Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.084
 
Saigon – cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 : --- Câu chuyện về hoàng tử Miến Điện Myingun lưu vong ở Saigon
Nguyễn Đức Hiệp

 

Trong các nước ở Đông Nam Á thì Miến Điện, Thái Lan, Việt nam và Indonesia là những nước lớn, có tài nguyên dồi dào và tiềm năng hơn các nước khác. Trước kia từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, Miến Điện là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất ở Đông Nam Á. Ngày nay Miến Điện trên con đường mở cửa, cải tổ kinh tế và chính trị, và ta có thể nói là trong tương lai nước này có đầy triễn vọng trở thành một nước giàu có lớn mạnh sung túc ở Đông Nam Á như xưa kia.

 

Rất ít người Việt để ý đến một sự kiện ở Saigon, Việt Nam có liên quan đến lịch sử Miến Điện ở giai đoạn vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó là sự lưu vong của hoàng thái tử Myingun sau khi xảy ra chính biến trong triều đình Miến Điện ở Mandaday, miền bắc Miến Điện, vào năm 1866.

 

Ông hoàng này được Pháp coi là có thể dùng sau này để tranh dành ảnh hưởng với người Anh ở Thái Lan (4). Hoàng thái tử Myingun Min trốn khỏi Miến Điện sau cuộc khởi loạn ở Mandalay cùng với người em là Myingon Daing vào năm 1866, giết chú mình là Kanaung (tức em của vua cha Mindon Min) được coi là kế vì vua, và định giết hay bắt phế vua Mindon để mình lên ngôi. Kanaung bị đâm chết nhưng vua Mindon thoát được, kế hoạch khởi loạn của Myingun thất bại và sau đó Myingun bắt buộc phải trốn tránh chạy khỏi Mandalay.

 

Đây là thời điểm đen tối của lịch sử Miến Điện. Kanaung là người thông suốt thời cuộc và cùng với vua Mindon cố gắng cải tổ đất nước Miến Điện sau khi phần phía Nam đất nước trong đó có thủ đô Rangoon đã rơi vào tay người Anh. Kanaung đã gởi người đi học các nước phương Tây, canh tân hóa xã hội với chính sách ngoại giao mỡ rộng. Nhưng tiếc thay, công việc chưa hoàn tất thì ông đã bị cháu mình là Myingun giết mất. Kanaung lúc đó và cho đến ngày nay được người Miến rất quý trọng.

 

Không được người Anh, vì muốn giữ hòa khí với triều đình và dân Miến Điện, cho trú ở các vùng thuộc Anh ở nam Miến Điện, Myingun bị người Anh quản lý ở Benares, Ấn Độ. Năm 1882, Myingun thoát chạy khỏi Benares đến Chandernagore thuộc Pháp, Colombo và cuối cùng là thành phố Pondichery thuộc Pháp ở Ấn Độ vào năm 1884 và sống ở đó nhiều năm hy vọng đi đến vùng Shan ở Đông bắc Miến Điện tập hợp lực lượng lấy lại ngai vàng qua ngã Nam Kỳ, Siam. Nhưng sau khi Anh chiếm Mandalay phế vua cuối cùng Thibaw vào năm 1885 thì ông không còn đặt kỳ vọng đến vùng Shan khởi nghĩa, sau đó ông được phép đến Saigon. Theo báo “Le Temps” thì Mingoon đến Saigon vào đầu tháng 11 năm 1889 (7). Ông sống lưu vong 32 năm ở Saigon cho đến khi ông mất.

 

Theo niên giám Đông Dương 1908, Myingun có địa chỉ ở đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng ngày nay) “128. M. Mingonn, prince de Birmanie”. Nhưng niên giám 1909 không thấy tên và niên giám 1910 cũng trên đường Paul Blanchy nhưng ở số “142. Th. J Myngoon, prince de Birmanie fils”. Niên giám 1911 cho biết Myingun trú ngụ ở số 90 đường LeGrand de la Liraye (nay là đường Điện Biên Phủ) “90. rue Legrand de Liraye, Myngoon, prince de Birmanie”). Niên giám 1912 thì lại ghi là ở số 192 trên cùng đường.

