Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.216.202
 
Tình Đầy Tình Xa Nhau
Nguyễn Trung Dũng

 

 

“tình trong cơn yêu dấu

 tình đầy tình xa nhau”

 (tcs)

 

Đường dốc đổ xuống, đụng ngã ba cao tốc thì tẽ ra làm hai. Một ngả quẹo trái, một ngả quẹo phải, cái hướng Đông, cái hướng Tây, dài hun hút, xa thăm thẳm, mỗi lối mỗi nơi mà đi. Ở hai bên đường dốc đồi đổ xuống, là rải đất hoang cỏ dại mọc. Đến mùa cúc, hoa cúc nở. Màu vàng, màu của hoàng bào Vua Chúa.

 

Để cúc sống bất tận, Bảo đưa hoa cúc vào những bức hình. Chụp rồi phóng lớn để giữ. Những bức hình đó, không hình nào là không có Thảo đứng, ngồi hoặc nằm. Đấy là những lần Bảo và Thảo đến đó, đi len lỏi giữa những cây cúc hoa vàng hoe, hoa và những con sáo lông đen mỏ vàng bay lả cánh trên đầu ngọn cỏ, những con ong vo ve đảo trên những nhụy hoa hút mật.

 

Khi mùa cúc tàn, cây cúc bị guồng máy sén, cắt thân gốc cụt, nhưng hoa cúc vẫn không bị cắt trên những tấm photo mà Bảo đã chụp. Thảo ngồi, đứng hoặc nằm vẫn đấy. Hoa cúc vàng vẫn đấy. Sáo, chim thiên di và những con ong bầu vẫn còn đấy. Nhưng tất cả, thay vì chuyển động đã không còn chuyển động như cảnh thực, vật thực ở ngoài đời. Dù sao, hình ảnh đó vẫn tồn tại thay cho hình ảnh thực bên ngoài đã biến mất. Nhiều đêm tối trời, với ngọn đèn tỏa sáng, Bảo còn lặng lẽ lật từng trang ảnh, nhìn ngắm hoa và chiêm ngưỡng dung nhan của Thảo qua những bức ảnh đã chụp được. Yêu hoa và yêu người như Tú Uyên yêu tranh vẽ tố nữ, yêu đến độ tưởng tượng người đẹp trong tranh bước ra trở thành người thật để đi đứng nằm ngồi, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, vui thú thỏa thích. Nếu Thảo là người tố nữ trong tranh của Tú Uyên, cũng từ những bức ảnh bước ra, cũng ngồi bên cạnh Bảo vào đêm hôm khuya khoắt, Bảo chắc chắn sẽ vui hơn bất cứ những cái vui đã có từ trước đến nay, suốt trong quãng đời của chàng.

 

Nhưng điều đó chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng do tưởng tượng xa vời và thần thánh hóa mà có. Còn những bức ảnh vẫn là những bức ảnh với hình chụp Thảo và Hoa Cúc vô tri bất động.

 

Đường dốc đổ xuống, đụng ngã ba cao tốc thì tẻ ra làm hai. Một ngả quẹo trái, một ngả quẹo phải, cái hướng Đông, cái hướng Tây, dài hun hút và xa thăm thẳm, mỗi lối mỗi nơi mà đi. Ở hai bên con đường dốc đồi đổ xuống, rải đất hoang có cỏ dại mọc, nơi mà mùa hoa cúc nở, vàng như áo hoàng bào, nay không còn thấy nữa. Đất được ủi, nhà được xây, building được cất, thương xá tiệm buôn được thành lập, cúc tới mùa nở đã không còn nở để trải màu vàng của tấm áo hoàng bào. Cả chim thiên di, sáo mỏ vàng chân chì, ong bầu cổ quàng khăn trắng, chúng không còn lai vãng tới nơi chợ búa ồn ào xe cộ, nhà cửa cư dân đông đúc.

