Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.230.238
 
Chủ nghĩa tư bản: Một chuyện tình
Anh Dũng

 

Chủ nghĩa tư bản: Một chuyện tình (Capitalism: A Love Story), đó là tựa đề của một bộ phim tài liệu của Michael Moore. Cái tên rất lãng mạn này lại chỉ để nói một điều "xưa như Trái đất", chủ nghĩa tư bản là xấu xa.

 

Tranh luận với một số bạn trẻ Việt Nam, không bạn nào đồng ý với ý kiến này. Các bạn ấy lập luận tham lam và ích kỷ là "bản chất" của con người, con người càng văn minh thì tính ích kỷ và tham lam càng ít đi nhưng không bao giờ hết. Mà chủ nghĩa tư bản tồn tại dựa trên lòng tham lam và ích kỷ của con người, nó thúc đẩy cho sự phát triển xã hội loài người, và không thể nói nó là xấu xa. Một vấn đề đặt ra, con người càng văn minh thì tính ích kỷ và tham lam có giảm bớt đi không. Chẳng ai cho câu trả lời chính xác.

 

Người ta nói rằng con người bây giờ văn minh hơn ngày xưa nhiều, so với cái thời nguyên thủy lơ tơ mơ nào đó, mà con người có khi ăn thịt lẫn nhau để tồn tại. Giờ con người văn minh, có những điều chỉnh của các quy phạm đạo đức, luật pháp, hay giáo lý tôn giáo, dĩ nhiên không thể dã man như ngày xưa. Lật lại lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản, mới thấy chủ nghĩa đó phạm hay góp phần tạo bao tội ác với nhân loại. Cách đây khoảng 20 năm tôi có được xem bộ phim 1492: Conquest of Paradise, mô tả hành trình của Christopher Columbus đến miền viễn tây, tìm ra châu Mỹ. Dĩ nhiên, mục đích chính của nó là làm giàu cho các nhà tư bản. Người ta kể lể công lao của Columbus rất nhiều, nhưng chẳng mấy ai nhớ đã bao nhiêu thổ dân da đỏ bị những người da trắng giết hại để kiếm đất kiếm tài nguyên. Nhiều người ca ngợi Hoa Kỳ nhiều lắm, nhưng cũng chẳng mấy ai nhớ tới đã có bao nhiêu người da đỏ bị giết, hay bị đẩy vào những chốn cằn cỗi hoang vu. Người ta ca ngợi châu Âu, họ văn minh hơn, họ trí tuệ hơn, họ giàu có hơn,.v.v và v.v. dù cũng là nơi đẻ ra chủ nghĩa thực dân, xâm chiếm phần lớn các vùng đất họ coi lạc hậu hơn họ, là nơi đẻ ra thế chiến I và II mà số người chết cao hơn rất nhiều so với các cuộc chiến trước đó (mà nhắc đến nó không ít người ghê rợn với những hố chôn người khủng khiếp hay sảng khoái với những vũ khí tối tân con người sáng tạo ra và những chiến công hiển hách). Dĩ nhiên có nhiều người không chấp nhận như vậy, nhất là mấy người dân tộc chủ nghĩa, hay tự hào về thành tích đánh đuổi thực dân, mặc dù sau độc lập, khó có thể nói chắc đất nước họ tốt đẹp hơn.

 

