Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.222.964
 
Khó Quên
Lê Văn Thiện

 

(29/10/2012, nhớ 10 năm vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại

Quốc tế - Quận 1, Sài Gòn)


Dân hai lăm triệu ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

(Tản Đà)

 

1. RUN TAY: “Mấy tháng nay các em thiếu ăn, nhà trường phải đứng ra vay nợ để duy trì bữa ăn cho các em. Một số phải nghỉ học nhưng về nhà cũng chẳng có gì ăn. Bố mẹ bảo cứ xuống trường ở với thầy giáo còn có cơm ăn vì cả bản cũng thiếu ăn (do mất mùa, bị chuột phá lúa) hàng tháng nay rồi”.

 

Thầy giáo Lê Mã Lương – hiệu trưởng trường THCS Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ – tâm sự như trên. Nhà trường chỉ xoay xở được ngày nuôi các em hai bữa cơm và canh rau với định mức 1.500 đồng mỗi bữa, bữa sáng thì nhịn.

 

 

Những túp lều tạm bợ của học sinh Trường THCS Trà Thọ (Tây Trà).

 

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ cho biết, nhà trường có 62 học sinh nội trú theo hình thức bán trú dân nuôi. Các em là người dân của xã nhưng đi bộ từ nhà đến trường phải hết nửa ngày. Nhà trường cho các em ở trong các phòng học. Hai năm trở lại đây, phụ huynh các em yêu cầu nhà trường lo chuyện ăn uống cho các em. Hàng tháng mỗi gia đình đóng góp cho nhà bếp của trường 13 kg gạo và 70.000 đồng. Nhưng từ đầu năm học đến nay, nhà các em đã cạn nguồn tiếp tế. Để giữ các em ở lại trường học tiếp, trường đã vận động các thầy cô giáo cho “vay lương”.

 

Em Hoa, học lớp 8A nói: “Chúng em đói quá nên cứ mỗi khi đến tiết 4, tiết 5 buổi sáng là viết bút cứ run rẩy trong tay”… Trời chiều đông, hoàng hôn vùng rừng núi xuống nhanh. Khi cô cấp dưỡng của trường bê hai nồi cơm ra trước sân khu lớp học, các em học sinh ùa đến chìa bát để lấy phần bữa tối. Bữa cơm của các em tối nay chỉ một món: canh rau cải nấu mặn.

 

Hôm nay (22/1/2010) báo Tuổi Trẻ trao ngay 20 triệu đồng để mua gạo, chăn màn và một số nhu yếu phẩm khác, nhằm góp phần hỗ trợ 62 học sinh nội trú trường THCS Đồng Sơn.

(Đỗ Hữu Lực, Tuổi Trẻ  22/1/2010, trang 6)

 

2. QUA SÔNG QUA ĐỜI: Sáu ngày sau buổi chiều tang thương trên dòng sông Thu Bồn khiến 18 học sinh làng Nông Sơn (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) phải buông cặp sách, từ giã cuộc sống. Tai nạn này y hệt vụ chìm đò đã xảy ra tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khiến ba học sinh bị nước cuốn trôi khi đò ngang lật. Hai cái tang lớn trong chưa đầy một tuần trên sông nước.

 

Thời gian qua đi, những giọt nước mắt cũng khô dần. Một cây cầu cũng sẽ được bắc ngang qua đoạn sông hung dữ trước mùa lũ năm nay nhờ những đóng góp của đồng bào các nơi.

 

21 nhân mạng trong hai tai nạn liên tiếp nhất định không thể chỉ “rút kinh nghiệm” suông, hoặc lấy cớ: địa phương còn quá khó khăn nên chưa có kinh phí. Nếu cứ tiếp tục dùng cách lý giải đó, sẽ còn những thảm kịch khác diễn ra như thảm kịch ngày 19/5 trên sông Thu Bồn, ngày 25/5 (2003) ở Sơn Tân. Nếu cứ tiếp tục cách tự bào chữa đó, sẽ không bao giờ có ai nhớ đến số cầu khỉ cần phải thay thế, những đoạn sông cần bắc cầu, những con đường dẫn lên vùng sâu cần san ủi đổ nền, để người dân ngày ngày di chuyển không phải bị thách đố giữa cái sống và cái chết.

