Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.204.477
 
Góp Thêm Một Vài Ý Kiến: Xung Quanh Việc Tiếp Cận Di Sản Văn Học Của Nguyễn Triệu Luật (1903-1946)
Lại Nguyên Ân

 

Tham luận tại Hội thảo về nhà văn Nguyễn Triệu Luật

Do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức, Hà Nội, 23/08/2012

 

 

Thú thật, tôi biết khá ít về Nguyễn Triệu Luật và các sáng tác của ông. Chỉ mới gần đây, trong dịp chuẩn bị để tham dự hội thảo này, tôi mới dành thời gian đọc bộ sưu tập truyện lịch sử của Nguyễn Triệu Luật do thân nhân nhà văn sưu tầm và tái xuất bản (tức là cuốn “Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật” do thứ nam của nhà văn là Nguyễn Triệu Căn tuyển chọn, Nxb. KHXH., H.: 2011).

 

Tuy vậy, trong khoảng trên mười năm nay, khi tìm đọc lại một số tờ báo cũ để tìm tài liệu về hoạt động của một số nhà văn Việt Nam trước 1945, tôi cũng đã bắt gặp một số dữ liệu mà nay có thể coi như những thông tin liên quan đến di sản văn học của Nguyễn Triệu Luật.

 

Tôi xin đóng góp những dữ liệu này trước khi nêu một số đề xuất xung quanh việc tiếp cận di sản văn học của Nguyễn Triệu Luật.

 

1/ Theo dõi giai đoạn cuối của tờ Thực nghiệp dân báo (1920-1935), tôi chú ý đến hai bút danh có lẽ là thuộc ngòi bút Nguyễn Triệu Luật: Dật Công và Dật Lang.

 

Bút danh Dật Công dường như để ký dưới các bài mang tính khảo cứu, ví dụ bài Thuyết kiêm ái của Mặc Địch (TNDB, 9/5/1933); còn bút danh Dật Lang là dùng để ký dưới một thiên truyện dài đăng feuilleton (đăng đều kỳ) trên tờ báo này, đó là truyện dài Trần Hữu Lượng, một người Việt Nam xưng đế ở Tàu, khởi đăng trên Thực nghiệp dân báo từ 24/3/1933, tính đến 2/5/1933 đã tới kỳ thứ 32. Về dữ liệu này, sự theo dõi của tôi không được kỹ nên không biết tác phẩm có được đăng tải đến hết hay dừng lại giữ chừng ở một đoạn nào đó; chỉ ghi lại vài điều như trên.

 

Tiện thể nói thêm, đây là giai đoạn cuối của Thực nghiệp dân báo, một tờ nhật báo của giới doanh gia miền Bắc, được biết đến khá rộng rãi trong một thời gian khá dài. Lúc này trên mặt báo đã không còn thấy bài vở của những tên tuổi thời đầu của nhật báo này hồi 1920-25 như Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng, Trúc Sơn Mai Đăng Đệ, Đàm Xuyên Nguyễn Phan Lãng, Điền Hải Tử Đào Trinh Nhất, Đặng Trần Phất, Trịnh Đình Rư, Bùi Trình Khiêm, Nguyễn Khắc Hanh, v.v… Thay vào đó, thường gặp trên các trang báo này từ 1933 là các cây bút Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố (dưới bút danh Phó Chi), Tiêu Viên (Nguyễn Đức Bính), Nhượng Tống, Phan Khôi (Bướng Nhân) … lại cũng thấy những cây bút mới như Hoài Thanh, Nhất Lang (Nguyễn Tuân)… Nhưng tờ báo chỉ duy trì dạng nhật báo được đến 24/9/1933. Từ sau đó là trạng thái ngắc ngoải: nó chỉ ra thêm được 6 số, khổ nhỏ, trên thực tế là ra trong 4 kỳ báo nữa, tính từ đó cho đến tháng 6/1935.

