Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.585
 
Nguyễn Trãi (1380-1442):----------------- Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 1
Nguyễn Văn Thành

 

© TT văn hóa Nguyễn Trường Tộ

 Định Hướng tùng thư xuất bản

2001

 

 

Lời mở đường

 

 Nguyễn Trãi và Lê Lợi

 

Suốt gần mười năm kháng chiến chống quân Minh ngoại xâm (1417-1427) hai tên tuổi Nguyễn Trãi và Lê Lợi đã gắn bó mật thiết với nhau như hình và bóng. Nhờ vậy, hai nhân vật lịch sử có tầm cỡ nầy đã làm nên đại sự cho Đất Nước Đại Việt, thời ấy: xua đuổi quân Minh lui về đất nước của mình, thu hồi hòa bình và chủ quyền cho quê hương, sau hai mươi năm bị chiếm đóng và đô hộ một cách tàn ác và dã man.

Bài Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi đã ghi lại một vài chiến công oai hùng và oanh liệt ấy:

"Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp,

"Hòa rượu cùng uống, binh sĩ một dạ cha con.

"Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngơ ;

"Lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục.

"Rút cuộc, lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn;

"Lấy chí nhân mà thay cường bạo.

"Trận Bồ Tất như sấm vang chớp giật,

"Trận Trà Lân như trúc chẻ tro bay.

"Sĩ khí lại càng thêm hăng

"Quân thanh càng lừng lẫy.

"Bọn Trần Trí, Sơn Thọ nghe tin bở vía,

"Bọn Phương Chính, Lý An nín thở mong sống tàn.

"Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lấy;

"Chọn quân thẳng tiến, Đông Đô đất cũ thu về.

(....)

"Xã tắc do đó được yên.

"Non sông do đó đổi mới.

"Càn khôn đã bĩ mà lại thái.

"Trời trăng đã mờ mà lại trong.

"Để mở nền thái bình muôn thuở .

"Để rửa nỗi sỉ nhục ngàn thu " 1

Thế nhưng, từ năm 1428 trở về sau, khi đất nước đã sạch bóng quân thù và Lê Lợi đã trở thành Vua Lê Thái Tổ, lòng người bắt đầu thay đổi. Quan hệ giữa người và người bị bế tắc và khủng hoảng.

Hẳn thực mới ngày nào, Nguyễn Trãi là vị mưu sĩ số một của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh.

•          Chung quanh 1417, Nguyễn Trãi đã tìm đến Lỗi Giang, thuộc tỉnh Thanh Hóa, dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi, thủ lãnh của Nghĩa quân Lam Sơn. Từ đó, ông luôn luôn được Lê Lợi giữ lại bênh cạnh mình, để bàn mưu tính kế đánh quân Minh.

•          Nhân danh Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã thực thi mọi công việc giao tiếp với quân Minh. Ông đã viết thư cho Sơn Thọ, Phương Chính, Thái Phúc và Vương Thông là những tướng lãnh đang ở các vị trí chỉ huy khác nhau về phía địch.

•          Cuối năm 1426, Nghĩa quân Lam Sơn vây thành Đông Quan, còn gọi là Thủ đô Thăng Long. Tại một chòi cao ở Bến Bồ Đề, Lê Lợi ngồi ở tầng thứ nhất, để chỉ huy các cuộc hành quân của binh sĩ. Trong khi ấy Nguyễn Trãi có mặt ở tầng thứ hai, để bàn mưu vạch kế. Ai ai cũng thấy:  Chỗ nào có Lê Lợi, chỗ ấy Nguyễn Trãi luôn luôn có mặt một cách trung tín.

•          Vào năm 1427, bị dồn vào thế khốn quẩn, Vương Thông đề nghị giải hòa. Thay vì tận diệt quân Minh để báo thù theo nguyện vọng bình thường và tự nhiên của tất cả mọi tướng lãnh đang cầm quân, Lê Lợi đã thực thi ý kiến của Nguyễn Trãi : Cung cấp cho Vương Thông đầy đủ lương thực và thuyền bè, để ông rút quân về nước, trong trật tự và an bình, trước sự chứng giám và hộ vệ của đoàn quân Đại Việt.

Vậy cái gì đã thay đổi trong quan hệ giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi, để hai người không còn nhất tâm, sát cánh bên nhau như hình và bóng, trên con đường xây dựng đất nước, sau khi hòa bình được vãn hồi?

Cái gì đã xảy ra thực sự để Nguyễn Trãi bị "thất sủng", đương khi những nhân vật kém tài, kém đức như Lê Sát, Lê Vân lại được trọng dụng, nâng lên các chức vị bậc nhất trong Triều Đình của Lê Lợi?

Lê Lợi đã tỏ ra có khả năng đại lượng, can đảm và thứ tha đối với những người địch thù, những người nước ngoài như Vương Thông và toàn bộ các binh sĩ của Ông! Thế nhưng, cũng Lê Lợi ấy đã có những hành vi bạo động, hẹp hòi, đầy nghi kÿ, khi đưa tay sát hại Trần Cảo, Trần Nguyên Hản và Phạm Văn Xảo. Đặc biệt hai vị sau là những tướng lãnh đã nằm gai, nếm mật với mình suốt thời gian kháng chiến. Họ chỉ ôm ấp một điều là góp tay xây dựng đất nước bên cạnh Lê Lợi. Chính họ từ lúc đầu, đã có mặt trong ngày tuyên thệ ở Lũng Nhai:

"Chúng tôi ( ...) tuy quê quán, họ hàng khác nhau, nhưng đã kết nghĩa anh em (...) thề chết sống đều phải được cùng nhau, không dám quên lời thề ước".

Phải chăng Lê Lợi cũng đã có lần khẳng quyết: "Ta sở dĩ cất quân đánh giặc không phải là có lòng tham lam phú quí, chỉ là muốn cho người ngàn năm về sau biết ta không chịu làm tôi giặc tàn ngược  thôi" 2.

Vậy trong thực tế, việc gì đã xảy ra không cho phép Nguyễn Trãi và Lê Lợi tiếp tục Nhất tâm trên con đường xây dựng đất nước và làm đẹp quê hương? Nhằm khai sáng một phần nào câu hỏi phức tạp nầy, tôi muốn mở ra lại hồ sơ về quan hệ giữa Nguyễn Trãi và Lê Lợi.

Hiểu được những gì đã xảy ra giữa hai nhân vật nầy, cách đây hơn năm thế kỷ, chúng ta sẽ hiểu được những gì đang xảy ra ngày hôm nay trong chúng ta và giữa chúng ta, khi hai người bắt đầu chung sống, hoặc làm việc với nhau.

