Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.221
 
Chị Hiền
Thiện Tùng

Đầu tháng 12 năm 1965, đoàn cắt lúa tự túc của chúng tôi chấm chân đến Xã Thiện Mỹ, một Xã nằm trên tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp A thuộc Tỉnh Kiến Phong. Lúa Nàng Tây vừa chín, lúa Nàng Tri, Nàng Rừng Trường Hưng vừa mới vàng đuôi. Đi cắt lúa mướn như thế là kịp thời.

Đoàn chúng tôi có tất cả hai mươi bốn người, chia thành ba tốp tạm dã chiến dưới bóng cây gáo tàng dù dọc theo giao thông hào trên bờ kinh. Lá gáo to như là trầu, đan khích với nhau, chỉ ngại mưa chớ sương hay nắng không sao thấu xuống chúng tôi được. Chiến tranh, đời chiến sĩ, chỗ ở như thế cũng đủ lắm rồi.

Sau khi xác định chỗ ở, chúng tôi phân công nhau các công việc : quan hệ với địa phương, xin chủ nhà ở tạm trong vườn, tổ chức canh phòng địch... xong ngay trong buổi chiều hôm ấy. Thuận lợi bước đầu, chúng tôi không ai giấu được vui mừng.

Trong lúc chúng tôi đang tụ lại ăn cơm, một phụ nữ đầu trần, mặc bà ba đen, tuổi độ trên dưới ba mươi, từ trong nhà ra và đi nhanh đến chỗ chúng tôi. Sau cái gật đầu chào chung, chị lượt nhìn kỹ từng người trong chúng tôi, chẳng nói chẳng rằng. Các động tác ăn cơm của chúng tôi dường như đột ngột dừng lại trước hiện tượng lạ ấy. Một số anh em nhạy cảm, tay cần ca cơm, chân lùi dần về chỗ dựng súng, đảo mắt nhìn ra đường hoặc những lùm cây rậm trong tư thế sẵn sàng đối phó.

Tôi buột miệng hỏi :

– Có chuyện gì không chị ?

– Không !  Không có chuyện gì. Tôi chỉ đến thăm các cậu. Các cậu tự nhiên ăn cơm.

Sau giây phút dừng lại ở đây, chị gật đầu chào chúng tôi với vẻ suy tư rồi nặng nề bước ra đường đi nghịch hướng lúc chị ra.

Cử chỉ đến thăm rất lạ ấy của chị ta, tác động vào bản năng cảnh giác và ý thức tự vệ trong anh em chúng tôi được biểu hiện qua sắc thái từng người. Không khí bữa ăn im lặng, nặng nề và khẩn trương – giống như ngày nào đang ăn có tin báo động , một cử chỉ quen thuộc không cần ai nhắc nhỡ, nó là việc thường tình của bộ đội trong thế chiến tranh cài răng lược.

Là trưởng đoàn, ăn xong chưa kịp uống nước, tôi nói với anh em : Ăn xong phân tán theo nhóm, theo tổ, thay phiên hhau canh gác – bót địch chỉ cách chúng ta mỗi phía trên dưới hai ngàng thước... tôi và Dũng vào nhà để tìm hiểu thêm tình hình, nhất là chị đến chỗ mình khi nãy”.

Nói xong không đợi ý kiến anh em, tôi hiệu cho Dũng xách súng cùng đi với tôi.

Trời nhá nhem tối, ánh đèn dầu tranh sáng với ánh sáng còn lại của ngày, một bà tuổi trạc 50 ngồi bên đèn thều thào nhai trầu. Sau chào hỏi thủ lễ giữa hai bên, bà mời chúng tôi ngồi và hỏi trong giọng miệng đang ngậm trầu :

– Mấy cậu về đây cắt lúa tự túc phải không ?

