Ôn Như Hầu soạn - Tự Đức thập cửu niên tân san
CUNG OÁN NGÂM KHÚC
Phú Văn Đường tàng… (1)
Tác phẩm thơ Nôm của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều viết vào thế kỉ XVIII lấy đề tài nỗi oán cung nhân, viết bằng thể ngâm song thất lục bát. Không biết lúc sáng tác, Nguyễn Gia Thiều đã lấy tên gì song bản in bằng chữ Nôm hiện nay còn lưu giữ được ở Thư viện Quốc gia dù đã rất cũ nát, được bồi lại bằng giấy dó nhưng vẫn còn đọc được rõ chữ, đã ghi là 溫如侯撰 嗣德拾玖年新刊 宮怨吟曲 富文堂藏… Ôn Như Hầu soạn, Tự Đức thập cửu niên tân san, Cung oán ngâm khúc, Phú Văn đường tàng [bản]; nghĩa là Cung oán ngâm khúc do Ôn Như Hầu soạn, nhà in Phú Văn khắc in vào năm Tự Đức thứ 19 (tức là năm 1866).
Căn cứ tư liệu của nomfoundation.org, hiện chỉ còn một bản Nôm này lưu trữ ở thư viện Quốc gia. Một bản khác cũng khắc in vào năm Tự Đức thứ 19, trước kia thuộc thư viện Viễn Đông Bác Cổ, ký hiệu AB.392 nhưng sau đó đã đem về Paris. Vậy bản Nôm cung oán xưa nhất hiện còn lưu giữ được ở nước ta có tên Cung oán ngâm khúc. Tuy nhiên có một điều lạ là vào khoảng những năm đầu thế kỉ XX, khi đã có kĩ nghệ in bản kẽm của Pháp mang sang, nhiều nhà in ở Hà Nội không biết đã phiên âm từ bản Nôm nào mà đã in nhiều lần tác phẩm của Ôn Như Hầu với tên TẦN CUNG OÁN.
Các bản in TẦN CUNG OÁN xuất bản đầu thế kỷ XX (3)
“TẦN CUNG OÁN” LÀ TÊN CỦA TIỂU THUYẾT TÀU
“Tần cung oán” nghĩa là nỗi oán của cung nữ nhà Tần, là đề tài của văn học Trung Hoa. Tần Thuỷ Hoàng là nhà quân sự chính trị có tài với những công cuộc cải cách độc đáo, đã xây dựng được một chế độ mạnh mẽ nhất Trung Quốc theo đường lối pháp trị nhưng vì cai trị quá hà khắc tàn bạo nên chỉ tồn tại 15 năm; tuy vậy Tần đã để lại được những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và văn học. Tiểu thuyết Trung Quốc có truyện “Tần cung oán” của Đoan Mộc Tố Tình. Truyện xoay quanh chủ đề thân phận bi đát, nỗi hờn oán của cung nữ đời Tần Thủy Hoàng.
Nguyên là Tần Thủy Hoàng sau khi thôn tính 6 nước, đã cho gom trên một vạn mỹ nữ đem về Hàm Dương rồi tuyển lấy 3.000 cung nữ giam vào cung A Phòng. Người đẹp đông quá nhưng chỉ có một vua Tần; nỗi oán ngất trời vì nhiều mĩ nhân suốt cả quãng đời trong cung chưa một lần được gặp quân vương; có người may mắn lắm thì gặp vua được một đôi lần rồi suốt nhiều năm tháng đằng đẵng ngóng trông, ôm nỗi sầu cô quạnh… Nhà Tần bại vong vào năm 206 TCN, Bái Công (Hán Cao Tổ) vào Hàm Dương. Hơn 10 tháng sau Hạng Vũ cũng đến Hàm Dương, xử tử vị vua thứ 3 của Tần là Tử Anh đã đầu hàng. Cung A Phòng bị Hạng Vũ đốt, lửa cháy liền 3 tháng không tắt. Mấy ngàn cung nữ của vua Tần chạy tan tác…
Cũng cùng đề tài trên, nước ta có Đặng Trần Thường đã viết tác phẩm “Tần cung oán” nhưng đây lại là một bài văn biền ngẫu gồm 43 cặp câu đối nhau, diễn tả tâm tư của các cung nữ nhà Tần than oán Bái Công đã thờ ơ chẳng đoái hoài gì đến thân phận các mĩ nhân:
“Ngán ngẩm thay! Nắng chẳng thương hoa,
Ghê gớm bấy! mây nào xót nguyệt”… (2)
Chính vì nội dung này tác phẩm còn có tên : “Tần cung nữ oán Bái Công văn”.
Đặng Trần Thường là hậu sinh, nhỏ hơn Nguyễn Gia Thiều đến 18 tuổi, tuy cũng trưởng thành vào thời Lê-Trịnh ở miền Bắc nhưng lại vào Nam làm quan triều Gia Long. Bài văn là tác phẩm viết bằng chữ Nôm nhưng đầy ngập điển tích của Tàu, từ đầu đến cuối hầu hết chỉ tập trung vào việc dùng điển tích để mô tả, bộc lộ tâm tư của những mĩ nhân tủi thân phận, than tiếc cho nhan sắc mĩ miều của mình chẳng được ai đoái hoài.