Bao lâu chúng ta chưa thực hiện công cuộc nhận diện và đối diện với chính mình, một cách can trường, chân thành và sáng suốt; chúng ta còn dò dẫm trong đêm tối. Chúng ta chưa biết mình là ai! Động lực nào đang chi phối toàn diện cuộc sống của chúng ta trong mạng lưới quan hệ chằng chịt, ở giữa cộng đồng quê hương và dân tộc. Nói cách khác, chúng ta đang làm Người hay làm Ngợm, trong bao nhiêu tác phong, ngôn ngữ và dự án của chúng ta? Anh chị em đồng bào - trong đó có những thành viên thấp cổ bé miệng - là những "con người" thực sự và trọn vẹn, đáng được chúng ta trân trọng và phục vụ? Hay ngược lại, họ chỉ là công cụ, đồ vật nhằm thỏa mãn mọi ý đồ và dục vọng của chúng ta?

Theo khoa học Tâm lý xã hội đương đại, bao lâu chúng ta không tìm cách đánh sáng ý thức về mình và về người khác, cuộc sống chung, thuộc bất cứ địa hạt nào, sẽ có nguy cơ trở thành một trò chơi quyền lực, trong mọi quan hệ tiếp xúc hằng ngày; thậm chí giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, hay là giữa những người đã thề nguyền sống chết "có nhau, vì nhau".

Nhằm khai sáng bao nhiêu vấn đề phức tạp ấy, đã có mặt trong quan hệ giữa Nguyễn Trãi và Lê Lợi, cũng như hiện đang xảy ra giữa chúng ta, cuốn sách nầy sẽ trình bày và giới thiệu một cách chi tiết "Sách Lược Tâm Công của Nguyễn Trãi". Đây là một cống hiến lớn lao nhằm xây dựng đất nước và con người Việt Nam, đã có mặt vào đầu thế kỷ 15 và vẫn có giá trị trong thời đại ngày hôm nay.

Chương một định nghĩa kế hoạch "Tâm Công" với bảy động tác cụ thể. Đây là bảy bước đi lên thuộc tầm tay và khả năng của mỗi người.

Chương hai gợi lại những giai đoạn thành hình của "Tâm Công" trong cuộc đời của Nguyễn Trãi, ở vào một giai đoạn lịch sử của Đất Nước bị quân Minh đô hộ.

Chương ba đề nghị mang vào cuộc sống hằng ngày "sách lược Tâm Công" của Nguyễn Trãi. Lúc bấy giờ mỗi người trong chúng ta sẽ tìm ra con đường hóa giải hận thù thành tình thương, trong quan hệ tiếp xúc, trao đổi với anh chị em đồng bào.

Chương bốn nhấn mạnh thêm rằng trong đời sống cá nhân của mỗi người, cũng như trên bình diện của toàn thể đất nước, khi một nhu cầu tình cảm bị "thương tổn" hay là "thiến hoạn", nghĩa là khi tình thương không được vun trồng chăm bón, khi tâm lòng không có mặt, không phải là động cơ thúc đẩy mọi hoạt động, tai họa giáng xuống trên cuộc đời bằng cách nầy hay cách khác. Tai họa ấy là "hai không, bốn họa" có nghĩa là mênh mông, dai dẳng.

Cho nên, trong từng hoàn cảnh, "Tâm Công" nhắn nhủ mỗi người: Hãy mang đến cho nhau một tấm lòng. Không có cách xây dựng đất nước nào hữu hiệu và cơ bản cho bằng cách trao cho nhau một tấm lòng đầy yêu thương và tha thứ.

Hẳn thực, khi có một vấn đề bế tắc hoặc xung đột, chúng ta đứng ở ngoài nhìn vào thường có xu thế qui lỗi cho người nầy và bênh vực người kia. Thực ra, cả hai người, hoặc hai phe đều có những hạn chế trong lề lối nhận thức. Họ đều là nạn nhân. Họ bị lèo lái như con múa rối. Thay vì ngồi lại, nói chuyện, trao đổi... họ lẫn tránh nhau. Thay vì tìm hiểu, họ tố cáo nhau.

Đến một lúc họ bị tràn ngập trong khổ đau, nghi kÿ, bất mãn, giận hờn ... Như nước vỡ bờ, họ bị xô đẩy vào con đường bạo động. Và khi tìm cách hủy diệt người khác, chúng ta tự hủy mình. Làm sao còn tư cách làm người, khi chúng ta không cho phép kẻ khác làm người ?

Bao nhiêu phân tích và nhận xét ấy, nhất là khi được áp dụng vào cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, sẽ cho chúng ta thấy rõ: Nguyễn Trãi đã cống hiến cho Đất Nước và anh chị em đồng bào một tấm lòng. Dù có bao la, trọng đại đến mức độ nào chăng nữa, tấm lòng của Nguyễn Trãi vẫn có những giới hạn, những tồn tại. Nguyễn Trãi đã thành tựu với Lê Lợi. Nhưng đã thất bại với Lê Thái Tổ.

Từ đó, chúng ta có thể rút tỉa và chắt lọc nhiều bài học và kinh nghiệm quí hóa cho bản thân và cuộc đời. Trong chiều hướng nầy, mọi thất bại hoặc sai lầm, cho dù ở đâu, với ai, thuộc hoàn cảnh và thời đại nào, đều có thể trở nên cho chúng ta những yếu tố hồi dưỡng, những của ăn bồi đắp, hàn gắn, điều hợp trên tiến trình làm người.

Một cách đặc biệt, những gì Nguyễn Trãi đã thất bại, chúng ta sẽ tôi luyện để thành công. Những gì Nguyễn Trãi đã bắt đầu, chúng ta tiếp nối, bổ túc và kiện toàn. Những gì làm nên bóng tối trong con người và cuộc đời Nguyễn Trãi, chúng ta sẽ học tập để ngày ngày thanh luyện và hóa giải. Chúng ta sẽ là những tia nắng báo hiệu một bình minh huy hoàng.

Trong phần kết luận mang tựa đề: "Một tấm lòng vạn xuân", tôi muốn ghi nhận bài học hay là lời nhắn gởi của Nguyễn Trãi: khi chúng ta mở ra một tấm lòng cho con cái và tất cả những ai tiếp xúc với chúng ta, chúng ta đang mở ra những con đường Vạn xuân, có nghĩa là bất diệt, bất tử. Với cách làm ấy, chúng ta xây dựng một đất nước vạn xuân và sống trên Đất Nước Vạn Xuân, trách nhiệm văn hóa của mỗi người là ngày ngày:

"Mở rộng cửa Nhân, chờ khách tới;

"Vun trồng cây Đức, cho con ăn!" 3

Mặc dù trong hiện tại, đất nước vẫn còn la:

"Góc thành Nam lều một gian,

"No nước uống, thiếu cơm ăn.

"Con đòi trốn, dễ ai quyến,

"Bà ngựa già thiếu kẻ chăn.

"Ao bởi hẹp hòi, khôn thả cá,

"Nhà quen xuế xóa ngại nuôi vằn.

"Triều quan chẳng phải,  ẩn chẳng phải,

"Gốc thành Nam lều một gian". 4

 


 

Chương một

 

Sách lược "Tâm Công"

Nhằm tập hợp lòng người

 

 

Từ 1950, nhiều tác giả đã viết về Nguyễn Trãi. Ai ai cũng đều ca tụng danh nhân nầy như một con người lỗi lạc, xuất chúng ở mọi mặt : Văn chương cũng như chiến lược, đạo đức cũng như ngoại giao...

