Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.210
123.205.974
 
Ngắm nhìn Vệ nữ ở Việt Nam
Thanh Lê

 

Các tác phẩm sắp đặt và điêu khắc của cố nghệ sỹ Vũ Dân Tân kết hợp với những tác phẩm mới sáng tác của nghệ sỹ Nguyễn Nghĩa Cương trong triển lãm Vệ nữ ở Việt Nam (tại Viện Goethe, Hà Nội), đã mang tới cho người xem những cái nhìn khác về hình tượng và giới tính người phụ nữ.

 

Triển lãm còn là sự so sánh, đối chiếu các tác phẩm của hai nghệ sỹ người Hà Nội đến từ hai thế hệ.

 

 

Vệ nữ (2006), Vũ Duy Tân, vỏ thuốc lá tận dụng đựng trong hộp gỗ nắp kính

 

Cố nghệ sỹ Vũ Dân Tân (1946 – 2009) được đánh giá là một trong những người nghệ sỹ đi đầu trong hoạt động nghệ thuật cấp tiến tại Việt Nam và Đông Nam Á. Thực tiễn sáng tác của Vũ Dân Tân, từ khởi đầu, với tổng hợp nhiều chất liệu và sự vượt qua các ranh giới của mọi khuynh hướng nghệ thuật đã thách thức những định chuẩn của nghệ thuật cũ. Từ những thập niên 1980, ông đã làm những tác phẩm chứa đựng nhiều cách tân đổi mới mà sau này được hiểu là “đương đại”.

 

Những năm đầu 1980, Vũ Dân Tân khởi phát con đường nghệ thuật của mình bằng những thể nghiệm vẽ mặt nạ lên mẹt và rổ rá. Ông đã pha trộn những hình ảnh có trong trang trí của các tộc người thiểu số ở vùng núi phía bắc, tạo nên những hình mặt nạ xinh xắn nhưng cũng dung chứa đa tầng ý nghĩa. Những mặt nạ của Vũ Dân Tân đã thách thức sự quy phạm của nghệ thuật cũ ngay trong chất liệu và hình ảnh.

 

 

 

Thời Trang (2000), Vũ Duy Tân, 85cm x 36cm x 15cm (độ dày biến thiên), bìa các tông tận dụng

 

Tiếp sau, Vũ Dân Tân làm nghệ thuật với những vỏ bao bì đóng gói (những tác phẩm đang được trưng bày trong triển lãm). Và cũng như sự độc đáo của các mặt nạ trên rổ rá, những tác phẩm ba chiều cô đọng, có kích thước bằng một cái bàn, được làm từ vỏ tút thuốc lá, bìa carton, vỏ hộp phim Kodak chứa đựng những tầng ý nghĩa khó để khám phá tận đáy cùng. Đứng trước các tác phẩm của Vũ Dân Tân nếu không có sự chuẩn bị kiến thức nền về nghệ thuật đương đại thì người xem sẽ dễ bị kinh ngạc bởi sự tự do hoàn toàn và rộng mở của chúng ngay cả khi chỉ là những hình dạng nhỏ bé được cắt tỉa và sắp hàng trong một cái hộp gỗ có sơn màu cam.

 

Hình Venus (thần vệ nữ) đã có thời gian dài là biểu trưng ưa thích của Vũ Duy Tân. Những Vệ nữ được cắt ghép khéo léo, có một số nét nhấn cần thiết bằng than chì hoặc mực tàu. Từ phần cốt lõi có ảnh hưởng sâu xa của những nàng Venus bị đóng hộp, nổi bật lên serie Thời trang (Fashion). Ở đây Vũ Dân Tân đã đưa nàng Venus của mình bước ra với thế giới. “Được dựng từ những tấm bìa các tông màu nâu vàng mới nguyên, những hình nổi ba chiều, tương đương kích thước người thật, là những trang phục làm lộ dần ra cái cá nhân của những nhân vật chính vô hình hài và không có cả gương mặt.

