Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.233.062
 
Người Đàn Bà Ở Lầu 5, Phòng Số 521
Nguyễn Trung Dũng

 

Cái thang máy lên đến tầng 5 của khu chung cư, mỗi lần rời khỏi phòng, mỗi lần từ phố trở về nhà, Thưởng phải dùng đến cái thang máy đó. Nếu không muốn dùng thang máy, đi bộ bằng cầu thang chân, cũng có cầu thang chân. Chẳng tội vạ gì phải mất sức nhọc công, bước từng bực thang lên hay bước từng bực thang xuống, Thưởng không dại phải làm cái công việc đó bao giờ cả. Vì thế, để không phí sức, để không mỏi cẳng, hàng ngày, Thưởng cứ cái cầu thang máy mà xử dụng. Mỗi khi đã bước vào bên trong, chỉ cần bấm cái nút có những con số, số ở tầng lầu của mình, lên hay xuống, thì thang tự động rút lên cao hay từ từ đi xuống thấp. Vào những lúc vắng người xử dụng, đứng trong thang máy chỉ có một mình, Thưởng nhận thấy sau cái rùng mình, cái thùng hình chữ nhật ngay tức khắc chuyển động, thì đấy là lúc nó được rút lên, hay thả xuống, theo một vận tốc trung bình. Cũng đôi khi cùng vào trong thang một lúc, có mấy bà người gốc Phi, người gốc Ấn hay người gốc Lào, họ đứng chật chội ở một khoảng không gian với một diện tích hạn hẹp.

 

Máy móc phục vụ hữu ích cho con người. Giả như nếu không ai sáng chế ra nó, với những ngôi nhà chọc trời cao ngất ngưởng, làm sao người ta có thể lên hay xuống các tầng chót vót được. Nhưng chẳng mấy ai mất thì giờ để bận tâm suy nghĩ đến những tiện nghi đã có, đã phục vụ cho mình bao giờ cả. Người ta vô tư đến độ không cần biết những gì mình được thụ hưởng và cũng không cần nghĩ đến công khó của những ai đã làm ra nó để cho mình dùng. Còn Thưởng, một đôi khi, đứng trong cái thang máy đó, mỗi lần lên hoặc xuống, cũng có lúc, đầu óc Thưởng không thể không nhớ đến công trình và sáng tạo của những kiến trúc sư, những nhà sản xuất, những công nhân, là những người đã xây cất để thực thi những công việc họ làm.

 

Buổi trưa, không bao giờ Thưởng không xuống ăn ở cái phòng ăn của khu chung cư . Và mỗi lần như thế, cái thang máy lại giúp đưa Thưởng từ trên tầng lầu cao để xuống đến tầng dưới đất, ở đó là địa điểm của nơi ẩm thực. Với giá 2 đồng 50 cents cho mỗi phần ăn. Món ăn mỗi ngày được thay đổi hợp với khẩu vị và đủ dinh dưỡng cho các vị cao niên. Tờ thực đơn của mỗi tuần thường thấy các món được liệt kê như sau: các món  chính mỗi ngày có Rice, Ita Lion Sausage, Fish Curry, Teriyaki Chicken, Roast Beef, Pork Sinigang, Roast Port Lion, Sheesh Kebab, BBQ Lemon Ginger, các món phụ thường là Vegetables Salad, Bok choy, Carrots, kèm các món tráng miệng như Melon, Orange, Apple.   

 

Phòng ăn có khả năng chứa được nhiều người. Bàn với những cái bàn tròn dưới chân có bánh xe để đẩy. Những cái ghế nhựa có lưng tựa. Những cái ghế và những cái bàn khi tới, Thưởng đã thấy có đông người. Nếu thấy chỗ nào còn trống, Thưởng biết chỗ đó là chỗ chàng có thể ngồi. Trong khi đợi lãnh thức ăn, Thưởng thường chuyện trò với người  bên trái hoặc bên phải. Người Phi, người Tầu, người Lào, ngoài tiếng mẹ đẻ bản xứ, họ còn biết tiếng Anh. Khi hàn huyên tâm sự, Thưởng phải xử dụng tiếng Anh để hai bên cùng hiểu. Với người đó là người Tầu, Thưởng thường gợi chuyện để nhắc đến Vạn Lý Trường Thành. Với người đó là người Lào, Thưởng hỏi thăm ở Lào thành phố nào được coi là lớn nhất. Với người đó là người Phi, Thưởng ca ngợi đất nước của họ có nhiều danh lam thắng cảnh. Chuyện trò trao đổi chỉ là một cách xã giao để kết tình thân quen biết trong lúc thức ăn chưa được lãnh. Như thế vẫn hơn là ngồi nhìn nhau trong một không khí buồn tẻ, ngỡ ngàng.