Chúng tôi gật đầu, bà vui vẻ nói tiếp : Năm nay trúng mùa, lúa vàng đồng, giặc ruồng bố liên miên, công cắt các nơi ít dám đến vùng này, tôi lo lúa rục rã !... Nhe nói có chủ trương của đàng mình, cho bộ đội về đây vừa phụ thu hoạch lúa với bà con vừa tự túc cho đơn vị. Nghe vậy ai cũng mừng có ý trông nhưng chưa thấy, mấy cậu là đoàn đầu tiên đây thôi.

Thông tin về mùa màng của bà cũng cần đối với chúng tôi nhưng chưa phải là loại cần nhất. Tôi lái qua chuyện khác :

– Xin lỗi dì thứ mấy ?... Đi đâu hết rồi, dì ở nhà chỉ có một mình ?...

– Dì thứ Năm, Nhà còn ai nữa đâu !... Dì ở với con nhỏ cháu, nó mới chạy đâu đó. Có chuyện gì không hai cháu ?

– Thưa, không có chuyện gì đâu, cháu hỏi để biết vậy mà ! Khi không khí trở lại bình thường, chủ khách rõ ràng, tôi vui vẻ hỏi :

– Chị mặc đồ bà ba đen hồi nãy ra chỗ chúng cháu là cháu gái của dì phải không ? Chị ấy tên chi vậy ?

Sau giây phút suy nghĩ, bà Năm nói với vẻ vừa hiểu ra :

–...Ờ , nó là con Hiền, cháu của dì đó đà, đứa cháu đáng thương ấy!...

Có lẽ bà nhận ra chúng tôi chưa thỏa mãn với câu nói quá gọn ấy, bà nói tiếp : “Dì nói có đầu có đuôi cho hai cháu nghe : dượng Năm cháu đi Vệ Quốc Đoàn chống Pháp hy sinh năm 1949 ở đâu miệt dưới (1) dì cũng không rõ nữa !... Năm ấy dì sinh đứa con trai đầu lòng, nay nó 16 tuổi. Nó giống cha nó như đúc, mới 16 tuổi mà tối ngày theo du kích,. Ngày mùng sáu Tết vừa qua, trong trận càn lớn của địch, nó hướng dẫn đường cho đội trinh sát đánh càn rồi rút về nghĩa trang phía dưới đây. Địch truy theo, chúng đông như kiến cỏ, nó và anh em đánh đến viên đạn và người cuối cùng !... Các cháu biết không, khi giặc rút, dì chạy đến thấy tụi nó chết nằm la liệt !... Dì ôm xác con dì, nhìn anh em đứt ruột đứt gan.!... Nó chết, đời dì coi như hết, khổ sở vô cùng !... Dì cũng muốn cho cho nó nằm chung với

--------------------------------------------------------------------------------------- (1) Miệt dưới : ám chỉ các Tỉnh Miền Tây Nam Bộ

anh em đồng đội của nó ở nghĩa trang để sinh tử có nhau, nhưng nỗi cô đơn của dì buộc dì xin cho đem xác nó về  chôn bên hông nhà đây” - vừa nói bà vừa chỉ tay, chúng tôi nhìn theo nhưng không sao thấy ngôi mộ được vì cách vách lá.

Rót nước cho chúng tôi, cố trấn tĩnh, bà Năm nói : “Nhổ cỏ, đắp đất lên mộ nó, dì mường tượng như ngày nào dì bắt kiến, đuổi ruồi, đắp chăn cho nó lúc còn bé bỏng !... Ưới gì biết ba nó chết ở đâu, dầu khó khăn cở nào, dì cũng đến đó lấy cốt về chôn sát bên mộ nó cho cha con gần nhau và người sống, người chết bên nhau !... Dì có linh cảm, ngày nào đó chắc nơi đây là nghĩa trang gia đình dì - nếu không có ba nó thì cũng hai mẹ con của dì!..

Càng kể sắc thái của bà Năm càng mệt mõi, khô héo, giọng nói run và đứt quãng. Chúng tôi cứ lặngim và cúi đầu.

Có lẽ vì mệt mõi hay chưa rõ thái độ của chúng tôi đối với việrc bà vừa kể, bà cũng ngồi lặng yên.