 

 

Thời Trang (2009), Vũ Duy Tân, 122cm x 35cm x 15cm (độ dày biến thiên), bìa các tông tận dụng

 

Với những đường khía, nét lượn ở các khu vực xương mu làm nổi lên những đường cong điển hình, những bộ quần áo bằng giấy này dù ngắn hay dài cũng thể hiện bản năng giới tính một cách trực diện, rõ ràng. Không hề gượng gạo, có khi còn hơi thái quá, trong gợi ý về nhục tình, những phục trang đồng bộ này, tuy được cắt thủ công từ giấy bìa mềm mại và không bền, trông giống bộ áo giáp hơn là váy áo thông thường. Trong việc theo đuổi chất liệu giấy bìa này của Tân, người ta một lần nữa thấy được sự trung thành của ông với giấy, một nguyên liệu nền tảng của văn hóa Việt Nam và Châu Á” – nhận xét của nhà phê bình Mỹ thuật Iola Lenzi (người thường xuyên giám tuyển cho các tác phẩm của Vũ Duy Tân).

 

Vũ Dân Tân ưa thích chất liệu giấy cũng bởi nó sẵn có, rẻ và dùng được luôn. Nhưng với ông, việc sử dụng giấy như cách dùng một chât liệu khắc quý giá, như đá hay đồng.

 

 

Vẻ đẹp chất lượng cao (2008 – 2012), Nguyễn Nghĩa Cương, acrylic và mực trên vỏ hộp các tông.

 

Các tác phẩm của Vũ Dân Tân (được thực hiện khoảng gần 8 năm cuối đời) đã được trưng bày trong triển lãm ở Đức, Nhật Bản, Hà Lan,.. nhưng đây là lần đầu tiên công chúng Việt Nam được thưởng thức những tác phẩm của ông.

 

Nguyễn Nghĩa Cương (sinh năm 1973) lại mang đến cho người xem cái nhìn về người phụ nữ qua tranh. Những miêu tả điệu bộ của phụ nữ khỏa thân trên những vỏ bao bì carton, là sự vay mượn từ vốn hình ảnh và chất liệu của Vũ Duy Tân. Tuy nhiên những bức tranh của anh gần đây thì không giống như những sáng tác cũ của Vũ Duy Tân. Anh quan tâm đến những đặc điểm hình thức của các vỏ hộp để có thể hỗ trợ cho việc cách điệu hình ảnh người phụ nữ. Anh để những logo thương mại (Omo, Cocacola,..) bên cạnh những hình ảnh gợi cảm được vẽ theo trường phái biểu hiện nhằm ngợi ca phụ nữ, cơ thể họ và sức mạnh bản năng giới của họ.

 

 

Vẻ đẹp chất lượng cao (2008 – 2012), Nguyễn Nghĩa Cương, acrylic và mực trên vỏ hộp các tông.

 

Sự kết hợp những tác phẩm của Vũ Dân Tân và Nguyễn Hữu Cương đã đem lại một góc nhìn xuyên suốt lịch sử nghệ thuật tuy còn ít được khai thác về vai trò của giới tính, tình dục và người phụ nữ trong nghệ thuật thị giác Việt Nam ở thời điểm bản lề giữa hai thế kỷ.

 

 

Karaoke Vệ nữ (2012), Nguyễn Nghĩa Cương, 11cm x 30cm x 40cm, acrylic và mực trên vỏ hộp các tông.

 

Triển lãm được diễn ra từ 4/10 đến 14/10/2012, tại Viện Goethe, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

TT&VH Online

Thanh Lê
Số lần đọc: 3046
Ngày đăng: 07.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn về 500 bức tượng La Hán chùa Bái Đính - Hoàng Xuân Hoạ
Phác thảo Trịnh Công Sơn - Trần Tuấn Nghĩa
Trương Đình Quế Kẻ Rong Chơi Không Tuổi - Nguyễn Tấn Cứ
Nhịp điệu - Thái Nhật Minh
Thiếu nữ khoả thân ( thạch cao ) - Lê Văn Mậu
Sự kỳ ảo của những người thợ rèn - Nguyễn Thu Thủy
Quả địa cầu - Vũ Bích Đào
Dấu Ấn An Giang - Trương Công Khế
Bàn tay - Khuyết danh
Bên nhau - Khuyết danh