KHÚC NGÂM CUNG OÁN ĐƯỢC NGUYỄN GIA THIỀU ĐẶT TÊN LÀ
“TẦN CUNG OÁN” HAY “CUNG OÁN NGÂM KHÚC” ?
Trả lời câu hỏi, nếu chỉ căn cứ vào bản in khắc ván đời Tự Đức đã nêu trên để khẳng định tên tác phẩm chắc chắn là “Cung oán ngâm khúc” thì cũng chưa phải bởi vì tuy đây là bản sách cổ song vẫn ra đời đến khoảng 100 năm sau so với nguyên tác. Vì là bản chép lại nên hẳn là có các sai lệch so với bản gốc. Có thể đoan chắc điều này, bởi lúc tác phẩm ra đời, đất nước liên miên trải qua nhiều cơn binh lửa; từ Bắc chí Nam, bao nhiêu cuộc binh biến xảy ra giữa các thế lực Trịnh - Nguyễn…, nạn Kiêu binh cùng bao nhiêu các cuộc nội loạn… rồi Mãn Thanh xâm lược, Tây Sơn thắng quân Thanh nhưng lại sớm mất sơn hà về tay chúa Nguyễn… Qua nhiều biến cố, bản chính khó lòng tồn tại mà chỉ còn lại những bản sao của các nhà Nho.
Việc truyền bá một tác phẩm vào thời này là do các Nho sĩ chuyền tay nhau đọc rồi chép lại. Lúc chép thì tùy ý thích, tùy kiến văn mỗi người mà tự mình sửa chữa, thêm bớt câu chữ và ngay cả tên tác phẩm đôi khi cũng bị sửa đổi, khác nguyên bản ban đầu. Nhất lại là tác phẩm viết bằng chữ Nôm thì các dị bản với độ sai lệch cao lại càng dễ xuất hiện.
Một giả thuyết có thể nêu là trong tình huống vào khoảng 10 năm gần cuối đời, Nguyễn Gia Thiều không còn được chúa Trịnh tin dùng như trước và dù đang đương chức vẫn tỏ ra thờ ơ với danh lợi chốn quan trường, chỉ thích ngâm vịnh văn thơ và đàm đạo triết lí nhà Phật. Viết khúc ngâm cung oán, Nguyễn Gia Thiều cũng bộc lộ tư tưởng định mệnh và chán cảnh ràng buộc phú quý (…Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm/ Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon…). Thể hiện tâm tư vào tác phẩm dưới thời phong kiến chuyên chế không dễ - bởi vì dù đang là quan to giữa triều người ta cũng rất dễ mắc vào họa văn tự nhất là khi tác phẩm được viết lại có nhiều câu chữ phạm thượng:
“Hạt mưa đã lọt miền đài các
Những mừng thầm cá nước duyên may
Càng lâu càng lắm điều hay
Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm”
…
“Ai ngờ bỗng mỗi năm một nhạt
Nguồn ơn kia chẳng tát mà vơi
Suy di đâu biết cơ trời
Bỗng không mà hóa ra người vị vong”
…
“Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ
Xe thế này có dở dang không?
Đang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”
Vào cung, sánh duyên với vua mà lại ví như trót làm điều lầm lỗi không còn cách nào gỡ được (nhúng tay thùng chàm). Sống kiếp cung phi phòng không vò võ lại được ví với cảnh phụ nữ chết chồng (người vị vong). Tất cả cái bực tức hóa thành thái độ phản kháng “bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”… Sự bực dọc cùng những câu chữ trên đủ bằng cớ để ghép Nguyễn Gia Thiều vào tội đại nghịch ngôn nếu như đây không phải chỉ để nhằm diễn đạt lại cái tàn ác của bạo chúa nhà Tần trong sử sách kinh điển.
Diễn tả nỗi lòng cung nữ bằng nhiều câu chữ táo bạo như thế có thể là mối lo họa sát thân khiến tác giả khúc ngâm cung oán phải chọn đường tránh bằng cách cẩn thận lấy tích trong sử sách xưa mà đặt tên tác phẩm. “Tần cung oán” có thể là tên gốc ban đầu. Nhiều năm tháng trôi qua, một số bản mới được chép khi nhà Trịnh đã suy tàn. Lúc này người sao chép có thể đã tự ý đổi tên cho hợp lí hơn là “Cung oán ngâm khúc” rồi hình thành các bản khắc mới đời nhà Nguyễn. Cứ thế cho đến đầu thế kỉ XX, trong quần chúng vẫn tồn tại song song các bản chép với hai tên khác nhau… và tùy theo từng nhà xuất bản đã cho ra đời nhiều sách in bản kẽm với tên Tần cung oán; cũng có nhiều sách quốc ngữ, sách dịch ra Pháp văn lại ghi là Cung oán ngâm khúc. Tên này nay đã trở thành tên chính thống.
Các bản in CUNG OÁN NGÂM KHÚC xuất bản đầu thế kỉ XX (3)
CHÚ THÍCH:
(1) Vốn là chữ 藏 板 (tàng bản); chữ “bản” đã rách mất - Bản chụp văn bản lưu trữ của Thư viện Quốc gia. (http://lib.nomfoundation.org)
(2) Cặp câu 23. Tần cung oán (Tần cung nữ oán Bái Công văn) của Đặng Trần Thường.
(3) Ảnh sachxua.net