Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.859
 
Trên Thảo Nguyên M’drak
Nguyễn Hàng Tình

 

Chẳng như những vó ngựa chinh phạt kiêu hãnh làm tơi bời cả cỏ non xanh của Thành Cát Tư Hãn với bộ lạc du mục Khất Nhan hay Hoằng Cát Thích trên thảo nguyên Mông Cổ ở vùng Trung Á của địa cầu này hồi thế kỷ 12-13, mà chính trong lòng thảo nguyên M’Drak ở Tây Nguyên của VN này là một thế giới du mục hoang vu ngào ngạt. Những dải núi đồi chập chùng trơ trọc không vướng phải một mảnh đại ngàn này  hiển hiện một cuộc sống thanh bình và  êm ái mênh mông gắn với loài động vật có tên là Bò…


Người ta vượt qua đèo Phượng Hoàng lên Tây Nguyên phải đi qua vùng thảo nguyên M’Drak. Muốn  tìm về với  miền biển Nha Trang cũng ngang qua M’Drak. M’Drak giữ vị trí nối biển với rừng. Có người bảo thật diễm phúc cho những người thường xuôi ngược đường 26, được ngắm M’Drak, một vùng thảo nguyên bao la và  trữ tình hiếm hoi sót lại của VN. Thế đó, nhưng dường như người ta chỉ thích ngắm nhìn M’Drak chứ không … dám chung sống với những đồi trọc khắc nghiệt xứ M’Drak ngoài những con người có tâm hồn của thiên nhiên…


ƠI M’DRAK…!

 

 

Cụ thể dân du mục đưa bò lang thang rày đây mai đó, ảnh Nguyễn Hàng Tình

 

Tôi bắt đầu lữ hành trên thảo nguyên M’Drak bằng sự thèm khát sự bao la, vẻ khoáng đạt bất tận của trời đất. Trước mắt tôi, sự tiếp nối lớp lớp của đồi trọc này với những đồi trọc kia bằng màu xanh của cỏ. Cứ thế chồng lên, rồi trải rộng thảo mộc ra như  vô cùng. Những người du mục bảo rằng mùa mưa đang tạt ngang qua thảo nguyên M’Drak, nên màu xám cháy đã tạm ra đi. Sự sống đang trỗi dậy phi thường theo quy luật thường  niên của thảo nguyên này. Nghĩa là sự dở dở ương ương của khí hậu, sự tàn khốc nắng cháy và mưa gió ì ành nhởn nhương của xứ sở mang cùng một lúc khí hậu của miền duyên hải xen với khí hậu núi cao giáp ranh giữa Khánh Hòa với Đắc Lắc này đã bị đẩy lùi. Không riêng tôi,  bất kỳ ai có mặt trên thảo nguyên này cũng phải băng qua chập chùng đồi xanh ở M’Drak bằng đôi chân trần giẫm cỏ, mà không có sự lựa chọn hay tính toán nào khác. Những đồi xanh chập chùng kia không dành cho xe máy, và ngay cả ngựa cũng không hề  một bóng dáng. Truyền thống người Tây Nguyên Ê Đê bản địa không  phải loại sắc dân sống nghiệp đời du mục. Họ sống rón  rén, chan hòa trong buôn làng nhỏ đủ ấm cúng và yên bình. Cộng đồng và cuộc sống máu thịt của họ là tựa vào đại ngàn, nương nấu dưới sự linh hiển của rừng,  như “lẩy” ra từ rừng. Họ không có nền chăn nuôi đại gia súc qui mô, và xác lập rõ mục tiêu hàng hóa cho hoạt động chăn nuôi đó. Chăn nuôi cũng gần làng, gần rừng thân thuộc. Họ không có nhu cầu tung vó ngựa hay vó bò khắp những thảo nguyên mênh mông.

