Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.203.028
 
Khai quật di tích thành nhà hồ lần thứ 3
Trần Anh Dũng

 

Cùng viết Cn. Mai Thùy Linh

 

Thành Nhà Hồ thuộc địa phận 4 thôn: Tây Giai, Xuân Giai, Thượng Giai và Đông Môn của 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá). Theo dân gian truyền lại thì trong nội thành có khá nhiều di tích như: Hoàng Nguyên, Nhân Thọ, Phù Cực, Đông Cung, Đông thái miếu, Tây thái miếu, Điếm canh, Gò Đội Đèn, Ao Voi, Ao Vàng và Ao Gạo, Ao Sậy, Ao Phềnh, Ao Đá…Nhiều di tích và công trình kiến trúc trong Nội Thành hiện vẫn còn nhìn thấy được phần nào trên mặt đất, như gò, ao, khuôn viên nền các cung điện và một số kiến trúc khác trong nội thành. Phần nền móng của các kiến trúc bị chìm lấp trong lòng đất, trong khi đó việc khai quật Thành Nhà Hồ hiện chưa thực hiện được bao nhiêu.

 

 

Các lớp nền kiến trúc

 

Khi chúng tôi viết bài này thì trước đó đã có 2 cuộc khai quật Thành Nhà Hồ. Cuộc khai quật lần thứ nhất, năm 2004, được thực hiện bởi khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH&NV và Đại học Nữ Chiêu Hoà, Nhật Bản đã tiến hành khai quật thăm dò Nội Thành của Thành Nhà Hồ, với diện tích 48,5m2 tại góc Đông Bắc khu vực Nền Vua. Kết quả khai quật đã phát hiện được một số loại hình di tích chính như sau:

 

- Các trụ móng kiến trúc: có 2 loại, trụ sỏi hình tròn(?) đầm trộn với đất sét và trụ gạch ngói vỡ hình tứ giác (?) đầm với đất sét. Tuy nhiên những người khai quật không chỉ ra niên đại cụ thể của mỗi loại hình trụ móng kiến trúc.

 

-  Các nền kiến trúc có lát gạch: cũng có 2 loại nền lát gạch, nền lát gạch vuông, kích  thước 40cm x 40cm x 4cm và nền lát gạch chữ nhật vỡ hoặc còn nguyên. Những người khai quật không chỉ ra niên đại cụ thể của mỗi loại nền kiến trúc lát gạch và niên đại của gạch lát nền kiến trúc.

 

- Các nền sét nện trộn lẫn vật liệu kiến trúc

 

Ngoài ra còn phát hiện được cống thoát nước xếp gạch, các lớp ngói vỡ đổ nát. Những người khai quật nhận định bước đầu: những vết tích kiến trúc và tổ hợp di vật phát hiện cùng trong đợt khai quật Thành Nhà Hồ lần thứ nhất (2004) có niên đại khá dài, từ thời Trần - Hồ Do diện tích khai quật quá it nên các mảng di tích kiến trúc còn lại phát hiện được có phần bị cô lập, chưa rõ được sự gắn kết cùng mối quan hệ của chúng. Tuy vậy cuộc khai quật lần thứ nhất cũng đã cho thấy các di tích kiến trúc trong Nội Thành chồng chéo nhau, có nhiều thời với những diễn biến khá phức tạp.

 

Cuộc khai quật lần thứ hai vào năm 2008, cũng được thực hiện bởi Viện Khảo cổ học và Ban Quản lý di tích Thành Nhà Hồ (Nay là Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ). Đợt khai quật này đã đào 3 hố ở cổng thành phía Nam, với diện tích 301m2.

 

 

Hiện vật thời Trần –Hồ

 

Các hố khai quật đều tìm thấy rất nhiều các dấu tích kiến trúc liên quan trực tiếp tới Thành Nhà Hồ như chân móng tường đá, sân lát đá phiến, con đường đá ở cổng chính của cửa Nam, máng thoát nước trong cổng chính của cửa Nam và nhiều di vật liên quan tới di tích kiến trúc.

 

Dù đã qua 2 cuộc khai quật nhưng với một toà thành có diện tích lớn như Thành Nhà Hồ thì sự hiểu biết của chúng ta về các di tích ở trong và ngoài Thành Nhà Hồ, vẫn còn rất khiêm tốn. Để tiếp tục nghiên cứu Thành Nhà Hồ, Viện Khảo cổ học đã kết hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ khai quật di tích Thành Nhà Hồ  lần thứ ba.

Trong phần 1 này, chúng tôi sẽ trình bày kết quả khai quật ở khu vực Nền Vua. Tại đây đã phát hiện được các dấu tích kiến trúc thời Trần –Hồ và Lê Sơ.

 

Dấu tích kiến trúc thời Hồ

 

Nền kiến trúc

 

Nền kiến trúc nằm ở trên bờ cống phía Nam, bị các nền kiến trúc thời Lê phủ lên trên.

 

Cống thoát nước

 

Cống thoát nước nằm ở bên ngoài của nền kiến trúc thời Trần Hồ và nằm dưới các kiến trúc thời Lê, nằm dưới lớp vật liệu kiến trúc đổ. Đầu phía Đông và phía Tây vẫn ăn sâu vào vách. Mặt bằng cống có hình chữ nhật, mặt cắt ngang cống có hình thang, hơi thu vào khi xuống đến đáy. Thành và đáy cống được tạo thẳng. Thành phía Nam bị phá sâu hơn thành phía Bắc (chênh nhau từ 10 - 15cm).