 

Buổi trưa nay vẫn là buổi trưa như thường lệ, Thưởng rời phòng xuống phòng ăn. Cái thang máy lại giúp đưa Thưởng từ tầng 5 xuống tầng dưới đất như mọi bữa. Cùng vào trong thang máy, ngoài Thưởng ra, còn có một bà nữa cũng xuống phòng ăn để ăn bữa trưa. Mới gặp lần đầu, chưa hề quen biết, Thưởng không dám đường đột lên tiếng hỏi chuyện. Trong khi thang chuyển động rồi từ từ rút theo chiều thẳng đứng để xuống phía dưới, Thưởng chỉ đứng im lặng, mắt nhìn người đàn bà ở khác phòng nhưng cùng tầng với mình. Đó là một người đàn bà không quá trẻ cũng không quá già, nếu đoán tuổi, tuổi khoảng chừng trên dưới 60. Về nhan sắc, nhan sắc của bà ta nhìn còn rất được. Đẹp thì dĩ nhiên không thể cho là đẹp. Xấu thì xấu làm sao có thể nói là xấu. Nhưng với dung nhan đó, Thưởng thấy nó vẫn còn mặn mòi, còn có sức quyến rũ nam giới. Về vóc dáng, thân thể được xem là đầy đặn và tròn trịa. Cổ và phần ngực để hở với cái áo mặc vải cắt hơi thấp, da cổ và ngực nom mịn và trắng như bẹ chuối non. Thưởng đứng chiêm ngưỡng người đàn bà như đứng ngắm một bức tượng thạch cao trưng bày trong viện bảo tàng, quên cả cái thang máy đã dừng lại ở tầng dưới và cánh cửa đang lúc từ từ mở. Tỉnh như vừa bị thuốc mê, thuốc hết hiệu lực, Thưởng vội vã bước ra ngoài.

 

Bây giờ đã ở trong phòng ăn, Thưởng đưa mắt quan sát một vòng khắp các bàn, những cái bàn tròn đã có người ngồi, chàng thấy người đàn bà đó ngồi ở cuối dẫy, cái áo màu xanh rêu chỉ thoáng cái chàng đã nhận ra. Bữa ăn ngày nào cũng như ngày đó, khoảng nửa tiếng thì đã thấy có người đứng dậy để về, đã thấy nhiều cái bàn không còn ai ngồi ở đó nữa, và người đàn bà mặc cái áo màu xanh rêu cũng biến mất.

 

Một bữa, đã tới giờ ăn trưa, Thưởng vội thay áo quần, mở cửa đi đến cầu thang máy. Cũng đúng là lúc, từ dẫy hành lang dài, người đàn bà xuất hiện. Bà thong thả bước từng bước tới cái cầu thang, cửa cầu thang vừa bật mở. Đứng bên trong cái thùng hình chữ nhật, chỉ có Thưởng và người đàn bà. Khác với lần trước, hôm nay bà mặc cái áo màu tím hoa cà, vải áo có điểm vài bông hoa cúc trắng.

 

Khẽ rùng mình rồi chuyển động, cái thang máy bắt đầu từ từ tụt xuống. Nếu không thấy bà ta nhìn Thưởng rồi cười, thì Thưởng chưa có can đảm để lên tiếng mở miệng. Cái nhìn và cái cười đã giúp Thưởng có nghị lực để chàng bạo dạn nói:

 

“Bà đến ở đây lâu chưa”.

“Chừng một năm thôi ông ạ”.

“Một năm kể ra cũng lâu. Vậy mà ít khi tôi gặp”.

“Ông ít khi gặp cũng là đúng. Tôi đi làm từ sáng đến chiều mới về. Về rồi quanh quẩn lo công việc trong nhà, còn đâu thì giờ để ra khỏi phòng đi đây đi đó nữa”..

“Bây giờ bà vẫn còn tiếp tục đi làm đấy chứ”.

