Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.437
 
Kỷ niệm với anh Nguyễn Mộng Giác
Thường Quán

 

Tôi gởi bài thơ đầu tiên tới Văn Học độ đầu năm 1986, nhận được lá thư viết tay anh gởi qua Úc, gần như là ngay sau đó; lá thư tôi giữ rất lâu sao hôm qua khi tìm lại không thấy, nhưng bù lại, lại tìm được một lá thư cũng dài tương tự viết trên tấm thiệp xuân ghi Cali 24/1/1989. Nhìn lại giai đoạn này 1986 -1989 tôi đã may mắn có được anh như một nhà biên tập. Một người biên tập đúng nghĩa, hay còn đi xa hơn, đã trở thành người đọc lý tưởng mà người viết hình dung khi đẩy ngòi bút trên mặt giấy. Những tờ thư, những cuộc trao đổi điện thoại, giấy bút, những bạn văn anh nhắc nhở, giới thiệu, đã làm nên một không gian văn học riêng tôi, giữa chập chùng một khoảng cách không gian phải kể là bao la xa. Tôi gặp anh lần đầu cuối năm 1996, anh Hoàng Khởi Phong đưa tới nhà, được anh khen trẻ và lập tức hỏi chuyện tờ Tập Họp, tên của một tờ báo, một nhóm anh em rất thân đã tụ về vào năm 1986, ở hai thành phố thủ phủ, Sydney và Melbourne, đúng ngay thời điểm tôi bắt đầu bài vở với Văn Học. Câu chuyện vừa ấm anh đã điện thoại nối đường cho tôi được trò chuyện với anh Nguyễn Bá Trạc, Ngọn Cỏ Bồng là một cuốn sách tôi và vài bạn khác của Tập Họp như Cao Huy đã rất mến. Lần gặp thứ hai đầu năm 1997 anh và anh Thạch Hãn cho tôi đi ăn trưa ở giữa phố Tiểu Sài Gòn. Hai anh nhắc tới nhạc gia của tôi cùng là trong ngành giáo dục, hôm ấy ở anh tôi thấy lại những người thầy giáo của ngôi trường trung học một thành phố miền Trung đã cho tôi niềm say mê chữ nghĩa ngay ngày mới bước vào sân trường, những người có mặt bên trong tôi không phải chỉ là những kỷ niệm đẹp không mà thôi mà còn là những nến lửa sinh động ngầm cháy, thúc đẩy một bản thân tôi trên những ngả đường từ khi rời sân trường trung học. Nhớ anh Thạch Hãn và anh lúc ấy đang làm số đặc biệt về những ngòi bút trẻ trong hai lĩnh vực báo chí và văn học đang bắt đầu gây chú ý trên báo chí Mỹ, tôi thấy được qua câu chuyện ân cần sự đặc biệt lưu tâm của người Văn Học cho con đường dài, và dù là không nói ra, một tin tưởng, ánh lên một hãnh diện. Tôi gặp lại anh lần thứ ba vào khoảng tháng bảy năm 2008. Lần ấy trong căn nhà ấm cúng sách vở của anh chị, tôi gặp được anh Trúc Chi, anh Võ Thắng Tiết, người đã cùng anh chăm nom xuất bản tập Ngoài Giấc Ngủ cho nó ra đời, anh Cao Bá Minh, các bạn thân biết nhau đã lâu Phùng Nguyễn, Chân Phương, Bùi Vĩnh Phúc. Buổi ăn trưa đông vui ở một quán ăn thanh lịch gần nhà có một phong vị hội ngộ thân mật, gợi nhớ những trưa tháng Năm kỵ giỗ trong căn nhà của bố mẹ tôi ở một xóm Ga Đà Nẵng. Như tôi kể lại với bạn Hoàng Ngọc-Tuấn, khi quay trở lại Úc, lần gặp này anh vẫn nhắc tới tờ Tập Họp, hỏi ai đã làm kỹ thuật - tôi tin anh hay phần kỹ thuật là do một tay Hoàng Ngọc-Tuấn, dạo ấy. Sau này nhớ ra còn bạn Ngô Đức Vinh, người đã tận tụy nghiên cứu làm nên font chữ Việt đầu tiên trên đất Úc. Hôm qua, đúng là linh, mở số thư từ cũ, bên cạnh lá thư tháng 1 năm 89 của anh, tôi còn tìm ra những bài thơ gởi các bạn Tập Họp hồi năm 1986, trong đó có bài gởi Ngô Đức Vinh

 

Còn sẽ đá, những lóng tròn vo mắt kiếng

Nỗi thương tâm nhà Phật mái hiên nơi

 

Đứng một chốc. Nghe câu tán xướng

Bay qua vùng hạ trũng xương, người

 

Và cá, và cốt xương nhuyễn thể

nghĩa là phi lý mặn ngàn khơi

 

tôi điều chỉnh mấy câu thơ cũ, nghĩ tới anh, nhà biên tập một thời tôi tự mượn tạm (nghĩa là không thông báo), gọi là nhà biên tập của riêng (my editor), ít ra là trong giai đoạn 1986-1990, và thấy thời gian đi qua cũng là cảm động.

