PHỎNG VẤN PILINSZKY JÁNOS
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
- Ngay từ lúc mới xuất hiện tới tận cuối những năm 40, các tạp chí thường xuyên đăng tải bài của ngài :Válasz, Sorsunk,Vigilia, Ujhold, Kortárs. Nhưng sau đó khoảng bảy tám năm liền, ngài không công bố gì hết. Lý do gì vậy?
- Nguyên nhân sự im lặng lúc đó của tôi là chính trị: từ mùa xuân năm 1949 đến mùa hè năm 1956 không nơi nào dám đăng các bài viết của tôi.
- Bởi ngài rất ít khi công bố những bài thơ mới, người ta gọi ngài là nhà thơ ít lời. Người ta giải thích sự im lặng của ngài bằng sự nhậy cảm của hình thức, bằng chất liệu thi phẩm của ngài. Có đúng như vậy không?
- Tôi không phải là nhà thơ ít lời, càng không phải nhà thơ”chất liệu”. Rất khó để nói về điều này; và nhất là tuyên bố mình như một „nhà thơ”. Viết đối với tôi là một chức năng gì đấy cực kỳ dản dị và trần trụi, đơn giản hơn cả một hành động thuần túy hoặc lời nói. Nhưng”mức độ trần trụi” cần thiết của linh hồn lại hiếm.
Chối bỏ toàn bộ sự trưng diễn, mọi sự” lên khung”: nghệ thuật quả thật quan tâm tới trạng thái phi nhu cầu hoàn hảo nhất, đấy là lời diễn đạt của con trẻ , của những người già và của những kẻ đã chết. Tôi nói là trẻ em, nhưng không phải khi chúng chơi. Trò chơi đối với trẻ em là một cuộc du hành, để chui vào đấy hoặc biến ra khỏi thế gian. Tôi quan tâm đến đứa trẻ đã mệt, sau khi chơi đùa xong quay trở lại với hiện thực ban đầu của nó.
- Ngài giải thích thế nào về việc tránh né tất cả các cuộc tranh luận văn học?
- Tôi xa lạ với việc bàn luận trực tiếp về thi ca. Tôi cảm thấy bất nhã, như khi cánh đàn ông tranh luận với nhau về các vấn đề mốt. Tôn giáo và triết học đáng quan tâm một cách trực tiếp, nhưng như một pho sách và một chất liệu để suy ngẫm. Tuy nhiên những chất liệu chưa biết và mơ hồ này phần lớn lại bắt buộc hướng đến sự câm lặng.
- Viết, nhất là làm thơ:là sự dàn trải, trải lòng. Nghĩa là bản chất của thơ mâu thuẫn với sự câm lặng…
- Tôi muốn được viết như thể thực ra tôi được im lặng. Có lẽ từ đây nảy ra sự phi nhu cầu về hình thức của tôi. Từ phép lịch sự và từ việc giữ ý tứ. Tôi cất tiếng một cách thiên vị, và sự thiên vị này tôi sẽ không bao giờ lột bỏ. Trong ý nghĩa này tôi đã bị kẹt lại ở tuổi ấu thơ.
- Người ta xác định một cách có phê phán đúng đắn rằng, đặc trưng thơ của ngài là sự cảnh báo không khoan nhượng và tính chất khép kín rõ nét của hình thức. Trong khi đó ngài không tự cho mình là một „nhà thơ chất liệu”. Vậy từ quan niệm này cái gì ngài vẫn cho rằng quan trọng?
- Về mặt hình thức như sau: tiếng đổ nhào, những cú đấm, những cú nện, hay đúng hơn là biển cả những dòng kẻ ca rô của những cuốn vở cũ kỹ! Những dấu vết ngẫu nhiên đưa lại ý nghĩa không thể xóa bỏ của đồ vật hay của một thực thể sống. Đôi giày của Van Gogh; cái vali dúm dó trong bảo tàng Auschwitz. Đấy là cái làm rún động thế gian, hay đúng hơn: cái mà từ nó toát lên sự xa lạ quen thuộc.
Đấy là một lối mòn mà tôi đã đi qua, là con đường tôi một mình tìm thấy. Vẻ đẹp của sự trần trụi này là thứ duy nhất tôi có thể hy vọng. Đấy là sự yếu mềm: ngẫu nhiên, hay đúng hơn, chỉ sự thản nhiên của cỗ máy lặp đi đi lặp lại mới mang lại cho ta khái niệm về người ta yêu.
- Tôi đọc trong lịch sử văn học Hungary, rằng cơ hội gặp gỡ với sự khủng khiếp của chủ nghĩa phát xít, và sự bế tắc của những ấn tượng này khiến”sự dao động sâu sắc, tổng quát nhất của đức tin con người cũng trở nên bảo thủ” trong nghệ thuật của ngài. Tóm lại: người ta cho rằng ngài là một kẻ bi quan.