“Không, tôi mới bị thất nghiệp. Có một mình, ăn uống phải lỉnh kỉnh nấu nướng mất công, tôi xuống phòng ăn trưa cho được việc”.

“Không phải là tôi tò mò, hỏi chỉ là hỏi với tính cách hàng xóm láng giềng thân quen, bà ở phòng số mấy đấy nhỉ”.

“Phòng 511”..

“511 cùng dẫy với phòng tôi. Phòng tôi số 521”..

 

Đến đây, thấy qua câu chuyện giữa mình và người đàn bà có vẻ đã tự nhiên và thân thiện,  Thưởng với vẻ mặt và bộ điệu bình tĩnh vừa tự tin hơn, nói:

 

“Chưa quen coi nhau còn là người xa lạ. Nay biết nhau rồi, cứ hai chữ ông và bà nghe nó khách sáo quá. Tôi đề nghị từ nay mình nên đổi cách xưng hô đi”.

“Ý ông muốn nói là anh và tôi đấy có phải không”..

“Đúng. Anh và tôi cho nó thân tình”.

 

Người đàn bà vừa tính nói thì đúng lúc, cầu thang đã xuống tới đất, cửa đã mở. Vừa đi về phòng ăn, họ vừa sóng đôi vừa nói chuyện:

 

“Ông ... à anh. Anh có biết nữa nay họ cho mình ăn món gì không”.

“Bữa nay, hình như là món Roast Beef”.

“Roast Beef là thịt bò nướng đấy. Món này ăn cũng được”.

 

Đến phòng ăn, cả hai ngồi cùng một bàn. Câu chuyện từ  đấy về sau, cái khoảng cách giữa hai người, một ở bên này bờ sông, một ở bên kia bờ sông, đã có một cây cầu bắc ngang, nhờ cây cầu, họ đã gần nhau hơn. Những lần gặp nhau trong thang máy, không hẹn nhưng cứ đúng vào giờ ăn cơm trưa, họ lại có mặt, đi với lần xuống phòng ăn và lần về, từ phòng ăn trở lại nơi ở của mỗi người. Những lúc khác, nếu không gặp, Thưởng thường dùng điện thoại để hỏi thăm hay rông dài nói chuyện. Chuyện này chuyện nọ, chỉ là cái cớ để Thưởng xích gần mối thân tình. Tình cảm, tình yêu và tình gì xa hơn nữa, không ai biết ngoài Thưởng ra.

 

Đến một ngày, Thưởng biết người đàn bà ở phòng 511 tên là Xuyến. Theo nhận xét của Thưởng, Xuyến là một người cởi mở, tính hiền hòa nhã nhặn, kín đáo nên ăn nói rất thận trọng. Một con người như thế thật khó để người khác có thể dễ dàng biết được họ đang nghĩ gì trong đầu khi không nói ra. Đấy là cá tính của Xuyến. Dù qua nhiều lần chuyện trò, Thưởng cũng chẳng thể hiểu chính xác về con người đó một cách tận tường thấu đáo được.

 

Mỗi ngày, vẫn bằng cái cầu thang máy, vẫn buổi trưa ngồi ở cái bàn trong phòng ăn, Thưởng và người đàn bà tên Xuyến đã có mặt. Trong lúc chờ để được lãnh phần ăn, thời gian đó là thời gian để cả hai có chuyện gì đem ra nói chuyện đó. Đầu óc đã xếp sắp trước, câu được Thưởng hỏi là hỏi Xuyến về tiếng đàn mà Thưởng đã nghe thấy có người đánh, khi sáng nay, chàng đi trong dẫy hành lang để trở về phòng.

 

“Tôi không dám chắc lắm, nhưng hình như chị biết chơi piano. Có đúng vậy không.

“Chơi piano. Không phải, tôi chơi đàn “oọc” đấy. Ờ, sao anh biết”.

 “Tôi biết chẳng qua vì sáng nay, lúc đi ngang qua phòng chị ở, tôi nghe thấy tiếng đàn. Chị đánh bản đó có phải là bản Come Back To Sorrento đấy có phải không”.

“Đúng. Bản Come Back To Sorrento. Dịch ra lời Việt có tựa đề là Trở Về Mái Nhà Xưa. Anh cũng thích bản này hay sao”.

“Không phải chỉ thích mà rất thích là đằng khác. Mỗi lần nghe ai hát là mỗi lần hồn tôi trôi nổi theo âm thanh đi đâu đây xa lắm. Đi đâu đây xa lắm thì chỉ có trở về ngôi nhà ở quê hương cố quận”.