 

Lúc đầu tạm thời người Pháp cho hoàng tử Myingun ở trong lúc tìm một cơ hội có thể dùng ông được. Ngoài việc cho ông hoàng Miến Điện Myingun cư trú ở Saigon, người Pháp cũng đã cung cấp cho ông một số tiền để sinh sống. Có thể các địa chỉ trên là các chỗ của gia đình ông và con cháu của ông ở Saigon. Myingun Min có 3 vợ trong đó có một người là người Việt, ông để lại các con cháu ở Saigon khi ông mất tại đây vào ngày 20 tháng 9 1921.

 

Trong tiểu sử về các nhà sư Miến Điện, thì ngài Mahasi Sayadaw, là nhà sư nổi tiếng của Miến Điện trong đầu thế kỷ 20 (1904-1982). Sayadaw có nói đến con cháu của hoàng tử Myingun ở Việt Nam. Ngài Sayadaw đã đi truyền giảng phương pháp thiền Vipassana ở nhiều nước và đã có dịp ghé đến Saigon. Đây là đoạn có liên hệ đến thông tin về vị hoàng tử Miến Điện Myingun sống ở Saigon lúc bấy giờ (2)

 

.“

Sayadaw và đoàn tùy tung cũng đi thăm Việt Nam từ Cam Bốt. Lý do cho chuyến thăm này là do lời mời của một người có tên là bà Daw Phyu, xuất thân từ Miến Điên. Daw Phyu  (bây giờ chắc ở Pháp) là con gái của vị hoàng tử có tiếng Myingun. Bà Daw Phyu là một thương gia có thế lực ở Việt Nam và rất giàu có. Bà lập gia đình với một người Việt Nam và có các con trai và gái và các cháu nội ngoại. Bà sản xuất, phân phối và buôn bán dầu trị bệnh.  Cũng giống như dầu “Tiger Balm” nổi tiếng ở Miến Điện, dầu (cù là Mac Phsu) của bà Daw Phyu được ưa chuộng ở khắp Đông Dương. Dầu “Tiger Balm” có màu đỏ, trong khi đó dầu của bà Daw Phyu ở Đông Dương có màu xanh lá cây.

 

Vì bà Daw Phyu là con gái của hoàng tử Miến Điện Myingun nên trong bà đã nuôi dưỡng một tinh thần quốc gia, và máu hoàng tộc vẫn còn chảy mạnh mẽ trong các mạch máu của bà mặc dầu bà đã là công dân ở xứ Đông Dương.

 

Khi nghe tin nhà sư Sayadaw và các phật tử cúng dường từ Miến Điện đang ở Cam Bốt, bà Phyu đã đi sang Phnom Penh và khẩn nài thỉnh mời ngài Sayadaw và phái đoàn đến Việt Nam.

 

Mục đích chính của sự thỉnh mời đoàn viếng Việt Nam là bà muốn nhờ nhà sư Sayadaw đọc kinh parittas (kinh đọc dung để xua đuổi ác tà và được công quả) sau khi đã trân trọng ban phát "Saranagamanam" i.e. "Của Tam Bảo" hay các đồ vật tôn giáo tại mộ của cha bà là vị hoàng tử quá cố Myingun (như theo phong tục của phật tử Miến Điện ở lễ chôn cất)

 

Ngài Sayadaw và đoàn tùy tùng đến Saigon bằng phi cơ (của một hảng hàng không). Khi đến Saigon, họ đến nghĩa trang nơi hoàng tử Myingun an nghĩ. Các nghĩa trang ở Việt nam rất khác các nghĩa trang ở Miến Điện. Đoàn của thượng tọa Sayadaw nhận thấy là các nghĩa trang ở Saigon rất ngăn nắp và được bảo quản kỷ lưỡng. Sau khi lễ ở mộ của hoàng tử Myingun được hoàn thành và sau lúc ban ân lành cho người quá cố công quả đã được dùng chung sau lễ được chấm dứt. Thượng tọa Sayādaw và phái đoàn đã đi thăm thành phố Saigon, đặc biệt là tham quan các chùa và tu viện Phật giáo. Sau đó, cả đoàn trở lại Cam Bốt và từ đó bay trở về Miến Điện, qua Thái Lan, nơi đoàn quá cảnh không lâu.