Tôi ngẫng mặt lên, hình dạng bà Năm không rõ nữa vì khoé mắt tôi đầy nướt mắt ... Tôi nhắm nghiền mắt lại, hai giọt nước rơi trên vế tôi. Nhìn sang Dũng mắt chú ta cũng ươn ướt, có lẽ nó cũng xúc động trước cảnh tình rơi nước mắt như tôi.

Một suy nghĩ thoáng qua đầu óc tôi : Bà Năm kể chuyện nhà của mình cho chúng tôi nghe để làm gì – báo công hay cầu cứu báo thù ?!.. Lối sống, tuổi cao sức yếu của bà, tôi hiểu đây là tiếng kêu cứu báo thù là đúng hơn cả !

Dầu “gảy chưa đúng chỗ ngứa” của chúng tôi, nhưng điều làm cho chúng tôi tạm yên lòng là hiểu được gia đình bà Năm là gia đình cách mạng - Vậy chị Hiền là người tốt.

Tôi đoán biết bà Năm còn muốn nói những điều cần nói cho vơi bớt nỗi sầu từ lâu ấp ủ trong lòng một gia đình cách mạng sống trong vùng cận địch, chớ không phải nói những lời trăn trối.

Quay sang Dũng, tôi nói vừa đủ nghe : “Em ra báo cho anh em yên tâm, nhưng phải thay phiên nhau gác, số còn lại nghỉ cho khỏe, kể cả em, còn anh sẽ ra sau”.

Dũng vịn vai tôi đứng dậy, ngã đầu chào bà Năm rồi ra đi.

 

*

                                                            *                   *

Bên đèn dầu leo lét, còn lại chỉ tôi với bà Năm. Chuyện gia đình bà tôi nghe tạm đủ, tôi muốn biết thêm về chị Hiền, người mà bà Năm cho là đứa cháu đáng thương. Rót và đẩy ly nước cho bà Năm tôi hỏi :

– Hoàn cảnh của chị Hiền ra sao và tại sao chị ấy đến đây ở với dì ?

Với giọng chậm rãi bà nói :

– “Tao khổ, con Hiền nó cũng khổ !... Hai cái khổ nương nhau dần dần nó cũng đỡ khổ. Đặt cho nó cái tên Hiền là phải : tối ngày nó ít chịu nói chuyện, nhưng siêng năng và nhanh như  con sóc vậy, tất bật suốt ngày hết việc nhà cửa, việc nước non, nó phải tránh né bọn đồn bót, tề tặc. Dì thương nó còn hơn thương thân mình !”

Cách nói đại khái, úp mở của bà Năm làm cho tôi muốn hiểu thêm về chị Hiền. Tôi gợi ý :

– Dì Năm có thể nói có trước có sau về chị Hiền như dì nói việc riêng của gia đình dì cho cháu nghe khi nãy đi dì  ?

Uống một mạch hết nước nguội trong ly, bỏ gọn miếng trầu têm sẵn vào miệng nhai thều thào, bà kể :

– Số là thế nầy : Hồi đình chiến tập kết, con Hiền có hứa hôn với một chú bộ đội, tụi nó thương nhau ghê lắm, nó theo ra tận Cao Lãnh để tiễn chú bộ đội ấy tập kết ra Bắc. Tội nghiệp, nhiều người chớ không phải chỉ có nó, nhìn theo đến khi tàu khuất dạng mới chịu về. Nó buồn mất ăn mất ngủ mấy tháng trời !

