Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.208.249
 
Romy Schneider, Nữ Hoàng Sầu Muộn
Đỗ Nguyễn

 

Trong thế kỷ 20, vào những năm 1955 cho đến 1957, cô thiếu nữ hồn nhiên kiều diễm người gốc Áo có tên là Romy Schneider bỗng đã thành danh ở Châu Âu và trên toàn thế giới trong vai « Sissi Nữ hoàng Áo quốc », đó là những tập phim rất nổi tiếng của đạo diễn Ernst Marischka, người Đức, có số thu ở Châu Âu vượt cả bộ phim bất hủ « Cuốn Theo Chiều Gió » mà nhân vật chính do Vivien Leigh đóng, vốn là một trong những phim vĩ đại nhất của Hollywood thực hiện bởi đạo diễn Victor Flaming … Tại châu Âu, Romy Schneider đã trở thành minh tinh màn bạc rất trẻ, từ một vai trò quan trọng nói về cuộc đời của Nữ Hoàng Áo quốc cuối thế kỷ thứ 19. Với nhan sắc dịu hiền, gương mặt tròn trịa, đặc biệt nhất là nụ cười xinh tươi duyên dáng độc nhất vô nhị, ánh mắt tinh nghịch thông minh, Romy trong vai Nữ hoàng Sissi với những chiếc áo đầm  lộng lẫy, trong những điệu luân vũ du dương tuyệt diệu, đã để lại trong lòng khán giả hâm mộ một hình ảnh trong sáng tuyệt vời, hoàn toàn khác với một BB (Brigitte Bardot) hay một CC (Claudia Cardinale) cũng ở trên đài danh vọng thời gian đó.

 

 

Romy trong phim Sissi.

 

Romy Schneider, sinh năm 1938 tại Vienne, nước Áo, trong một gia đình nghệ sĩ trưởng giả đạo công giáo, bố mẹ nàng cũng là tài tử nổi tiếng. Nhưng bố nàng đã rời bỏ gia đình để theo một nữ tài tử khác lúc Romy còn là cô bé mới 7 tuổi, sự kiện này sẽ là một vết thương không bao giờ lành đối với nàng. Mẹ nàng cũng làm lại cuộc đời sau đó với một thương gia trong ngành nhà hàng khách sạn … 

 

Romy ấp ủ giấc mơ trở thành tài tử như mẹ và bắt đầu đóng phim với mẹ từ năm 15 tuổi, nhưng đến năm 17 tuổi, đạo diễn Ernt Matischka, người đã luôn mong muốn đưa nhân vật Nữ hoàng Elisabeth de Wittelsbach lên màn bạc, đề nghị với mẹ của Romy cho nàng đóng vai này, trong phim, mẹ ruột của Romy cũng thủ vai mẹ của Nữ hoàng và nam tài tử Karl Heinz Bohm sẽ là Hoàng đế trẻ tuổi François Joseph … Sau thành công rực rỡ của ba tập phim này, tên tuổi của Romy sáng chói trong ngành điện ảnh Châu Âu, các cô thiếu nữ bắt chước cách để tóc dài có lọn và những áo đầm phồng mà Romy mặc trong phim. Tài nghệ của nàng gợi sự chú ý của Hollywood. Nhưng cho đến lúc đó, Magda Schneider, mẹ nàng, vẫn là người hướng dẫn và quản lý Romy từ những hợp đồng phim cho đến vai đóng và đồng thời, tài chánh nàng cũng bị cha ghẻ dùng để đầu tư vào những vụ kinh doanh. Romy có ý phản đối hai người và cương quyết từ chối đóng tập phim Sissi thứ tư, thời gian tiếp nối sẽ là một bước ngoặc quan trọng cho nghề nghiệp cũng như cuộc đời tình cảm của nàng.

 

Năm 1958, đạo diễn Pháp Pierre Gaspard Huit đề nghị Romy đóng vai chính cho phim « Christine » và nàng được quyền chọn lựa tài tử partner. Romy đã chọn một nam tài tử người Pháp rất đẹp trai (qua một tấm ảnh), lúc này 23 tuổi và bắt đầu nổi tiếng : chính là Alain Delon. Báo chí tổ chức ngay một cuộc gặp gỡ cho đôi trai gái đều tài sắc như nhau ngay tại phi trường ở Paris. Trong thời gian đóng phim này, họ đã bắt đầu yêu nhau và làm lễ đính hôn sau đó. Từ đây, Romy lựa chọn đời sống mới bên Alain ở Paris, từ bỏ quê hương, vui hưởng tuổi trẻ và tình yêu trong những đêm kinh đô ánh sáng, thời gian mà ý thức hệ anticonformisme (chủ nghĩa chống lại những truyền thống) đang rất thịnh hành tại đây. Báo chí Đức không ngớt lời chỉ trích phê phán nàng.

