa tháng mới về vài ngày, vậy mà anh chị em nó cứ đụng mặt là hầm hè! Con Liên méc với em rằng thằng Tiến đuổi nó, nói là lấy chồng thì về nhà chồng. Vợ chồng em nhức đầu quá!...

- Sao mày hổng đập cho thằng Tiến một trận?

- Em đập dữ lắm chớ! Nó lớn rồi, đập thì nó bỏ đi, trốn học luôn! Hễ em đi làm thì nó về.

- Vợ mày nuông nó quá mà! Nghèo thì không sao, có chút tiền là sinh chuyện.

- Cha mẹ sanh con trời sanh tánh. Khúc ruột đẻ ra cắt bỏ sao đành? Bởi vậy em phải tính trước, kẻo sau này chị em nó tranh giành.

- Mày tính vậy cũng phải!

- Nhân nói chuyện nhà cửa, em nói với anh trước: Tháng sau con Liên làm nhà, nó năn nỉ mượn vợ chồng em trăm triệu. Con gái cái bòn mà! Vợ em cho nó chục triệu. Còn em, em nói tao sắp làm cổng xây tường, mày qua bác Minh mà mượn.

- Ậy! Sao mày lại đẩy qua tao?

Trung cười:

- Nói vậy thôi! Em sẽ đưa anh năm chục triệu - coi như anh cho nó mượn, để vợ chồng nó lo trả. Chớ em cho nó mượn là mất!

Ông Minh cười:

- Vợ chồng mày khôn thiệt!

Việt chợt nhổm dậy, chỉ tay:

- Con rắn! Nó chui qua vách…

Ba anh em lại hồi hộp tìm đập rắn, lần này gần như lục tung nhà Trung, nhưng vẫn không thấy con rắn lục đuôi đỏ.

Khuya, ai về nhà đó, Trung gần như thức suốt!

Mãi ba bốn tháng sau, một tối, khi Trung giũ chiếu thì chợt thấy con rắn đuôi đỏ luồn xuống gầm giường. Lần này Trung càng lo khi không đập được nó. Bên nhà Hoa cũng sợ. Trung toát mồ hôi, lẩm bẩm: Rắn thù? May mà mình  giũ  chiếu…

 

Linh về rồi, ông Minh ngồi thừ ra suy nghĩ…

Hèn chi độ rày nó lánh mặt mình, tránh tiếp xúc người ngoài… Ờ, mặt mũi nào nữa? Mắc cỡ quá mà! Tham quá thành ngu! Quá ngu!

Ông Minh quyết định đi. Phải chửi nó một trận, nói cho nó hiểu - mình là anh mà. Không nói nó nghĩ mình không biết. Nó tưởng nó hay lắm! Có lần mình bực nó chuyện gì đó?... Ỉ chút quyền huynh thế phụ, mình la nó, nó cười, nói tưng tửng: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ là anh mà ăn theo em là Nguyễn Huệ… Hừ! Thằng tự hãnh! Nó ngầm chê mình… nhờ vợ. Ờ thì mỗi người mỗi phước lộc, người nhờ cha mẹ, người nhờ anh em, bạn bè, chồng vợ, con cái… để nương tựa giúp đỡ nhau mà sống, cho qua cuộc đời này. Chớ không phải chèn ép đạp lên nhau mà sống.

Ông Minh dừng lại trước cổng sắt lớn sơn màu xanh lục, hai bên trụ ốp đá granic đen bóng, vòm mái cổng gắn ngói âm dương tráng men màu xanh rêu, làm tăng vẻ uy nghi sang trọng của ngôi biệt thự mới xây theo kiểu Tây Âu phía trong. Đẹp thiệt! Công nhận đẹp! Không biết tiền đâu mà nhiều vậy?

Nhưng mày dở lắm Trung ơi! Mày ở trong biệt thự đó mà không dám gặp anh em, họ hàng, không dám nhìn bà con hàng xóm thì còn thua ngày xưa mày sống trong căn nhà cũ.

Nghĩ vậy nhưng ông Minh lại lắc đầu: Biết đâu nó lại nghĩ là sống như vậy mới hay, mới sướng…

Ông Minh nhớ lại chuyện cái cổng Trung đòi xây, rồi chuyện bức tường, chuyện nhà, chuyện cửa… Đến bây giờ ông mới dần dần hiểu…  Thằng tính xa thiệt!