Nên sự xuất hiện kiếp sống du mục trên thảo nguyên này là một mô hình mới, hình thành tự nhiên, với “công dân” của nó là dân nhập cư từ đồng bằng lên.  Thế là kiểu du mục ở đây khác xa tập tục du mục, kiểu chăn thả, coi quản  thảo nguyên  của dân du mục Ả Rập, hay Trung Á. Nếu nhờ vào một cái gì đó để di chuyển chỉ có thể là bò, duy nhất bò. Không dùng ngựa để chăn bò. Dùng bò để chăn bò. Tại sao không cưỡi bò chứ. Hãy cứ lựa ngay những con bò to nhất, thông minh nhất trong đàn bò đông đúc kia mà cưỡi. Không sống trên lưng ngựa như dân Mông Cổ thì sống trên lưng bò vậy_ vẫn di chuyển tốt, hiệu quả chán. Mà cưỡi bò không yên không phải ai cũng làm được, dường như trò ấy chỉ dành cho những du mục thiện nghệ của thảo nguyên M’Drak, và những người trẻ trai mới được trời và đất chỉ dạy cho bí quyết và lòng can đảm.


*

 

Tôi cứ miệt mài đi qua thảo nguyên. Mệt thì nằm xuống cỏ, lôi nước ra uống, bánh qui ra ăn. Tôi lạc lỏng trong thế giới đó. Nhưng tôi được nhìn sâu vào thế giới sống đóng đinh vào thiên nhiên này. Bò là động vật thống trị thảo nguyên M’Drak. Nhìn đâu cũng thấy bò, từ phía xa xa cho đến ngay trước mặt, từ đồi này sang đồi kia, ở thung lũng này hay thung lũng phía đàng sau lưng…

 

Những người du mục lưu linh lạc địa này chỉ  tôi những vật nhỏ di động phía xa rằng thỏ vẫn đầy ra đó, nếu muốn đuổi hay săn chơi. Ở những chỏm cây xanh thấp nối hai dải đồi thi thoảng cũng thấy vài loài thú nhỏ. Rừng hoang đã lùi xa lâu lắm rồi, nhưng nơi rốn trũng hay những hồ nước tự nhiên chơi vơi trên thảo nguyên cũng còn là chỗ cuối ngày mà các loài thú hay về uống nước và ăn một thứ đất có khoáng chất. Nhiều khi bờ bên này bò đang uống nước thì bên kia vẫn có những con mang nhỏ bằng con chó. Chúng chung sống, tự nhiên và dạn dĩ.  Sự nghèo nàn và thưa thớt của động vật khiến thảo nguyên này không phải là nơi dân hành nghề săn bắn để ý. Có lẽ đó là lý do để sự hồn nhiên vẫn còn. Còn con người, cho dù có sở hữu những đàn bò kia nhưng trước thảo nguyên cũng chỉ là hình ảnh bé nhỏ khuất lấp đâu đó giữa những đàn bò đông như… “quân Nguyên”.   Cũng dễ hiểu thôi, vì đàn bò nhiều vô kể, nghe đâu tới mười mấy ngàn con,  thường mỗi đàn 35- 50 con, nhưng cũng có đàn đông đến vài trăm. Điều kỳ diệu là cho dù bò có đông đến mấy, thì mỗi đàn cũng có một hai người trong coi. Những người du mục nói, bò sống giữa thảo nguyên mênh mông nên bất trị như… bò. Đó là kiểu sinh hoạt, di chuyển theo quy luật bầy đàn, không thể tách riêng lẻ, khi hiền thì  rất hiền nhưng  khi chướng thì cũng rất chướng. Bò “tự do” tuyệt đối. Không bao giờ bị xỏ mũi. Vì không có con nào có dây dắt_ lấy đâu bị xỏ mũi. Người du mục ở đây thường thách: “Đố ai bắt trộm được bò… thảo nguyên !?”. Vì tự do, nên phong thái bò cứ an nhiên và hoang dại. Cô bác kể, thường nếu có mất bò cũng do kẻ gian mai phục đặt bẫy, hoặc thường nhất là đào hố  để đàn bò ngang qua rớt xuống. Những người du mục rằng, nhiều khi thấy đọng lại trên một số hầm nào đó của thảo nguyên một bộ xương bò, nghĩa là sau nhiều ngày nó đã chết vì sập hố mà không phát hiện ra. Quân số bò dàn ra mênh mông thế nên rớt hố làm sao biết được. Còn chuyện “Thách đố bắt được bò”  là dành cho hành động đường đường chính chính, với người ngay. Chứ còn kẻ gian, trộm chủ đích, thì  thể nào mà bò thoát, khi chúng quyết “tấn công” vào đàn. Đeo bám mãi, dùng đủ mẹo mánh, con gì chả tóm được, đăng này con… bò! Cho đến hôm nay, dân du mục  nhận ra những kẻ trộm bò thường là thành phần nhập cư, từ phía Bắc vào theo người thân làm rẫy bên ngoài thảo nguyên này. Họ xâm nhập thảo nguyên bí mật, và đào hố bí mật, mà không để những người chăn bò biết. Với những người chăn bò với nhau, không bao giờ trộm tráo bò nhau. Những lưu dân làm rẫy kia vì thấy bò đàn đông đặc cứ như của trời  trên thảo nguyên nên sinh lòng tham, cố mà đánh quả. Nhưng thảo nguyên có qui luật sinh tồn của nó. Bò sinh sôi hàng ngày, nên phần bị trộm bắt cũng không đáng gì. Tính hoang dã hình thành, nên xuất hiện những con bò mẹ “có cá tính”, khi đẻ thường mang con đi giấu. Khi bò mẹ tự lo chuyện sinh nở, nhiều chuyện oái ăn xuất hiện, mà niềm vui nếu có là nhiều ngày sau chủ chăn gặp lại bò quen, thấy một cặp mẹ con đang đi ăn…

