Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.204.987
 
Ghi Chép Đầu Thu
Nguyễn Hồng Nhung

 

Tháng Chín- Thu vàng đổ xuống như sự xuất hiện của một cô tiên óng ả dịu hiền, chỉ mỉm cười lẳng lặng không nói, mỗi sáng thức dậy rõ sớm, rải lá vàng bay theo tà áo lượn trên những con đường vắng lặng, ẩm ướt hơi thở ban mai…

 

Nhưng tháng Chín cũng tấp nập, rộn ràng trần thế nhân gian…

 

Tháng mở đầu năm học đồng nghĩa với việc nhập trường, ngược xuôi sắp xếp, tổ chức, gặp mặt nhau, lên thời khóa biểu, người nọ tìm người kia, việc nọ nối việc kia, ngày nọ tiếp diễn y hệt ngày kia…

 

Chỉ  thực hành, không lý luận, khái niệm!

 

Giờ đây, đi dạy học rồi mới hiểu tại sao các thày cô giáo luôn là những người nhiệt tình, kiên nhẫn không biết mệt mỏi, tại sao lũ học trò luôn lơ đễnh học và tươi vui chơi!

 

Thày cô là tri thức (khái niệm) thể hiện dưới dạng thực hành, còn học trò là bản thân sự thực hành ( hành động) thu nhận tri thức, mối tương tác này đơm hoa kết trái như mưa cứ rơi hoài thấm lâu, thấm sâu lòng đất, như một đời người an bình cứ tự nhiên  trôi đi, thưởng thức chểnh mảng những gì tự dưng được Thượng đế  ban tặng….

 

Ba tháng hè  như một cơn chợp mắt giữa trưa, để  tháng Chín về, mọi việc đâu lại vào đấy: một bên cứ việc chăm sóc, dạy dỗ bền bỉ, răn đe hướng thiện, một bên  cứ việc lơ đễnh vừa học vừa chơi nốt một giờ, một phút, một giây, như thể chưa bao giờ được chơi…

Thày và trò như một làn khói êm đềm dập dìu bay mơ hồ trên cánh đồng sương sớm, thứ tình lơ lửng này „dìu” nhau đi qua một năm học, cùng vắt chân rảo bước  qua một cái cầu thoát khỏi một đoạn sông sâu, cùng ca với nhau một khúc hát thanh bình ngắn ngủi của ngày, trước khi đêm ập xuống…

 

Hừ! Đẹp quá! Nhưng mệt!

 

Cổng trường đại học mở toang.

 

Lũ sinh viên mắt long lanh, môi mọng,  má ửng hồng diện các kiểu thời trang, váy chùng, áo hếch, quần bò, quần ngắn lôi thôi, sặc sỡ, huyên náo như mấy cái lồng chim sổ cùng lúc, chuyện trò pháo ran ngay từ trước cổng, chạy suốt chiều dài sân trường, tỏa ra các khu giảng đường.  Những bức tượng đá xanh trong vườn trường dường như cũng mỉm cười trong xao xác nắng thu êm dịu, lá vàng lốm đốm nấp lấp ló dưới những bãi cỏ xanh, và một trong những điều yêu nhất của mùa Thu bắt đầu xuất hiện: những chùm quả dại đủ các màu, đỏ rực, phớt hồng, tím ngắt, hoặc biêng biếc xanh sà sát lối đi trong vườn, hay vắt vẻo trên những dàn leo bên rào…

 

Những giờ học của tuần đầu tiên.

 

Cô giáo mệt nhoài! Sự ân cần mệt nhoài! Lũ sinh viên mệt nhoài!

 

Vừa bước vào lớp tôi đã phải phì cười,  vì những cặp mắt sinh viên lo lắng chăm chú, tò mò, rõi theo sáu cái dấu của tiếng Việt hiện ra lần lần trên bảng, và chim líu lo đến mấy cũng phải thua khi nghe”chúng” gieo vần…. Ai giải thích hộ những lý do khi lũ sinh viên Hung này chọn học ngôn ngữ Việt? Chính chúng cũng không biết rõ. Mơ hồ là  đích danh nội dung đời sống!

