Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.220.512
 
Nguyễn Trãi (1380-1442): Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 2
Nguyễn Văn Thành

 

Chương hai

 

Tâm Công và chiến tranh chống xâm lược

 

Chính trong cuộc đời của Nguyễn Trãi, Sách lược Tâm Công không xuất đầu lộ diện một cách bất ngờ và nhanh chóng, cơ hồ một bài thơ hiện hình trong một thoáng chốc linh ứng. Qua bao nhiêu năm tháng, tâm công đã được ấp ủ cưu mang, từ ngày Nguyễn Trãi còn là đứa bé lên năm, sống với Ông Ngoại là Hoàng Thân Trần Nguyên Đán tại Côn Sơn. Suốt thời gian thơ ấu nầy, mãnh đất Côn Sơn đã "gieo trồng, vui  tưới và làm lớn lên trong cõi lòng của Nguyễn Trãi ý thức về đất nước và quê hương. Quê hương không phải chỉ là cát sạn vô tâm, vô trí. Quê hương đồng hóa với sự sống và hạnh phúc.

 

"Côn Sơn Rừng tre rung rinh xa mút mắt, đồi núi chập chùng, chuông chùa gióng dã.

Côn Sơn! tiếng chày giã gạo liên hồi không dứt.

Mùi ngai ngái của thân lúa bị cắt là tất cả cánh đồng. Tiếng cười của các cô thợ dệt xinh đẹp là tất cả xóm làng. Và ngôi nhà của những năm tháng đầu tiên tươi đẹp là tất cả hạnh phúc"17.

Nhiều ca khúc bình dân như bài "Chùm khế ngọt" đang nhắc nhở cho giới trẻ về những tình tự sâu xa ấy :

 

Quê hương là con đò nhỏ

"Êm đềm khua nước ven sông.

"Quê hương là cầu tre nhỏ

"Mẹ về nón lá nghiêng che.

"Quê hương là đêm trăng tỏ

"Hoa cau rụng trắng ngoài thềm.

"Quê hương mỗi người chỉ một

"Như là chỉ một mẹ thôi.

"Quê hương nếu ai không nhớ,

"Sẽ không lớn nỗi thành người !"

Thi sĩ Giang Nam cũng diễn tả nỗi lòng tương tư:

"Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

"Có những ngày trốn học, bị đòn, roi ...

"Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

"Có một phần xương thịt của em tôi" 18.

Cũng trong chiều hướng ấy đối với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là quê hương tình thương. Hạt giống "Tâm Công" đã được gieo vãi vào tâm hồn của Ông, tại chính nơi nầy :

"Dù cháu ở đâu, cháu phải giữ đạo Trung dung. Cháu loại bỏ lòng hận thù, tham lam, hung bạo. Cháu hãy vun trồng lòng nhân ái, tính minh mẫn, cao thượng như Ông cháu đã lấy gương sáng mà dạy dỗ cháu điều đó" 19.

Thường được phép có mặt trong những cuộc đàm đạo, trao đổi giữa Ông Ngoại và Thiền sư người Ấn Độ mang tên là Atangana, Nguyễn Trãi dần dần tiếp thu và hội nhập hai bài học về bản sắc văn hóa của đất nước và con người Đại Việt.

Bài học thứ nhất là lòng bao dung 20:

"Tôi là một con người đã trải qua những điều khủng khiếp kinh hoàng, Thiền sư Atangana nói . Trong đất nước nầy tôi đã tìm thấy nơi trú ẩn. ễ đó người ta có thể tùy thích theo tín ngưỡng nào cũng được".

Hoàng Thân trả lời :

"Chùa chiền  chúng tôi đưa ra một hình ảnh hùng hồn về sự đa dạng phong phú của các thần linh mà chúng tôi thờ phượng. Có lẽ điều đó là do ở đáy lòng chúng tôi, chúng tôi luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận những điều thuộc mọi tôn giáo có thể đem lại hạnh phúc trong cuộc sống đời nay và sự cứu rỗi ở đời sau.

Rốt cuộc, mỗi người chúng tôi thích nghi các tín điều và nghi thức tôn giáo của mình với những xác tín cá nhân và địa vị trong gia đình hay xã hội của mình".

Bài học thứ hai là khả năng đấu tranh chống xâm lược, không chấp nhận bị đồng hóa với bất cứ giá nào, luôn luôn bảo vệ bản sắc khác biệt và độc đáo của mình 21.

"Quả thật, Hoàng Thân nói, nằm giữa Ấn độ mà thầy nói là thần bí và Đế quốc Phương Bắc mà cốt lõi của nó là siêu hình sâu sắc, người Việt chúng tôi khác hẳn. Chúng tôi đã vươn đến chỗ thưởng thức sự chừng mực. Ngay từ đầu, chúng tôi đã gặp được những nhà sư Ấn Độ trên đường sang Trung Hoa và ngược lại gặp những khách hành hương từ Quảng Đông sang Ấn Độ. Và chúng tôi đã chắt lọc lấy những điểm cốt yếu và thích nghi vào bối cảnh đất nước chúng tôi.