Giới trẻ bây giờ họ ít quan tâm với quá khứ, xã hội ngày càng thực dụng hơn lôi cuốn giới trẻ và hơn thế cả đa số con người vào guồng quay thực dụng đó, ngay ở Việt Nam. Nước ta vẫn là nước XHCN, chí ít ở cái tên, nhưng chủ nghĩa tư bản đang hiện diện hàng ngày, trong cả suy nghĩ lẫn hành động của đa số toàn xã hội. Xem cái phim Capitalism: A Love Story, người ta đang tố cáo chủ nghĩa tư bản ở Mỹ, nào là ở Mỹ 99% là tầng lớp bình dân và 1% là tầng lớp giàu có, 1% đó đã bóc lột phần còn lại của nước Mỹ (theo thống kê thì 1% dân số kiểm soát hơn 40% tài sản và nhận hơn 20% lợi nhuận, 99% còn lại là người nghèo), nào là hàng nghìn gia đình Mỹ đã rơi vào hoàn cảnh vô gia cư vì họ bị tịch thu nhà do không có khả năng chi trả, nguyên nhân là do cách tổ chức tín dụng và tập đoàn tài chính đã "lừa đảo" để chiếm đoạt tài sản của họ, rồi khi con nợ của họ phá sản thì chủ nợ của họ đến để "cướp" nhà của họ... Bao nhiêu vấn đề ngổn ngang ở Mỹ, thì có lẽ trong nhận thức một số người cũng lại cảm thấy Việt Nam cũng đang như vậy. Những tưởng cái trò "lừa đảo" của kẻ "thông minh" với người "ngu dốt", chỉ có trong thời đại của chủ nghĩa tư bản man rợ, cái thời William Shakespeare viết Người lái buôn thành Venice, nhưng thực ra nó lại đang hiện diện ngay trong xã hội văn minh này. Vậy mà người ta vẫn ngưỡng mộ nước Mỹ lắm, nào là tự do, nào là dân chủ, nào là giàu có,... Dẫu chủ nghĩa tư bản luôn luôn bộc lộ những hạn chế của nó, mà Michael Moore đã không tiếc lời phê phán, và dĩ nhiên rất nhiều người nhận ra. Tất nhiên Moore không phải là người cộng sản, hay xã hội, ông là một người Thiên chúa giáo, nói chính xác hơn là Thiên chúa giáo cánh tả, hay một người dân túy cánh tả. Ổng chẳng đưa ra một đường hướng thuyết phục nào để thay đổi tình cảnh nước Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, bất công và các giá trị đạo đức bị tổn thương nhiều đến thế ở Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ, không phải chủ nghĩa tư bản, thì cái gì thay thế nó.

 

Cuối thập niên 1980, chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu bất ngờ sụp đổ, nhanh đến nỗi đến phương Tây cũng phải ngỡ ngàng. Một dạo đa số hành tinh tin vào chủ nghĩa đó lắm, chỉ vô số sự thật các nước này lộ diện sau khi chế độ sụp đổ, người ta mới thấy giật mình và xem là ảo tưởng. Vậy mà chủ nghĩa cộng sản vẫn "sống khỏe", như tại châu Âu, Slavoj Zizek và Alain Badiou cùng không ít ngươi khác được xem là đi đầu tuyên truyền "chủ nghĩa cộng sản thế kỷ 21". Tất nhiên khác nhiều với chủ nghĩa cộng sản "nguyên thủy", mà chúng ta thường thấy trong các giáo trình đại học ở Việt Nam. Có nhiều nhà tư tưởng muốn phát triển chủ nghĩa Marx, hay tìm kiếm một lý thuyết chủ nghĩa cộng sản phù hợp trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đã thay đổi và mô hình cũ thiếu thuyết phục.

 

Dẫu vậy chủ nghĩa tư bản vẫn phát triển như thường. Các tôn giáo từ chỗ phần lớn lớn tiếng chỉ trích chủ nghĩa tư bản thậm tệ, đến chỗ biến đổi để thừa nhận nó, thậm trí ủng hộ nó, như những người Thiên Chúa giáo cánh hữu. Lối sống con người đa số ngày càng trở nên thực dụng, thì tôn giáo cũng biến đổi để thích nghi, chả trách người ta hay tin vào tôn giáo, cũng để giải quyết các vấn đề của cá nhân, thỏa mãn các nhu cầu cá nhân ở thế giới bên này, hơn là thế giới ảo bên kia. Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản cũng không thiếu biện hộ cho chủ nghĩa tư bản, nhất là chủ nghĩa này thúc đẩy kinh tế, tôn vinh trí tuệ, tạo tự do cho con người, và một thế giới đa dạng nhiều màu sắc. Không chỉ giới thượng lưu thường ủng hộ, vì chủ nghĩa tư bản có lẽ tạo ra sự giàu có cho họ, mà ngay cả giới trung lưu, vì chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng trọng dụng người tài năng, và bài trừ nó có lẽ phần lớn là những người cùng khổ hay những chính trị gia thích lấy lòng số đông cử tri. Nhưng giới thượng lưu không giống giới trung lưu. Thượng lưu phần lớn chỉ nghĩ đến tiền, họ có tiền là có quyền. Còn giới trung lưu khao khát tự do và bình đẳng cơ hội hơn nhiều, chứ không mấy màng bình đẳng của cải xã hội. Hạ lưu chỉ quan tâm đời sống nhích lên là mừng, họ có thể quan tâm bình đẳng, cũng dễ bị kích động nhưng dễ thở dài nếu ảnh hưởng nhiều của tôn giáo hay có thể ít tiếp xúc với người giàu để tìm bình an.