(Du Long, Tuổi trẻ chủ nhật  1/6/2003, tr.4).

 

3. SÁNG TẠO: Không cầu, bà con ở Kon Tum căng sợi dây cáp, nối hai bờ sông Pô Kô, rồi đu qua (đi làm, đi chợ, trẻ em đi học). Hài hước, trung cổ, hồi hộp như xiếc. Báo chí hỏi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng có biết việc người dân đu dây vượt sông suốt tám tháng không, ông trả lời: “Việc đu dây là sự sáng tạo của người dân”.

(Tiền Phong  11/6/2010, tr.6)

 

4. CUỐI NĂM: Vào khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 25/1/2009 (30 tết), trên đoạn sông Gianh nối ngang địa phận hai xã Quảng Hải và Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), chuyến đò chở bà con xã đảo Quảng Hải đi phiên chợ cuối năm đã bị lật chìm – Đò chở 80 người. Chỉ có ba người bơi được vào bờ, 35 người khác may mắn được các lực lượng cứu hộ cứu, thoát chết. Còn lại 42 người, đa số là cụ già, em nhỏ và phụ nữ đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông.

Trước đó, khi đò còn cách bờ chừng 35 mét bất chợt trời nổi gió, một con sóng to tạt vào mạn đò. Nước sông tạt ướt áo quần nhiều người, khiến phụ nữ và trẻ em hốt hoảng xô đẩy nhau né tránh, làm đò tròng trành và lật.

 

Có 40 thi thể được đưa lên bờ ngay trong ngày… Những ngày tết, đường quê của các làng Vân Bắc, Vân Trung, Vân Nam (của xã Quảng Hải) trắng xóa khăn tang – Nhiều người dân cho biết, vào năm 1995, trên khúc sông thuộc địa phận xã Quảng Thanh, cách nơi xảy ra vụ tai nạn vừa qua không đầy 1 km cũng đã từng có một vụ chìm đò tương tự, làm 13 người thiệt mạng.

 

Một chiếc cầu nối đôi bờ vẫn là niềm khao khát cháy bỏng của người dân các xã hai bên sông… Hai chiếc cầu nối xã Quảng Hải với xã Quảng Phong và xã Quảng Lộc được khởi công từ tháng 9/2003, dự kiến sẽ hoàn thành sau 24 tháng, nhưng đến nay, đã hơn 5 năm, vẫn còn dang dở. Trải qua nhiều năm như thế, nhưng chỉ mới xây được phần… cọc trụ.

(H. Lam và T. Phùng, An ninh Thế giới  31/1/2009, tr.30)

 

5. XÓ RỪNG XA LẮC: Sống trong những cái chòi lá, không màn, không giường, với những bữa ăn chỉ có cơm và muối trắng là hoàn cảnh của học sinh nội trú ở trường dân tộc nội trú Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

 

 

Học sinh Trường THCS Sơn Long trong nhà bán trú tạm bợ - Ảnh: Q.Cầu

tuoitre.vn

 

Nơi ở của các em là những cái chòi nứa, lợp tranh, rộng chừng 7 mét vuông, thấp lè tè – 280 em ở nội trú hầu hết là người Khơ Mú… Thầy hiệu trưởng Trần Văn Sơn cho biết, bữa ăn của học sinh ở đây là cơm với muối trắng, măng rừng. Quanh năm các em ăn uống như thế. Bảo Thắng không điện nên về đêm bị một bức màn đen lớn bao phủ mịt mùng.