Vì quá thương chú bộ đội ấy, nó xin với cha mẹ nó về ở coi như làm dâu trước cho bên chồng. Bên chồng nó sau này giàu dư ăn dư để, năm 1959, địch đến đóng bót gần nhà chồng nó, để đồng bót đừng phá phách, giữ được của cải, mụ mẹ chồng nó ép gả nó cho thằng trưởng đồn, nó khư khư không chịu, lạy lục, khóc lóc thảm thương, nhưng con mụ mẹ chồng nó dữ như Tào Thị, chỉ biết thương của chớ biết thương ai, mắng chửi nó không còn một chỗ !... Cuối cùng, nó phải trốn đi. Hồi đó nó là con Lệ chớ đâu phải là Hiền – Nó phải thay tên đổi họ để tránh né. Cha mẹ con Hiền rất thương nó và nó đối lại với cha mẹ cũng vậy. Từ đó họ đâu dám ở chung với nhau – con mụ ấy biết được cào nhà chớ chơi sao, ở tù là khác ! Cậy thế đồn bót, việc gì mụ làm không được, mụ đâu có ngán ai.

Tội nghiệp, bao năm trời, ngày nó vào sâu trong Đồng Tháp Mười hái rau bắt ốc, làm thuê làm mướn kiếm sống đắp đổi qua ngày. Dãi nắng dầm mưa riết rồi nó đen như táo Tàu, ngày đi, đêm rình mò về như ăn trộm!... Vậy mà con mụ mẹ chồng nó cũng đánh được hơi, đến nhà cha mẹ nó hăm he đủ điều. Con Hiền phải di trú sang xã này làm ăn. Cứ vài ba tháng nó nhờ tao rước cha mẹ nó đến gặp một lần, khi chỗ này, khi chỗ khác. Nó nhân nghĩa, hiếu thảo lắm : làm có tiền dành dụm cho cha mẹ, cho tao. Có việc lạ là, khi họ gặp nhau chẳng hàn huyên gì, bày đồ ra cùng ăn. Ăn xong, mẹ chải đầu, bắt chí cho con, còn cha cứ ngồi thừ ra đó hút thuốc điếu nầy sang điếu khác, nhìn trời theo kiểu “nhả khói phun mây nhìn cuộc thế”, thế mà trời đâu có thấu !...

Tối ngày ngoài đồng trọi mà họ vẫn ấm cúng trong cảnh sum họp đầy tạm bợ - ai thấy cũng phải chạnh lòng !... có thương thì để bụng chớ đâu dám nói ra.

Hoàn cảnh của nó nhiều người ở đây biết, họ đủ cách giúp đỡ nó, nhất là việc canh chừng bọn đồn bót, tề tặc để bảo vệ cho nó - chẳng khác bảo vệ cán bộ. Có người thương nó, giận mụ mẹ chồng nó, khuyên nó lấy chồng cho yên nơi yên chỗ, cho bọn “yêu quái” hết “dòm hành dòm tỏi”. Cháu biết không : mỗi lần có ai gợi ý như vậy, nó chẳng nói chẳng rằng, nếu dồn quá nó khóc, nhiều lắm nó chỉ nói được chữ “cám ơn” với cử chỉ sụt sùi.

Hôm đầu năm, sau khi thằng nhỏ con dì chết, bọn địch trong đồn sợ cũng ít bung ra, con Hiền về đây ở với dì. Cha mẹ nó quen biết với dì qua nó. Dì xem nó như con cháu trong nhà, chẳng qua “bầu bí thương nhau” chớ có họ hàng ruôt thịt gì đâu ! - Cuộc đời con Hiền khốn khổ và éo le như vậy đó”.

Tôi cởi mở với bà Năm :

– “Thật tình, chị Hiền đến chỗ chúng cháu với cử chỉ hơi lạ, làm cho chúng cháu nghi rằng chị ấy dò la vấn đề gì đó - sợ gián điệp kết hợp với biệt kích đánh không kịp trở tay. Qua dì kể về chị ấy, tụi cháu thật sự yên bụng ...”.

Cuớp lời tôi, bảo vệ cho chị Hiền, bà Năm nói :

– Ôi ... nó đi tìm chồng nó đó ! Dì cũng không nhớ bao lần, mỗi khi cán bộ hay đoàn bộ đội nào về hoặc đi ngang đây, nó đều ra xem mặt từng người, cứ xem để rồi thất vọng, nghĩ mà thương hại !...

