Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
971
123.201.021
 
Trách nhiệm trước cái ác
Lê Hải*

 

Lại thêm một vụ đánh người – dù là trộm chó - đến chết ở Nghệ An. Trước đó, sau vụ Lê Văn Luyện giết người chặt xác phi tang làm chấn động dư luận cả nước, một nghi can ở Hà Nội lại tiếp tục làm nóng các trang báo với những lời khai được mô tả là rùng rợn về vụ hiếp dâm người chị 8 tuổi và giết hại người em 4 tuổi. Câu hỏi đang được những người còn quan tâm đến cuộc sống chung trong xã hội này suy nghĩ là liệu chúng ta có thể làm được gì để hạn chế nguy cơ những chuyện như vậy xảy ra trong tương lai hay không. Mối lo đang chiếm hết tâm trí của những người đang lo sợ cho bản thân và gia đình có thể gặp tai nạn tương tự như vậy rằng có thể nhờ cậy được gì vào cơ chế công an, dân phòng và hàng xóm hay không. Nhìn từ góc độ cộng đồng, tức là trong mối quan hệ của một khu dân cư, thì nếu mỗi thành viên chỉ cần đóng góp một chút xíu bằng sự quan tâm quan tâm của mình thôi là mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhiều.

 

 

Lại thêm một vụ đánh người – dù là trộm chó - đến chết ở Nghệ An. Trước đó, sau vụ Lê Văn Luyện giết người chặt xác phi tang làm chấn động dư luận cả nước, một nghi can ở Hà Nội lại tiếp tục làm nóng các trang báo với những lời khai được mô tả là rùng rợn về vụ hiếp dâm người chị 8 tuổi và giết hại người em 4 tuổi. Câu hỏi đang được những người còn quan tâm đến cuộc sống chung trong xã hội này suy nghĩ là liệu chúng ta có thể làm được gì để hạn chế nguy cơ những chuyện như vậy xảy ra trong tương lai hay không. Mối lo đang chiếm hết tâm trí của những người đang lo sợ cho bản thân và gia đình có thể gặp tai nạn tương tự như vậy rằng có thể nhờ cậy được gì vào cơ chế công an, dân phòng và hàng xóm hay không. Nhìn từ góc độ cộng đồng, tức là trong mối quan hệ của một khu dân cư, thì nếu mỗi thành viên chỉ cần đóng góp một chút xíu bằng sự quan tâm quan tâm của mình thôi là mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhiều.

 

 

Hiện trường nơi hiếp dâm cháu bé 8 tuổi, giết chết cháu bé 4 tuổi vào ngày 29-7

 

Tôi nhớ thời sinh viên sống ở Warszawa có hôm ra khỏi nhà quên khóa cửa, khi quay về thấy tất cả các căn hộ xung quanh đều để cửa mở mà trông nhà giúp tôi, nghe tiếng động nhẹ ngoài hành lang là tất cả đều chạy ra nhìn, suốt cả ngày trời như vậy. Trước đó tôi không có quan hệ gì thân thiết với hàng xóm, cho nên có thể hiểu hành động của họ đơn giản là một thông điệp kỳ vọng rằng tôi và những người khác cũng sẽ quan tâm giúp đỡ đến họ như vậy trong một dịp khác. Mối quan hệ cộng đồng là như thế, cũng giống như trò chơi “hụi” vậy (ở các địa phương khác của Việt Nam còn được gọi là “họ”, “phường”, hay “biêu”), bạn đóng góp đều đặn và nhường cho người cần gấp “hốt hụi trước”. Công trình nghiên cứu kiểu kết nối xã hội này đã làm nên tên tuổi cho giáo sư Robert Putnam với quyển sách Bowling Alone giải thích tại sao xã hội Mỹ xuống cấp khi hiện tượng người ta đi chơi bowling một mình ngày càng phổ biến. Khi tình trạng “mũ ni che tai” phổ biến ngoài phố và trong làng cứ “đèn nhà ai nấy sáng” thì kẻ hiếp dâm giết người có thể thản nhiên xuất hiện, thỏa mãn thú tính và bỏ đi mà vẫn không ai nhìn thấy gì cho đến khi được nghe báo chí kể về những điều “rùng rợn” và “kinh hoàng” vừa diễn ra ngay bên cạnh mà bản thân cùng người nhà đã rất có thể là nạn nhân. Chúng ta thử nghĩ xem nếu nhiều hàng xóm của hai cháu bé cùng “để cửa mở” và để mắt trông thì kẻ ác có thể có nhiều thời gian mà thể hiện thú tính của mình hay không? Nếu cả làng cảnh giác thì kẻ ác có thể nào say rượu cởi quần áo mà vẫn tiếp tục lang thang hết từ nơi này đến nơi khác hay không, kể cả sau khi lọt vào trạm y tế là nơi có nhiều người có chuyên môn về tâm sinh lý của con người trong tình trạng có nguy cơ phạm tội?

