Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.212.050
 
Nếu Roman Polansky Không Phải Là Đạo Diễn?
Đỗ Nguyễn

 

Chắc chắn thế giới điện ảnh sẽ thiếu hoàn hảo khi nó không có được sự đóng góp của sự nghiệp phong phú thuộc về tài năng vượt bực của con người đam mê nghệ thuật thứ bảy này. Roman Polansky đã bắt đầu sống với điện ảnh rất sớm và làm được rất nhiều phim cho đến nay. Tuy ông cũng có một số phim kém thành công, nhưng phần lớn những tác phẩm tuyệt vời đã khẳng định thiên tài của đạo diễn trong cách thực hiện phim đa dạng và độc đáo, rất chuyên nghiệp theo kiểu không ai có thể bắt chước. Ông đã vinh dự nhận đến ba lần giải Oscar của Mỹ về mặt đạo diễn xuất sắc và những phim hay, sự kiện chưa từng có trong lịch sử điện ảnh toàn cầu ; chưa kể đến vô số giải quan trọng khác ở Châu Âu như César, và « Palme d’ Or » (Cành cọ vàng)  của đại hội điện ảnh thế giới tại Cannes được tổ chức hàng năm ở Pháp, thành lập bởi bộ Văn hoá và Mỹ thuật.

 

 

poster « The Pianist »

 

Cho đến năm 2002, lúc ngành điện ảnh đã mất nhiều giá trị thật sự của nó bởi nghệ thuật này chuyển hướng thương mại bị khai thác tối đa nhằm đáp ứng thị hiếu của đa số khán giả không tha thiết nhiều đến phần hồn của phim ảnh.  Bộ phim có tên là « The Pianist » thực hiện bởi đạo diễn tài ba Roman Polansky là một tác phẩm thành công lớn về mọi mặt nhất là có giá trị lịch sử đã đưa chúng ta về thời thế chiến thứ hai, lúc châu Âu sống trong cơn khủng hoảng gây ra bởi Hitler và riêng nước Ba Lan, một quốc gia chịu đựng nhiều nhất những đau khổ của trận thảm sát dân Do Thái. Bộ phim « The Pianist »  đã khẳng định thiên tài đạo diễn của Polansky cũng như khán giả được thưởng ngoạn một tác phẩm xuất sắc được dựa vào câu chuyện có thật của nhà văn Ba Lan Wlady Szpilman, người  đã sống và trải qua những ngày tháng đen tối đó. Điện ảnh còn có cơ hội để chứng minh vai trò quan trọng liên hệ với văn học và làm sống lại một trang sử đầy máu lệ. « The Panist »  có  tầm cỡ  « Le Docteur Jivago »  của David Lean, điều chứng tỏ Roman Polansky, một đạo diễn đương đại thêm lần nữa đã thực hiện được một điều khó khăn là làm nổi bật giá trị tinh thần của tác phẩm nghệ thuật, một tài năng có thể gọi là hiếm có trong ngành điện ảnh thời này.

 

Nhưng trước hết, cuộc đời của người đạo diễn lỗi lạc đó đã là một cuộn phim đầy những tình huống đau khổ từ tuổi thơ cho đến sau này. Con đường sự nghiệp của ông cũng lắm cảnh thăng trầm bắt đầu từ tài đóng phim, chưa kể đến cuộc sống tình duyên là một chuyện phim đầy đau thương trắc trở.

 

Sinh năm 1933 tại Paris, Roman Polansky có cha là người Ba Lan đạo Do Thái và mẹ là người gốc Nga. Ông theo cha mẹ về Cracovie và trải qua tuổi thơ ở đó cho đến năm 1939, khi Đức quốc xã xâm chiếm Ba Lan và thi hành sắc lệnh bắt giam người đạo Do Thái ; cha mẹ ông bị giam cầm và mẹ ông đã chết trong trại tù lúc mang thai. Sau đó, chỉ mới lên 10 tuổi, cậu bé Roman đã phải tự lo liệu và thoát hiểm sống sót với sự cứu giúp của những người làm cách mạng chống Đức và chỉ gặp lại cha mình trở về từ trại tù vào năm 1945, khi Ba Lan lấy lại chủ quyền.