 

Cống đã bị lấp nên trong lòng cống lẫn nhiều mảnh xương động vật, đặc biệt là đoạn cống nằm ở góc đông bắc. Vật liệu kiến trúc ít, bao gồm các mảnh ngói mũi vát màu đỏ, bao gồm các loại có kích thước lớn, tương tự loại ngói nằm trong cụm ngói mũi vát nằm sát vách Đông, bên cạnh đó còn có một số mảnh ngói mũi vát mỏng, một mảnh chân tảng đá. Ngoài ra còn có mảnh ngói âm thời Lê. Đồ sành có khối lượng lớn nhất, bị vỡ thành các mảnh, không có đủ dáng, xương màu đỏ tím, lẫn nhiều sạn nhỏ màu đen, phần lớn là mảnh vỡ lon. Đồ gốm men có niên đại thuộc thế kỉ 14, bao gồm mảnh bát hai màu men (trong trắng ngoài nâu), trong lòng in nổi hoa lá, có dấu chân con kê; mảnh đĩa men trắng, miệng cắt khấc cánh hoa, trong lòng chia khoảng, in nổi hoa lá; ngoài ra còn có các mảnh bát men ngọc, bát men trắng. Hiện có một mảnh cối sành (?) được làm bằng đất sét mịn, màu nâu đỏ, nặn bằng tay, đáy bằng, miệng hơi cong khum, mép miệng vút tròn, thành trong vẽ các đường chỉ chìm song song nhau, chạy dọc từ mép miệng xuống đáy.

 

 

Hiện vật thời Lê Sơ

 

Dấu tích kiến trúc thời Lê

 

Nền kiến trúc 1

 

Nền 1 về cơ bản bị phá gần hết, khu vực gần vách Tây còn tương đối nguyên vẹn, rộng gần 3m được đầm chặt bằng đất sét màu nâu vàng, có lẫn ít đất sét nâu, một số mảnh ngói vụn thời Trần - Hồ và Lê. Nền đất xuất hiện ở độ sâu 30cm so với mặt ruộng. Trên mặt nền 1 bị lớp vật liệu kiến trúc dày 0,4m, chủ yếu là mảnh ngói thời Hồ và một chân tảng đá thời Trần - Hồ được sử dụng lại, nằm bên trên móng trụ.

 

Qua dấu vết của vật liệu kiến trúc trong móng trụ, kết hợp với việc xem xét địa tầng thấy rằng có nhiều khả năng nền kiến trúc 1 có niên đại muộn nhất vào cuối thế kỉ 16, đầu thế kỉ 17.

 

Nền kiến trúc 2

 

Nền nằm ở độ sâu - 0,52m. Đất đầm nền là sét vàng lẫn mảnh vật liệu kiến trúc (chủ yếu là gạch thuộc thời Hồ) vụn nát, được đầm tương đối chặt, khá phẳng. Một số khu vực bị lún, có thể mặt bằng trước khi đầm nền đã có một số hố đào nhỏ. Nền có lẫn mảnh ngói âm dương xám thời Lê.

 

Đoạn gạch lát nền còn nguyên vẹn nhất nằm ở giữa hố, còn lại 14 hàng gạch theo chiều Đông Tây, 11 hàng theo chiều Bắc Nam được lát bằng gạch bìa thời Hồ, phần lớn bị vỡ, màu đỏ tươi. Hai viên còn đủ dáng có kích thước: dài x rộng: 49 x 24cm, 47 x 25cm, 37,5 x 20,0cm. Nền 2 nằm chồng trực tiếp lên lớp nền thế kỉ 15. Kết hợp với vật liệu kiến trúc được lát và đầm trên mặt nền có niên đại thuộc thời Trần Hồ, ngói âm dương của thế kỉ 15, thì thấy nhiều khả năng nền 2 có niên đại vào thế kỉ 16.

 

Nền kiến trúc 3

 

Nền 3 ở độ sâu 0,83m so với mặt ruộng; thấp hơn nền 2 là 0,1m; nằm đè trực tiếp lên lớp nền thời Hồ, nằm trong lớp đất 4.

 

Dấu vết nền 3 còn lại một viên gạch bìa đỏ xuất lộ ở góc Tây Bắc (còn nguyên dáng, bị vỡ ngang thành 2 mảnh, có kích thước 49,5 x 26,5 x 8,0cm, được lát trên nền đất sét màu nâu vàng, còn nguyên vị trí) và 2 viên gạch bìa đỏ nằn sát vách Đông. Gạch lát nền nằm thẳng hàng theo chiều Đông Tây. Đây là những viên gạch bìa điển hình của thế kỉ 15. Nền đất dưới viên gạch  được đầm chắc, sét màu vàng lẫn màu nâu, với các mảnh vật liệu kiến trúc được đầm nhỏ, dày 23 -30cm.

 

Về mặt địa tầng, lớp nền này được mở rộng về phía Đông, đất đổ nền lấp trực tiếp lên bề mặt cống thoát nước thời Trần Hồ. Hiện vật phát hiện được chủ yếu thuộc thời Trần Hồ, Lê Sơ. Những căn cứ này cho thấy đây chính là nền kiến trúc của thế kỉ 15.

 

Ngoài hai loại hình di tích kể trên, chúng tôi còn phát hiện được một trụ móng có niên đại khoảng thế kỷ 16-17 và trụ móng còn lại có niên đại khoảng thế kỷ 16 như đã trình bày ở phần trên.

 

Đồ gốm men Việt Nam phát hiện được ở H1, có 12 hiện vật còn dáng và 284 mảnh vỡ . Hầu hết bị vỡ nhỏ, chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt. Do việc sử dụng các kiến trúc ở khu vực này qua nhiều thời kì nên đồ gốm men trong cũng có niên đại trải dài từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19. Tuy nhiên đồ gốm men ở có 3 niên đại chính: gốm men thời Trần- Hồ thế kỉ 14, gốm men thời Lê Sơ thế kỉ 15 -16 và gốm men thời Lê Trung Hưng thế kỉ 17

 

*Gốm men thế kỉ 14:: Có 169 hiện vật, với các dòng men  trắng phớt xanh (ảnh thanh) dòng gốm này, chưa đạt được tiêu chuẩn, đáy thường xanh hơn, men đọng dày hơn, với các loại bát dáng phễu, dáng chuông, bát miệng loe, vành miệng cắt khấc nhiều cánh hoa. Kĩ thuật nung chủ yếu là dùng con kê, vành đế để mộc, có vết mài, lòng đế tô son nâu thẫm màu bã trầu. Hoa văn trang trí ở thành bát bên trong thường là bổ ô chia khoảng, trong mỗi khoảng in nổi hình bát bảo hoặc hoa lá, đáy dày. Có loại thì thành bát bên ngoài cạo lõm băng cánh cúc gầy, đầu cánh cong tròn, lòng có đường tròn lõm nhỏ.