Có bóng người từ ngõ xâm vào, tôi báo bà Năm :

– Có ai vào nhà mình kìa ?

Bà Năm khòm xuống nhìn ra, khẳng định :

– Nó đó chớ ai.

Trờ vào cửa, ánh sáng đèn rọi vào mặt, tôi nhận ra chị Hiền ngay, và có lẽ chị chưa kịp nhận ra tôi, chị gật đầu chào rồi đi thẳng vào trong.

Tôi nói để làm thân và cũng để chị sớm nhận ra tôi, không phải bỡ ngỡ :

– Hồi chiều đến thăm anh em chúng tôi rồi chị đi đâu tới giờ này mới về ? Có gì vui nói cho tôi và dì Năm nghe cho đỡ “ghiền” coi chị Hiền ?

– Sao cậu sớm biết tên tôi quá vậy ?

Tôi cười và chỉ bà Năm.

Không nhìn thẳng vào tôi , chị Hiền lấp khoảng trống bằng câu nửa đàu nửa thật  :

– Cậu chỉ biết tên tôi hay đã biết cả lai lịch của tôi nữa ?

Tôi vặn lại để thăm dò ý chị ta :

– Rất tiếc là tôi chỉ biết tên, đang cần muốn biết lai lịch - biết cả hai vẫn tốt, có sao đâu ?

– Lai lịch của tôi có gì đáng cho người đời quan tâm !

Câu nói khiêm tốn, trách phận chua chát của chị Hiền làm cho tôi cảm nhận rằng mình nói có hơi quá lố.. Biết phải nói gì nữa giờ, cáo lui là tốt nhất. Ra khỏi cửa, tôi vói lại một câu :

– Tụi tôi tới đây “chân ướt chân ráo”, chắc chắn phải nhờ vào sự giúp đỡ của dì Năm và chi Hiền “nương đâu nát gạo đó” hãy cố giúp chúng tôi.

 

*

                                                            *                   *

Thật không ngờ, quan hệ giữa chúng tôi và chị Hiền sớm sang lĩnh vực tình cảm. Chỉ mấy hôm sau, chi Hiền trở thành đầu nậu (1) không công, là thành viên không mời của đoàn cắt lúa tự túc của chúng tôi. Xứ lạ quê người, chúng tôi rất cần chị Hiền làm việc ấy. Còn chị Hiền làm việc ấy đối với chúng tôi chị xem như là bổn phận.

Khi đoàn chúng tôi có thêm chị Hiền, tự phát hình thành một trật tự mà trong hai mươi lăm người ai cũng thấy phải vậy và nên như vậy. Tôi trưởng đoàn, chi Hiền xem như cố vấn đặc biệt, còn anh em khác là những thành viên tích cực. Ai cũng mừng trước cái được phải nói là quá trọn vẹn.

Trong chúng tôi ai cũng cho rằng chị Hiền lanh lợi, dũng cảm, đảm đang ... chị bao giờ cũng biểu hiện rõ nét “muốn giúp người, không muốn nhờ người, không muốn ai phụ thuộc mình và cũng muốn mình không phụ thuộc ai “. Chung sống với chị, càng ngày chúng tôi càng hiểu và cảm phục chị qua việc làm hơn lời nói. Chị rất thương chúng tôi, tình thương được

------------------------------------------------------------------------------------------

 (1) Đầu nậu : Người thầu việc, thuê lao động làm hưởng công định mức

trang trải đồng đều. Tình thương của chị đối với chúng tôi không như người chị ruột mà của người chi chiến sĩ – tình thương bao la, cao cả và trọn vẹn.

Chúng tôi không rõ ở xứ nầy còn có ai cắt lúa giỏi hơn chị Hiền không : thường bắt đầu từ 6 giờ đến khoảng 10 giờ là chị đã cắt xong một công tầm cắt (1.200 thước vuông). Cũng như bữa nào, sau khia cắt xong phần của mình, chị đều phụ cắt phần lúa của chúng tôi. Khi cả đoàn cắt xong, chị nói : “Các em về, chị còn đi công việc – công việc của chị không hề công khai. Về sau hiểu ra, chị làm giao liên cho cách mạng.