Đối với Võ Văn Ái, Nguyễn Trãi trước tất cả và trên tất cả là một "Thiền sư chứng ngộ". Cùng với Lê Lợi, trên chiến trường đánh Quân Minh, ông có khả năng "biến chữ ra người, ra sóng thần, ra hương, ra mật, nhưng cũng ra gươm, ra lệnh (...). Mỗi lời, mỗi ý, mỗi câu, mỗi bức thư của Ông là một lần khai thị. Nó xoáy động tâm tư kẻ đọc. Nó làm cho họ thao thức, khắc khoải, so đo, dao động. Nó làm cho người đọc tỉnh thức. Họ được khai thị. Họ được vén màn khái niệm đã che mờ thực tại tự bấy lâu" 5.

Qua tác phẩm của Trần Huy Liệu, Nguyễn Trãi nổi bật lên như "người có tài cao, chí lớn vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam". Hơn nữa, Nguyễn Trãi cũng được coi là "người có đạo đức lớn" 6. Trước bao nhiêu thử thách và gian khổ, Ông luôn luôn là người "bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" có nghĩa là: gặp nghèo hèn, vẫn can trường đứng thẳng, không thay đổi, xoay chiều. Trước sự đe dọa của uy quyền và vũ khí, Ông không hề chịu khuất phục, chấp nhận làm tay sai cho ngoại nhân xâm lược.

Với hai tác phẩm 7, Bùi Văn Nguyên trình bày nhiều tin tức mới lạ, độc đáo làm cho Nguyễn Trãi sáng rực lên như "Ánh sao Khuê". Trong tất cả sự nghiệp văn chương của Ông - Chiến đấu kiên cường cũng như trữ tình thâm thúy - người, vật và đất nước luôn luôn có quan hệ mật thiết, giao thoa thực sự với nhau. Và trong suốt đời, lúc làm quan ở Triều đình cũng như khi về ở ẩn tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi là "một người sống bình dị, vui hưởng cuộc đời thanh bạch". Nói đến Nguyễn Trãi là nói đến "một tấm lòng vì nước, vì dân". Tấm lòng ấy cần được tiếp nối và kiện toàn để trở nên vạn xuân và đại việt trong cuộc đời của chúng ta. Vạn xuân, trong lăng kính nầy, có ý nghĩa là bất tử, bất diệt, trường tồn. Đại việt, trái lại, là khả năng vượt thắng chính mình, để ngày ngày vươn lên tới một cuộc sống vĩ đại và cao cả, theo chí hướng văn hóa do tổ tiên cha ông đề ra, từ đời Lạc Long Quân và trối trăn lại cho con cháu và các thế hệ về sau.

Vượt trên tất cả, theo thiển ý của tôi, là tác phẩm trường thiên tiểu thuyết về Nguyễn Trãi, mang tên là Vạn xuân, của nữ văn sĩ người Pháp Y. Feray, do Nguyễn Khắc Dương chuyển dịch ra tiếng Việt. Thể theo quan điểm của tác giả, Nguyễn Trãi "vừa là một thi hào, một nhà viết văn cừ khôi, vừa là một chiến lược gia có tầm mắt viễn thấu, một nhà ngoại giao tài tình, một nhạc sĩ lịch lãm, một nhà địa lý thông thái và là một nhà sư phạm tuyệt vời" 8. Tuy nhiên cuộc đời của Nguyễn Trãi cũng là một tấn bi kịch đầy xót xa và thương đau. Phải chăng đó là tấn bi kịch của một vĩ nhân sinh ra trong một xã hội với lòng người còn quá hẹp hòi và bé nhỏ?

Nói khác đi, phải chăng Nguyễn Trãi là người yêu nước vĩ đại bị dày vò ngay trong chính quê hương của mình, theo cách nhận định của nhà đông học E. Gaspardonne? 9 "Bị dày vò" có nghĩa là bị bấn nát, điêu đứng, tiêu điều. Tôi sợ rằng: lối nói nầy có vẻ hơi quá đáng. Tuy nhiên, trong quá trình văn hóa của Cộng đồng và dân tộc Việt Nam nhiều sự cố đau buồn đã và đang làm cho Nguyễn Trãi và tất cả chúng ta thao thức, trăn trở. Mỗi triều đại, mỗi chính thể, từ trước cho tới nay, luôn luôn bắt đầu bằng một vụ tàn sát, thanh trừng, đổ máu. Phải chăng Tể Tướng Trần Thủ Độ - vị đại công thần khai nguyên Nhà Trần - đã chôn sống tất cả những anh em bà con họ Lý trong hoàng tộc? Và ra lệnh cho những ai mang danh họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn?

Sau nhà Trần, với Hồ Quí Ly, vòng luân hồi vẫn tiếp diễn. Sau khi cưỡng bức hoàng đế Trần Thuận Tông nhường ngôi, Ông đã sai người tới thắt cổ nhà vua. Đồng thời, Ông loại trừ cùng một lúc 370 vị quan trung thành với triều đại cũ.

Trong quá khứ gần và xa, thay vì lãnh đạo đất nước, nhiều người trong cha ông chúng ta muốn làm công việc "Nhổ cỏ". Đối với họ, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Thà giết lầm người anh em,  hơn  là để kẻ thù sống sót! Rốt cuộc, với não trạng hận thù, thủ tiêu và bạo động, luôn luôn ám ảnh, trong bao nhiêu người trước kia là anh chị em, cuối cùng không còn ai là anh chị em. Mọi người đã trở thành kẻ thù. Không ai còn mang tính người, trong lối nhìn và cách thuyên giải của chúng ta! Họ đã hóa thành một đồ vật. Một loại người bị tước đoạt tính người.

Với sách lược "Tâm Công", Nguyễn Trãi đi lại, lấy lại, sáng tạo lại con đường văn hóa của Lạc Long Quân. Mặc dù mang trong mình dòng máu của Rồng và nơi ở của Mình là Nước, Lạc Long Quân đã kết duyên với Âu Cơ. Bà thuộc dòng máu của Tiên. Quê hương của Mẹ là Đỉnh núi và Trời cao. Mặc dù khác biệt nhau như trời và nước, hai người đã tạo thành hôn phối ; sinh ra một trăm đứa con chia sẻ cùng nhau một bọc trứng duy nhất. Cho nên, họ gọi nhau là anh chị em "đồng bào", ruột thịt. Quê hương của họ, do Cha Mẹ trối lại, mang tên là Non Nước ; Núi Sông. Vừa cương trực, hướng thượng, hiền trí như Núi. Vừa bao dung linh hoạt, kiên trì, có khả năng đồng hóa tất cả, như nước. Phải chăng hai tư cách làm người ấy diễn tả bản sắc, gốc gác của người Việt Nam?