 

Và những câu hỏi tương tự như vậy sẽ cùng nhau hướng đến một câu hỏi lớn hơn cho toàn xã hội, rằng đâu là đạo đức cho mỗi thanh niên Việt Nam của ngày hôm nay? Một trong số những phương pháp tìm cách trả lời cho câu hỏi triết học mang tầm thời đại này là loạt bài giảng nổi tiếng của giáo sư Michael Sandel từ đại học Harvard về đạo lý trong cuộc sống (mà rất nhiều người tìm xem qua hệ thống Youtube trên mạng Internet ở địa chỉ http://www.youtube.com/watch?v=kBdfcR-8hEY). Tâm điểm của bài giảng là một vụ án trên chiếc tàu Anh hồi thế kỷ 19, khi thủy thủ đoàn giết và ăn thịt một cậu bé để sống sót, và sinh viên của thế kỷ 21 thì bàn cãi xem như vậy có hợp đạo lý hay không. Một trong số những nguyên tắc đạo đức để mọi người cùng chung sống an lành trong cộng đồng là khái niệm utility, tạm hiểu là nguyên tắc tối đa hóa chỉ số hạnh phúc. Thực ra thì điều này không có gì xa lạ trong minh triết Việt về một cuộc sống “có qua có lại mới toại lòng nhau”, hay “biết điều”, thể hiện từ những việc nhỏ nhặt nhất như “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Một đứa trẻ lớn trên trong môi trường cộng đồng và phân biệt rõ đâu là phải đâu là trái chắc chắn sẽ có nhiều tính “người” và bớt cơ hội để “con” thú bên trong mình trỗi dậy hơn. Một xã hội trọng đạo lý sẽ ít có kẽ hở cho những vụ việc như vừa xong ở Hà Nội, dấu hiệu rõ ràng nhất của đạo đức suy đồi. Đó là lập luận của hệ tư tưởng cộng đồng – communitarianism, một trào lưu mới về triết lý sống trên thế giới.

 