 

 

Romy và Alain            

 

Romy tiếp tục đóng chung một phim khác với Alain vào năm 1961 có tên là « Plein soleil » (Ngập Nắng), rồi nàng sẽ chấp nhận lần đầu tiên thủ một vai hở hang trên màn bạc của đạo diễn khét tiếng, gương mặt quan trọng nhất của ngành điện ảnh Ý Đại Lợi là Luchino Visconti, đó là phim « Boccaci 70 ». Sau đó, hãng Columbia của Hollywood mời nàng đóng vai Leni trong phim « Le Procès » (Vụ Án), thực hiện từ tác phẩm quan trọng của nhà văn Tiệp Khắc là Franz Kafka dưới sự điều hành của đạo diễn tài ba Orson Welles, chồng cũ của Rita Hayworth. Columbia ký với Romy một hợp đồng 7 năm và con đường sự nghiệp của nàng tiếp tục một cách khả quan. Nhưng mối quan hệ của Romy và Alain bắt đầu có những mâu thuẫn và họ không tiến đến hôn nhân thật sự, Romy phải cư ngụ ở Mỹ một thời gian khá dài để đóng một số phim với đạo diễn Otto Preminger. Qua năm 1964, lúc nàng từ Mỹ trở về Paris, Alain Delon đã để lại một lá thư tuyệt tình dài 15 trang để giải thích và rời bỏ nàng để sống với một nữ tài tử trẻ khác trẻ khác tên Nathalie Canovas sẽ trở thành Nathalie Delon sau này và họ sẽ cùng có với nhau một con trai là Anthony Delon.

 

Rất đau khổ về sự tan vỡ với Alain nhưng Romy vẫn tiếp tục sự nghiệp ở Pháp cho đến sau này và sẽ đoạt giải thưởng César hai lần. Năm 1965, Romy gặp một đạo diễn kịch nghệ tên Harry Meyen người Đức gốc Do Thái, sau đám cưới, nàng theo Harry về sống ở Berlin và sinh con trai đầu lòng vào năm 1966, đặt tên là David. Romy đã sống một thời gian không đóng phim để dành toàn bộ thời giờ chăm sóc con ở Berlin cho đến năm 1968, Alain Delon (lúc này đã ly dị Nathalie và sống với Mireille Darc) trở thành nhà sản xuất phim, cùng hợp tác với đạo diễn Jacques Deray, cả hai đã mời Romy cùng đóng phim « La Piscine », một phim không nhiều giá trị nhưng nổi đình đám trong tiếng đồn Romy và Alain sẽ làm lại cuộc đời với nhau. Nhưng điều này không phải là sự thật … Năm 1972, Romy ly dị Harry Meyen và chấp nhận chia cho Harry phân nửa tài sản để được giữ nuôi David, nàng bắt đầu suy sụp tinh thần và làm quen với rượu, dùng thuốc an thần cùng lúc hút đến 3 gói Marlboro mỗi ngày ; điều làm cho sức khoẻ của nàng suy yếu nhanh chóng. Cạnh đó, người nam thư ký của Romy là Daniel Biasini để ý chăm sóc nàng và David ; mối liên hệ giữa David và gia đình Daniel rất tốt đẹp. David là nguồn sống thật sự của mẹ mình và tỏ ra hiểu biết về nghề nghiệp của mẹ, cậu bé sẽ thường xuyên có mặt ở phim trường để giúp mẹ … Đến 1975, Romy quyết định đi đến hôn nhân với Daniel và họ sẽ có  với nhau một con gái tên Sarah Biasini nhưng vì nghề nghiệp, nàng luôn vắng mặt và Daniel bắt đầu ra ngoài tìm vui nhiều về đêm. Đến năm 1979, Harry, chồng cũ của Romy, cha của David tự tử tại Berlin. Tình trạng sống với Daniel cũng dần tệ đi và họ ly dị vào năm1981.

 

 

Romy vào năm 1974.

 

Đầu năm 1981, Romy quen biết một nhà sản xuất phim trẻ tên Laurent Pétin, nàng nhận đóng phim « La Passante du Sans Souci » và quyết định sống chung với Laurent, tình trạng sức khoẻ không khá hơn và nàng phải nhập viện để chịu cuộc mổ bỏ đi một lá thận.

 

Thảm kịch bi đát và thương tâm nhất của đời Romy xảy ra cùng năm 1981, lúc con trai nàng, David, 14 tuổi, tử nạn do ngã lúc trèo qua cổng nhà của cha mẹ Daniel Biasini ở Saint Germain en Laye, mà David đã luôn xem hai người như ông bà nội của mình, cậu bé bị những cọc nhọn trên cánh cửa cổng đâm vào ruột và trút hơi thở vài tiếng đồng hồ sau khi được chở đến bệnh viện. Trong lúc Romy ngã quỵ bởi nỗi đau đớn quá lớn lao này, những tay thợ chụp ảnh tàn nhẫn vô nhân cách đã giả dạng làm y tá để đột nhập vào bệnh viện chụp hình xác chết của David hầu bán lại cho báo chí để kiếm tiền. Các tờ báo Pháp đã từ chối đăng tải những tấm ảnh này, vì luật lệ nghề nghiệp chứ không vì tôn trọng Romy, nhưng báo chí Đức đã không ngần ngại cho in ra một số ảnh của David trong tình trạng đó. Romy không chịu đựng nổi thái độ bất nhân này và càng suy sụp tinh thần trầm trọng … Trong thời gian khủng hoảng và đau khổ tột cùng Romy vẫn phải liên tục thay đổi chỗ ở để trốn tránh bọn ký giả và thợ chụp ảnh, ngay cả dọn nhà vào ban đêm để khỏi bị quấy nhiễu. Sau đó, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của Michel Drucker, một người bạn làm Mc ở đài truyền hình, Romy đã phẫn nộ nhắc lại tất cả những điều này trong nước mắt.