Câu chuyện huyền sử nầy, theo ngôn ngữ của Thiền học Phật giáo được gọi là một công án, do tổ tiên trối trăn lại cho con cái , cháu chắt và các thế hệ tương lai. Tháo mở được công án nầy, phát hiện nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau đang được cưu mang ấp ủ ở bên dưới, người Việt Nam sẽ "ngộ" nghĩa là thấy được con đường "làm người" là gì, thể thức xây dựng đất nước bắt đầu từ đâu ... Trong chiều hướng và ý nghĩa ấy, công án không phải là một bài tính đố, chúng ta có thể giải quyết bằng lý trí thuần đơn hoặc bằng mưu lược, ý đồ hay là ý thức hệ. Trái lại, đó là một "tư cách làm người", chúng ta cần đầu tư với tất cả "tấm lòng" vừa có tình vừa có lý. Vừa sáng tạo trong cô đơn thầm lặng, vừa không ngừng chia sẻ và đồng hành với tất cả những ai đang làm người, mặc dù họ đang thuộc phe bên kia, đang đứng ở trên một chiến tuyến thù địch, xâm lược và thực dân.

Những ý hướng làm người ấy sẽ được Nguyễn Trãi tô đậm một cách khéo léo trong sách lược Tâm Công của mình.

"Tâm Công" được thành hình trong hoàn cảnh nào?

Tâm công có nghĩa là đánh vào lòng người, thu phục nhân tâm.

Theo tác phẩm Vạn Xuân của Y. Feray, sách lược "Tâm công" được Nguyễn Trãi trình bày lần đầu tiên cho các quan chức của Triều đình Hồ Quí Ly, khi hiểm họa xâm lược của quân Minh đã bắt đầu truyền đạt khắp nơi, trong các lớp quần chúng ở Thủ đô Thăng Long10.

"Vấn đề tiên quyết mà tình thế rối ren hiện tại đặt ra là : làm sao để vũ trang cho đất nước, tăng cường khả năng bảo vệ non sông?

Sự đe dọa bên ngoài càng khẩn cấp thì càng đòi hỏi phải có sự trị an ở bên trong lãnh thổ của chúng ta. Nếu toàn dân đoàn kết lại chung quanh Hoàng Thượng, làm thành như chỉ một gia đình, nếu các tướng sĩ và binh lính hiệp nhất với nhau như cha con thì dẫu quân thù có đông hơn ta hàng ngàn lần, có vũ trang hơn chúng ta mười lần, chúng ta cũng không sợ.

(...)

Quân đội mạnh hay yếu không tùy thuộc ở nơi quân số chút nào cả, mà bắt nguồn từ những đức tính cao cả nầy: đó là hai chữ Nhân, Nghĩa.

(...)

Ai có lòng nhân, người đó có thể dựa trên chính sự yếu đuối của mình để chinh phục sức mạnh. Ai vì đại nghĩa, người ấy có thể lấy ít chọi nhiều".

Để thực hiện công việc trị an và xây đắp sức mạnh cho quê hương, thể theo niềm xác tín của Nguyễn Trãi, ngoài con đường áp dụng công bằng và công lý trong mọi tầng lớp của xã hội, không có một chọn lựa thứ hai!

Làm sao có công bằng, khi người dân đen đang còn bị áp bức, bốc lột tận xương tủy của mình?

Làm sao có công bằng, khi người dân đen chưa kiếm được mỗi ngày một bữa cơm, đang lúc kẻ khác sống thừa thải trên nhung lụa, gửi vàng và mỹ kim vào ngân hàng ở nước ngoài?

Chúng ta huấn luyện cả một đạo quân công an hùng hậu, có mặt ở khắp nơi, để truy nả kẻ phản loạn, săn bắt những trẻ em cướp giật, chặt đầu, chặt tay những người buôn lậu xì ke, ma túy ... Nhưng chúng ta đã làm gì thoa dịu nỗi bất hạnh tột cùng của người dân đen? Nghèo khó, bất công mới là gốc rễ của tai họa đang lan tràn, hoành hành!  Căn bản của  vấn đề không phải là giảm trừ hậu quả. Nhưng là đối diện, nhìn thẳng mặt, không tránh né, đánh trống lãng trước hiện trạng nghèo khổ và bất công lan tràn khắp mọi nơi trong xã hội, trên đất nước chúng ta. Khi chúng ta giết xong một Tú Bà, bao nhiêu Tú Bà khác sẽ vùng dậy đàn áp nàng Kiều còn khắc nghiệt hơn. Lãnh đạo đất nước là xây dựng con người, tạo ra mọi cơ hội thuận tiện như công ăn, việc làm, để mỗi người có khả năng làm người, có quyền làm người, hãnh diện về tư cách làm người. Lúc bấy giờ cả một tập đoàn Mã Giám Sinh, Tú Bà không còn lý do tồn tại, như Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du đã phát hiện và mô tả.

Xây dựng, tôn trọng và phục vụ con người trong mỗi người dân, thuộc mọi tầng lớp, nhất là nơi những người thấp cổ bé miệng, đó là ý nghĩa sâu xa của kế hoạch "Tâm Công" trong tinh thần và lối nhìn của Nguyễn Trãi. Chỉ với điều kiện nầy, toàn dân mới đứng lên, nhất tâm, muôn người như một, để đối đầu với quân xâm lăng và bảo vệ đất nước được kiến dựng bằng máu và nước mắt từ đời Hồng Bàng.

Nói cách khác, theo lời lẽ của Bình Ngô Đại Cáo, Tâm Công là "lấy Đại nghĩa mà thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo". Khi chưa có đại nghĩa hay là công lý trong lòng của quê hương, đất nước, tình trạng hung tàn đang ngự trị giữa lòng của người dân Đại Việt. Khi chưa sống tình người, với từng người trong xã hội cùng mang một dòng máu Tiên Rồng, chúng ta đang loại trừ và tàn sát lẫn nhau. Trong tình thế "gà một nhà bôi mặt đá nhau", làm sao chúng ta có thể ngăn chận làn sóng bạo động của quân Minh, từ phương Bắc, từ người nước ngoài?

Chính vì những lý do đó, sau 7 năm hoạt động mà "không kết hợp được lòng người", triều đại của Hồ Quí Ly đã tan vỡ thành mảnh vụn, một cách nhanh chóng, năm 1407, trước làn sóng xâm lăng ồ ạt của Phương Bắc.

Sau đó, trong vòng 10 năm, từ 1407 đến 1417, những tàn tích của nhà Trần chỉ lo vớt vát, cứu vãn gia đình, dòng họ mình. Không một ai có khả năng qui tụ, kết hợp quần chúng thuộc mọi tầng lớp. Trần Nguyệt Hồ vào cuối thu 1407, Trần Nguyên Khoáng và Trần Ngỗi vào đầu năm 1408 đã đứng dậy chống quân Minh. Sau một vài chiến công lẻ tẻ, nghĩa quân vì không được thống nhất, không còn có khả năng đương đầu, chống cự. Chung quanh 1417, với 5 vạn quân cầu viện, do triều đình Minh Thành Tổ gửi sang, Trương Phụ đã bắt đầu củng cố và ổn định việc tổ chức, áp đặt chính quyền đô hộ trên đất nước Đại Việt.

