1
Đêm mùa hè, trời oi ả. Chung cư nơi bà Hương ở, trong căn phòng không khí nóng như một cái hầm than. Buổi tối lúc đi nằm, bà cởi áo quần cho mát, nằm đắp chiếc mền mỏng lên người, đợi giấc ngủ. Những ngày mùa hạ, lúc vào giường nằm, bà vẫn có thói quen mặc bộ đồ lót mỏng hay ở trần, khi cửa đã được cài chốt, rèm đã được buông xuống. Bữa nay, chốt bà quên khóa, cửa khép lại khép chưa chặt, cơn ngủ đến, bà ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Cái mền đắp, trong khi bà thay đổi thế nằm, nó đã rớt xuống cạnh giường, nhưng bà Hương không hay biết.
Nửa khuya, từ hãng ra, ông trọ chung phòng với bà về. Ông về thì ông bước vô căn buồng riêng của ông. Đèn trong “bedroom” của bà bạn ông thấy còn sáng. Với ánh sáng đó, mắt ông mới nhận ra bà Hương đang nằm ngủ trên giường, người không một mảnh vải, trần truồng như nhộng.
2.
Đó là đêm mùa hè tội lỗi để sau đấy, chín tháng mười ngày bà Hương cho chào đời một đứa con. Ông Đỗ chung phòng với bà đã không còn thuê phòng ở nữa. Khi biết bà Hương có thai, người đàn ông đã bỏ đi. Vào năm Trúc 20 tuổi, bà Hương đã 60 rồi. Tuổi 60 chưa thể gọi là già. Tuổi đó đứng giữa lằn ranh tuổi của một người sắp bước những bước vào lớp được gọi là cao niên. Về chiều, nắng đã ngả, cũng như nhan sắc bà Hương bắt đầu tàn tạ. Trán nhăn nếp. Da đồi mồi. Vài nốt tàn nhang lốm đốm chuối nám. Thêm vào đó bệnh thấp khớp đi lại khó khăn. Ăn tiền bệnh, bà Hương sống với con lặng lẽ theo năm tháng của đời một người. Cũng có lúc bà nghĩ đến người đàn ông tên Đỗ, nhưng ý nghĩ đó không tụ lâu trong đầu óc bà, để quên cuộc làm tình bất chính, để quên khuôn mặt con người phụ bạc, bà đã xóa vết nhơ bằng cách bà mở “cassette” nghe những bản nhạc mà bà thích. Cuốn băng nhựa thu nhiều bài, với bài “Tình Sầu” của Trịnh Công Sơn, bà thưởng thức không bằng đôi tai mà bằng miệng. Nuốt lời ca như nuốt khói để thấy cơn say đê mê khi khói thấm vào tế bào kích thích da thịt bà. Khói thuốc đưa lên óc não rồi như sa mù trên đỉnh núi, cuốn quít, đùa rỡn hệt mảnh khăn lụa mỏng phất phới bay. Đó là lời của bản nhạc đã hút bà khi bà nghe “Tình yêu như cơn bão. Đi qua địa cầu. Tình thắp cơn sầu. Tình dìu qua hố sâu. Tình rời lên núi cao. Rồi trong cơn yêu dấu. Tình đầy tình xa nhau”.
3.
Như thường lệ, bữa cơm tối được dọn ra. Hai mẹ con ngồi vào bàn. Ăn vui vẻ trong câu chuyện xa gần trong ngày. Bà Hương quanh quẩn ở nhà, bà rất ít chuyện để nói. Và nếu có nói, bà cũng chỉ nói về một vài bản tin đăng trên báo bà đã đọc, hay tin chạy trên màn ảnh truyền hình bà coi. Còn Trúc, cô con gái của bà thường đem ra những chuyện mấy đứa bạn học ở trong lớp, đứa thế này đứa thế nọ, nói để nói thay vì không có gì để nói trong bữa ăn.
Bữa nay, vào bàn rồi Trúc đã không ăn lại chỉ ngồi chống đũa. Thắc mắc vừa ngạc nhiên, bà Hương lên tiếng hỏi:
“Con sao vậy”.
“Mẹ à...” Trúc chỉ nói được hai chữ “Mẹ à” rồi ngưng không nói nữa. Ngồi bậm miệng, mắt chớp chớp, cô cố gắng tự chủ để đè nén cơn xúc động.
“Nói đi cho mẹ biết, ở lớp có chuyện gì đã xẩy ra vậy”.
“Không mẹ ạ. Ở lớp có chuyện gì xẩy ra đâu”.
“Vậy chớ con muốn hỏi mẹ điều gì sao con không nói ra cho hết. Nói rồi bỏ ngang làm sao mẹ biết con muốn nói gì”.
“Con sợ con nói rồi, mẹ giận con nên con ngại”.
“Mẹ hứa mẹ không giận. Mẹ cho phép con cứ việc nói”.
“Mẹ à, mẹ cho con biết bố con là ai. Sao chẳng bao giờ con nghe mẹ nhắc đến bố cả. Nếu bố đã chết, ít ra mẹ cũng nên có một ban thờ để chân dung lồng kính của bố. Còn bố sống, sao bố không ở chung với mẹ, với con như mọi người bố khác hả mẹ”.