 

Vào năm 1948, Roman đã được chọn đóng một vai đứa trẻ nông dân trong một phim nói về Hồng quân và thời thế chiến vừa qua, được thực hiện vào thời kỳ xu thế chính trị phái tả nắm quyền tại Ba Lan đã thành công rực rỡ trên toàn quốc. Được nhận vào trường Mỹ thuật nhờ tài vẽ nhưng lại bị đuổi ra, ông sẽ đậu trong kỳ thi tuyển vào trường Kịch nghệ Điện Ảnh sau đó. Từ năm 1958, ông thực hiện nhiều phim ngắn (court métrage ) rất có giá trị và bắt đầu gợi được sự chú ý của ngành điện ảnh khắp nơi, rồi ông kết hôn với nữ tài tử Barbara Kwiatkowska nhưng sẽ ly dị khoảng 4 năm sau.

 

Phim « Con dao trong nước » mà Roman làm vào năm 1962 là một bước ngoặc lớn cho cuộc đời ông sau đó. Bộ phim tuy không phải là bản cáo trạng của cách sống xã hội chủ nghĩa nhưng có để cho khán giả thấy được sự manh nha tư tưởng tranh đấu của một tầng lớp trong xã hội mà chế độ cộng sản đã khẳng định tiêu diệt được. « Con dao trong nước » không được tiếp nhận tốt tại Ba Lan nhưng là cánh cửa mở cho Roman đi về chân trời phía Tây  và bộ phim này đối với thế giới điện ảnh Âu Mỹ sẽ là một thành công đáng kể khi được đề cử là phim ngoại quốc xuất sắc ở đại hội điện ảnh New York sau khi đã đoạt giải ở Venise. Nhà đạo diễn trẻ tuổi người Ba Lan Roman Polansky đã như có được hộ chiếu để tự do sống và sẽ ném mình vào một môi trường sinh hoạt khác hoàn toàn phù hợp với tài nghệ và hướng đi của ông.

 

Định cư tại Paris và gặp gỡ những bạn tốt trước khi sang London để thực hiện một phim kinh dị do Catherine Deneuve đóng vai chính, lúc này vừa đúng 20 tuổi và đã bắt đầu nổi tiếng, đó là phim « Répulsion », ở Việt Nam thời bấy giờ đã dịch là  « Cánh hồng nhuộm máu ». Đây là một phim thường được so sánh với « Psychose »  do Anthony Perkins thủ vai chính, thực hiện bởi đại đạo diễn Hitchcok chuyên biệt về thể loại kinh dị … Roman Polansky còn rất trẻ, giờ đây, chiếm được hoàn toàn lòng ngưỡng mộ của khán giả cũng như các nhà sản xuất phim bắt đầu đặt tin tưởng vào ông.

 

Phim « Bản luân vũ của ma cà rồng »  năm 1967 cũng là một điểm son, do nữ tài tử tuyệt sắc Sharon Tate đóng cùng Roman và cả hai sẽ đi đến hôn nhân sau đó.

 

« Rosemary‘s baby »  là phim được Roman thực hiện với tâm huyết năm 1968, một phim kinh dị ngoại hạng, nữ tài tử thủ vai chính là Mia Farrow, thời còn là vợ của Frank Sinatra. Thành công của phim này cũng để lại dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của ông và Mia Farrow trở nên một tài tử lớn của Hollywood.

 

 

Nasstasja Kinski

 

Nhưng thảm kịch kinh hoàng của đời Roman xảy ra vào năm 1969, lúc ông đang quay một phim mới ở London, người vợ trẻ là Sharon Tate, có thai 8 tháng, đang họp bạn tại  căn nhà riêng ở Los Angeles ; một nhóm du thủ do tên Charles Manson cầm đầu đã đột nhập vào tận nơi và hạ sát nàng và 4 người bạn bằng dao nhọn. Cái chết thảm khốc của Sharon và thai nhi làm rúng động châu Mỹ, đã khiến Roman suy sụp trầm trọng. Ông đã cố gắng vươn lên sau đó để tiếp tục làm việc nhưng trong suốt 5 năm, những phim của thời kỳ bất hạnh và khó khăn này sẽ không mấy thành công …  Charles Manson cùng đồng bọn hiện còn ở tù chung thân, nay đều đã trên 70 tuổi ; gần đây, một đồng bọn của hắn vừa chết trong tù vì bệnh ung thư não, nữ sát nhân này đã từng thú tội chính tay mụ ta đã dùng dao đâm Sharon Tate bằng 16 nhát.