- Đây là chủ nghĩa bi quan ư? Tôi nghĩ, tôi chỉ có một khả năng duy nhất là hãy đừng trở thành kẻ bi quan. Một tiếp cận của im lặng, của trạng thái phi nhu cầu, của sự trang nghiêm, như của đứa trẻ, bởi vì duy nhất từ đó sự an ủi của bình minh đầu tiên hé rạng. Trong nghệ thuật chỉ có trạng thái” Vô phương giải quyết” „Chiếu -Tướng” là hy vọng hoàn hảo. Còn đâu là vấn đề của đời sống hết.
Thực ra nghệ thuật đảm nhận cái mà đời sống không đảm đương nổi. Nếu không, cái gì là vai trò của nó? Nghệ thuật là kẻ trung gian giữa đời sống và cái chết; khi nó lên tiếng có hiệu lực nhất vì quyền lợi của đời sống, chính là lúc nó đang thương thuyết với cái chết. Những an ủi của nghệ thuật khó có thể dịch ra ngôn ngữ hàng ngày hoặc ra thứ ngôn ngữ lưu thông. Nếu điều này có thể thực hiện nổi, chúng ta không bao giờ cần đến nghệ thuật nữa.
Đặc biệt Simone Weil đã định nghĩa đúng nhất về tranh luận chủ nghĩa bi quan và chủ nghĩa lạc quan trong nghệ thuật: „ Sự bất hạnh đập vào mắt càng cảnh báo bao nhiêu, thì sự diễn đạt nghệ thuật chân chính của nó càng là cái đẹp ngự trị duy nhất bấy nhiêu.”
- Thi ca là sự tự thể hiện đến mức nào? Hoặc còn lớn hơn điều đó bao nhiêu?
- Con người không viết về bản thân, mà luôn luôn như thế nào đấy viết về cái toàn thể, sau đó từ đấy người đọc nhận ra họ. Các chi tiết tách rời những cái khác trong khi cái toàn thể luôn luôn và buộc tất cả mọi người vào làm một.
Về” cái toàn thể” chúng ta không biết tý gì, và chúng ta không thể biết tý gì về nó, thế nhưng thứ „vô kiến thức” này lại điều chỉnh, sự”tăm tối” này lại chiếu sáng. Cái”toàn thể” này không bao giờ áp đặt, trái lại, làm chúng ta nhẹ nhõm: đây là sở hữu thân thiết nhất của chúng ta. Khoa học thử thông qua chi tiết mở đường đi về phía cái toàn thể, nghệ thuật bỏ lại sau nó những phần chưa khám phá, ngay từ đầu đã hướng tới cái toàn thể.
Khoa học là nỗi lo toan chủ yếu của nhân loại, nghệ thuật là của một số người. Nghệ thuật có quyền như vậy, quyền của bi kịch cái chết. Nhân loại không biết đến ấn tượng của cái chết; tri thức từng phần, ấn tượng từng phần về thế gian chỉ từng con người gánh chịu bản án tử mới hoàn chỉnh hóa bằng quan hệ bất ngôn với cái toàn thể.
Đúng là, cái”tri thức” này cũng lên tiếng thông qua từng phần, nhưng những lúc ấy nguồn cảm hứng của chi tiết thật sự sẽ hiển thị, „ dội lên”. Ở ai tiếng động của chi tiết làm chấm dứt sự im lặng của”cái toàn thể”, người đó là kẻ giàu có nghèo khổ. Trái ngược với lời đích thực trong nghệ thuật bao giờ cũng là lời của sự nghèo nàn sung túc.
- Ngài đặt tên nhân cách mình là trách nhiệm không lay chuyển, ngài thổ lộ thi phẩm của mình mang cảm hứng thiên chúa giáo. Vai trò của hai khái niệm này là gì trong thi phẩm và cuộc đời của ngài?
- Về điều này tôi đã trả lời trong bài viết có nhan đề „Thay cho Ars Poetica”; ở đây tôi nhắc lại một vài suy nghĩ trong bài đó.
Albert Camus trong tác phẩm Huyền thoại Sisyphe đã nhận ra Dostojevskij nhận biết sự phi lý của thế gian, nhưng ông không viết tiểu thuyết phi lý, mà chạy trốn vào sự an ủi của lòng tin. Tuy nhiên vượt quá nhận thức về phi lý của thế gian- chính vì thế không trốn chạy theo hướng đó- và còn phù hợp hơn nữa, như ông đã làm, một bước còn phi lý hơn nữa, đấy là gánh chịu, đảm nhận sự phi lý, vô lý .
Trong ý nghĩa này „Câu trả lời của Dostojevskij là một sự nhún nhường” ( La réponse de Dostojevskij est l’humiliation), chỉ có điều sự nhún nhường cam chịu này- gánh lên mình trọng lượng của phi lý thế gian, như khoác lên mình gánh nặng của sự sống và những mâu thuẫn của sở hữu- là tất cả, nhưng không phải là sự né tránh.