Ông bấm chuông, ngước nhìn ống kính camera nhỏ xíu gắn góc trên, gật gù!...

Bấm chuông vài lần nữa, ông Minh mới nghe tiếng bước chân …

Cửa gió bằng bàn tay hé mở. Trung cau mặt nhìn ra, hỏi:

- Anh tới có chuyện chi?

Ông Minh thoáng giận, hỏi lại:

- Vợ mày có nhà không?

- Không…

- Tốt! Tao qua nói với mày một chuyện quan trọng.

- Chuyện gì mà quan trọng? Để lúc khác được không? Tui sắp phải đi…

Ông Minh nói luôn:

- Mày không dám nói chuyện với tao chớ gì? Đây là chuyện con Hoa - con Linh mới nói với tao. Dù gì thì tao cũng phải nói hết với mày. Chớ thiên hạ người ta nói sau lưng còn độc hơn.

Trung sụ mặt. Ông Minh dứt khoát:

- Mày không muốn nghe thì cứ đóng cửa.

Có tiếng lách cách… Ông Minh gật gù: Phải vậy chớ!... Sao lâu vậy cà?... Chắc mấy lần khóa? Thằng kỹ tận cùng! Cảnh giác đủ chuyện. Nó tự nhốt mình mà không hay.

Nghĩ tới chuyện kỹ lưỡng của thằng em, ông Minh lắc đầu! Ai đời uống bia ở nhà nó, ly bia lạnh toát ra rịn xuống bàn kiếng, khách vừa bưng ly lên thì nó đã lẹ tay cầm khăn lau khô. Mình phát bực! Còn khách thì nhăn mặt!… Hổng lẽ sau đó mình nói không nên làm vậy… Nhưng nói ra biết đâu nó bẽ lại là phải làm vậy mới dạy cho khách vệ sinh sạch sẽ. Mình không nói thì có người khác nói. Lão Tư hớt tóc chớ đâu. Có lần lão tới quán mình uống cà phê. thấy mình phụ vợ lau bàn khi khách đã về, lão cười cười, móc: “Sao anh không kêu thằng Trung phụ?”

Trung hé cửa cho anh vào. Ông Minh liếc nhìn thằng em mới ngoài 50 mà tóc bạc quá nửa. Qua trận làm nhà, toan tính, mắt nó sâu hoắm, má hóp lại, râu ria chưa cạo, coi già thấy rõ.

Ông Minh không vào nhà mà ngồi xuống ghế đá trước sân, đưa mắt nhìn chiếc Mercedes trùm mền nằm trong gara…

Hừ! Tới giờ nó mới chịu xây tường để vợ chồng con Hoa được nhờ… Mà mục đích chính là để xe hơi…  Thôi vậy cũng được!

Ông Minh ngắm bức tường mới xây, chợt nhăn mặt khi thấy những lỗ đinh và dấu vết tấm vách cũ còn in trên hông tường…

Thoáng chút ông nghĩ ra ngay: Khi tháo vách ván để xây tường ngăn, lợi dụng vợ chồng Hoa vắng nhà, Trung đã lấn cỡ gang tay để gara nó rộng thêm, giờ chỉ cần trét và sơn lại bức tường hông là xóa dấu vết…

Trời ơi! Đất nhà nó rộng, giàu vậy rồi mà còn tham chút đất của em! Con Linh nói đúng rồi!...

Ông Minh giận run, tức tới nghẹn cổ!

Ông nhìn bức tường, nhìn chiếc Mercedes… Càng nghĩ càng thấy thằng em siêu! Trước khi nghỉ hưu, nó mua xe hơi mới cho cơ quan, dĩ nhiên là tiền của Nhà văn hóa mà nó làm giám đốc. Chính nó khoe với mình: “Tui phải mạnh dạn đổi mới, quyết đoán, để lớp sau lên thay có xe mới đi - dù sao cũng là bộ mặt Nhà văn hóa.” Rồi nó xin hóa giá mua lại xe cũ. Người trong cơ quan nó lắc đầu. Người ngoài thì cười. Cũng may nó mới chỉ là viên chức quận.