“Đấy cũng là tâm tư tình cảm của tôi. Nhớ quê hương cố quận như anh nói là nhớ về Sàigòn yêu dấu của mình”.

“Chị có thể cho phép tôi nói thêm một chút được chứ”.

“Dĩ nhiên. Anh cứ nói”.

”Ngoài cái nhớ về Sàigòn, tôi còn nhớ đến người yêu muôn thuở của tôi”.

“Vợ anh. Ý anh muốn nói về chị ấy có phải thế không”.

“Nhà tôi không theo tôi qua đây. Đã cương quyết ly dị để ở lại””.

 

Xét ra không cần phải có một lời an ủi nào khi nghe xong câu chuyện của Thưởng kể, bà Xuyến chỉ ngồi lặng im chờ Thưởng nói tiếp:

“Có những lúc ở trong phòng một mình, tôi thường dùng âm nhạc để khỏa lấp thời gian vừa để tránh cho mình cảm thấy không lẻ loi cô đơn. Đàn không biết đánh, hát không biết hát, cách duy nhất chỉ là làm bạn với những cái đĩa CD. Nhưng ... “.

“Tôi hiểu ý anh muốn nói thế là nói gì rồi. Nếu thực tình anh thích nghe tôi đàn, đàn những bản anh muốn, lẽ nào tôi lại có thể từ chối một người yêu âm nhạc như anh được”.

“Nói chỉ là một lời đề nghị, nhưng nói ra lại sợ chị hiểu lầm. Chị có nghĩ là tôi có dụng ý gì trong lời nói đó không”.

“Không. Đã coi nhau như bạn bè, chỗ thân tình biết nhau, sao lại hẹp hòi chấp nhất đến như thế được nhỉ. Vậy lúc nào thấy thuận tiện, anh muốn nghe, anh cứ qua bên tôi nghe tôi đàn”.

 

Anh cứ qua có nghĩa là Thưởng cứ đến thì cánh cửa sẽ mở. Bữa đó, nắng của buổi chiều vừa tàn tạ, mặt trời cũng vừa ngả về hướng Tây, bằng điện thoại báo trước, Thưởng đã qua căn phòng của Xuyến. Đồ đạc không nhiều. Bày biện xếp sắp gọn ghẽ. Tường có treo mấy tấm ảnh. Ảnh của gia đình và ảnh bán thân hình của bà. Thưởng cũng còn nhận ra một tấm khác có Xuyến ngồi bên cạnh một người đàn ông nom còn trẻ. Khi thấy Thưởng nhìn chăm chú tấm ảnh đó, bà Xuyến thản nhiên bảo:

“ Ảnh chụp chồng tôi và tôi, lúc mới cưới nhau, nay ... “..

 

Cái cách nói lấp lửng kiểu bỏ nhỏ, người nào đó chắc sẽ phải hỏi lại, còn Thưởng, Thưởng không cần hỏi cũng hiểu ra ý của người nói muốn nói cái gì rồi.

 

“Đây là tập nhạc, anh chọn bài nào anh thích nhất, tôi sẽ đàn bài anh thích cho anh nghe”.

“Thích thì nhiều bài thích lắm. Nhưng những bài thích đó hãy để những lần khác chị đàn cho nghe sau cũng được. Bữa nay, lại Come Back To Sorrento, Trở Về Mái Nhà Xưa, chị dạo đàn cho tôi nghe lại”.

“It's the village of Sorrento. On the coast of Italy. It's the village og Sorrento. That I'm coming back to see ... .”

 