Chúng tôi đón tiếp mọi người và mọi ý tưởng đến nhà mình. Chỉ có một điều mà chúng tôi không dung thứ là chúng tôi không thể ngồi yên để cho người ta xâm lấn quê hương chúng tôi. Bài học nầy chúng tôi học được nhờ Đế quốc Phương Bắc. Một bài học dài mười thế kỷ !"

Hẳn thực trong quá trình lịch sử, từ lúc đất nước còn mang tên là Vạn Xuân cho đến năm 1400, Đế quốc thực dân đã bị con dân Đất Việt đẩy lui nhiều lần 22:

Lần thứ nhất, Lý Bôn đánh đuổi bọn thứ sử Tiểu Tư vào cuối thế kỷ thứ VI (544-603).

Năm 939, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng.

Năm 981, Lê Hoàn phá vỡ quân Tống ở Chi Lăng.

Năm 1076, Lý Thường Kiệt chận đứng quân Tống trên sông Như Nguyệt.

Vào thế kỷ 13, ba lần quân Mông Cổ bị Nhà Trần đánh bại tan tành, mặc dù từ Á qua Âu, họ đã quét sạch mọi lực lượng kháng cự, trên những chặng đường tiến quân ồ ạt và vũ bão.

Hai bài học trên đây cho phép Nguyễn Trãi tìm ra con đường phải đi. Sau khi Hồ Quí Ly và cha mình là Nguyễn Phi Khanh bị bắt đem về Trung Hoa.

Trong những văn phẩm về Nguyễn Trãi, hầu như tác giả nào cũng nêu lên câu hỏi : Sau khi từ biệt cha và em ở biên giới Việt Trung, Nguyễn Trãi đã làm gì, ở đâu, đi đâu từ 1407 đến 1417, năm mà Bình Ngô Sách được dâng lên cho Lê Lợi ở Lũng Nhai ? Ngoài thời gian bị câu lưu ở Thăng Long, dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của tướng Hoàng Phúc, Nguyễn Trãi có dịp qua lại Trung Hoa hay không ? Nguyễn Thiên Thụ đã chứng minh là có 23.

Xét về câu hỏi "Nguyễn Trãi đã làm gì ?" Chúng ta có thể đề xuất những công việc chủ yếu sau đây:

•          Thứ nhất: Khảo sát và khám phá người nào là "Minh chủ" có khả năng tập hợp toàn dân.

•          Thứ hai : Kiện toàn sách lược tâm công và soạn thảo "Bình ngô sách".

•          Thứ ba: Chia sẻ "Tâm Công" với một số bạn bè, đồ đệ thân tín, để rút tỉa những ưu khuyết điểm, đặc biệt trả lời vấn nạn "làm sao dung hợp Tâm Công với ý chí bất bạo động, khi phải đối đầu với quân Minh xâm lược đất nước và bốc lột đồng bào cách tàn bạo".

 

Ai là Minh Chu ?

Đó là câu hỏi thứ nhất cần có giải đáp.

Vào thời đại của Nguyễn Trãi, Minh Chủ là Nhà Vua. Theo tin tưởng thông thường của người dân, Nhà Vua thay thế Trời để trị dân. Vị nào thi hành "Mệnh trời" một cách đúng đắn và nghiêm minh, vị ấy lo lắng cho dân, không hề dám lơ là điều gì hết : không tưởng thưởng ai theo ý thích cá nhân và cũng không trừng phạt ai vì hằn thù riêng rẽ chủ quan. Theo lối đánh giá bình dân, dưới triều đại của một vị Vua  anh minh, sáng suốt và đạo đức, Trời không cho phép xảy ra lụt lội, mất mùa, đói kém, dịch tể, chiến tranh ... 24.

Theo ngôn ngữ và lề lối tổ chức chính trị của đất nước ngày hôm nay, Vị minh chủ còn được gọi là nhà lãnh đạo.

Ổ vào thời điểm của Nguyễn Trãi, chung quanh 1417, sau mười năm đô hộ của quân Minh, "trong lòng dân chúng ở khắp nơi trong nước Đại Việt, bắt đầu nổi lên hình ảnh mà các thế hệ tương lai sẽ mãi mãi ghi nhớ. Đó là một con người có khả năng liên kết những kẻ dũng cảm, biết mời  gọi các bậc hiền tài, đón tiếp những kẻ đào tẩu. Người ấy cũng có khả năng nghiên cứu địa lý, địa hình và nghệ thuật chiến tranh ... nhằm dẹp yên cơn đại loạn" 25.

Lê Lợi, tại chiến khu rừng núi Chí Linh, thuộc tỉnh Nghệ An, là hiện thân cũng là niềm hy vọng của cuộc nổi dậy nầy.