Bảy động tác cụ thể của "Tâm Công"

Để sách lược "Tâm Công" của Nguyễn Trãi không phải chỉ là lời nói hoa mỹ, một cấu trúc lý thuyết thuần đơn hay tệ hơn nữa là một ý thức hệ, một giáo điều khô cằn, chỉ nhằm tuyên truyền, quảng cáo một chính thể hay một tôn giáo, chúng ta cần tìm ra những động tác cụ thể và khách quan, những "cách làm" hữu hiệu. Khoa học tâm công bao gồm cả Tâm liền Tài. Tài suông chỉ đẻ ra tai họa. Tâm thuần đơn, không nhập thân, nhập thể, đó là duy tâm cực đoan, một hình thức thực dân do thần phật áp đặt từ bên ngoài. Và con người lúc bấy giờ chỉ là nạn nhân, đồ vật hay là con múa rối. Con người phải là tác giả của đời mình. Giúp ai thành người là tạo điều kiện để họ làm chủ cuộc đời của mình.

Trong tinh thần và ý nghĩa như vậy, tâm công là một tiến trình văn hóa bao gồm những động tác, những qui luật tất yếu sau đây:

Động tác thứ nhất thuộc sách lược "Chinh phục lòng người" là không ngừng sáng tạo. Trong một quê hương đất nước, mọi người, cho dù khác biệt nhau ở nhiều bình diện, đều là anh chị em đồng bào có những đặc ân, đặc quyền giống nhau. Không một ai là chủ nhân ông, có quyền đối xử người khác như một tên nô lệ chỉ có bổn phận tùng phục, thừa hành. Bao lâu chưa có viên đá tảng nầy làm nền móng, trong mọi công cuộc xây dựng đất nước và phục vụ anh chị em đồng bào ; tất cả những điều kiện còn lại đều là láo khoét, bịp bợp, "treo đầu heo bán thịt chó", như người bình dân thường bảo nhau. Trái lại, khi nắm vững nguyên tắc "mọi người có quyền làm người và có quyền được cư xử, đải ngộ như một con người toàn phần", chúng ta sẽ sáng tạo để chuyển biến lối nhìn ấy thành hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Khi sáng tạo như vậy, chúng ta thích ứng với thực tế và thực tại cụ thể.

 

Động tác thứ hai là kết hợp một cách hài hòa bên trong và bên ngoài hay là tâm và thân. Khi có bên trong mà không có bên ngoài, chúng ta chỉ là hồn ma phiêu bạt, lang thang, vô gia đình, vô tổ quốc. Khi có ngoài mà bên trong trống rỗng, đó là "con nộm đa ngôn hay là con múa rối."

Là con người thực sự và trọn vẹn, chúng ta có khả năng quyết định, chọn lựa, động viên chính mình. Khi "bị chỉ đạo từ bên trên, bên ngoài và bên dưới, chúng ta sẽ biến thân thành đồ vật, dụng cụ trong bàn tay lèo lái, sai sử của kẻ khác. Nếu người chỉ đạo từ bên trên là thần phật, người bị chỉ đạo sẽ là tín đồ mê tín, dị đoan. Nếu chỉ đạo là người ở ngoài, chúng ta sẽ là những bồi bút. Nếu bị chỉ đạo bằng những năng lực vô thức như dục vọng tham, sân, si ... Chúng ta chưa làm người, chúng ta còn bị ngụp lặn trong ngục tù của khổ đau. Chúng ta đang sống trong tình trạng làm nạn nhân cho những đối lực mà chúng ta không biết, không dám nhìn tận mắt và gọi tên. Đó là vô thức, theo thuật ngữ của Phân tâm học.

 

Động tác thứ ba là khả năng sắp xếp điều gì là hành động từng ngày, điều gì thuộc mục tiêu ngắn và dài hạn, điều gì là viễn ảnh, viễn tượng lớn lao và lâu dài còn được gọi là mục đích tối hậu, lý tưởng của cuộc sống làm người.

Vào những năm 1950, bao nhiêu thuộc địa của Pháp và Anh, ở Phi và ở Á Châu, gần như đồng loạt nổi dậy đánh đuổi thực dân xâm lược. Sau khi mục tiêu được thành đạt, với bạo động và bom đạn ; rất nhiều xứ sở không biết phải đi về đâu, ý nghĩa cần đeo đuổi gồm có những bước đi lên như thế nào. Quen máu bạo động, họ tiếp tục sử dụng bạo động với người đồng chí, đồng hương. Sau khi đuổi Pháp, họ thanh trừng những người theo Tôn giáo của các vị thừa sai Pháp. Rốt cục, sau chiến tranh giải phóng đất nước, họ nhảy qua chiến tranh diệt chủng, hay là chống tôn giáo.

Theo St. Covey, "phải đặt lên hàng đầu, cái gì là ưu tiên số một" (first things first) 11. Trong lối nhìn Tâm Công, do Nguyễn Trãi trình bày trước hội nghị Triều đình của Hồ Quí Ly, thực hiện công bằng và mang lại cho quần chúng dân đen một mức độ ấm no tối thiểu cần thiết, là hai ưu tiên số một cần thực hiện trong nỗ lực "đánh vào lòng người" để ngăn chận hữu hiệu làn sóng xâm lăng của ngoại bang từ Minh triều.

Khi có một thứ tự rõ ràng trong nội tâm như vậy, theo Nguyễn Trãi, chúng ta sẽ có khả năng "dừng lại" khi nào cần dừng lại. Ví dụ, khi đã sử dụng bạo động "một cách chính đáng" để bảo vệ đất nước và chủ quyền của Đại Việt, chúng ta biết dừng lại (an nhữ chỉ) khi bạo động không còn cần thiết. Dừng lại như vậy không có nghĩa là bất động, nhưng là trở lui ở vị trí và việc làm xứng hợp nhất với cương vị và tư cách của mình (theo lối nói "chỉ ư chí thiện" của sách Đại Học) 12. Nói khác đi, bạo động chỉ là phương tiện cực chẳng đả, đối với những ai có tư cách làm người, sống tình người. Bản sắc đích thực của họ là tôn trọng tính người. Thực hiện nhân đạo, nhân nghĩa là nơi nhắm tới, là cùng đích làm cho họ phát huy mọi chiều kích tâm linh của mình.

 

Động tác thứ bốn trong sách lược Tâm Công là lắng nghe người đối diện, bất kể họ là ai, thuộc thành phần hoặc giai cấp nào trong xã hội. Lắng nghe để tìm hiểu và nhìn nhận tính khác biệt và độc đáo của họ. Thay vì áp đặt cho họ ý kiến, lập trường và thể thức hành động của chúng ta. Khi lắng nghe thực sự và trọn vẹn, chúng ta tôn trọng chủ quyền của họ : chính họ mới là tác giả đầu tiên và cuối cùng của cuộc đời họ. Với chức vụ lãnh đạo, dù ở cấp bậc, lớn lao đến độ nào trong hệ thống tổ chức xã hội, chúng ta chỉ làm công việc "hộ sinh", nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi cho phép họ thành người. Chúng ta không thể làm người thay thế họ. Bao lâu người dân không đảm nhận trách vụ "yêu nước, bảo vệ non sông", không ai có thể ép buộc họ. Với những áp lực "súng ống, chỉ tiêu lương thực, trại cải tạo...." chúng ta càng gia trọng sức ù lì và phản kháng mà thôi.