Trước khi bàn tay trải xuống trên hàng phím màu ngà, bà Xuyến khe khẽ hát. Giọng hát ấm và buồn đúng với những gì cần thiết cho tinh thần bản nhạc. Cái ghế kê ngang với chỗ của bà Xuyến ngồi, mắt Thưởng có thể nhìn ra cửa sổ, có thể thấy một con đường dài, có thể thấy vỉa hè hai bên con đường đó là hai hàng cây cao đứng thẳng. Cái cửa sổ có gắn kính cũng là vị trí của cái đàn oọc, trong lúc dạo đàn, người chơi đàn cũng có thể nhìn xuống phía dưới hay đằng xa trong tầm mắt nhìn, thấy được toàn diện cảnh vật ở bên ngoài. Trong phòng không được sáng nhưng qua cửa sổ gắn kính, bầu trời nom như một tấm phông với nền trắng của những vệt nắng còn sót lại lúc bóng tối chưa đủ tối, chưa nhọ mặt người. Khi bà Xuyến đã khỏa những ngón tay để đùa lên hàng phím, thì từ trong thùng đàn, tùy theo mỗi âm thanh trầm hay bổng, thanh hay sắc, cùng lúc, như cánh của những con chim sẻ, đồng loạt vỗ để bay đi. Có lúc tiếng đàn nghe mà tưởng như tiếng người gọi nhau vang vọng trên bãi vắng của buổi chiều sâm sẩm, vắng lặng, có khi tiếng đàn đó nghe lại như tiếng sóng ở bờ xa đổ về.

 

Hồn lãng đãng thả trôi theo tiếng đàn, mắt ném về khoảng không trống rỗng của bầu trời đã ngả sang màu tai tái của buổi hoàng hôn, Thưởng cảm được cái buồn của người nhạc sĩ trở về mái nhà xưa sau nhiều năm xa cách, nay thấy lại ngôi làng ở Sorrento, thấy hải cảng có những cánh buồm, thấy gió nhẹ thổi và ánh nắng của mặt trời trên biển đang nhấp nhánh nhẩy múa.

 

Vẫn say mê mải miết đuổi theo những nốt nhạc với những ngón tay đùa rỡn trên mặt phím, với cái đàn oọc khi vui lúc buồn tùy theo đoạn nhạc, bà Xuyến không hề hay biết con mắt Thưởng đã đổi hướng nhìn, cái nhìn như một sợi chỉ căng thẳng ở chỗ một bên phần ngực của bà. Khi ngồi khom lưng, vải áo chùng xuống, ngồi nghiêng, cái phần ngực tròn và đầy ẩn hiện, không biết nó do vải độn ngực hay nó lại chính là da thịt của người mặc cái áo đó. Đến đoạn cuối là đoạn có câu: “My dreams of Sorrento. Are calling me” thì, tiếng đàn im bặt.

 

“Anh nghe thấy sao”.

“Tuyệt”.

“Hi vọng tôi đàn không đến nỗi dở”.

“Dở. Làm sao dở được. Ngồi nhìn chị đàn, tôi thấy đã đủ mê rồi”.

“Để đến lần khác, nếu anh còn thích nghe, tôi sẽ đàn tiếp các bản khác”.

“Còn gì bằng nếu được chị cho phép”.

 

Bà Xuyến kéo cái ghế để đứng dậy, Thưởng biết ý cũng đứng dậy. Cánh cửa phòng mở, Thưởng bước ra ngoài hành lang, thì cánh cửa lại được đóng lại. Ở ngoài hành lang, trần có gắn đèn sáng rực, từng bước chân, Thưởng đã về tới căn phòng của mình.

 

Với những ngày vào buổi trưa, vẫn cái cầu thang máy đi lên đi xuống, vẫn bữa ăn ở phòng ăn như thường lệ, Thưởng và Xuyến thường xuyên gặp nhau. Câu chuyện thân tình theo thời gian đã cởi mở hơn giữa hai người. Tin tưởng ở tình thân bạn bè đã vững chắc hơn giữa hai người. Và những lần gặp gỡ như thế, bình thường và yên ổn, chẳng có chuyện gì để xẩy ra cả.

 

Nhưng một hôm, cũng như mọi hôm vào bữa cơm trưa, xuống cầu thang lúc đến, lên cầu thang lúc về, lần về này, đứng ở trong cầu thang, lúc cầu thang đang từ từ rút lên, khoảng khắc thời gian ngắn ngủi đó, chỉ có hai người trong một cái không gian vừa nhỏ vừa hẹp, Thưởng bỗng mất tự chủ, mắt thì nhìn mắt bà Xuyến một cách say đắm, tay thì đưa ra cố ý đụng tay bà Xuyến, thấy bà Xuyến chỉ đứng im lặng như đợi chờ, thì  đã giúp Thưởng bạo dạn hăng hái hơn bao giờ hết, đã ôm lấy bà Xuyến, đặt vội một cái hôn lên đôi môi của bà ta. Hai cái môi đó dính nhau nhưng chưa đủ thời gian để thỏa mãn, thì cái thang máy đã lên tới tầng thượng, bởi sợ có người, họ phải buông nhau ra.