Tuy nhiên, sau khi băng ngàn vượt núi, trải qua mọi hiểm nguy để đến quan sát, tiếp xúc với Lê Lợi "bằng xương bằng thịt" trong cuộc sống cụ thể hằng ngày ... Nguyễn Trãi đã thất vọng, không gặp được vị Minh quân lý tưởng theo các tiêu chuẩn mà Ông đã ấp ủ tưởng tượng trong khuôn khổ của sách lược tâm công được nghiên cứu và soạn thảo 26:

Tiêu chuẩn một: Vị Minh quân phải có khả năng tập hợp toàn thể đất nước lại, dưới là cờ Nhân Nghĩa. Chỉ có "toàn dân" mới thắng được quân thực dân xâm lăng.

Tiêu chuẩn hai : Vị Minh quân lo nỗi lo của dân, biết ưu tư đến việc cải thiện số phận nhân dân. Cứu nước phải được đồng hóa với cứu dân.

Tiêu chuẩn ba: Con đường nhân đạo thay thế cho chính sách tàn bạo và man rợ. Bạo lực chỉ được sử dụng một cách chính đáng, khi cần thiết. Vị Minh quân có khả năng "Tri chỉ", dừng lại.

Tiêu chuẩn bốn: Thuyết phục, thương lượng để làm tan rã sức mạnh của quân địch, thúc giục chúng đầu hàng mà chẳng cần giao chiến. Cương và Nhu được kết hợp trong mỗi hành động đối nội cũng như đối ngoại.

Nói tóm lại, theo con đường Tâm Công, chúng ta có chính nghĩa khi chúng ta có sự đồng tình của toàn thể nhân dân. Nhờ chính nghĩa, chúng ta có khả năng nối kết chặt chẽ ba mặt trận : sự tấn công của quân kháng chiến, sự nổi dậy đồng loạt và khắp nơi của nhân dân, hành động thu phục nhân tâm phía ta cũng như phía địch.

Sau khi mục kích với chính đôi mắt của mình, cảnh tượng Lê Lợi đang ngồi ăn ngấu nghiến một miếng thịt vẫn còn dính máu, dùng mã tấu để róc xương, mở to miệng xỉa răng và phun các mãnh vụn thức ăn ra xung quanh ... Nguyễn Trãi đã hãi hùng chạy trốn. Chàng nguyền rũa ý kiến của người anh bà con là Trần Nguyên Hản đã đưa chàng đến tận nơi đây. Chàng thét lên một cách khó chịu và giận dữ bỏ ra đi :

"Con người ấy, không phải là một đấng Minh quân!"

Giữa lúc ấy, lời nhận xét của một đạo sĩ mang tên là Vô Kỹ, đã đánh thức Nguyễn Trãi và giúp chàng đánh giá lại thái độ của mình.

"Có phải anh giống người nông dân nọ than thở mùa màng không chịu mọc ; khi mà anh ta không chịu gieo trồng?" 27.

Trong cuốn tiểu thuyết Vạn Xuân, nhân vật Vô Kỹ là một hư cấu, do tài năng và nghệ thuật của văn sĩ Y. Feray sáng tạo, tưởng tượng. Tuy nhiên, đó cũng là tiếng nói  lương tri có mặt trong nội tâm của Nguyễn Trãi, đã được Ông Ngoại và cha mình gieo vãi, vun trồng, tưới tẩm, từ ngày Ông học bập bẹ bốn chữ nho đầu tiên là Nhân, dân, Thiên, địa (con người, dân tộc, Trời và đất) 28. Nhờ tiếng nói của Lương Tri, Nguyễn Trãi đã khám phá ra thêm bốn chiều kích và ý nghĩa mới, để bổ túc những gì đang còn thiếu trong sách lược tâm công.

Chiều kích thứ nhất: Vị Minh Quân không phải là mưa sương từ trời rơi xuống. Vị lãnh đạo của đất nước phải do mỗi người dân tạo dựng, giáo dục, nuôi dưỡng. Cơ hồ Thánh Gióng đã nhận lãnh từ tay của anh chị em đồng bào thôn xóm : lương thực, áo sắt, ngựa sắt và gươm sắt 29.

Chiều kích thứ hai: Ý dân là ý trời. Dân phải được hiểu là những người đang bị quân Minh bốc lột và tàn sát. Trên đường đi, trong quán trọ, chung quanh chợ búa, tại bến đò ... mọi người đang hướng về Lê Lợi, đang kêu tên Lê Lợi trong những giấc mơ làm người của mình. Thậm chí những xác chết nằm la liệt ở khắp nơi cũng muốn đất trời sáng lại. Người vật sống lại. Tre trúc mọc lại. Thấy được và nghe được người dân lầm than là hiểu được "mệnh trời", tri thiên mệnh.

Bao nhiêu cảnh tượng trước mắt nhắc cho Nguyễn Trãi nhớ lại bài học của Ông Ngoại 30.

"Trong những việc của thế gian, con người thực sự là con người không có một thái độ từ chối hay chấp nhận cứng nhắc. Sự công bằng là qui tắc sáng soi hành động và thái độ của người ấy". Chỉ có tình thương mới cho phép chúng ta thấy những điều vô hình và thứ tha những tồn tại tất yếu thuộc điều kiện và thân phận làm người. Chỉ có tình thương mới khám phá được mối giây kết hợp chúng ta, đằng sau những dị biệt giữa người nầy và người khác.