Trong địa hạt giáo dục thuộc xã hội ngày hôm nay, hiện tượng thanh thiếu niên bỏ nhà ra đi lập băng đảng cướp giật, hút xách càng ngày càng lan tràn. Một trong những lý do chủ yếu là vì chúng nó không được cha mẹ, thầy cô lắng nghe.

Ý nghĩa thứ nhất của lắng nghe, như tôi đã trình bày trên đây, là tôn trọng chủ quyền và tính khác biệt của người mà chúng ta lắng nghe.

Ý nghĩa thứ hai của lắng nghe là, chấp nhận, đón nhận và nhìn nhận nhu cầu của người phát biểu, diễn tả. Nhu cầu nói ra những gì được cưu mang ấp ủ trong nội tâm đồng hóa với nhu cầu làm người.

Để lãnh hội một cách  rốt ráo hai ý nghĩa nầy, chúng ta cần khảo sát hai cách hành xử và đãi ngộ của chúng ta đối với người mà chúng ta đang tiếp xúc và trao đổi.

Thứ nhất là ghi nhận, nhấn mạnh những thiếu sót của người ấy trong tình thế hiện tại. Lẽ tất nhiên, càng quét nhà, chúng ta càng đào ra rác. Khi có ý định tìm ra những khuyết điểm nơi người khác, thế nào chúng ta cũng sẽ thấy nơi họ điều ấy sẽ xảy ra bằng cách nầy hay cách khác.

Thứ hai là cử xử và đãi ngộ người ấy theo tiêu chuẩn dự phóng cho tương lai mong muốn của người ấy. Nếu người Mẹ cư xử với con như một người có giá trị, nó sẽ thành người "trưởng thành" theo cấp độ phát triển của nó. Nếu trong lối nhìn của người lãnh đạo, người dân đen chỉ là nô lệ hay là công cụ ; người lãnh đạo trong lời ăn tiếng nói của mình sẽ tạo ra những lớp người nô lệ, thay vì coi trọng họ như một thành viên đồng hành và hợp tác với mình, trong cộng đồng đất nước. Theo tục ngữ của người Việt Nam "Yêu nên tốt, ghét nên xấu". Hẳn thực, khi ai được thương, người ấy sẽ dần dần trở nên dễ thương. Và khi ai bị ghét, dần dần họ trở thành con người dễ ghét.

 

Về mặt kỹ thuật, để hiểu rõ chúng ta thực thi những động tác nào khi lắng nghe, chúng ta cần phân biệt minh thị bốn địa hạt của nội tâm sau đây:

Thứ nhất khi kẻ khác ghi nhận những tin tức hoặc sự kiện khách quan, chúng ta yêu cầu họ hai điều : kiểm chứng bằng cách xác định những câu hỏi nhằm môi trường hóa tin tức : ai, ở đâu, khi nào, thế nào, bao lâu ... Sau đó bổ túc những tin tức thiếu sót, bằng cách yêu cầu họ đặt mình vào một vị trí khác và lối nhìn khác ... Ví dụ, khi Hoàng Phúc trình bày nhân nghĩa theo quan niệm của Minh Triều, Nguyễn Trãi đã gây ý thức cho vị tướng lãnh nầy về lũy tre xanh, về đồng lúa, về núi non của người Đại Việt... Không chấp nhận người Đại Việt có chủ quyền trên nước non của mình, quân Minh còn nhân nghĩa hay không ?

 

Thứ hai là lề lối thuyên giải hay là cách trình bày về ý nghĩa  của cuộc sống. Trong lãnh vực nầy, không một ai có thể tranh giành cho mình toàn quyền về chân lý, sự thật. Và tuyên bố một cách đơn phương rằng : kẻ khác lầm lạc, kẻ khác có ý đồ đen tối hay là kẻ khác có lỗi, họ là nguyên nhân gây ra mọi tai ương hoạn nạn, còn tôi là người hoàn toàn trong trắng và vô tội.

Khi nuôi dưỡng ấp ủ những tư tưởng nhị nguyên nầy trong thâm sâu của nội tâm, vô tình hay hữu ý chúng ta đang là tên thực dân, xâm lăng, xâm lược quyền làm người của kẻ khác đang sống hai bên cạnh. Trong lăng kính và ý nghĩa nầy, theo tâm lý học đương đại, nhất là khoa phân tâm của Freud, đôi khi chính cha mẹ là người "thực dân" đối với con cái của mình, khi họ quá đàn áp và hạn chế sức sống hồn nhiên và tự phát của chúng. E. Berne với phương pháp "Phân tích những trao đổi" (Analyse transactionnelle, thường thường được viết tắt là ẠT.), cũng đưa ra những kết luận tương tự. Trong quan hệ giáo dục, nếu cha mẹ quá độc tài hay là quá bao cấp, đứa con sẽ dần dần biến thân thành phản động hay là lệ thuộc 13.

 

Thứ ba, khi kẻ khác diễn tả tình cảm và xúc động của mình, như buồn, sợ, tức giận, đau khổ ... Phương pháp Tâm Công của Nguyễn Trãi yêu cầu chúng ta thực thi bốn giai đoạn cụ thể:

1.- Nêu ra sự kiện khách quan, có phần vụ dẫn khởi khai chuyển hơn là làm nguyên nhân phát sinh xúc động và tình cảm. Theo ngôn ngữ của tâm lý phật giáo, còn mang tên là Duy thức học, những yếu tố dẫn khởi ấy chỉ là "duyên" như nước tưới, đất mầu, khí thở và ánh sáng giúp cho cỏ cây có điều kiện lớn lên, đâm chồi nẩy lộc. Nhưng đó không phải là "Nhân", nghĩa là hạt mầm sinh ra cây cối. Hẳn thực, chính chúng ta là tác giả của cuộc đời chúng ta đang sống.

2.- Phản ảnh nghĩa  là nói lại, vọng lại cho chính chủ nhân diễn tả hiểu rõ, có ý thức về những phản ứng tâm lý đang xảy ra trong nội tâm của họ.

Theo lời thú nhận của bạn, bạn đang buồn và lo. Có đúng như vậy không?

Cách phản ảnh tài tình và thích ứng sẽ được ghi nhận, khi người đối diện tỏ ra đồng ý và đồng thuận với chúng ta.

Nhờ đó, họ càng diễn tả nhiều hơn, dễ dàng hơn và thích hợp với thực tế nội tâm của họ.

3.- Tiếp theo đó, chúng ta phát hiện nhu cầu của chủ nhân diễn tả. "Theo tôi hiểu, sau khi lắng nghe: bạn đang cần ..."

