Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.231.575
 
Huyền sử 4
Nguyễn Văn Thành

 

Chương  Ba

Thánh Gióng và con đường « đi lên »

của con Rồng cháu Tiên

 

Xuyên qua nhiều câu chuyện Huyền Sử, Tổ Tiên và Cha Ông từ đời các Vua Hùng, đã trối trăng lại cho chúng ta những sứ điệp LÀM NGƯỜI. Với một thái độ khiêm cung và lắng nghe, học hỏi và tìm kiếm, chúng ta có thể rút tỉa từ những sứ điệp nầy, những bài học giữ Nước và dựng Nước, nhất là khi có những hiểm họa trầm trọng xảy ra trong lòng Quê Hương và khả dĩ làm băng hoại tiền đồ của dân tộc.

Trong các bài chia sẻ, được đăng tải đó đây, trên nhiều tờ báo ở trong và ngoài Nước, tôi đã lần lượt trình bày và khảo sát một số sự việc quan trọng như  sau :

 

-   Thứ nhất, nguồn gốc rồng tiên của người Việt Nam đã được đề cập, trong câu chuyện kết duyên giữa Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Từ đó, một trăm đứa con được cưu mang trong cùng một bọc trứng. Cho nên ngày hôm nay, chúng ta có tập tục gọi nhau là anh chị em ĐỒNG BÀO, bất chấp những nét khác biệt giữa người ở Bắc và kẻ ở Nam, giữa người làm ăn ở vùng sơn cước và kẻ sinh sống ở miền đồng bằng...

 

-   Thứ hai, vào những ngày tháng đầu tiên của dân tộc, Lạc Long Quân đã đích thân thực hiện ba công trình kỳ vĩ là diệt tan Ngư Tinh, Mộc Tinh và Hồ Tinh, để cho con cháu có thể an cư lạc nghiệp, trên mọi vùng trời, vùng biển và vùng đất của Quê Hương. Tuy nhiên, ba con yêu tinh ma quái ấy vẫn luôn luôn tồn đọng và tìm cách tái sinh trong quả tim của từng người, từ đời nầy qua đời nọ, dưới nhiều hình thức ngụy trang khác nhau.

-   Thứ ba, mỗi lần con cái, cháu chắt đối diện một vấn đề và lên tiếng cầu cứu, nếu Lạc Long Quân không đích thân xuất hiện, Ngài thường sai phái Thần Kim Qui, đến hỗ trợ những công trình xây dựng và bảo vệ Non Sông.

 

-   Thứ tư, chừng nào con Hồng cháu Lạc đoàn kết và nhất tâm với nhau, họ có khả năng vượt thắng mọi trở ngại và đánh tan mọi kẻ thù, cho dù xuất phát từ phương bắc, phương nam hoặc phương tây. Trái lại, tình trạng « nồi da xáo thịt » hay là « gà một nhà bội mặt đá nhau » là tên nội thù độc ác và nguy hiểm, đã từng làm băng hoại Non Sông, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Mặc dù câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh đã cảnh tỉnh về tai ương hoạn nạn ấy, ngày hôm nay, vào thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, chúng ta vẫn còn duy trì thái độ « bịt tai nhắm mắt, đóng kín mọi cửa lòng », nghĩa là ngoan cố, tiếp tục xếp hàng thành hai phe, tố cáo và kết án lẫn nhau. Chính vì lý do nầy, bạo động và hận thù đang còn bám trụ trong tâm tư và ngôn ngữ hằng ngày của mỗi người Việt Nam.

 

Câu chuyện về Thánh Gióng bổ túc và kiện toàn những bài học « giữ Nước và dựng Nước » trên đây, bằng cách thêm vào ba chi tiết mới lạ :

-   Thánh Gióng là người thần dân của Nước Trời. Ngài được sai phái đến đầu thai ở Làng Phù Đổng thuộc Quận Vũ Ninh, trong tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Khi lên ba tuổi, Ngài đã đi ra chiến trận, đánh tan giặc Ân và mang lại thanh bình cho Đất Nước, vào một giai đoạn rất đen tối và ngặt nghèo của lịch sử Nước Nhà.

-    Sở dĩ Thánh Gióng đã thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng, là vì nhờ được bà con xa gần trong xóm làng đã tích cực nuôi nấng và đóng góp : cho ăn cho mặc, cho ngựa cho gươm... cho Tình Thương và Lòng Hiểu Biết.

 

-    Sau khi hoàn tất công việc « dẹp loạn giặc Ân », Thánh Gióng đã tức khắc và can đảm tìm đường trở về trời, chỉ để lại một vài dấu chân đậm nét trên vùng đất sơn cước và còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

 

Câu chuyện nầy được kết cấu một cách rất đơn sơ, với vài ba chi tiết thô thiển và mộc mạc. Bộ mặt bên ngoài xem ra có vẽ hoang đường và loạn tưởng, theo kiểu « bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia », cơ hồ một giấc chiêm bao thoáng qua và vô nghĩa, xuất hiện và biến tan, trong tâm tư của mỗi người.  Tuy nhiên, nếu chúng ta biết dừng lại, đào bới, lắng nghe, tìm hiểu một cách khiêm cung và cẩn trọng... Hồn Nước, Hồn Non sẽ từ từ hiện về, trong cõi lòng của những ai đang sẵn sàng chờ đợi và đón nhận, biết nhìn và biết nghe.

 

Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi sẽ lần lượt trình bày con đường khám phá mà tôi đã đi qua, những vấn nạn mà tôi đã cưu mang ấp ủ, trong bao nhiêu ngày tháng, cũng như những câu trả lời mà tôi đã thừa kế, từ khi bước vào tuổi đời « lục thập nhi nhĩ thuận », có nghĩa là biết thức tỉnh và lắng nghe những loại ngôn ngữ không lời và hình tượng của các bậc tiền bối.

 

Nói cách khác, ba câu hỏi sẽ được đề cập và khảo sát một cách tường tận, trong các phần sau đây :

-    Thứ nhất, giặc ÂN là ai ? Là gì ? Phát xuất từ nơi đâu ? Ở vào giai đoạn nào ?

-    Thứ hai, Thánh Gióng đã đối ứng và khắc phục tên địch thù nầy, với những hành trang và khí giới nào ?

 

-   Bí quyết thành công của Thánh Gióng  bắt nguồn từ những động cơ và khả năng nào ?

 

***

1.  Giặc ÂN trong tác phong và ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta

 

Từ đời các Vua Hùng cho đến những triều đại cuối cùng của Nhà Nguyễn, Đất Nước Việt Nam đã phải đối đầu với nhiều loại giặc khác nhau, xuất phát từ phương Bắc. Đó là giặc Hán, giặc Tống, giặc Nguyên, giặc Minh và giặc Thanh. Không một lần, sử sách chính thức nói đến sự kiện giặc Ân tràn vào xâm chiếm Đất Nước của chúng ta, tuy dù trong lịch sử của Trung Hoa, theo ý kiến của Đào Duy Anh, vào những năm 700 sau Công Nguyên, có một đời Vua mang tên là ÂN.

 

Sau nhiều năm nghiên cứu, học hỏi và tìm kiếm, tôi nhận thấy rằng : những câu chuyện Huyền Sử, cho dù được sáng tác trong nhiều hoàn cảnh và giai đoạn hoàn toàn khác nhau, vẫn có liên hệ chặt chẽ và mật thiết với nhau. Câu chuyện đến trước có thể chỉ nêu lên vấn đề một cách sơ phác. Những câu chuyện đến sau, sẽ bổ túc và soi sáng hay là từ từ đề nghị những lề lối giải quyết, thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, lề lối thuyên giải      - nghĩa là khám phá ý nghĩa và hướng đi trong cuộc đời - vẫn tùy thuộc cảm nghiệm của mỗi người, nhất là sau khi họ biết ngồi lại, lắng nghe, trao đổi, đón nhận những ý kiến đóng góp của kẻ khác.

 

Trong tinh thần và lăng kính vừa được đề xuất như vậy, câu chuyện về Thánh Gióng được xem là một tia nắng mặt trời đang từ từ xóa tan những đám mây mù ảm đạm, phát xuất từ những xung đột sống mái giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Đàng khác, chúng ta cũng còn có thể mạnh dạn khẳng quyết thêm rằng : Thánh Gióng là người thừa kế trực tiếp công trình của Lạc Long Quân. Công việc của Ngài là ngày ngày tiếp tục dẹp tan Ngư Tinh, Mộc Tinh và Hồ Tinh, trên những vùng đất khô cằn của Quê Hương cũng như trong cõi lòng sỏi đá của mỗi người. Chính trong giờ phút hiện tại nầy, phải chăng Thánh Gióng cũng như Thần Kim Qui đang hiện hình trở về với chúng ta, để giúp chúng ta « dẹp tan giặc ÂN », trong những quan hệ giữa chúng ta và anh chị em đồng bào ?