 

2/ Một tờ báo khác mà tôi có dịp khảo sát là Phụ nữ thời đàm, tục bản. Đây là giai đoạn thứ hai của tờ báo này, vốn thoạt đầu là nhật báo, ra số đầu tiên từ 8/12/1930, được vài năm thì lâm vào trạng thái ngắc ngoải; chủ nhân tờ Phụ nữ thời đàm này là ông bà Nguyễn Văn Đa đã mời Phan Khôi dựng lại tờ báo. Phan Khôi đổi Phụ nữ thời đàm sang thể tài tuần báo, số 1 bộ mới Phụ nữ thời đàm, tục bản hoạt động liên tục được 26 kỳ, từ số 1 (17/9/1933) đến số 26 (5/6/1934), trong đó Phan Khôi chỉ làm chủ bút liên tục 22 kỳ đầu; sau số 22 (11/2/1934, chính là số Tết), ông nghỉ việc, trở về Quảng Nam. Người được mời thay chỗ của Phan Khôi chính là Nguyễn Triệu Luật.

 

Tờ Phụ nữ thời đàm, kể cả ở dạng nhật báo thời đầu lẫn 26 số dạng tuần báo kể trên, tiếc rằng hầu như đều rất hiếm thấy có sưu tập hiện được lưu giữ đâu đó trong nước. Tôi đọc tờ này ở dạng microfilms cách nay đã 12 năm tại thư viện Đại học Berkeley, California, Mỹ. Sự chú ý của tôi tập trung vào tác giả Phan Khôi nên 4 số cuối, tôi thường lướt qua, không ghi chép kỹ, chỉ chụp lại một số trang, nhất là các trang đăng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.

 

Tuy vậy, tôi có thể nói chắc chắn, người giữ vị trí chủ bút Phụ nữ thời đàm, tục bản từ số 23 (13/5/1934) chính là Nguyễn Triệu Luật. Các bút danh được ông sử dụng tại đây là Dật Lang, Tân Nữ.

 

Các bài ở đầu mỗi số thường ký tên tòa soạn (Phụ nữ thời đàm), nhưng ở số 26 ký rõ tên Nguyễn Triệu Luật, -̶  đó là bài Tôi chẳng dám bênh vực Khổng giáo, trả lời Nhị Linh của báo Phong Hóa (số 100 Phong Hóa có bài của Nhị Linh /tức Tứ Ly, tức Hoàng Đạo/ cảnh cáo các nhà báo về thái độ bênh vực Khổng giáo); ông cũng đôi khi ký Dật Lang cho mục “Tiểu phê bình” (một loại mục điểm bình sự kiện thời sự văn hóa, do Phan Khôi đặt ra), tuy rằng thông thường ở mục này ông ký Tân Nữ.

 

Tất nhiên công việc người chủ bút không chỉ là viết bài. Còn nhiều loại việc khác, nhất là việc tổ chức lại một tòa soạn mới, tạo dựng các liên hệ mới về cộng tác viên, v.v… cho đến những việc “không tên” nữa, mà mọi chủ bút đều phải làm. Ít ra, ta thấy người chủ bút mới này của Phụ nữ thời đàm, tục bản đã phải đổi kỳ hạn ra báo từ chủ nhật sang ngày thứ ba (kể từ số 25), lại phải đối phó với việc các tờ báo cạnh tranh với mình tung ra dư luận rằng sau khi Phan Khôi ra đi thì tờ báo này sẽ đi lùi so với người tiền nhiệm về vấn đề nữ quyền, v.v… Rốt cuộc thì Phụ nữ thời đàm tục bản kể từ khi Nguyễn Triệu Luật được giao làm chủ bút, cũng chỉ hoạt động được thêm trong vòng 2 tháng nữa. Việc ngừng xuất bản này chắc chắn là quyết định của gia đình chủ nhân tờ báo và chủ yếu là vì lý do tài chính, chứ không phải do quyết định của chủ bút, -̶  người dù sao cũng ở vị trí làm thuê.

