Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.133
 
Tôi, Kẻ Nhiều Chuyện
Ngô Văn Cư

 

Ông Phận giữ tôi lại phân trần:

- Cậu xem đấy! Ngày trước bọn chúng ngày nào cũng đến với tôi cả buổi. Nhưng nay, chưa tàn điếu thuốc đã lặng lẽ rút lui cả…

 

Ngày trước mà ông Phận nói đến là những ngày ông chưa về hưu, khi mọi lời nói của ông đều đúng; mọi quyết định của ông đều ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người. Tôi hiểu tâm sự của ông nên nói dua theo để tránh căng thẳng:

 

-Thói đời mà anh! Dẫu sao họ cũng còn chút tình nghĩa để đến với nhau thế là quý rồi – tôi cười giả lả - chỉ sợ họ quên mất ngõ vào nhà anh đấy chứ!

 

Ông Phận đổi tư thế nghồi:

 

-Quên sao được? cái thằng Thịnh ấy ngõ ngách nào ở nhà tôi mà nó không rõ. Có bữa hơn mười giờ đêm nó còn đến…

 

-Thì anh Thịnh vẫn vừa đến thăm anh.

 

-Hừm…

 

*

Tôi đem chuyện ông Phận trách kể lại cho Thịnh nghe với mục đích Thịnh xử sự đúng mực để ông Phận khỏi tủi thân. Không ngờ, Thịnh bộc bạch có vẻ thật tình:

 

-Sao chứ? Quan hệ của tôi và ông Phận là quan hệ xin – cho; mua – bán sòng phẳng. Ngày trước tôi đến không vì tình cảm mà vì công việc; ông Phận cất nhắc tôi không phải vì tôi có tài năng mà vì có sự trao đổi! Cậu hiểu chứ?

 

-Dẫu sao anh có được như ngày hôm nay cũng nhờ vào ông Phận.

 

-Thì vẫn… Nếu không có ông Phận thì có ông khác.

 

-Sao anh nói phủ phàng thế?

 

-Không đâu! Bây giờ tôi đến với ông Phận thật sự là vì cái tình… Còn ngày trước, khác!

Tôi biết ông Phận nhắc đến Thịnh trước mặt tôi là gián tiếp gởi lời đến anh. Ông biết quan hệ của tôi với anh. Anh lớn hơn tôi, học trên một lớp, nhưng đến cuối cấp ba thì chúng tôi chung lớp, vì thế tôi vẫn thường gọi Thịnh bằng anh. Vào trường chuyên nghiệp anh với tôi cùng ngành, cùng lớp. Nói về sức học, chăm chỉ thì anh kém tôi xa nhưng bù lại anh quan hệ rộng, quen biết nhiều người trong và nhà trường nên những đợt kiểm tra anh đều vượt qua. Rồi anh và tôi lại về công tác trong một cơ quan.Tôi với anh gần gủi vì lẽ đó. Tôi bất ngờ khi anh buông một câu cộc lốc “Còn ngày trước, khác!”. Anh mà nói như thế đúng là quá vô cảm. Ai chẳng rõ ngày trước anh Thịnh đến nhà ông Phận không bao giờ chỉ với hai bàn tay trắng. Khi thì hộp trà Ô Long của một người bạn gởi tặng nay đem đến biếu anh để tiếp khách; khi thì chai rượu ngoại em mua được; khi là đến chỉ để mời anh chị đi siêu thị với vợ chồng em cho vui; khi chỉ là một mẫu tin tức góp nhặt ở cơ quan… Anh không nề hà, từ chối việc làm gì ở nhà ông Phận.  Vì sự thân tình, anh có thể pha trà cho ông Phận tiếp khách, xung phong vào bếp làm các món nhậu… Quan hệ đối xử ấy thể hiện khác đi từ ngày ông Phận nhận quyết định về hưu. Thịnh cũng đã lên cấp phó, chức vụ  chỉ thua kém ông Phận một lóng ngón tay. Trong khi quyền lực anh bắt đầu mạnh lên thì ông Phận lại mờ nhạt dần. Bây giờ anh không thể nấu nước, pha trà như xưa mà phải có một phong cách của một thủ trưởng. Anh Thịnh nhìn tôi thương hại:

 

 

 

-Sống thật thà như cậu mày cũng thiệt thòi đấy! Có tài, giỏi chuyên môn chưa đủ; mà còn phải làm cho cấp trên biết được khả năng của mình. Trong cơ quan này, chỉ có tôi mới biết rõ khả năng của cậu. Hãy cố thể hiện nhé.

 

Không biết anh Thịnh thật lòng biết được khả năng của tôi hay là đang gợi ý cho một lối sống thực dụng giữa tôi với anh. Tôi là một thằng người thường hay suy luận, nghĩ ngợi vẩn vơ, biết đâu cái khả năng của tôi không bộc lộ rõ để anh thấy được thì chắc hẳn vị trí của tôi mãi mãi là nhân viên quèn nhận lương tháng. Nhưng gần gủi với một người như anh Thịnh thì tôi thấy cũng không ổn , nó như đùa giỡn với dao, có thể bị đứt tay bất cứ lúc nào. Nói chung, ở cơ quan tôi với anh quen biết nhau từ lúc còn học phổ thông, ngoài ra, tôi không thích cách sống của anh, nhưng tôi chưa bao giờ bộc lộ quan điểm của mình. Có lẽ, anh thường trò chuyện với tôi vì điểm này chăng? Anh Thịnh lại quay về đề tài cuộc sống ông Phận:

 

-Thủ trưởng cũ của chúng ta là người không có tầm nhìn xa. Về công việc thì chung chung mờ nhạt; về quan hệ thì bảo thủ, nhỏ nhen, bè phái; về cuộc sống thì… thiếu suy nghĩ…

 

Đến nước này thì tôi không giữ bình tĩnh được nữa:

 

-Anh đúng là người qua cầu rút nhịp! Người đã dìu dắt anh, giúp anh được như hôm nay mà anh vội kết luận như thế! Anh sáng suốt mà sao một thời gian dài anh cung phụng, xum xoe…

 

-Đấy! Đấy! Tôi muốn nói với cậu về điều ấy. Ngày trước mọi người , kể cả tôi, đến gặp ông Phận là vì công việc, vì nhờ đỡ, cầu cạnh nên ông ta có lớn lên một chút và ta bé lại một chút. Nay ông không còn quyền lực nữa thì cầu cạnh được gì? Đến làm gì? Bây giờ, người đến với ông mới thật sự có tình. Ông ta lại trách mọi người sao chẳng như xưa, như thế chẳng thiếu suy nghĩ là gì? Ông đề bạt một ai đâu phải vì khả năng của họ mà vì quan hệ tình cảm, vật chất… như thế chẳng phải nhỏ nhen, thiếu tầm nhìn là gì? Suốt những năm lãnh đạo, ông ta đã làm được những gì từ kế hoạch riêng của ông ta? Hay chỉ răm rắp làm theo cấp trên?

 

Thịnh nói một thôi dài và tôi gần như bị thuyết phục hoàn toàn. Tôi cố vớt vát:

 

-Dẫu sao ông Phận cũng là thủ trưởng của ta từng bấy nhiêu năm.

 

-Tôi biết. Với những người như ông Phận được giải thích là do cơ chế, do hoàn cảnh lịch sử… Nay thì

khác rồi!

 

-Tôi không thấy khác gì cả!

 

Thịnh như hiểu được sự ám chỉ của tôi:

 

-Để rồi cậu xem!