4.- Nhiều khi chúng ta có thể khám phá tức thì ước muốn hay là lời yêu cầu của họ.

"Qua lời phát biểu, bạn cho tôi thấy : bạn đang ước muốn ... yêu cầu cơ bản của bạn là...

Theo phân tâm học, khi thuyên giải, tôi chỉ có thể lặp lại hay là bắt chước ý kiến của kẻ khác. Tôi chọn làm của mình bao nhiêu tin tưởng hay lập trường đã được giao lưu trong môi trường sinh sống, bằng những phương tiện truyền thông xã hội.

Ngược lại, khi diễn tả xúc động, tôi mặc khải, bày tỏ thực tế, thực tại chủ quan và độc đácủa tôi. Nhờ đó kẻ khác có khả năng hiểu tôi và thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu của tôi.

Thay vì diễn tả một cách trung thực, nghĩa là có sao nói vậy, một cách đơn sơ, trực tiếp, nhiều người vì thiếu tôi luyện và học tập, có xu thế đi vòng vo tam quốc, hay là trình bày cách úp mở, gián tiếp, còn mang tên là xuyên tạc, bóp méo. Và cách xuyên tạc thông thường có mặt ở khắp nơi là tố cáo, phê phán, đổ lỗi, mạ lị, tấn công người khác, thay vì nói lên những nhu cầu thâm sâu và những nguyện vọng thiết tha của chính mình.

Thậm chí trong điều kiện và trường hợp xuyên tạc như vậy, những ai có khả năng và kỹ thuật lắng nghe (nghĩa là vừa có tâm, vừa có tài), người ấy vẫn nhận ra những tình cảm và xúc động của người đối diện.

"Qua cách hoa tay múa cánh và nét mặt hung hăng của bạn, tôi thấy bạn đang bực tức giận dữ, phải không?

- "Tôi cảm nhận rằng bạn đang có những xúc động mạnh, nhưng chưa biết gọi tên là gì . Bạn có thể chia sẻ nói cho tôi hiểu rõ thêm về nhu cầu hiện tại của bạn ..."

Tâm công chính là công việc nhận ra, đón nhận, nhìn nhận và coi trọng những nhu cầu tình cảm của người khác.

Khi coi trọng như vậy, chúng ta lựa chọn vị trí làm đồng minh, đồng bào. Đồng thời chúng ta sáng suốt khước từ vị trí và thái độ làm thù nghịch, đối phương. Nhìn nhận và coi trọng như vậy, trong tiếng Pháp là Valider, nghĩa là đánh giá cao. Xúc động và  tình cảm được coi là một giá trị, chứ không phải là điều xấu hổ cần che giấu. Khi chúng ta dồn nén, kiểm duyệt, ức chế xúc động, bất kỳ xúc động gì, chúng nó không biến tan, không bị tiêu diệt. Dưới những bộ mặt ngụy trang, chúng nó xuất hiện ở chỗ khác và khi ấy khả năng tác hại của chúng nó còn lớn lao hơn trước và rất khó hóa giải.

Nói tóm lại, khi nhìn nhận và coi trọng tình cảm và xúc động của ai, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi và tốt hảo cho phép người ấy thành người.

Thêm vào đó, khi những xúc động mãnh liệt như hận thú, ghen ghét, hiềm khích, nghi kÿ được diễn tả bằng ngôn ngữ chia sẻ, trao đổi, chúng nó không còn mượn con đường bạo động, đấm đá, sát hại, thủ tiêu ... Bao lâu còn có khả năng nói qua nói lại, trao đổi, chia sẻ và đối thoại, vấn đề cho dù trầm trọng gây cấn đến đâu cũng có con đường hóa giải. Theo lối nhìn của G.G. Jampolsky 14, "No matter what the problem, love is the answer", bất kể vấn đề là gì, trầm trọng đến đâu chăng nữa, tình thương là câu trả lời. Là cách giải đáp. Và chỗ nào có tình thương, chỗ ấy không có bạo động. Nguyễn Trãi đã khẳng định cách đây hơn năm thế kỷ :

"Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn,

Lấy chí nhân mà thay cường bạo".

Nhân nghĩa là gì, nếu không phải là tình thương, tình người, giữa những người nhìn nhận nhau là Người Đãi ngộ nhau với tư cách "làm người" ngày ngày đổi mới, đánh sáng không ngừng, theo lời dạy "nhật nhật tân, hựu nhật tân" của người xưa trối lại cho chúng ta.

 

Động tác thứ năm trong sách lược Tâm Công là xây dựng quan hệ hài hòa, đồng hành và chia sẻ. Giữa ta và người, không có kẻ thắng người thua. Về mặt tư cách và giá trị làm người, không có kẻ trên người dưới. Mọi người bình đẳng. Khi phải thuyên giải, nghĩa là tìm ra ý nghĩa và hướng đi cho cuộc sống làm người và thể thức xây dựng đất nước, mọi người là thành viên toàn phần trong cộng đồng, đất nước. Ai ai cũng có tiếng nói. Ai ai cũng có quyền phát biểu. Ai ai cũng có quyền khác biệt. Chỗ nào có "bá nhân"  (một trăm người), chỗ ấy có "bá tánh" (một trăm ý kiến). Đó là lẽ thường tình và tự nhiên. Đó cũng là qui luật tất yếu, phải có trong cuộc sống.

Tuy nhiên, khác biệt mà không khai trừ, loại thải nhau, hay là tranh chấp và xung đột.

Xung đột chỉ xảy ra, khi não trạng nhị nguyên đàn áp, ức chế quan hệ đồng hành và chia sẻ. Lúc bấy giờ "lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng". Mỗi người tranh giành cho mình phần thắng, phần hơn, phần có lý ; và tìm cách "hạ bệ" kẻ khác về mặt giá trị và quyền lợi. Một cách đặc biệt, khi có một vấn đề xảy ra, gây khó khăn cho cuộc sống, hay là ngăn cản bước tiến của toàn thể cộng đồng, đất nước, quê hương ... Nếu chúng ta mang não trạng nhị nguyên, chúng ta sẽ phân chia anh chị em đồng bào thành hai phe trắng đen rõ rệt : một phe bạn, một phe thù. Phe bạn bao gồm những người được chúng ta đánh giá là "yêu nước chân chính". Phe thù bị qui chụp và kết tội là "bán nước, phản bội, đồi trụy ...".

Nếu chúng ta có một lối nhìn "Tâm Công" giống Nguyễn Trãi, chúng ta sẽ thấy trong một cộng đồng quê hương, mọi thành phần phía bên này cũng như phía bên kia, người làm dân cũng như người lãnh đạo, mọi người đều liên đới với nhau, cùng chia sẻ một trách nhiệm. Ai ai cũng đóng góp phần mình, tùy hoàn cảnh, địa vị và thực tế của mình.

Ai mất nước khi Quân Minh xâm lăng Đại Việt? - Toàn dân, toàn quân, từ vua, triều đình đến mỗi người dân đen vô danh tiểu tốt!