 

Tôi rất ngưỡng mộ Michael Moore, bộ phim Fahrenheit 9/11 của ông công chiếu năm 2004 đã được trao giải Cành cọ vàng, và được The Daily Telegraph chọn xếp đầu trong số 100 phim hay nhất thập niên 2000- 2009, phim Capitalism: A Love Story cũng được đề cử giải Sư tử vàng. Tuy nhiên cần hoài nghi vào một sự chiến thắng của bất kỳ một thứ lý thuyết chính trị nào trong tương lai gần trước chủ nghĩa tư bản. Trung Đông một hai năm trở lại đang dậy sóng, và tạm thời chủ nghĩa tư bản đang vươn vòi đến các nước lâu nay không chấp nhận nó. Iraq, Syria, Libya mấy thập kỷ theo XHCN, dĩ nhiên không phải theo Marx, nhưng đều đã sụp đổ hay đang trên đà sụp đổ theo cách thức này hay cách thức khác mà tư bản phương Tây mong muốn. Làn sóng dân chủ ở Trung Đông ít lan rộng đến các nơi khác, vì chỉ có các nước có cùng một nền văn minh, hay tiếng nói, dân tộc, mới hay bị cuốn vào. Tunisia, hay Ai Cập về lý thuyết cũng đã có chế độ XHCN, nhưng nhiều năm bám càng phương Tây, song cũng sụp đổ. Nhiều người Trung Đông hân hoan vì xóa bỏ các ách cai trị chuyên chế, nhưng có lẽ với nhiều người lo nhiều hơn là mừng. Sau các cuộc Cách mạng sắc màu, phần lớn các nước này không hề ổn định, và viễn cảnh dân chủ vẫn mong manh. Mỹ và phương Tây thèm hơn các giếng dầu ở khu vực này, dù họ luôn tự hào góp phần làm nên sự tự do dân chúng các nước từng sống trong ách cai trị chuyên chế. Và dĩ nhiên sự sụp đổ của các chế độ chuyên chế cánh tả, lại kéo theo sự nổi lên của các thế lực cực hữu, các nhóm hồi giáo cực đoan, không chừng đe dọa lợi ích của phương Tây. Nhiều người sẽ tự hỏi, sao các chế độ này sụp đổ, trong khi vô số các chế độ chuyên chế cánh hữu vẫn tồn tại ở Trung Đông, cho dù có cải cách nhỏ giọt. Đơn giản, người dân mong chờ nhiều vào các cuộc cách mạng cánh tả sẽ giúp cho dân nước họ khẳng định chủ quyền hơn, và kinh tế tự chủ hơn, cùng với một nền công bằng và một nền thế tục tích cực. Khi niềm tin đó không còn, tất yếu các chế độ kiểu đó bị đào thải. Còn với các nền quân chủ cánh hữu, thân phương Tây, thì vẫn tồn tại, nhờ niềm tin tôn giáo, có khi mù quáng của phần đông dân chúng, ngưỡng mộ các nền quân chủ, nền tảng đạo đức truyền thống và hơn nữa, lại nhờ chủ nghĩa tư bản giúp họ có một đời sống vật chất khá hơn, dẫu chả lấy gì làm công bằng và mang đến tự do. Đừng tin chủ nghĩa tư bản tự nó sẽ đem đến tự do.

 

Người Nga đã từng ảo tưởng cứ chạy theo phương Tây, kinh tế sẽ thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng họ đã nhầm, và chỉ khi vực dậy tinh thần dân tộc họ mới bứt lên. Mặc cho phương Tây chỉ trích nước Nga không có nhân quyền hay đang rơi vào độc tài, người dân đa số vẫn bỏ phiếu cho Putin. Cũng như ở Mỹ Latin, giới phương Tây phân tích các chế độ XHCN ở đây là mị dân, chủ nghĩa dân tộc chỉ là chiêu bài để các chế độ chuyên quyền thiết lập, đa số dân chúng vẫn bỏ phiếu cho cánh tả. Châu Âu, Mỹ, Nhật,... ánh sáng của thế giới, vẫn ngụp lặn trong những khủng hoảng, khó khăn, mô hình XHCN tốt đẹp ở Bắc Âu bị nghi ngờ, nhiều người lại trông chờ những Mặt Trời mới ở châu Á, một châu lục mà ở các quốc gia chủ nghĩa dân tộc rất mạnh, không dễ hòa đồng như châu Âu. Bhutan, nước yên bình nhất thế giới cuối cùng cũng hòa nhập với thế giới tự do và nhộn nhạo, dân chủ mà không tốn một giọt máu đào. Myanmar và Nepal gần đó thì lại không được như vậy. Sau XHCN kiểu của riêng mình, Miến Điện (Myanmar) rơi vào chế độ quân sự cánh hữu khó ưa nhưng lại thân với một số chính phủ cánh tả, rồi mở cửa. Nepal một dạo duy trì nền quân chủ Hindu giáo, tôn giáo ru ngủ người dân, nhưng những người Maoist và những người cánh tả khác đã loại bỏ nó.

