Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.202.339
 
Những người Việt trẻ ở nước ngoài
Lê Hải*

 

Những bạn trẻ sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở nước ngoài thường được gọi là thế hệ một rưỡi, để phân biệt với thế hệ một là bố mẹ họ khi di cư, và thế hệ hai là em hoặc con họ sẽ đẻ ra ở nước ngoài. Những người Việt trẻ này đang là những cánh cửa để đưa Việt Nam ra thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.

 

 

Tại một lớp luyện thi vào đại học kiến trúc ở Warszawa có một số bức tranh phong cảnh Việt Nam đang vẽ dở, vì giảng viên chính là một người Việt, thạc sĩ Đàm Truyền Minh. Sang đây từ năm 91 với bố mẹ để vào học lớp 1, nay đã tốt nghiệp đại học bách khoa Warszawa và đang đi làm cho một tập đoàn kiến trúc ở Ba Lan, anh hoàn toàn là một người Ba Lan trong cuộc sống và công việc. Nhưng trong một góc của tâm hồn, Minh cũng hoàn toàn là người Việt với giọng Hà Nội chuẩn như trai phố cổ, là lý do chính khiến khách hàng người Việt ở Ba Lan tìm đến công ty anh, bên cạnh các kiến thức về phong thủy và lối thiết kế nhà phù hợp với tập quán và cuộc sống đậm đà bản sắc Việt Nam. Tranh thủ giờ nghỉ trước buổi dạy, người họa sĩ trẻ chia sẻ thêm với tôi về những bức tranh đang thực hiện sau chuyến xuyên Việt vừa rồi, với nhiều ảnh chụp và phác thảo rất ấn tượng. Anh cho biết bản thân tự bỏ tiền đi rồi dành thời giờ vẽ và hiện thì đang tìm người tài trợ triển lãm để quảng bá cho du lịch Việt Nam, bên cạnh một số tác phẩm đã đưa lên trang nhà minhdam.com. Kiến trúc sư Đàm Truyền Minh là một ví dụ tiêu biểu bên cạnh rất nhiều gương mặt trẻ Việt Nam khác khá nổi tiếng ở Ba Lan này, như hai cô gái là nhà tạo mẫu và thiết kế thời trang Nguyễn Hồng Diệp và Lana Nguyễn Lan Anh. Họ đều sang đây từ nhỏ và lớn lên dưới mái trường Ba Lan cho nên trưởng thành với đầy đủ nhân cách Ba Lan – châu Âu, nhưng đồng thời vẫn ăn cơm Việt Nam do mẹ nấu mỗi ngày cho nên vẫn thấm đậm bản sắc văn hóa Việt Nam – châu Á. Nay lớp trẻ này trở thành những cây cầu nối bền chắc cho Đông và Tây, cho văn hóa Việt Nam ra thế giới và cho văn hóa Ba Lan vào Đông Nam Á.

 

Hiện tượng đa bản sắc trong căn cước văn hóa của di dân từ lâu đã là đề tài nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học trong các ngành xã hội và nhân văn của Ba Lan. Giáo sư Antonina Kłoskowska gọi trường hợp như vừa kể là biwalencja (bi-valence), tức là khi trong một con người có hai hệ thống văn hóa khác nhau cùng tồn tại và tác động qua lại trong suy nghĩ cũng như thể hiện ra qua hành động bên ngoài. Với thế hệ di dân là con cái của những người đến đầu tiên (thế hệ 1) nhưng không hoàn toàn sinh ra trên mảnh đất mới (thế hệ 2) mà đã từng hưởng một phần những gì cốt lõi từ nền văn hóa trước (nên được gọi là 1 rưỡi) thì hai hệ thống văn hóa này tương đương nhau về số lượng và chất lượng, cho nên họ là những người có điều kiện hoàn hảo nhất để phiên dịch qua lại giữa hai nền văn hóa. Vì họ cùng lúc sống trong hai nền văn hóa nên đây không phải là sự diễn giải đơn thuần mà là quá trình chuyển nghĩa tự nhiên được kiểm chứng qua chính trải nghiệm của bản thân. Nói cách khác, họ giống như là những cánh cửa thần kỳ trong truyện tranh Doremon, nơi người ta có thể mau chóng đang từ nền văn hóa này bước sang nền văn hóa khác mà không phải thông qua các bước nghi thức ngoại giao rườm rà vừa tốn thời gian vừa có thể làm lệch lạc ý nghĩa ban đầu. Những cảm nhận của họa sĩ Đàm Truyền Minh về một quán phở ở Hà Nội như trên trang mạng của anh ở địa chỉ minhdam.com chắc chắn sẽ dễ hiểu và sát thực hơn cho khách xem người Ba Lan hơn bức tranh cùng đề tài của một họa sĩ Việt Nam hay Ba Lan. Nếu bạn chịu khó nhìn quanh, thì sẽ thấy vô số cánh cửa như vậy trong các cộng đồng người Việt đang sống rải rác ở khắp mọi nơi trên thế giới.