Nó xin hưu sớm rồi, hạ cánh an toàn, sợ gì nữa. Ác cái thiên hạ hay tới quán cà phê của mình bàn tán, làm như cố tình cho mình nghe. Thì lão Tư hớt tóc chớ đâu, lão nói xe xịn Nhà văn hóa mới mua hai tỉ, không cần kê giá, nội hoa hồng cho người mua cũng dư sắm vài chiếc xe cũ, huống chi  xe cũ hóa giá, ưu tiên này nọ… Là anh, mình nói cho nó nghe để đề phòng. Nó nhăn mặt cười: “Mình không ăn thằng khác cũng ăn. Những thằng không ăn được ganh với tui đó mà.” Giờ nó đổi xe xịn, coi như phi tang. Nó dư tiền mua xe xịn nhưng vẫn xin mua hóa giá xe cũ. Nó tính toán ăn của nhà nước, của thiên hạ… Giờ còn ăn của em ruột mình nữa thì đâu còn biết thương ai! Thằng thiệt hết xài!

Ông Minh hắng giọng:

- Mày khỏi rót nước. Tao mới uống rồi. Ngồi đây tao nói cho nghe.

Đoán được phần nào chuyện ông anh sắp nói, Trung ngập ngừng:

- Chắc con Linh nói… tui ép vợ chồng con Hoa đi chớ gì?

- Phải. Sao mày đành đoạn vậy?

Trung cau mặt:

- Con Hoa kể xấu tui với bạn nó vậy là bậy. Nó chỉ nói được phần nó. Thứ đàn bà nhiều chuyện!

- Mày nghe đây: Với tao con Hoa còn không kể nữa là, mãi tới khi vợ chồng nó đi rồi tao mới hay. Tao tới hỏi thì con Hoa nói là mày làm nhà lớn, kéo dài cả năm trời, bụi bặm và ồn lắm! Khi nào mày làm nhà xong vợ chồng nó sẽ về. Cách nay một tháng, khi nhà mày sắp xong, chỉ còn chút trang trí, tao gặp con Hoa, nó lại nói thằng Bi sợ con rắn đuôi đỏ chui vô nhà nên không chịu về, thích ở bên nội… Thằng Việt nói là lấp giếng động thổ hay sao mà vợ chồng bệnh hoài?! Thiệt không hiểu nổi?...

Tao tính qua hỏi rõ mày thì con Linh tới, giờ tao mới biết.

 - Anh đừng nghe con Linh. Tui đã nói với anh rồi: Trong chăn mới biết chăn có rận. Tui cũng tức, cũng đau lòng lắm chớ!...

Ông Minh nhìn vết đinh chưa kịp trét và sơn lại, cười lạt:

- Con Linh không phải đứa nhiều chuyện. Nó vô tình nghe được thôi. Mày nhớ không? Chủ nhật trước, tao với mày tới ăn giỗ nhà ông Quang, ba người đang uống trà trước sân chờ bạn bè thì con Linh với con Hoa tới. Hai đứa nó biết mày và tao quá mà! Trước khi làm báo trên quận, mày làm hiệu phó, ông Quang hiệu trưởng, còn hai đứa nó với con Hoa nhà mình là giáo viên trong trường. Tao còn biết con Linh có cảm tình với mày. Lúc đó mày chưa vợ, đẹp trai, lại làm thơ đoạt giải quận. Nhờ vậy quận mới rút mày về làm bản tin nội bộ, làm cán bộ Nhà văn hóa. Phải chi mày cứ ở trường đó, dạy học làm thơ thì hay hơn.

Trung lầm bầm:

- Ông dài dòng quá! Nói gọn đi?

- Ờ thì gọn. Con Linh tới mục đích chính là xin lỗi, nói lý do tại sao bữa đó nó không chào ông Quang, không chào tao, bởi có mày ở đó. Nó không muốn chào mày. Sao vậy Trung? Xưa nó coi mày là thần tượng, mến và nể mày tới đâu thì giờ nó thất vọng, chán và khinh mày tới đó. Vì nó đã biết mặt trái của mày. Nó thương con Hoa - bạn nó đang khổ. Nó quyết định kể hết với tao, vì nghĩ tao là anh hai trong gia đình chắc cũng đã biết. Nó nhờ tao xin lỗi ông Quang giùm, coi như bữa đó nó vô ý không thấy… Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nó sợ tao giận, tao chửi trong bụng cô giáo gì mà bất lịch sự. Mà thiệt! Bữa đó tao cũng thấy lạ? Khi nó và con Hồng vô, tao gật đầu cười chào trước, mắt nó chơm chớp bối rối… Rõ ràng nó thấy ba người ngồi quanh bàn. Con Hồng vui vẻ chào ông Quang, chào tao và mày, còn nó thì làm ngơ?... Tới giờ tao mới hiểu!...