 

Nói khác đi, giặc ÂN là « giặc TÌNH », « giặc NGHĨA » hay là « giặc QUAN HỆ » giữa cha mẹ và con cái. Giữa vợ và chồng. Giữa anh và em. Giữa những người đã cùng nhau chia sẻ những nỗi niềm ưu tư và hy vọng, cũng như những đắng cay và trăn trở hoàn toàn giống nhau. Hẳn thực, khi giặc ÂN len lỏi nằm vùng trong tâm tư và thái độ, tác phong và ngôn ngữ hằng ngày, tự khắc bầu khí quan hệ giữa những người cùng chung sống trong môi trường, sẽ bị đầu độc và ô nhiễm. Họ đánh mất khả năng đồng hành và đồng cảm trên con đường giữ Nước và dựng Nước. Tình đồng bào cũng do đó, bị hoen ố, chà đạp và phản bội. 

 

Trước đây, như người xưa thường dạy bảo, « bên ướt mẹ nằm, bên ráo con nằm ». Bây giờ đây, trong một số trường hợp, những câu nói trao đổi giữa hai mẹ con đã trở thành « tên bay đạn lửa » có đầu ngòi tự động, đi tìm đường sát hại lẫn nhau. Trước đây, khi chưa cưới nhau, hai anh chị đã cùng nhau thề thốt : « chúng ta yêu nhau, từ kiếp nầy qua kiếp khác ». Không ngờ, sau khi đã trở thành vợ chồng, chính hai người ấy lại lên tiếng nguyền rủa nhau : « mầy và tao không thể nào đội trời chung », hay là « mày phải chết, để cho tao sống ».

Tệ hại biết chừng nào cho Đất Nước và Dân Tộc, nếu từ hai hay ba tuổi trở lên, khi con cái, cháu chắt chúng ta bắt đầu học nói, chúng nó đã ngày ngày ngụp lặn trong những quan hệ chưởi bới, tố cáo và mạt sát lẫn nhau trong thế giới của người lớn. Làm sao chúng nó có thể trở thành những thế hệ Thánh Gióng, luôn luôn « COI DÂN LÀ TRỌNG » nếu trước mặt và chung quanh chỉ được trình bày những bài học đàn áp, bốc lột, hối lộ, tham tàn, hống hách và quan liêu ?

 

Hẳn thực, với câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng, Tổ Tiên và Cha Ông đang nêu ra cho chúng ta duy một câu hỏi chính yếu : chúng ta đang dạy con cái thế nào, xuyên qua tác phong và ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta ? Có lẽ chúng ta có xu thế ta thán về một số hiện tượng đau buồn đang có mặt trong lòng Quê Hương, như bụi đời, xi đa, xì ke, ma túy của giới trẻ ? Thế nhưng, mấy người ý thức được một cách sáng suốt rằng : Không ai ngoài chúng ta là nguyên nhân đã tạo sinh giặc ÂN trong môi trường gia đình và học đường. Do đó, phải chăng chính chúng ta là người đầu tiên có trách nhiệm và sứ mệnh dẹp tan giặc ÂN đang khống chế tâm tư và đời sống tình cảm, bằng cách  ngày ngày thay đổi lối nhìn của mình ? Không cố gắng tôi luyện lại lời ăn tiếng nói, khi tiếp xúc và trao đổi với con cái, cũng như khi làm việc với bạn bè xa gần, chính chúng ta đang phản bội Đất Nước và bôi nhọ nguồn gốc Rồng Tiên của chúng ta.

 

2. Từ bỏ những phản ứng máy móc tự động và sáng tạo những kỹ năng tương sinh, tương thành

 

Trong phần sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau lần lượt phát hiện những điểm tiêu cực cần đề phòng, cũng như những điểm tích cực cần phát huy và học tập, trong mỗi quan hệ hằng ngày giữa người với người.

 

2.1. Những tập tục phá hoại 

 

Trong khuôn khổ của chương nầy, thay vì trình bày và giải thích dài dòng, tôi chỉ liệt kê một cách vắn gọn những tập tục tiêu cực và phá hoại, cần được đề phòng và xa lánh, trong những tình huống tiếp xúc và trao đổi hằng ngày.

 

-    Tập tục tai hại đầu tiên là sử dụng tư tưởng nhị nguyên « Tao đúng mày sai, tao có lý, mày vô lý, tao tốt mày xấu », trong các hình thức giao tế với anh chị em đồng bào.

 

-    Chính vì tư tưởng nhị nguyên nầy, chúng ta cố quyết áp đặt cho kẻ khác lối nhìn, quan điểm, cách nhận thức của chúng ta. Với sứ điệp « ngôi thứ hai », cũng như với những loại động từ như « phải, nên, cần... », chúng ta rót ra những mệnh lệnh từ trên và từ ngoài, đòi buộc kẻ khác tuân hành hay là xa lánh. Ví dụ : « Mày phải câm miệng lại và nghe tao nói », hay là « mày không được trả lời với tao như thế »...

 

-    Trong những cách truyền lệnh hay là áp đặt một lối cư xử và hành động, như vừa được trình bày, ý đồ sâu xa của chúng ta là « THAY ĐỔI kẻ khác tận gốc rễ, từ đen qua trắng », phủ nhận quyền tự quyết và quyền làm chủ thể cũng như tính khác biệt và độc đáo của họ. Bằng cách này hay cách nọ, chúng ta không cho phép kẻ khác « khẳng định bản sắc làm người của mình ». Họ chỉ là công cụ, đồ vật, phương tiện, trong tầm tay sử dụng và ảnh hưởng của chúng ta.

 

-   Trường hợp họ chống đối, phản động, không tuân phục, nghĩa là từ khước trở thành lệ thuộc... chúng ta sẽ có phản ứng như tố cáo, phê phán, la mắng, chửi rủa, kết án, qui lỗi và loại trừ...

 

-    Với những ai đã kết dệt những quan hệ gắn bó và thân tình, như con cái, vợ chồng, bạn bè thiết cốt... chúng ta sẽ sử dụng tình cảm để tạo áp lực, như khóc la, tuyệt thực, ngã bệnh, cắt đứt liên lạc, đóng kín cửa phòng, hay là cố thủ trong một thái độ câm nín suốt ngày, với bất kỳ ai...

 

-    Một cách đặc biệt, khi nói về kẻ khác, chúng ta dễ dàng sa vào ba loại cạm bẫy máy móc và tự động. Thứ nhất là xu thế tổng quát hóa, còn được gọi là cường điệu, có ít xít ra cho nhiều. Thứ hai là xu thế gạn lọc, nghĩa là chỉ giữ lại những tin tức có khả năng củng cố lập trường có sẵn của chúng ta. Đồng thời, chúng ta loại trừ, không ghi nhận những tin tức không có lợi cho chúng ta. Thứ ba là xu thế bóp méo và xuyên tạc. Chúng ta giải thích thực tế, theo lối nhìn chủ quan hay là những định kiến đã có sẵn từ bao nhiêu đời, trong nội tâm và lòng tin tưởng của chúng ta. Chính vì những lý do nầy, khi phê phán và kết án kẻ khác, chúng ta dễ dàng gán cho họ những nhãn hiệu rất hồ đồ. Ví dụ : « Người Nam của các ông thì luôn luôn ba hoa chích chòe. Còn người Trung của chúng tôi thì không bao giờ tiêu xài phung phí... ». Có bao giờ chúng ta biết dừng lại, lắng nghe mình, để đặt ra những câu hỏi phản tỉnh : « Người Nam » là ai ? « Người Trung » ở vùng nào ? Cách nói « Luôn luôn » phải hiểu như thế nào ? « Không bao giờ » có ý nghĩa làm sao ? Có những ngoại lệ hay là không, khi bạn dùng lối nói « Không bao giờ » ?

