Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.172
123.223.066
 
Chuyện nhỏ thôi, Vietnam Blues.
Phan Bá Thụy Dương

 

Đã gần một năm Sơn mới trở lại thăm khu vườn hồng nổi tiếng khắp lục địa Hoa kỳ này.  Hôm nay là ngày đầu người dân tiểu bang Ohio kỷ niệm lễ hội hoa hồng thường niên tại khu Park of Rose ở Columbus.  Vì lễ hội khai trương vào các ngày cuối tuần nên khách thưởng hoa từ các nơi đổ về dồn dập.  Họ đến đây không phải chỉ vì bây giờ là thời điểm hoa hồng nở rộ và rực rỡ nhất, mà tại đây người ta còn có thể tìm thấy, chiêm ngưỡng hơn 350 loại hoa hồng rất quí hiếm khác nhau. Chẳng hạn từ thứ hoa hồng bé tí teo cho đến thứ hoa 7 sắc màu cầu vồng sang trọng mà giá trên thị trường rất đắt. Trong khu vườn rộng 13 mẫu này, khách nhàn du còn có thể tìm thấy 350 lọai hoa thủy tiên đủ màu.

 

Nhiều người cho rằng hoa hồng là biểu tượng cao quí, là thông điệp của tình yêu. Mỗi màu mang một ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn:

 

Hoa hồng màu xanh phơn phớt tặng cho người khác phái là để ngụ ý mong muốn được khởi sự một cuộc tình ban đầu trong sáng và thơ mộng.

Còn hoa hồng bạch thì chỉ sự gây thơ duyên dáng và dịu dàng, khiêm tốn

Hoa hồng thẫm: tình yêu nồng thắm, lòng biết ơn.

Hoa hồng đỏ: tình yêu mảnh liệt, đậm đà hay bày tỏ sự hạnh phúc, vinh dự.

Hoa hồng nhung: tình yêu say đắm và nồng nhiệt.

Hoa hồng vàng: tình yêu kiêu sa, rực rỡ

Hoa hồng cam: tình yêu, cảm xúc nồng nàn.

 

Như vậy chỉ cần một đoá hoa 7 sắc cầu vồng là đã thể hiện, tổng hợp tất cả những biểu tượng mơ ước của tình yêu, của sự ngưỡng vọng…

 

Hoa hồng còn được nhiều người xem là nữ chúa của các loài hoa.  Trong bất cứ các lễ quan hôn tương tế nào đều có sự hiện diện của hoa hồng để làm tăng thêm phần long trọng, trang nghiêm.  Ngoài ra, hoa hồng còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn là bày tỏ sự hân hoan vui mừng hay biểu lộ sư chân thành chia sẻ nỗi buồn và niềm luyến thương.

 

 

 Hoa hồng 7 sắc cầu vồng

●●●

 

Gió ban mai thổi hây hây, dìu dịu mát.  Hương thơm của hoa, màu xanh thẫm của lá cây và cỏ mượt như làm cho lòng người cảm thấy lâng lâng êm ấm hơn.  Sơn ung dung vừa đi thưởng ngắm hoa vừa hiếu kỳ nhìn thiên hạ đi tới lui, ngang dọc.  Đặc biệt, hôm nay còn có mấy đám cưới được tổ chức trong khu vườn thơ mộng này.  Gương mặt người nào cũng vui tươi, hớn hở. Kẻ chụp ảnh, quay phim, người trầm trồ ve vuốt những cánh hoa hàm tiếu như đang tranh nhau toả hương thơm ngào ngạt, khoe sắc cùng con người và thiên nhiên, vạn vật.  Các gian hàng bán hoa, kỷ vật trong công viên cũng tấp nập khách sắp hàng chờ mua.

 

Khi mặt trời vừa sắp đứng bóng, Sơn đang định ra về thì tiếng khẩu cầm trầm bổng của ai đó vang vọng đến từ khu picnic sau lưng.  Bài The Vietnam Blues quen thuộc của thi, nhạc sĩ da đen Sarge Lintecum và tiếng kèn trau chuốt, điêu luyện kia đã khiến chàng quay gót trở lại. 