Chị Hiền quả là con người động, thích đi đây đi đó, dường như không biết mệt là gì. Mỗi lần về chỗ chúng tôi, chị đều có mang theo thức ăn – không thứ nầy thì thứ nọ, hoặc mua hoặc xin ở đâu đó. Chị cho anh em chúng tôi với cử chỉ quen thuộc : “để đồ ăn xuống, cười, hất hàm ra lịnh”. Tính hay cho thức ăn của chị phù hợp với tính ăn vặt của trai trẻ. Mỗi khi chị về, tụi nó tóe lên không đợi chị cười, hất hàm như những lần đầu, chúng sớt trên tay, đôi khi chúng còn nắm hai tay chị nhảy như múa “lâm thôn” (điệu múa của người Cam-Pu-Chia).

Đã hơn một tháng trời sống gần, chúng tôi không hề nghe thấy một lời nói, một biểu hiện nào ở chị được coi là nao núng trước nghịch cảnh. Có lẽ khó khăn vất vả đối với chị không còn ý nghĩa gì, và chắc chắn cũng không còn nước mắt đâu để mà khóc, lời đâu nữa để mà than. Các thứ ấy chỉ có tác dụng làm tăng thêm sức mạnh, sức chịu đựng đối với chị - một con người đã từng trải.

Trong chúng tôi hay ai đó nói tội ác, hành vi của địch, chị xao lãng không muốn nghe . Dường như những thứ ấy đối với chị cháo chang, não nề - chị muốn làm sao cho không còn các thứ đó hơn là nói nhiều về nó.

Chỉ còn mươi ngày nữa đoàn cắt lúa của chúng tôi phải về đơn vị theo kế hoạch. Sau buổi cắt lúa mệt nhọc, anh em trong chúng tôi đang nằm nghỉ, tiếng bà Năm từ trong nhà dội ra. Tất cả anh em chúng tôi bật dậy như cái lò xo – đó là thói quen khi có hiện tượng lạ. Đoán biết việc lành, anh em lần lượt nằm trở lại nghỉ, tôi vào nhà theo tiếng gọi của bà Năm.

Nhìn tôi rồi hướng vào người lạ ngồi trên ván,  bà Năm nói :

– Đây là cháu Tân chồng chưa cưới của con Hiền như dì có kể cho tụi cháu nghe. Tân tập kết mới về, tìm lại con Hiền. Con ở nhà chuyện chơi với Tân, dì đi tìm con Hiền cho nó mừng.

Với động tác nhanh nhẹn, bà cho vào miệng miếng trầu, rứt một cục thuốc xe lọn bằng ngón tay cái, nhe miệng nhét vào, chà qua chà lại vài lượt trên răng rồi ủi qua một bên miệng , cái mép nhếch lên như một khối u. bà lấy khăn vắt vai, tay chộp cây dầm ra xuồng bơi về hướng trên.

Bà Năm đi rồi, trong nhà chỉ còn tôi và Tân. Chuyện giữa chúng tôi dường như bắt đầu từ con số không (0) . Chúng tôi hỏi qua hỏi lại từ thủ tục giao thiệp đến chuyện gần chuyện xa. Khi được coi là hiểu và tin nhau, tôi bắt đầu bộc bạch về cái tốt của chị Hiền, ngỡ rằng sẽ làm hài lòng anh Tân. Ngược lại với dự đoán của mình, tôi càng nói về chị Hiền thì anh Tân tỏ ra buồn và bực bội. Thấy vậy tôi lảng qua chuyện khác. Tân xin nằm vì lý do hơi mệt. Đầu Tân gối lên ba lô, tay gác lên trán đăm chiêu. Anh không ngủ và cũng chẳng nói gì thêm với tôi, thỉnh thoảng thở dài chép miệng.