 

-    Ở bên dưới bao nhiêu thái độ, tác phong và lời nói, mà tôi vừa liệt kê và khảo sát trên đây, tư duy quá khích « HOẶC CÓ HOẶC KHÔNG » là nguyên tắc và động cơ nền tảng, khả dĩ lèo lái mọi đường đi nẻo về của chúng ta, khi tiếp xúc và trao đổi với kẻ khác, nhất là với giới trẻ. Thực tế cụ thể, trái lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn luôn là một hiện tượng « VỪA CÓ VỪA KHÔNG ». Giữa trắng và đen, giữa tốt và xấu, giữa sự thật và gian dối... còn có bao nhiêu sắc độ từ mạnh xuống yếu, đang ở chung với nhau, ở sát cạnh nhau, hòa trộn vào nhau, trong thân phận và điều kiện làm người của chúng ta, cũng như trong tác phong và ý định của kẻ khác. Hiểu được điều cơ bản nầy, chúng ta sẽ biết thức tỉnh, không cho phép mình « nói về, nói thay hoặc nói thế » kẻ khác, theo kiểu « cả vú lấp miệng em ». Thay vào đó, chúng ta sẽ tôi luyện kỹ năng sử dụng sứ điệp « TÔI », để nói về mình. Diễn tả con người của mình. Sẵn sàng chia sẻ lối nhìn, quan điểm và lập trường chủ quan đang có mặt trong tâm hồn.

 

Trung thực và liêm chính phải chăng là hành trang của Thánh Gióng, và tất cả những ai có kế sách xây dựng và phát huy những quan hệ đồng hành và đồng cảm, trong lòng Quê Hương và Dân Tộc ?

 

2.2.  Những kỹ năng và động tác cụ thể cần phát huy, khi thiết lập những quan hệ tôn trọng và hài hòa với anh chị em đồng bào

 

Những loại giặc từ Trung Hoa, Pháp quốc và Bắc Mỹ đã nhất loạt nêu cao ngọn cờ Nhân Nghĩa, để xâm lăng Đất Nước của chúng ta và áp đặt cho anh chị em đồng bào những hình thức nô lệ kiểu cũ và kiểu mới. Với khí thế hào hùng và tinh thần đoàn kết, dân tộc chúng ta đã sử dụng mọi loại khí giới, để thủ tiêu, tàn sát và ép buộc họ rút ra khỏi biên thùy. Sau một ngàn năm « nô lệ giặc Tàu », sau một trăm năm « đô hộ giặc Tây », chúng ta vẫn có thể vùng đứng lên, lật đổ chế độ thực dân xâm lược.

 

Tuy nhiên, khi cha mẹ, anh chị em, bà con xa gần... là giặc ÂN, giặc TÌNH, giặc NGHĨA, giặc QUAN HỆ... đang áp đặt cho chúng ta lối nhìn, quan điểm, lập trường của họ, chúng ta sẽ có những con đường đi như thế nào ? Xung đột, hận thù... như Sơn Tinh và Thủy Tinh đã từng chọn lựa ? Với cách làm nầy, chúng ta chỉ trối lại cho con cái và cháu chắt một gia tài đổ nát và tang thương. Nếu Tổ Tiên và Cha Ông hiện về và hỏi chúng ta : chúng ta đang làm gì với « dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản », câu trả lời của chúng ta sẽ như thế nào ?

 

Chính Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ đã gặp những khó khăn tương tự, trong địa hạt quan hệ, từ ngày lập Nước và khai Quốc. Hai vị đã chọn lựa con đường « VỪA ra đi mỗi người một ngả, VỪA trở về với nhau », trong mỗi giây mỗi phút của cuộc đời.   

 

Trong nền văn hóa Âu Tây ngày nay, nhan nhản khắp nơi, theo thiển ý của tôi, hình như đó cũng là con đường có xu thế tập hợp nhiều người. Chẳng hạn, trong lãnh vực vợ chồng, họ ra tòa ly dị. Nhưng họ vẫn duy trì quan hệ bạn bè với nhau. Vì lợi ích của con cái, họ vẫn trao đổi và tiếp xúc với nhau.   

 

Trong lãnh vực chính trị, từ hai vị trí đối lập Tả và Hữu, họ dùng ngôn ngữ, để mạt sát lẫn nhau một cách thậm tệ. Nhưng họ biết tri chỉ, dừng lại, không đâm đầu vào con đường bạo động hay là thủ tiêu, ám sát và khủng bố. Họ tôn trọng luật pháp và chọn lựa con đường luật pháp, với những chuẩn mực khách quan và công bình, đối với mọi người.

 

Trong câu chuyện Huyền Sử, Thánh Gióng đã đề nghị và giới thiệu cho chúng ta một con đường hoàn toàn mới lạ và độc đáo, không hẳn hoàn toàn đồng ý với cách hành động của Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Đó là con đường « can thiệp sớm », trong địa hạt giáo dục.  

Hẳn thực, trên một tiến trình làm người, bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau như A, B, C, D, E... Khi có một vấn đề trầm trọng xảy ra ở giai đoạn C hoặc D, nếu chúng ta chỉ giải quyết vấn đề ở C hoặc D mà thôi, cách giải quyết vấn đề của chúng ta sẽ bị thui chột, không hoàn toàn hữu hiệu, nếu không nói là đã và sẽ thất bại hoàn toàn.

 

Lý do là khi một vấn đề bùng nổ, xuất hiện ra bên ngoài ở giai đoạn C, trước đôi mắt chứng kiến của mọi người có mặt, chính vấn đề ấy đã được cưu mang thai nghén, dưới thể hạt mầm, trong các giai đoạn sớm hơn, như ở A và B chẳng hạn. Không can thiệp từ đầu và tìm cách giải quyết vấn đề, khi còn ở trong thể trạng trứng nước, chúng ta chỉ hoài công : « Tiếc công đan giỏ bỏ cà, giỏ thưa, cà lọt, công đà uổng công ».

Trở về với câu chuyện Thánh Gióng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng : Khi vừa lên ba tuổi, Thánh Gióng đã được Mẹ và bà con xa gần « cho ăn, cho mặc... cho ngựa, cho gươm... » Không được nuôi dưỡng, cư xử và đãi ngộ như một Thần Dân của Nước Trời, từ khi đầu thai trong lòng Mẹ, không được lắng nghe, kính trọng, trả lời... lúc lên ba tuổi, Thánh Gióng sẽ suốt đời chỉ là « một đứa bé khuyết tật, không biết đi, không biết nói... ».

 

Thể theo lối nhìn của tác giả Donald Winnicott, nhờ được bồng bế thương yêu (Holding), nhờ được cư xử và đối đãi như một con người quan trọng, có giá trị (Handling), cũng như nhờ được nuôi nấng, dạy dỗ theo từng cấp độ phát triển và tăng trưởng (Object presenting), một đứa bé mới có khả năng từ từ trở thành một con người TỰ TIN. Khi lớn khôn, nó sẽ ý thức mình là con người có giá trị, được thương yêu và kính trọng. Đồng thời, tùy vào những giai đọan học tập và phát triển, nó sẽ hội nhập những kỹ năng, nghĩa là biết làm, biết sống, biết tiếp xúc và trao đổi, biết thích ứng với mỗi người và mỗi hoàn cảnh, trong đời sống giao tế.

 

Trong lăng kính ấy, khi tự tin, tôi biết : Tôi là ai ? Tôi xuất phát từ đâu ? Tận điểm của cuộc đời tôi là gì ? Ở vào vị trí hiện tại, tôi có những khả năng và khuyết điểm nào ? Tôi có những ước mơ và hoài bảo như thế nào ? Để biến ước mơ thành hiện thực, tôi cần thực hiện những động tác cụ thể nào ? Và khi hoạt động, tôi biết đánh giá những thành quả khách quan theo ba chiều hướng : Trường hợp tôi thành công, tôi biết rõ con đường cần tiếp tục đi tới là đâu. Khi thất bại, tôi biết chuyển hướng như thế nào. Khi sai lầm, tôi biết can đảm dừng lại, rút tỉa những bài học và kinh nghiệm.

 

Nói tóm lại, trong quan hệ giữa người với người, tôi chỉ lo tập luyện làm người về phía tôi. Tôi không đánh mất tính người và tình người, cho dù người bên kia chưa làm người. Thậm chí, họ còn làm muông thú, ở một khía cạnh nào đó, đối với tôi.