 

Sự cố gắng „khổ sở” cao độ của thày và trò khiến tiết học nào cũng trôi qua rất nhanh. Khi mấy  mái đầu tóc nâu, tóc vàng trẻ trung, những cặp mắt xanh trong trẻo  tươi tỉnh trở lại vì không cần căng thẳng đánh vần tiếp, chúng chào giáo viên thật nhanh, vội vã bước ra sân để… châm thuốc lá hút phì phèo. Thấy cô giáo đi ngang, chúng líu lo ngọng nghịu:” Em chào cô!”, rồi giơ bao thuốc ra mời, tôi chỉ cười cười giơ tay vẫy vẫy…

 

Chúng ngồi kín trên những cái ghế dài kê dưới những rặng cây cao xum xuê, hoặc đứng lố nhố trên các bậc tam cấp, trò chuyện tưng bừng, nhả khói liên tục, bọn con gái ngọ nguậy đong đưa những tấm thân cao ráo xinh đẹp, bọn con trai hất những mái tóc mềm tuyệt đẹp ra sau rất tài tử xi nê duyên dáng, đi ngang qua chúng, cảm thấy lòng tự dưng mỉm cười.

 

Khi tôi đang trẻ trung và mải chơi như chúng, tôi không biết tự mỉm cười. Vì chưa biết thưởng thức nỗi ngọt ngào tự thân của đời sống. Cả quãng đời tuổi trẻ của một sinh viên Vietnam trên đất châu Âu luôn luôn chỉ là một sự rụt rè, lo lắng, cố gắng ngày nọ qua ngày kia khám phá hết sức thầm kín. Không biết cười phá lên, giòn tan, khanh khách, hoặc chảy nước mắt nước mũi vì…sướng, hoặc điệu đà làm duyên hếch mũi cong môi như cái lũ xinh đẹp quanh đây…

Ôi thời gian, đồ tàn bạo!mi chỉ biết ra đi không bao giờ  quay đầu trở gót, để nhìn xem: đời sống diễn ra mới dản dị làm sao!

 

Giữa ngày có những quãng trống, tôi chui vào một góc trường nào đấy mở sách đọc,  hoặc tối về cặm cụi bên laptop mới nhận ra „cái giá” của sự giao tiếp, tiếp xúc ban ngày! Những cơn suy tư trốn sạch! Chữ trơ trơ, bất động, vô nghĩa và lạnh toát. Cái đầu mệt nhoài không chịu hiểu cái gì ẩn náu đằng sau những chữ cái kia?

 

Ông Antal cười dịu dàng: Thế nào, mày còn chịu nổi đời giáo viên không? Khi tao đi dạy vài ba năm ở trường đại học, tao biết là tao”tiêu” rồi! Sau các giờ giảng, tao không làm được gì hết.

 

Có phải vì thế lý thuyết và thực hành là hai phạm trù không thể trộn lẫn nhau?

Nghĩa là, chừng nào còn”thực hành” đời sống, chừng đó cái đầu vẫn còn hớn hở, không suy tư trầm ngâm và tự hành hạ bản thân bằng những câu hỏi”nhớn”?

 

hehehehehe…

 

Nhưng đúng thật: mỗi lúc chỉ có thể làm được một việc mà thôi! Hoặc là sống, hoặc là nghĩ. Vậy chăng?

 

Có phút nào rảnh rỗi, đặt cuốn tiểu luận triết học, hoặc một cuốn thơ trước mặt để dịch không phải theo thói quen, mà như sự bù đắp vắng thiếu cho cả một ngày đi dạy. Vắng thiếu cái gì? Tinh thần.  Thực hành „sống” làm người ta mệt nhoài thân xác, chỉ muốn lăn ra ngủ. Nhưng cơn đói tinh thần khiến cơ thể ngơ ngác, và cái đầu tỉnh táo một cách vô cớ, đòi ăn bằng được.

 

Cơ thể đòi dinh dưỡng „vật chất” cụ thể thì tinh thần cũng đói thức ăn” vô hình”?

 

Cả hai thứ: thể xác-tinh thần  đòi hỏi sự phụng dưỡng như nhau? Nếu không, cả hai sẽ héo mòn dần, teo lại và…hết? Như nhau.

 

Chỉ có điều: thức ăn tinh thần chỉ - có - thể ăn một mình, không như dinh dưỡng vật chất „ăn một mình đau tức”…

 

Thế thôi!

( 2012-09-30)

………..