 

Cũng không ai biết được luật bất thành văn trên thảo nguyên này dành cho kẻ chăn bò thuê là nếu để mất bò mà không mang được xác về, dẫu còn bộ xương, coi như… giữ bò không công suốt năm. Đời cha trả… bò chưa  xong thì đời thứ hai chăn bò thuê, tức con_ phải chăn trả nợ.  Đền lấy con bò bị mất, cho chủ. Chủ thì không biết “mặt” bò mình, nhưng biết đếm số lượng đầu bò trong đàn.


*


Tuy nhiên, sự thanh bình và đùm bọc vẫn là đặc điểm cố hữu trên thảo nguyên này. Không thấy người ta dành nhau đồng cỏ.  Chắc chắn có một quy luật gì đó không thành văn. Hỏi ra mới biết rằng, khi thấy đã có một đàn bò nào đó xuất hiện ở ngọn đồi kia thì đàn bò này nhường di chuyển sang đồi khác. Tình yêu thương của dân du mục cũng lạ. Họ có thể cùng ngủ nhờ nhau trong một chòi canh, trong khi đàn bò mỗi người chẻ ra hai phía. Những kẻ du mục thường san sẻ nhau một bi đông nước.  Thiên nhiên làm người ta hào phóng với nhau. Người ta chỉ  nhau cách làm chuồng trại sao cho khoa học, cũng như cùng nhau bảo vệ sinh mạng những đàn bò, nhất là cùng phòng chống dịch bệnh, vì quy luật chăn nuôi trên thảo nguyên: nếu xảy ra dịch bệnh là phản ứng dây chuyền, lây lan từ đồng cỏ này sang đồng cỏ kia, không sót bất cứ đàn bò nào cả. Hình ảnh những đàn bò của người M’Drak thả ăn chung một dãy đồi, hay một thung lũng với đàn bò của người đến từ Buôn Ma Thuột, Ea Kar (Đắc Lắc), Khánh Hòa, Bình Định, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị lưu lạc là chuyện bình thường. Những năm gần đây, người bản địa Ê Đê cũng bắt đầu tham dự vào thảo nguyên. Cũng bắt đầu đi du mục, thả bò rày đây mai đó.  Ở quanh vùng Buôn Ba, gia đình người Ê Đê nào cũng  có bò, từ đôi ba con đến vài chục con. Dân du mục Ê Đê thả bò trải dài trên những  đồng cỏ từ dãy Chư Prao, men theo dãy Chư Pá. Từng đàn bò của những nhóm dân xuôi ngược, lướt qua các đồi cao, lũng sâu của thảo nguyên. Hiện rõ ra một sự đùm bọc rất tự nhiên, chung hưởng sự thịnh vượng trên thảo nguyên này. Dân du mục ở M’Drak kể rằng, người Ê Đê chỉ bày cho du mục người Kinh cách lùa bò lên núi là cách tuyệt hảo để chữa bệnh ỉa chảy bằng lá cây thì du mục người Kinh cũng chỉ cho người chăn bò người Ê Đê cách chữa bệnh tụ huyết trùng, phòng chữa bệnh lở mồm long móng… bằng thuốc tây. Bất cứ dân du mục nào cũng là một bác sĩ thú y siêu hạng, với mọi bệnh tật đều ra tay được. Bác sĩ thú y của Chính quyền hẳn khó chịu thấy với bò sống giữa hoang dã này.