Trung cúi mặt. Ông Minh nói tiếp:

- Mày nói tao dài dòng. Chuyện này phải dài dòng. Con Linh nói trong trường không ai biết chuyện gia đình mình. Nhiều người thắc mắc hỏi sao vợ chồng con Hoa đang dạy ở đây, nhà gần trường thằng Bi đang học, tiện đưa đón, mà lại dọn về nhà chồng, tuốt bên Tân Thuận xa mười mấy cây số. Mà tụi nó có xe máy gì đâu? Con Hoa cũng chỉ nói với bạn như nói với tao vậy. Nhưng một bữa, cách đây vài tháng, con Linh tới nhà con Hoa chơi, hai đứa bày ra nấu nướng. Từ thời trung học tụi nó vẫn hay vậy mà. Tao với mày đã từng được ăn nhiều món mà tụi bạn nó tới nấu. Bữa đó con Hoa chạy ra chợ mua thêm cái gì đó, thì thằng Việt về, thấy bóng người dưới bếp lại tưởng vợ mình. Thằng Việt vừa dựng xe vừa nói: Anh quyết định rồi, mai anh về mẹ. Em và thằng Bi không theo thì ở lại. Chớ ở đây đụng mặt vợ chồng anh Ba hằng ngày mà không chào thì anh chịu hổng nổi. Con Linh biết chồng bạn nó lầm, nhưng nhờ đó nó hiểu là có sự xích mích gì đó giữa vợ chồng bạn nó với vợ chồng mày. Thằng Việt sau đó cũng biết mình lầm, nhưng chắc uất ức lâu rồi, sẵn đó kể luôn với con Linh: Bởi căn nhà nhỏ của vợ chồng nó án ngữ mặt tiền, nên mày muốn tống vợ chồng nó đi. Muốn mà chẳng lẽ nói ra nên mày không chịu cắt sổ đỏ chia đất, cứ lần lữa hoài! Vợ chồng nó không có chủ quyền thì làm sao xin phép sửa nhà, hay cho người ta mướn. Mày còn hù nó là trên quận đang có kế hoạch mở rộng thêm đường bờ kè…

Trung chống chế:

- Chuyện đó có mà. Tui làm trên quận tui biết…

- Thôi đi! Nếu mày đàng hoàng, mày cứ cắt sổ đỏ cho vợ chồng nó. Khi nhà nước phóng đường tiếp tính sau.

- Anh nên nhớ tui không hề đuổi nó. Vợ chồng nó đi là sỉ nhục bêu xấu tui biết chừng nào! Tui phải xin hưu sớm là vì chuyện đó.

- Tại mày không rõ ràng. Tao đã nói rồi: Làm anh làm ả phải ngả mặt lên. Thằng Việt ở nhà vợ đương nhiên nó phải có lòng tự trọng. Tao cũng ở rể đây nè. Mày cũng có con rể mà? Mày lập lờ thì phải chịu mang tiếng thôi. Cấp trên và cơ quan nản mày rồi nên mày mắc cỡ xin nghỉ hưu non. Sao mày lại trách ngược tụi nó?

Trung đuối lý ngồi im. Ông Minh đứng lên:

- Thôi! Việc lỡ rồi! Giờ tao nói với mày: Sai thì phải sửa, sửa còn hơn không. Con Hoa là em ruột mày. Nếu nó không về đây thì mày phải lo cho nó một số tiền - mà phải cho xứng với thời giá đất này. Anh em là anh em, đụng tới tiền bạc phải rõ ràng - nhứt là nó đã có chồng. Thằng Việt là đứa biết điều. Thử hỏi vợ chồng nó không đi, làm lớn chuyện thì mặt mũi mày để đâu?

 

Trung lừ lừ:

- Tui mới làm nhà… đâu còn tiền?... Mà tui nói rồi: Tui không đuổi nó. Vợ chồng nó tự đi là cố tình làm nhục tui. Tui không phải dân mua bán như vợ chồng anh. Nhứt là mua bán với anh em. Giờ nó bán tui cũng không mua. Vì có mua thì tui cũng mang tiếng rồi. Anh binh nó thì anh dọn về đây mà ở đi. Tui hổng cần.