Nhưng nói như thế không có nghĩa là cho phép ta nghĩ rằng mọi tội lỗi là do xã hội bên ngoài tạo ra, vì mỗi người chúng ta chính là một thành viên đang tạo ra tính cách và duy trì đạo lý của xã hội đó. Các vụ giết người dã man không chỉ là sản phẩm của nền điện ảnh Hollywood lên cuộc sống nước Mỹ mà còn làm chấn động đất nước Na Uy vốn nổi tiếng hiền hòa. Bước tiến công nghệ làm thay đổi khoảng cách xã hội, giúp các nhóm khủng bố như al-Qaeda xích lại gần nhau phối hợp hành động, và đồng thời cũng khiến các thành viên trong gia đình ngồi cạnh nhau nhưng lại sống trong hai thế giới rất xa nhau như hai mạng lưới xã hội biệt lập trên hai chiếc máy tính và điện thoại của họ. Tội ác có cơ hội lượn lờ ngay trong phòng khách, buồng ngủ và trên giường nhà bạn. Lối sống buông thả với các thần tượng đổi tình lấy tiền dụ dỗ con gái bạn. Phim ảnh và trò chơi điện tử giết người xâm nhập tâm trí con trai bạn. Hình ảnh khiêu dâm và những trò như “cứu nét” kiên nhẫn chờ đợi chồng bạn tìm đến. Cấm đoán không còn là biện pháp có thể áp dụng cho thế kỷ 21 này, khi bên cạnh một vài nguy cơ là những cơ hội vô cùng lớn cho xã hội và cá nhân phát triển. Vấn đề là mỗi người chúng ta ý thức được đến bao nhiêu, vai trò của việc mở cửa trông nhà giúp hàng xóm của mình sẽ đem lại ích lợi to lớn đến như thế nào cho xã hội nói chung và gia đình mình nói riêng. Một câu khuyên nhủ một đứa trẻ hư có thể giúp loại trừ một kẻ giết người sau này cho xã hội. Một lời nhắc nhở cảnh giác sẽ giúp hàng xóm tránh được biết đâu là một tai nạn đang chờ chực trong vài ngày tới. Và tất nhiên, không thể nào không nhắc đến trách nhiệm của dân phòng, công an khu vực, cảnh sát, tổ dân phố, chính quyền địa phương, thầy cô giáo, y bác sĩ và các cơ quan chức năng, là những người đang kiếm sống bằng ngân sách tức tiền đóng góp của dân chúng để làm nhiệm vụ điều phối xã hội, duy trì cuộc sống tối thiểu là an toàn cho mỗi người chúng ta.

 

Nhưng có lẽ người cần phải có trách nhiệm đầu tiên nhất và luôn ý thức về vai trò của mình nhất chính là các nhà báo - người định hướng cho nhận thức và tư duy của toàn xã hội. Tin liên quan đến giết người hiếp dâm luôn ăn khách và giúp tăng lượng phát hành, tức là nồi câu cơm của những người sống bằng nghề truyền thông. Thế nhưng có nên lạm dụng tối đa để giật tít thật kêu, biến kẻ sát nhân thành thần tượng của trẻ vị thành niên chưa hình thành nhân cách như trong vụ “vãi Luyện” hay không? Câu hỏi chung về đạo đức công dân, đạo đức cộng đồng bắt đầu từ câu hỏi riêng về đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo và từng tòa soạn. Cụ thể hơn, trong vai trò của độc giả chúng ta có thể đặt câu hỏi với mỗi bài báo tường thuật vụ hiếp chị 8 tuổi giết em 4 tuổi dã man này, rằng nhà báo và tòa soạn đăng bài đó để thỏa mãn nhu cầu thấp hèn của cái “con” trong chúng ta muốn đọc những thứ như vậy, hay để nâng cao kiến thức về pháp luật và hiện trạng xã hội của cái “người” trong chúng ta luôn muốn sống an toàn trong cộng đồng./.

 

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2776
Ngày đăng: 20.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mạc Ngôn là ẩn ngữ: Nobel Văn chương 2012 - Trần Kiêm Ðoàn
Nobel văn chương 2012, một giải thưởng nhiều tranh cãi - Nguyễn Hưng Quốc
Tin về Nữ hoàng đế chế Maya có vài yếu tố không đúng - Nguyễn Quỳnh USA
Đi Tìm Nemo Với Tiếng Kêu Của Biển - Vũ Trọng Quang
Vẻ Đẹp Thuý Vân Và Những Ngộ Nhận - Nguyễn Cẩm Xuyên
Xuất bản Những truyện ngắn văn chương việt 2 - Nguyễn Hòa vcv
“Tần Cung Oán” Có Phải Là Tác Phẩm Của Ôn Như Hầu ? - Nguyễn Cẩm Xuyên
Thông Điệp Tháng Tám - Phạm Đình Trọng
Xuất bản Những truyện ngắn văn chương việt và tư liệu. - Nguyễn Hòa vcv
Xung Quanh Việc Tiếp Cận Di Sản Văn Học Của Nguyễn Triệu Luật (1903-1946) - Lại Nguyên Ân
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)