Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.085
123.202.209
 
Biên Hòa – Từ màu men xanh đồng trổ bông
Đinh Lê Na

 

Từ cầu Bình Triệu, rẽ phải nơi góc đường Quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân, tôi nhắm Biên Hòa thẳng tiến. Con đường tôi đang đi tiếp giáp với Biên Hòa theo hướng Quốc lộ 1K qua cầu Hóa An. Theo đó, sẽ đi về phía Bắc thành phố, nơi có những công trình cổ, những dấu vết văn hóa, những nét sinh hoạt của cư dân trong các không gian công cộng và như thế có thể sẽ giúp tôi hiểu về nơi này hơn. Còn nếu theo hướng Quốc lộ 1A về phía Nam, sẽ qua những khu công nghiệp, những con đường chỉ đông đúc vào giờ chuyển ca. Hai hướng tiếp cận nói trên cũng chính là hai mặt của thành phố, mà có thể thấy rõ qua trang web chính thức của UBND thành phố Biên Hòa http://www.bienhoa-dongnai.gov.vn

 

Chuyến đi của tôi thực ra đã xuất phát rất lâu từ trước, bắt đầu từ những tìm hiểu về gốm Biên Hòa và những thắc mắc về loại men “xanh đồng trổ bông” [1]. Lần theo sự hiếu kỳ, tôi được chỉ dẫn đến với những phù điêu gốm ở các cổng của chợ Bến Thành, mà mỗi tượng trưng cho một ngành hàng: phù điêu “bò và cá trê”, “bò và heo”, “cá đuối” ở cửa Nam (cửa chính nhìn ra vòng xoay Quách Thị Trang); “vịt và nải chuối”, “vịt”, “nải chuối” ở cửa Bắc; “cá đuối và nải chuối”, “cá đuối và cá trê”, “nải chuối” ở cửa Tây và “bò và vịt”, “bò và heo”, “heo và vịt” ở cửa Đông. Theo lời kể lại, những tấm phù điêu là sản phẩm từ trường Mỹ nghệ Biên Hòa và do những người thợ của HTX Mỹ nghệ Biên Hòa trực tiếp thi công lắp dựng. Vì phải tách thành từng miếng nhỏ để tạo hình, cộng với các lò nung bấy giờ dùng chất đốt bằng củi, “hỏa biến” [2] đã tạo nên những sắc độ màu sắc trên từng mảnh gốm. Khi bức phù điêu được ghép hoàn chỉnh thì thành chỗ đậm nhạt khác nhau. Kỹ thuật làm gốm Biên Hòa nói chung là sự kết hợp của kỹ thuật gốm từ người Hoa (vùng phía Nam Trung Quốc), người Khơ me và người Pháp. Trải qua nhiều biến đổi, gốm Biên Hòa mới có được danh tiếng về một loại gốm mang những sắc thái của dân tộc Việt Nam.

 

 

Phù điêu "Cá đuối và nải chuối" cửa Tây chợ Bến Thành

 

Qua cầu Hóa An, rẽ bên tay trái vào đường Huỳnh Văn Nghệ, chạy xe khoảng 30 phút, tôi rẽ phải vào con đường sạch sẽ, thoáng mát và đầy cây xanh, để đi đến Văn Miếu Trấn Biên. Bên kia đường, có một công viên rộng dành riêng cho người đi bộ, thấy dấu vết xây dựng còn mới. Như tên gọi, Văn Miếu Trấn Biên có cách bố trí các công trình tượng tự như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, khiến trí óc tôi không khỏi quay lại những ngày đi thi Đại học và cái khoảnh khắc sờ đầu cụ rùa đội bia để lấy thêm chút tự tin cùng may mắn thi cử.