 

Những ngày đầu tiên, tôi không hiểu sáng ra mỗi  du mục kia cùng đàn bò của họ xuất phát từ đâu, nhưng chiều tàn họ lũ lượt kéo nhau tụ về những rốn nước trên thảo nguyên. Bò đi trong nắng tàn của ngày như những con sóng xoắn lại ùn về. Cứ theo chân họ, mới hay đêm về bò cứ thả cho nó nằm ngủ dưới sườn những đồi đủ độ cao để tránh gió. Dải đất bằng nằm giữa hai ngọn đồi mà phía sau có dãy núi cao cũng là chỗ để đưa bò về ngủ. Riêng những đàn bò mà chủ nhân xuất hiện ở M’Drak sớm nên đã trồng được chỏm rừng keo lai thâm thấp không xa thảo nguyên thì đưa nhau về đấy ngủ. Dân du mục ăn ngủ đơn giản ngoài sức tưởng tượng, khi ta thấy họ đánh giấc ngon lành trên các chòi cây cất đơn sơ ở chỗ lùi sâu ra biên của thảo nguyên. Vì cái chòi sơ sài, nên tấm chăn luôn dày khủng khiếp, hoặc đắp một lúc hai ba chăn. Những ngày không mưa họ ngủ đêm tài tử trên chòi, nhưng ngày mưa thì bằng mọi giá họ lùa bò rời thảo nguyên luôn, đưa về các làng mạc, rẫy, rừng bên ngoài thảo nguyên. Cứ thế sáng mai, đưa bò vào lại thảo nguyên sớm hơn. Bò sống trên thảo nguyên di chuyển mỗi ngày quá dài, nên việc đưa bò ra khỏi thảo nguyên để ngủ đêm là tình huống bất khả kháng.


SỰ LÃNG MẠN HUYỀN THOẠI

 

 

Vào mùa mưa thảo nguyên M.Drak tươi tốt từ bò đến nụ cười của người du mục, ảnh Nguyễn Hàng Tình


Dưới mắt dân du mục ở đây, những đồi cỏ bao la kia xuất hiện là để cho bò. Còn những nhà hoạch định nông nghiệp của địa phương Đắc Lắc và Bộ NN&PTNT thừa nhận rằng: dường như chỉ có bò mới làm vùng đất M’Drak sinh sôi, phát triển, bởi dưới những lớp đồi trùng trùng kia chỉ toàn là đất pha cát và đá, đá khối, đá tảng, hay nói khắc đây là một trong những địa bàn mà thổ nhưỡng lẫn khí hậu khắc nghiệt nhất Tây Nguyên. Dân canh nông lơ nó, và trước đây từng bỡn đùa:  “ Thôi thì dành nó cho… cỏ!”_nghĩa là không có trong bản đồ trồng trọt. Người ta giải mã ra,  ở những dải đồi núi đá và đất pha cát đó, nếu không nhờ một lớp bụi dày nhiều trăm năm  phủ lên sẽ khó có một thảm cỏ bao la, hình thành nên một thảo nguyên.

 

*

 

Bò đã trở thành tình yêu duy nhất. Không yêu sao được khi  giá trị mỗi con 3-7 triệu đồng. Những ngày trên thảo nguyên, mọi thứ đều bay mùi bò, đến giỡi đùa cũng lấy bò ra mà pha trò. Dân du mục cứ như không cần biết những gì ngoài kia. Nhưng họ thích kể những câu chuyện về số nông dân nghèo bên ngoài cố tích góp tiền từ nguồn nông sản  sắn, cà, mía… để sắm bò, gầy thành bò đàn. Gầy bò thành đàn thì mới thả vào thảo nguyên. Kẻ không có gì để tích góp thì đi vay ngân hàng. Còn kẻ  không có gì cả thì đi… chăn bò thuê vậy. Nên người chăn thuê cứ mỏi mòn trông mong đàn bò của chủ rớt ra thêm mỗi ngày để họ ăn phần trăm trên số đầu bò con ra đời.  Họ biết một sự thật của thảo nguyên là gần  đây, giới có của ở thị trấn Khánh Dương_huyện lỵ M’Drak, dân buôn bán trên huyện Ea Kar, rồi cả thị dân, đại gia ở Tp.Buôn Ma Thuột… đều hướng về M’Drak. Thảo nguyên mênh mông, cỏ không cần phải trồng, đất không cần phải mua, nhưng dễ  thu vào  một nguồn lợi dồi dào giữa trời đất.  Đến dân trồng cà phê ở các huyện, do cà phê thất sủng… cũng bị thảo nguyên M’Drak hớp hồn vì… bò. Nếu không coi M’Drak là thiên đường thì người ta cũng xem nó như vùng đất cứu cánh. Bởi với thảo nguyên này, hình như chỉ cần có một tâm hồn lãng mạn với thiên nhiên + ít vốn ban đầu mua bò + bỏ công(hoặc thuê) chăn thả… là có thể hy vọng kiếm được tiền. Vì cái cần nhất là cỏ thì đã không phải mất tiền mua rồi.