 

Những người sống ở Saigon trong những năm xưa ở thập niên 1960 đều có biết đến dầu cù la màu xanh hiệu “Mac Phsu”. Dầu bạc hà “Mac Phsu”, cũng như dầu khuynh diệp của bác sĩ Tín, rất phổ thông đuợc nhiều tầng lớp dân chúng dùng ở khắp miền Nam.

 

 

Hình 1 – Bảng quảng cáo dầu cù là Mac-Phsu, chánh gốc Miến Điện trong một chợ ở Saigon (nguồn: http://www.flickr.com/photos/9854423@N08/2200835625/)

 

Dầu “cù là” là dầu từ Miến Điện. Người Nam bộ xưa kia gọi nước Miến Điện là Cù Là. Vào cuối thế kỷ 19 người Cù Là (Miến Điện) đã đến miền Tây buôn bán. Ở gần Rạch Giá, có xóm gọi là xóm Cù Là, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách chợ Rạch Giá khoảng 13 cây số, nơi họ đến dịnh cư và buôn bán (5) (6).. Xóm Cù Là ở Rạch Giá ngày nay hãy còn tên.

 

Tổng đại lý của dầu cù là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây nằm trên đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi, quận nhất), gần nhà thờ Huyện Sĩ, cách cổng xe lửa (nay đã bỏ) chỉ có mấy căn phố. Phía sau lưng nó nay là đường Phạm Ngũ Lão, ngó qua chợ Thái Bình. Dầu cù là Mac Phsu được quảng cáo khắp nơi ở miền Nam Việt Nam như trên báo chí, biển quảng cáo ở các chợ (như chợ An Đông, chợ Thái Bình,..), ở các hiệu buôn, hiệu thuốc. Dầu của bà Daw Pyu được quảng cáo là dầu cù là, dầu gió hay dầu bạc hà chửa trị “tứ thời cảm mạo”.

 

 

Hình 2:  Biển quảng cáo dầu Mac Phsu ở chợ An Đông, Chợ Lớn, năm 1967 (nguồn: Donald Jellema Collection - Vietnam Center and Archive)

 

Daw Pyu mỗi lần đi quảng cáo dầu cù là, có lúc lại dẫn theo một con voi, con voi này sau được giao cho thảo cầm viên sở thú Saigon. Tên con voi là Xà Kum.

 

Như đã đề cập ở trên, bà Daw Phyu là một người con hiếu thảo và mộ đạo Phật như nhiều người Miến Điện khác. Khi nghe tin thượng tọa Sayadaw từ Miến Điện sẽ đến Cam Bốt, bà Daw Phyu đã thân hành đi đến Phnom Penh để gặp ngài và mời ngài đến Saigon, đài thọ tất cả chi phí để làm lễ theo tục lệ Phật giáo tại mộ của cha bà là hoàng tử Myingun. Từ Cam Bốt, thượng tọa Sayadaw và các thân tín tháp tùng đến Saigon để hoàn thành như yêu cầu của một người đồng hương mộ đạo. Sau năm 1975, công ty sản xuất dầu Mac-Phsu không còn hoạt động, bà Daw Phyu và đa số con cháu đã đi định cư ở nước ngoài. Dầu cù là Mac-Phsu nay chỉ còn trong ký ức của những người Saigon cũ.

 

 

Cuộc sống của ông hoàng Miến Điện Myingun ở Saigon

 

Trong một bài phóng sự đăng trên tờ báo “The Singapore Free Press and Mercantile Advertiser” ngày 16 tháng 9 1893 của Tsaw Hla Phroo đã viết về cuộc phỏng vấn của một người Miến vùng Tenassarim với ông hoàng Myingun (1). Bài này cho ta thấy rõ hơn về con người và cảm nghĩ của Myingun về cuộc sống ở Saigon và suy nghĩ của ông Myingun về vấn đề chính trị giữa Miến Điện và Pháp.

 

Nhân vật người Miến Điện này đã tả thành phố Chợ Lớn lúc bấy giờ nối với thành phố Saigon qua hai phương tiện giao thông: đường thủy qua các ghe đò và bằng chuyên chở công cộng qua các xe “tram” chạy bằng hơi nước đỗ ở các trạm giữa Saigon và Chợ Lớn. Vé đi xe “tram” có 3 hạng: hạng nhất, hạng nhì và hạng ba. Ông đi Chợ Lớn và ở đây ông đã gặp hoàng tử Myingun. Myingun mặc âu phục nhưng trên đầu vẫn mang khăn đầu “gaung baung” truyền thống Miến Điện.