 

Những tấm hình cuối cùng chụp cho Thảo vào mùa cúc nở, cũng là lần cuối cùng Bảo xa Thảo sau đêm cưới ở nhà hàng. Nàng lên xe hoa về nhà chồng và kể từ đó, Bảo mất người mẫu đứng làm mẫu cho chàng chụp những bức ảnh “Người Con Gái Trên Cánh Đồng Hoa Cúc”.

 

Nghìn trùng xa cách, Bảo chỉ còn hình ảnh Thảo qua những tấm photo như Tú Uyên có bức tranh vẽ người tố nữ. Tình yêu hư mà thực, thực mà hư như một căn bệnh ảo tưởng không có, có không.

 

Một ngày trên chuyến bay đường dài về Việt Nam, cạnh cái số ghế Bảo ngồi lại là cái ghế có số của Thảo. Ở gate phòng đợi, Bảo đã nhận ra Thảo là người hành khách đáp cùng chiếc Boeing cất cánh từ phi trường San Francisco vào đêm thứ bẩy. Bảo cảm thấy bất ngờ khi trông thấy Thảo đứng ở quày  vé để đưa vé cho người kiểm soát soát vé của mình. Thời gian đợi lên phi cơ, câu chuyện giữa hai người đã được trao đổi qua những lời đối thoại:

 

“Đúng là một phép lạ. Không ai bảo ai mà mình đi cùng một chuyến bay”.

 

“Phải cám ơn ai đó đã khéo léo xếp sắp cho anh và em đi cùng chuyến như thế này. Đường dài sẽ không dài nữa với những câu chuyện anh em mình đem ra kể cho nhau nghe”.

 

“Còn chồng em, sao anh  không thấy. Chẳng lẽ em đi một mình không có anh ta”.

 

“Đi một mình, đi hai mình có gì quan trọng mà anh phải thắc mắc. Một mình còn khỏe hơn hai mình anh ạ”.

 

“Nghe em nói, anh linh cảm giữa em và chồng em có chuyện gì bất hòa. Như thế có đúng không”.

 

“Đúng. Em và anh ấy không ở với nhau nữa”.

 

“Tại sao lại có chuyện đó”.

 

“Đơn giản thôi, không hợp thì không ở”.

 

“Biết chứ. Ở với nhau phải biết tương kính, tôn trọng lẫn nhau, nhường nhịn và khoan dung nhau, ở thế vợ chồng mới ăn đời ở kiếp được. Còn một đằng là sắt thép, một đằng là đất bùn, lèn ép, đè nén thì không đằng nào chịu đằng nào cả. Anh là người ngoại cuộc, nói chỉ nói thế, anh chẳng hiểu gì đâu”.

 

“Nếu thế thì khó thật. Đám cưới xong, trước thích sau chán, trước âu yếm mặn nồng sau ruồng rẫy phụ bạc, đêm tiệc vui không hơn gì cái sân khấu diễn tuồng. Anh chưa phải là một diễn viên sắm vai trong vở kịch đó, có nói, có nhận xét, có phê bình, thì nói, nhận xét và phê bình chắc chắn không đâu vào đâu cả”.

 

“Từ ngày xa em, anh vẫn nghĩ em sẽ có hạnh phúc. Hạnh phúc của một người con gái bước sang một người vợ và một người mẹ sung sướng và mãn nguyện”.

 

“Tất cả đều chỉ là cái tưởng khi điều đó chưa là sự thực. Chuyện đó kể như xong rồi em không muốn nhắc đến nữa. Còn anh, bấy lâu nay anh sống ra sao, làm được những gì”.

 

“Anh vẫn đi làm. Đi làm để vực cuộc sống. Đồng tiền vẫn là sức bật để mình không bị rơi xuống hố sâu của vực thẳm”.

 

“Còn chụp ảnh và còn đến những nơi có cúc mọc?”.

 

“Cúc ở rải đất có hoa cúc bây giờ không còn nữa. Em và cúc có còn là còn ở những tấm ảnh anh đã chụp và giữ đến bây giờ. Đất của cúc đã bị ủi, bị san, bị cắm cọc để xây cao ốc và những ngôi nhà dân, thương xá. Thiên nhiên cảnh vật cứ mỗi ngày bị phá trụi và đẩy lùi ra xa để con người chiếm đất định cư. Đường từ dốc đồi đổ xuống, bao giờ em có dịp ghé tới, em sẽ thấy chẳng còn gì thích để phải ghé thêm một lần nữa cho mất công”.