 

Nhằm sáng tạo và xây dựng những « quan hệ tốt đẹp và hài hòa » với anh chị em đồng bào, trong môi trường sinh sống và hoạt động thường nhật, tôi cần ngày ngày học tập, tôi luyện và thực hiện những động tác cơ bản sau đây :

 

- Động tác một, tôi dùng sứ điệp ngôi thứ nhất, để nói về những thực tại đang có mặt trong nội tâm : Lối nhìn, xúc động, nhu cầu, sở thích và yêu cầu. Tôi nói về tôi, một cách trung thực, thay vì bói đoán, tưởng tượng ý định và ý kiến của kẻ khác. Nói cách khác, tôi không nói thay, nói thế, nhất là áp đặt cho kẻ khác những ý đồ chủ quan của tôi.

 

- Động tác hai, khi trình bày lối nhìn, tôi nêu rõ những sự kiện cụ thể và khách quan được dùng làm cứ điểm cho những kết luận của tôi. Sự kiện có nghĩa là những điều chính tôi thấy và nghe, chứ không phải là những dư luận hay là lời đồn thổi.

- Động tác ba, khi nói về xúc động, tôi phân biệt một cách rành mạch : hoàn cảnh khách quan, nhu cầu, tên gọi của xúc động, và lời yêu cầu của tôi xuất phát từ xúc động ấy. Tôi không lẫn lộn yêu cầu với đòi hỏi, ép buộc. Ngoài ra, nhu cầu là một điều chính yếu cho sự sống còn của tôi. Trái lại, sở thích hay là nguyện vọng có thể được hoán chuyển, thay đổi và trì hoãn hay là không bao giờ được thỏa mãn và thực hiện.

 

- Động tác bốn : Khi thiết lập và xây dựng quan hệ, tôi di chuyển, một cách linh động và thoáng thoát, tùy trường hợp, giữa bốn hướng chọn lựa sau đây : Cho, Nhận, Xin và Từ Chối. Cho có nghĩa là hiến tặng, chứ không phải là ép buộc, áp đặt. Nhận là đón lấy từ tay của người khác, một cách thanh thản, sung sướng và tự do, chứ không phải là tước đoạt hay là chịu đựng, lệ thuộc. Xin là cầu mong một ân huệ, chứ không phải là đòi hỏi hay là cướp lấy trên tay của người khác. Trường hợp điều người khác trao tặng cho tôi, nếu không thích hợp với nhu cầu của tôi, hay là khi điều họ xin tôi, tôi còn cần dùng và muốn giữ lại... tôi có khả năng từ chối, một cách tự do và an lạc, thanh thản và hài hòa. Một cách đặc biệt, khi kẻ khác áp đặt cho tôi một nhãn hiệu, một lời tố cáo, một cách làm không thích hợp... thay vì phản công hoặc chống đối, giận hờn hay là trầm cảm, đặt mình trong tình huống xung đột, tôi chỉ cần thanh thản TRẢ LUI cho tác giả « tác phẩm » của họ. Ví dụ :  « Tôi vừa nghe bạn nói : tôi là "thằng nói láo". Nhãn hiệu ấy không đúng và không thích hợp với con người thực sự của tôi. Vậy tôi trả về cho bạn lời bạn nói. Tôi không nhận quà tặng đã bị đầu độc và ô nhiễm như vậy ».

 

- Động tác năm : Khi chọn cách làm « Trả lui » ấy, tôi chỉ nhắm khẳng định chính mình, thay vì có thái độ tấn công hoặc phản kích hay là đánh mất an lạc của lòng mình. Tôi đang cố quyết LÀM NGƯỜI về phía tôi.

 

-Động tác sáu : Khẳng định mình mà thôi chưa đủ. Khi trao đổi với người đối diện, tôi còn phải kêu mời và tạo mọi điều kiện thuận lợi, để giúp họ cũng khẳng định mình, như tôi, với tôi, bằng cách lắng nghe, tìm hiểu thực tại, lối nhìn, quan điểm, khung qui chiếu của họ.

- Động tác bảy : Tôi nêu lên những nhận xét « phản hồi » và những câu hỏi mở, để thúc giục họ diễn tả con người của mình, một cách sâu sát và cởi mở,  trong sáng và toàn diện. Nói khác đi, tôi giúp họ bổ túc và kiện toàn, đào sâu và mở rộng những điều chỉ mới hàm tiếu, trong lời phát biểu của họ. Công việc khai sáng và mở đường nầy đòi hỏi ở chúng ta nhiều tỉnh thức và kiên nhẫn, bởi vì vô thức hay là vô minh đang len lỏi nằm vùng trong nội tâm của mỗi người. Thêm vào đó, khi khổ đau tràn ngập và khống chế tư duy, chúng ta « có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng không nghe ».

 

- Động tác tám : Ở đây tôi nhắc lại điều mà tôi đã trình bày trước đây. Khi người đối diện nêu ra những nhận xét hoàn toàn tiêu cực và vô bổ, có tính xúc phạm đến bản sắc làm người của tôi, tôi chỉ cần sử dụng kỹ thuật « Trả Lui », một cách bình tĩnh và hồn nhiên, thông suốt và trôi chảy, cơ hồ một con sông uốn mình giữa đồng cỏ xanh.

 

- Động tác chín : Con người - hay là chủ thể trao đổi - có giá trị và tầm mức quan trọng HƠN đối tượng hoặc nội dung được trình bày. Cho nên, khi lắng nghe và tìm hiểu ai, chúng ta đặt trọng tâm vào chính con người của họ. Qua lời nói bên ngoài của họ, có lẽ chúng ta đang bị tấn công, kết án, tố cáo, xuyên tạc, mạ lị, khinh thường... Nhưng nếu chúng ta sáng suốt ý thức rằng : người ấy đang khổ đau, người ấy chưa bao giờ có cơ may học như chúng ta đã học... chúng ta sẽ thương hơn là loại trừ. Còn hơn thế nữa, nếu người ấy là « ĐỒNG BÀO », phát xuất từ một cung lòng của Mẹ như chúng ta, chúng ta chỉ có một câu trả lời : Tình Thương vô điều kiện. Với một tấm lòng bao la như Đại Dương của Lạc Long Quân, với một lối nhìn cao cả như Bầu Trời của Mẹ Âu Cơ, cho dù người đồng bào là gì gì chăng nữa, họ là « Một mảnh đất của QUÊ HƯƠNG ».

- Cho nên, sau đây là động tác mười. Lắng nghe ai là NHÌN NHẬN vô điều kiện. Đằng sau một bộ mặt hống hách, ở bên dưới những lời tuyên bố sắc nhọn, gai gốc và độc ác, nếu chúng ta biết lắng nghe và có một lối nhìn xuyên thấu, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá trong con người ấy, một vết thương lòng đang rướm máu và chưa bao giờ được ai băng bó, thoa dịu. Có lẽ chúng ta là người đầu tiên đang mang đến cho họ một chút hơi ấm tình người... Người ấy đang cần được NHÌN NHẬN, với những câu nói phản hồi như : « Qua những lời anh vừa phát biểu, tôi ghi nhận rằng : anh đang tức bực và lo buồn... anh đang gợi lại một thời thơ ấu mồ côi mẹ... anh đang lo sợ trong môi trường sinh hoạt ngày nay, giới trẻ đang phanh phui mọi chuyện trong đời tư của anh... »

 

3. Bí quyết thành công của Thánh Gióng

 

Như trước đây tôi đã gợi ý, câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng có một « bề mặt » hoang đường và vô tưởng. Những chiến công oanh liệt của Ngài « xem ra » chỉ là điều bịa đặt dành cho trẻ con. Tuy nhiên, đối với những ai biết lắng nghe ngôn ngữ hình tượng của Tổ Tiên, Thánh Gióng không phải là ai xa lạ. Thánh Gióng là tôi, là anh, là chị, là em... đang trực diện với những vấn đề sôi bỏng của thế giới ngày hôm nay. Giặc quan hệ đang bủa vây chúng ta, ở khắp nơi, trong cũng như ngoài Nước. Tại một số gia đình, chẳng hạn, cha mẹ và con cái vào lứa tuổi mười sáu, đôi mươi... là hai đường song song vạn kiếp, không bao giờ có điểm hội tụ. Trong các đô thị đại công nghiệp, mái ấm gia đình đã trở thành một quán trọ, một nơi để qua đêm, không hơn không kém. Có dịp chứng kiến cảnh tượng cha mẹ và con cái trao đổi với nhau, tôi có cảm tưởng rằng họ là hai vị dân biểu thuộc phe tả và phe hữu đang chửi rủa lẫn nhau một cách thậm tệ, thiếu văn minh, trước mặt toàn dân có tiếng là văn minh và tiến bộ.

