Kịch bản điện ảnh là cơ sở sáng tạo đầu tiên có vai trò hết sức quan trọng để xây dựng một tác phẩm điện ảnh. Kịch bản lúc đầu chỉ là những vạch đầu dòng chủ yếu cung cấp ý tưởng và những gợi ý cho đạo diễn, mọi thứ đều do đạo diễn sáng tác để đưa lên màn ảnh. Về sau kịch bản được những nhà biên kịch viết ra hoàn chỉnh nó cung cấp câu chuyện phim, nhân vật và các sự kiện chính cho đạo diễn chế tạo thành tác phẩm điện ảnh. Có thể nói nếu không có bước đầu tiên là kịch bản điện ảnh thì không thể có nền tảng để sáng tạo các bước sau…
Vấn đề đầu tiên và cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất của nghệ thuật kịch bản chính là kết cấu kịch bản. Kết cấu tốt sẽ tạo nên một bộ phim hay. Trước đây, các nhà biên kịch thường xây dựng câu chuyện phim theo kết cấu truyền thống (5 hồi). Nhưng nghệ thuật điện ảnh luôn vận động và thay đổi, vì thế các nhà làm phim luôn tìm ra những điều mới mẻ trong cách thể hiện từ khâu kịch bản cho đến dàn dựng, cách quay và diễn xuất. Nghệ thuật kịch bản lúc này không nhất thiết phải viết theo lối kết cấu truyền thống là mở đầu phim phải giới thiệu không gian – thời gian – nhân vật. Mà thay vào đấy các nhà biên kịch có thể giới thiệu nhân vật trước, hay thêm vào đó những yếu tố nằm ngoài cốt truyện.
Hãy cùng người viết khảo sát qua một số bộ phim để thấy được sự thay đổi trong kết cấu kịch bản phim: Dưới những mái nhà Paris (1930) của Rene Clair là bộ phim nói đầu tiên của điện ảnh Pháp nhưng vẫn mang đậm dấu ấn của phim câm, và cách thể hiện của các tác giả hoàn toàn toàn theo lối cổ điển. Kịch bản của phim được xây dựng khá hoàn chỉnh, một câu chuyện được thể hiện bằng hành động, rất khéo léo, nhiều khi cài cắm thú vị. Mở đầu phim tác giả giới thiệu bối cảnh chung (máy quay từ trên cao đổ xuống những mái nhà), rồi ngay sau đó là giới thiệu các nhân vật chính và câu chuyện phim bắt đầu. Đến kết thúc phim thì sử dụng lại cảnh đầu phim nhưng máy quay lại được rút dần lên cao.
Một bộ phim khác của điện ảnh Pháp Lúc tàn hơi (1959) – là tác phẩm xuất sắc mở đầu cho trào lưu Làn sóng mới, đã giáng một đòn chí mạng vào hình thức kể chuyện truyền thống và phá tan cú pháp điện ảnh trước đó. Kết cấu kịch bản cũng có sự thay đổi rất táo bạo, mở đầu phim thay vì giới thiệu khung cảnh và nhân vật, thì trong phim này cảnh mở đầu phim là cận cảnh một tờ báo có hình cô gái, hai bàn tay cầm tờ báo và hạ xuống làm cho người xem có cảm giác nếu bắt đầu phim bằng một cảnh khác cũng được. Nhân vật trong phim tồn tại không mục đích, xu hướng. Trong phim có rất nhiều thoại song nó không mang ý nghĩa phục vụ nội dung phim mà dường như chỉ để chứng minh cho sự dối trá của lời nói. Trong những bộ phim của Làn sóng mới nói chung, các nhà làm phim đã cho thấy cách làm phim mới, từ bỏ cách kể chuyện thông thường, phá vỡ kết cấu phim, bố cục quay phim, dựng phim…
Đạo diễn, Nghệ sỹ nhân dân Liên Xô M.Room đã từng viết: “Mỗi nhà văn, mỗi tác giả khi sáng tác phim truyện đều phải hiểu và quen thuộc đặc điểm của ngôn ngữ điện ảnh, phải nắm thật chắc ngôn ngữ này mà việc đó ở một người có tài năng văn học và thật sự thích làm phim, là việc có thể làm được”. Như vậy một người viết kịch bản nếu có khả năng văn học cũng có thể viết được những kịch bản mang tính chuyên nghiệp để làm phim. Có nhiều xu hướng sáng tác kịch bản điện ảnh. Có kịch bản do chính nhà biên kịch tự viết ra, có loại chuyển thể từ các tác phẩm văn học.