 

Dựa lưng dưới gốc cây phong già, một người Mỹ khoảng đứng tuổi, mình khoác chiếc áo trận màu lá hoa rừng, đang ngồi miên man thả hồn theo từng nốt nhạc.  Bên cạnh anh là 2 đoá hoa hồng 7 màu.  Mỗi đoá hoa đều được bao bọc bởi giấy kiếng và kết tua lủng lẳng trông thật đẹp.  Những ngón tay thô, thon và dài thỉnh thoảng rung nhẹ để đóng,mở âm thanh khiến khúc nhạc có lúc khoan nhặt như ray rứt, có lúc ngân dài như những lời thì thầm tha thiết, dịu dàng.

 

Sơn đoán chừng, với lứa tuổi này hẳn anh ta là một cưu chiến binh đã từng góp mặt tại miền Nam VN trong những ngày quê hương còn khói lửa đạn bom.  Bởi một điều giản dị, dể hiểu là bài thơ Vietnam Blues được chính tác giả của nó phổ thành một ca khúc.  Bài này được phổ biến rộng rãi trong mọi từng lớp dân chúng Mỹ từ sau năm 1990 trở đi.  Đặc biệt là trong hàng ngũ các cựu chiến binh thì hầu như ai cũng nghe, biết.

 

Khi tiếng khẩu cầm vừa dứt thì đám trẻ bu quanh anh vỗ tay ầm ĩ.  Người lớn thì âm thầm, gật đầu tỏ vẽ tán thưởng và nhìn anh với những đôi mắt thân thiện, đầy cảm thông.  Người cựu chiến binh vươn vai, thong thả cầm 2 bó hoa đứng dậy, đoạn móc túi kéo ra một bịch kẹo. Anh tươi cười chia cho các em đứng gần.  Từ đám đông một phụ nữ trẻ bước ra hỏi:

 

-    Chào anh.  Xin vui lòng cho tôi hân hạnh được biết tên anh?

-    Tôi tên Edward Mellor. Xin cứ gọi tôi là Ted.

-    Tôi là Betty Woods. Người phụ nữ tay dắt con tự giới mình và nói tiếp: Anh thổi kèn harmonica hay quá. Trong khi đó đứa con gái nhỏ, xinh xắn của cô dùng đôi bàn tay bé bỏng của mình nắm chặt chiếc áo trận của Ted như nuối tiếc, không muốn cho anh đi.

-    Xin cám ơn lời khen của Betty.  Ted nói xong, cầm các đóa hoa, nghiêng mình lịch sự bắt bàn tay người phụ nữ đang đưa ra, đọan quay lưng ung dung bước ra hướng cổng. Vừa đi anh vừa thân mật vẩy vẩy tay chào các em bé đang lẳng lặng quyến luyến nhìn theo.

 

Ký ức 10 năm vui buồn phục vụ dưới cờ tưởng đã ngủ yên, lắng đọng theo thời gian, không ngờ tiếng khẩu cầm dìu dặt của Ted đã đưa Sơn trở về với dĩ vãng. 

 

10 năm.  Phải, qua 10 năm dài trong quân ngũ thời chiến loạn đó, chàng đã tận mắt chứng kiến nhiều đồng đội ngã gục trên những cánh đồng ngập nước hay nằm xuống bên những triền đồi, bên những góc rừng, hốc núi.. Máu của thuộc cấp, máu của bạn bè, của chính chàng đã từng giọt từng giọt đổ xuống tưới thắm lòng đất quê hương.  Sơn cảm thấy có gì như gần gũi với Edward Mellor và chàng cũng nối gót theo anh ta ra về.

 

 

 © tranh DuongPhuocLuyen

 

Khi vừa rời khỏi đường North High, thình lình Sơn nghe tiếng một bà Mỹ đen la lớn:

-    Trời ơi. Có ai cứu dùm con chó của tôi không ?  Làm ơn.  Xin làm ơn.