 

Các em ngủ không mùng màn, dù muỗi rừng dày đặc. Vào mùa đông các em phải nhận lãnh cái lạnh tê buốt. Những đêm rét đậm các em thức trắng. Em nào cũng còm nhom, xanh xao – Thầy Sơn ước có một ngôi nhà nội trú vững chắc, kín đáo, có giường, mùng mền cho các em nằm, và thỉnh thoảng có vài cân thịt để các em ăn.

(Khánh Hoan, Thanh niên 19/9, trang 13 – Blog Nguyễn Thông 19/9/2012).

 

6. QUEN KHỔ: Buôn Đăk Sar (xã Đăk Nuê, huyện Lăk, tỉnh Đắc Lắc) có hơn 300 nóc nhà của đồng bào các dân tộc H’mông, Tày, Êđê, M’nông, dân địa phương gọi đây là buôn Mông. Buôn nằm lọt thỏm giữa núi rừng chập chùng, không điện, không đường, không chợ búa.

 

Trường học của buôn Đăk Sar có 110 học sinh, độ tuổi lớp 1, lớp 2. Trường nhỏ, lợp tranh, trống hoác, thiếu thốn mọi thứ, nhưng các em rất chăm ngoan, hiếu học – Chúng tôi đứng ngoài nhìn vào lớp, thấy nhiều em mặt mũi phờ phạc, rũ rượi, thật tội nghiệp… Các giáo viên cho biết, gia đình các em học sinh vô cùng khốn khó. Sáng tinh mơ, các em dậy, cầm theo một nắm cơm trắng đi học, (nhiều em nhà ở cách trường năm cây số đường rừng). Nhiều em không ăn sáng, nên phần lớn các em xanh xao, gầy gò, suy dinh dưỡng.

 

Khi cô giáo hỏi to giữa lớp: “Sáng nay có em nào nhịn đói đi học không”. Thấy có người lạ nên cả lớp ngồi im lặng. Bất ngờ, một cánh tay rụt rè giơ lên. Đó là em Dương Thị Vân. Vân hồn nhiên nói: “Nhà cháu không có gì ăn để đi học. Cháu quen rồi”.

(Viết Hảo, Dân Trí  24/9/2012)

 

7. LÀM THÊM: Trẻ em đánh giày, đấm bóp dạo ở các phố Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu, Bùi Viện (Quận 1), và khu Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương (Quận 5 – Sài Gòn) đa số dạt từ Bắc vào, phần đông là dân Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây. Một số trong các em đó làm thêm khâu giải quyết tình dục cho đám “gay” (đồng tính nam) Tây, phần lớn là Tây ba lô.

(Kinh Hữu, ANTG  8/4/2009, tr.14).

 

8. LÀNG GÓA PHỤ: Cơn bão số 5 (ngày 03/10/1997) cướp đi 512 đàn ông, trai tráng của ngôi làng nằm cạnh cửa biển Khánh Hội – thuộc xã Khánh Hội, U Minh, Cà Mau – Nay làng này có tên gọi mới là “làng góa phụ”, bởi ở đây chỉ còn toàn đàn bà và trẻ em.

 

Thật xót xa khi nhìn những phụ nữ tuổi xấp xỉ 40, hoặc trẻ hơn, phải chịu tang chồng, với đàn con năm – bảy đứa nheo nhóc, trong khi tài sản chỉ là căn nhà lá ọp ẹp. Tương lai nào dành cho hàng ngàn đứa trẻ không cha sống trong nghèo khổ, hàng trăm góa phụ không có công ăn việc làm – Thiên tai thảm khốc này giáng xuống đầu dân Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, khiến hơn 2.100 người chết. (Được biết, trong số người bị nạn trên biển cả, ngoài dân Nam Bộ, còn có hơn 300 ngư dân miền Trung: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên).