Chiều kích thứ ba: Không phải duy chỉ Lê Lợi mới là vị Minh Quân của Đại Việt, dưới thời đô hộ của quân Minh. Đất nước là một cơ thể bao gồm nhiều cơ phận. Tay cũng quan trọng giống như Chân, Đầu, Tim, Phổi, Dạ dày, ruột non ... Mỗi chi thể có phận vụ riêng biệt. Nhưng về mặt giá trị, mọi cơ phận đều có phần đóng góp năng động, tạo sự sống cho toàn thân.

Trong chiều hướng và ý nghĩa ấy, mỗi người dân ôm nặng Đất nước trong cõi lòng của mình. Từ trên xuống dưới, ai ai cũng thực thi vai trò lãnh đạo của mình, ở vị trí của mình. Trên đây tôi đã nói tới Tiểu Mai và Hương Thầm. Trong cuộc chiến chống quân Minh xâm lăng, về mặt hữu hiệu, tạo nên kết quả cụ thể, đó cũng là hai vị anh hùng hay là hai vị minh quân. Họ đang áp dụng "Tâm  Công" của Nguyễn Trãi với hai bàn tay, khối óc, nhất là với trọn tấm lòng của mình, để bảo vệ Đại Việt.

Không có một quan niệm lãnh đạo năng động và tương sinh như vậy, chúng ta không phát huy tinh thần đồng trách nhiệm và liên đới trong công cuộc xây dựng đất nước.

Ba động tác 1, 2, 3 của Tâm Công, được trình bày trong chương Một cho phép chúng ta từ bỏ não trạng lệ thuộc, bị động, để trở nên một công dân tự lập trong một đất nước độc lập. Ba động tác 4, 5 và 6 giúp chúng ta trở thành tương tức, tương tác và tương thành đối với mỗi người anh chị em đồng bào. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ. Trước khi chờ đợi, đòi hỏi mọi điều từ người đồng bào, chúng ta đã làm được gì cho họ?

Chiều kích thứ bốn: Nước nâng đỡ thuyền. Dựa vào nước, thuyền mới có khả năng xuôi ngược, lên nguồn xuống biển. Làm Trời như Bà Âu Cơ và trở thành mênh mông, rộng lượng như Lạc Long Quân.

Khi đề cập quan hệ giữa Nước  và Thuyền, cho đến nay, hình như mọi tác giả đều bỏ quên một tư tưởng rất tiến bộ, đi ngược lại với Khổng học giáo điều, bảo thủ, cứ nhai đi nhai lại Trung hiếu, để làm cho bao nhiêu thế hệ kẹt cứng, không đổi mới được những quan hệ giai cấp, thống trị khi người dân bị áp bức, bốc lột, giam đói, giam tù.

Không những Nước có thể mà còn có trách vụ lật đổ thuyền, nếu thuyền ấy đã mục nát, suy đồi, nhất là về mặt tình người. Khi không còn tôn trọng và phục vụ con người trong mỗi người dân, người lãnh đạo phải bị lật đổ, bị truất phế. Tốt hơn hết là họ tự động ra đi!

Cũng trong tinh thần, ý nghĩa và lăng kính nầy, văn hóa Việt Nam đặt Cộng đồng Đất Nước lên trên Dòng họ, gia đình. Phép Vua thua lệ làng. Một miếng giữa làng bằng một sàng ở xó bếp. Tình nghĩa đồng bào, theo ý nghĩa của Huyền sử Rồng Tiên, phát xuất từ một tấm lòng duy nhất, một bọc trứng, hơn là từ máu huyết về mặt sinh lý. Cơ cấu tổ chức theo triều đại, dòng họ trong văn hóa của Trung Hoa quá đặt nặng Trung hiếu và bỏ quên tình nghĩa đồng bào.

Trái lại, tổ tiên, cha ông chúng ta từ nguyên thủy Rồng Tiên đã coi trọng Tấm Lòng. Tâm Công của Nguyễn Trãi thuộc về truyền thống văn hóa ấy.

Trong câu chuyện Bánh dày bánh chưng, không có vấn đề cha truyền con nối một cách tự động và máy móc. Trái lại, ai có tấm lòng Tròn Vuông như Trời Đất, người ấy có khả năng lãnh đạo đất nước. Truyền ngôi chỉ là một lễ nghi bên ngoài xác nhận một thực tại "Truyền Tâm" ở bên trong.

 

Đóng góp và lãnh đạo trong phương pháp cấu trúc

Theo lối nhìn của khoa tâm lý đương đại, đất nước, dân tộc ... tất cả những tổ chức sinh động thuộc thế  giới con người, được xem là một cấu trúc toàn diện hay là một Đại Thể. Nhiều thành tố khác nhau họp lại, cấu thành Đại Thể ấy. Và Đại thể ấy, ở một diện khác lại là thành tố của một Đại Thể to lớn hơn.