 

Hai thế lực mới nổi, và được cho là tương lai của châu Á, hay niềm tin vào châu Á, là Trung Quốc và Ấn Độ. Có vẻ như Trung Quốc đang đi lại cái chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc của Tôn Trung Sơn trước đây, dù không rõ ràng. Thay vì ý thức hệ cũ kỹ, Trung Quốc đã thi hành một chính sách rất thực dụng về kinh tế. Có thể nói chủ nghĩa thực dụng đi kèm với chủ nghĩa dân tộc được phát huy đã làm thay đổi bộ mặt đất nước này, không chỉ nằm ở tỷ lệ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới suốt nhiều năm, vươn lên thành siêu cường thứ hai thế giới, mà ý thức của người dân cũng rất thực dụng và tinh thần tự tôn dân tộc rất cao, cái mà những người muốn đưa tự do phương Tây vào tỏ ra bất lực. Từ chỗ người giàu ăn trước, giờ Trung Quốc như muốn áp dụng chính sách người giàu ăn mãi rồi, giờ đến người nghèo - nghe rất dân túy, như xoa dịu sự bất mãn của những người thích công bằng tài sản, chẳng có gì mới lạ. Ấn Độ lại khác, cái chủ nghĩa xã hội Fabian đã rơi vào dĩ vãng, những nhà kỹ trị cầm quyền ở Ấn đã nhận thức rõ kết hợp kinh tế tự do và những giá trị XHCN, là con đường tiến tốt. Tư tưởng kinh tế của Nehru, và có thể của Gandhi, đã lỗi mốt. Cái may của dân tộc này, học hỏi phương Tây, cả của Anh - Mỹ lẫn Liên Xô, lãnh đạo thế giới thứ ba một thời, nhưng họ không bao giờ dám có những cải cách đột phá, ngoài những người ưu tú muốn "cải đạo" đa số người dân Ấn Độ một thời đã trở nên ảo tưởng. Giờ thì Ấn Độ đã bứt quá nhanh trên con đường phát triển, nhưng để những ưu tú len lỏi vào cộng đồng dân cư còn chìm đắm nhiều trong những giáo điều tôn giáo, không dễ.

 

Cánh tả hay cánh hữu, sự lựa chọn nào cho nhân loại? Cánh tả được xem là tiến bộ, cánh hữu được xem là bảo thủ. Dĩ nhiên cái tiến bộ bao giờ chả hơn, nhưng người ta hay hoài nghi vào những cái tiến bộ trên giấy tờ, trong các cương lĩnh, hay chỉ là một sự duy lý không có cơ sở, những mơ mộng dễ bị cho là ảo tưởng. Trao đổi với một số bạn trẻ, các bạn ấy bảo con người là xấu xa, chỉ có các quy phạm xã hội đặt ra (dĩ nhiên xã hội phải có quy phạm điều chỉnh rồi), hạn chế bớt con người làm những điều xấu xa mà thôi. Các bạn lại bảo các nước lớn luôn muốn chèn ép hay xâm lấn các nước nhỏ, đó là quy luật muôn đời, con người cũng như con vật, muốn tồn tại thì phải đấu tranh sinh tồn (nghe rất giống với thuyết Darwin xã hội, mà chủ nghĩa phát xít đã vay mượn). Giờ đây, cả Trung Quốc, lẫn Việt Nam, và có lẽ nhiều nước khác đang bị chủ nghĩa dân tộc cuốn vào những tranh chấp, căng thẳng, không biết bao giờ lý thuyết đại đồng, bốn bể đều là anh em của Marx mới trở thành hiện thực.

 

Có thể môi trường xã hội xung quanh khiến các em nghĩ con người là xấu, khó trách các em, nhưng lại ngạc nhiên các em rất hồn nhiên và yêu đời. Các em đã rất dễ thích nghi với môi trường xung quanh, tuổi trẻ mà. Con người là xấu, môi trường nào tạo ra những suy nghĩ như vậy ? Thật khó tin, trong khi loài vật sinh nở hầu hết nuôi con theo bản năng đến khi chúng có thể tự lập, còn con người "thông minh" ít làm theo bản năng mà theo lý trí, cho dù hầu hết không bỏ con cho dù chúng có thể trưởng thành tự lập, thì không ít kẻ vứt con ngay khi mới sinh…

 