Ngồi trên ghế đẩu, dựa lưng vào thành bàn, tôi mệt mõi nhìn để nhìn ra cửa - giữ nhà không ra giữ nhà, gác ngủ không ra gác ngủ, một việc làm vô lý đến nỗi tôi cảm thấy bức rứt nhưng không thể từ chối. Mòn mõi gần cả tiếng đồng hồ về cái ngồi không ý nghĩa nầy, tôi phóc lên võng ngủ ngon lành. Có tiếng vịt kêu, tôi giật mình thức dậy. Bà Năm xách con vịt từ ngoài bến vào. Thải con vịt trước cửa, cất cây dầm vào trong, bà Năm vui vẻ nói : “Con Hiền nó đang họp, nghe tao nói mầy về nó quýnh lên ... Mấy đứa họp cùng với nó chộ một chập làm con nhỏ đỏ mặt tía tai. Nó đưa tiền tao mua con vịt về đãi mầy. Nó sẽ về ngay ... !”.

Bà Năm nói mặc bà Năm, anh Tân cứ ghì mặt xuống đất, đi đi lại lại. Lát sau anh đi thẳng ra bờ kinh. Dì Năm nấu nước, tôi cắt cổ vịt, sau đó hai dì cháu ra sàn nước nhổ lông. Anh Tân chăm chăm nhìn, bà Năm đứng dậy nhìn theo rồi quả quyết : – “Con Hiền về đó !”.

Người bơi ngồi đàng lái chiếc xuồng Cần Thơ (1) ngất mũi cao, trố mắt xuôi dòng, từ từ quẹo vào bến. Hiền dưới xuồng, Tân trên bờ, hai người nhìn nhau ... Tôi với bà Năm lúc nầy cũng không màng gì việc nhổ lông vịt, hồi hộp chứng kiến phút giây tái ngộ giữa hai người sau những năm dài xa cách. Có lẽ họ chưa nhận ra nhau,  còn đang nhìn nhau một cách soi bói !... Đột nhiên chị Hiền quăng dầm nhảy phóc lên bờ vồ lấy anh Tân,. Còn Tân thì đỡ nhẹ chị Hiền ra, lắc đầu ... chị Hiền lùi về sau mấy bước với vẻ bối rối, ngỡ ngàng, khó chịu. Cả hai chẳng nói chẳng rằng. Chiếc xuồng bung ra như giận dữ, nó xoay qua xoay lại mấy hiệp rồi riu ríu trôi theo dòng nước - dường như nó chấp nhận chia tay với người chủ bạc bẽo. Bà Năm vội nhảy xuống chiếc xuồng của mình theo vớt chiếc xuồng của chị Hiền quên cột dây đang trôi. Cả mấy phút sau, từ anh Tân phát ra :

– Anh đã có vợ, cũng như em đã có chồng !...

Hiền chưng hửng, nhìn thẳng vào Tân hỏi vặn :

– Cái gì ? Em không thích đùa đâu nghe !...

------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Xuồng 5 lá, có vẽ hai con mắt trước mũi xuồng.

Tân cúi mặt lặp lại câu nói của mình :

– Anh đã có vợ, em đã có chồng. Anh tìm em trên tình bạn. Đó là lời thật, cho dầu giờ đây chúng ta không ai muốn đó là sự thật ?

Những giây phút yên lặng giữa hai người thật đáng sợ, nó chứa đựng bao điều bí ẩn, ngay người trong cuộc cũng chưa hiểu huống hồ tôi và bà Năm...

Tân móc từ trong túi ra miếng giấy gì đó đưa cho Hiền và nói :

– Em đọc thư nầy sẽ rõ !...

Hiền phanh nhanh thư ra, ghì mặt vào cố đọc. Môi Hiền mím lại, mấp máy muốn khóc. Hiền không làm chủ được mình, sụm xuống như cây tươi bị lửa táp héo. Chị cố trấn tĩnh, trả thư lại cho Tân, hai tay bưng mặt khóc tức tủi.