 

Thằng trở giọng cùn rồi! Ông Minh nghĩ - đối với người nói phải mà không nghe, còn phản bác lại, Mình nói nữa có khi lãnh nhục…

Ông Minh đứng lên, nhìn thẳng vào mắt Trung:

 

- Tao nói tạm đủ rồi. Giờ xử sự ra sao tùy mày.  Vợ con mày đang nhìn mày đó. Tao nói một câu nữa thôi: Làm đàn anh, giàu có khôn giỏi hơn em, miệng nói thương em, nhân nghĩa đủ thứ, mà lấn lướt chiếm đoạt của em thì thiên hạ cười cho thúi đầu. Nó là em mới nhẫn nhịn - đó là nó có giáo dục. Nhưng tới lúc không chịu được nữa thì cũng phải bung. Có tao và bà con khu phố đây làm chứng - lẽ phải mà!

Ông Minh nói xong bước ra cổng, tự mở chốt lách người ra ngoài.

Còn sớm, ông Minh chưa muốn về, đầu óc đang ngổn ngang. Là anh, không giải quyết được chuyện nhà ông thấy bứt rứt! Buồn kinh khủng! Ông thương em gái út bao nhiêu thì lại giận thằng em kế bấy nhiêu. Giận và tức nữa!

“Ghé chơi anh Minh, bộ mới thăm vila sếp em hả?” - Tiếng lão Tư hớt tóc như chọc vào tai ông Minh, vô tình châm thêm cơn tức. Hừ! Lão này đúng là có ác cảm với thằng Trung. Hễ gặp mình là lão tìm cách móc méo…

Mà cũng tại thằng Trung, nhà sát vách lão, hồi trẻ gặp nhau vui vẻ cụng ly, mà chừng chục năm nay, nó khá lên một chút đã lên mặt, coi lão dưới nửa con mắt. Ai chớ lão Tư này mến ai là ca hết cỡ, còn ghét ai thì hạ tới đáy.

Lão Tư hớt tóc dạo đã mấy chục năm, giờ nhà nước phóng đường, nhà lão ra mặt tiền. Lão mở tiệm hớt tóc khá đông khách, phần nhờ tay nghề, phần lão tiếu lâm vui tính, nói chuyện thời sự rôm rã. Lão nói chơi mà cứ như thiệt. Khi lão thọt lét thì nhiều người cười bò, còn xỏ ai thì người đó phải nhức đầu. Tuy không ưa Trung nhưng lão Tư lại hạp ông Minh. Ngày nào lão cũng tới tiệm cà-phê của vợ ông Minh uống, khề khà chuyện tiếu lâm, chọc ghẹo ai đó vài câu. Làm như không chọc ai lão buồn.

Hôm nay lão sáng tạo câu sếp em để ám chỉ Trung và chọc ông Minh. Ông Minh biết tính lão nên không giận, nghĩ: Ờ, ghé vô tiệm lão này tán dóc cho đỡ buồn.

Lão Tư cười hè hè, nháy mắt:

- Tui mà có thằng sếp em như anh là tui ngon lắm đó!

Lần này thì ông Tư giận. Có thể lão nghĩ mình ăn theo… đồng mưu với thằng Trung đẩy vợ chồng con Hoa đi để chia lợi.

Ông Minh làm mặt nghiêm:

- Anh em mỗi người mỗi tánh. Tui khác thằng Trung nghe anh.

Rồi hỏi:

- Sao anh cứ nhằm tui mà kê nó vậy? Có xích mích gì không.

- Hè hè! Anh đừng giận, bởi sếp em trở tính đâu thèm nói chuyện với tui. Mà tui đâu có lỗi với nó. Anh em tui còn mang ơn nó nữa đó.

- Anh nói tui hổng tin.

- Anh hỏi sếp em thì biết.

 

Ông Minh cau mặt:

- Anh nói tui thêm tức! Bạn bè với nhau, tui với anh cũng thân. Mình già rồi, có gì huỵch toẹt ra để giải quyết.

- Hè hè! Tui cũng giống tính anh, để bụng chịu hổng được. Giờ hỏi thiệt anh: Sao vợ chồng con Hoa không về đây ở?

 

Ông Minh lúng túng… Lão Tư cười lạt:

- Còn anh, anh có bao che cho thằng Trung không? Nếu có thì hổng nói chuyện nữa.

Ông Minh lắc đầu:

- Tui mới chửi nó một trận đây nè.

