Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.144
123.202.974
 
Vĩnh biệt nhà cộng sản kiên định
Lê Hải*

 

Vĩnh biệt GS Eric Hobsbawm, thầy tôi, sử gia, nhà tư tưởng Mác-xít, người cộng sản kiên định sinh ra trong năm Cách mạng tháng 10 Nga thành công, vào đảng năm 14 tuổi và kiên định bảo vệ tư tưởng cộng sản đến hơi thở cuối cùng hôm 1.10.2012 vừa qua, thọ 95 tuổi. Tiếp tục tích cực cống hiến cho khoa học sau ngày nghỉ hưu, cả đời dành công sức cho Đại học Birbeck, Hobsbawm không phải là một ông giáo già về hưu cố chấp, mà là ngọn cờ đầu cho chủ nghĩa Mác ảnh hưởng sâu đậm không chỉ liên toàn bộ ngành sử học của nước Anh mà cả hệ tư tưởng khoa học trên thế giới. Đã sống qua những ngày tháng chao đảo của thế kỷ 20, đủ tự tin để nhìn thế giới và chửi thề trước mặt sinh viên - "Địt mẹ chúng nó" - những gì GS Hobsbawm đã viết ra trong hơn 30 quyển sách - nay đều là kinh điển không chỉ trong ngành sử học - xứng đáng để chúng ta dịch sang tiếng Việt từng quyển một.

 

 

Với những ai chỉ quan tâm đến ông như một học giả nổi tiếng thì Hobsbawm là người Do Thái có bố mang quốc tịch Anh, mẹ mang quốc tịch Áo, đẻ ở Ai Cập và bị nhân viên hộ tịch viết nhầm chữ U trong tên thành W. Sớm mồ côi phải tự bươn chải và chạy về Anh để trốn Do Thái, để rồi một ngày trở thành cố vấn đặc biệt cho thủ tướng Tony Blair, và nhà tư tưởng Mác-xít số một thế giới, cũng như thầy của hàng chục ngàn sinh viên và nghiên cứu sinh. Trong những năm cuối đời sống ở vùng Hamstead Heath, nơi ngày xưa Mác và Ăngel từng đàm đạo, ông viết quyển sách nhìn lại Mác và Chủ nghĩa Mác: Làm sao để thay đổi thế giới. Trước đó ông hoàn thiện một bộ lịch sử thế giới nhìn theo cách của mình. Đó là hai tác phẩm cần đọc đầu tiên.

 

Với những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam thì GS Eric Hobsbawm không công nhận có tồn tại cách mạng dân tộc ở đây. Dù thời điểm hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam năm 1945 nằm đúng trong khoảng thời gian mà Hobsbawm cho là cao trào của chủ nghĩa dân tộc: 1918-1950, nhưng ông dứt khoát xếp Việt Nam cùng một số nước khác như Trung Quốc và Triều Tiên vào nhóm chỉ giải phóng, còn dân tộc là khẩu hiệu mượn từ hệ tư tưởng phương Tây. Trong lúc Việt Nam thường tuyên truyền về thắng lợi của mình là lá cờ đầu cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới, Hobsbawm thẳng thắn cho rằng phong trào này chỉ có thể dùng chữ dân tộc trong ngoặc kép mà thôi. Vấn đề dân tộc được các nhà Mác-xít đưa ra từ Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản và tiếp tục cuộc tranh cãi sang đến Đệ Tam, với những tên tuổi như Kaustky, Luxemburg, Otto Bauer ... mà Lenin và Stalin là nhóm có những lý luận đi kèm hành động cụ thể, thử nghiệm chính sách dân tộc ngay trong cơ cấu chính trị của mình. Lenin cho rằng phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Thế giới thứ ba giữ vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới. Stalin viết sách đưa ra định nghĩa dân tộc là cộng đồng về ngôn ngữ, sắc tộc, kinh tế và cả văn hóa tư tưởng. Theo phân tích của Hobsbawm thì ý tưởng về Liên Bang Xô Viết đa dân tộc, bao gồm cả người Kazakh, Kirghiz, Uzbek, Tadjik hay Turkmen, chỉ là sự gượng ép của giới trí thức Xô Viết hơn là động lực từ chính vùng Trung Á. Xuất phát từ hệ lý luận Mác-xít, ông cho rằng lịch sử chuyển vận do một động lực phát triển liên kết cả cơ sở hạ tầng về con người và phương tiện sản xuất lẫn thượng tầng kiến trúc của chính trị, văn hóa và nghệ thuật. Lối lập luận của Hobsbawm đưa đến kết luận rằng những nơi mà dân tộc chỉ là chương trình chính trị, thiếu biến chuyển trước đó từ cơ sở hạ tầng, hay còn gọi là dân tộc trong ngoặc kép, thì theo đà quay của lịch sử sẽ tan rã như trường hợp của Liên Bang Xô Viết. Hơn vậy, ông cho rằng chủ nghĩa dân tộc - vốn từng là động lực phát triển từ sau cuộc cách mạng Pháp - hiện không còn vai trò là qui luật của lịch sử nữa.

 

 

Với giới khoa học trong các ngành xã hội và nhân văn và nhất là những ai nghiên cứu lịch sử thì lý thuyết của GS Eric Hobsbawm về một nền văn hóa truyền thống được tạo dựng - invented tradition - là chìa khóa giúp ta hiểu thế giới xung quanh. Người ta thường hay cho rằng dân tộc là một thứ gì đó tự nhiên và bắt nguồn từ rất lâu đời, nhưng trong mắt sử gia biện chứng như Hobsbawm thì tất cả những gì gọi là truyền thống của một dân tộc thực ra là được giới lãnh ạo tạo dựng ra. Ví dụ có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi, từ bài quốc ca mới sáng tác và lan truyền cho đến bộ quần áo hay tư tưởng cách tân, và cả ngôn ngữ nữa. Nếu nghiên cứu lịch sử nước Đức ta sẽ thấy Fredrik đại đế - người sáng lập ra đế quốc Phổ hùng mạnh - nói tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Đức. Nếu nghiên cứu lịch sử Việt Nam ta sẽ thấy nhiều tập quán của một nhà nước dân tộc triệt để diệt đế quốc thực ra vừa lấy từ chính chế độ bảo hộ Pháp mà nó vừa lật đổ. Văn hóa theo đó không phải là thứ thừa hưởng tự nhiên từ ngàn đời xưa - primodialism mà chỉ mới vừa được sáng chế ra gần đây thôi - invented, như áo dài hay phở vậy.

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2647
Ngày đăng: 03.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân Đọc “ Trong Như Tiếng Hac Bay Qua” - Mang Viên Long
Lời Chào Ngọn Gió – Lời Chào Nhân Gian Của Nhà Thơ Chim Trắng. - Trần Hữu Dũng
Đường Vào Văn Chương PHÊ BÌNH LÝ TRÍ VĂN CHƯƠNG của đặng phùng quân - Đào Trung Đạo
Nửa thế kỷ lưu lạc - Lê Hải*
Bộ sách phi thường - Lý Đợi
Khoảng cách vô hình - Đinh Lê Na
Đọc “Lang Thang Cố Xứ” Thấy Sông Quê Đang Chảy… - Nguyễn Tam Phù Sa
Trịnh Công Sơn không là Bob Dylan - Nguyễn Duy
Các nhà tiên phong người Portugal và ngôn ngữ học Việt Nam - Đoàn Xuân Kiên
Không Có Gì Trôi Đi Mất - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)