Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.911
 
Kỷ niệm lần ghé thăm nhà họa sĩ Đinh Cường,
Nguyễn Quang Chơn

 

Mới đó mà đã tròn hai tháng tôi đến Burke Virginia thăm họa sĩ Đinh Cường.

 

Mùa hè năm nay ở Mỹ nóng lạ. Tôi và thằng con trai Quang Dũng bay từ San Fransico đến sân bay Dulles, transit North Carolina hết gần 8 tiếng đồng hồ trên chuyến máy bay nội địa phục vụ rất chán so với các hãng hàng không châu Á mà tôi đã từng đi!

 

Đinh Cường đón hai cha con chúng tôi lúc 4 giờ chiều ngay tại row trả hành lý. Anh vẫn điềm đạm, nghệ sĩ...

 

 

Ảnh : Đinh Cường, Nguyễn Quang Chơn, Nguyễn Mạnh Hùng

 

Tay bắt mặt mừng. Tôi nói với anh hễ đi là đến. Đã hứa với anh hoài là sẽ đến thăm nơi anh sống và làm việc, thế mà đã nhỡ bao lần. Bây giờ tuổi ai cũng đã cao. Hễ không hẹn thì thôi. Đã hẹn thì cố, kẻo một ngày nào hối hận…

 

Anh lái xe đưa cha con chúng tôi đến khu thương mại Eden của người Việt ở Falls Church để ăn cơm chiều. Đến nơi đã thấy giáo sư Như Hạnh vòng tay đứng đợi. Một lát thì giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đến. Hai anh đang là giáo sư thực thụ trường đại học George Mason ở Virginia

 

Giáo sư Hạnh tôi đã quen biết trước, năm 2010 anh có về VN với anh Đinh Cường và có đến nhà tôi chơi. Anh tốt nghiệp đại học Harvard, hiện đang dạy triết học tôn giáo chuyên ngành Phật giáo Ấn Độ. Anh nguyên là con rễ của ca sĩ Khánh Ly. Thâm trầm, ít nói, hay mỉm cười và đôi mắt cận nhìn xa xăm như một triết gia…

 

Giáo sư Hùng thì khác hẳn phong thái anh Hạnh. Ông trẻ hơn nhiều so với tuổi trên 70 của ông. Nói giọng Bắc. Ông du học ở Mỹ và về nước làm đến chức thứ trưởng bộ Kế hoạch của chế độ miền Nam VN khi ông mới vừa 30 tuổi.

 

Sau 1975 ông qua Mỹ, tiếp tục lấy tiến sĩ tại đại học UVA và hiện là giáo sư dạy môn quan hệ bang giao quốc tế của GM. Ông nói nhiều. Ưa tranh luận. Rất vui tính. Thích khôi hài và nhanh nhẹn lắm.

 

Đinh Cường giới thiệu anh Hùng với tôi và nói. Ở đây mình chỉ có hai ông bạn già này là thân nhất. Hai ngày gặp nhau một lần ăn phở hoặc uống cà phê.

 

Bữa cơm Việt với các anh thật ngon. Chúng tôi muốn nói chuyện nhiều nhưng anh Hùng có khách nên hẹn nhau bữa khác rồi chia tay để anh Cường đưa hai cha con tôi về nhà.

 

Washington, Virginia là vùng nhiều cây cối, rừng rậm. Từ trên máy bay nhìn xuống toàn thấy màu xanh của lá cây rừng. Khó có thể tưởng tượng đó lại là thủ phủ của Hoa Kỳ, một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Đường về nhà anh Cường cũng thế, băng qua những khu rừng vùng Burke xanh um, lối vào nhà anh đẹp như đi vào khu vườn cổ tích. Khu nhà anh kiến trúc theo lối Anh quốc, ở VN chúng ta gọi là những biệt thự.

 

Căn nhà anh ba tầng gồm một tầng hầm. Anh chiếm trọn tầng hầm làm cõi riêng của mình mà anh gọi vui là “sào huyệt” của mình!

 

Sau lưng nhà họa sĩ Đinh Cường có cánh rừng nguyên thủy Natick rất đẹp với những cây sồi, cây phong lâu năm cao vút, nhiều sóc, thỏ và cả một  gia đình nai sinh sống. Chính quyền thành phố cho xây những con đường nhỏ thấp thoáng dưới những tàn cây, những cây cầu vắt qua dòng suối róc rách, những cái hồ nên thơ với đàn vịt tung tăng lội rất bình yên…

 

Mỗi sáng, thằng con trai còn ngủ, tôi và anh dậy sớm, đi bộ tập thể dục trên con đường men bìa rừng khoảng 3 cây số đến một quán cà phê Starbucks mở sớm. Hai anh em với hai ly cà phê nóng thơm lừng, một cái bánh croissant. Tưởng như đang ngồi cà phê Givral đường Tự Do Sài gòn những năm trước 1975.