 

Tôi tự nguyền rủa tôi. Chuyện đâu đâu lại vơ vào mình cho năng nợ. Tôi mơ hồ nhận ra sự nguy hiểm cho bản thân từ buổi nói chuyện này. Đành rằng, ông Phận không có tầm nhìn xa để đưa cơ quan đi lên còn anh Thịnh thì thừa tầm nhìn xa để đưa bản thân mình đi lên. Ai dám chắc rằng anh Thịnh không nhỏ nhen và người thừa suy nghĩ như anh thì tôi càng dễ rơi vào vùng nguy hiểm.

 

Dẫu sao tôi cũng chẳng sợ vì tôi vững về chuyên môn, với lại tôi chưa có ý định phấn đấu để được làm lãnh đạo mà đang nâng cao tay nghề. Tôi lờ mờ lo lắng cho cái vòng luẩn quẩn của việc chọn người để đề bạt. Anh Thịnh cho rằng ông Phận thiếu khả năng nhưng ông cất nhắc anh, mà theo tôi, anh cũng không nhiều khả năng. Rồi sau nữa, anh lại cất nhắc người khác.. như anh! Đúng là tôi lo bao đồng, từ mối quan hệ cá nhân lại lo đến cái chung ngoài tầm tay của mình.

 

Tôi bắt đầu tránh tiếp xúc với anh Thịnh, chỉ khi vì công việc chung tôi mới đến tìm anh và tuyệt nhiên không nhắc lại câu chuyện quan hệ riêng nữa. Trái lại tôi thường đến với ông Phận hơn. Bây giờ ông không còn những ý kiến độc đoán nữa mà ông đã biết một cách muộn mằn là cần phải lắng nghe và hòa nhập. Ông sống lặng lẽ, khép kín với vuông đất nhỏ sau nhà. Ông trồng vào đó đủ loại cây ăn trái không theo một quy hoạch nào cả do những người thân quen tặng cây giống. Ông cũng dành một khoảng đất riêng trồng những chậu kiểng, chăm sóc tỉ mỉ. Tôi có góp ý kiến với ông đại ý là trong một khu vườn trồng nhiều loại cây ăn trái thì sự phát triển không đồng đều, năng suất thu hoạch sẽ kém. Còn ông, ông cho rằng, chia khu vườn thành hai phần trái nghịch nhau là kết quả của sự chiêm nghiệm về cuộc đời. Góc chơi cây kiểng kia đẹp mắt ai cũng thích, có giá trị lớn về tiền bạc những chỉ để làm… cảnh. Còn góc vườn trồng cây ăn trái của ông không quy hoạch như những đoàn quân duyệt binh mà ông muốn chúng sống chung đụng như xã hội loài người, sống xô bồ, tự nhiên, tự đấu tranh để sống và đơm trái có ích cụ thể. Ông nói như một triết gia:

 

-Khi về hưu, tôi mới nhận ra rằng xã hội loài người giống như cuộc sống cây cối ở khoảnh vườn của tôi. Những cây đẹp đẽ, được chăm sóc thật kĩ, ai cũng trầm trồ, vừa lòng người trồng, có giá trị tiền cao ngất ngưỡng nhưng cũng chỉ để làm đẹp,chẳng  thể cho ta một bữa no khi bụng đói, thật không có một chút giá trị thực tế gì đối với cuộc sống. Khi còn chức quyền, tôi bị cái hào nhoáng bên ngoài dối lừa như vậy, tôi đã ưu ái những kẻ mà suốt năm chẳng chịu cho ra một sáng kiến nào như những cây kiểng đẹp đẽ kia…

 

Ông có vẻ tiếc nuối một thời đã qua:

 

-Tôi biết cậu có năng lực, có nhiều sáng kiến cải tiến tích cực để đưa đơn vị đi lên. Nhưng ngày ấy, cậu cao ngạo quá, không mềm mỏng…

 

Tôi chỉ biết cười trừ.