 

“Sau chuyến đi này, về lại Mỹ, em muốn coi lại những tấm ảnh anh đã chụp. Những tấm ảnh ghi lại dấu vết của thời gian”.

 

Đã tới giờ lên tầu, họ ngưng nói chuyện để lên tầu. Hành lang dẫn vào nách phi cơ, hành khách nối đuôi đi xuống. Ngồi ở gần đuôi, ghế của Bảo sát cửa sổ,cạnh ghế của Bảo là ghế của Thảo. Phi cơ được kéo ra sân. Từ đó, nó có thể lăn bánh bò về phi đạo. Có vài chiếc ra trước đang nằm trên đường băng, gầm rú lấy trớn, bánh trượt nhanh trên sàn rồi nhấc khỏi mặt đất bay lên. Chiếc kế tiếp đến chiếc của Bảo cũng gầm rú lấy trớn, bánh trượt nhanh trên sàn rồi cũng nhấc bổng thân tầu bay lên. Ở độ thấp vọt lên độ cao cao hơn, cao tới chừng đã đủ thì tầu cân bằng cứ từ từ ngoi về phía trước. Rung giảm, khua bớt, âm thanh đều, đấy là lúc máy bay bay bình thường như con chim nhẹ nhàng sải cánh vỗ. Mắt đã tới lúc nhìn xuống không thấy cảnh vật, Bảo quay sang Thảo để chuyện trò:

 

“Sống thấy cuộc đời nhiều khi lãng nhách. Chết thì chết không dễ gì chết được. Vậy sinh ra để làm gì lạ nhỉ”.

 

“Tại kiếp. Kiếp làm người. Anh hay nghĩ lẩn thẩn nên hay đặt câu hỏi ra để hỏi. Còn những người khác cả đời họ chẳng bao giờ đặt câu hỏi để hỏi mình như thế bao giờ. Ăn, ngủ, hưởng thụ, cứ vậy ngày tháng năm họ lặp đi lặp lại không biết chán cho đến khi mắt nhắm. Xuôi tay rồi, một kiếp làm người kể như xong”.

 

“Còn mình, tại sao lại thắt mắc. Thắc mắc để làm gì?. Thắc mắc có giải quyết được gì không?. Thắc mắc rồi lại thắc mắc chẳng đi tới đâu vì vấn đề ngoài tầm tay với. Nó là cái cục bướu mọc trên cần cổ, cắt nó thì nó chạy độc, không cắt nó thì ta suốt đời phải vác cục bướu nặng trên cổ ta”.

 

Những câu chuyện trên đường dài nói qua nói lại giữa Bảo và Thảo cứ thế nhùng nhằng và dai nhách như kẹo cao su nhai trong miệng. Họ trở lại thực tế:

 

“Tình yêu và tình dục, theo như anh hiểu thì nghĩa nó ra làm sao?”

 

“Tình yêu là tình cảm giữa hai người, tình dục cũng giữa hai người về phần xác thịt. Cân bằng hai vế thì nó là người bạn tốt giúp ta. Nghiêng bên này hay bên kia thì lệch đòn ngang tất nhiên lệch bên nào xấu bên đó. Mọi cái thái quá đều đưa đến hậu quả tồi tệ về điểm này hay điểm kia. Anh là người chưa có kinh nghiệm bản thân nhiều, phát biểu chỉ có tính cách trừu tượng thiếu cụ thể nên em hỏi thì nói”.

 

“Tình yêu đến trước rồi tình dục đến sau. Người này yêu người kia bằng tình cảm lúc ban đầu rồi tình cảm đổi vế sang tình dục mãnh liệt đi đến lòng thỏa mãn chiếm đoạt. Chiếm đoạt và thỏa mãn rồi, thì cả tình yêu lẫn tình dục đều bị bão hòa giảm bớt đi tới gượng hoặc chán ở trạng thái hết đam mê. Em nghiệm qua người chồng của em để em suy ra điều đó một cách thẳng thắn và trung thực”.