Chẳng hạn nước Đại Việt là một Đại thể có bản sắc đặc trưng và độc đáo của mình, không thể bị đồng hóa hoặc giản lược vào một bản sắc khác, cho dù đó là bản sắc của văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, trên phương diện bảo vệ nhân quyền hay là bảo vệ môi trường sinh thái của Địa cầu, nước Việt Nam chỉ là thành tố của một  Đại Thể khác. Cho nên, nước Việt Nam cũng như nước Trung Hoa, hay một cường quốc khác như Anh, Pháp, Nga, Mỹ không có quyền cũng như không có phép làm ô nhiễm môi trường hoàn vũ với những chương trình thử bom nguyên tử của mình. Trong địa hạt nhân quyền cũng vậy, các nhà lãnh đạo của một xứ sở không có quyền và có phép giết ai thì giết, giết bằng cách nào cũng được. Quyền lợi làm người vượt lên trên mọi biên giới của các xứ sở, địa lục. Xu thế "hoàn vũ hóa" (tiếng Pháp Mondialisation) trong nhiều sinh hoạt của con người thuộc thế giới ngày hôm nay, không cho phép một xứ sở, một chính phủ sống lập dị, đứng ra ngoài, không tôn trọng một số qui luật làm người tất yếu.

Ngoài ra, trong giới hạn của một cơ cấu toàn diện, toàn phần hay là một Đại thể, giữa các thành tố với nhau, có những quan hệ nhân quả qua lại hai chiều. Tôi lãnh đạo đất nước, nhưng toàn dân có quyền đánh giá chính sách hoạt động bằng nhiều hình thể khác nhau. Khi Nguyễn Trãi nói về dân, Ông cố tình gây ý thức cho mọi người trên dưới biết rằng : dù ở địa vị nào, họ cũng là dân. Phải biết "làm dân" mới có khả năng lãnh đạo.

Trước đây, tôi đã đề cập về những ảnh hưởng qua lại nầy khi trình bày vai trò của tương tức liên đới, đồng trách nhiệm. Hình tượng Nước nâng đỡ thuyền và nước lật đổ thuyền, thường được Nguyễn Trãi sử dụng, mang nhiều ý nghĩa và giá trị trong quan niệm  đượng đại về lãnh đạo, trong thế giới con người. Lật đổ những lãnh đạo áp bức, bốc lột là trách nhiệm  của từng người dân.

Chính vì lý do nầy, sau khi chọn lựa chiến tuyến của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã tức khắc đóng góp phần mình một cách năng động. Nguyễn Trãi chọn lựa, quyết định "thuộc về" Lê Lợi. Chia sẻ trách nhiệm cứu nước, cứu dân  với Lê Lợi. Ý thức "thuộc về" không có nghĩa là thoái hóa, trở lui tình trạng ấu trỉ và lệ thuộc, như trường hợp của những thành viên gia nhập những giáo phái cực đoan, bảo căn. Tiếng Pháp phân biệt một cách rõ rệt Appartenance, thuộc về và Inclusion, sát nhập, tan loãng bên trong.

Vì ý thức trách nhiệm đóng góp xây dựng cho Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã nhiều lần "dám chết", suýt chết dưới lưỡi gươm của Lê Lợi. Nếu không có một sức mạnh toát ra từ tâm lòng "vô úy", "vô trước" của Nguyễn Trãi, nghĩa là không sợ, không đòi hỏi đèo bòng ; chắc hẳn Lê Lợi không thể chế ngự xu thế bạo hành tự nhiên của mình. Lúc ban đầu Lê Lợi chưa tiếp thu mọi ý nghĩa của Tâm công.

Nói khác đi, khi "thuộc về", chúng ta vẫn bảo tồn nguyên vẹn bản sắc của mình. Khi "lệ thuộc, bị sát nhập, đồng hóa", chúng ta mất quyền làm chủ. Chúng ta bị biến thân làm đồ vật, đối tượng. Chúng ta khoán trắng cho kẻ khác, để họ làm người thay thế chúng ta. Nói đúng ra, ai tiếm đoạt quyền làm người của người khác, chính người ấy cũng đang thoái hóa làm thú vật tàn sát, đàn áp kẻ khác. Họ không còn là con người. Khi tri hô và chụp mũ ai là "chó dại" nhằm sát hại và thủ tiêu người ấy, chính đương sự đang hóa thân làm "chó dại", đối với người anh chị em.

 

Những loại đóng góp của Nguyễn Trãi

Sau một đêm suy nghĩ tại quán trọ, bên cạnh bến đò, Nguyễn Trãi đã trở lui với Lê Lợi 31. Với Bình Ngô Sách, Ông đã cống hiến cho Lê Lợi bốn loại đóng góp khác nhau, khả dĩ nâng cấp chất lượng của vị nầy trong chiều hướng hiểu biết luật trời, luật đất, luật biến cố và luật của lòng người.

