(Trích dịch)
Văn tự Trung Hoa từ Giáp cốt văn kinh qua những thời kỳ chuyển hoá: Minh văn (tức đại triện lưu hành thời Xuân Thu-Chiến Quốc)-Tiểu triện (lưu hành đời Tần)-Lệ thư (đời Hán) đến Khải thư là tự thể lưu hành đến hiện tại. Bước chuyển hoá cuối cùng từ Lệ thư đến Khải thư diễn ra vào thời Đông Tấn (CN 317-420), thời kỳ này xuất hiện một nhà thư pháp lớn, được hậu thế tôn xưng “Thánh thư”: Vương Hi Chi (王 羲 之).
Vương Hi Chi tự Dật Thiếu, vì từng giữ chức Hữu quân Tướng quân nên đời cũng gọi “Vương Hữu Quân”. Thời trẻ Vương Hi Chi theo học tập thư pháp với Vệ phu nhân, tức nữ thư pháp gia Vệ Thước (衛 鑠). Về sau khắc khổ tự học, thu thái sở trường của nhiều thư pháp gia Tần Hán như Lý Tư, Tào Hỷ, Sái Ung, Chung Dao…rồi sáng tạo phong cách riêng. Vương Hi Chi sở trường chữ thảo của tất cả mọi tự thể. Thảo Lệ, Thảo Hành, Thảo Khải…ông đều đạt cảnh giới thần diệu. Chữ viết của ông rất được người đương thời trọng thị. Dù là một chữ người ta cũng trân trọng cất giữ, cho nên họ Vương đã để lại khá nhiều giai thoại quanh ngọn bút của mình.
Một lần Vương Hi Chi cùng bạn bè mở tiệc rượu ở Lan Đình thuộc Âm Sơn, Cối Kê (nay thuộc tỉnh Chiết Giang). Ông đã cao hứng vung bút viết một bài văn kỷ niệm. Đó là bài “Lan Đình tập tự”, được coi là một kiệt tác của lịch sử thư pháp Trung Hoa. Rất tiếc, bản chính ngày nay đã thất truyền.
Lần khác, họ Vương đến chơi nhà một học trò. Ngồi trong thư phòng bên cạnh một chiếc bàn mới, thấy mặt bàn sạch sẻ bóng loáng ông cao hứng, viết lên đó mấy dòng chữ rồi ra về. Người học trò nâng niu trân trọng bút tích của Vương hơn cả một bảo vật. Hôm sau anh có việc đi ra ngoài. Người cha vào dọn dẹp thư phòng, ngỡ là mặt bàn bị vấy mực bẩn, bèn lấy dao cạo sạch vết mực. Người học trò trở về, kêu trời không thấu.
Một lần khác nữa, Vương Hi Chi đi qua một chợ làng, thấy có bà lão đang rao bán một sọt quạt đan bằng nan tre. Vì loại quạt quá thô lại không trang trí nên chẳng ai để tâm. Vẻ lo buồn của bà lão làm Vương động lòng. Bèn lấy bút mực viết lên mỗi chiêc quạt vài chữ rồi bảo bà đem rao bán, nói “Đây là chữ của Vương Hữu Quân”. Bà lão bán tín bán nghi nhưng cũng làm theo lời dặn. Quả nhiên trong chớp mắt sọt quạt đã hết sạch.
Vương Hi Chi bình sinh rất thích Bạch Nga (Ngỗng trắng). Tương truyền tại Sơn Âm (nay là huyện Thiệu Hưng, Chiết Giang) có một đạo sĩ nuôi một đàn ngỗng rất đẹp. Vương Hi Chi sáng sớm nào cũng thả một chiếc thuyền con đến ngắm say mê. Họ Vương nhiều lần thương lượng để mua nhưng đạo sĩ không đồng ý. Mãi về sau đạo sĩ mới nói: “Lâu nay tôi chỉ thích một bản chép “Đạo Đức kinh”. Lụa và bút mực tôi đã chuẩn bị sẵn từ lâu nhưng không ai chép được. Ngài chỉ cần chép cho tôi hai chương thôi, đàn ngỗng này sẽ là của ngài”. Trừ những lúc cao hứng tự vung bút, bình thương xin chữ của Vương Hi Chi rất khó. Nhưng lần này ông sảng khoái ngồi viết suốt nửa ngày. Giao hai chương sách cho đạo sĩ rồi lùa bầy ngỗng đi ngay. Lòng tràn ngập vui sướng tới độ quên cám ơn và chào từ biệt chủ nhân.
Thời Thịnh Đường (hơn 200 năm sau), nhà thơ Lý Bạch rất ngưỡng mộ phong cách tiêu sái nhàn dật của Vương Hi Chi. Giai thoại trên đã khiến ông vô cùng cao hứng, viết một bài ngũ ngôn:
王 右 軍. 李 白.
右 軍 本 清 真,
瀟 洒 出 風 塵.
山 陰 遇 羽 客,
愛 此 好 鵝 賓.
掃 素 寫 道 經,
筆 精 妙 入 神.
書 罷 籠 鵝 去,
何 曾 別 主 人.
VƯƠNG HỮU QUÂN. Lý Bạch.
Hữu Quân bổn thanh chân,
Tiêu sái xuất phong trần.
Sơn Âm ngộ vũ khách,
Ái thử hảo nga tân.
Tảo tố tả Đạo kinh,
Bút tinh diệu nhập thần.
Thư bãi lung nga khứ,
Hà tằng biệt chủ nhân.