 

Tôi thường lãng tránh những câu chuyện ngày xưa của ông Phận, còn ông hễ có dịp thì nhắc đến. Ông cũng thường nói đến Huy, tổ trưởng sản xuất, kiêm bí thư Đoàn cơ quan, một người thẳng thắn , quyết đoán, có ảnh hưởng lớn đối với tập thể. Tuy nhiên, khi còn tại vị, ông Phận không hòa hợp được với Huy. Ông nhận xét về Huy:

 

-Cậu Huy giống như cây dừa đứng ở góc vườn kia. Có giá trị từ rễ, thân, lá, quả nhưng không chịu dựa dẫm vào loại cây nào nên cô độc và không vươn tán rộng um tùm được tuy rất vững chải…

 

Tôi bị cuốn vào vòng ẩn dụ của ông Phận bằng câu hỏi:

 

-Còn anh và chị là những loại cây nào?

 

Ông Phận nhìn tôi chằm chằm như đánh giá sự quan tâm của tôi qua câu hỏi, rồi ông trả lời như bị giật mình:

 

-Tôi à? Tôi là cây mít đang đứng sát hàng rào, mà có mấy ai trồng mít giữa vườn đâu, quanh năm rụng lá đầy vườn chỉ tốn công quét dọn…Thân xù xì, màu lá xanh buồn buồn, trái gai góc… Đến gần thì dây mủ nhưng được cái là thơm ngon – ông nở nụ cười buồn – còn chị của em là cành hồng xinh tươi ở cửa trước mà ai cũng thích nhìn kia kìa…

 

Tôi giật mình! Thì ra tôi đã chạm phải nỗi đau riêng của ông Phận. Chị Hoa, vợ ông, nhỏ hơn ông cả một vòng con giáp. Cái tuổi chớm năm mươi của chị làm vóc dáng thêm mặn mà, đằm thắm cộng với sự sắc sảo khi giao tiếp bạn bè hoặc nhân viên của chồng khiến chị thêm phơi phới. Có môt vài lời xầm xì, bàn tán phía sau lưng mỗi khi chị xuất hiện. Khốn nỗi những lời đàm tiếu chỉ xoay quanh việc ông Phận ngày càng teo quắt, ra đường thì luộm thuộm, về nhà thì quần cộc áo ba lổ để lộ ra những mảng da sần sùi, nhăn nhúm, đen nhẻm. Từ ngày về hưu ông mất dần vẻ bệ vệ, khệnh khạng; thay vào đó là sự xuề xòa như muốn hòa nhập vào cuộc sống, hòa đồng với mọi người nên mỗi chiều ông lại ngồi ở quán cóc đầu đường nhâm nhi với các “chiến hữu” cùng những món đưa đường dân dã như cốc, ổi… Dần dà ông đâm nghiện ngồi quán kể về chuyện ngày xưa của mình dù mọi người biết rõ hầu hết là ông tưởng tượng ra. Dẫu sao, ông vẫn là người thành đạt nhất, có địa vị nhất trong đám “chiến hữu”, với lại, trong những buổi nhậu, ông Phận đều giành quyền trả tiền nên ông nhanh chóng trở thành “thủ lĩnh”  của các “chiến hữu” mà ông gọi là “lục lâm thảo khấu”. Ông thường khoe khi còn tại chức, ông đã giúp đở nhiều người để họ trưởng thành trong cuộc sống nhưng họ đều là những kẻ vong ân bội nghĩa; khi ông về hưu, họ đã quay lưng lại với ông. Bây giờ, ông chỉ còn khu vườn nhỏ với một dúm bạn bè vừa kết nghĩa. Gần đây, ông có làm một vài bài thơ đem ra đọc cùng với men rượu và tiếng vỗ tay khen ngợi của các “chiến hữu”. Ông thấy mình vừa thật vĩ đại vừa gần gũi. Ông lại tiếc, giá như được trẻ lại, ông sẽ biết cách phụng sự tốt hơn cho xã hội và thăng hoa hơn cho bản thân. Đôi khi sự hào hứng ở cuộc rượu, ông Phận mang luôn về nhà trong bữa cơm tối, dĩ nhiên ông không được ủng hộ như lúc chiều. Chị Hoa thường chỉ thẳng những chỗ yếu kém của ông làm bữa cơm bớt ngon miệng. Mâu thuẩn ngày càng lớn khi những lần ông Phận nồng nặc mùi rượu, mùi mồ hôi, mùi thuốc lá ngất ngưỡng vào buồng sực mùi nước hoa thơm dịu và trang trí lãng mạn. Một sự đối lập giữa hai hình ảnh, hai mùi vị khiến khung cảnh vừa hài hước vừa thảm hại. Nếu như chỉ chừng ấy thì không đến nỗi! Chị Hoa ngày càng cố theo đuổi những mốt thời trang hiện đại. Từ khi mái tóc chớm bạc của chị bỗng hừng hực màu đỏ quái dị và bị cắt ngắn rồi chải ngược ở phía trước, cuộn tròn ở phía sau như đầu con chim chào mào thì sự mâu thuẩn đã lên đỉnh điểm. Chòm xóm xầm xì bàn tán. Những kẻ vô công rỗi nghề hau háu nhìn mỗi khi chị đi ngang qua. Nhiều người còn ác miệng nói vì ông Phận không làm tròn phận sự người chồng nên chị Hoa phải “đốn trẻ” để được thỏa mãn! Những lời ấy ban đầu được tán thưởng bằng những trận cười nhưng khi lặp lại nhiều lần làm ông Phận thêm cay đắng và rượu cũng được ông uống nhiều hơn. Mỗi khi chị Hoa dắt xe đi làm thì ông Phận lại bận rộn với mãnh vườn hoặc bù khú với các “chiến hữu”, lúc chị có mặt ở nhà thì ông đã mệt phờ hoặc say lảo đảo. Đứa con gái út cũng đã theo chồng nên chị Hoa càng thấy trống trải trong căn nhà rộng thênh thang. Hai con người quen mà lạ trong không gian buồn vắng ngày thêm lạnh nhạt, cách biệt như cây hồng trước cửa và cây mít ở góc vườn phía sau. Chắc chắn có sự so sánh như ông Phận là kết quả của nhiều ngày chiêm nghiệm, suy tư.