 

Tiếng bà lão vừa dứt thì nhanh như một con sóc, Ted đã thả 2 đóa hoa xuống lề và phóng ra đường, ôm chặt con chó. Anh lập tức lăn mình về hướng lề đường đối diện, trước những cặp mắt thán phục, ngạc nhiên của khách bộ hành.  Ted đưa con chó lại cho cụ già và thong thả cất bước.  Đó là một con chó nhỏ xinh xắn, lông vàng sậm loại Pomeranian tức Zwergspitz của Đức quốc.

-    Xin ông vui lòng chờ một chút.  Bà Mỹ đen già vừa nói vừa móc bóp lấy một tờ giấy 20 đồng trao tận tay Ted.  Cám ơn ông nhiều lắm.  Xin ông vui lòng cầm chút tiền này để ăn trưa nhé.

-    Chuyện nhỏ thôi.  Bà đừng quan tâm.  Nói xong Ted lắc đầu, nhã nhặn từ chối.  Anh ung dung nhặt 2 đóa hoa màu cầu vồng bảy sắc rồi lửng thửng bước đi, miệng khe khẻ hát :

 

“I wanna tell you 'bout some blues I got one time,
In a little place called Vietnam.
Now I guess Vietnam's about as far away from here as you can get,
'Cause it didn't seem to matter which way the jet flew.
Sometimes we'd go East, sometimes West,
But no matter, twenty-two hours later,
There you are in Vietnam...”
[1]

 

●●●

 

Không dằn được tánh tò mò, hiếu kỳ, Sơn lên tiếng:

 

-   Ted ơi.  Xin chờ tôi với anh Edward Mellor.

-   Có việc gì vậy ông bạn người Việt.?  Anh ta dừng bước chờ Sơn.

-   Này Ted, anh rảnh rang chứ?  Mình vào tiệm Donut đằng trước uống với nhau một ly cà phê, nói chuyện phào vài câu được không?  Sao anh biết được tôi là người Việt Nam?

-    Dể thôi.  Khi thấy anh chăm chú nghe tôi thổi bài VietNam Blues của Sarge và lộ vẻ xúc động tôi đã nhận định được anh là ai.  Tôi đã từng phục vụ tại VN khá lâu mà.  Hơn nữa, vợ tôi cũng là người Việt như anh.  Ted nhìn đồng hồ, rồi gật đầu tỏ ý nhận lời mời của Sơn.

-    Thế thì mình cùng đi nghe Ted.

-    OK. Nhưng tôi chưa được biết tên anh.  Nói xong, anh ta rảo bước theo chàng vào tiệm.

-    Xin lỗi anh tôi quên giới thiệu tên mình.  Tôi tên Trần văn Sơn.

-    Hân hạnh được quen biết anh.  Ted siết chặt tay chàng.

 

Hai người gọi mỗi người một ly cà phê, một cái bánh ngọt và bưng ra ngồi trước hiên tiệm. Gió nồm hiu hiu thổi. Ted hướng mắt nhìn những cành phong liễu đang lay động, lung lay rồi từ tốn cất tiếng:

 

-    Anh hút thuốc không?  Người cựu chiến binh đồng minh vừa hỏi vừa chìa gói thuốc Winston về hướng Sơn.

-    Cám ơn anh tôi quen hút Dunhill.  Hút thuốc lạ tôi sẽ bị ho.  Chàng rút thuốc của mình và mồi lửa cho Ted.

-    Anh là cư dân ở đây hay là người từ địa phương khác đến thưởng ngoạn lễ hội hoa hồng?

-    Tôi ở Grove city, ngoại ô thành phố Columbus này. Sơn đáp.  Nhà tôi ở trong khu mới xây cất, cách trường đua ngựa Beulah Park chưa đầy một dặm.  Còn anh thì sao?  Sơn vừa nhắp cà phê vừa hỏi tiếp.