 

Phải chờ đến năm 1974, Roman thực hiện bộ phim « Chinatown »  thể loại trinh thám, do Robert Evans là nhà sản xuất, vai chính được đảm nhiệm bởi nam tài tử người gốc Anh là Jack Nicholson và nữ tài tử sáng giá Mỹ Faye Dunaway ( nổi tiếng từ phim Bonnie and Clyde ), cùng John Huston, đó là những quái kiệt nặng ký nhất của Hollywood …  đạo diễn Polansky mới thấy lại ánh sáng của cuộc đời : « Chinatown » là một thành công rất lớn, được đề cử cho giải Oscar đến 11 lần và lãnh giải phim hay nhất của năm cũng như Roman đã đoạt giải đạo diễn xuất sắc. Đây là một bước tiến mới rất quan trọng cho sự nghiệp của ông. Nhưng vụ tai tiếng về sắc lệnh của tòa án Mỹ tìm bắt ông vì tội quyến rũ gái vị thành nhiên đã khiến Roman phải bỏ nước Mỹ để trở về châu Âu.

 

Tại châu Âu, Roman không ngừng làm việc để đi đến quyết định thực hiện một tác phẩm văn học rất nổi tiếng của văn hào người Anh Thomas Hardy : « Tess of the Dubervilles » ( Trinh Nữ ). Bộ phim phản ánh rất trung thành tình tiết cũng như tâm lý nhân vật, do nữ tài tử trẻ đẹp người Đức tên là Nastassja Kinsky ( có nét rất giống Ingrid Bergman ) đóng vai nữ chính, trước đó Nastassja đã có liên hệ tình cảm với Roman và nhờ đóng phim này nàng sẽ thật sự bước lên đài danh vọng ; sắc đẹp hút hồn và tài nghệ của Nastassja trong vai cô gái quê ngây thơ phải sống một định mệnh tàn nhẫn đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. « Tess » là một phim được quần chúng đón nhận nồng nhiệt và thêm lần nữa, một phim của Roman được đề cử lãnh giải Oscar và Golden Globe, rồi sẽ đoạt hai César cũng như giải nhất tại Hàn Lâm Viện Mỹ Thuật Anh quốc. Đây là một phim rất hay và cảm động, dàn cảnh tuyệt vời, các diễn viên đóng đúng vai trò của họ và truyện phim giữ được phần hồn của tác phẩm văn chương, phong cảnh thiên nhiên của phim cũng rất đẹp …  Tóm lại, đây là một tác phẩm hoàn hảo mà Roman muốn thực hiện để tưởng nhớ và tặng riêng cho người vợ đã khuất Sharon Tate, đáp ứng hoàn toàn sự mong đợi của khán giả và giới phê bình không tiếc lời khen tặng …  Sau đó, Roman tiếp nối con đường vinh quang với nhiều phim khác, có cả sự cộng tác của Harrisson Ford và Johnny Deep …Ông định cư tại Pháp, kết hôn với một nữ tài tử Pháp là Emmanuelle Seigner vào năm 2000 rồi họ sẽ có với nhau 2 đứa con.

 

Và năm 2002, « The Pianist »  ra đời bằng tất cả tài năng và tâm huyết của Roman lại thêm một lần nữa làm rung chuyển màn bạc qua cách thực hiện đầy sáng tạo. Có thể nói đây là phim quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông cho đến nay, vì chính bản thân Roman cũng đã sống và lãnh chịu rất nhiều đau khổ cũng như chứng kiến mọi sự kiện kinh hoàng của thế chiến thứ 2 ; chính vì vậy bộ phim hay một cách sâu sắc, dàn cảnh rất thật trên giòng nhạc cổ điển đầy rung động. Nhà văn Wlady Szpilman đã viết lại cuộc đời mình vào thời điểm thế chiến bùng nổ, tại Varsovie, lúc ông là một người nhạc sĩ dương cầm trẻ tuổi tài năng Ba Lan gốc Do Thái phải sống những giờ phút bị săn đuổi bởi phát xít Đức ; gia đình bị bắt giam trong một trại tập trung, Wlady ở trong một ghetto với những người Do Thái và phải làm việc như một công nhân, sống trong những điều kiện vô cùng tàn bạo dưới sự canh giữ của quân đội Đức. Wlady lén lút cấu kết với nhóm người làm cách mạng và có nhiệm vụ đưa vũ khí cho họ. Nhưng rồi Wlady ngã bệnh nặng vì điều kiện sống quá kham khổ, nước uống thức ăn khan hiếm ; trong lúc mạng sống sắp nguy kịch, có một sĩ quan người Đức đã cứu giúp ông khi biết được tài nghệ âm nhạc của ông. Người sĩ quan này ra đi và để lại cho Wlady chiếc áo choàng của mình … Wlady là một trong những người hiếm hoi còn sống sót sau khi quân đội Nga tràn vào Varsovie.