 

Có lẽ do chỉ điều hành tờ báo trong 2 tháng với 4 số báo nên dấu ấn Nguyễn Triệu Luật để lại ở Phụ nữ thời đàm tục bản thật ra là không nhiều. Một phần đáng kể, ông tiếp tục cách dàn mục, cách sắp xếp bài vở đã có từ cựu chủ bút Phan Khôi (ví dụ các mục “Dưới mắt chúng tôi” và “Tiểu phê bình” để đăng các bình luận thời sự văn hóa xã hội, “Chuyện phụ nữ” để đăng truyện ngắn, “Thơ mới” để đăng sáng tác thơ…). Trong các tác giả cộng tác với tờ báo của mình, người được Nguyễn Triệu Luật cho đăng tải nhiều nhất chính là Vũ Trọng Phụng, -̶  tác giả này không có tác phẩm nào đăng ở đây hồi Phan Khôi làm chủ bút. Chỉ 4 kỳ báo cuối này mà nhà văn họ Vũ đã có tới 4 kỳ phóng sự Vẽ nhọ bôi hề, 2 truyện ngắn Cái hàng rào Tình là giây oan, 3 kỳ đăng kịch Không một tiếng vang. Không có gì là quá nếu bảo rằng ở 4 số Phụ nữ thời đàm tục bản mà Nguyễn Triệu Luật làm chủ bút thì trên tờ này chỉ có 2 cây bút chính là chủ bút và Vũ Trọng Phụng.

 

3/ Nhân xem một số công trình thư mục báo chí, tôi ghi được:

 

a/ Trên tạp chí Nam phong, Nguyễn Triệu Luật có một loạt bài khoa học xã hội:

 

- Ở đời lấy gì làm khuây (NP, s. 67, tháng 1/1923)

- Bàn góp về “Truyện Kiều” (NP., s. 81, tháng 3/1924)

- Tâm lý học (NP., s. 89, tháng 11/1924; s. 90, tháng 12/1924; s. 95, tháng 2/1925; s. 96, tháng 6/1925; s. 99, tháng 9/1925; s. 101, tháng 12/1925; s. 102, tháng 1&2/1926; s. 103, tháng 3/1926; s. 105, tháng 5/1926; s. 197, tháng 7/1926; s. 108, tháng 8/1926)

- Bàn về cách dịch các danh từ hóa học (NP, s. 111, tháng 11/1926)

[Theo: Nguyễn Khắc Xuyên: Mục lục phân tích tạp chí “Nam phong”. In lần thứ hai, Huế-Hà Nội: Nxb. Thuận Hóa & Trung tâm ngôn ngữ & văn hóa Đông Tây, 2002, tr. 124-125].

 

b/  Trên tạp chí Tao đàn (1939) có một loạt bài của Nguyễn Triệu Luật về ngôn ngữ học, về dịch thuật, nhận xét của ông về văn chương Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, hồi ức của ông về nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ở lời dẫn cho một đoạn dịch một bài viết tiếng Pháp của Tạ Quang Bửu, chính Nguyễn Triệu Luật nói rõ mình là một trong những người chủ trương tạp chí Tao đàn. [Theo Nguyễn Ngọc Thiện, Lữ Huy Nguyên: Sưu tập trọn bộ “Tao đàn” 1939. Hà Nội: Nxb. Văn học, 1998].

 

c/ Trên tạp chí Tri tân, có tác giả Nguyễn Triệu (không rõ có phải chính là Nguyễn Triệu Luật không?), có một loạt bài về hành trạng nhiều công thần nhà Nguyễn như Ngô Tùng Châu, Lê Chất, Nguyễn Văn Nhân, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Đạm, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Tống Viết Phúc, Trịnh Hoài Đức, Võ Di Nguy, Võ Trường Toản, kể cả một số người nước ngoài: Bá Đa Lộc, Mạn Hòe tức Manuel, Nguyễn Thắng tức Vanier, Nguyễn Văn Chấn tức Philippe Vanier, Lê Văn Lang tức De Forcant, rồi Parisy, Theodore Le Brun, Ông Tín tức Colonel Olivier [theo Nguyễn Khắc Xuyên: Mục lục phân tích tạp chí “Tri tân”. Hà Nội: Hội khoa học lịch sử Việt Nam, 1998, tr. 92-94]

 

 

4/ Trở lên là một vài thông tin và nhận xét thêm, từ đôi điều tôi đọc được về Nguyễn Triệu Luật.