The Piano (Piano a Jane campion film) (DVD) (1993) larger image
Đầu tiên xin bàn về kịch bản do chính những nhà biên kịch sáng tác: Một kịch bản điện ảnh phải là một bộ phim trên giấy, mỗi một câu chuyện phim phải phản ánh được vấn đề của cuộc sống, bởi bản chất của điện ảnh là đưa một phần hiện thực cuộc sống của con người lên màn ảnh. Trên Thế giới cũng có rất nhiều phim được giành được giải thưởng lớn về biên kịch như: Công dân Kane (Herman Mankiewicz, Orson Welles) ; Trung đội ( Olive Stone) ; Dương cầm ( Jane Campion) ; Cuộc sống tươi đẹp (Roberto Benigni and Vincenzo Cerami)….Còn ở Việt Nam thì có: Đường về quê mẹ ( Bành Châu – Bùi Đình Hạc) ; Truyện vợ chồng anh Lực ( Vũ Lê Mai) ; Chuyến xe bão táp ( Bành Bảo)…Chúng ta hãy cùng bàn về kịch bản trong phim Truyện cổ tích cho tuổi 17 (Biên kịch Trịnh Thanh Nhã), để thấy được vai trò của người làm công tác viết kịch bản. Câu chuyện phim rất đơn giản: một cô bé 17 tuổi đầy mộng mơ, yêu một chiến sĩ ngoài mặt trận dù rằng chưa gặp anh ta bao giờ mà chỉ nhặt được lá thư rơi của anh gửi về cho gia đình, với lối kể chuyện giàu cảm xúc, không có mâu thuẫn gay gắt, không có xung đột, kịch bản của Trịnh Thanh Nhã có chút gì đó vừa thơ mộng, trữ tình vừa mang màu sắc của câu chuyện cổ tích. Vì thế khi đạo diễn dàn dựng kịch bản này thành phim cần phải nắm bắt được cái hồn của kịch bản văn học, đạo diễn vẫn trung thành với ý đồ kịch bản, vẫn đảm bảo tính đơn giản của cốt truyện. Xét về mặt kịch bản Truyện cổ tích cho tuổi 17 có hai đường dây thực và hư vì đây là câu chuyện yêu đương mộng mơ của một cô gái mới lớn, được đặt trong khung cảnh thực của thời chiến với những nỗi đau và sự hy sinh. Các tác giả đã khéo léo dùng các thủ pháp hồi ức, suy tưởng để xây dựng nên một câu chuyện nửa thực, nửa hư. Điều đó đã tạo nên thành công của tác phẩm. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VIII – 1988, Trịnh Thanh Nhã đã được trao giải kịch bản khá nhất.
Nhà điện ảnh học Belu Bala cho rằng: “ Việc cải biên một tác phẩm văn học sang điện ảnh chỉ là một lối thoát xa khỏi quy tắc, một thế phẩm để thay cho kịch bản văn học có chất lượng cao mà thôi” ông chia sẻ thêm: “ Đời sống tự thân nó đã đủ rực rỡ và hấp dẫn đẻ trực tiếp chuyển nó lên màn ảnh mà không cần qua khâu trung gian là nguyên bản văn học”. Để chuyển thể thành công một tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng đã có rất nhiều bộ phim thành công nhờ vào việc chuyển thể tác phẩm văn học như: Chiến tranh và hòa bình ; Cuốn theo chiều gió ; Người Mẹ ; Số phận một con người…ở Việt Nam cũng có rất nhiều như: Vợ chồng A Phủ ; Chị Tư Hậu ; Con chim vành khuyên ; Tướng về hưu…
Đúng như đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng nói: “ Một bộ phim hay không thể tách rời khỏi tiểu thuyết hay, đó là quan điểm mà tôi luôn kiên trì”. Vì thế những bộ phim của ông đa phần được chuyển thể từ văn học sang đều đạt được những thành công không nhỏ. Một trong những bộ phim được đánh giá cao tại các Liên hoan phim Quốc tế là Đèn lồng đỏ treo cao, dựa trên tiểu thuyết “Thê thiếp thành quần” của nhà văn trẻ Tô Đồng. Câu chuyện xoay quanh cuộc tranh giành vừa ngấm ngầm vừa công khai giữa bốn bà vợ trong nhà họ Trần, nơi mà người đàn ông - kẻ có quyền lực cao nhất, luôn giấu gương mặt trong bóng tối. Một trong những điểm thu hút Trương Nghệ Mưu của tiểu thuyết này là góc nhìn của một tác giả đương đại khi viết về những vấn đề xưa cũ, chính điều đó khiến câu chuyện có cái nhìn và cách đề cập vấn đề khác hơn những tác phẩm đi trước. Nhà văn Tô Đồng đã đem những luồng gió mới lạ vào tác phẩm của mình, phác hoạ thành công sự thù địch giữa con người với con người, cụ thể ở đây là giữa những người phụ nữ với nhau để hiện thực hóa khát vọng sinh tồn của mỗi người.