 

“.. Myingun đã hỏi tôi tin tức về các bộ trưởng trước đây trong triều đình, tình hình chung ở Miến Điện và người dân Miến nghĩ gì về ông hoàng Myingun. Tôi đã trả lời là người dân Miến hầu như không còn nhớ đến Myingun, và cho rằng Myingun không thể có hy vọng gì danh lại đất nước ra khỏi tay người Anh khi mà chính Myingun cũng không làm được gì với cha của mình. Đến đây thì Myingun đã ngắt lời tôi, nói rằng không phải bất cứ cố gắng nào cũng dẫn tới thành công, và ông đang mong đợi sẽ lấy lại được Miến Điện ra khỏi tay người Anh với sự trợ giúp của người Pháp, mà họ đã hứa với Myingun khi Pháp có chiến tranh với Anh. Tôi hỏi ông hoàng Myingun là người Pháp sẽ cho ông cái gì khi họ lấy được Miến Điện. Ông nói rằng ông hy vọng là chiến tranh giữa Pháp và Anh sẽ xảy ra nay mai và ông đã nhấn mạnh hỏi tôi chú ý đến điều ông nói là người Anh sẽ đánh nhau với Pháp vào khoảng ba hay bốn tháng nữa về vấn đề tranh chấp ở Siam. Lúc đó người Pháp sẽ gởi một lực lượng đến Miến Điện và người Nga sẽ gởi quân đánh Ấn Độ; người Anh một mình đánh với với hai quân thù vì thế sẽ thua trận. Người Pháp sẽ lấy Siam và Miến Điện sẽ được giao lại cho Myingun bởi vì người Pháp một mình sẽ không thể nào cai quản được hai xứ.”

 

Qua sự suy nghĩ trên của Myingun, ta thấy ông hoàng hoàn toàn ngây thơ và kém cỏi trong sự hiểu biết về phương diện chính trị và ngoại giao lúc bấy giờ. Lẽ nào người Pháp tổn phí sức lực và vô vụ lợi với ông như vậy. Ông thực sự chỉ là con cờ trong cuộc tranh danh ảnh hưởng giữa Anh và Pháp ở Siam và Miến Điện. Người Pháp muốn dùng ông như là công cụ khi đối phó với Anh. Nếu người Anh làm khó dễ với Pháp trong sự liên hệ ngoại giao đặt ảnh hưởng Pháp ở Siam thì người Pháp có thể đánh tiếng là họ sẽ gởi Myingun lên Chieng Roon ở bắc Lào tiếp giới Miến Điện để hợp tác với tiểu quốc Shan khởi nghĩa quấy rối đánh người Anh ở Miến Điện.

 

Bài báo viết tiếp:

 

“Tôi hỏi ông hoàng Myingun là người Pháp có lực lượng mạnh không ở Á châu, trong khi người Anh đã có lực lượng mạnh, như 3 “lakhs” (1) ở Ấn Độ. Và trước khi người Pháp và Nga mang quân từ Âu châu sang thì thuộc địa Pháp ở Đông Dương đã bị tấn công và mất vào tay người Anh. Myingun nói rằng lực lượng ở Ấn Độ không thể được sử dụng hết được vì còn phải để lại để phòng ngự dẹp loạn khi người bản xứ nghe tin người Nga đến. Myingun không tin là tất cả các vua ở các tiểu quốc Ấn Độ đều trung thành. Cuối cùng  ông cũng nói rằng ông tuy vậy sẽ rất hài lòng và cám ơn nếu người Anh để cho ông cai trị vùng Kyaing Ton, Kyaing Chaing và Kyaing Sen. Ông đâu biết là Kyaing Chaing và Kyaing Sen đã được trao cho Siam và Kyaing Ton chịu thần phục với người Anh. Ông cứ tưởng là các tiểu quốc (States) này vẫn ở trong tay người Trung Quốc như là trước đây các tiểu quốc này còn chịu dưới sự chi phối của hai nước Miến Điện và Trung Quốc.”