- Vậy sao?... Anh đang giận nó, mà tui kể thêm  thì…

- Anh cứ kể?

- Thôi được! Tui không nói thì trước sau gì anh cũng biết - anh quen thằng Hùng em tui mà. Thằng Hùng xuất ngũ về làm thư ký cho báo quận. Nó viết được cái truyện in ở Văn nghệ Quân Đội. Có ông đạo diễn biên kịch muốn dựng thành phim, liền điện thoại tới Văn nghệ Quân Đội hỏi địa chỉ tác giả, sau đó tới quận tìm. Họ gặp thằng Trung, nó nói là ở đây không có ai tên Mạnh Hùng viết truyện ngắn. Chắc lộn với nhà văn Mạnh Hùng ngoài Bắc. Những người làm phim đành trở về, hỏi lại Văn nghệ Quân Đội thì được cho địa chỉ như cũ. Lúc đó chưa có di động nên họ phải lần mò hỏi thăm mãi mới tìm tới nhà tui, gặp được thằng Hùng để ký hợp đồng. Cuối cùng thì truyện đó cũng được dựng phim. Thằng em anh vẫn tỉnh bơ, coi như truyện và phim đó là của nhà văn Mạnh Hùng ngoài Bắc. Nó còn tung tin em tui mạo danh. Thằng Hùng bất mãn lặng lẽ rút, lận đận thất nghiệp một thời gian thì được Văn nghệ Quân Đội rút về làm biên tập.

Ông Minh bần thần lắng nghe, càng thêm buồn và giận thằng em. Thiệt không ngờ! Nó sống với hàng xóm và đàn em đồng nghiệp như vậy bị ông Tư ghét là phải.

Lão Tư nói tiếp:

- Anh biết tại sao không? Vì thằng em tui là Đảng viên trẻ, còn thằng Trung lúc đó đang phấn đấu. Em tui lại nổi như vậy thì thằng Hùng phải loại nó từ xa. Người như vậy làm sao tui tin nổi? Nói thiệt, cứ nghĩ tới nó là phát ớn, thiệt sợ cho cái thủ đoạn, đầy tham vọng và giả trá của nó! Đã không tin thì tui phải để ý. Nó giàu, nó làm sếp kệ nó, ăn ở không phải thì tui khinh. Hàng xóm kế cận mà thâm hiểm phát sợ!

Ông Minh lắc đầu, không còn biết nói sao?...

 

Sau vụ căng thẳng đó, Trung càng lánh mặt. Ông Minh nghĩ một là thằng em đang hối hận, hai là nó đã quyết cắt tình máu mủ, để lao vô con đường làm giàu - bất kể anh em, bất kể thiên hạ. Nếu nó đã quyết vậy thì ông đành chịu! Ông nói cứng vậy thôi chớ không lẽ lôi nó ra tòa giành đất lại cho em gái? Mà chắc gì Hoa đã chịu? Nhục cả đám!

 

Khoảng tuần sau, mới 4 giờ sáng, Trung đón ông Minh đi tập thể dục dọc bờ kinh, nói:

- Em mời anh ăn sáng uống cà-phê…

Ông Minh mừng mừng… Chắc nó đã nghĩ lại…

Trung gầy sút, mặc pyjama rộng thùng thình, uể oải nói:

- Từ bữa đó… em suy nghĩ nhiều… Em không dám nhìn ảnh ông bà, cha mẹ… Những đôi mắt trên ảnh đó buồn bã nhìn em!… Rồi đêm qua em mơ cha về, cha nhìn em mà không nói gì. Có điềm gì không đây?... Sáng nay em tới nhờ anh gọi vợ chồng con Hoa về giùm, thiệt tình em cũng có chút tự ái anh à…

Ông Minh nắm tay Trung, gật đầu…

Trung làm như cố gắng lắm mới nói được câu đó. Trung rút khăn lau mặt, một con rắn từ túi áo Trung vọt ra!… Ông Minh giật mình! Trung hoảng hốt lùi lại… Vừa lúc đó trên đường vắng, một chiếc honda phân khối lớn của nhằng nhóc tốc độ lao tới!… Chiếc xe thắng lết bánh, đuôi xe hất Trung té đập ót vô cạnh lề đường!...