 

Ngay phía sau cổng vào là một chòi lớn có mái che, bậc tam cấp bằng đá xám. Loại ngói lợp mái chòi là ngói xanh, bên dưới được tráng vữa vuông vức. Mái ngói vì thế, mang nhiều tác dụng trang trí hơn là đem đến sự ấm áp hay mát mẻ. Chòi che cho tấm bia đá cao độ 2m khắc chữ 2 mặt một bài thơ 8 khổ phỏng theo “Bình ngô đại cáo” kể về truyền thống đấu tranh và tinh thần quật cường của nhân dân Đồng Nai từ ngày khai phá vùng đất, qua chiến tranh, đến phát triển công nghiệp ngày nay. Một bài thơ khích lệ tinh thần dân tộc tạc trên bia đá có lẽ được tạo nên từ loại đá được khai thác từ mỏ đá Hóa An. Tôi cứ ảm ánh mãi cụm từ “xây nền dân chủ” ở cuối khổ 4, đến nỗi mất một lúc mới nhận ra nhóm 3 cô gái diện đầm ngắn đang thử tạo dáng các kiểu trước anh thợ chụp hình và mấy cặp trai gái đang trò chuyện rôm rả trên lầu Khuê Các gần đó.

 

 

Mái ngói Văn Miếu

 

Các cô chú bảo vệ và lao công đang to tiếng gì đấy về chuyện có ai đó chốt cửa bên trong một căn nhà vì ngờ có người vô tiểu bậy. Các căn nhà khác cũng đóng cửa im ỉm. Chỉ có tòa chính điện thờ tượng Bác Hồ cùng các danh nhân đất Việt và nhà truyền thống là mở rộng cửa. Tôi lang thang một lúc thì đến “Văn Vật Khố” là cái kho chứa những sản phẩm mỹ nghệ truyền thống mang nhiều ý nghĩa lịch sử của vùng đất Đồng Nai. “Văn Vật Khố” được xây dựng nên từ những vật liệu tách ra từ phòng trưng bày sản phẩm của trường Mỹ nghệ Biên Hòa xưa. Phòng được hiệu trưởng trường lúc bấy giờ, ông bà Balick, xây dựng từ năm 1933 [3]. Đến năm 1999, phòng được di chuyển và xây dựng lại tại Văn Miếu như ngày nay. Với lối kiến trúc đồng nhất trong cả Văn Miếu, phải để ý đến vẻ cũ kỹ của cánh cửa gỗ chạm hoa mai sáu cánh, đến hai bức phù điêu “hoa và chim” gần sát chân tường, đến hàng cột ốp gạch gốm màu xanh chen tím trang trí hoa lá cách điệu, mới nhận ra căn nhà có nhiều khác biệt so với xung quanh.

 

 

phù điêu ở Văn Vật Khố - 1

 

 

phù điêu ở Văn Vật Khố - 2

 

Đoán chừng, có lẽ tôi đã nhìn được tận mắt, sờ tận tay những mảnh gốm Biên Hòa xưa với lớp “men xanh đồng trổ bông”. Nhưng để cho chắc chắn, tôi lại tiếp tục lần mò xem xét những công trình bằng gốm ở những nơi khác. Lần này, tôi tìm đến với “Đài kỷ niệm”, một công trình không hề xa lạ với người dân Biên Hòa, bởi nằm ngay ngã tư trung tâm, đường Nguyễn Ái Quốc và đường 30/4, mà muốn đến đó, buộc phải chạy ngược ra lại về phía cầu Hóa An.

 

 

Công viên Thư viện

 

Biên Hòa không thiếu cây xanh và công viên, nhỏ to đủ cả. Chạy dọc theo con đường Nguyễn Ái Quốc, tôi đôi lần chứng kiến trẻ con đá bóng trong những công viên nho nhỏ cạnh đường. Ngay tại vị trí “Đài kỷ niệm” cũng có một công viên như vậy. Ngay gần “Đài kỷ niệm” có một công viên rộng, bên trong là Bảo tàng và thư viện thành phố, cũng là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Tôi gửi xe ở trong công viên, nhằm vào cuối giờ chiều mát mẻ. Góc này là quán cà phê cóc với vài chiếc ghế nhựa, góc kia có hai chú bé đang chơi cầu lông bên cạnh anh chàng đang ngủ một cách vô tư trên ghế đá mặc kệ già trẻ lớn bé đi bộ thể dục xung quanh. Dưới cây cổ thụ, hai bàn cờ, bên già, bên trẻ đang chăm chú say sưa với xe pháo mã. Cạnh chỗ gửi xe, hai cô gái đang chuẩn bị cho xe cá viên chiên để bán vào buổi tối. Ít giờ nữa, khi vòng đu quay sáng đèn, ở đây lại tấp nập trẻ con người lớn, giờ vẫn còn sớm lắm.