 

Như vậy, đến đây thì ta biết là Myingun cũng không theo dõi và nắm được tình hình lúc bấy giờ ở Miến Điện

 

Tôi nói với ông hoàng là ngay cả nếu người Anh bị quân Pháp và Nga đánh bại, người Pháp và Nga sẽ không đời nào trả lại Miến Điện lại cho ông, vì nước này rất giàu có phong phú tài nguyên. Nghe đến đây, ông hoàng thở dài. Tôi nói là còn có một hy vọng ông lấy lại Miến Điện nếu ông đã tin tưởng vào người Anh và được họ bảo vệ khi còn ở Miến Điện. Ông đã bỏ lỡ đánh mất cơ hội trở thành vua Miến Điện; bởi vì ông có thể đã được thay thế người em của ông, vua Thibaw (3), khi Thibaw bị truất phế nếu lúc đó ông đã được người Anh bảo vệ, ông sẽ không bao giờ còn có cơ hội nữa khi mà ông hiện nay đang được người Pháp nuôi dưỡng.

 

Ông hỏi tôi là ai và người Anh sẽ cho ông những gì khi ông chịu thần phục họ. Tôi nói với ông tên tôi là Maung Pyu, xuất thân từ thành phố Moulmein (2) và tôi là thương gia buôn bán gạo và gỗ trên đường đi Trung quốc để thông thương. Ông hoàng không tin lời tôi nói. Tôi nói với ông là người Anh chắc chu cấp cho ông tương đương giống như là người Pháp đang chu cấp cho ông ở Saigon là 300 dollars cộng với ăn ở chu toàn.

 

Theo tôi thì dường như ông muốn được chu cấp nhiều hơn, và đất đai để các người hầu ông và gia đình họ hàng khai thác theo ý ông và ông đã có lẽ đã trở lại với người Anh nếu tình hình và vấn đề ở Siam lúc đó không căng thẳng nguy kịch.

 

Tin đồn lúc này ở Saigon là người Pháp đã tuyên chiến với Siam và người Anh nhảy vào cứu Siam. Ông tin vào tin đồn này và hy vọng người Pháp sẽ gởi ông trở lại Miến Điện. Tôi dám chắc là người Pháp đã làm cho ông tin như vậy. Ở Saigon, họ xôn xao phấn khởi bởi vì có lúc họ không có thông tin gì trong ba ngày vì điện tín đã bị cắt. Một trung đoàn người An Nam đã được gởi đi vùng song Cửu Long nhưng trong vòng hai tuần khoảng 400 trong số 600 hay 700 binh lính đã chết vì bệnh dịch tả. Luật động viên đã được ban hanh và cứ mỗi trong 3 hộ gia đình người An Nam là phải cấp 1 người vào lính. Người Miến Điện chúng ta có muốn luật động viên như vậy không ?.

 

Ông hoàng lúc này đã 50 tuổi và tóc bạc nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh. Không ai khi chưa gặp ông khi trướ, nhận ra được hay có thể nhận ra được ông qua sự mô tả của chính quyền. Ông có ba người vợ, 3 con và 3 người con của em ông đã mất, Myingon Daing.

 

Ông thì không uống rượu nhưng có rượu để tiếp khách, và ông mời tôi uống, nói rằng trước kia ông uống rất nhiều trở thành một người vô lại tất trách, bây giờ thì ông đã thay đổi và dốc lòng vào tôn giáo. Ông nhờ tôi nói điền này lại cho Gaung Dauks và Gaung Oks (4) nếu tôi gặp họ. Tôi hiểu là ông mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà sư.

 

Tôi gặp một sĩ quan hải quân Pháp ở Saigon, đã mang hàng đóng từng kiện cho một tàu chiến quá các thác lên thường nguồn song Mekong. Tàu này hiện đang ở đó. Ông ta rất là lễ độ và lịch sự, như người Pháp thường là vậy. Theo ông ta nói thì thuộc địa Pháp ở Đông Dương có dân số 18 triệu và quân số là 35,000. Ông nói là Pháp sẽ chiếm được Siam nhưng hiện giờ thì Pháp chưa sằn sàng. Khi tôi nói với ông ta là người Anh sẽ ngăn chặn, ông ta nói là người Anh xen vào chuyện của người khác và không táo tợn xen vào chuyện chính trị ở lục địa Âu châu như khi họ ở ngoài này.