Tuy vậy, nhìn rộng ra, tôi thấy Nguyễn Triệu Luật cho đến nay vẫn thuộc trong số tác gia Việt Nam, tuy đã qua đời trên 70 năm nhưng cả văn nghiệp của ông với tư cách một tác gia lẫn đường đời và sự nghiệp của ông với tư cách một nhân vật (của văn hóa, của lịch sử hiện đại Việt Nam), -̶  đều vẫn còn đầy những khoảng trống chưa có thông tin hay có thể sẽ vĩnh viễn không có thông tin.

 

Có hàng trăm tác gia, hàng trăm nhân vật văn hóa-lịch sử Việt Nam thời hiện đại, tức là nằm trọn trong thế kỷ XX, vẫn tồn tại ở trạng thái như thế. Họ chưa bị quên hẳn trong trí nhớ của công chúng thông thường, nhưng ngay các giới chuyên nghiệp về văn và sử, nếu tập hợp thông tin tư liệu về họ thì thường thường ở mỗi trường hợp cũng chỉ gom góp được một ít dữ liệu rời rạc, thiếu thốn, đôi khi mâu thuẫn nhau. Do không được nghiên cứu sưu tầm chuyên chú, lại thiếu kiểm định nghiêm cẩn đối với mỗi dữ liệu tìm được, nên những sai sót nhỏ trong số các dữ liệu ấy sẽ có nguy cơ bị đẩy thành những lầm lẫn lớn, có thể đến một lúc nào đó sẽ trở nên không gỡ nổi.

 

Vì vậy, đối với những ai quan tâm đến nhà văn Nguyễn Triệu Luật và di sản văn học của ông, tôi xin nêu vài đề xuất về việc gỡ mối.

 

A/ Thứ nhất, về di sản văn học của tác gia này, cần có việc đi tìm các tác phẩm chữ viết của tác giả này trên mọi loại ấn phẩm xuất bản ở Việt Nam từ 1920 đến 1946.

A1/ Ở dạng sách in, cuốn Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật (in lần đầu 1998, in lại có bổ sung, 2011) đã sưu tập được 8 tác phẩm tự sự (Hòm đựng người; Bà Chúa Chè; Chúa Trịnh Khải; Loạn kiêu binh; Ngược đường Trường Thi; Rắn báo oán; Thiếp chàng đôi ngả; Bốn con yêu và hai ông đồ). Nhưng tôi tra sách tại Thư viện quốc gia, Hà Nội, thấy còn có một số cuốn sau chưa được sưu tầm:

 

40 bài quốc sử /Nguyễn Triệu Luật. – Hà Nội: Nxb. Tân dân, 1926, 118, IV tr.; ký hiệu: S87. 305 (ký hiệu này cho biết đây là tư liệu ở dạng microfilm do Thư viện quốc gia Pháp tặng lại). Đây là loại sách giáo khoa lịch sử.

 

–  Tập bài thi sơ học yếu lược năm 1926... / Phạm Dung An, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Trọng Yên. - H. : Tân Dân, 1926. – 117 tr.; ký hiệu: S87. 263 (ký hiệu này cho biết đây là tư liệu ở dạng microfilm do Thư viện quốc gia Pháp tặng lại). Đây là tập bài giải đề thi lịch sử, soạn chung.

 

Ông Phan Trần Chúc bôi nhọ quốc sử / Nguyễn Triệu Luật. - H. : Impr. Spéciale du Công dân, 1935; ký hiệu: S87. 5561; ký hiệu: M. 9367 (tư liệu này TVQG có 2 bản, một bản microfilm thuộc loại nói trên, một bản sách giấy). Đây là một bài bút chiến, in trong phụ san của báo “Công dân” (tờ báo này có tòa soạn đặt tại số 11 phố Hàng Da, Hà Nội, xuất bản từ tháng 9/1935 đến tháng 7/1936)

 

A2/ Ở dạng đăng báo, công việc sẽ phức tạp và khó khăn hơn, là vì rất cần biết trước là tác giả này từng viết cho những tờ báo nào vào những khoảng thời gian nào, nhưng đây lại chính là điều chưa biết, cần đi tìm. Mấy trang thống kê rút từ công trình của soạn giả Nguyễn Khắc Xuyên về bài mục của hai tạp chí Nam phong Tri tân, hoặc của các nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện & Lữ Huy Nguyên cho tạp chí Tao đàn, đã nêu ở trên, là những chỉ dẫn tốt, có thể theo đấy mà tìm chụp lại văn bản một loạt bài đăng báo của tác gia Nguyễn Triệu Luật.