 

“Về bên anh một lát có được không”.

“Không bao giờ. Lần sau anh đừng nên làm như thế nữa. Tôi không thích”.

 

Sau câu nói đó, không cần đợi đến câu xin lỗi của Thưởng, bà Xuyến đã vội rảo bước, trên hành lang, về phòng bà. Thưởng chưng hửng sau câu nói “bận sau xin anh đừng làm như thế nữa” nên tự hứa, trưa mai xuống phòng ăn, gặp bà Xuyến, Thưởng sẽ có một lời xin lỗi. Nhưng trưa mai và những ngày sau đó, Thưởng không còn gặp bà Xuyến như mọi khi ở phòng ăn. Bà ấy đã trốn hay đã tránh để bỏ bữa ăn trưa như không muốn phải gặp Thưởng. Nếu bà Xuyến không bất ngờ đau, thì có thể chuyện đó chỉ là vậy.

 

Phải những ngày thật lâu sau đó, cũng có đôi ba lần bà Xuyến xuống phòng ăn để ăn trưa, nhưng lần nào bà cũng ngồi cùng bàn với mấy người đàn bà, miệng nói, môi cười, thản nhiên như không có điều gì để bà phải bận tâm. Cũng đôi khi bất chợt con mắt bà chạm mắt Thưởng khi Thưởng nhìn về phía mình, thì nhanh như một con Hummingbird, hai con mắt đó đã là hai cánh chim vỗ, bay nhanh như một đường kiếm lượn.

 

Rồi sau bữa đó, Thưởng không còn thấy bà Xuyến xuống ăn nữa. Một tuần, một tháng rồi hai tháng, bà Xuyến biệt tăm. Vẫn mỗi bữa như thường lệ, đúng giờ, Thưởng lại có mặt ở phòng ẩm thực. Ngồi gần chỗ một ông chưa quen, lúc hỏi qua hỏi lại vài câu chuyện chiếu lệ trong lúc được lãnh khẩu phần, Thưởng vui vẻ nói.

 

“Ông ở phòng số mấy vậy”.

“Tôi ở phòng 511”.

“Ủa. 511. Ông có lộn số không”.

“Làm sao lộn được. Phòng tôi mà có cái số không nhớ thì nhớ cái gì hả ông”.

“Chẳng lẽ ....”.

“Chẳng lẽ, ông đang nói cái gì vậy”.

“Chẳng lẽ ông có quen với bà Xuyến hay sao”.

“Bà Xuyến. Tôi không quen bà Xuyến như ông vừa nói”.

“Bà Xuyến là bạn của tôi. Bà ấy ở cái phòng số 511”..

“Nếu đúng như ông nói, bà Xuyến ở cái phòng 511 thì có thể bà ấy đã dọn ra ngoài rồi. Còn tôi, tôi là người mới move đến đây được chừng một tháng”.

“Ông nói đúng. Cũng có thể bà ấy đã dọn đi. Vậy mà tôi không biết”.

 

Câu chuyện đến đó thì cũng là lúc cả hai lên lãnh phần ăn. Ăn xong, Thưởng trở về phòng bằng cái cầu thang máy. Cầu thang từ dưới rút lên trên, tới tầng chót thì nó tự động khựng lại. Cửa mở. Thưởng bước ra. Về lại phòng. Muốn “check”cho chắc ăn, Thưởng cầm điện thoại lên bấm số. Chỉ có tiếng chuông đổ rồi sau đó là tiếng nói léo nhéo của tổng đài viên. Bằng tiếng Mỹ, cô gái ở đầu ống nói bên kia cho biết đường dây đã “disconnect “./.

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1783
Ngày đăng: 21.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sớm Mai - Trần Yên Hòa
Người Thợ Sửa Khóa, Làm Chìa - Mang Viên Long
Nỗi Buồn Của Mẹ - Nguyễn Trung Dũng
Cái Kết Có Hậu - Phạm Lưu Vũ
Bó Hoa Hồng Của Một Người Không Quen Gửi Đến - Nguyễn Trung Dũng
Net - Trần Yên Hòa
Sâu Thẳm Mắt Người - Phan Đức Nam
Nhân cách sống - Trương Quang Cảm
Thư không gửi - Nguyễn Đạt
Thành Viên Mới - Nguyễn Đình Phư
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)