VƯƠNG HỮU QUÂN.
Thanh thản nhất Hữu Quân,
An nhiên giữa phong trần.
Sơn Âm gặp đạo sĩ,
Ngỗng đẹp, thích vô ngần.
Hăm hở chép “Đạo kinh”,
Vui tràn, bút nhập thần.
Chép xong vội lùa ngỗng,
Quên từ biệt chủ nhân.
Trong bài thơ, Lý Bạch có dùng chữ “Vũ khách”: Thời xưa các đạo sĩ thường mặc áo kết bằng lông vũ. Đương thời dùng hai chữ này chỉ đạo sĩ.
Vương Hi Chi từng làm quan ở nhiều địa phương và cũng từng du lịch khá nhiều giang sơn thắng tích. Đến đâu ông cũng đặc biệt nghiên cứu tinh hoa của các thư pháp gia tiền bối còn lưu trên những văn bia, và tại mỗi nơi ông đều luyện tập không ngừng nghỉ. Năm Vĩnh Hoà thứ mười hai Đông Tấn Mục Đế (CN 356), Vương Hi Chi được bổ nhiệm Thái thú Vĩnh Gia (nay là thành phố Ôn Châu, Chiết Giang). Ông cư ngụ trong hẽm Dương Liễu. Do luyện chữ, hằng ngày phải rửa nghiên bút nhiều lần, tương truyền ao nước gần nhà chuyển thành màu đen như mực. Người trong vùng gọi đó là Ao Mực “Mặc Trì” (墨 池).
Thời Trung Đường, nhà thơ Lưu Ngôn Sử đến Vĩnh Gia có ghé thăm nơi ở xưa của Vương Hi Chi tại hẽm Dương Liễu. Người xưa đã đi vào thiên cổ, nhà xưa chỉ còn là phế tích hoang tàn. Nhưng ao nước cạnh đó, cảm tưởng như vẫn còn đen màu mực. Nhà thơ tức cảnh viết một bài thất tuyệt:
右 軍 墨 池. 劉 言 史.
永 嘉 人 事 盡 成 空,
逸 少 遺 居 蔓 草 中.
至 今 池 水 涵 余 墨,
猶 共 諸 泉 色 不 同.
HỮU QUÂN MẶC TRÌ. Lưu Ngôn Sử.
Vĩnh Gia nhân sự tận thành không,
Dật Thiếu di cư mạn thảo trung.
Chí kim trì thuỷ hàm dư mặc,
Do cộng chư tuyền sắc bất đồng.
AO MỰC HỮU QUÂN.
Vĩnh Gia người trước chẳng còn ai,
Dật Thiếu, nhà xưa cỏ mọc đầy.
Ao nước ngày nay còn nhuốm mực,
Không như màu sắc nước quanh đây.
Dật Thiếu là tên tự của Vương Hi Chi. Thời Bắc Tống, thư pháp gia Mễ Phế đã lập bia bên bờ ao và khắc hai chữ đại tự “Mặc Trì”. Về sau, hẽm Dương Liễu cũng được cải tên “Mặc Trì Phường” (墨 池 坊).
Nói Vương Hi Chi sở trường Thảo thư, tưởng cũng nên giải thích thêm: Thảo thư không phải là một tự thể độc lập, mà là một hình thức phóng bút của tất cả mọi tự thể. Có nghĩa là tự thể nào cũng có thể viết thành Thảo thư. Cho nên mới có Thảo triện, Thảo lệ, Thảo hành, Thảo khải. Đời Hán lưu hành Lệ thư thì xuất hiện những nhà thư pháp chuyên Thảo lệ như Trương Chi, Đỗ Độ…Đời Tấn Khải thư ra đời cũng xuất hiện nhiều nhà thư pháp chuyên Thảo khải. Nhưng sở trường Thảo thư của Vương Hi Chi là Thảo thư của tất cả mọi tự thể, tức sở trường đa dạng, chứ không thuần một tự thể như Đỗ Độ, Trương Chi đời Hán.
Chân tích của Vương Hi Chi tới thời Nam Bắc triều và đời Tuỳ đã trở thành quí hiếm, nhất là kiệt tác “Lan Đình tự”. Những nhà sưu tập và những thư pháp gia đương thời tranh nhau đi tìm, nhưng không mấy ai đạt mục đích. Cuối cùng người ta nghiên cứu được một phương pháp tạo phó bản, gọi “Câu mô pháp” (勾 摹 法). Theo phương pháp này, dùng sáp ong nấu chảy thoa nhẹ lên một tờ giấy trắng cho ánh sáng dễ soi thấu, áp tờ giấy lên nguyên bản, soi lên ánh mặt trời rồi đồ mực thật nhạt. Sau đó căn cứ theo nguyên bản đi mực lại những chỗ đậm nhạt là có một phó bản.
Từ đời Đường, thư pháp của Vương Hi Chi có nhiều người làm “Câu mô” rất tinh vi, thậm chí khó phân biệt với chân tích. Từ thời Ngũ Đại về sau, ngay cả phó bản của họ Vương cũng khó tìm chứ đừng nói tới chân tích. Mặt khác, còn có một số mô bản không cách nào phân biệt chân giả, đưa tới những tranh cải tới nay chưa ngã ngũ.
(Dịch từ “Đương thi Cố sự tục tập” của Lật Tư (quyển 2). Trung Quốc Quốc Tế Quảng Bá xuất bản xã Bắc Kinh-1988.)