 

Nhưng chiếm số đa số và điển hình nhất  của thời Hồ vẫn là dòng gốm men trắng đục hoặc trắng ngà, rạn nhỏ, đường rạn ánh chì. Gốm 2 màu men đều là bát dáng phễu. Miệng và thành loe ngả, lòng có dấu chân con kê, chân đế thấp gần như đặc, lòng đế để mộc, ngoài phủ men nâu đen, lớp men mỏng, trong phủ men trắng phớt xanh. Thành và lòng bát bên trong in nổi nhiều cánh hoa cúc hoặc lá cúc. Gốm men xanh táo hay xanh lá cây, gốm men ngọc truyền thống đều giảm trang trí, bố cục thưa, giảm rất nhiều chi tiết.

 

* Gốm men thế kỉ 15: Có 2 dòng men: men trắng đơn sắc cao cấp và gốm men trắng vẽ lam. Gốm men trắng khá điển hình và thể hiện cao tính cung đình với các loại bát sâu lòng và đĩa nông lòng, bên trong in nổi nhiều lớp sóng nước kép hình vẩy cá với 4 hình đuôi cá nhô lên khỏi lớp sóng. Gốm men trắng vẽ lam chỉ có một bát nhỏ, nung đơn chiếc, trong ngoài phủ men trắng xanh. Vành miệng loe ngả, thắt lõm ở phần thân. Vành miệng và lòng bát vẽ các đường chỉ lam màu xanh nhạt. Chân đế cao, hơi cúp vào, lòng đế bát tô son nâu tím.

 

* Gốm men thế kỉ 16: Có 3 hiện vật  thuộc dòng gốm men trắng vẽ lam với loại  bát chân cao, ve lòng, miệng loe ngả, thành hơi ngả, vành đế cạo men, đáy tô son nâu tím. Vành miệng trong vẽ băng chấm lam đậm bên trong vạch lam xanh nhạt. Thành trong và lòng bát vẽ đường chỉ lam. Thành ngoài có 2 băng cúc dây, sát đáy vẽ băng cánh sen, lớp cánh trong vẽ lá cúc cách điệu thành hình xoắn lò xo. Đường kính miệng 13,0cm, đường kính đế 6,6cm, cao 7,0cm. Đĩa cũng rất điển hình, với loại đĩa chân cao dáng đoá sen, vành miệng tạo nhiều cánh hoa, hoăc koong có, thành đĩa thấp, loe ngả, lòng rộng, ve lòng, trong ngoài phủ men trắng xanh, vành đế cạo men, lòng đế tô son nâu tím, xương trắng, xám, xốp. Có chiếc đĩa, giữa lòng viết thảo chữ “Phúc”. Thành ngoài vẽ băng cúc dây nhìn nghiêng bằng màu lam xanh nhạt, cành lá cuốn hình tay mướp.

 

Ngoài các hiện vật gốm men kể trên, chúng tôi còn phát hiện được hai hiện vật gốm men thế kỷ 18, 19 và một số mảnh gốm men ngọc thế kỷ 14, men trắng vẽ lam thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 của Trung Quốc.

 

Đồ sành hầu hết có niên đại thế kỉ 14-16. Có 2 loại chất liệu: sành thô và sành mịn. Đồ sành mịn có các loại hình: lon, vò, bình, bát, lọ, chậu. Sành thô đều là đồ đun nấu.

 

Vật liệu kiến trúc thời Trần -Hồ hầu hết là gạch bìa không có hoa văn, ngoài ra còn có một số gạch bìa có in chữ Hán, gạch vuông lát nền không trang trí hoa văn, gạch lát nền in nổi hoa chanh…hầu hết bị vỡ. Ngói có các loại ngói sen đơn và kép, ngói mũi vát, ngói bò. Đặc trưng của ngói mũi sen ở thành nhà Hồ và đàn Nam Giao nhà Hồ là đầu mũi có xu hướng thu hẹp, dày nặng, đuôi ngói có hoặc không có lỗ thủng để chốt đinh sắt…

 

Gạch, ngói thời Lê sơ (thế kỷ 15- thế kỉ 16)

 

Gạch có màu đỏ nâu (Bã trầu) hoặc xám ghi. Bao gồm gạch bìa hình chữ nhật và gạch vồ hình hòm sớ, không trang trí hoa văn được làm bằng đất sét lẫn nhiều hạt laterits nhỏ, nổi rõ trên bề mặt. Phần lớn gạch bị vỡ không còn đủ dáng, dày, nặng.

 

Ngói dương: Hình ống bổ đôi, một đầu to và một đầu nhỏ, được làm từ đất sét lẫn cát mịn, lẫn các hạt laterits rất nhỏ, màu xám đen hoặc đỏ nâu, xương ngói đanh chắc,lưng ngói cong, được tạo nhẵn, bụng lõm lòng máng, có dấu vải. Ngói được làm từ khuôn. Thân và cổ ngói làm rời sau đó gắn chắp vơí nhau. Một số viên được cắt chưa đứt hẳn nên bị bẻ bớt phần rìa cạnh thừa, kích thước 29,0-30,0cm x 12,0-14,5cm x1,2-1,5cm. Phần lớn ngói có độ dày thân từ 1,0 -1,2cm.