Một kịch bản hay không thể thiếu được các chi tiết bởi nó đem đến cho người xem những sự truyền cảm lớn và những suy nghĩ lớn. Tuy nhiên tất cả các chi tiết trong phim đều rất đắt và có sự gắn kết logic cao, gần như không có chi tiết thừa thì sẽ tao nên một bộ phim hay và hấp dẫn người xem. Cũng trong bộ phim Đèn lồng đỏ treo cao khi cải biên tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh Trương Nghệ Mưu đã có những sáng tạo nhất định như: Hình ảnh chiếc Đèn lồng đỏ không chỉ là một “nhân vật” tham gia vào câu mà trở thành một biểu tượng gắn liền với lẽ sống của các bà vợ. Tạo một ấn tượng thị giác mạnh và đậm bản sắc Trung Hoa qua đèn lồng đỏ, nâng nó lên thành biểu tượng gắn với số phận của những người đàn bà là thành công lớn của phim. Hay Một chi tiết đắt giá xuyên suốt bộ phim - gợi cho nhân vật và khán giả cảm giác sex - là hai chiếc búa nhỏ phát ra tiếng kêu xúc xắc, dùng để massage chân. Cũng giống như màu đỏ của chiến đèn lồng, tiếng búa gần như một sự ám ảnh đối với các bà vợ. Nó đồng nghĩa với quyền lực, sự hả hê, cảm giác hoan lạc vì được hầu hạ chồng – nó là biểu tượng của đam mê xác thịt và quyền lực.
Lyudmila Gurchenko, nữ diễn viên điện ảnh thượng thặng của Nga, người được khán giả Việt Nam ngưỡng mộ qua vai diễn Vera trong bộ phim "Ga dành cho hai người",
Trong quá trình viết kịch bản, các nhà biên kịch phải khéo léo đưa ra các chi tiết đắt giá lồng ghép và tham gia vào câu chuyện phim. Bộ phim Sân ga cho hai người (1983) biên kịch Emil Braginsky và Eldar Ryazanov có cảnh: nhân vật nam Platon được phép về thăm người yêu Vera có một chi tiết rất hay, đó là khi Platon ngồi vào bàn ăn, Vera múc cho anh các đĩa thức ăn, cứ sau mỗi lần cô đưa thức ăn mới ra chúng ta thấy đĩa thức ăn trước đều đã được Platon ăn hết. Dù không có một lời thoại nào, cũng không thể hiện cảnh tiều tụy, đói khát của Platon nhưng người xem vẫn hiểu được anh đã trải qua những ngày đói khát, thiếu thốn như thế nào. Như vậy việc sử dụng các chi tiết trong phim vừa là sự sáng tạo của các tác giả, trước hết là vai trò của biên kịch, sau đó từ những chi tiết đấy đạo diễn đã dàn dựng, và cho lên màn ảnh giúp người xem hiểu rõ và sâu hơn các tầng ý nghĩa của chủ đề tác phẩm, cũng như khai thác sâu được các khía cạnh tâm lý của tính cách nhân vật.