 

 

Romy và David.

 

Rồi với sự khuyến khích của Laurent, Romy đã cố gắng đóng nốt phim « La passante du Sans Souci » (Người đàn bà đi qua quán Sans Souci) dựa vào tiểu thuyết của Joseph Kessel, một phim mà lúc còn sống, David đã muốn mẹ mình đóng vì cậu bé thích truyện phim nói về mối liên hệ sâu sắc của một người đàn bà và đứa con trai trong thời đệ nhị thế chiến. Romy cố gắng thực hiện nó để riêng vì David. Bộ phim cuối cùng tưởng đã cứu vãn tình trạng Romy đã rất suy nhược về tinh thần. Nhưng vào đêm 29 tháng 5 1982, Romy đã thật sự ngã gục và rời bỏ thế giới này vì trái tim quá yếu đuối và quá nhiều xúc cảm của người nghệ sĩ đã vỡ nát vì bao nhiêu nỗi đau khổ trong đời. Người ta có nghi vấn Romy đã tự tử, cảnh sát tìm thấy những thuốc an thần cùng rượu ở trên bàn viết, cũng có thể là hậu quả của một overdose ; nét bút cuối cùng của Romy đang viết lá thư như yếu dần đi … Romy được an nghỉ ở nghĩa trang Boissy Sans Avoir và hài cốt của David sẽ được đưa về chôn cùng mộ phần của mẹ. Nhưng mùa hè năm nay, 2012, đúng 30 năm sau cái chết đột ngột của Romy mà nhiều nghi vấn chưa được giải thích, một người bạn gái thân đã lên tiếng với báo chí khẳng định một cách cương quyết rằng Romy qua đời chỉ vì tim đã ngừng đập khi trạng thái tinh thần và thể xác đều kiệt quệ. Vào tuổi 43, nàng đã ra đi trong bàng hoàng thương tiếc của bao người hâm mộ và để lại bé gái Sarah lên 4 tuổi, sau này cũng sẽ trở thành tài tử.

 

Năm 2008, Pháp đã quyết định trao một giải danh dự César cho Romy để nhớ ơn và vinh danh toàn bộ sự nghiệp của nàng. Nữ hoàng điện ảnh tài sắc Romy Schneider, trong lãnh vực nghề nghiệp, từ lúc bắt đầu đóng vai Sissi cho đến giờ phút cuối là những thành đạt vinh quang nhưng định mệnh đời nàng đầy những bi kịch. Romy đã luôn là một tài tử được ngưỡng mộ và tôn trọng trong tâm trí quần chúng yêu chuộng nghệ thuật thứ bảy từ những năm tháng nghệ thuật này còn nguyên vẹn ý nghĩa và vẻ đẹp của nó. Cách nổi tiếng cũng như chỗ đứng của nàng khác biệt, cách sống đầy tình cảm và rộng lượng đã luôn được khẳng định bởi bạn bè thân. Alain Delon, nam tài tử thượng thặng của điện ảnh Pháp, người đã tự tạo vị thế cho mình và nổi tiếng toàn cầu mà không hề làm việc cho Hollywood, cho đến bây giờ, sau nhiều mối tình với bao phụ nữ khác, vẫn luôn nhìn nhận rằng Romy chính là cuộc tình đẹp nhất của đời chàng. Và Romy, vì những sầu khổ của riêng đời mình mà đã ra đi sớm, vẫn còn tồn tại mãi mãi qua hình ảnh Sissi tuyệt diễm đáng yêu đã trở thành một huyền thoại trong lãnh vực điện ảnh và trong lòng khán giả./.

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 5912
Ngày đăng: 30.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Công Viên Điện Ảnh Futuroscope - Đỗ Nguyễn
Chủ nghĩa tư bản: Một chuyện tình - Anh Dũng
Xem Phim « Bel Ami » ( Người Tình Phóng Đãng) - Đỗ Nguyễn
Audrey Hepburn trái tim nhân ái - Sâm Thương
Grace Kelly thời khắc của định mệnh - Sâm Thương
huyền thoại của điện ảnh Pháp - Sâm Thương
Điện ảnh Ấn Độ còn lạ lẫm với người Việt Nam ? - Anh Dũng
Rita Hayworth hành trình qua địa ngục - Sâm Thương
Làn sóng Hàn Quốc từ âm nhạc và phim ảnh, thử tìm lời giải đáp - Anh Dũng
The Snow White And The Seven Dwarfs, Giấc Mơ Tuổi Thơ - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)