- Đầu ngói dương có trang trí: Ngói lợp ở vị trí diềm mái. Đầu ngói hình tròn hoặc hình bán nguyệt, kích thước nhỏ, bụng in dấu vải, đầu và thân ngói được làm riêng, gắn vào với nhau sau khi đã tạo hình xong. Dựa vào motip hoa văn trang trí thì đầu ngói dương có 3 loại: trang trí mặt hề, trang trí hoa lá cách điệu và trang trí hoa cúc.

 

Đầu ngói trang trí mặt hề với trạng thái đang cười, gò má và trán dô cao, hai mắt nổi to. Dưới cằm trang trí nổi cách điệu râu cuốn xoáy thuận chiều kim đồng hồ. Đây là hiện vật mang đậm tính chất giao thoa văn hoá Việt - Champa thời Lê Sơ. Đầu ngói thưòng có đường kính 14,5 cm, dày 1,5 - 1,8 cm.

 

Đầu ngói trang trí hoa cúc ở mặt trước đầu ngói trang trí bông cúc nở nhìn chính diện, có một lớp cánh, được thể hiện rất chân thực. Nhuỵ hoa to tròn, nổi khối cao, các đường chỉ nổi mảnh đan chéo nhau tạo thành các ô vuông nhỏ. Cánh hoa dài, tạo hình giọt nước, đầu cánh cong tròn, nổi khối cao. Diềm ngoài được tạo bằng, nổi cao, tạo thành 2 bậc giật cấp. Giữa diềm ngoài và bông cúc tạo thành là một khoảng trống lớn, thấp hẳn xuống.

 

- Ngói âm: hình lòng máng, doãng rộng, mặt cắt ngang hình chữ C, được làm từ đất sét có cát mịn, lẫn các hạt laterits rất nhỏ, sau khi nung có màu xám đen hoặc đỏ nâu, độ nung cao, xương ngói đanh chắc. Rìa cạnh còn vết bẻ bớt phần đất thừa, các chi tiết khác giống như ở ngói dương.

 

- Đầu ngói âm  có trang trí các mô tip: hình chim phượng, hình hoa cúc. Nhưng đều bị vỡ nát nên khó khăn cho việc xác định chính xác bố cục và chi tiết trang trí.

 

Trang trí kiến trúc thời Trần -Hồ: Chỉ có một mảnh lá đề cân, vỡ, còn lại diềm, vỡ rất nhỏ. Rìa cạnh được tạo hình răng cưa. Mặt trước in nổi hoa văn, được tạo bằng các đường chỉ nổi, hiện còn hai đường chỉ nổi song song nhau uốn theo đường diềm lá đề cho biết đây là một lá đề cân kích thước nhỏ, một mặt in nổi rồng. Lá đề được làm bằng đất sét mịn, màu đỏ tươi, có vân vàng nhạt loang lổ.

 

Tấm ốp (?) đều bị vỡ chỉ còn phần trang trí phía trên, phần dưới bị vỡ nên không xác định được hình dáng và kích thước chuẩn. Dựa vào motip hoa văn trang trí, tấm ốp được chia thành 2 loại: Tấm ốp đầu cánh sen, một mặt in nổi cúc dây hình sin tấm ốp in hoa cúc dây hình sin.

 

Trang trí kiến trúc thời thời Lê sơ:

 

Trang trí diềm mái:

 

- Loại 1: diềm mái 2 bộ phận: Mặt diềm và thân diềm được gắn với nhau tạo thành một góc vuông hoặc một góc tù. Mặt có trang trí quay ra ngoài. Bộ phận thân được gối vào  bờ mái. Hai bộ phận này được làm riêng từ khuôn sau đó gắn với nhau. Diềm trang trí được tạo thành băng dài, gồm nhiều lá đề nhỏ liên hoàn, đỉnh mũi nhọn hướng xuống dưới. Mặt truớc, bên trong mỗi một lá đề lại in nổi lá đề nhỏ cách điệu hình móc đấu lưng vào nhau. Kích thước nhỏ, mỏng. Hình dáng và hoa văn được tạo hoàn toàn bằng khuôn.

 

- Loại 2: Diềm mái có 1 bộ phận:  hình chữ nhật, một cạnh dọc trang trí hàng đinh tròn nổi. Một mặt có vết cắt chạy dọc theo chiều dài, dấu vết tương đối rõ. Mặt còn lại và các rìa cạnh có dấu khuôn, nhẵn phẳng, không trang trí hoa văn. Một rìa cạnh bên được đắp thêm các đinh tròn, nổi cao, màu xám ghi, xám đen hoặc nâu đỏ.

 

Trang trí bờ dải:dạng hình hộp chữ nhật, gồm 2 phần:

 

- Đế:  hình chữ nhật, mỏng, được đặt ở trên và dưới tạo thành điểm đỡ phần hoa chanh trang trí. Bề mặt được tạo nhẵn phẳng, không trang trí hoa văn. Mặt trong còn vết đất đắp để gắn phần đế và phần hoa chanh.

 

-Hoa chanh: hai mặt còn lại được trang trí bông hoa 4 cánh, kiểu hoa chanh. Nhuỵ hoa được tạo nổi, hình tròn, được đặt ở điểm nối giữa 4 cánh hoa. Cánh hoa hình elip dài, gồm 2 đường cung tròn nối với nhau, trong lòng rỗng. Chính giữa đường cung tròn được tạo nổi cao, cong tròn, hai bên thấp, tạo thành hai đường chỉ nổi mảnh.

 

Tấm ốp trang trí

 

Tấm ốp được tạo dáng hình chữ nhật, in nổi dây lá hình sin ở một mặt, các mặt còn lại không trang trí hoa văn. Mặt trước trang trí hoa văn còn rõ dấu khuôn, được đặt quay ra ngoài, khi ghép nhiều viên nối tiếp nhau tạo thành dải hoa văn chạy dài (gần giống cách ốp gạch hoa trang trí chân tường thời hiện đại).