 

Sáng nay, lão Tư cố ý chờ ông Minh tới để đi theo thăm Trung. Lão nghĩ : “Giờ nó đang bị nạn, nghe nói nặng lắm? Thôi kệ! Vì tình người, mình là hàng xóm cũng nên qua thăm…”

 

Khi ông Minh tới, biết ý định lão Tư, ông Minh cảm động:

- Cảm ơn anh đã bỏ qua cho thằng em tui. Nói thiệt với anh, trước đây tui rất đắn đo… Hổng lẽ vạch áo cho người xem lưng? Kể xấu về người vắng mặt đã dở, huống chi nói điều không đẹp về kẻ bị nạn. Rốt cuộc ở đời, ai ăn ở ra sao thiên hạ thấy hết, biết hết. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Chẳng qua vì thân thuộc, quen biết vị nể, sợ thế yếu, hoặc ngại mất lòng nhau mà im lặng - im lặng mà tức. Có chuyện chính người trong cuộc phải im lặng chịu đựng, nhưng buồn và đau lắm!

 

Lão Tư gật gật đầu, kéo tay bạn già. Ông Minh vừa bước đi vừa nói như kể lể:

- Nếu tui cứ im lặng thì người ta sẽ nghĩ tui đồng lõa với cái xấu, tui không biết dạy em, nhà dột từ nóc. Tui không trốn trách nhiệm, tự nhận mình lơ là, bạc nhược... Nếu tui sáng suốt kiên quyết từ đầu, thì thằng em tui sẽ sợ, không đến nỗi vậy.

Lão Tư vẫn im lặng, nhẹ nhàng bấm chuông.

Cổng nhà Trung mở, hai người bước vào. Giờ lão Tư mới nói:

- Tui phục ông Lỗ Tấn bên Tàu dám vạch những cái lỗi thời, cái dở của người mình ra để sửa - trong khi nhiều người khác cũng thấy mà không nói.

Khi vào phòng trong, nhìn Trung nằm bất động trên giường, lão Tư thật sự thấy thương hại!

Rồi lão chán ngán! Chợt nghĩ: “Con người… ai cũng biết rồi sẽ chết, vậy mà sao?...”

Ông Minh lau mặt cho Trung, hỏi han em vài câu. Trung vẫn bất động. Ông Minh lắc đầu, kéo lão Tư tới bàn nước bên cạnh, nghẹn ngào:

- Thằng Trung bị vầy… Thiệt còn khổ hơn là chết!... Trường hợp nó bị nạn cũng lạ lắm anh Tư à…

Lão Tư chưa hiểu “lạ” chỗ nào? Thì ông Minh đã rút ra một thân rắn lục đuôi đỏ… Lão Tư giật mình!...

 

“Đừng sợ. Nó bằng nhựa - Ông Minh tê tái - Oan nghiệt! Chính thằng con trời gầm của Trung đã mua con rắn nhựa này, bởi nghe cha nó hay nhắc về con rắn lục đuôi đỏ. Thằng quỉ biết cha nó sợ nên bỏ vô túi áo ổng để hù chơi. Hổng dè cha nó bị chấn thương nằm một chỗ, tội quá! Nó khóc rồi chặt đầu con rắn nhựa này.”

 

Lão Tư ngơ ngẩn…

 

Mắt người, mắt trời?... Ghê thiệt! Sống giả, chết vì thứ giả! - Lão lẩm bẩm - Mấy thằng làm đồ giả tham ác thiệt!...

Trước khi ra về, lão Tư nắm tay Trung lắc lắc nhẹ… Trung vẫn bất động, đôi mắt lờ đờ như chìm vào quá khứ.

Ông Minh trầm tư nhìn qua cửa sổ, đường bờ kè uốn lượn thênh thang, lộng lẫy đèn hoa…

“Rồi sẽ tốt đẹp thôi! Mình phải biết giữ…”

 

 

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 1749
Ngày đăng: 10.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân cách sống - Trương Quang Cảm
Thư không gửi - Nguyễn Đạt
Thành Viên Mới - Nguyễn Đình Phư
Mùi cam chín nẫu - Hoàng Mai
Nhà báo, nhà giáo & nàng dâu - Nguyễn Văn Ninh
Bản Nhạc Viết Lúc Không Giờ - Võ Anh Cương
Mần Ăn - Lê Văn Thiện
Người già buồn buồn... - Hòa Văn
Người Tình - Nguyễn Trung Dũng
Thây ma nổi giận - Dương Đức Khánh
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)