 

Vì tin đồn về chiến tranh xảy ra giữa Anh và Pháp về vấn đề Siam, nên tôi đã không đi Trung Quốc nhưng tôi hy vọng sẽ đi được trong các dịp khác, đi cả Trung Quốc và Nhật.

 

Những gì mà nhà báo Tsaw Hla Phroo năm 1893 đã viết như trên, ta cũng không loại trừ sự thiên vị trong ý kiến của ông về ông hoàng Myingun. Tuy vậy nó cho ta thấy một số thông tin về cuộc sống của Myingun ở Saigon. Thời điểm cuộc gặp gỡ giữa ông hoàng Myingun và người đồng hương của ông vào năm 1893 xảy ra hai năm sau khi hoàng thái tử Nga, mà sau này là Sa hoàng Nicolas II, vị Sa hoàng cuối cùng (1868-1918) trong lịch sữ Nga viếng Saigon vào ngày 21 tháng 3 1891 trong chuyến viễn du đi nhiều nước như Siam, Đông Dương, Trung Quốc và Nhật. Hạm đội hải quân Nga và vị Sa hoàng tương lai được đón tiếp trọng thể ở cảng Saigon, có cổng chào ở công trường Rigault de Genouilly (ngày nay là công trường Mê Linh).

 

Nhiều người dân được Pháp vận động và những người tò mò đứng chen xem đoàn xe ngựa và kỵ binh tùy tùng của thái tử Nga đi trên đường phố Saigon như trên đường Catinat, đại lộ Norodom. Trong những ngày viếng thăm có buổi dạ tiệc ở dinh thống đốc do toàn quyền Piquet chiêu đãi, dạ vũ trên tàu hải quân “La Loire”, xem opera Giroflé-Girofla ở nhà hát, đến Chợ Lớn xem múa lân ở rạp người Hoa, đến vườn thành phố, đi săn... (9) (10). Như vậy thì ông hoàng Myingun lúc đó ở Saigon chắc chắn biết được sự liên hệ tốt đẹp của người Pháp và Nga.

 

Ông hoàng Myingun tin rằng người Pháp và Nga sẽ là đồng minh đánh người Anh ở Ấn Độ, Miến Điện và Siam nếu quân Anh tấn công nước Siam. Điều này cũng có cơ sở nhưng ông đã đánh giá quá cao sức lực của Pháp và Nga và đánh giá thấp lực lượng Anh lúc bấy giờ, như trong bài báo trên cho thấy.

 

Sau này như ta biết là Pháp không muốn gây khó khăn với Anh và trở thành đồng minh với Anh trong những năm đầu thế kỷ 20 đến hết thế chiến thứ nhật. Số phận của ông hoàng Myingun trở thành một quá khứ quên lãng của người Pháp.

 

Có thể ảnh hưởng của Myingun không còn như hồi còn ở Miến Điện lúc xưa, nhưng sau này vẫn còn một số người nhớ tới ông hoàng lưu vong ở Saigon. Năm 1942, khi quân đội Nhật đánh chiếm Miến Điện và hổ trợ nhà kháng chiến yêu nước chống Anh, ông Aung Sang (mà bà Aung Sang Suu Ki là con gái) lập đội quân Burma Independence Army (BIA) trở lại giải phóng Miến Điện. Lúc ấy, Aung Sang để lấy được sự ủng hộ của dân chúng, đã ngầm khuyến khích sự tuyền truyền cho là đại tá Keiji Suzuki, một sĩ quan Nhật người giúp đỡ sự thành lập quân kháng chiến BIA, là hậu duệ của hoàng tử Myingun, nay trở lại phục vụ và lãnh đạo trong đạo quân BIA đánh người Anh để lấy lại ngai vàng (8).

 

Nhưng sau này khi chiếm được Miến Điện, người Nhật viện cớ là BIA quá lớn và thiếu kỹ luật nên đã bãi bỏ BIA và thành lập một đội quân nhỏ hơn, gọi là Burma Defense Army (BDA). Người Nhật cho Miến Điện độc lập với một chính phủ bù nhìn trong khối Đại Đông Á. Lúc này Aung Sang mới biết là người Nhật còn tệ và ác hơn người Anh và vì thế sau này ông đã hợp tác với đồng minh đánh lại Nhật.