-    Tôi đến Columbus được 6 năm nay thôi. Tôi từ tiểu bang nhỏ bé Rhode Island ở miền Đông Bắc.  Tôi tới đây là do lời yêu cầu của một chiến hữu cũ để trợ giúp ông ta về việc lo cho những người vô gia cư.  Đúng ra, anh ấy là xếp của tôi trong thời kỳ chúng tôi còn phục vụ chung một đơn vị ở miền Trung nước Việt.  Anh ta bị thượng nặng, mất gần phân nửa bàn tay chỉ vì đã không ngại hiểm nguy để chạy tới yểm trợ, giải cứu tôi trong khi đơn vị đụng trận lón, nếu không muốn nói là khá qui mô do địch quân lựa chọn .  Lúc đó tôi đã hết đạn và nằm sát địch quân. Ông ấy là một sĩ quan gương mẫu, gan dạ. Tuy hơi nghiêm nghị một chút, nhưng tốt bụng và biết chăm lo cho thuộc cấp.  Tôi cảm phục và biết ơn hành vi của ông ta, vì vậy sau khi giải ngũ không bao lâu, nghe anh ấy kêu gọi là tôi bàn với vợ tôi để dọn đến thành phố miền trung du này, hầu trực tiếp gần gũi trong việc trợ giúp anh ta hoàn thành chí nguyện.  Vợ tôi hiện có một tiệm tạp hoá ở đường Broadway.  Hơn nữa, làm công tác thiện nguyện để giúp đỡ người kém may mắn, cơ hàn, cũng là dự định mà tôi ấp ủ từ lâu sau ngày rời quân ngũ.

-    Tôi thấy người Mỹ các anh hay chăm lo việc xã hội và thực hành công tác ấy một cách nghiêm túc.  Đó là một truyền thống tốt đẹp, đáng được tuyên dương, ca ngợi. Sơn tiếp lời.

-    Mỗi ngày tôi đều cố gắng làm một việc gì hữu ích để tạo niềm vui cho người và cho mình. Đó là tâm nguyện của tôi. Ted nói tiếp. Không phải người Việt các anh cũng thường nói ”thương người như thể thương thân” hay “nhiễu điều phũ lấy giá giương, người trong một nước phải thương nhau cùng “ đó sao?

-    Nhưng lúc nãy anh can đảm và liều thật.  Tôi thấy nguy hiểm quá, rũi chiếc tắc xi ngừng không kịp rồi đụng anh thì sao?

-    Khi thoạt thấy con chó ấy sút giây băng qua đường để rượt con mèo thì tôi đã tính kỹ.  Tôi đã nhìn vào mắt người tài xế và ra dấu, ngụ ý cho anh ta biết rằng tôi sẽ xông ra cứu con chó.  Tôi cũng đã ước định là tôi có đủ thời gian cứu nó và an toàn, dù cho chiếc xe kia không kịp giảm tốc lực. Tôi vốn là lính mũ xanh thâm niên mà.

-    Anh nên quan sát kỹ thân thể mình.  Xem có chỗ nào bị thương tích gì không?

-    Chắc không sao, tôi chẳng cảm thấy có đau đớn cả. Ted lắc đầu nhẹ giọng.

-    Cùi chỏ của anh bị rướm máu rồi kìa.  Có cần tôi đưa vào bệnh viện để rửa vết thương không?

-    Chuyện nhỏ thôi.  Chẳng sao đâu. Lính mà anh. Ted vừa trả lời Sơn vừa mĩm cười ý nhị .

-    Anh đã từng phục vụ tại Việt Nam, thế anh sinh hoạt, đóng quân ở vùng nào vậy?

-    Khi thì nằm trong toán cố vấn cho trại Bù Gia Mập, khi thì nằm tại ngã ba tam biên, có lúc theo lực lượng Biệt Cách Delta đóng quân dọc theo sông Bến Hải để thám sát tình hình xâm nhập của lực lượng Bắc phương, hầu ngăn chặn, truy kích họ.