Để tạo nên một bộ phim hay và hấp dẫn đối với khán giả, thì cần phải có một kịch bản hay. Như nhà biên kịch người Pháp Stephan Péumant cho rằng:
“ Không có phim hay nếu như không có kịch bản hay
Không có kịch bản hay nếu như không có biên kịch giỏi
Không có biên kịch giỏi nếu như không được đào tạo”
Nhưng để có một kịch bản hay thì ngoài việc đòi hỏi nhà viết kịch bản phải có tài thì cần phải có một câu chuyện phim hấp dẫn, kết cấu chặt chẽ, có những chi tiết đắt giá, và đặc biệt phải xây dựng được nhân vật chính một cách rõ nét. Để xây dựng thành công hình tượng nhân vật, thì đòi hỏi tác giả phải xây dựng thành công tính cách của các nhân vật ấy. Nhân vật và tính cách nhân vật là mối quan hệ đồng điệu, nhân vật đời sống chỉ trở thành nhân vật điện ảnh khi nó có tính cách riêng biệt. Trong điện ảnh vai trò của nhân vật hết sức quan trọng, nó quyết định đến sự thành công của bộ phim. Phim truyện Việt Nam từ khi ra đời đến nay, các tác giả luôn chú ý đến việc xây dựng những nhân vật có tính cách: Tiêu biểu như: La trong Vật kỷ niệm ; Kim đồng trong phim cùng tên ; Ngát trong Làng nổi ; Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm…là những nhân vật có tính cách được khẳng định ngay từ đầu, và không thay đổi cho đến cuối phim. Vai A Phủ và Mị trong Vợ chồng A Phủ ; Chị Tư Hậu trong phim cùng tên ; Dũng trong Lửu trung tuyến…đó là những nhân vật có tính cách phát triển. Việc xây dựng thành công một nhân vật là một điều không phải đơn giản.
Truyện vợ chồng anh Lực ( Biên kịch Vũ Lê Mai) là bộ phim đầu tiên về con người mới của thời kì chiến tranh Chống Mỹ (1965 – 1975) và là phim tiêu biểu cho nghệ thuật xây dựng tâm lý. Phim không có nhiều sự kiện, cốt truyện mở đầu bằng việc anh Lực chủ nhiệm hợp tác xã quyết định dỡ nhà mình giải phóng khu đất, để hợp tác xã đào them một con mương. Mở đầu đó chỉ là sự triển khai mâu thuẫn, hành động tiếp theo không phải là việc đào mương và kết quả của nó. Đường dây chính của phim là thái độ khác nhau của các nhân vật đối với quyết định dỡ nhà, là tâm tư, tình cảm, tính toán và cách xử sự của họ.
Trong phim nhân vật Hương được tác giả thể hiện một cách chân thực nhất. Ngay từ đầu phim tác giả cho thấy Hương không phải là người lạc hậu, chị không phản đối việc đào mương, mà chỉ phản đối việc dỡ nhà mình, tính cách của Hương không có gì đáng trách nếu không đặt Hương bên cạnh nhân vật Lực. Chủ nhiệm Lực là người hết lòng vì hợp tác xã, anh không xem việc dỡ nhà là một hy sinh, anh không phải là người cứng nhắc trong đối xử, mà là con người mềm mỏng, tế nhị. Các tác giả không xây dựng nhân vật anh Lực như một nhân vật lý tưởng, mà rất chân thực. Hình tượng anh Lực cũng như hình tượng chị Hương là thành công đầu tiên của phim truyện về đề tài nông thôn. Bên cạnh đấy các tác giả đã rất thành công khi xây dựng nhân vật ông Củng bên cạnh nhân vật Lực để thấy được hai quan điển, hai lập trường của hai con người này, ông Củng đã làm phong phú hơn bức tranh hiện thực nông thôn miền Bắc nước ta. Bằng những gì chân thực, bình dị, mộc mạc và trong sáng nhất, nhà biên kịch Bành Bảo cùng với đạo diễn Trần Vũ đã cho người xem thấy được sự phong phú trong cách thể hiện chiều sâu nội tâm của nhân vật.
Trên đây là những luận điểm cơ bản và cũng quan trọng nhất của nghệ thuật kịch bản, mà chúng tôi đã rút ra được trong quá trình khảo sát tư liệu và vận dụng lý luận nghiên cứu vấn đề. Vấn đề kịch bản điện ảnh là một vấn đề khá rộng và phức tạp liên quan đến những vấn đề khác trong Nghệ thuật điện ảnh. Như chúng ta đã biết, để hoàn thành một tác phẩm điện ảnh dù nhỏ hay lớn đều trải qua các bước sáng tạo nghệ thuật: đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ…nhưng chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của nhà biên kịch. Bởi đây là khâu đầu tiên và cũng giữ một vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo tác phẩm điện ảnh.