 

Về kiến trúc “Đài kỷ niệm” phỏng theo “cửa Ngọ Môn” (Huế) trên đỉnh có chạm nổi biểu tượng âm dương, phía dưới có 3 chữ tiếng Hoa “Chiến sĩ đài” nên còn có tên khác là “Đài chiến sĩ”. Nhìn qua dễ hiểu nhầm là một cổng chào, nếu không chú ý đến tấm bia khắc 4 chữ Hán “Vị quốc vong khu” đặt trong Đài và bát lư hương phía trước. Hai bên đài, trên bậc tam cấp có 2 bức tượng kỳ lân màu xanh ngọc đậm. Dưới chân là 4 tượng rồng nhìn về 4 hướng đã ít nhiều bị mài mòn, đứt râu, kèm theo tấm biển nhắc nhở “không va chạm làm ảnh hưởng đến hiện vật”. Về phía xa sau lưng “Đài tưởng niệm”, có một “đài tưởng niệm” khác, nhỏ hơn, hình quyển sách, trích hai trang lời của Bác Hồ (lúc bấy giờ vẫn lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đại ý nói về việc tội ác của thực dân Pháp đã đem người dân Đồng Nai ra chiến trường Châu Âu để chiến đấu bảo vệ mẫu quốc. Pháp cho xây “Đài kỷ niệm” vào năm 1923 như một cách để ghi công “tưởng niệm người Việt trận vong”. Chuyện lịch sử ai đúng ai sai như thế nào, quan trọng hay không, rồi có lúc người đời cũng có câu trả lời. Chỉ biết khi ông cụ đang dỗ dành cho đứa cháu nhỏ ăn miếng cháo tươi cười với tôi thì “Đài kỷ niệm” này thực đã đi vào đời sống hằng ngày của người dân Biên Hòa rồi.

 

 Nếu tiếp tục xuôi theo con đường Nguyễn Ái Quốc, đến lúc gặp đường Cách Mạng Tháng Tám chạy dọc sông Đồng Nai, sẽ thấy một đài phun nước nhỏ tên “Quảng trường sông Phố”. Tượng đài phun nước là một dĩa gốm lớn, kê trên 3 chú “Cá hóa long”, mình cá đầu rồng được hoàn tất từ năm 1970. Đây cũng là sản phẩm của thầy trò trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Tương truyền, trường đã tổ chức thi tuyển để chọn ý tưởng và chọn những thợ gốm lành nghề nhất để thực hiện công trình này. [4]

 

Nhìn qua bên kia đường, thấy biển đề “Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Đồng Nai”, tôi gửi xe đi vào. Được biết, với khuôn viên vừa phải đây từng là dinh của tỉnh trường Biên Hòa, sau là tư dinh tướng tư lệnh vùng III, nay là nơi người dân sinh hoạt, bách bộ thể dục, chơi bóng rổ…Cũng gần tới giờ nhà văn hóa đóng cửa, tôi vừa quan sát các hoạt động xung quanh, vừa tìm một công trình gốm khác là “Trụ rồng” nghe nói được thực hiện trước năm 1945. Phía sau, tượng đài nhỏ tạc hình chị Võ Thị Sáu, là một trụ hoa văn màu xanh. Thì ra, phía này mới là cổng chính của Nhà văn hóa. Trụ gốm xanh ngọc tạc hình ba con rồng quay đầu về ba hướng, đỡ một quả cầu lửa – mây sử dụng kỹ thuật nắp nỗi, chạm lọng. Nhìn gần, có những đốm “bông” lốm đốm của loại men “xanh đồng trổ bông” mà giờ đây tôi có thể chắc chắn rằng mình đã được thấy tận mắt. Đây đó có những chỗ nứt vỡ, được trám lại bằng xi măng mà có thể dễ dàng nhận ra vết dấu. Tò mò, cô bé con cũng được mẹ cho bắt chước tôi sờ tay lên chiếc mũi rồng bóng loáng, quá bóng so với toàn bộ công trình nhuốm màu bụi bặm đặt trong một bồn nước cạn khô này.