 

Dĩ nhiên, những người giàu có nhất ở M’Drak là những người nuôi bò, chủ các đàn bò trên thảo nguyên kia. Được chơi với trời cao đất rộng và thong dong kiếm tiền.  Mở xưởng máy, xí nghiệp, Công ty… cần hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, thương mại, còn mở đàn bò lang thang thảo nguyên không cần học nhiều. Chỉ cần yêu sự thơ thẩn, lang thang. Dân du mục đúc rút: “Thiên nhiên sẽ dạy cho cách nuôi bò”. Và tất nhiên, thiên nhiên dạy cho cách cứu bò.

 

*

 

Nhưng ai không có tiền để tạo lập những đàn bò thì vẫn cứ có cơ hội yêu thảo nguyên M’Drak mà. Đó là lý do mà những con người có phẩm chất  phiêu bồng  như trên thi thoảng lại rơi xuống đây: “tìm việc”_ chăn bò. Nguyễn Thành Trung, 15 tuổi, người Tp.Buôn Ma Thuột tự hào là chẳng ai mách bảo cả, cậu ta tự “phát hiện” ra thảo nguyên này, và đi tìm việc. Trung nói lý do thật đơn giản: “…. Muốn được lang thang trên đồng cỏ bao la. Thoát khỏi đô thị. Khỏi ganh đua với ai.”.  Nhưng Trung cho rằng đã chăn bò, chỉ  có thể dấn thân ở núi đồi trọc Drak thôi. Cậu nhỏ cứ hay ca ngợi sự tự do tuyệt  đối, cảm giác được thả ra bất tận trước đất trời. Tôi hỏi cậu có nghe  câu hát: “Ai yêu tự do thì lên núi nghe… đàn Chapi” chưa ?. Cậu ngắn gọn: “Cũng chẳng nhất thiết phải nghe được bài hát đó mới yêu tự do!”. Thế mới vỡ  ra vì sao cha mẹ đã ép vào một xưởng cơ khí hay sửa chữa xe gì đó, nhưng cậu lại quẫy thoát, rồi lù lù ở đây. “ Tiền nhiều không bằng sự du dương… thế này”, đứng giữa thảo nguyên Trung vung tay vẽ một vòng phía trước. Cũng có những người phụ nữ thích lang thang. Như chị Nguyễn Thị Tý đây, tuổi 32, tâm sự rằng từ thích cỏ thơm M’Drak một thời gian cho vui, nay thì thèm  chết sống ở đây luôn. Gần mười năm trước, vợ chồng chị từ Trường Giang, Nông Cống, Thanh Hóa vào đây  lúc nghèo đến mức tài sản duy nhất là bộ đồ trên người. Không mảnh đất cắm dùi, và được một chủ đàn bò tiếp nhận làm dân du mục, cho chăn bò. Chăn bò thì chăn bò, dù hoàn toàn khác xa nghề cày cấy ở quê nhà ngoài kia. Xin áo quần thừa người ta mặc, chị vợ này hăng hái đi chăn bò. Chăn bò, chủ trả lương  năm, chị không lấy, mà xin nhận bò. Chủ Ok, “không lấy lương, thì cứ lấy… bò!”,  theo cơ chế tự đưa ra của người phụ nữ liều mạng. Cố mà chăm bò người ta cho tốt. Nếu giữ cho người ta 100 con nái, mỗi năm người ta buộc phải cho ra đời 100 con bê. Theo luật miệng(chỉ cần  thỏa thuận) ra đời trên thảo nguyên: “ Ai chăn cứ đẻ ra 5 con bê thì được hưởng một con”. Luật chơi này cũng nghiệt ngã đây, vì nếu bò không đẻ thì coi như không thu được gì cả. Cứ vậy, cặp phu thiếp lưu vong này nhịn mặc bớt ăn để gầy từng con bò riêng. Nhưng may mà người ta còn nhường lại cái bò thải ra_phân_ có cái bán kiếm thêm tiền đong gạo sống qua ngày, chứ chủ mà “ăn phân” luôn thì vợ chồng chị  này còn đớp ruồi. Nhận chăn ít thì lâu gầy ra được đàn bò. Thế là chị trên chấp nhận cực trên mức kia: nhận chăn thật nhiều, đến số trăm con. Chủ biết tham vọng người này nhưng vẫn cứ sẵn sàng giao hai trăm con một lúc, vì biết bởi khát khao kia  họ sẽ chăn tốt hơn người khác. Chỉ vào đàn bò 45 con to mập dưới chân dãy Chư Pá _xã Krông Jing_ lững thững như bò nhà giàu đang gặm cỏ, Chị Tý bây giờ rạng ngời hạnh phúc: “ Của tôi đấy!”. Chị bày tỏ là sẽ sớm gầy cho thành đàn trăm con. “ Và  tương lai, phải vài ba đàn như thế”, chị Tý tủm tỉm cười. Chồng chị Tý nói giờ đây nếu muốn sống ở phố _lên Buôn Ma Thuột, hay về Nha Trang_ thì  với họ có khó gì: Chỉ cần đẩy đi 30 con  là có thể “lên đời” Thị dân. “Nhưng Thị dân sao bằng “Du mục dân” chứ!. Trời đã đưa mình đến nơi đáng sống nhất rồi. Chị Tý và chồng đã ngóe tay nhau là “Đến chết cũng không bỏ thảo nguyên này mà đi !”.