 

Với điều kiện và hành trang nào, chúng ta có thể xây dựng lại Ngôi Đền Cổ Loa, trong địa hạt quan hệ giữa người với người, giữa anh chị em đồng bào ?

 

Câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng đã đề nghị câu trả lời trong ba chiều hướng khác nhau :

Thứ nhất, bài học về Quan Hệ phải được học và phải được dạy cho trẻ em, từ khi chúng nó lọt lòng mẹ. Trên đây, trong phần 2, tôi đã mạo muội sơ phác những gì nên tránh và những động tác nào cần tôi luyện. Bài học này cần trở nên một kế sách « giữ Nước và dựng Nước » của toàn dân. Khi người lớn ý thức mình cần phải dạy, họ sẽ học một cách chu đáo hơn. Dạy phải chăng có giá trị tương đương như ba lần học ?

 

Thứ hai, duy những ai có « CHẤT TRỜI » trong lòng mình, giống như Thánh Gióng, mới có khả năng thấm nhuần bài học về quan hệ. Hẳn thực, không ý thức về tình Anh em, tình đồng bào, làm sao chúng ta có thể « ĐI LÊN », hướng thượng ? Làm sao chúng ta có thể NHÌN NHẬN vô điều kiện « chủ thể làm người » của anh chị em đồng bào, trong lòng Quê Hương, thậm chí khi họ có những hành vi sai trái, phản bội... Chia sẻ, đối thoại, giáo dục là con đường duy nhất tất yếu phải đi, nếu Con Rồng Cháu Lạc muốn tồn tại. Mỗi người, cho dù là tội phạm, vẫn mang « chất Trời » trong lòng mình. Cho nên, hướng đi lên vẫn luôn luôn ở trong tầm tay của mỗi người được cư xử là người anh chị em.

 

Thứ ba, « lưỡi gươm » hay là dụng cụ tác động của chúng ta, trong lãnh vực xây dựng và phát huy quan hệ, có thể cùn mòn và gãy đổ. Nhưng sáng tạo là gia tài và gia sản của chúng ta, trong mọi tình huống. Sau khi lưỡi gươm đã trở thành vô hiệu, phải chăng Thánh Gióng đã nhổ bứt lên cả một bụi tre vàng, để xua đuổi địch thù ra khỏi Đất Nước ?

Cái gì Thánh Gióng đã làm được, tôi cũng có khả năng làm như Ngài ngày hôm nay.

 

Sách tham khảo 

1. NGUYỄN VĂN THÀNH - Sơn Tinh và Thủy Tinh : hai con đường, một Nước Non - Tình Người, Lausanne 2003.

2. STONES D. - Difficult conversations - Michael Joseph, London 1999.

3. SALOMÉ J. - Pour ne plus vivre sur la planète Taire : Une méthode pour mieux communiquer  -  Albin Michel, Paris 2003.

4. NGUYỄN LANG - Văn Lang Dị Sử  - Lá Bối, Sunnyvale CA 1982.

5. HOÀNG TRỌNG MIÊN - Thần thoại Cổ tích - Tiếng Phương Đông, Sàigon 1973.

6. THÁI ĐẮC XUÂN - 100 truyện cổ tích Việt Nam - Nhà XB Hà Nội 2000.

7. WINNICOTT D. W.  -  L'enfant et sa famille  -  Petite Bibl. Payot, Paris 1957.

 

 

Chương Bốn

 

Sơn Tinh và Thủy Tinh

Hai con Đường, Một Nước Non

 

 

« Ra đi, biết đó biết đây,

« Ở Nhà với Mẹ, biết ngày nào khôn ? »

« Ra đi ngó trước, ngó sau,

« Ngó Nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng ? »

 

Một đàng, ra đi để thu hoạch một vài « mớ » khôn, trên những con đường xuôi ngược, thuộc năm châu bốn bể...

Nhưng đồng thời, chúng ta phải ở lại, để trông nom Nhà Cửa và khai khẩn ruộng vườn.

 

Phải chăng đó là hai điệp khúc, thường được nhắc đi nhắc lại, trong kho tàng ca dao, tục ngữ, cũng như trong nhiều câu chuyện huyền sử, được tổ tiên và cha ông trối trăng lại, từ đời các Vua Hùng. Và qua mỗi thời, càng được sáng tạo thêm và phong phú hóa, một cách đặc biệt, dưới ba triều đại phồn vinh của Đất Nước là Lý, Trần và Lê.

 

Thường xuyên ra đi, như Lạc Long Quân và Thủy Tinh, cơ hồ những dòng sông và con nước không ngừng chảy ra Biển Đông. Ở lại như Mẹ Âu Cơ và Sơn Tinh, trên Đỉnh Núi Tản Viên, thuộc khu vực Sơn Tây Ba Vì, để ngăn chận mọi hiểm họa tấn công và xâm lược, từ phía bắc cũng như từ phía tây nam.

 

Vào thời khai nguyên, khi Cha Mẹ còn có mặt, hai vị này đã sống xa nhau, người ở núi, kẻ ở biển. Một đàng vì nhu cầu làm ăn, phát triển, tiến bộ. Nhưng đàng khác, vì hai ông bà có nguồn gốc khác nhau. Có tính tình khác nhau. Có những sở thích, nguyện vọng và nhu cầu khác nhau. Theo lối dùng từ ngữ, ngày hôm nay, chúng ta có thể khẳng định, mà không sợ xuyên tạc hoặc sai lầm : hai nguyên tổ của chúng ta đã có những « lối nhìn » khác nhau. Có « quan điểm » khác nhau. Có « cách thế ở đời » khác nhau. Có « chiều nhạy cảm » khác nhau. Thực tế « khác biệt » ấy đã được nhận diện và đối diện, một cách can trường, trung thực, không bao giờ bị ém nhẹm và xuyên tạc, cho dù với mục đích gì.

 

Thế nhưng, nhờ quả tim và trí óc của người nầy tràn đầy và thấm nhuần chất lượng « Cao Cả », giống như bầu trời, tấm lòng của người kia thì « Bát Ngát, Bao La », như đại dương... cho nên, hai vị biết « gọi nhau về », khi bên nầy có vấn đề, và khi bên kia gặp hiểm nguy, trắc trở.

Cái biết của các vị vừa có tình, vừa có lý. Vừa có tài, vừa có đức. Cho nên, khi những nét khác biệt nhau tạo nên vấn đề, họ biết bổ túc, kiện toàn, hay là sáng tạo con đường ở giữa, « trung dung ». Khi quá giống nhau, họ cũng biết ra đi, tiếp xúc và chia sẻ với những người ngoài gia đình, ngoài biên thùy, nhất là với những bộ lạc và dân tộc không có nhiều cơ may, như chúng ta.

 

Trái lại, khi hai người cần nhau, họ có « những bước chân vạn dặm », để về lại với nhau. Khi sự sống còn của con cái bị đe dọa, họ có kỹ năng giống như « một trăm cánh tay » biết làm. Cho nên, bao nhiêu nguy cơ trầm trọng, như « Ngư tinh, Mộc tinh và Hồ tinh », đều được giải quyết, một cách gọn nhẹ và êm thắm, tuy dù đòi hỏi nhiều hy sinh xương máu, cũng như nhiều hiểu biết và tình thương...

- Ngư tinh là những vấn đề xúc động và tình cảm bị tràn ngập, thiếu khả năng tự chủ và hóa giải những gây hấn nội tâm.

- Mộc tinh bắt nguồn từ những loại cây « văn hóa mất gốc », tinh thần « vọng ngoại », hay là khuynh hướng « đua đòi vật chất », và « phủ nhận nguồn gốc TRỜI », trong dòng máu Rồng Tiên.

 

- Hồ tinh bao gồm những chất độc làm ô nhiễm cuộc sống, phát xuất từ « Dục vọng mù quáng ». Lúc bấy giờ, trong lối nhìn và cách cư xử của chúng ta, người anh chị em đồng bào « bị biến thành công cụ, đồ vật tiêu xài, bị vắt chanh bỏ vỏ, hay còn tệ hại hơn nữa, là bị đồng hóa với bộ phận sinh dục ». Theo quan điểm của Phân Tâm Học, thuộc trường phái của Freud, nguy cơ Hồ tinh xảy ra, khi « Vô Thức khống chế Ý Thức ». Khi dục vọng thay thế tình yêu chân chính. Khi hiểm họa « vô minh » hay là « ý đồ ngu xuẩn » chỉ đạo tư duy, cũng như mọi đường đi nẻo về, thuộc cuộc sống làm người, nhất là trong lãnh vực quan hệ giữa người với người.