 

 

Trụ Rồng được trám xi măng

 

 

Trụ Rồng - phần trên

 

 

men xanh đồng Biên Hòa Vert de Bien Hoa

 

Rời nhà văn hóa, tôi xuôi đường Cách Mạng Tháng Tám về phía Cù lao phố, nơi những người Hoa và người Việt di cư đã phát hiện khi tiến hành khai thác trên quy mô lớn vùng đất Đồng Nai; cũng là thương cảng sầm uất một thời vì có vị trí thuận lợi cho giao thương miền xuôi miền ngược và là một trong những trung tâm thủ công nghiệp xưa [5]. Khác với những nhận định ban đầu, Cù lao tuy chưa thoát hẳn khỏi vẻ thôn quê, đã có nhiều dấu hiệu của sự đô thị hóa. Sự đô thị hóa không chỉ làm thay đổi bộ mặt Cù lao mà còn kéo theo đó nhiều sự thay đổi về cơ cấu kinh tế khi mà nguồn nguyên liệu làm gốm cũng là nguồn nguyên liệu dùng sản xuất các sản phẩm phục vụ xây dựng. Khu vực xung quanh cầu Hiệp Hòa và con đường chạy mới xuyên Cù lao, nhà cửa mới xây dựng nhiều, những quán cà phê, cửa hàng không thiếu. Tôi lần theo con đường lổn nhổn gạch đá cắt ngang con đường mới trên, tìm đến với đền thờ cụ Nguyễn Hữu Cảnh. Đập vào mắt ngay cổng chính đi vào là tấm bia đá lớn trong chòi lợp ngói xanh. Bia khắc những dòng thơ kể lịch sử của đền và ca ngợi công đức của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai. Hàng ghế đá san sát với dòng chữ “Đơn vị thanh niên khối dân chính Đảng” trên lưng ghế chạy dọc hai bên lối dẫn vào chòi và đền thờ chính bên tay phải, chạy ra khu vực đặt tượng cụ Nguyễn Hữu Cảnh bên tay trái và ra cả bờ sông Đồng Nai thấp ở bên dưới. Dưới tấm biển lớn đỏ chói chắn tầm nhìn ra phía Cầu Gành “Từ thưở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” dựng trên những cọc thép, anh bạn trẻ đang giỗ giành cô người yêu giận dỗi. Trước chòi, một bác đang chạy vòng vòng thử chiếc mobylette, trong khi những người khác tựa rào quan sát quang cảnh bên trong. Cách đó, cũng bên kia hàng rào về phía sông Đồng Nai, mấy chiếc ghế bố đôi hướng ra bờ sông chưa có người ngồi vì có lẽ quán cà phê chưa tới giờ đông khách. Tôi ra về ngay lúc những bóng đèn huỳnh quang trong chòi được bật lên. Nhìn lại, đền thờ chính thờ cụ Nguyễn Hữu Cảnh vẫn đóng cửa, ánh sáng từ những bóng điện đường hắt lên mái ngói khung gỗ ánh màu vàng vọt.

 

 

Mái ngói đền thờ cụ Nguyễn Hữu Cảnh

 

 

Bản đồ đường đi đến các địa điểm tại TP Biên Hòa - Vòng tròn màu xanh ghi chú những điểm dừng chân

---

 

[1] Còn có tên gọi khác là “Vert de Bien Hoa” do kết hợp những kỹ thuật gốm Hoa, Khơ Me và Limoges của Pháp cùng với nguyên liệu địa phương tạo thành. Tham khảo thêm tại link http://khanhhoathuynga.wordpress.com/2009/04/12/g%E1%BB%91m-bien-hoa-d%E1%BB%93ng-nai/ Về gốm có thể đọc thêm ở nhiều tài liệu và diễn đàn khác như http://www.phongluuqb.com

http://www.luanvy.com/writing/phamcongluan/pcluan030.html hoặc tìm đọc “ThS. Dũng, Phan Đình, Thông, Nguyễn Văn, Tri, Nguyễn Yên, GỐM BIÊN HÒA, NXB Đồng Nai - 2004”