-    Anh phục vụ tại VN bao lâu?

-    Gần 2 năm. Từ đầu năm 70 cho đến cuối năm 71 thì tôi được gọi về Mỹ để theo tu nghiệp khóa huấn luyện đặc biệt bảo vệ yếu nhân.  Mãn khóa tôi được xung vào toán đặc nhiệm Marine Secutity Group tức MSG.  Tôi nghĩ, họ chọn tôi vì tôi được mọi người trong đơn vị cho là kẻ có tài ứng biến nhanh với mọi hoàn cảnh và gan dạ.  Anh em trong đại đội đều gọi tôi là “top Ted”. Tôi chỉ là hạ sĩ quan, nhưng đại đội trưởng hay tiểu đoàn trưởng cũng đều nể nang kêu tôi bằng danh xưng đó. Sau 2 tuần nghỉ phép, tôi và 3 người TQLC nữa được tuyển chon đưa sang tăng cường cho lực lượng sẳn có tại thủ đô miền Nam vào giữa tháng tư.

-    Chắc là để lo việc bảo vệ, di tản các yếu nhân, các nhà ngoại giao Mỹ?

-    Đúng vậy.  Nhưng tôi chỉ được biết nhiệm vụ này sau ngày 26 tháng 4 khi chúng tôi được đưa tới toà đại sứ tại đại lộ Thống Nhất.  Khi mới đến Saigon, chúng tôi được cấp phòng tạm trú trong phi trường Tân Sơn Nhất.  Mỗi ngày 2 người nằm trực trong trại, 2 người được phép đi đây đó từ 11 đến 5 giờ chiều, nhưng chỉ hạn chế trong khu vực thủ đô.  Lúc dọn đến sứ quán rồi thì đặc ân này không còn nữa.  Ở đây, chúng tôi phải liên tục thay phiên nhau đi thám sát các ngõ ngách  chung quanh, ngày cũng như đêm, để thẩm định tình hình khu vực, với đường bán kính 200 yards. Ted nói xong thì rít một hơi thuốc dài, ánh mắt mơ màng như đang nhìn về quá khứ xa xăm.

-    Trong những ngày cuối cùng hỗn loạn đó, tôi cũng đã chạy qua lại nhiều lần trên đại lộ Thống Nhất để xem thiên hạ chen chúc, tranh nhau tìm mọi cách lọt vào sứ quán. Ai ai cũng mong ước được trực thăng bốc khỏi Sài gòn.  Sơn nhìn người cưu chiến binh đồng minh tiếp lời và bật lửa châm một điếu thuốc khác.

-     Lúc đó anh không có ý định rời Saigon à?  Ted hỏi rồi thân mật nhìn Sơn.

-      Không.  Hoàn toàn không.  Khi ấy tôi nghĩ rằng chiến tranh chấm dứt thì mình cũng nên ở lại cùng những người khác chiến tuyến để góp phần xây dựng quê hương bị tàn phá suốt 20 năm.  Tôi thật không ngờ nổi là chính quyền mới lại áp dụng chính sách trả thù quá cay độc, tàn ác với  những kẻ ngã ngựa.  Theo tôi biết, những người khác không ra đi khi miền Nam sắp sụp đổ cũng cùng có chung một ý niệm sai lầm như tôi.  Giọng Sơn trầm lắng, buồn bã.

-      Tôi hiểu rõ tâm trạng của anh. Chúng mình đã từng chiến đấu anh dũng, đã làm tròn nhiệm vụ của những người trai phục vụ dưới cờ. Nhưng vì những lý do chính trị được sắp xếp tồi tệ của thời cuộc nên bọn quân nhân chúng mình đành bất lực, bó tay, thua cuộc một cách oan uổng.  Miền Nam VN đã bị bức tử một cách thảm hại. Biết bao nhiêu đồng đội của chúng mình đã ra đi vĩnh viễn cho sứ mạng bảo vệ tự do nhưng đã không thực hiện được điều tâm nguyện của người chiến sĩ... Ted vừa nói vừa nắm chặt đôi tay Sơn như để xoa dịu, chia sẻ, như để tỏ nỗi lòng thông cảm.