 

Sau buổi dạy, Minh tranh thủ mua sắm và chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ. Anh thường xuyên có hội thảo và triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, như một giải thưởng vẽ tranh gần đây ở Ý. Với thế hệ người Việt trẻ hiện nay ở nước ngoài, chuyện đi lại giữa các nước là điều bình thường trong cuộc sống và công việc. Tại một nhà hàng ở phía tây Luân Đôn, tôi có cơ hội gặp Hoàng Thị Hương Xiêm, một cô gái người Pháp gốc Việt, sinh ra ở Hà Nội nhưng lại lớn lên ở Tân Đảo (New Caledonian) và giờ đang là việc cho một ngân hàng Mỹ ở Anh. Đó là chân dung của một trong số rất nhiều thanh niên Việt Nam kiểu như vậy trong bữa cơm tối này. Có cô gái Sài Gòn theo chồng người Hà Lan qua Mỹ rồi về Anh sống. Có chàng trai từ Việt Nam sang Canada học, về Malaysia làm việc rồi chuyển sang London. Hay cô bạn người Đức gốc Việt, anh bạn người Việt gốc Hoa quốc tịch Anh… mỗi một nhân vật là một câu chuyện lịch sử xuyên quốc gia. Điểm chung của họ là cùng một nhóm lớn hơn tổ chức hội chợ Việt Nam vào đúng thứ Bảy này ở khu chợ nổi tiếng Spitalfields cạnh ga Liverpool Street của Luân Đôn, như đã dày công chuẩn bị và quảng cáo trên trang mạng vietnamsummerfestival.com. Trong một thế giới liên tục thay đổi, những giá trị bản sắc xuyên quốc gia (transnational identity) mà những người Việt trẻ này xây dựng nên qua những việc làm của mình sẽ trở thành điểm định hướng trong tương lai. Thật trùng hợp đó cũng là đề tài cho luận văn thạc sĩ đã bảo vệ thành công ở đại học Goldsmith của một người Anh đẻ ở Mỹ, nay sống ở Đức, Stephen James. Bằng chất giọng đặc sệt Nam bộ, anh giải thích rằng toàn bộ tuổi thơ của mình gắn liền với mảnh đất Gia Định, gần chợ Bà Chiểu. Và như vậy, cũng có thể xếp anh vào nhóm của những người Việt trẻ vừa kể, vì cùng mang trong mình một phần bản sắc văn hóa Việt Nam để phát tán ra thế giới.

 

 

Nhìn rộng hơn, thế hệ Một rưỡi còn chính là nơi tạo ra bản sắc trong thời đại toàn cầu hóa, hay chính xác hơn là toàn cầu từ góc nhìn địa phương – glocal (khái niệm được đặt ra kết hợp giữa globallocal). Bạn cứ thử chạy ngang qua góc Nguyễn Du với Đồng Khởi, tức là ngân hàng HSBC ở mặt trước Nhà thờ Đức Bà mà xem, sẽ thấy ngay họ quảng cáo hoạt động của mình là global local bank - một ngân hàng toàn cầu rất địa phương. Đó là cánh cửa tài chính để đưa bạn bước ra thế giới, đồng thời cũng là nơi để bạn - một người trẻ - khẳng định bản sắc trong thế giới mới, nơi uy tín không phải là ở số tiền bạn đang có trong tài khoản, mà là số tiền bạn sẽ có thể nợ, như đúng nghĩa của cái tên chiếc thẻ tín dụng (credit card, credibility) mà ngân hàng sẽ cấp cho bạn vậy. Vốn xã hội (social capital: khái niệm được GS Robert Putnam phát triển) - tức là uy tín trong các liên lạc xã hội gầy dựng từ cuộc sống, hay mối quan hệ do gia đình và bạn bè tạo ra – cùng với vốn văn hóa (cultural capital: khái niệm được GS Pierre Bourdieu xây dựng) - tức là sự thông hiểu đối với nền văn hóa khác và mức độ sở hữu nền văn hóa của chính mình - là hành trang cần thiết để mỗi cá nhân và mỗi dân tộc vững bước trong mọi hoàn cảnh. Với thế hệ Một rưỡi, đây là số vốn mà họ luôn có sẵn từ độ tuổi rất trẻ, tiếp tục được quay vòng và tích lũy nhiều hơn trong những chuyến đi từ nước này sang nước kia giữa các trung tâm văn hóa trên thế giới. Ngày xưa thế hệ trẻ Việt Nam ra nước ngoài để hấp thu văn hóa phương Tây đem về nước, bản sắc của người Việt lúc đó như GS Nguyễn Mạnh Hùng từng khái quát là khả năng nhanh chóng tiếp nhận và tiếp biến văn hóa. Ngày nay thì thế hệ trẻ Việt Nam ra nước ngoài để rồi sẽ tự nhiên phát tán văn hóa phương Đông. Câu hỏi đặt ra là văn hóa Việt Nam liệu có kịp bám theo trên cây cầu văn hóa và nhanh nhạy bước ra thế giới qua những cánh cửa thần kỳ này hay không./.

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2398
Ngày đăng: 19.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi Điều Góp Thêm Về “ Truyện Ngắn” - Mang Viên Long
Vài trang sử trong quan hệ Nga-Trung - Huỳnh Văn Úc
Thực trạng xiếc. - Tuấn Giang
Dịch và phản dịch, dịch vì mắc dịch - Nam Dao
Đạo Phật Ở Nước Nga - Huỳnh Văn Úc
Về Khẩu Hiệu “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn” - Lại Nguyên Ân
ĐÔI DÒNG NHỜ CẢI CHÍNH CHO BÀI “NHỮNG CHI TIẾT MỚI VỀ VĂN HỌC QUA PHỎNG VẤN…” - Trần Văn Nam
Kính gửi: Anh Lại Nguyên Ân - Đỗ Thế Cường
Mối tình đầu của Chế Lan Viên - Khổng Ðức
Xin Hãy Kiểm Tra Lại Các Nguồn Tư Liệu - Lại Nguyên Ân
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)