[2] Hiện tượng sản phẩm gốm biến đổi màu men dưới ảnh hưởng khác nhau của nhiệt độ khi nung trong lò, phụ thuộc vào vị trí của sản phẩm trong lò và khả năng khống chế lửa của người thợ. Vì các lo nung xưa theo cách thủ công nên tỷ lệ thành phẩm thành công sau khi nung, màu men biến đổi như ý muốn thường thấp. Với phương pháp hiện đại hơn, như dùng lo nung ga, áp dụng các công nghệ điều chỉnh, đo lường nhiệt độ lò, ngày nay, tỷ lệ thành phẩm đạt chất lượng và “hỏa biến” theo ý muốn đã tăng cao lên rất nhiều.

 

[3] Ông Balick, hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa năm, trưởng Ban Đồng. Bà Mariette Balick, vợ ông, là trưởng Ban Gốm. Ông bà đã ở Việt Nam trong khoảng thời gian năm 1923 - 1944. Dưới sự điều hành của ông bà, trường Mỹ nghệ Biên Hòa đã có những thành tựu nổi bật, sản phẩm được khách hàng các nước Pháp, Nhật ưa chuộng. Chính bà Balick đã sáng tạo ra loại men nổi tiếng trên.

 

[4] Theo “Anh, Nguyễn Minh, Công trình xưa gốm Biên Hòa” thì Đài phun nước “Cá hóa long” được thực hiện với mục đích chỉnh trang lại Công trường Sông Phố theo yêu cầu và đơn đặt hàng của tỉnh Đồng Nai cho trường Mỹ nghệ Biên Hòa năm 1968. “Phác thảo bằng đất ba con cá hóa long đang đỡ cái mâm (đĩa) của giáo viên điêu khắc Đặng Văn Tứng, học trò ông được chọn. Mẫu con cá này nhà trường đã thực hiện để trang trí chợ cá Biên Hòa trước năm 1945. Sau khi sữa chữa và được tỉnh chấp thuận, ông bắt đầu cho triển khai lớn theo thiết kế. Một số giáo viên và nghệ nhân tham gia thực hiện: cái mâm lớn được làm bởi “vua xoay” của làng gốm Biên Hòa – Hai Bồi, hoa văn trang trí xung quanh mâm lớn được thực hiện bởi đại diện cuối cùng của kỹ thuật nắn bộng – Ba Thọ, men gốm là bởi hai nghệ nhân gốm Ba Trầm và Hai Trâm...”

 

[5] Theo http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B9_lao_Ph%E1%BB%91, Cù lao Phố là vùng đất quan trọng gắn với lịch sử phát triển của vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai.

 

Đinh Lê Na
Số lần đọc: 5263
Ngày đăng: 12.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gốm Chăm Bầu Trúc - Lê Ký Thương
Người Lạc Việt Là Chủ Nhân Của Giáp Cốt Văn - Hà văn Thùy
Thềm Biển Đông – Chiếc Nôi Của Người Việt - Hà văn Thùy
Một Số Loại Hình Gốm Men Qua Cuộc Khai Quật Địa Điểm Đoan Môn Và Bắc Môn - Trần Anh Dũng
Vật liệu kiến trúc 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Hoàng thành Thăng Long - Trần Anh Dũng
Khai Quật Khu Lò Luyện Sắt Vườn Lò (Hiệp Hòa –Bắc Giang) - Trần Anh Dũng
Nghề Gốm ở Tân Phước Khánh (Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Tìm hiểu nghề gốm ở Hưng Định (tỉnh Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Tìm Hiểu Nghề Gốm ở Hưng Định (Tỉnh Bình Dương ) - Trần Anh Dũng
Đồ gốm sứ trang trí hình em bé - Trần Anh Dũng