 

Tôi thấy hối hận vì đã hỏi một câu đúng vào nỗi đau hiện tại của ông Phận. Cuộc sống riêng tư của ông tôi cũng có biết đôi chút và thực lòng mà nói,tôi cũng bị ám thị bởi đám đông vô công rỗi nghề nên tôi cũng thấy chị Hoa lạc lõng, vô duyên giữa đám đông lao động lam lũ mà quên đi công việc của chị cần ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ thậm chí cần cả mùi nước hoa. Cũng vài lần tôi gặp chị đi với người này, người nọ rất thân mật nhưng tôi không để tâm lắm. Đến khi ông Phận so sánh, tôi mới giật mình…

 

Một lần, ông Phận nói với tôi như buột miệng, vô tình:

 

-Cậu vẫn thường đi hát karaoke đấy chứ?

 

-Dạ, thỉnh thỏang…

 

-Hôm nào đi rủ tôi với nhé!

 

-Dạ, được! Em sẽ lo cho anh.

 

-Lo luôn tăng hai đấy nghen!

 

Ông Phận nói tưng tửng nhẹ như không nhưng tôi hiểu tâm trạng của ông lúc này. Vâng, tôi đã hiểu… Đời vốn thế! Ngày xưa ông đâu cần nói ra mà mọi người xum xoe gợi ý để được cung phụng. Bây giờ không còn chức vụ lại lớn tuổi không thể đi chơi như bọn trẻ được. Phải “tháp tùng” với lớp trẻ mới đỡ gượng mặt. Và tôi xót xa với hoàn cảnh của ông.