 

Vấn đề là còn một loạt tờ báo khác mà thật ra những người quan tâm đến tác gia Nguyễn Triệu Luật cũng chưa biết rõ là những tờ nào, bởi trong số khoảng 500 tờ báo chữ Việt xuất bản trước 1945, chỉ có rất ít tờ được nghiên cứu biên mục bài vở như Nam phong  và Tri tân. Vì vậy, chỉ còn cách mò mẫm, mạo hiểm đi tìm, vừa đọc vừa dò đoán. Công việc tiến hành kiểu này thì khó biết là khi nào hoàn thành, vì nó chỉ đến điểm dừng khi ta tìm lại được hầu hết các loại tác phẩm chữ viết của tác gia Nguyễn Triệu Luật; chẳng những thế, khi đó ta còn hình dung được ở mức rõ rệt nhất con đường viết văn làm báo của ông.

 

Có thể nói, những xác định khái quát về nhà văn Nguyễn Triệu Luật bởi một số nhà phê bình, nhà nghiên cứu đương thời tác giả, có lẽ do cũng bị hạn chế về tài liệu, nên còn khá thiên lệch. Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942) hay Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tập III, 1965) chỉ mới cho thấy Nguyễn Triệu Luật như một tác gia viết truyện ký lịch sử, chưa ghi nhận những thể tài tương đối đa dạng của Nguyễn Triệu Luật khi viết báo, chẳng hạn chùm bài phổ cập kiến thức tâm lý học Âu Tây trên Nam phong năm 1926, chùm bài về ngôn ngữ và dịch thuật trên Tao đàn năm 1939, và có thể (nếu ông là người viết cho Tri tân với bút danh Nguyễn Triệu), chùm bài về các nhân vật lịch sử, văn hóa của nhà Nguyễn thời đầu trên Tri tân năm 1941-42, v.v… – những tư liệu này cho thấy một tầm cỡ khác của tác giả này.

 

B/ Thứ hai, về nhân thân và hành trạng của tác gia Nguyễn Triệu Luật như một nhân vật lịch sử. Một số thông tin ghi trong một vài cuốn thư mục học hoặc từ điển (Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập II, 1972; Từ điển văn học, bộ mới, 2004), tuy không trái nhau, nhưng quá vắn tắt.

 

Tôi nghĩ, về xuất thân, những gì chính Nguyễn Triệu Luật trình bày trong cuốn Ngược đường trường thi (1940) có thể đủ coi như dữ liệu chính xác: ông thuộc dòng hoàng tộc nhà Lý bị đổi sang họ Nguyễn; là cháu 5 đời của Nguyễn Án (1770-1815), là cháu nội Nguyễn Tư Giản (1823-1890).

 

Về sự học hành, đã có dữ liệu (Nguyễn Vinh Phúc, 2004: “Từ điển văn học bộ mới”) về việc ông học trường nam Sư phạm ở Hà Nội, tốt nghiệp ra trường đi dạy học; nhưng chưa rõ thời điểm vào học và ra trường; cũng chưa rõ học vị khi tốt nghiệp. (điều này liên quan đến một đoạn sử ngành giáo dục thực dân ở Đông Dương, việc lập các trường nam sư phạm và nữ sư phạm, trước khi lập cao đẳng sư phạm?)

 

Về hoạt động dạy học, cũng chưa có những xác định rõ về các nơi ông dạy trong những thời gian xác định nào. (Nguyễn Vinh Phúc /2004, 2011, sđd./ có nói Nguyễn Triệu Luật dạy các trường công ở Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng, nhưng không nêu thời gian cụ thể).