 

Oái oăm làm sao, vừa khi Âu Cơ và Lạc Long Quân khuất bóng, đi vào một kiếp khác, không còn « có mặt » bằng cách này hay cách khác, trong lòng Đất Nước Lạc Việt, chính hai đứa con của các vị, phát xuất từ một bào thai duy nhất, mang tên là Sơn và Thủy, đã đối đãi, cư xử với nhau như « YÊU TINH, MA QUÁI ». Cho nên, người đời sau gọi họ là Sơn Tinh và Thủy Tinh, có nghĩa là một con yêu tinh ở núi, một con khác ở biển, giống hệt ba con Yêu Tinh ác độc, vào thời khai nguyên.

 

***

Theo lối giáo dục của các Thiền sư, nhất là những vị đã đóng góp phần mình, một cách năng động, vào guồng máy lãnh đạo Đất Nước, ở dưới ba triều đại Lý, Trần và Lê, mỗi câu chuyện huyền sử là một bài học tâm lý, được trình bày dưới hình thức « một CÔNG ÁN », trong tầm tay của con cháu và các thế hệ tiếp nối nhau, từ thời nguyên thủy cho đến ngày hôm nay và trong tương lai. Xuyên qua mỗi công án, thay vì giải thích một cách dài dòng, với đầy đủ chi tiết, các vị chỉ nêu lên một vài nét chấm phá mà thôi. Thay vì « thuyên giải », nghĩa là đưa ra những ý nghĩa và hướng đi của câu chuyện, các vị « chỉ kể chuyện », với niềm hy vọng và xác tín rằng : câu chuyện sẽ lan chảy, như vết dầu loang, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ đồi núi xuống miền đồng bằng. Mỗi người kể lại, có thể thêm vào « mắm muối, tiêu hành... », cho vừa khẩu vị của người nghe. Không phải chỉ một hay hai người sáng tạo câu chuyện về Nước Non. Nhưng toàn thể anh chị em đồng bào, từ người giàu đến người nghèo, từ một bà mẹ già đến một trẻ em bi bô học nói... ai ai cũng góp phần, tùy tấm lòng của mình, từ thế hệ nầy qua thế hệ sau.

 

Xu thế giáo dục và cách dạy dỗ như vậy trùng hợp với ảnh hưởng và sức tác động của khoa Phân Tâm Học ngày hôm nay, là luôn luôn dùng ngôn ngữ, để trao đổi qua lại, gọi ra ánh sáng của ý thức những gì đang còn úp úp, mở mở, mờ mờ, ảo ảo... trong nội tâm của từng người. Và trong cách kể chuyện về Nước Non như vậy, tất cả mọi tiếng nói đều được trân trọng, đón nhận. Không ai bị loại trừ và phê phán, vì « đã kể sai ». Trong địa hạt huyền sử, không có sai, có đúng. Chỉ có những tấm lòng chia sẻ bao nhiêu hoài vọng, trăn trở, mơ ước và nhớ thương...

Cũng trong lối nhìn và hoài bão của các Thiền sư, mỗi người dân được cư xử, đãi ngộ như một thiền sinh. Công án, cơ hồ một loại kích thích, hay là một yếu tố dẫn khởi, gợi ý, có mục đích giúp mọi người tự mình « động não », sáng tạo con đường đi cho chính mình, trong lòng Quê Hương. Câu nói thường được nhắc đi nhắc lại trong các bài thuyết pháp của hầu hết các Thiền sư là : « Trùng Phật, sát Phật », có nghĩa là « gặp Phật thì hãy lo giết Phật đi », để tự mình có khả năng thành Phật. Câu nói ấy tóm gọn, một cách tuyệt diệu và súc tích, thế nào là DẠY, thế nào là HỌC, với phương pháp sử dụng Công Án. Không ai có thể làm thầy cho tôi. Chính tôi tự làm thầy cho tôi mà thôi.

Trong tinh thần và đường hướng ấy, khi đi tìm đường, người thiền sinh không sợ sai lầm. Lúc nào nhận thấy mình lầm đường, lọt vào một ngõ hẻm không có lối thoát, lập tức họ can đảm và sáng suốt trở lui, đi tìm những chọn lựa khác bên trái, bên phải, ở dưới, ở trên, đằng trước, đằng sau. Tìm cho đến khi mình « ngộ », nghĩa là gặp. Hay là có khả năng bước đi một cách tự do, thoải mái, hạnh phúc, trên những con đường xuôi ngược thênh thang, bát ngát. Không ai lèo lái, cưỡng chế. Một chiếc áo - vật chất hoặc tinh thần - cho dù rất vừa với khuôn khổ của một người xuất sắc, một vị thầy lỗi lạc, đạo hạnh... chưa hẳn sẽ vừa với khuôn khổ của tôi.

 

Trở lại với câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, chúng ta sẽ chứng nghiệm một phần nào lý nghĩa của « cách gây ý thức bằng huyền sử ». Trước tiên, cách dùng từ đã là một chuẩn mực. Trong phong tục trước đây của người Việt Nam, nhất là trước thời kỳ Pháp thuộc, những ai có đức độ và địa vị trọng vọng, thường được gọi là Thần. Thậm chí sau khi qua đời, Thần vẫn còn được tôn kính, dâng hương, dâng đèn và các loại phẩm vật, trong các đình chùa, lăng miếu. Các quan chức phục vụ trong triều đình cũng được gọi là Thần. Nói tóm lại, những ai bênh vực, bảo vệ người dân, đều được quần chúng tôn phong là Thần. Họ có tài. Nhưng một cách đặc biệt, họ có đức.

 

Sơn Tinh và Thủy Tinh đáng lý phải được phong làm Thần. Nhưng từ đời nầy qua đời nọ, họ chỉ làm « TINH », trong cõi lòng của nguời dân. Thể theo nội dung của câu chuyện, Thủy Tinh có tài « làm mây làm mưa ». Sơn Tinh, trái lại, có tài « làm đá bay đất chuyển, nâng cao các tầng núi đến tận bầu trời ». Thế nhưng, đúng như thi sĩ Nguyễn Du, tác giả của « Đoạn Trường Tân Thanh », đã bình phẩm, « Chữ Tài liền với chữ Tai một vần ». Hẳn thực, hai chàng Sơn và Thủy không có Đức, vì họ làm « gà một nhà bôi mặt đá nhau », từ đời nầy qua đời khác, gây ra tai ương hoạn nạn, lụt bão, mất mùa, đói khát cho người dân. Cho nên, trong tâm tưởng của quần chúng, họ chỉ làm « yêu tinh ma quái ». Nơi mà hồn thiêng của họ cư ngụ không phải là đình chùa, lăng miếu. Họ lang thang, phiêu bạt, bám trụ ở những gốc cây cổ thụ, nằm giữa đồng áng, hay là bên bờ sông ngòi, khe suối, để đe dọa, khủng bố, ức hiếp những ông già bà lão ốm yếu bệnh tật, cũng như các trẻ em thiếu khôn ngoan, không vâng lời cha mẹ...

 

Như trên đây tôi đã nhấn mạnh, huyền sử không giải thích chi tiết, hay là phân định một cách rõ ràng : điều nào nên làm, điều gì nên tránh. Những câu chuyện huyền sử, được kể ra ở chỗ nầy hoặc chỗ khác, thực ra có liên hệ khắng khít, bổ túc hoặc điều hướng lẫn nhau. Câu chuyện nầy tiếp nối câu chuyện khác. Câu chuyện được kể ra hôm nay có thể giải thích, hoặc trả lời những câu hỏi do những câu chuyện khác nêu ra. Chính người kể, cũng như người nghe, sẽ dùng lương tri và ý thức, để tự mình tìm ra những con đường chọn lựa và quyết định. Để thêm vào hay là bớt đi một vài chi tiết. Hay là để sửa chữa những sai lầm, trong hành động của các nhân vật thuộc câu chuyện.

Chẳng hạn, bên cạnh « Sơn Tinh và Thủy Tinh », các bà mẹ cũng thường kể ra cho con cái câu chuyện « Trầu Cau » hay là « Tấm và Cám »... Kho tàng huyền sử giới thiệu mọi « mẫu hình » trắng, đen, vàng, đỏ, xanh màu trời và xanh lá cây...