 

Tôi lại tiếp tục mắc sai lầm mà mãi đến sau này tôi vẫn còn luôn thấy áy náy, khó xử khi đến nhà ông Phận. Đó là lần tôi lên mặt người từng trải khi nói chuyện với chị Hoa. Tôi cố làm ra vẻ khách quan khi nhận xét về hình thức của vợ chồng anh chị:

 

-Cuộc sống hình thức của anh chị thật tương phản nhưng có một đời sống nội tâm thật hòa hợp…

 

-Không đâu! Chẳng có một điểm nào phù hợp cả!

 

-Anh chị đã sống hạnh phúc gần ba mươi năm…

 

-Phải nói cho đúng là đã sống chung gần ba mươi năm nhưng hạnh phúc thì chưa với tới…

 

Tôi cười:

 

-Anh chị đã có những đứa con tuyệt vời!

 

-Vâng, điều ấy có thể đúng. Chị đã cố gắng để chúng nên người bằng cách nén lòng mà sống. Em nghĩ thử, chị có thể làm được gì nếu ngày xưa không ghép đời mình vào anh Phận. Chị cứ nghĩ thôi thì hãy sống cùng nhau cái đã; còn tình yêu sẽ nảy nở sau. Nhưng chị đã lầm, cho đến bây gời chị cũng không thể sửa sai cái quyết định tai hại ấy. Càng sống chung, anh Phận càng bộc lộ cái tính bảo thủ, nhỏ nhen, ích kỉ và tự mãn một cách bệnh hoạn. Từ ngày về hưu anh lại bị ám thị bởi những kẻ nát rượu về tài năng nên anh ấy càng hoang tưởng hơn. Khi đứa con út yên bề gia thất, chị xem như đã phần nào tròn trách nhiệm. Chị mặc kệ anh ấy.

 

-Chung trong một mái nhà?

 

-Vâng, chúng tôi đang ở trọ bởi một hợp đồng dài hạn…

 

Tôi nửa đùa nửa thật:

 

-Căn cứ vào hợp đồng thì chị phải chăm sóc cho anh. Đằng này, chị chỉ biết sửa soạn cho bản thân, còn anh ấy chị để lôi thôi lếch thếch.

 

-Đấy, vấn đề là chúng tôi không còn trẻ nữa nên phải tự biết chăm sóc bản thân để chứng tỏ mình yêu quý bản thân mình – rồi chị bỗng triết lí – Kẻ mà không yêu quý bản thân mình sẽ không biết yêu thương kẻ khác.

 

Chị Hoa bộc lộ tình cảm, suy nghĩ một cách thẳng thắn:

 

-Chị đã hết một quãng đời đẹp đẽ của mình để chăm chút cho gia đình này rồi. Chị làm tất cả mọi việc để anh Phận ngang tầm với bạn bè, con cái không thất vọng về cha mẹ. Nay anh đã về hưu, con cái đã trưởng thành, chị mới có chút thời gian chăm chút cho mình thì anh Phận đã thành một kẻ.. như em thấy đấy!

 

Những điều tôi định nói với chị Hoa đã tan biến như bọt xà phòng khi chị đã chủ động bộc lộ suy nghĩ, việc làm chủ bản thân. Chị như biết ý nghĩ của tôi nên bồi thêm:

 

-Chị biết mọi người khó chịu khi chị và anh Phận đối lập nhau về hình thức. Nhưng biết làm sao được! Chị còn phải sống, làm việc, quan hệ… còn anh Phận chỉ còn có mỗi một việc là tưởng tượng ra những việc làm khi… còn tại chức!

 

Tôi chống chế:

 

-Chị cứ chê anh chứ anh không tài giỏi thì đời nào anh được bố trí vào cương vị lãnh đạo.

 

Chị cười buồn:

 

-Do cơ chế em à! Một thời đất nước mình bố trí nhân lực không phải vì tài năng mà vì nhiều cái khác…

Tôi biết không ai hiểu rõ về người đàn ông cụ thể bằng người vợ. Vì thế, tôi tin chị.