 

Cả hai cùng im lặng, trầm ngâm khá lâu. Dường như tâm trí họ đang hồi nhớ, quay về với dĩ vãng, với đồng đội cũ, với chiến trường xưa. Hơi thở và tâm hồn họ như trở nên nặng nề hơn. Nếu tinh ý một chút, người ta có thể nhận ra đôi mắt của họ như mờ đi, ướt đẫm sương rừng.

 

Suốt 10 năm phủ phục dưới cờ Sơn đã luôn phục vụ trong các lực lượng diện địa.  Anh đã sống và gần gũi với những người lính ngày ngày, đêm đêm chiến đấu để dành giữ từng tấc đất của quê hương và góp phần bảo vệ sự an vui cho dân chúng. Nhất là những đơn vị nhỏ bé như nghĩa quân, cán bộ xây dựng nông thôn. Họ đã chiến đấu trong lẻ loi và chết trong âm thầm, lặng lẽ, thiếu vắng ngay cả một vòng hoa đơn sơ phủ trên nấm mộ tồi tàn.

 

Mặt trời đã ngả về Tây. Vài chiếc diệp phong đang rơi rụng, lả tả bên thềm. Nắng ấm dần. Mây trong và xanh nhạt như màu biển cả.  Xe cộ, người bộ hành đang chạy nhộn nhịp, qua lại trên đường phố. Có lẽ họ đang đến công viên, đến khu vườn Park of Rose xem hội hoa hồng hoặc ra về từ đó.

 

●●●

 

Để khỏi nhắc lại chuyện cũ Sơn chuyển đề tài:

-     Vợ anh là người VN, vậy anh gặp cô ấy khi nào?  Có phải trong thời gian anh phục vụ tại miền Trung?

-     Không phải.  Vợ tôi là người Sàigòn.  Tôi gặp cô ta trong ngày 29 tháng 4 khi Sàigòn sắp mất.  Ngày hôm ấy nhân viên sứ quán di tản gần xong.  Chúng tôi cũng sẵn sàng để rời khỏi Việt Nam, nhưng hàng loạt, hàng loạt người VN vẫn ồ ạt chen lấn nhau ùa vào tòa Đại sứ để mong được trực thăng bốc đi.  Lúc đó, tôi đang đứng theo dõi toán quân cảnh và các anh thủy quân lục chiến khác thuộc MSG đang cố gắng đẩy người ra khỏi cổng để giữ trật tự. Tôi thấy một cô nữ sinh còn rất trẻ đang nắm tay một cậu em còn nhỏ. Cô ta và em bé vừa khóc vừa vẫy vẫy tay kêu réo với cha mẹ họ đã vào được bên trong.  Cha mẹ cô cũng đang kêu khóc, nhưng bất lực trước tình trạng người người đang chen lấn nhau.  Tôi bất nhẩn nên bước ra cổng, nhờ 2 người bạn quân cảnh dắt chị em họ vào. Tôi đưa 2 người đến gặp cha mẹ và họ cám ơn tôi rối rít. Thấy gia đình này đều nói tiếng Anh trôi chảy, nên trước khi đưa lên trực thăng tôi đã hỏi tên họ và cũng không quên trao danh thiếp của tôi cho cha cô, sau khi biết ông ấy đã từng phục vụ cho USAID. Đáng lẽ gia đình này được bốc đi 2 ngày trước theo danh sách ưu tiên di tản đã được thiết lập.  Họ đến trễ vì bận về quê thăm, chào thân nhân lần cuối. Tôi chúc gia đình họ may mắn và hứa khi tôi về nước sẽ tìm họ để bảo trợ.

-    Thế là anh thực hiện được lời đã hứa? Sơn nhìn Ted tò mò hỏi.