Dưới hình thức sự cố, Y. Feray đã trình bày những bước diễn tiến trong sự hợp tác và gắn bó của hai nhân vật nầy. Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh, dưới hình thức tiểu thuyết, tác giả phác họa chân dung của một nhân vật lịch sử. Với khoảng cách 600 năm, bao nhiêu tài liệu lịch sử đã bị thất lạc. Nhiều tin tức, sự kiện không thể được kiểm chứng theo tinh thần và phương pháp của khoa sử học. Với cách kết cấu tiểu thuyết, tác giả chỉ làm công việc thuyên giải nghĩa là giới thiệu và trình bày một lối nhìn, một chiều hướng nhận thức, một cách tổng hợp ý nghĩa. Khi đảm nhận công việc nầy, tác giả thú nhận một cách sáng suốt tính chủ quan của mình trong cách gạn lọc, xếp đặt, phê bình những tin tức thu lượm từ nhiều phương hướng khác nhau.

Thế nhưng, khi phải đánh giá : cái gì thực, cái gì hữu ích, cái gì nâng cao đức sáng làm người của độc giả, tiểu thuyết Vạn Xuân của Ỵ Feray chưa hẳn kém chất lượng so với tác phẩm của Trần Huy Liệu, Võ Văn Ái, Bùi Văn Nguyên hay là Nguyễn Thiên Thụ... Nhờ có khoảng cách tự nhiên giữa mình và Đại Việt, nữ văn sĩ nầy đã tránh được thái độ "thu hồi", "mẹ hát con khen" hay là "thinh lặng, đồng lõa".

Đóng góp thứ nhất của Nguyễn Trãi là giúp Lê Lợi đọc được luật trời. Với lối nhìn và ngôn ngữ ngày nay, đó là tinh thần khách quan và khoa học, không cho phép chúng ta lượn lẹo, "bịt  mắt không nhìn, bịt tai không nghe và bịt miệng không dám nói". Khi nói, thí úp mở, tung hỏa mù, đánh du kích. Nụ cười bên ngoài ẩn giấu vũ khí trong tâm hồn.

"Ngồi xổm trước đống lửa, chính giữa gian nhà, nhiều ngọn đèn to thắp sáng bên cạnh họ. Có hai người đang nhìn vào một cuốn sách và nói thấp giọng.

Qua những lời họ trao đổi, Nguyễn Trãi biết rằng họ đang tra cứu sách bói toán (...)

- Vào năm Kỷ Hợi 1419, giọng nói như tiếng đồng vang lên, chúng ta có thể bắt đầu hành động !

- Thưa Minh Chủ, Ngài đã tính sai rồi ! Nguyễn Trãi kêu lên với sự hăng hái có thể có.

Trước khi chàng kịp nhận ra, cánh cửa đã mở đánh rầm. Lê Lợi túm lấy búi tóc chàng vung gươm sắp sửa lấy đầu.

- Tôi đã đi theo Ngài vì điều đó, chàng nói với một giọng bình tỉnh lạ lùng, Ngài không nhận thấy sao? (...).

- Nếu như thế, ngươi ngồi xuống và tính coi  (...).

- Chính là năm Mậu Tuất 1418!

Lê Lợi và Lê Thứ nhìn nhau. Và họ quay về phía Nguyễn Trãi. Dáng vẻ oai nghiêm của chàng làm người ta phải kính nể. Khuôn mặt thanh tú của chàng toát ra phẩm giá. Không thể chối cãi được, họ thừa nhận chàng là bậc thầy " 32.

Đóng góp thứ hai của Nguyễn Trãi là giúp Lê Lợi hiểu được Lòng người.

Lời của Nguyễn Trãi:

"Lợi dụng những lỗi lầm của triều đại nhà Hồ, đế quốc Bắc Phương đã xâm chiếm nước ta, bắt dân ta phải chịu những lao lung khủng khiếp.

Quân lính nhà Hồ có một triệu người, nhưng bị xé nhỏ bởi một triệu ý kiến khác nhau. Trước tiên là Trần Ngỗi, sau đó là Trần Quý Khoáng đã dựng cờ khởi nghĩa. Nhưng nội bộ họ chia rẽ: không có kế hoạch hành quân cũng không được dân chúng hỗ trợ, nên họ không tránh khỏi thất bại (...).

Chiến đấu chống nhà Ngô, chính là bảo vệ nền độc lập, chủ quyền sự, toàn vẹn lãnh thổ và nền văn hóa quốc gia.

Và cuộc chiến đấu ấy được liên kết, không thể tách rời với tình yêu thương nhân dân. Tình yêu nầy là một với tình yêu đất nước.

Chỉ khi nào biết dựa vào tình yêu ấy ,  người ta mới cứu được đất nước , chiến thắng sự mọi rợ và trừ bỏ bạo lực" 33.

 

Đóng góp thứ ba của Nguyễn Trãi là chứng minh cho Lê Lợi sức mạnh của một tấm lòng bất khuất, vô úy có nghĩa là không sợ chết vì lẽ phải và tình thương.