Lặng người trước câu hỏi bất ngờ của con, bà Hương đâm ra lúng túng. Thực ra, đã từ lâu rồi, bà tiên đoán cũng sẽ có một ngày, con bà sẽ hỏi bà câu hỏi đó. Bà phải trả lời câu hỏi đó như thế nào đây thì bà vẫn chưa chọn ra. Không thể nói sự thực của cuộc tình dơ bẩn giữa bà và người đàn ông đêm đó, mà không thể nói ra sự thực thì bà phải nối dối với lời nói bịa đặt dựng chuyện. Với người xa lạ, chuyện đó quá dễ, nhưng với con bà, bà không thể dối lòng mà làm được.
Thấy mẹ ngồi lặng thinh, Trúc ân hận vì mình đã hỏi mẹ câu hỏi lẽ ra không nên hỏi. Nếu như mẹ Trúc muốn Trúc biết, mẹ đã nói mà chẳng cần Trúc hỏi như thế để làm gì. Bên trong câu chuyện thuộc về quá khứ, có một cái gì đó không ổn, và vì thế, mẹ đã không muốn nói ra.
“Mẹ à, nếu câu hỏi của con đã xúc phạm tới mẹ, con xin mẹ tha lỗi. Đúng ra, con không nên hỏi thế với mẹ khi mẹ không nói mới phải. Con biết lỗi của con”.
Bà Hương bảo:
“Con không có lỗi. Mẹ không cho con biết mẹ mới là người có lỗi. Thực ra thì, tới một ngày xét thấy cần, mẹ sẽ phải nói cho biết bố con là ai thôi. Còn bây giờ, biết cũng thế. Biết chỉ làm chi phối đầu óc và ảnh hưởng đến việc học hành của con. Thôi ăn cơm đi. Ăn xong mẹ còn dọn dẹp. Món cá rô phi chiên mua ở chợ về, con ăn thấy sao”.
“Ngon lắm mẹ ạ. Nhưng mỡ nhiều, ăn vào người lâu tan không tốt”.
“Thì lâu lâu mới ăn, mẹ nghĩ cũng không đến nỗi hại gì”.
Đấy là buổi tối ở trong nhà hai mẹ con. Khi Trúc tắt đèn ở phòng học, bà Hương coi TV mỏi mắt cũng vào giường nằm. Đêm khuya sâu.
4.
Buổi chiều ngày hôm sau, Trúc lấy thư trong hộc thư mang lên. Một trong mấy lá thư đó có cái phong bì hình vuông khổ lớn. Đón lấy từ tay con đưa, bà Hương mở xong, coi rồi nói:
“Thiệp cưới con bạn của mẹ”.
“Mẹ tính nhận lời hay từ chối”.
“Đám này từ chối không tiện. Bạn thân học cùng lớp, không đi e không tiện”.
“Mẹ đi thì con đưa mẹ đi”.
“Thiệp có mời cả con, hai mẹ con cùng đi một thể”.
Tới ngày cưới, Bà Hương vận áo dài mầu hồng, đeo vòng kiềng ở cổ, nom trẻ và đẹp. Má hơi nám, dưới lớp phấn trắng thoa nhẹ, những vết nám không còn nám nữa. Lâu rồi, bà không đi nhà hàng, dự tiệc cưới, nhan sắc không trang điểm, nhìn bà thấy bà mất đi nét đẹp phụ nữ. Hôm nay, cái áo dài bó sát eo, cái vòng kiềng đeo ở cổ, hai má được đánh phấn, mới thấy được bà chưa già. Ngó mẹ, Trúc đã phải trố mắt ngạc nhiên kêu: “Mẹ đẹp lắm. Đẹp hết chỗ chê. Nếu bố mà nhìn mẹ lúc này, bố...”. Sau chữ “bố”, cô bụm miệng khựng nói. Nhưng dù nghe được chữ “bố” con gái thốt ra, bà Hương vẫn giữ được nụ cười trên đôi môi không cho nó tắt.
Ở nhà hàng, khách đến đã khá đông. Bàn chỗ ngồi xếp cho mẹ con bà gần sát sân khấu, nơi có ban nhạc với trống, đàn, loa khuếch âm, và piano. Tiệc cưới mười đám như một, vẫn chỉ là cảnh người ngồi, người đi ra đi vào với tiếng nói cười ồn như cái chợ, thêm vào đó là tiếng nhạc lời ca của ca sĩ phát ra từ dàn loa thùng, và những âm thanh hỗn tạp khác tai nghe khó phân biệt. Với một nơi như thế, bà Hương thực tình không muốn lai vãng chỉ trừ bữa nay, cái thiệp mời của bạn bè, bà mới đi. Đi còn một lý do khác, Trúc con gái của bà cũng lớn tuổi rồi, đình đám có người này người nọ, họ có con trai lớn muốn kiếm vợ cho con, quen biết cũng là điều nên quen.