 

Tấm kê lót: hình chữ nhật, mỏng, không trang trí hoa văn, các mặt đều tạo phẳng, nhẵn. Một cạnh được cắt vát hai bên tạo thành hình chữ V. Tấm lót được làm bằng khuôn, chất liệu, màu sắc gần giống với tấm ốp. Kích thước  thường là 25,0cm- 26,0cm x 7,3- 10,5cm x 2,0- 2,5 cm.

 

Tượng cá: được nặn bằng tay, bề mặt được miết nhẵn, hoa văn trang trí được vẽ bằng que nhọn đầu, nét vẽ sâu, trong lòng được khoét rỗng.

 

Phần đuôi chia thành 2 nửa, uốn cong ngược chiều nhau, được nặn thành khối đặc, còn một bên, bên còn lại vỡ còn dấu vết. Bề mặt được vẽ các đường chỉ chìm sâu, song song nhau, chạy dọc theo chiều uốn của đuôi.

 

Phần thân đuôi được tạo thành khối dẹt hình elip, bên trong được khoét rỗng, thành dày, bề mặt bên trong còn rõ vết đất lồi lõm không đều. Mặt ngoài được làm nhẵn, vẽ trang trí hình vảy cá đơn so le nhau tạo thành nhiều lớp. Bụng cá được giới hạn bằng 4 đường chỉ chìm chạy dọc theo thân, mỗi bên hai đường. Đây là tượng cá trang trí trên nóc, gắn trên ngói bò hoặc ngói úp nóc. Loại ngói bò lưng đắp nổi hình cá đã từng phát hiện được ở Phả Lại.

 

Tượng uyên ương

 

Phát hiện được duy nhất một mảnh, hình dáng khá gần gũi với uyên ương thời Trần-Hồ. Tượng được tạo theo lối tượng tròn, trong lòng rỗng, được làm từ 2 nửa, sau đó mới ghép lại với nhau.

 

Tượng nghê: là mảnh mặt nghê, với 3 bộ phận tai, khuỷu chân và mang.

 

Quan sát tượng nghê khác tìm thấy ở Thành Nhà Hồ thì thấy, nó được tạo từ phần (4 mặt) riêng, sau đó mới ghép lại với nhau, phần đế được chêm thêm bằng một viên gạch hình thang.

 

Hiện vật kim loại , nằm rải rác trong các lớp đất san lấp, bao gồm: Mũi tên đồng thau, tiền, đinh sắt, chì lưới. Tiền đồng đọc được có các đồng: Nguyên Phong Thông Bảo thời Trần Thái Tông (năm 1225 - năm 1258. Tiền Thiệu Thánh Nguyên Bảo Trung Quốc thời Tống Triết Tông (năm 1094 - năm1097). Ngoài ra còn một số đồng bị gỉ không đọc được. Chúng tôi tìm được 29 chiếc đinh, gần giống đinh thuyền ngày nay. Mũi đinh nhọn, thân đinh dài, tiết diện hình tứ giác, được chia làm 4 loại. Chỉ tìm được một mảnh chì lưới bị xi hóa, được làm từ một tấm chì mỏng hình chữ nhật gấp đôi theo chiều dọc,để tạo khe gấp vào lưới.

 

Trong phần này, chúng tụi trình bày về kết quả khai quật ở khu vực Đông Thái Miếu –Nơi được cho là có các kiến trúc thờ nhà Trần.

 

Các dấu tích kiến trúc thời Hồ

 

 

Dấu tích kiến trúc thời Hồ gồm có nền kiến trúc, hàng đá cát kết bó móng kiến trúc và khoảng sân lát gạch vuông.

 

* Nền kiến trúc: lớp đất đắp nền kiến trúc, được đầm rất chặt, chủ yếu là sét thuần, một số mảnh vật liệu kiến trúc vỡ, xỉ vôi được tận dụng, chỉ tập trung trong lớp đất 5 trở lên, độ sâu từ 0,35m đến 0,75m so với mặt ruộng. Như vậy, trước khi xây dựng các kiến trúc trong thành, nền sinh thổ tương đối thấp vì toàn bộ thành nhà Hồ nằm trong thung lũng lớn, trước khi xây dựng, người ta đã phải đào đắp nâng nền của các kiến trúc để tránh việc ngập úng. Các lớp đất này được đào đắp không cùng một lúc mà vào nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn.

 

* Bó nền kiến trúc: dấu vết còn lại là Hàng đá nằm xiên theo hướng Đông Tây, và  ăn tiếp vào hai đầu vách hố. Bó nền được làm bằng đá cát kết, màu nâu xám, hạt cát nhỏ, mịn, bề mặt đá được đẽo phẳng, vẫn còn vết chế tác, mặt quay ra ngoài được mài nhẵn. Các viên đá được chôn đứng, đặt sát nhau tạo thành mặt phẳng. Chân của các khối đá kè được chèn bằng gạch bìa và mảnh đá vôi nhỏ tạo mặt phẳng, mặt phẳng quay về phía Nam. Mạch ghép giữa các khối đá rất nhỏ (0,3 - 0,5cm). Bó nền đã xuất lộ 14 viên đá, viên dài nhất là 0, 87m, viên rộng nhất là 50,0m, viên dày nhất là 22,5m.

 

Căn cứ vào chiều dài đã xuất lộ của hàng đá bó nền có thể suy đoán có một kiến trúc tương đối lớn thuộc thời  Trần-Hồ được xây dựng ở khu vực này. Kiến trúc có hướng mở ra phía Nam, đã bị phá huỷ gần hết. Kiến trúc thời Lê xây chồng trực tiếp lên trên kiến trúc thời Hồ.

 

* Sân lát gạch vuông;

Trong hố kiểm tra phát hiện được một khoảng nền sân lát gạch vuông với 2 viên gạch lát nền hình vuông thời Trần- Hồ màu đỏ tươi, còn nguyên vẹn, mỗi cạnh dài 0,45m, dày 0,5m. Sân còn tiếp tục phát triển về các hướng: Nam, Đông và Tây.