 

Buổi tối đầu tiên tại nhà anh, bước vào “sào huyệt”, tôi choáng ngợp với tranh và sách. Cái gọi là tầng hầm nhưng rộng bằng một căn hộ 3 buồng ở mình. Anh nhường cho Dũng một phòng, tôi một phòng (có vẻ như là phòng ngủ và làm việc của anh), còn anh thì chọn cái sofa. Tranh anh treo khắp nơi trong phòng, trên tường, trên ghế, xếp vào sát chân tường, xếp vào từng ngăn trên hộc tủ…nhưng rất ngăn nắp, trật tự. Rất nhiều bức anh vẽ bạn bè, nhất là TCS. Anh Sơn hiện diện khắp nơi trong căn phòng này và một góc nho nhỏ có hình chụp TCS, anh làm nơi thờ người bạn thân nhất đời anh!...

 

Ở đây, có cảm giác như ĐC là một nhà sưu tập hơn là họa sĩ bởi anh lưu lại tất cả những bức họa, chân dung, bút tích của rất nhiều bạn bè và họ đều là những người nổi tiếng, anh có như hầu hết các tập san văn, văn học trước 1975, mọi thứ đều được sắp xếp tề chỉnh, gọn gàng. Tranh ở khắp nơi, sách ở khắp nơi, trong restroom anh cũng một giá sách và tranh…

Anh không uống được nhiều rượu mạnh nhưng biết tôi thích rượu, anh để dành sẵn mấy chai, cognac, whisky. Vừa tâm sự, vừa xem tranh, trong một không gian mình từng hẹn hò, mơ ước, sao thấy lòng vui quá. Hai anh em. Thằng con trai đã ngủ. Khuya xuống trời se lạnh. Rừng Natick ồm oang tiếng ếch nhái.., tôi thấy hồn lâng lâng, dường như tôi đang uống rượu không phải với một mình anh ĐC mà đang cùng với TCS, NĐS, BXP…và rồi về phòng mình với ly rượu trên tay, không ngủ được, mượn máy tính của anh gõ bài thơ “đêm uống rượu nhà họa sĩ ĐC…”

 

Hôm sau chúng tôi đi lên bảo tàng quốc gia National Gallery of Art xem triễn lãm tranh của danh họa Tây Ban nha Joan Miró. Anh Mạnh Hùng cầm volant vì giáo sư Hạnh và Họa sĩ ĐC có vẻ không đủ “dũng cảm” lái xe  đưa chúng tôi vào trung tâm sầm uất, đầy xe cộ của thủ đô.

 

Ngài Mạnh Hùng thì khỏi nói. Tay lái lụa còn hơn cả thanh niên. Đậu xe ở Washington DC rất khó. Xe san sát. Có một chỗ trống mà đưa được xe vào cũng chật vật vô cùng. Thấy giáo sư Hùng vào xe ngon ơ. Họa sĩ ĐC có vẻ tâm phục khẩu phục lắm. Anh nói, lái xe, mình chỉ chạy thẳng thôi, lùi xe là mình ngại lắm! Còn anh Như Hạnh thì chỉ cười cười, không nói năng chi.

Xem triển lãm xong chúng tôi đi ăn trưa ở một quán  ăn Tây Ban Nha nổi tiếng, nơi có rất nhiều dân lobby của thủ đô hay đến. Quán đông đúc, rôm rả các câu chuyện và thức ăn ngon.

 

Về ghé lại thăm nhà anh Hùng. Anh ở một mình trong căn nhà rất đẹp, bài trí rất phong cách. Vừa trí thức, vừa sang trọng. Cánh rừng sau nhà anh thì vô cùng lãng mạn. Rộng, đẹp, nên thơ.. Hẹn với anh sẽ có một lần lại qua và uống rượu tại khu rừng này.

 

Anh Hùng sưu tập nhiều tranh rất giá trị  của họa sĩ Đinh Cường, có những bức chân dung rất tuyệt vời…

 

Buổi tối, chị Nhung vợ anh Cường làm bếp chiêu đãi cả nhà cùng anh Hạnh, anh Hùng. Có cả cô em gái chị Nhung là phu nhân nhà văn Dương Nghiễm Mậu từ SG sang chơi. Giang và Châu, con trai trưởng và con gái rượu của anh cũng tham gia. Châu là dược sĩ, đang làm việc cho hệ thống Rite Aid Pharmacy. Giang là kiến trúc sư. Mở công ty riêng và cũng là nghệ sĩ bậc thầy về xếp giấy origami. Giang vẽ cũng rất đẹp nhưng không theo nghề của cha. Những bức tranh màu nước Giang vẽ TCS không thua gì bố. Anh còn một người con trai nữa tên là Chinh, kỹ sư điện toán, cũng vẽ hàng chục chân dung TCS với nét vẽ rất tài hoa. Chinh đã lập gia đình và ở riêng gần đó. Hai cháu nội lên 9, lên 7 cũng được ông dành riêng một bàn vẽ và đã có vài tranh được ông nội cho vào khung treo kiêu hãnh trên tường.