Món ăn đã được dọn ra sau những màn giới thiệu hai họ, giới thiệu thân quyến hai họ, vỗ tay khi cô dâu chú rể từ từ đi ra, rồi bên nhà trai có mấy lời với quan khách, với con cái của họ, rồi bên nhà gái cũng lên tiếng chào mừng và chúc tụng đầy đủ thủ tục, lễ đến đó là xong. Người ta mời nhau ăn uống trong khi trên sân khấu, dàn nhạc bắt đầu khua gõ nhạc cụ, đàn khảy tưng bừng và ca sĩ vừa hát vừa uốn éo lắc lư.
“Vải áo chị mua ở tiệm nào mà mịn mặt thế. Nền với những cái hoa cúc năm cánh trắng này nom nổi quá”.
“Mầu vàng là mầu em vẫn thích. Lên áo rồi, vạt áo nó bay như hai con bướm vờn lượn trong nắng đẹp ơi là đẹp”.
“Tóc giả nếu chị không nói thì ai biết là giả. Chụp lên đầu coi khuôn mặt dễ thương đáo để. Tôi cũng có một bộ nhưng bộ đó phải cái tóc nó không mượt. Nếu nhìn kỹ, sợi nó nhuộm bị bay mầu”.
Đàn bà nói về tóc và quần áo. Đàn ông không nói về tóc và quần áo lại nói những chuyện trên trời dưới biển. Trên trời thì toàn là chuyện về Pháo Đài Bay của Mỹ bay đến A Phú Hãn thả bom như ỉa tháo dạ xuống vùng sa mạc. Dưới biển, các ông đem ra nói về mấy con cá cảnh nuôi làm cảnh ở “sa-lông” phòng khách cho có chuyện để nói. Nhưng nói gì thì nói, mắt các ông bà, các ngón tay kẹp đũa của các ông bà vẫn không rời và vẫn không quên khua khoắng các cái đĩa đựng đầy món ăn đuợc bồi bàn bưng ra bàn.
Tới lúc món cam đem ra tráng miệng, có một ông từ bàn phía xa đi đến bắt tay một bà ngồi cạnh bên bà Hương. Bà Hương nhận ngay ra ông đó là ông Đỗ. Chửa kịp nói một câu, tay vừa siết tay người bạn ông Đỗ đã rụt lại, rồi nhìn séo bà Hương một cái, hấp tấp trở lại bàn.
“Hèn”, bà Hương bĩu môi khinh bỉ. “Một tên ăn cháo đá bát. Hèn”.
Bà ngồi bên nghe lại tưởng bạn cùng bàn hỏi bèn nói:
“Chị bảo gì tôi nghe không rõ”.
Bà Hương đáp:
“Không. Tôi nói là nói cái ông vừa đến kia đấy ạ”.
Đồng hồ đã mười giờ rưỡi. Tiệc mãn và khách đến dự ra về. Ra khỏi cửa nhà hàng, bà Hương thở phào cho nhẹ bớt phẫn uất nén lồng phổi. Và hít vào không khí mát lạnh của đêm, người bà thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
5.
Đứng sau mẹ, thấy mẹ vẫn không biết, Trúc mới lên tiếng hỏi:
“Mẹ à, mẹ đang nhìn cái gì vậy”.
“Con chim trên cành cây khô”.
“Con chim trên cành cây khô có gì lạ đâu mà mẹ mất công đứng nhìn”.
“Không có gì lạ cả. Nhưng mẹ biết con chim lẻ loi nó đang buồn”.
“Mẹ cứ nghĩ hoài những cái không đáng nghĩ. Nó chẳng giúp ích gì cho mẹ ngoài nỗi muộn sầu”.
“Mẹ biết thế lắm chứ. Và mẹ cũng không muốn như thế. À này con, cái người đàn ông đến bàn mình ngồi bữa tiệc đêm đó, con biết là ai không”.
“Một người lạ, con làm sao biết được. Mà sao khi không mẹ nhắc đến ông ta để làm gì”.
“Để trả lời câu con hỏi mẹ hôm ngồi ăn cơm con hỏi”.
“Bố con”.
“Bố của con”.
Chim đậu rồi bay. Lúc mắt bà Hương nhìn lên ngọn nhánh cây khô, không còn con chim đậu nữa. Đèn bên cửa sổ căn nhà cạnh dẫy đã sáng ánh điện. Ai đó đang khảy cây guitar, vẫn một bài hát cũ mèm với những câu ca thất tình ai oán. “Tình yêu như đốt sáng, Con tim tật nguyền. Tình lên êm đềm. Vội vàng như chóng quên. Rộn ràng như biến nhanh. Tình cho nhau môi ấm. Một lần là trăm năm”.
Vườn cây lúc đó đã thẫm đặc bóng tối. Và đến giờ ngồi vào bàn ăn, ngọn đèn được bật, bát đũa được dọn, và các món ăn được bưng ra. Niềm vui thắp lên trên đôi môi và đôi mắt của hai mẹ con không quá lớn, nhưng niềm vui đó vừa đủ ban cho họ hạnh phúc có trong tay họ. Đủ và không cần xin thêm./.