 

Tiếng Việt là cả một không gian bất tận bí ẩn đầy hiểm trở với những ai không sinh ra trên mảnh đất hình chữ S. Vì nó sẽ không là tiếng mẹ đẻ. Phải học mới làm quen, nhận biết và hiểu. Nhưng không thể cảm nhận trực giác như da sờ vào sự vật, như lưỡi nếm vị thức ăn, như tai phân biệt ngay âm sắc… Cho dù tiếng Việt cần phải Cảm như thế.

 

Nhất là đại từ nhân xưng của tiếng Việt.

 

Cả lớp dán mắt vào các hình vẽ, cố gắng hiểu và (đừng quên) những quy định kỳ lạ của các mối quan hệ tuổi tác, dây mơ rễ má họ hàng hoặc trong quan hệ người dưng với nhau đi chăng nữa, cũng thấp thoáng những bí ẩn quái gở của các thang bậc tình cảm khác nhau của người Việt.

 

Cô giáo chỉ vào các hình người già, trẻ, trai gái, tóc bạc tóc xanh, mặc váy, mặc comle, giảng liên hồi:

 

Ừ, bố mẹ và các con phải xưng với nhau: mẹ- con, bố-con

 

Ông bà với cháu phải: cháu chào ông- bà ơi cháu đã về

 

Vợ chồng với nhau phải: anh ơi-em đây, em ơi-anh đây

 

Nhưng anh chị em trong nhà với nhau cũng: anh ơi, em ơi, chị ơi…

 

Rồi hàng xóm với nhau cũng: chào ông, chào bà, chào anh, chào chị…

 

Đấy là trong sách chưa xuất hiện hình vẽ các đôi bạn: ấy ơi, đằng ấy ơi, tớ đây, bạn ơi, cậu à…

 

Sinh viên gái mắt tròn xoe, miệng lẩm bẩm, tay viết ngoệch ngoạc, sinh viên nam ngồi ngây như tượng, mắt hết nhìn cô giáo, nhìn vở, rồi…nhìn nhau. Chúng cười rúc rích. Cả lớp hết hồn. Rắc rối quá.

 

Tôi vừa viết lên bảng vừa bảo Julia, một cô gái đã có chồng, mà không phải chồng bình thường, chồng người Việt nam hẳn hoi:

 

-      Nếu một hôm, Julia không xưng EM với chồng, mà xưng TÔI là có vấn đề rồi đó, giận nhau rồi…

Julia cười khúc khích.

 

-      Nhưng hôm nay về nhà, Julia hãy đừng gọi tên chồng một cách ngắn gọn nữa, mà rót vào tai anh chồng Việt những câu sau đây: „Mình ơi!” hoặc:”Anh ơi!”… chồng em đảm bảo sẽ…ngất lịm đi vì sung sướng…

 

Cả lớp cười ran khoái trá.

 

-      Thưa cô – Mihály, một cậu học trò rất lém lỉnh hỏi -   không được xưng „tôi” với cô giáo phải không?

-      Sẽ rất ấm áp nếu chúng ta xưng với nhau: cô với em, em với cô- Tôi trả lời- Nhưng cô vẫn muốn dạy cả lớp học thuộc và dùng quen đại từ nhân xưng”TÔI” đi đã vì trong mọi trường hợp, nó sẽ giúp ích và cứu các em nhiều lắm.

Đáp lại những ánh mắt tò mò háo hức dò hỏi của cả lớp, tôi kể lại một câu chuyện:

Một lần ở Hà nội, tôi cùng một cô bạn gái đi ăn tối trong một quán chay có tên HOA SEN. Bước vào, ngồi xuống bàn bên cạnh là một thanh niên trẻ, ăn mặc lịch sự, mái tóc nâu hoe hoe. Anh ta gọi món, ăn một chút rồi buông đũa, chần chừ đưa mắt nhìn ông chủ quán ngồi xa xa đang đọc báo, như vừa muốn hỏi vừa ngần ngại. Đúng lúc ấy tôi đưa mắt nhìn sang, đón lấy cái nhìn của tôi, anh ta vội vã:

-      Bà ơi!

Cô bạn ngồi đối diện với tôi lập tức ngoái nhìn sang bàn bên, phì cười.

-      Chà! chắc tớ trông già quá!- tôi bảo và cũng cười.