 

Bảo không ngạc nhiên khi nghe Thảo bạo miệng đưa ra vấn đề gai góc khó nói mà những người đàn bà khác cố tình lẩn tránh. Vốn dĩ học thức, hiểu biết rộng rãi, am tường đa dạng, Thảo coi đây là đề tài về tâm sinh lý hơn là chuyện dung tục tầm thường. Sao phải ngại miệng khi đem ra thảo luận với Bảo dù Bảo là người khác giới tính. Bảo nhìn ra điều đó một cách nhanh chóng để không cần ngạc nhiên là vì vậy.

 

“Anh thấy sao. Tình yêu đơn thuần chẳng lẽ chỉ đi đến một mục đích là thỏa mãn đòi hỏi cho cá nhân rồi sau đó, như một kẻ đã ăn no bụng nằm kềnh ra như một con trâu nước. Không phải như thế đâu. Nhận thức hẹp hòi và thô thiển đã khiến không nhiều thì ít người ta nghĩ rằng vấn đề chỉ có thế. Quan niệm đó không có chân đứng thì đứng làm sao vững vàng được. Phải hiểu cho đúng nghĩa về tình yêu và tình dục nó nương tựa nhau, nó hòa đồng và cấu kết nhau trong một nền tảng chắc chắn và tồn tại lâu dài. Còn nếu không, một trong hai người sẽ có một người tự phá vỡ và thoát ly để bảo vệ quyền sống của mình. Đấy là lẽ phải hợp lý và sự công bằng tất yếu muốn có”.

 

Trong khi Thảo say mê nói, máy bay vẫn bay trên độ cao của bầu trời đầy mây trắng. Vẫn tiếng ầm ì đều đặn của âm thanh thổi và hút không khí của máy phản lực vận hành không thay đổi. Hầu như hành khách chẳng một ai chú tâm về tiếng động của con chim sắt đang kêu và đang dang rộng cánh bay về nơi muốn về. Ngủ với giấc ngủ dễ dàng để quên lãng thời gian và để lấy lại sức khỏe mấy ngày trước họ đã tiêu phí trong những công việc thu xếp hành lý và đợi ra phi trường. Với Bảo và Thảo, cuộc gặp gỡ hi hữu lại là cơ hội và dịp may để cả hai tâm sự thay vì cuộn mình vào giấc ngủ như những hành khách trên tuyến đường bay.

 

“Em về chẳng có mục đích gì khác là trốn hiện tại. Hiện tại dằn vặt và hành hạ thân xác tinh thần mình quá đáng bởi những đòn thù của những cơn đau không thể chịu đựng được. Bằng cách xoa dịu và hàn gắn vết thương, tìm lại quá khứ là cách tốt nhất để lãng quên cái cùng quẫn bủa vây quanh mình. Ở San Jose, ngày với ngày buồn ngắt và chán nản, ngày với ngày nối gót theo nhau trong muộn phiền đọa đầy tâm can, em chỉ có cách giải tỏa là đem quá khứ những ngày đã mất thật đẹp và đáng trân quí để xoa dịu nỗi đau và sự thương tổn để bù đắp lại, Trong tình người, tình đời và cuộc sống, ta có lúc bị xói mòn trước dòng lũ lụt của bạo hành, em tin rằng những kỷ niệm xa xưa sẽ là chất nước mát giải cơn nóng hạ của nhiệt độ mùa hạ nghiệt ngã. Về, chuyến về của em khác với những chuyến về của những người muốn nhìn thấy hiện tại có những ngôi nhà chọc trời mới xây, những con người quí tộc mới có, của một triều đại đa số dân chúng vẫn còn đói nghèo. Nhìn xuống tận cùng cái khốn cùng mà không phải nhìn lên cái phồn vinh giả tạo của những tòa nhà hoành tráng nguy nga mới cất sau này. Nhìn xuống và nhìn thấy những đền đài cổ xưa đã có từ nghìn năm vẫn đấy hơn là nhìn những chiếc xe hiện đại bóng loáng chạy trên đường phố đông người buôn thúng bán bưng. Nhìn thẳng và nhìn qua nước mắt để thấy những trẻ nhỏ kiếm tiền bằng những tấm vé số, những người hành khất mù lòa què cụt ngồi trên những chiếc xe lăn cũng kiếm sống bằng những tờ báo mới phát hành. Về, em về trong tư thế của một người cúi xuống trên đau thương của mọi người hơn là về để tìm kiếm niềm vui cũng trên đau khổ của người khác”.