Ai có bổn phận chiến đầu để thu hồi chủ quyền cho Đại Việt? - Cũng toàn dân, toàn quân!

Trong cuốn tiểu thuyết Vạn Xuân, những cô gái như Tiểu Mai, Hương Thầm 15 bị quần chúng "khạc nhổ, khinh thị ...". Trong bóng tối, chính họ đã đóng góp phần mình một cách rất hữu hiệu cho công cuộc kháng chiến. Không  có cái chết của Tiểu Mai, chưa hẳn Nguyễn Trãi đã ra đi, tiếp xúc với nghĩa quân của Lê Lợi. Không có Hương Thầm can thiệp một cách kín đáo, tế nhị bên cạnh Hoàng Phúc, vị tướng lãnh của Quân Minh, chắc hẳn Nguyễn Trãi đã chết rũ tù và Bình Ngô Sách không bao giờ ra đời ...

 

Động tác thứ sáu là gieo vãi và gặt hái thành quả của cuộc hôn phối âm và dương, nước và non, Tiên và Rồng, thuyền và nước. Nói cách khác, đó là khả năng chuyển biến từ không ra có, từ yếu thành mạnh, từ ít ra nhiều. Lối nói chuyên môn trong tiếng Anh, có khả năng diễn tả động tác nầy, là Synergizing. Theo cách giải thích của St. Covey, khi biết kết hợp một cách hài hòa hai đối lực khác biệt nhau, kết quả cụ thể không phải là một tổng số, nhưng là một nhân số. Một cọng với một, trong ý nghĩa và chiều hướng "Tâm Công", không phải thành hai, nhưng thành "Vạn Xuân". Khi lấy thương trả lời cho ghét, khi lấy đoàn kết trả lời cho chia rẽ, khi lấy an hòa trả lời cho bạo động, khi lấy bao dung trả lời cho kỳ thị, khi lấy vô úy nghĩa là tinh thần bất khuất trả lời cho bom đạn, súng ống .. Chúng ta làm cho anh chị em đồng bào trở thành bất tử. Chúng ta xây dựng đất nước thành Vạn xuân, một mùa Xuân trường cửu, bất tận.

Nói tóm lại, sách lược "Tâm Công" của Nguyễn Trãi đánh sáng và làm mới lại gia tài của Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Nếu ý thức được rằng mình đang mang hai dòng máu Tiên và Rồng, mỗi người Việt Nam sẽ cố quyết trở nên con người trọng đại và cao cả, đúng như lời thơ của thi sĩ Trụ Vũ:

"Bởi vì mắt thấy Trời Xanh,

"Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.

"Bởi vì mắt thấy Biển Khơi,

"Cho nên mắt cũng xa vời đại dương".

 

Động tác thứ bảy là ngày ngày đánh sáng lại Đức Sáng làm người đã có mặt trong mỗi người. Tâm Công trong lăng kính ấy, không bao giờ là điểm đến, nhưng là một tiến trình không bao giờ kết thúc chấm dứt. Tâm Công nói được là một lời thề keo sơn gắn bó giữa những con người mang nặng Nước và Non trong quả tim của mình, theo như lời nhắn nhủ của thi sĩ Tản Đà 16:

"Non cao tuổi vẫn chưa già,

"Non thời nhớ nước, nước mà quên non.

"Dù cho sông cạn đá mòn,

"Còn non còn nước hãy còn thề xưa.

"Non cao đã biết hay chưa :

"Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

"Nước non hội ngộ còn luôn,

"Bảo cho non nhớ có buồn làm chi.

"Nước kia dù hãy còn đi.

"Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.

"Nghìn năm giao ước kết đôi,

"Non non nước nước không nguôi lời thề".



1 Trần Huy Liệu - Nguyễn Trãi, Nxb. Văn Hoà Thông Tin, Hà Nội 2000, tr. 207.

2 Võ Văn Ái - Nguyễn Trãi: Sinh thức và Hành dông, Quê Mẹ, Paris 1981, tr. 68.

3 Nguyễn Trãi - Quốc Âm Thi Tập, Nxb. Thuận Hoá, Huế 2000, tr. 88.

4 Nguyễn Trãi, Sđd. tr. 43: Thủ vĩ ngâm

- Con đòi: Ngưồi giúp việc.

- Quyến: Thu hút, cám dỗ, rủ rê, làm lung lạc.

- Xuế xoá: qua loa, sao cũng được, không ngăn nắp trật tự.

- Vằn: chó giữ nhà sẵn sàng sủa và cắn.

- Bà ngựa già: con ngựa cái không được thuần hoá, chế ngự.

5 Võ Văn Ái, Sđd. tr. 77-78, 86-99.

6 Trần Huy Liệu - Nguyễn Trãi: Cuộc đồi và sự nghiệp, Nxb. Văn Hoà Thông Tin, Hà Nội 2000, tr. 35.

7 Bùi Văn Nguyên - 1- Nguyễn Trãi và bản Hùng ca Đại cao, Nxb. XH, Hà Nội 1999; 2- Nguyễn Trãi Rực ánh sao khuê, Nxb. KHXH, Hà Nội 2000.

8 Y. Feray - Vạn Xuân, Nxb Văn Học và Sud est asie, Hà Nội 1996, tr. 11-15.

NB. in thiếu 3 ch. 3, 4 và 5 trong tập 7, hôn 100 trang bị cắt xén!?

Cần tham khảo thêm: Dix mille Printemps, Picquier, Marseille, 1996.

9 Vạn Xuân, tr. 10.

10 Y. Feray - Vạn Xuân, Nxb Văn Học, Hà Nội, tr. 408 - Dix mille Printemps, Picquier, Marseille, 1996.

11 Covey St - Les 7 habitudes, Frirst Paris,

12 Bùi Văn Nguyễn - Bản Hùng Ca, tr. 322, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1999.

13 Nguyễn Văn Thành - Đối Thoại, TN, Lausanne, 1999, tr. 67-87.

14 G. G. Jampolsky - Love is letting go of fear - Celestial Arts Berkeley, California, 1979.

15 Nguyễn Văn Thành - Đối thoại, Tình người, Lausanne, 1999, tr. 67-87.

16 Trinh Đường - Thơ Việt, Nxb Thanh Niên, 1999.

 

Nguyễn Văn Thành
Số lần đọc: 2935
Ngày đăng: 13.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển Và Quyền Tài Phán Của Quốc Gia Trên Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế - Phan Tấn Thiện
Qua sử chí Trung Quốc, thử tìm hiểu vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung - Hồ Bạch Thảo
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 3 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 2 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Văn từ ngoại giao - Hồ Bạch Thảo
Khi Người Tàu Nghiên Cứu Về Việt Nam - Phạm Cao Dương
NHẮC LẠI CHUYỆN NHÀ MINH CƯỚP SÁCH CỦA TA ĐEM VỀ TÀU - Phạm Cao Dương
Giặc khách: Hoàng Sùng Anh - Hồ Bạch Thảo
Lịch sử là gì? - Kim Oanh