-    Dĩ nhiên.  Cha mẹ tôi có một tiệm buôn bán xe nên việc bảo lãnh 4 người này thật dể dàng.  Gia đình tôi lo nơi ăn chốn ở cho họ xong thì đưa cô ấy và đứa em trai mới hơn mười tuổi vào trường, tiếp tục việc học hành.  Đồng thời, chúng tôi cũng giao cho đôi vợ chồng mới định cư này công việc phụ dọn dẹp, giữ sổ sách kế toán của tiệm để họ có ngay lương bổng hầu tạo dựng cuộc sống mới. Bảy năm sau, chúng tôi đã trở thành một cặp tình nhân vui vẻ, yêu nhau say đắm. Sau khi tốt nghiệp đại học nàng đã trở thành người vợ hiền của tôi.  Chúng tôi đã có 3 đứa con ngoan và giỏi vô cùng.   Tôi thật may mắn có được một người vợ dịu dàng, xinh đẹp như nàng.  Cha mẹ tôi cũng rất hài lòng và thương yêu cô ấy cũng như các cháu nội. Ted Millor trả lời với vẻ mặt thích thú xen lẫn chút hãnh diện.

-    Vì hành vi tốt mà anh đã tạo lúc trước, nên anh xứng đáng hưởng hạnh phúc của ngày hôm nay. Thế còn cha mẹ vợ anh và cậu con trai thì bây giờ họ ra sao?

-    Ông bà nhạc của tôi sau khi về hưu đã di chuyển sang Columbus này 10 năm trước vì họ có bà con sống tại đây. Hơn nữa, Columbus tương đối mát mẽ và ít lạnh hơn Rhode Island về mùa Đông.  Còn đứa em vợ tôi thì vẫn còn làm bác sĩ cho bệnh viện Miriam ở bên đó.  Cậu ta cũng đã lập gia đình với một nữ điều dưởng nhiều năm trước tại Pawtucket. Tôi nghĩ, vợ tôi cũng vì muốn ở gần cha mẹ nên đã chịu thôi làm việc cho một ngân hàng lớn tại Providence để sang thành phố này. Chúng tôi đã mở một tiệm buôn bán thực phẩm và vật gia dụng tại đường Broadway, cách đây không xa.

-    Chắc anh mua 2 đoá hoa hồng quí này để tặng vợ ? Sơn tò mò hỏi.

-    Phải.  Nhưng chỉ một đóa thôi cho bà xã thôi, còn đoá thứ hai tôi dành tặng cho con gái út của tôi.  Cháu vừa tốt nghiệp cử nhân hôm qua và sau hè sẽ tiếp tục chương trình cao học.  Sơn rảnh không?  Tôi muốn mời anh đến chung vui với gia đình tôi chiều nay.

-    Cám ơn Ted.  Các con tôi hôm nay cũng về tụ tập tại nhà.  Chắc họ đang chờ tôi.  Xin hẹn anh vào cuối tuần sau nhé.  Tôi sẽ thông báo với anh trước khi đến thăm.

-    Được. Tôi cũng mong gia đình bên vợ tôi có thêm những người bạn đồng hương mới để họ có thể vui vẻ hơn, hàn huyên chuyện xưa tích cũ.  Thôi chào anh.

-    Tạm biệt Ted.  Chúc anh một ngày vui.

-    Cám ơn Sơn.

-    Tôi xin nhân danh là một người miến Nam để cám ơn anh, cám ơn những cựu chiến binh Hoa kỳ đã vì đất nước chúng tôi đến sát cánh cùng chúng tôi chống lại sự xâm lược của CS.  Dù rằng chúng ta đã bị bó tay và không làm tròn được nghĩa vụ bảo vệ cương thổ và sự an bình cho người dân.