 

Các dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ

 

* Nền kiến trúc: được đầm kỹ bằng đất sét màu vàng, mịn, dẻo quánh, khi ướt dính bết, khi khô rất rắn, tương đối thuần, chỉ lẫn một số mảnh vật liệu kiến trúc, một số chỗ có hạt xỉ vôi nhỏ, màu trắng. Phần phía Bắc nền kiến trúc được làm trên bề mặt nền kiến trúc thời Hồ, phần phía Nam đắp trực tiếp trên mặt khoảng sân lát gạch của thời Hồ.

 

Phần nền phía Nam được đắp đè lên trên nền sân lát gạch thời Hồ. Như vậy, vào thời Lê Sơ, diện mạo các kiến trúc của khu vực này ít nhiều đã được thay đổi. Sân của kiến trúc thời Hồ đã được chuyển đổi thành nền kiến trúc của thời Lê. Ông Vũ Đình Hiến- Chủ ruộng- cho biết, cách đây vài năm đã tìm được đôi rồng bằng đá trong khu ruộng này, có thể đây là rồng được đặt ở thành bậc.

 

* Hệ thống móng trụ móng kiến trúc thời Lê:

Ngay tại độ sâu 020 - 0,25m so với mặt ruộng đã xuất lộ hệ thống 7 móng trụ thời Lê Sơ, được đầm bằng ngói âm dương màu xám, lẫn các mảnh ngói cánh sen thời Trần Hồ. Các móng trụ thuộc kiến trúc nhà nằm theo chiều Đông Tây, có 3 hàng cột. Tính theo chiều Đông Tây, các móng trụ được chia thành 4 hàng, còn theo chiều Bắc Nam thì có 3 hàng. Theo khoảng cách của trụ móng thì nhà có gian rộng 4,3m (khoảng cách tâm trụ 3 và trụ 2), chái rộng 3,8 (khoảng cách tâm  trụ 2 và trụ 7). Khoảng cách tâm của 2 móng trụ trong cùng một vì là 2,3m (khoảng cách tâm giữa trụ 1 và trụ 3) và 2,0m (khoảng cách tâm giữa trụ 3 và trụ 6). Qua mặt bằng xuất lộ của các móng trụ có thể đoán định đây là các móng trụ của kiến trúc quay theo hướng Nam. Riêng móng trụ 4 chưa tìm được mối liên hệ với các móng trụ còn lại. Đặc điểm chung của các móng trụ là mặt bằng hình chữ nhật (?), kích thước tương đối đồng đều. Biên trụ rõ, có các mảnh ngói cắm nghiêng xiên, dấu vết này đặc biệt rõ ở móng trụ 1 và móng trụ 2. Móng trụ đã bị phá mất phần trên, hiện còn lại một phần thân và đáy trụ nằm trong lớp đất sét vàng đầm tạo nền nhà. Móng trụ  số 4 được cắt theo chiều Đông Tây để kiểm tra kết cấu: Đáy là  lớp cát mỏng.

 

Căn cứ vào kết cấu của địa tầng mối quan hệ các thành phần kiến trúc, vật liệu xây dựng trụ móng, có thể xác định được đây là các trụ móng của kiến trúc thời Lê Sơ.

 

Hiện vật thời Trần Hồ thu được ở khu vực này gồm có:

 

Đồ sành: Có 37 mảnh, bao gồm sành mịn và sành thô, chủ yếu là sành thế kỷ 15. Sành thế kỷ 14 chỉ có có 4 mảnh.

Gạch: Có gạch bìa hình chữ nhật và gạch lát nền hình vuông. Viên gạch bìa còn đủ dáng, mặt bị bào mòn, màu đỏ hồng lẫn vàng trắng loang lổ, được làm bằng đất sét mịn, dài 35,1cm, rộng 18,3cm, dày 5,0cm. Gạch lát nền hình vuông có 2 loại: gạch trang trí hoa chanh và gạch không trang trí hoa văn.

 

Ngói: Có các loại Ngói mũi sen đơn và ngói mũi sen kép vẽ đưòng chỉ chìm, ngói bò úp nóc.

         

Hiện vật  thời Lê sơ:

 

Gốm men thế kỉ 15- 16 chỉ có 16 mảnh gốm men trắng, men trắng vẽ lam, gốm men nâu. Việc canh tác, và đào các móng trụ thời Lê, đã làm xáo trộn địa tầng, khiến các mảnh gốm men này đã bị đảo vị trí. Do việc bảo tồn di tích, diện tích khai quật nhỏ, chỉ được bóc một lớp mỏng trên bề mặt, nên số lượng hiện vật và loại hình khá khiêm tốn.

 

Gạch: gồm gạch bìa,  hình chữ nhật  màu xám và đỏ. Gạch vồ cũng có 2 màu xám và đỏ.

Ngói: Có các loại ngói mũi vát, (kích thước nhỏ, mỏng, độ nung cao), ngói dương( màu xám ghi, mỏng), ngói âm (chủ  yếu ở móng trụ 4 và móng trụ 5, bị đầm nhỏ), ngói úp nóc.

         

Đầu ngói dương có trang trí nhưng bị vỡ nhỏ, không nhận được mô típ.

 Đầu ngói âm có 2 loại:

 

-  Đầu ngói âm có trang trí phượng: có 3 mảnh. Mặt trước in nổi hình phượng đang múa; đầu ngẩng cao, hướng lên đỉnh mũi của đầu ngói, cánh dang rộng sang hai bên, đuôi dài, uốn cong mền mại. Các lớp lông cánh, lông thân và lông đuôi được tạo hình rõ, gần với hiện thực. Đầu ngói cao 12,5cm, chiều rộng còn lại 9,5cm, đầu mũi dày 1,5cm, phần sát thân ngói dày 2,9cm.