 

Tôi biết anh yêu Nguyễn Du, đã từng trò chuyện với anh về tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du Quách Tấn dịch thực chu đáo. Tôi đã may mắn có dịp về Nha Trang lúc nhà thơ Quách Tấn còn sống, được bác ba của bạn Hồ Nhã Mai Tiết cùng đạp xe đạp tới thăm nhà thơ ở Chợ Đầm, Nha Trang, để khi quay ra trong câu chuyện điện thoại với anh được nhắc tới Nha Trang. 'Nha Trang biển mở trời phong cách/ giọt nắng đằm đằm hạt muối xanh’. Số Văn Học tưởng niệm anh Phùng Quán về kịp nhanh nằm sát bên bình hương bàn thờ nhà thơ Phùng Quán, tháng 3 năm 1995, có chị Bôi Trâm rót rượu gọi "Anh ơi, có Hoàng về thăm, uốn chén rượu với anh đấy', rồi chi sẻ chén rượu non bùi ngùi nhắc lại thời nào 1991, tôi còn đi khắp Hà Thành với chiếc lão mã của anh Quán. Số Văn Học trong căn nhà sau lưng trường Chu Văn An, sát cạnh Hồ Tây, ở chuyến đi 1995, tôi nhắc lại một lần điện đàm khác với anh ngay sau khi trở qua, có lẽ cũng là một sự chu toàn đẹp, mà tôi hình dung khiến anh đã cũng có một khoảnh khắc vui. Số báo những người viết trẻ ở Úc anh thúc hối nữa, nó cũng thành hình với tạm đầy đủ đông đảo bài vở - thực ra là chuyển giao từ một số Tập Họp không còn ra nỗi. Một kỷ niệm vui khác.

 

Rilke nói đúng, con người ta sống ở đời là đi qua hai chặng, chặng hai là sự nhìn lại chặng đầu. Nhà thơ Bùi Giáng gọi sự này là ‘song trùng nhị bội’. Anh đã nhìn hai lần [hay ba, hay bốn ?], để có những truyện ngắn, và hai cuốn tiểu thuyết đầy đặn, sự đọc lại những gì anh có chắc còn là ớ tôi nhiều năm. Tôi thấy ở anh một chân tình hiếm có, một ngòi bút vừa có sự yêu quí chữ lời của thơ vừa có sự nhìn xuyên sâu vào lịch sử. Anh tận tụy không phải chỉ riêng cho một tờ báo, mà là chung cho cả đất trời văn học của chung. Lá thư trên thiếp đề Cali 24/1/89 anh viết : "Năm mới, chúc TQ vui, và sáng tác đều. Cái vui của viết lách là tìm được chính mình, và có được những người đồng điệu ở bốn phương trời". Anh mất, vang động trong tôi những mắc giăng đồng điệu này. Hôm được các bạn ban biên tập damau xác chứng tin anh mất, tôi ngồi xuống hình dung, vẽ chân dung anh, và viết bài homage Nhà Văn, nhớ lại cũng nhiều: anh Nguyễn Mộng Giác, và anh Nguyễn Mộng Giác giữa mọi người, đông đảo, tốt lành.

 

13/8/2012

Thường Quán
Số lần đọc: 1997
Ngày đăng: 19.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Má Ơi ! - Nguyễn Đông Nhật
Chút Huế: Cà Phê Một Thuở - Hà Thủy
Về những tập truyện ngắn - Nguyễn Hòa vcv
Nhớ Lại Một Câu Hỏi - Mang Viên Long
Ngôi Nhà Số 2501 Đường Alvin - Hồ Thị Mộng Loan
Gái Đứng Trong Tối - Phạm Nga
Ghi Chép Tháng Tám 1 - Nguyễn Hồng Nhung
Lan Man… Chết – Sống - Nguyễn Đông Nhật
Thông Điệp của Olympic London 2012 - Vũ Ngọc Anh
Những Ghi Chép Nhỏ Ở Thailand - Nguyễn Thị Hậu