 

Còn Nguyễn Văn Nam, một người đàn ông 47 tuổi, quê từ Kỳ Anh,  Hà Tĩnh vào  kể rằng, từ nhỏ đã mê chăn bò. Cho đến khi 37 tuổi mới nghe nói trong Nam có một thảo nguyên mang tên M’Drak bao la lắm, tha hồ chăn thả mà không giành giật từng thẻo cỏ như ở quê ruộng. Nam  tìm vào Nha Trang, dặm hỏi rồi mò lên cái thảo nguyên trên đèo Phượng Hoàng này. “Chăn bò thuê  thì sang quá đi chứ. Không hơn chạy xe khách, xe tải đường dài Nam Bắc hàng ngày à ?!”, ông Nam cứ so sánh kỳ cục. Cứ thế, suốt mười năm qua, người đàn ông này hết chăn đàn bò của người này đến đàn bò của người khác. Không như chị Tí đòi được “ăn bò”, anh Nam chấp nhận chăn thuê với giá:10.000 đồng/ con bò/tháng. Cứ thế nhân lên số lượng đàn bò trong đàn là thu nhập của anh hằng năm. Cảm xúc từ thiên nhiên mang lại cho họ cảm xúc làm giàu. Làm giàu trong lộng gió, lộng nắng, lộng trong sự huyễn hoặc ban đầu của họ. Anh tự tin sang sảng rằng, không biết có phải được sống tự do, hít thở không khí trong lành hay nhờ ơn trời thương những kẻ cô độc mà dân du mục trên thảo nguyên M’Drak này ít khi phải ngã bệnh (!?).

 

Một mình đi chăn  bò “không đã”, lại hằng ngày giữa bao la thảo nguyên thấy cũng cô đơn, anh Nam bèn kéo những đứa con bốn năm tuổi đi chăn cho có bạn. “ Mênh mông thiên nhiên sướng, thả ga mơ tưởng; nhưng nhiều lúc nhìn tứ bề  rộng quá, cũng bỗng…. buồn hiu!”.  Những đứa trẻ lớn lên trên thảo nguyên không biết có phải đã ngấm vào trong “máu du mục” không mà bầy con trẻ của anh tất cả đều mê chăn bò, chỉ muốn nối… nghiệp cha.  Nó chưa biết sợ buồn. Thằng Thành, con Hải, Thằng Sĩ đều cưỡi bò thuần thục, lội cả ngày qua những đồi cỏ thảo nguyên bao la với việc trông coi cả trăm con bò mà vẫn như… trò chơi. Thằng Thành bảo: “sẽ cưỡi bò cả đời trên thảo nguyên  này !”. Không biết, mai mốt lớn lên nó có đổi sự lựa chọn, mà có đổi cũng là bình thường, đáng yêu thôi. Với anh Nam là thế, nhưng cũng có những người đi chăn bò thuê cốt để mưu cầu sự đổi đời, để có tiền gửi con lên phố học cho thành danh…