Hẳn thực, để gài bẫy bắt sống Lê Lợi, tướng Mã Kỳ đã tàn sát dã man tất cả dòng họ xa gần của Ông tại Lam Sơn. Chừng ấy chưa đủ, nhiều toán binh được sai đến ngọn đồi Phật Hoàng đào mồ, quật mã của cha mẹ tổ tiên họ Lê, lấy hài cốt ... Trên một con thuyền ngược dòng sông Lệ Thủy, Hài cốt ấy được trưng bày, xúc phạm trước mắt của mọi người ... Quân Minh phục kích ở khắp nơi, sẵn sàng bắt sống Lê Lợi.

Trong một cơn khổ đau kinh hoàng tột độ, Lê Lợi không còn khả năng đánh giá hoàn cảnh. Ông mang giáp bào, nhảy lên ngựa muốn ra đi báo thù rửa nhục. Lê Thạch, Lê Lai, Trần Nguyên Hản, đứng nhìn nhau im lìm, thinh lặng. Không một ai dám can ngăn.

Nguyễn Trãi bước ra, đứng trước mặt Lê Lợi, giữ chặt cương ngựa.

Lê Lợi rút kiếm đưa lên, sẵn sàng chém.

Bất động, Nguyễn Trãi, vẫn đứng thẳng, đưa mắt sáng ngời nhìn vào mặt Lê Lợi.

Trong một phút giây cực kỳ căng thẳng, mọi người chứng kiến một cuộc đấu tranh ác liệt giữa lưỡi gươm đã từng thấm máu, và một tấm lòng đại dương thầm lặng ... Rốt cuộc Lê Lợi hạ tay, xỏ gươm vào vỏ.

Nguyễn Trãi cúi đầu:

"Thưa Ngài Minh Chủ, xin Ngài đừng bao giờ quên : Trong thắng lợi cũng như trong tai ương hoạn nạn, chúng tôi tất cả luôn luôn sát cánh bên Ngài!"

Lê Lợi xuống ngựa. Hai người ôm nhau đi vào doanh trại. Họ đã ở bên nhau suốt đêm 34.

Từ giây phút ấy, mọi người có mặt tại chiến khu Chí Linh và đã chứng kiến cảnh tượng đối đầu giữa con rồng Lam Sơn và con kỳ lân Côn Sơn, ai ai cũng xác tín rằng : ngày giải phóng của Đất Nước Đại Việt đã ló rạng. Con Rồng đã nhận lãnh chiều cao của con Kỳ Lân! Khi hai con linh vật của thủy cung họp lại, chúng nó làm tan đá, chảy vàng ...

 

Đóng góp thứ bốn của Nguyễn Trãi  là gây ý thức cho Lê Lợi về vị trí của tinh thần bất bạo động giữa đoàn lũ có thói quen trả thù, đòi nợ máu, nhất là sau một thời gian bị đàn áp, bốc lột và tàn sát một cách dã man. Tuy nhiên, bao lâu chưa giải phóng mình khỏi những gông cùm và ngục tù ... ở trong đáy sâu của tâm hồn, chính chúng ta trở nên ngục tù cho anh chị em đồng bào, ở sát bên cạnh chúng ta. Ngục tù nầy còn ác độc hơn ngục tù của thực dân.

Yếu điểm của "Tâm Công" đã bừng nở ra một cách chói lọi vào mùa thu 1427. Sau gần mười năm chiến đấu, nghĩa quân Lam Sơn đã lớn mạnh, đi từ thắng lợi nầy đến thắng lợi khác. Viện quân hơn 10 nghìn người do Minh Triều gởi qua bị phục kích và đánh tan tơi bời, phải rút về khỏi biên giới Đại Việt. Đông quan hay là Thủ đô Thăng Long bị bao vây tứ phía. Rốt cùng tướng chỉ huy Vương Thông viết thư cho Lê Lợi xin nghị hòa.

Nghe tin, tướng lãnh, binh sĩ của Đại Việt cũng như đoàn lũ bô lão, phụ nữ ... từ khắp nơi tấp nập kéo về yêu cầu Lê Lợi tàn sát, tận diệt quân Minh, để báo thù cho tổ tiên và các vong linh đã hy sinh cho đất nước trong suốt 20 năm.

Toàn quân, toàn dân có mặt vái lạy và kêu van:

"Xin hãy giết sạch lũ giặc Tàu !" 35.

Duy một mình Nguyễn Trãi, đơn thân độc mã, đứng lên đối diện với quần chúng đầy thù hận 36:

"Trong hoàn cảnh như hiện nay, tấn công quân thù và uống máu chúng, thì chả khó khăn gì đối với chúng ta (...) Nhưng dự phóng lớn lao phải được xây dựng trên nhân nghĩa và công chính. Và nhân đức chính là ở chỗ biết bảo toàn các sinh mệnh để dành cho những viễn cảnh lâu dài hơn".

Sau đó Nguyễn Trãi lắng nghe, ghi nhận nhiều vấn nạn nổi lên từ mọi phía. Nhiều lời chỉ trích rất tàn ác, xiên xẹo ... Nhiều lời mạ lị rất hèn hạ, lợi dụng cơ hội để xuất hiện 37.