 

Trong câu chuyện Trầu Cau, có hai anh em rất thương nhau, đùm bọc nhau, luôn luôn sống chung với nhau dưới một mái nhà. Những người bên ngoài thường lẫn lộn người nầy với người kia. Vào một buổi chiều, lúc trời nhá nhem tối, người vợ của ông Anh cũng đã lầm lẫn người Em với chồng mình đi làm về, nên có hành vi tay bắt mặt mừng, đi ra đón chào với nét mặt âu yếm... Sau sự cố đó, vì tế nhị và kính trọng Anh mình, người Em bỏ nhà ra đi, biệt tăm biệt tích. Cuối cùng đã nằm chết, bên một bờ sông, vì đói và lạnh, biến thành một tảng đá vôi trắng.

 

Thấy em lâu ngày không trở về, người Anh tên Cao, rảo khắp đó đây tìm em. Vào một đêm khuya, sau bao ngày lang thang phiêu bạt, cũng đã chết vì lạnh và đói, bên cạnh tảng đá ở bờ sông. Ngày hôm sau, khách buôn bán qua đường nhìn thấy một cây Cau mọc lên, bên cạnh tảng đá.

 

Người vợ tên Lưu, trên đường đi tìm chồng cũng đã dừng lại nghỉ chân và qua đêm, bên cạnh cây cau và tảng đá. Sau một đêm dài, ngồi khóc nhớ chồng, và nhớ em chồng, dưới cơn mưa tầm tã, đã biến thành một dây trầu, quấn quít chung quanh thân cây cau.

 

Với người đời sau, từ thời Vua Hùng Thứ Hai trở lui, một phần tư trái cau, một phần năm lá trầu với một chút ít vôi, đã trở thành một « miếng cau trầu làm đầu câu chuyện », có khả năng tạo nên « những mối tình nồng thắm và ấm áp », cho những người « biết ngồi lại, chuyện trò, trao đổi qua lại với nhau, lắng nghe nhau, tôn trọng lời nói của nhau, lưu tâm đến con người của nhau » .

 

Mối tình nồng thắm ấy lại thiếu vắng, một cách trầm trọng, trong câu chuyện « Tấm và Cám ». Ở đây, cô Tấm bị bà dì ghẻ hành hạ suốt ngày. Đứa em ghẻ, cũng bắt chước mẹ, sai khiến, truyền lệnh cho Tấm phục vụ mình, từ việc lớn đến việc nhỏ. Vậy, trọng tâm của câu chuyện nầy, muốn bổ túc hai câu chuyện trước đây, ở tại những điểm then chốt nào ?

 

Nhân vật rất quan trọng, trong câu chuyện Tấm và Cám, là người Cha. Ông đã lâm bệnh và qua đời, một vài tháng, sau ngày tái hôn. Nhưng trong tâm hồn của Tấm, người Cha vẫn luôn luôn có mặt, một cách năng động. Lời của Cha vẫn còn đó, làm mặt trời và con đường, soi sáng và hướng dẫn mỗi bước đi của Tấm. Trong tâm tưởng của  nàng, người mà Cha đã yêu thương và chọn lựa làm vợ và làm con, nàng vẫn luôn luôn chọn lựa làm Mẹ và làm Em. Cho dù họ có tác phong như thế nào chăng nữa, về phía mình Tấm chỉ bảo tồn và phát huy một loại quan hệ và lối nhìn : đó là yêu thương và thứ tha, một cách đơn phương và vô điều kiện. Cách sống của Tấm vẫn trước sau NHƯ MỘT, không thay đổi, không tùy thuộc vào cách ứng xử của những người đang sống với mình.

 

Trong câu chuyện « Bánh Dày và Bánh Chưng », Lang Liệu - sau này được tấn phong làm Vua Hùng Thứ Hai - cũng có một lối nhìn, lối cảm, hoàn toàn giống như cô Tấm. Hẳn thực, khi có Trời, có Đất, trong tư duy và tình cảm của mình, cái rất tầm thường, trong cuộc sống hằng ngày, đã biến thành cái lạ thường, cái khác thường. Cái « vô vị » trở nên « có ý vị ».

 

« Ngày ngày cưu mang Đất Trời Cao Cả,

« Lấy Tình Thương biến đời thành Phép Lạ. »

 

Lang Liệu, cách đây hơn bốn nghìn năm, đã làm được điều ấy. Gạo và nếp, trên những cánh đồng của Đất Nước, trong hai bàn tay của chàng, đã biến thành Của Lễ Cao Quí, trên bàn thờ của Tổ Tiên. Và đó cũng là mồ hôi, nuớc mắt của mỗi người, có khả năng nuôi sống tình anh em đồng bào, tình Quê Hương Nước Non đậm đà, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.

 

***

Hởi những người Em, mang tên là Sơn và Thủy,

 

Bây giờ và trong tương lai, hoài vọng của tôi là các em  hãy học tập ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện huyền sử. Sau đó, mỗi em thuyên giải câu chuyện, theo nhịp điệu tư duy và tấm lòng của mình. Ai ai cũng có tiếng nói. Ai ai cũng có quyền được lắng nghe, một cách trân trọng.

 

Hẳn thực, ai ai cũng có một câu chuyện của lòng mình, cần kể ra. Theo lối dùng từ ngữ của tôi, đó là câu chuyện « Ngôi Thứ Nhất ». Sau khi kể xong, em lắng nghe câu chuyện « Ngôi Thứ Hai » của mỗi người bạn, hai bên cạnh. Hãy đón nhận câu chuyện, như một mảnh vườn trinh nguyên. Lắng nghe với vành tai xôn xao, hiếu kỳ, hiếu học và khao khát. Cơ hồ lắng nghe người tình, ngày gặp gỡ lần đầu tiên. Không phê phán. Không cười chê. Chỉ phản hồi và đặt câu hỏi, để cố gắng tìm hiểu người mà mình thương mến.

Em có thể phản hồi, với lời lẽ tương tự như sau :

 

« Nếu tôi không nghe lầm, bạn đã nói rằng : " ...... ". Vậy, xin bạn nói thêm cho rõ hơn, để tôi có thể hiểu ý của bạn, trong câu nói đó ».

Chừng nào giữa hai người bắt đầu kết dệt những quan hệ « Tâm đầu ý hợp », câu chuyện « Ngôi Thứ Ba » sẽ xuất hiện. Đó là câu chuyện của « Nước Non », có khả năng làm cho hai người cùng nhau thực hiện những kỳ công trọng đại, trong lòng Quê Hương. Trong câu chuyện ấy, « thương nhớ một người » có nghĩa là « nhớ đến MỌI NGƯỜI ». Cưu mang « một trăm người », trong cõi lòng của mình.

Trong một bài chia sẻ trước đây, tôi đã mạo muội đề xuất ba đường hướng thuyên giải, nghĩa là nêu ra ý nghĩa của câu chuyện, và những phương hướng ứng dụng, trong cuộc sống cụ thể, hằng ngày. Bài chia sẻ mang tên là « Nguồn gốc Rồng Tiên ». Nhiều tờ báo trong và ngoài Nước đã đón nhận và đăng tải một cách rộng rãi, như tờ Chính Luận ở Mỹ, tờ Định Hướng ở Strasbourg, tờ Thời Mới ở Paris, tờ Công Giáo và Dân Tộc ở Việt Nam.

Thay vì lặp lại y nguyên ở đây, những phương pháp tiếp cận một câu chuyện huyền sử, tôi thỉnh cầu mỗi độc giả hãy tìm lại, tham cứu những tờ báo trên đây. Trong khuôn khổ của bài trình bày này, tôi chỉ xin nhắc lại, một cách vắn gọn, ba cách làm tuy đơn sơ, nhưng rất hữu hiệu, thích hợp với giới trẻ thuộc thời đại khoa học của Nghìn Năm Thứ Ba :[1]

 

- Thứ nhất, lần lượt đội lên đầu sáu chiếc mũ trắng, đen, vàng, đỏ, xanh dương và xanh lá cây, để khám phá sáu tầng lớp ý nghĩa khác nhau của mỗi câu chuyện được lắng nghe. Màu trắng : sự kiện khách quan. Màu đen : những thiếu sót cụ thể. Màu vàng : điểm tích cực, xây dựng. Màu đỏ : những xúc động phát khởi trong nội tâm và tràn ra ngoài. Màu xanh dương : ý nghĩa của câu chuyện. Màu xanh lá cây : những động tác cụ thể, thuộc tầm tay, cần thực hiện, từ bây giờ và ngày hôm nay.