 - Đầu ngói in nổi hoa, lá cúc: có 3 mảnh, đều bị vỡ, hoa văn bị vỡ gần hết, còn lại một lá cúc to bản còn nguyên dáng và một số lá nhỏ ở xung quanh.

         

Trang trí diềm mái: Mặt trước trang trí hình lá đề cách điệu, nổi khối cao, mặt trên được tạo bằng, có một đường chỉ nổi mảnh tạo thành trục dọc của hoa văn trang trí, đầu và hai cánh hoa được tạo cung tròn, chiều rộng còn lại 8,5 cm, cao 8,0 cm, dày 1,0- 1,5cm.

 

Tấm kê lót: Có 10 mảnh, xương màu nâu vàng, mặt ngoài màu xám đen lẫn nâu nhạt. Một mặt còn vết cắt, mặt còn lại rõ dấu khuôn. Rìa cạnh được cắt vát vỡ mất một phần. Chiều dài còn lại 8,3cm, rộng 8,5cm, dày 2,4cm.

 

Đồ đun nấu: Có một mảnh miệng nồi đất nung được làm từ đất sét pha nhiều hạt cát, mặt ngoài in văn thừng, độ nung không cao, tương đối mỏng. Niên đại thế kỉ 15- 16.

 

Kết quả khai quật La Thành

 

La Thành - Vòng tường thành vòng ngoài của thành Nhà Hồ. Vòng tường này có một số đoạn được đào đắp bằng đất, trông giống như (và thực tế đã được tận dụng) con đê lớn. Số còn lại, (chiếm phần lớn) là lợi dụng tự nhiên như sông, núi để làm tường thành bằng thiên nhiên. Chính yếu tố này đã làm tăng tính hùng vĩ, hiểm trở và kiên cố cho việc phòng thủ của Thành Nhà Hồ.

         

Khu vực mở hố cắt La Thành là đê cống Ang, thuộc thôn Xuân Áng, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

         

Đoạn tường thành được chọn để mở hố cách sông Bưởi (khu vực làng Bèo) 1,5km về phía Nam, mặt đê rộng 7m, chân đê rộng 41m, mặt đê cao 5,70m so với chân đê, phía Bắc nối với núi Hắc Khuyển, phía Nam chạy dài tới núi Đốn Sơn (khu vực đàn tế Nam Giao) và cách cổng Đông của Thành Nhà Hồ 2,7km.

         

Hố có địa hình dốc, góc Đông Bắc và góc Đông Nam thấp, góc Tây Bắc và góc Tây Nam cao (mặt bằng dạng dốc taluy, độ cao chênh lệch giữa vách Bắc và vách Nam 1,0m, độ cao chênh lệch giữa vách Tây và vách Đông 2,5m).  

         

Địa tầnghố khai quật La Thành có 7 lớp đất đắp, theo thứ tự từ dưới lên (đo theo vách Bắc).

- Lớp 1: dày 0,80m, nằm ở độ sâu -4,0m đến -4,8m so với mép hố. Đất sét vàng lẫn xám xanh loang lổ cộng với đá sạn laterits.

- Lớp 2: dày 0,40m, nằm ở độ sâu -3,0m đến -4,0m so với mép hố. Đất sét vàng lẫn sét xám ít. Vách Nam hoàn toàn không có lớp đất này.

- Lớp 3: có độ dày không đồng đều, dày từ 0,10 - 0,80m, nằm ở độ sâu -3,0m đến -3,8m so với mép hố. Đất sét vàng lẫn đá laterits và nhiều đất sét xám xanh.

- Lớp 4: có độ dày không đồng đều, dày từ 0,40 - 0,90m, mặt bằng trên nằm ở độ sâu -2,3m đến -3,0m, mặt bằng dưới nằm ở độ sâu -3,0m đến -3,5m so với mép hố. Đất màu nâu lẫn các hạt laterits nhỏ.

- Lớp 5: dày trung bình 0,40m, mặt bằng trên nằm ở độ sâu -2,0m đến -2,6m, mặt bằng dưới nằm ở độ sâu -2,3m đến -3,0m so với mép hố. Đất màu nâu lẫn hạt laterits lẫn với đất màu xám xanh.

- Lớp 6: có độ dày không đồng đều, dày từ 0,2 - 0,40m, mặt bằng trên nằm ở độ sâu -1,8m đến -2,3m, mặt bằng dưới nằm ở độ sâu -2,0m đến -2,6m so với mép hố. Đất màu nâu lẫn sỏi laterits và sét xám xanh, tỷ lệ thấp hơn so với các lớp dưới.

- Lớp 7: dày 1,80m, nằm ở độ sâu 0m đến -2,4m so với mép hố. Đất màu nâu, thuần mịn, xốp, có nhiều lỗ rỗng.

         

Đáy hố sâu 4,8m so với mặt đê, được cấu tạo bằng đất sét loang lổ, gồm nhiều sạn laterits đen và đất sét vàng, nâu và xám.

         

Trong hố hoàn toàn không có hiện vật. Như vậy có thể thấy rằng, khu vực mở hố cắt La Thành, vào thời đó không có dân cư trú. Đất  đào đắp La Thành lấy tại chỗ.

 

Kết quả khai quật khảo cổ học lần thứ ba, di tích Thành Nhà Hồ đã cho chúng ta thêm một số nhận thức về di tích này.

 

Các dấu tích kiến trúc trong Nội Thành và các cổng thành hầu như còn nguyên sơ. Phần bị phá hoại qua các thời đại lịch sử có thể chỉ là phần nổi bên trên, do vậy, Thành Nhà Hồ ẩn chứa tiềm năng khá lớn của những phát hiện Khảo cổ học. 