Trong cái nhìn của phương Tây hay các tổ chức quốc tế, có thể không chuẩn xác tuyệt đối, Việt Nam xếp 128/187 nước chỉ số phát triển con người, GDP đứng 57/183 quốc gia, GDP bình quân đầu người 145/ 190 quốc gia, báo cáo của WB năm 2009 thì tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore (nếu theo PPP thì 128/180), tăng trưởng kinh tế năm 2011 đứng thứ 49/185 quốc gia, chỉ số hòa bình Việt Nam xếp thứ 34/158 nước, chỉ số tham nhũng xếp 112/182, chỉ số tự do kinh tế 136/179, chỉ số tự do báo chí 172/179 quốc gia, chỉ số dân chủ 143/167, chỉ số tự do 7/7 (Political Rights) và 5/7 (Civil Liberties), chỉ số phát triển con người đã điều chỉnh bất bình đẳng giáo dục, y tế và thu nhập xếp 76/134 (2011, Na Uy xếp đầu), cải thiện tới 14 bậc so với năm 2010, nhưng thú vị nhất là chỉ số hạnh phúc Việt Nam xếp thứ 2/151, dựa trên ba tiêu chí gồm mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái (năm 2006 còn đứng 12 và 2009 đứng thứ 5) theo công bố của NEF (chỉ sau Costa Rica, nước có mức sống cao nhất Trung Mỹ, và ngạc nhiên là Qatar kinh tế tăng nhanh nhất 2011 lại xếp thứ 3 từ dưới lên).

 

Có thể nhiều người không mấy tin vào chỉ số hạnh phúc, và có những báo cáo khác, vì không ít người không mấy hài lòng với bao vấn nạn nhức nhối ở Việt Nam, nào là tham nhũng, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, giáo dục xuống cấp ở mọi cấp, khoa học chậm phát triển, lối sống thực dụng tha hóa con người, rồi thì sự phát triển của "chủ nghĩa tư bản nhà nước", hay "chủ nghĩa tư bản thân tộc", vấn đề công bằng xã hội, vô số cái giá phải trả cho tăng trưởng kinh tế, nhưng sự thực là đa số người dân thích nghi khá nhanh với xã hội hiện tại. Thế đấy, người Việt Nam rất lạc quan và yêu đời hơn hầu hết các dân tộc khác.

 

Xem lại Capitalism: A Love Story để có thể nhận thức rõ hơn về chủ nghĩa tư bản hiện đại, cái thứ chủ nghĩa đang trong quá trình toàn cầu hóa này. Có thể nhận định thế giới đại đồng ngày nay không giống như trước đây, vì chủ nghĩa tư bản đang góp phần tạo nên một "thế giới đại đồng" theo kiểu khác, theo kiểu  của họ, kiểu của "chọn lọc tự nhiên", nhưng sự khôn ngoan đôi khi ác độc sẽ chiến thắng ngu muội mà thật thà. Karen Shakhnazarov, đạo diễn Nga, người làm phim The White Tiger về Thế chiến II chỉ muốn nhắc nhở giới trẻ ở Nga quan tâm nhiều hơn đến lịch sử thay vì xem những siêu nhân kinh dị của tư bản Mỹ, đã phát biểu khi được phỏng vấn "tôi nghĩ rằng Liên Xô sụp đổ phần lớn là vì người ta muốn cấm tư tưởng. Người ta toan áp đặt chỉ một quan niệm, chỉ một quan điểm, nhưng không thành công". Vậy đấy, tranh luận thì vẫn phải tranh luận, "mâu thuẫn là động lực của sự phát triển", như các nhà kinh điển Marxist đã vạch ra, nhưng đừng mơ loại bỏ chủ nghĩa tư bản trong một thời gian gần cho dù nó luôn tồn tại cái xấu.

 

Anh Dũng
Số lần đọc: 5935
Ngày đăng: 16.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xem Phim « Bel Ami » ( Người Tình Phóng Đãng) - Đỗ Nguyễn
Audrey Hepburn trái tim nhân ái - Sâm Thương
Grace Kelly thời khắc của định mệnh - Sâm Thương
huyền thoại của điện ảnh Pháp - Sâm Thương
Điện ảnh Ấn Độ còn lạ lẫm với người Việt Nam ? - Anh Dũng
Rita Hayworth hành trình qua địa ngục - Sâm Thương
Làn sóng Hàn Quốc từ âm nhạc và phim ảnh, thử tìm lời giải đáp - Anh Dũng
The Snow White And The Seven Dwarfs, Giấc Mơ Tuổi Thơ - Sâm Thương
Phim chuyển thể văn học: một chút tâm sự - Anh Dũng
Xem phim Người nông dân nổi dậy, ngẫm công lý và một nền tư pháp trong sạch - Anh Dũng