Trong cách trả lời của Nguyễn Trãi, theo tinh thần và đường hướng Tâm Công, chúng ta cần ghi nhận những bước tiến như sau:

Thứ nhất : Một cách thành tâm và đầy thiện cảm, Nguyễn Trãi không từ chối hay là phản bác lý luận của người phát biểu. Nguyễn Trãi Nhìn nhận xúc động và tình cảm của họ. Lòng ước muốn báo thù là một tình cảm tự nhiên và chính đáng.

Thứ hai : bên cạnh nhu cầu báo thù, Nguyễn Trãi gây ý thức cho mọi người nhìn thấy rằng họ có những nhu cầu làm người còn cao cả và trọng đại hơn, lâu bền hơn. Nhu cầu báo thù sẽ bùng lên và vụt tắt như ngọn lửa rơm. Trái lại, chúng ta cần lòng nhân từ và khoan hậu, để xây dựng một đất nước trường tồn và cao cả. Một đất nước "Vạn Xuân" ! Một đất nước "Đại Việt" nghĩa là vươn mình lên tận Bầu Trời, quê hương của Mẹ Âu Cơ.

Thứ ba : Nguyễn Trãi yêu cầu mỗi người hãy làm người tưới tẩm hạt mầm hòa bình và nhân đạo trong quả tim, để làm bài học cho con cái và các thế hệ tương lai.

"Vun trồng cây Đức để nuôi con !"

Và Lê Lợi đã đồng tâm nhất trí với ý kiến của Nguyễn Trãi:

"Ngàn thế kỷ sau, biên niên sử mãi còn lưu lại hương thơm của sự việc nầy" 38.

Lê Lợi vừa dứt lời thì đoàn lũ đồng loạt la lên:

"Hòa bình, hoan hô hòa bình!" 39

Chứng kiến những biến đổi tâm linh ấy, một người học trò trẻ trung của Nguyễn Trãi đã hỏi Đạo sĩ Vô Ky:

 

"Hãy soi sáng cho tôi rõ tại sao đám đông khi nảy hò hét đòi chiến tranh. Giờ đây cũng đám đông ấy, lại reo hò với ngần ấy niềm xác tín "Hòa Bình".

 

Vô Kỹ trả lời bằng cách trích dẫn lời của Lão Tử :

"Bạn không biết rằng con người mang trọn niềm tin cậy sẽ gây tác động trên vạn vật, làm lay động trời đất, làm xúc cảm quỷ thần. Người ấy đi qua sáu hướng vũ trụ, mà chẳng gì có thể chống lại được sao ?" 40.

 



17 Vạn Xuân, tr. 297.

18 100 bài thô tình chọn lọc, Nxb. Giáo-dục Hà Hội, 1993, tr. 141.

19 Vạn Xuân, tr. 299.

20 Vạn Xuân, tr. 203.

21 Vạn Xuân, tr. 204-205.

22 Trần Huy Liệu, Sđd, tr. 8-9; Y. Feray - Dix mille Printemps, tone.I. p. 21-25: Repères Chronologiques du Vietnam.

23 Nguyễn Thiên Thụ - Nguyễn Trãi, Lửa Thiêng, Sàigòn 1973, tr. 214-230.

24 Vạn Xuân, tr. 689-690.

25 Vạn Xuân, tr. 703.

26 Vạn Xuân, tr. 734-735.

27 Vạn Xuân, tr. 759.

28 Vạn Xuân, tr. 210-213.

29 Vạn Xuân, tr. 760 và 639.

30 Vạn Xuân, tr. 768.

31 Vạn Xuân, tr. 772.

32 Vạn Xuân, tr. 777-778.

33 Vạn Xuân, tr. 779-780.

34 Dix mille Printemps, tone.II. p. 215-217 Livre VII, ch. 4; Con Kỳ Lân, xem Vạn Xuân, tr. 140.

35 Vạn Xuân, tr. 950.

36 Vạn Xuân, tr. 951.

37 Vạn Xuân, tr. 954-955.

38 Vạn Xuân, tr. 954-955.

39 Vạn Xuân, tr. 959-960.

 

40 Vạn Xuân, tr. 960. 

 

Nguyễn Văn Thành
Số lần đọc: 2562
Ngày đăng: 15.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 1 - Nguyễn Văn Thành
Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển Và Quyền Tài Phán Của Quốc Gia Trên Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế - Phan Tấn Thiện
Qua sử chí Trung Quốc, thử tìm hiểu vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung - Hồ Bạch Thảo
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 3 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 2 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Văn từ ngoại giao - Hồ Bạch Thảo
Khi Người Tàu Nghiên Cứu Về Việt Nam - Phạm Cao Dương
NHẮC LẠI CHUYỆN NHÀ MINH CƯỚP SÁCH CỦA TA ĐEM VỀ TÀU - Phạm Cao Dương
Giặc khách: Hoàng Sùng Anh - Hồ Bạch Thảo