 

Nam tài tử trẻ người Mỹ thủ vai chính là Andrien Brody đã diễn xuất thành công trọn vẹn vai trò của mình, gây được rất nhiều xúc động cho khán giả và xác định ngay tầm cỡ của một tài tử lớn với những giải thưởng quan trọng nhất.

 

 

le-bal-des-vampires

 

Ngoài ra, nhạc phim là điểm nổi bật bằng giòng nhạc cổ điển, ngoài một vài khúc của Bach và Beethoven, nhạc chính của phim là những khúc tuyệt vời và quan trọng nhất của Chopin (người nhạc sĩ gốc Pháp và Ba Lan) :  Ballade n° 1, Concerto n° 1, Grande Polonaise, Mazurka và Nocturne n° 20 cho phần mở đầu và đoạn cuối của phim.

 

« The Pianist »  đã đoạt 3 giải Oscar, giải Palme d’Or ở Cannes và 7 giải César, những giải Bafta và Golden Globe, chưa kể vô số lần được đề cử cho mọi giải, từ ánh sáng, âm thanh cho đến dàn cảnh, cách đóng phim, nhạc phim …  Bộ phim là một tác phẩm hoàn hảo và xuất sắc. Tên tuổi của Roman Polansky từ bây giờ sáng chói và gắn liền vĩnh viễn với nghệ thuật điện ảnh. Về sân khấu kịch nghệ, Roman cũng không kém hoạt động, ông đã viết cũng như diễn xuất và điều động sân khấu qua nhiều vở kịch rất thành công và trở thành hội viên của  Hàn lâm viện Mỹ thuật của Pháp. Những phim gần đây nhất đáng kể là « Oliver Twist »  dựa vào một tác phẩm danh tiếng của văn hào Charles Dickens « The Ghost Writer »  và « Carnage ».

 

Có thể nói Roman Polansky có niềm đam mê vô hạn và làm việc suốt đời vì điện ảnh như đạo diễn lớn của chúng ta là Lê Hoàng Hoa. Sự nghiệp đáng kể của Roman đã luôn là một đóng góp vĩ đại cho nghệ thuật này từ châu Âu cho đến Hollywood, tài năng sáng tạo của ông đã cống hiến cho giới yêu thích điện ảnh nhiều tác phẩm có giá trị về mọi mặt, nhất là sự phản ánh trung thực những tác phẩm văn học, điều mà nhiều đạo diễn không còn chú ý đến đã khiến khán giả có cảm giác không còn được tôn trọng. Roman Polansky đã sống một định mệnh ngoại hạng và bảo tồn nghệ thuật bằng chính tài nghệ của mình./.

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 2693
Ngày đăng: 13.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Romy Schneider, Nữ Hoàng Sầu Muộn - Đỗ Nguyễn
Công Viên Điện Ảnh Futuroscope - Đỗ Nguyễn
Chủ nghĩa tư bản: Một chuyện tình - Anh Dũng
Xem Phim « Bel Ami » ( Người Tình Phóng Đãng) - Đỗ Nguyễn
Audrey Hepburn trái tim nhân ái - Sâm Thương
Grace Kelly thời khắc của định mệnh - Sâm Thương
huyền thoại của điện ảnh Pháp - Sâm Thương
Điện ảnh Ấn Độ còn lạ lẫm với người Việt Nam ? - Anh Dũng
Rita Hayworth hành trình qua địa ngục - Sâm Thương
Làn sóng Hàn Quốc từ âm nhạc và phim ảnh, thử tìm lời giải đáp - Anh Dũng
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)