 

Thấy chúng tôi cười, chàng thanh niên hốt hoảng:

 

-      Xin lỗi, anh…à …em …à…cháu… không biết…

 

Không nhịn được nữa tôi và cô bạn cười phá lên. Té ra đây là một anh chàng lai, bố Việt, mẹ Pháp, anh ta đang định hỏi tại sao thức ăn quán này không có thịt, nhưng miệng  lúng búng không biết xưng là gì cho phải vì thấy chúng tôi cứ sặc sụa cười.

-      Anh không biết từ: chay?- Cô bạn tôi cố nén cười.

Còn tôi vội vã:

-      Anh đi học tiếng Việt người ta không dạy cho anh từ: tôi? Anh không biết từ  „tôi”?

Anh chàng ngơ ngác lắc đầu.

Thế là trong khi cô bạn tôi hý hoáy tìm bút, giấy để viết cái từ”cứu cánh” ra thì tôi giảng giải:

-      Từ bây giờ anh phải nhớ cái từ”tôi” này rõ chưa, vì có thể xưng hô với ai cũng được, kể cả chỉ tạm thời, mà không bị sai, bị cười, nhớ nhé!

Anh chàng gật lấy gật để, toát mồ hôi ăn nốt đĩa thức ăn không thịt, mà bây giờ mới hiểu sau khi học xong từ: chay.

Trước khi chúng tôi tạm biệt quán ra về, tôi sực nhớ ra một” mẹo”, bèn dặn với lại cho kẻ bất hạnh:

-       Nếu vẫn tiếp tục quên từ” tôi” anh cứ việc xưng tên, đúng rồi! cứ xưng tên như một đứa trẻ ấy, anh tên là gì?

-      Daniel.

-      Tạm biệt Daniel, đừng quên”tôi”!

Hahahahahahahah….

 

Tiếng Việt như tâm tính người Việt, đầy màu sắc, đầy các cung bậc trầm bổng, đong đưa sắc thái, như khí hậu gió mùa và hương vị ngào ngạt khác nhau của hoa trái xứ nhiệt đới. Các em hãy Cảm nó, như người cảm với người ấy.

Và khi chưa cảm được nó, như người yêu với người yêu, thì…cố mà học, ít nhất, học lấy một số trường hợp thông dụng nhất, đừng mang logic ra mà hỏi nhé.

 

Một buổi học tôi viết lên bảng câu hỏi:

-      Bạn viết mỏi tay chưa?

-      Vâng ạ- Mihály trả lời

Cậu là một sinh viên cao kều, trông lúc nào cũng lém lỉnh bởi cái miệng cười rộng đến tận mang tai và đôi mắt sáng ngời.

Tôi gõ gõ bút lên bảng:

-      Vâng ạ là cái gì? Hôm qua vừa học từ: chưa…Nào, ai biết trả lời?

 

Peter, chàng sinh viên đẹp trai như Romeo trong phim Romeo-Juliet ngồi đầu bàn vội vã trả lời:

 

-      Chưa ạ.

 

Andrea ngồi cạnh cũng lau tau:

 

-      Mỏi rồi ạ.

 

Mihaly quay sang các bạn cố cãi:

 

-      Thì cô giáo hỏi: Bạn mỏi tay? Tớ nói „Vâng ạ” là đúng rồi còn gì?

-      Thế từ: „ chưa” biến đi đâu?

-      Ajjjj!!!- Mihaly lật vở, tìm kiếm rồi kêu rú lên- Đây rồi! Ajjjjjj!!!!!!!!!!!....

 

( 2012.10. 10)

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2594
Ngày đăng: 17.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày sinh nhật của Putin - Huỳnh Văn Úc
Đã Biết Mùa Thu - Chế Diễm Trâm
Bến-Xưa - Nguyễn Quỳnh USA
Một Ngày Thật Bình Yên - Trần Dzạ Lữ
Fôi-Fa - Nguyễn Quỳnh USA
Lời Gọi Cỏ May của Phan Bá Thụy Dương - Đỗ Hồng Ngọc
Một Vài Ấn Tượng Của Tôi Về Hàn Mặc Tử - Phạm Ngọc Hiền
Những Mùa Nắng Nha Trang - Nguyễn Thị Khánh Minh
Túy bút xuôi dòng - Nguyễn Đạt
Tím Nhớ - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)