 

- Thứ hai, theo hướng đi của câu chuyện, trong vai trò làm cha mẹ, chính tôi cần làm gì cụ thể, cho thế hệ con cái, cháu chắt bây giờ và sau này ? Đối với những người đương thời, cùng ở trong một lứa tuổi, với tinh thần đồng hành, tôi có khả năng chia sẻ những lối nhìn nào, những tâm tình gì ? Sau hết, trong đời sống tâm linh, đâu là những giá trị và nhu cầu « quan trọng bậc nhất », trong hiện tình của Quê Hương Việt Nam ?

- Thứ ba, phát hiện những động tác cụ thể, cần thực hiện, không chờ đợi, hẹn rày hẹn mai, trong bốn loại sinh hoạt thuộc đời sống hiện tại của tôi. Sinh hoạt thứ nhất : hành động thực tiễn. Sinh hoạt thứ hai : Lối nhìn tích cực về anh chị em đồng bào. Sinh hoạt thứ ba : những xúc động tiêu cực, tê liệt, cần được hóa giải. Sinh hoạt thứ bốn : quan hệ cần phát huy và nuôi dưỡng, trong gia đình, làng xã, khu phố...

Một bài chia sẻ khác, mang tựa đề « Tấm và Cám trong nội tâm của chúng ta », bổ túc thêm những đề nghị, về phương pháp tiếp cận một câu chuyện huyền sử. Trong bài ấy, tôi đã nhận xét về chính mình tôi như sau :

 

« Tôi về phe Tấm. Đó là lẽ thường tình và tự nhiên, vì Tấm là con người dễ thương và đáng thương. Tuy nhiên, có bao giờ tôi giật mình, tĩnh thức, nhận ra rằng : tôi cũng là Cám, trong cuộc sống thường ngày ? Nếu tôi loại trừ Cám, phải chăng tôi cũng loại trừ một phần của chính mình tôi ? Làm như vậy là tự lường gạt. Tôi khư khư giữ cho mình phần tốt, mặt sáng. Đồng thời, tôi phóng chiếu lên khuôn mặt của kẻ khác, phần xấu và mặt đen. Nếu ai ai cũng hành động với đầu óc kỳ thị như tôi, xã hội, Quê Hương và nhân loại sẽ biến thành một bãi chiến trường đầy máu và tang thương, luôn luôn nặc mùi hận thù và tử khí. »[2]

 

Tội nghiệp biết chừng nào cho Quê Hương, nếu liên tục trong bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta « Sắp Hàng » thành hai phe. Chúng ta hô hào « Tao hơn, mày thua », « Tao tốt mày xấu »... như Sơn Tinh và Thủy Tinh đã làm và đang còn làm, trên từng tất đất của Quê Hương.

 

Vậy, chúng ta cần làm gì ?

 

Theo phương pháp của các Thiền Sư, trong giờ Thiền Định, chúng ta hãy theo dõi hơi thở. Trở về tình trạng bình tâm, thanh thản và an lạc. Chúng ta hãy mỉm một nụ cười bao dung, nhìn vào tấm lòng của mình, cho thấu và suốt. Những đợt sóng xao xuyến, vọng động sẽ từ từ lắng xuống. Lúc bấy giờ, soi gương vào mặt hồ phẳng lặng của tâm hồn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra mặt mũi đích thực, uyên nguyên của chúng ta. Đó là mặt mũi của một người con của Quê Hương. Một người anh chị em đồng bào, cùng có mặt với chín mươi chín anh chị em khác, trong cung lòng thương mến và ấm áp của Mẹ Âu Cơ. Sơn và Thủy, lúc bấy giờ, không còn là hai bến bờ, có hàng rào kẽm gai và bom đạn nằm ở giữa. Nhưng một bên là tả ngạn, bên kia là hữu ngạn, đang cùng nhau dẫn đưa dòng chảy của Quê Hương đi vào lòng Biển Cả, biến thành mây mưa, nuôi sống và tắm gội những nguồn sông, ngọn suối, chuyển tải phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, núi đồi, trên cả ba miền Đất Nước. Sơn và Thủy sẵn sàng chia cơm sẻ áo cho nhau. Còn hơn thế nữa, theo lối nhìn của Nguyễn Trãi, Sơn và Thủy trở thành « nhất tâm », một tấm lòng.

 

Hơn ai hết, Thi sĩ Tản Đà đã thấy được « NGÀY HỘI NGỘ » ấy :

 

« Dù cho sông cạn đá mòn,

« Còn non còn nước, hãy còn thề xưa.

« Non cao đã biết hay chưa :

« Nước đi ra Bể, lại mưa về nguồn ?

« Nước non hội ngộ còn luôn,

« Bảo cho non : chớ có buồn làm chi.

« Nước kia dù hãy còn đi,

« Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui.

« Nghìn năm giao ước kết đôi,

« Non Non Nước Nước không nguôi Lời Thề ».

 

Theo lối nhìn của Tản Đà, được gói ghém trong bài thơ Non Nuớc trên đây, Sơn có con đường riêng biệt của Sơn. Thủy có con đường riêng biệt của Thủy. Nơi gặp gỡ, hội ngộ của hai người là Núi Sông, Đất Nước. Nhờ có Quê Hương, Sơn mới có thể trở thành Sơn, và Thủy mới có thể trở thành Thủy. Nhờ Sơn, Thủy không phải là dòng chảy lang thang, phiêu bạt vô gia cư... Nhờ Thủy, Sơn không còn là những núi đồi hoang vu, đá sạn khô cằn... Trong lòng Quê Hương, mọi khó khăn đều vượt qua, mọi trở ngại đều khắc phục, nếu Thủy « biết nhớ » Sơn khi ra đi xuôi ngược giữa dòng đời, và nếu Sơn « biết chờ » Thủy, trong cô liêu thanh vắng của lòng mình.

 

Nữ triết gia Simone Weil người Pháp, gốc Do Thái, đã nhắn nhủ chúng ta : « Không phải con đường chúng ta đi là khó. Cái khó chính là con đường đi của chúng ta ». Hẳn thực, trên chính con đường khó khăn đó, chúng ta dấn bước và tiến lên, làm nên Quê Hương, Đất Nước.

 

Sách Tham khảo 

 

1. NGUYỄN LANG - Văn Lang Dị Sử - Lá Bối, Paris 1976.

2. THÁI ĐỨC XUÂN - Truyện cổ tích - Nhà Xb Hà Nội, 2000.

3. PHẠM XUÂN THẠCH tuyển chọn  - Thơ Tản Đà : Lời Bình - Nhà Xb Văn Hóa và Thông Tin, Hà Nội, 2000.

4. NGUYỄN VĂN THÀNH - Le projet pédago-éducatif - Tình Người, Été 1997.

5. NGUYỄN VĂN THÀNH  -  Bản đồ Tâm lý và Tư duy sáu màu  -  Tình Người, Lausanne Hè 2002.

 



[1] ĐỊNH HƯỚNG, tập san nghiên cứu Số 31, Ma H 2002, tr. 109 Nguồn gốc Rồng Tiên.

 

[2] NGUYỄN VĂN THÀNH - Tấm và Cám - xem tập sách « Trong Đức Kitơ » - Định Hướng Trung Thư, Xuân 2001, tr 47.

.

 

Nguyễn Văn Thành
Số lần đọc: 1991
Ngày đăng: 10.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Huyền sử 3 - Nguyễn Văn Thành
Huyền sử 2 - Nguyễn Văn Thành
Huyền sử 1 - Nguyễn Văn Thành
Nguồn Gốc Của Phở - Vương Trung Hiếu
Các Biểu Tượng Trong Tôn Giáo - Đinh Hồng Hải
Phở Việt Nam - Nhiều Tác Giả
Nhân Sự Ra Đi của Giáo Sư Nguyễn Văn Thành và Cuốn Sách “Em là Đại Dương…Từ tâm lý đến Mầu Nhiệm Giáo Hội” - Nguyễn Đức Tuyên
Góp Phần Nhận Định về Sự Du Nhập Của Nho Giáo : Vào Việt Nam Dưới Thời Bắc Thuộc - Phạm Cao Dương
Biểu tượng văn hóa cửa thiền giữa dòng thế tục - Trần Kiêm Ðoàn
Từ Triết Lý Âm Dương, Ngũ Hành Nghĩ Về Một Cách “Chào” Mang Bản Sắc Việt Nam - Mai Bá Ấn