 

Bữa cơm tối thật ngon và vui. Rôm rả câu chuyện của chúng tôi. Đặc biệt là GS Hùng. Ông nói nhiều và ồn ả lắm! Tôi đùa hai giáo sư, một vị thì đam mê đọc sách, đọc cắm cúi, đến lúc ngưng đọc ngẩng đầu lên thì thấy vợ mình đã đi đâu mất. Một vị mê thuyết trình. Đứng nói thao thao bất tuyệt. Đến khi ngừng nói thì vợ cũng đã biệt tích mù khơi!  

 

 

Ảnh : Nhà Đinh Cường

 

Tôi uống nhiều và đã cảm hơi say. ĐC đưa giấy bút và bảo tôi vẽ. Tôi đã vẽ 2 bức ký họa anh Như Hạnh và anh Mạnh Hùng. Những bức họa giống và mang được cái thần của hai người làm tôi thích chí lại tự uống để tự khen mình!

 

Hai ngày ở nhà ĐC thật ngắn ngủi. Hôm sau café Starbucks xong, chúng tôi ngồi trên sân sau nhà anh và vẽ. Rừng Natick buổi sáng còn đọng sương trên các nhánh cây phong. Ánh nắng mới lên xuyên qua những cành cao rọi xuống chỗ chúng tôi ngồi đẹp lạ. Anh Cường vẽ 2 cha con tôi với màu nước và màu…rượu thuốc! Anh nói hủ rượu thuốc do một người bạn tặng nhưng một lần đổ ra giấy thấy màu đẹp quá mà lại không phai nên anh đã vẽ thử vài bức và rất thích. Những bức vẽ của anh sáng nay, sau đó tôi mang lên máy bay về Cali vẫn nghe bay mùi rượu thuốc thơm lừng!

 

Xong anh Cường gọi mời nhà văn Phạm Thành Châu cùng đi ăn phở. Anh Châu người Hội an, tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, trước là phó quận trưởng một quận ở thành phố Huế rồi trở thành rễ Huế. Qua Mỹ, bây  giờ anh ổn định với công việc bán ở cây xăng và viết văn. Bán xăng ở Mỹ khác VN nhiều lắm. Anh chỉ ngồi trong phòng có điều hòa mát rượi. Khách đến cây xăng nào, đổ bao nhiêu thì tự bấm nút và trả tiền bằng thẻ, chỉ khi trả bằng tiền mặt mới vào quầy bên trong. Vì vậy anh có nhiều giờ không biết làm chi cho hết. Rảnh quá nên anh viết, viết mãi rồi trở thành văn sĩ ! ( là tôi nghe anh ĐC nói thế, và đồ chừng anh Cường đùa chọc bạn thôi chứ tôi nghĩ đâu mà dễ thành nhà văn tài ba như anh đến vậy!).

 

Anh viết truyện ngắn hay lắm. Đã xuất bản được 3 tập ở Mỹ và đã tái bản, rất best seller trong cộng đồng người Việt. Văn phong anh dí dỏm, có chút thực thực hư hư. Đã mở trang đầu là phải đi đến trang cuối, khó mà dứt ra được!

 

Chia tay gia đình anh Đinh Cường về lại Cali. Ba ngày qua anh đã vất vả tiếp chúng tôi, đưa chúng tôi thăm viếng nhiều người. Ai cũng kính trọng anh. Ai cũng quí mến anh. Cha con chúng tôi thì vui lắm. Dũng bảo rằng. Gặp mấy bác, nghe các bác nói chuyện, con có cảm giác được bằng hơn một năm học ở trường.

 

Chuyến bay transit tại sân bay Charlotte, Bắc Carolina, bị delay 5 tiếng, về đến nhà khuya lắc khuya lơ. Mệt lả cả người và trong giấc mơ lại thấy ánh nắng ban mai lung linh khu rừng Natick, đôi mắt mở to hồn nhiên của họa sĩ ĐC, cái trán cao vời của GS Như Hạnh, dáng người thấp bé nhanh nhẹn, đi như chạy của GS Nguyễn Mạnh Hùng, giọng Huế rất Huế của chị Nhung, tiếng cười trong vắt của em Châu, dáng vẻ thiền sư của Giang…

 

Virginia những ngày ngắn ngủi mà đầy ắp thương yêu….,

 

Đà Nẵng 20/8/2012,

 

Thân kính tặng anh ĐC, NMH, NH

 

 

Nguyễn Quang Chơn
Số lần đọc: 2483
Ngày đăng: 24.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một Thoáng Động Thiên Đường - Phạm Nga
Câu chuyện về bút danh của nhóm thơ xứ Nẫu - Lâm Bích Thủy
Hoàng Cầm Ở “Xà Lim Bộ” - Hoàng Hưng
Thăm Bà Nà - Đỗ Hồng Ngọc
Ba Mươi Năm “Về Kinh Bắc”. - Hoàng Hưng
Nụ Cười Bình Yên - Ban Mai
Dù thế nào em vẫn yêu anh - Lâm Bích Thủy
Nhà thơ Xuân Diệu trong mắt tôi - Lâm Bích Thủy
Trên Thảo Nguyên M’drak - Nguyễn Hàng Tình
Với Bạn, Một Chân Tình Khó Quên - Lữ Quỳnh