 

Thảo nói như Thảo đang đọc một bài viết giữa một đám đông quan khách ở một buổi lễ lạt thường thấy ở San Jose. Nhưng bài diễn văn không được viết sẵn trên giấy, không cầu kỳ và làm dáng được soạn thảo kỹ càng mà một bài diễn văn toát ra từ trái tim chân thật như thơ làm của Phùng Quán. Phùng Quán nói về Yêu và Ghét trong Lời Mẹ Dặn chẳng hề giả dối hay bẻ cong lòng dạ, cứ thật lòng thật bụng Yêu bảo là Yêu, Ghét kêu là Ghét, dù ai dụ dỗ cũng không nói Ghét thành Yêu, Yêu thành Ghét được. Thảo chỉ là một người đàn bà nhưng lời Thảo thốt ra, Bảo nhận thấy người đàn bà ở Thảo là một người đàn bà đứng hay bay trên cao những người đàn bà khác mà Bảo gặp. Chẳng lẽ lại không bày tỏ tư tưởng của mình trước lời nói cởi mở phóng khoáng của Thảo, Bảo không cần suy nghĩ đã chân thật lên tiếng như nói đúng nói thực với lòng mình.

 

“Chuyến đi này ngoài ý muốn anh muốn. Không bao giờ anh muốn về một nơi mà nơi đó bây giờ chẳng có gì đáng để anh bận tâm phải về. Người mẹ chết, một cái chết của mẹ anh là lý do chính đáng để buộc anh phải về thọ tang hơn là về tìm lại thành phố cũ mà mình đã mất. Sàigòn đối với anh trước và nay vẫn là một, nhưng chế độ mới trước và nay không thể coi là chế độ đáng để anh phải nhọc lòng phục tùng. Một con sói biến thành bà già dụ cô bé quàng khăn đỏ chỉ là câu chuyện rất bình thường được viết ra, đem so với những người mới của chế độ mới thì chắc chắn có những điểm giống nhau y hệt. Trong “Que devons vous faire” Chúng Ta Phải Làm Thế Nào của Tolstoi có câu: “Loài người đang gặp biết bao nhiêu sự khổ sở, đau đớn rất tội nghiệp, ai có thì giờ đâu ngao du đùa bỡn”. Từ những sách vở anh đọc, đôi khi bắt gặp những câu văn bắt mình phải rọi sáng tâm trí mình để mình suy nghĩ và đừng lầm tưởng. Một câu khác của Elie Weisel anh nhớ: “Khi một người bị bắt phải chết, tất cả mọi người đều can dự. Khi một nhóm dân thiểu số bị sỉ nhục, nhân loại bị đe dọa”. Muốn hiểu thế nào thì hiểu, cái nhìn vẫn phải là thực tại đang xẩy ra trên đất nước mình. Chỉ trừ ra, ai đó và người nào có tai nhưng cố tình bịt tai, có mắt nhưng cố tình che mắt, có đầu óc suy nghĩ nhưng cố tình không muốn suy nghĩ, thì những cái chết chung quanh họ, hết thẩy chẳng liên quan tới họ để họ phải quan tâm nghĩ đến”.