-      Chuyện nhỏ thôi.  Mà rốt cuộc thì người Mỹ chúng tôi có giúp được người dân miền Nam trong việc bảo vệ được cương thổ của họ đâu. Mặt khác, người Mỹ chúng tôi còn phải triệt thoái, rút quân trong thảm hại,  đáng tủi thẹn.  Dù sao thì chuyện ấy cũng đã qua rồi. Có nuối tiếc hối hận thì lịch sử cũng đã sang trang. Miền Nam cũng đã rơi vào quỷ đạo và sự thống trị của tập đoàn Cộng đỏ.

 

●●●

 

Ánh nắng rực rỡ buổi trưa đang nhạt nhòa dần. Mặt trời đang xuống thấp dần và mây chiều cũng đang lững lờ, lảng đảng trôi về phương Tây. Hai người siết chặt tay nhau thật lâu, bịn rịn nói lời từ giã sau khi cung cấp cho nhau địa chỉ thông tin liên lạc.  Edward quay mặt chậm rải bước đi.  Sơn bùi ngùi nhìn theo người bạn đồng minh vừa quen.  Tiếng khẩu cầm của người cựu chiến binh mũ xanh ấy lại vang lên, văng vẳng bên tai, rồi xa dần, xa dần:

 

“But there's one thing we've all got in common;
Sometimes we get thinkin' 'bout the guys 'n gals,

That didn't make it back,

And we come down with a real bad case,

Of the Vietnam blues.” [2]

 

Trên đường lái xe về nhà Sơn mĩn cười tự nhủ thầm: anh chàng cựu chiến binh mũ xanh này kể cũng là một nhân vật đặc biệt, hảo tâm.  Làm những việc hữu ích, đáng khen như vậy mà miệng luôn bảo là chuyện nhỏ thôi.  Giá trên đời có thêm nhiều người với tấm lòng rộng rãi, hiệp nghĩa như vậy thì xã hội hẳn sẽ tươi đẹp hơn biết bao.

 

Sơn bỗng quên cả muộn phiền, rồi tự nhiên cảm thấy mình vui vẻ và yêu đời hơn. Anh nhìn theo bóng Ted đang khuất mờ dần, rồi khe khẻ cất tiếng hát theo lời nhạc của bản Viet Nam Blues, mà Sơn đã nghe nhiều lần kể từ khi anh định cư trên quê hương thứ hai, trên đất nước tự do này.

 

 

chuyểnngữ 2 đoạn thơ trên, trích từ bài

The Vietnam Blues của Sarge Lintecum.

 

[1]

 

Xin thưa cùng với anh em

Về điệu buồn thảm tôi từng trải qua

Bây giờ chỗ ấy quá xa

Một nơi nhỏ bé gọi là Việt Nam

Dù bay về Tây hay Đông

Đêm ngày quanh quẩn vẫn còn Việt Nam…

 

[2]

 

Chúng mình cùng nghĩ như nhau

Khi chạnh nhớ đến biết bao nhiêu người

Bất kỳ là gái hay trai

Ra đi nhưng mất đường quay về nhà

Cảnh tồi tệ ấy suy ra

Điệu buồn chung cuộc vẫn là Việt Nam./.

 

Phan Bá Thụy Dương
Số lần đọc: 2020
Ngày đăng: 23.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tác giả Huỳnh văn Lang và "Việt Sử Khai Tâm" - Lê Đình Cai
Keywest-Ốc Đảo Thơ Mộng - Mây Ngàn Phương
Cuốn Tiểu Tự Điển Larousse Của Ông Nguyễn Hữu Đang - Nguyễn Anh Tuấn
Bóng Đen Tây Tạng - Minh Diện
Vơi Đầy Với Campuchia - Phạm Đình Trọng
Sự Suy Tư Của Cổ Tháp Giữa Rừng Già - Nguyễn Hàng Tình
Ấn Độ - Phút Giây Ánh Sáng - Nguyễn Đông Nhật
Thư gửi Allen Ginsberg (di dân sang thế giới bên kia được 15 năm) - Hoàng Hưng
Kỷ niệm lần ghé thăm nhà họa sĩ Đinh Cường, - Nguyễn Quang Chơn
Một Thoáng Động Thiên Đường - Phạm Nga