*

Trại bò thường được hạ ở thật xa dân cư, nơi chỉ toàn đồi cỏ mênh mông. Nghe đâu vùng M’Drak này có đến trên 200.000 ha đồi cỏ mà bò có thể rong ruổi, trải dài ra 60, ngang  45 cây số. Thảo nguyên M’Drak không lớn, nhưng nghe nói chưa có đàn bò nào lội hết thảo nguyên này trong kiếp bò của chúng.

 

*

Những người du mục cho biết, mùa mưa trại bò hạ bất cứ chỗ nào trên thảo nguyên, còn mùa khô thì phải tìm nơi nào có rốn đọng nước mới hạ trại. Thế nhưng cho đến khi ao rốn, suối hồ tự nhiên kia khô cạn thì phải di dời bò đến những vùng khe, lạch sâu xa hơn. Còn bây  giờ  đang là mùa xanh của sinh sôi, những đàn bò nung núc thịt, và nụ cười rạng rỡ trên môi người du mục.Tuy nhiên, theo quy luật ở thảo nguyên, người ta lại bắt đầu nỗi lo về sự ám ảnh của mùa khô, bởi mùa mưa là sự chuẩn bị chuyển nối của một mùa khô hạn. Vào mùa khô hạn, cả những đồi cỏ xanh trên thảo nguyên M’Drak chỉ còn là một khối vàng cháy khổng lồ, đen xám bao la như nó từng xanh tươi mênh mông.

 

Vào mùa khô cháy đấy, thảo nguyên M’Drak sẽ hiện ra hình ảnh về những đàn bò gầy khô thẫn thờ diễu hành trên thảo nguyên, đôi khi trơ xương, cầm cự chờ mưa sang. Những ngày phiêu linh cô lẻ trên thảo nguyên M’Drak tôi nhận ra nơi đây không phải là văn hóa du mục mà là mưu sinh du mục. Thuần túy mưu sinh nên hồn vía thảo nguyên mênh mông nhưng mỏng tanh, phiêu bạt, không như máu thịt, không kết tinh. Những cuộc đời là những mảnh rời. Nhưng cuộc sống trên thảo nguyên M’Drak cho tôi  hiểu được giá trị của sự sống khắc nghiệt, chung sống với nắng mưa, sự chết chóc cùng với hoa thơm nơi cỏ dại. Cũng chính lững  thững ngày nối ngày trên cỏ dại bất tận này, tơi mới hay đây là nơi lặng lẽ cung cấp nguồn thịt bò trọng yếu cho đô thành lớn nhất nước: Tp.HCM, cùng nhiều thành phố phía Nam lâu nay. Thế giới sống của nó không  kết tinh, vậy mà trói ta vào một cảm giác yêu trời đất kỳ lạ, cứ muốn dây dưa với nó. Thoáng trong đó, tôi  hiểu vì sao Nguyễn Cường_ một nhạc sĩ của Hà Nội đô hội_ khởi sự “nhạc về Tây Nguyên” từ thảo nguyên này với bài “Ơi, M’Drak”  thê thiết đến điếng người vậy./.

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 3438
Ngày đăng: 12.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Với Bạn, Một Chân Tình Khó Quên - Lữ Quỳnh
Lang Thang Trong Những Rừng Ma - Nguyễn Hàng Tình
Sơn La Ký Sự 7 - Nguyễn Khôi
Lê Hoàng Hoa: Người dựng nên lịch sử ngành truyền hình không chỉ của Việt Nam Cộng Hòa - Lê Hải*
Nốt Tháng Bảy - Nguyễn Hồng Nhung
Sơn La Ký Sự 6 - Nguyễn Khôi
Trường Sa Của Tôi - Nguyễn Thị Hậu
Nước Mắt Lâm Tặc - Nguyễn Hàng Tình
Một vài kỷ niệm sống động - Nguyễn Đăng Trúc
Sơn La Ký Sự 5 - Nguyễn Khôi
Cùng một tác giả