 

Từ chuyện tâm sinh lý về vợ và chồng, cuộc mạn đàm đã đi quá xa để rơi vào lãnh vực chính trị vốn từ xưa đến nay chẳng hay ho gì. Nhưng chính trị vẫn là vấn đề luôn luôn chi phối cuộc sống và con người, cho nên vì thế khi con người và cuộc sống bị chính trị tác động thì chính trị là vấn đề rất quan trọng cần được nói đến.

 

Động cơ vẫn phát ra những tiếng động ầm ì đều đặn và buồn ngủ. Đã hạ xuống độ thấp có thể nhìn từ khung cửa nhỏ thấy đồng ruộng, sông ngòi, nhà cửa, cây cối và những con đường, chiếc phản lực chở hành khách có vẻ như đang nghiêng cánh để đảo vòng bay, đáp xuống phi trường. Chẳng mấy chốc, tầu đã lấy chính xác đường hạ cánh trực chỉ phi đạo để thả bánh và trượt nhanh trên mặt đất với tốc độ thắng không đủ sức kìm. Rồi phải ít phút sau, nhẩy nhổm đuôi lấy thăng bằng, máy bay mới thật sự yên ả tìm đường chạy vào sân phi cảng.

 

“Tạm biệt. Hứa hẹn ở những lần gặp khác”.

 

“Tạm biệt. Anh không muốn tìm em vào những ngày ở Sàigòn nữa hay sao”.

 

“Đầu óc lại u mê, anh cứ ngỡ anh xa em là em lại về với chồng. Đúng, những ngày rảnh rỗi ở Sàigòn, tại sao mình lại không tìm nhau để được gặp nhỉ.”

 

“Đã là bạn, phải trân trọng và giữ gìn tình bạn cao quí đó. Đừng lẫn lộn tình bạn với tình yêu và tình dục vì ba cái tình đó có ngôi thứ đàng hoàng của nó rồi”.

 

“Đúng vậy”.

 

Từ sân bay, Bảo và Thảo chia tay.

 

2.

 

Đường đổ dốc đồi đụng “highway” thì tẽ ra làm hai. Một chạy về hướng Đông. Một chạy về hướng Tây. Hai con đường đó như hai cánh tay dang ngang, bàn tay của mỗi cánh tay với rất xa, xa ngoài tầm nhìn của mắt. Vẫn giữa con đường, rải đất hoang có hoa cúc vàng nở rộ, trong tiềm thức, trí nhớ giúp Bảo nhớ đến hoa cúc vào những mùa cúc nở. Nhưng hiện tại, buổi sáng đứng ở sườn dốc của con đường, Bảo chỉ thấy những ngôi nhà mới khang trang, những cửa tiệm buôn, siêu thị nằm trong khu thương xá tường quét sơn màu hồng. Có một điều làm Bảo vui thú muốn sống, đấy là Thảo vẫn là Thảo, Thảo thực sự bằng xương thịt và Thảo tồn tại mãi mãi trong những tấm photo Bảo đã chụp cho nàng. “Người Con Gái Trên Cánh Đồng Hoa Cúc”, tấm đẹp nhất được phóng lớn với cái tựa đề Bảo đọc được treo nơi trang trọng nhất trong căn phòng Bão ngủ. Ở đó, mỗi lúc nằm ngả người, hai tay làm gối gối đầu, mắt Bảo có thể nhìn lên tấm ảnh phóng lớn lộng kính, thấy Thảo và Hoa Cúc Vàng trên cánh đồng cúc./.

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 2071
Ngày đăng: 21.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lan Man Chuyện Mèo Chuyện Chó - Nguyễn Hữu Duyên
Cây Đào Già Trước Sân - Trần Huy Đức
Thềm nắng - Quế Hương
Từ Cuộc Đời Đến Trang Văn - Trần Minh Nguyệt
Buổi Sáng, Vườn Cây Chim Hót - Nguyễn Trung Dũng
Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm - Quế Hương
Tôi, Kẻ Nhiều Chuyện - Ngô Văn Cư
Quả Bóng - Lê Văn Thiện
Phố Hoài - Quế Hương
Trước lúc lên đường - Hoàng Mai
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)