 

Về hoạt động chính trị, tài liệu có lẽ sớm nhất nêu việc Nguyễn Triệu Luật hoạt động trong Việt Nam quốc dân đảng chính là các soạn giả sách Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập II (H., 1972, tr. 161); nguyên văn như sau:

 

“Nguyễn Triệu Luật theo học trường nam Sư phạm ở Hà Nội, tốt nghiệp rồi đi dạy học. Năm 1930, có tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, bị bắt rồi được tha. Khi dạy học, thường viết báo và viết tiểu thuyết lịch sử cho tờ Phổ thông bán nguyệt san. Năm 1945, khi quân đội Tưởng Giới Thạch do tướng Lư Hán cầm đầu vào miền Bắc, Nguyễn Triệu Luật được bọn Quốc dân đảng phản động giao cho việc chiếm đóng trường Yên Thành để khống chế vùng Ngũ Xã (thủ đô Hà Nội). Nguyễn Triệu Luật mất tích từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946)”

 

Đối với những dữ liệu này:

 

– Nguyễn Vinh Phúc (2004, sđd.) hiệu chỉnh: “Khoảng năm 1927, ông tham gia thành lập Việt Nam Quốc dân đảng, sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, từng bị Pháp bắt giam cùng với Nhượng Tống, Trúc Khê,… một thời gian. Sau khi được tha, bị buộc thôi dạy học, quay sang làm báo. [……] Khoảng 1945-46, ông hoạt động trong nhóm Việt Nam Quốc dân đảng và mất tích cuối năm 1946”.

 

– Nguyễn Vinh Phúc (2011: Lời giới thiệu Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật, H.: Nxb. KHXH.) hiệu chỉnh: “Khoảng năm 1927, ông cùng Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài tham gia thành lập Việt Nam Quốc dân đảng…”; và:  “Sau khi được tha, bị buộc thôi dạy học ở các trường công, Nguyễn Triệu Luật quay sang làm báo”; và thêm dữ liệu mới này: “Năm 1940, cùng vài nhà văn lãng tử như Nguyễn Tuân và các nhà văn hoạt động chính trị như Khái Hưng, ông bị thực dân Pháp bắt giam và đưa đi an trí.”

 

Ngoài Nguyễn Vinh Phúc, và trước đó, nhóm soạn giả Lược truyện các tác gia Việt Nam (mà nay có lẽ không ai còn tại thế), chưa thấy tác giả nào khác cung cấp thêm dữ liệu gì về khía cạnh hoạt động chính trị của Nguyễn Triệu Luật.

 

Về mặt này, có lẽ chỉ còn có thể ít nhiều chờ đợi những tư liệu riêng hoặc hồi ức, di huấn… nào đó mà may ra còn giữ được chút ít trong phạm vi các thân nhân gia đình tác gia Nguyễn Triệu Luật. Nhưng phần nhiều hơn, cũng có thể mong đợi một phần sự thật hiện còn nằm đâu đó trong những hồ sơ chưa giải mật thuộc lưu trữ quốc gia.

 

Tất nhiên, nguồn hy vọng này không hứa hẹn gì nhiều. Tôi nghĩ thế.

 

12/8/2012

 

 

Lại Nguyên Ân
Số lần đọc: 3003
Ngày đăng: 27.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những người Việt trẻ ở nước ngoài - Lê Hải*
Đôi Điều Góp Thêm Về “ Truyện Ngắn” - Mang Viên Long
Vài trang sử trong quan hệ Nga-Trung - Huỳnh Văn Úc
Thực trạng xiếc. - Tuấn Giang
Dịch và phản dịch, dịch vì mắc dịch - Nam Dao
Đạo Phật Ở Nước Nga - Huỳnh Văn Úc
Về Khẩu Hiệu “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn” - Lại Nguyên Ân
ĐÔI DÒNG NHỜ CẢI CHÍNH CHO BÀI “NHỮNG CHI TIẾT MỚI VỀ VĂN HỌC QUA PHỎNG VẤN…” - Trần Văn Nam
Kính gửi: Anh Lại Nguyên Ân - Đỗ Thế Cường
Mối tình đầu của Chế Lan Viên - Khổng Ðức
Cùng một tác giả