 

Sự liên hệ giữa Việt Nam và Miến Điện trong lịch sử không có nhiều và ít được đề cập đến, nhưng sự kiện ông hoàng tử Myingun lưu vong ở Saigon và hậu duệ của ông đã có đóng góp một phần nhỏ vào đời sống kinh tế và văn hóa ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 20 cũng là một sự kiện đáng được nhắc đến.

 

Chú thích:

 

(1) Một “lakh” tương đương với 100 ngàn quân

(2) Moulmein (Mawlamyine) la` thành phố thuộc vùng người Môn, Nam Miến Điện, giáp giới với Thái Lan. Moulmein ở ngay cửa sông Salween với vịnh Bengal.

(3) Vua Thibaw, có họ hàng với Myingun, kế vị vua Mindon trị vì từ năm 1878 đến 1885. Khi mới lên ngôi, Thibaw đã giết nhiều người trong hoàng tộc, các con của vua Mindon. Vì sự tàn ác này, Thibaw không được long người. Trong thế cờ tranh danh ảnh hưởng giữa Anh và Pháp, Thibaw ngã thiên về Pháp. Không lâu sau, chiến tranh lần thứ ba giữa Anh và Miến Điện xảy ra, vua Thibaw thua trận, Mandalay và lãnh thổ cuối cùng ở bắc Miến Điện năm 1886 bị xác nhập vào thuộc địa Anh cho đến khi Miến Điện độc lập vào năm 1948. Thibaw là vị vua cuối cùng của triều đại Konbaung.

(4) Gaung Oks và Gaung Dauks là chức vụ trong hàng tăng sĩ đạo Phật ở Miến Điện. Các vị sư chủ trì ở các chùa bầu ra ngài Thathanabaing làm chủ tịch giáo hội Phật giáo. Dưới ngài Thathanabaing là các chức Gaung Oks, mỗi Gaung Oks lo cho một huyện và có một Gaung Dauks trợ giúp.

 

Tham khảo

 

(1) Tsaw Hla Phroo, France Burma and the Myingun prince, The Singapore Free press and Mercantile Advertiser, 16 September 1893. pp. 2,

http://newspapers.nl.sg/Digitised/Article/singfreepressb18930916.2.7.aspx

(2) Biography of The Venerable Mahasi Sayadaw,

http://static.sirimangalo.org/mahasi/Biography.htm

(3) Annuaire général Administratif, Commercial et Industriel de l'Indo-Chine, 1910, 1911, Imprimerie F.-H. Schneider, Hanoi

(4)  Maung Maung, Daw Pyu la Mac Phsu, in “Dr. Maung maung: gentleman, scholar, patriot”, compiled by Robert Taylor, ISEAS Publishing, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 2008.

(5) Sơn Nam, Việc khẩn hoang vùng Rạch Giá, Tập san Sử Địa, số 19-20, Sài Gòn, 1970, tr.178.

(6) Sơn Nam, Hồi ký Sơn Nam (Tập 1), Nxb Trẻ, 2001.

(7) Le Temps, No. 10411, 07/11/1889.

(8) Stephen McCarthy, The polical theory of tyranny in Singapore and Burma: Aristotle and the rhetoric of benevolent despotism, Routledge, London and New York, 2006.

(9) Maurice Leudet, Nicolas II Intime, Editeur F. Juven, Paris, 1898.

(10) George Dürrwell, Ma chère Cochinchine, trente années d'impressions et de souvenirs, février 1881-1910 , E. Mignot (Paris), 1911

 

 

 

 

Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 5572
Ngày đăng: 01.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vị trí chiến lược vùng đất Hà Giang qua đánh giá của Nguyễn Công Trứ - Hồ Bạch Thảo
Cao Biền Một Nhân Vật Nhiều Huyền Thoại. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 4 - Nguyễn Văn Thành
Phan Bội Châu Và Bia Mộ Hai Con Chó - Nguyễn Cẩm Xuyên
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 3 - Nguyễn Văn Thành
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 2 - Nguyễn Văn Thành
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 1 - Nguyễn Văn Thành
Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển Và Quyền Tài Phán Của Quốc Gia Trên Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế - Phan Tấn Thiện
Qua sử chí Trung Quốc, thử tìm hiểu vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung - Hồ Bạch Thảo
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 3 - Nguyễn Đức Hiệp
Cùng một tác giả
Wang-Tai là ai? (lịch sử)