Hai cuộc khai quật trong Thành Nội đều nhằm vào những vị trí mà theo truyền lại là nơi có các kiến trúc quan trọng thời Trần - Hồ. Kết quả khai quật dường như tuơng đối trùng hợp với truyền thuyết. Nếu điều này là đúng thì  việc khai quật Nội Thành sẽ có nhiều hi vọng tìm được các dấu tích kiến trúc thời Trần – Hồ và Lê Sơ.

 

Về mặt địa tầng, Nội thành thành nhà Hồ, do ở vị trí thấp nên hầu như các thời đều có việc nâng cấp nền. Chính vì vậy, địa tầng rất phức tạp. Kết quả cuộc khai quật lần thứ nhất và lần thứ 3 trong nội thành, đều cho thấy tầng văn hóa khá dày, có thể đến trên 2m. Vì vậy, khi khai quật nội thành chúng ta phải hết sức thận trọng.

 

Với việc làm xuất lộ dấu tích hàng đá bó nền kiến trúc thời Trần - Hồ ở khu vực được coi là Đông Thái Miếu, một mặt phản ánh quy mô lớn của kiến trúc thời đó. Mặt khác, sự tái phát hiện hệ thống móng trụ thời Lê sơ ở bên trên đã cho thấy tính chất phức tạp, chồng chéo nhau của các kiến trúc nhiều. Điều đó cũng cho thấy quá trình tồn tại và được sử dụng trong các giai đoạn lịch sử lâu dài của toà thành này.

 

Khu vực Nền Vua đã bị đào phá sâu, các dấu tích kiến trúc thời Hồ còn mờ nhạt, bị thời sau phá huỷ, hiện còn nằm sâu trong lòng đất, bị các kiến  trúc thời sau nằm đè lên trên (đặc biệt là kiến trúc thời Lê)… qua đợt khai  quật lần này, chúng ta mới chỉ xác định là có dấu vết kiến trúc mà thôi. Bố cục, diện mạo, quy mô, công dụng của các thành phần kiến trúc ở đây như thế nào thì vẫn là một câu hỏi lớn giành cho các cuộc khai quật tiếp theo.

 

Cuộc khai quật đã xuất lộ một khối lượng hiện vật khá lớn, loại hình tương đối đa dạng, chủ yếu thuộc thời Trần Hồ và Lê Sơ - vốn đã khá hiếm- nên có giá trị  nghiên cứu và giá trị lịch sử và văn hóa cao. Hiện vật của cuộc khai quật phần lớn có cùng niên đại với thành như gạch bìa (cả có chữ và không có chữ Hán), ngói mũi sen thời Trần Hồ, ngói âm dương và các trang trí kiến trúc thời Lê và rất nhiều đồ sành sứ khác... Tuy vậy cũng có nhóm hiện vật có niên đại cách xa niên đại của thành như gạch múi bưởi (thế kỷ 1-3), gạch Giang Tây quân (thế kỷ 9), nhóm hiện vật gốm men có niên đại thế kỷ17-19.

 

Lần đầu tiên vòng thành ngoài - La Thành - được khai quật, tuy nhiên kết quả từ cuộc khai quật La Thành không phải là mẫu số chung cho tất cả các đoạn La Thành khác. Cần có thêm các đoạn La Thành ở các vị trí khác nhau được khai quật để hiểu thêm về vòng thành này. Mặt cắt địa tầng La Thành (H3) giúp khẳng định thêm về kỹ thuật đắp thành của người xưa và là rõ thêm về vật liệu và cấu trúc của đoạn thành này.

 

 

1 -Tấm ốp kiến trúc in nổi hoa dây thời Trần- Hồ

2 - Đầu ngói âm in nổi chim phượng thờ Lê Sơ

3 - Gạch trang trí in nổi đinh tròn thời Lê Sơ

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Hán Văn Khẩn, Đặng Hồng Sơn, Báo cáo khai quật lần thứ nhất di tích Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc- Thanh Hóa), tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH& NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.

2. Tống Trung Tín và cộng sự, Báo cáo kết quả khai quật khu vực Cửa Nam Thành Nhà Hồ năm 2008 (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá).

3. Tống Trung Tín và cộng sự, Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Đàn Nam Giao - Thành Nhà Hồ lần thứ 3 năm 2008.

4. Tống Trung Tín và cộng sự, Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Đàn Nam Giao -  Thành Nhà Hồ lần thứ 4 năm 2009-2010.

5. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí -  Tập 1, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960.

6. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, bản in Nội các quan bản - mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), bản dịch Hoàng Văn Lâu, Nxb VHTT, Hà Nội, 2000.

7. Đặng Hồng Sơn, Vật liệu kiến trúc thời Trần - Hồ ở Thành Nhà Hồ, Nam Giao và Ly Cung. Luận văn Thạc sĩ khoa học lịch sử. Tư liệu Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, 2007.

8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập II, bản dịch của Phan Trọng Điểm, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1992.

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 3032
Ngày đăng: 26.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trang trí diềm mái thời Trần - Hồ ở đàn Nam Giao (Thanh Hoá) - Trần Anh Dũng
Ngói bít đốc ở đàn Nam Giao nhà Hồ - Thanh Hoá - Trần Anh Dũng
Biên Hòa – Từ màu men xanh đồng trổ bông - Đinh Lê Na
Gốm Chăm Bầu Trúc - Lê Ký Thương
Người Lạc Việt Là Chủ Nhân Của Giáp Cốt Văn - Hà văn Thùy
Thềm Biển Đông – Chiếc Nôi Của Người Việt - Hà văn Thùy
Một Số Loại Hình Gốm Men Qua Cuộc Khai Quật Địa Điểm Đoan Môn Và Bắc Môn - Trần Anh Dũng
Vật liệu kiến trúc 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Hoàng thành Thăng Long - Trần Anh Dũng
Khai Quật Khu Lò Luyện Sắt Vườn Lò (Hiệp Hòa –Bắc Giang) - Trần Anh Dũng
Nghề Gốm ở Tân Phước Khánh (Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)