Một cách vô danh và vô bút pháp, bản thân điều này trong quá trình liên tục không đứt đoạn, như Kinh Thánh đã hệ thống hóa, có thể là gì khác ngoài câu chuyện của những người nghèo khổ giữa chúng ta? Họ, những người nghèo khổ, không cần biết họ nhập thế ra sao, với hiện thực họ mang trực tiếp trong máu thịt, trong tứ chi của mình từ thời gian vô tận những khó khăn tuyệt vọng, từ mức độ này đến mức độ khác mà thế gian đổ lên đầu họ. Nhưng bởi thế, họ bình thản từ trong trái tim, có thể cảm nhận quanh họ một sự hiện diện thượng đế của tất cả.
Trái ngược với họ, những kẻ giàu có cố gắng thoát khỏi mọi gánh nặng tuyệt vọng, gánh nặng vô chủ của sự phi lý vô chủ tràn ngập thế gian. Nếu sự cam chịu gánh nặng của những người nghèo khổ như một tượng trưng hóa thân thượng đế vô thời hạn, thì ở những kẻ giàu có lại mang ý nghĩa sự bắt đầu của luân hồi. Và khi chính bản thân tinh thần cũng không hề muốn gánh vác gánh nặng vô chủ đã chứa chất, đã trở thành nhỡn tiền và tiếp xúc được này- dù đạt tới quan điểm trần trụi và tuyệt vọng hoặc cả đến hư vô đi nữa- về bản chất chỉ làm trầm trọng thêm cái mà những kẻ giàu có đã bắt đầu từ lâu và tham dự ngay từ đầu.
Sau đó bắt đầu xuất hiện những kẻ tội phạm thông thường- những nhân vật cặn đáy- những kẻ giờ đây trực tiếp tham gia vào phi lý, bê bối, từ sự lầm đường của những vụ ám sát thẳng thừng của chúng mong ngóng lời đón chào chưa bao giờ xảy ra của sự giàu có, quyền lực và tự do có tác động ngược trở lại nào đó. Bắt đầu từ đây nỗi đau khổ của những người vô tội không bao giờ còn là hậu quả nữa, mà là nguồn năng lượng không thể thiếu của các sự kiện tàn nhẫn.
Nhưng tai họa giáng xuống đầu chúng ta từng có thêm một bài học. Dưới đống đổ nát của lịch sử đã được viết ra, cùng lúc, không ngoại lệ, tất cả chúng ta đều đụng chạm tới một lịch sử bất thành văn, bằng những tầng sâu đời sống của những người nghèo khổ. Chúng ta đã trải nghiệm qua ý nghĩa đích thực của những ngôn từ đã quên- như cái đói, cái khát, trạng thái vô tổ quốc- những ngôn từ mà các tác giả của mọi thời hoàng kim từng dùng để viết.
Chúng ta đang sống giữa những mâu thuẫn từ trước tới nay xa lạ với chúng ta. Sự nhục nhã không thể tin được và sự miễn dịch hoàn toàn. Sự giả bộ và hiện thực đổi chỗ cho nhau. Đằng sau những cử chỉ nhạy cảm chúng ta nhìn thấy lũ no đủ ăn uống, và cặn bã nhận lấy kẻ đói khát như một bản chất phi vật chất.
Trong một khoảng thời gian ngắn tất cả chúng ta đều có thể trở thành những người nghèo khổ, thành những bộ phận của vị trí linh thiêng của sự nghèo khó, của gánh nặng bất lực và sự tất yếu bị tạo ra một cách thụ động
Riêng tôi lúc đó lần đầu tiên tôi biết đến hòa bình. Tôi vẫn muốn giải phóng mình khỏi hoàn cảnh khó khăn của mình, và khi điều này xảy ra, không phải ngẫu nhiên, sự giải phóng đến như sự phạm tội lần đầu tiên của tuổi ấu thơ.
Đằng sau các nhân tố, Thượng đế bị lưu đày theo thời gian làm thấm đẫm máu tấm vải lịch sử. Khi ngài để lại dấu vết, mới vô nghĩa bất tận làm sao câu hỏi, liệu một khi nào đó chúng ta có thể với tới ngài hay không. Nếu có thể tạo ra sự phân biệt, nỗi im lặng chặn giữa chúng ta không bao giờ còn chạm đến thi ca, như nó bắt buộc bản thân nhà thơ phải đi theo nó suốt cuộc đời, và không bao giờ đủ cho lời mời gọi này, cho dù bằng cái giá của sự liều lĩnh câm lặng tận cùng và hoàn hảo đi chăng nữa.
Nguồn:
( „Trò chuyện cùng Pilinszky János”,trang 30, nxb Magvetõ 1983. Budapest)
( Budapest. 2012-09-24)