Có biết gì và phải nói gì , tôi và bà Năm chỉ còn cách an ủi chị Hiền. Còn Tân thì nắm tóc, nhăn mặt  đi tới đi lui. Lát sau, chị Hiền vuốt lại tóc, gượng dậy, nhìn Tân lắc đầu nói :

– Cả hai chúng ta không ai có lỗi !... Dìu em xuống xuồng đi anh !... Em cảm ơn anh, xin từ biệt !...

Chị Hiền bơi xuồng xuôi theo nước trên kinh Nguyễn Văn Tiếp. Đi được một đoạn hơi xa, chị rẽ vào thung lũng Đồng Tháp Mười. Chúng tôi bùi ngùi nhìn theo đến khi chị lẫn khuất trong đám tràm xa tít tận kinh Bảy Ngàn. Vừa hỏi tôi vừa giựt cái thư trên tay Tân để xem nó nói gì mà “ghê gớm” như vậy. Tân dễ dành nhả thư cho tôi. Thì ra đây là thư của mẹ anh Tân gởi cho anh bằng con đường Nam Vang ra Hà Nội từ lâu. Nội dung thư có đoạn nói : “Con Lệ nó đã bỏ nhà theo trai ... Nghe đâu nó đã có chồng rồi ... Con đừng nghĩ đến người con gái hư hỏng ấy mà làm gì .v.v.... Đọc thư xong, tôi càng tin lời bà Năm nói trước đó về sự cay độc của bà mẹ anh Tân, càng cảm thông nghịch cảnh của chị Hiền và anh Tân. Bà Năm, lắc đầu nói :

– Nó mỏi mắt chờ mầy ! Mầy có vợ làm hỏng hết cả rồi ! càng nghĩ tao càng thương cho con Hiền ! Thôi đành vậy, để rồi tao tìm cách an ủi nó.

Tân đứng ngồi không yên. Mấy lần anh rút sún ngắn ra rồi lại bỏ nó vào vỏ. Anh định tự sát hay định về bắn mẹ ruột mình ? – Suy nghĩ ấy thoáng qua trong đầu tôi. Nhưng tôi lại quả quyết : là cán bộ như anh Tân sẽ không làm những việc ấy. Tôi không cản, để anh giãy giụa cho vơi bớt nỗi bất bình với người mẹ nham hiểm và bất lương. Tân không ăn cơm. vỗ vai tôi, cúi đầu chào bà Năm, lủi thủi ra đi không nói được nửa lời. Chuyyện về anh Tân và chị Hiền gặp nhau rồi tan vở như bọt xà phòng, gây xúc động nhiều người. Đêm ấy anh em trong đoàn cắt lúa chúng tôi thao thức không sao ngủ được. Ai cũng cho rằng, cái sốc của chị Hiền là cái sốc nặng, không thể nguôi được trong một sớm một chiều. Chi đã ra đi và có lẽ chắc còn lâu mới trở lại vùng nầy. Thời hạn cắt lúa đã hết, chúng tôi phải về đơn vị. Trước khi lên đường chúng tôi chỉ chia tay được với dì Năm, còn chi Hiền thân yêu của chúng tôi thì không thể !... Có lẽ chi đang nén đau trong đám tràm nào đó ở thung lũng Đồng Tháp Mười.

Thiện Tùng
Số lần đọc: 2113
Ngày đăng: 04.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa con - Anh Đức
Cầu Thang - Nguyễn Thị Thu Huệ
Đá trắng - Nguyễn Thanh
Nhắp vịt - Phương Nam
Rút lại lời phê - Phương Nam
Con chim xanh định mệnh - Hồ Tĩnh Tâm
Tiếng bước chân - Anh Động
Chung kết - Anh Động
Cát đợi - Nguyễn Thị Thu Huệ
Mùa đông ấm áp - Nguyễn Thị Thu Huệ
Cùng một tác giả
Chị Hiền (truyện ngắn)
Điểm hẹn (truyện ngắn)
Tình buồn (truyện ngắn)
Hỏa thiêu (truyện ngắn)