 

Sau buổi nói chuyện với chị Hoa, tôi nghiệm ra rằng chung quanh ông Phận có biết bao nhiêu chuyện với

đủ ái ố hỉ nộ và biết bao số phận thăng trầm từ những vui buồn bất chợt của ông. Tôi lại lẩn thẩn nghĩ sao mình lại sa vào những chuyện không đâu của một con người thuộc về quá khứ. Tôi tự thấy mình đáng bị cười vào mũi.

 

Có một việc xãy ra khách quan nhưng gần như cắt đứt mọi câu chuyện của tôi về ông Phận. Đó là vào một buổi chiều, tôi được tin ông Phận bị tai biến, tôi vội vàng chạy đến nhà ông. Khi đi ngang qua phòng khách, tôi thấy bề bộn những chai, li, chén, bát… chứng tỏ vừa qua cuộc nhậu mà chưa kịp dọn dẹp. Có nhiều người đứng xớ rớ ngắm tranh tường, có người đang bước ra vườn ngắm cây cảnh, một số người đang đứng vây quanh ông Phận, một vài người đang xoa bóp cho ông trong khi đợi xe cấp cứu đến chở ông đi bệnh viện. Tôi chen vào, thấy chị Hoa đang nắm bàn tay phải của ông Phận mà đôi mắt thất thần, tóc tai rối bời như chưa hề được chải. Có ai đấy bảo mọi người nới rộng để người bệnh đỡ ngột ngạt thì tôi bước ra ngoài. Tôi hỏi một người đang đứng ngắm bức tranh:

 

-Anh Phận bị tai biến khi đang nhậu à?

 

-Không…

 

-Thế sao…?

 

-Mọi người vui vẻ khi anh Phận không có ở nhà, gần tàn cuộc anh mới về, đi thẳng vào nhà vệ sinh rồi xãy ra chuyện.

 

-Chắc là anh đã uống ở đâu đó rồi về tắm, bị lạnh đột ngột…

 

-Không, anh bị ngã khi vừa đến cửa phòng…

 

-May là phát hiện kịp thời, may là có ai đó nhìn thấy…

 

-Vợ anh chứ ai!

 

-Đúng là trời chưa dứt tình, vẫn hay giúp người khi bị nguy khốn nên dắt bước chân chị đến nơi người chồng bị ngã kịp thời…

 

Tôi chợt nghe một giọng giễu cợt:

 

-Anh Phận vừa đến cửa phòng vệ sinh cùng lúc chị vợ mở cửa phòng đi ra; anh nhìn vợ từ đầu xuống chân, nhìn từ chân đến vai rồi ngã quỵ, còn chị thì đứng như bị chôn chân khi có tiếng nhắc đỡ anh ấy dậy, chị mới đến vực chồng dậy và hô hoán… cuộc tiệc vui bị tan rã giữa chừng.

 

Phía sau lời kể kia là sự thật phủ phàng giáng một đòn trí mạng vào ông Phận. Tôi thật sự buồn và thầm nghĩ từ nay không nên nhắc đến những chuyện có liên quan đến ông Phận nữa. Chỉ bấy nhiêu, tôi cũng đã thấy: tôi, kẻ nhiều chuyện./.

 

 

Ngô Văn Cư
Số lần đọc: 1662
Ngày đăng: 11.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quả Bóng - Lê Văn Thiện
Phố Hoài - Quế Hương
Trước lúc lên đường - Hoàng Mai
Bà mụ của búp bê - Quế Hương
Đời Xin Có Nhau - Nguyễn Trung Dũng
Hương Bùn - Võ Xuân Phương
Mình đi về cánh đồng - Hoàng Mai
Ngụ Ngôn Của Loài Chim - Sâm Thương
Một Đêm Ở Bến Đò - Ngọc Vinh
Nhan Sắc Người Tình - Nguyễn Trung Dũng
Cùng một tác giả
Giữ Chức (truyện ngắn)
Không Vội Vã (truyện ngắn)
Ngày Ấy Chưa Xa (truyện ngắn)
Mong Manh Đường Về (truyện ngắn)