 

Trong số tàu bị bão đánh chìm, hầu như tất cả ngư dân trên tàu đều chết hoặc mất tích, như tàu của bà Nguyễn Thị Bày chết 9 người, tàu của ông Huỳnh Văn Kiển chết 17 người, tàu của ông Nguyễn Dũng chết 15 người, (ba người này ngụ tại ấp Cảng, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

(Trần Nên, Việt Báo 12/8/2005 – Cao Xuân Lương, Tiền Phong 5/10/2005)

 

9. CHUYỆN 10 NĂM TRƯỚC: Lúc 13 giờ 30 trưa 29/10/2002, một ngọn lửa lớn bùng phát tại vũ trường Blue, Quận 1, Sài Gòn. Những người ở hiện trường cho biết, đám cháy lan rộng nhanh chóng, bốc lên dữ dội.

 

Nhiều người ở trong Trung tâm Thương mại Quốc tế (cao 6 tầng) hoảng loạn, tìm cách thoát thân. Có người trèo qua cửa sổ, người khác nhảy từ trên tầng cao xuống… Đến 17 giờ 30 ngọn lửa được khống chế. Theo chúng tôi tìm hiểu, nguyên nhân gây cháy là chập điện (trong một căn phòng đang sửa chữa của vũ trường Blue). Toàn bộ tầng 4 của tòa nhà – trung tâm thương mại – đã bị thiêu rụi. Theo ghi nhận ban đầu, đã có 54 người thiệt mạng, (về sau con số này là 92),  63 người bị thương, trong đó một phần ba thuộc dạng nặng. Phần lớn số người chết và bị thương là do nhảy từ các tầng cao xuống bị vướng vào dây điện, cây cối. Nhiều người chứng kiến tận mắt thảm cảnh đã bật khóc, vì không thể giúp gì được cho anh em, bà con, đồng bào.

(PV, Việt Báo và VNExpress.net, 29/10/2002).

 

10. TANG TÓC: Vào lúc 7 giờ 55 sáng 26/9/2007, 120 công nhân đang làm việc tại hai nhịp cầu Cần Thơ (nằm ở phía bờ bắc, thuộc xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) thì đoạn dầm cầu dài 87m, rộng 24m – vừa được đổ bê tông ngày hôm trước – sập xuống, làm chết và chôn vùi nhiều người. Hầu hết nạn nhân là công nhân người địa phương, các kỹ sư và cả những người buôn bán quanh công trường.

 

Đến cuối ngày 26/9, CNN và TTX.VN cho biết, có 52 người chết, 149 người bị thương – theo báo Tiền Phong thì có 59 người chết, 97 người bị thương, và 70 người còn bị kẹt dưới đống đổ nát… Đến cuối ngày 27/9, báo Nhân Dân ghi nhận: 64 người tử nạn, 182 người bị thương, và còn một số người bị mắc kẹt chưa cứu được.

 

Nguyên nhân làm sập các nhịp cầu (mới làm, chưa khô) này có thể do lún dàn giáo, hoặc vì dàn giáo bị xê dịch trước khi bê tông đủ độ khô, hoặc do lún lệch đài móng trụ tạm – Đây là tai nạn xây dựng cầu đường nghiêm trọng nhất xưa nay tại VN. Hãng tin AFP (Pháp) xếp vụ này nằm trong số 10 thảm họa lớn nhất thế giới năm 2007.

(PV. Sài Gòn GP 26/9/2007 – Sáu Nghệ, Kiến Giang, Tiền Phong online 27/9/2007).

 

11. CHANCHU: Bão Chanchu (5/2006) gây thiệt hại lớn về người. Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định có 257 ngư dân mất tích, (chỉ tìm được 27 thi thể). Riêng hai thôn Bình Tịnh, Hà Bình (của xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) có 63 người chết… Bà Võ Thị Chinh có chồng và con trai mất tích. Bà Nguyễn Thị Huệ có chồng và hai con trai mất tích.

 

12. MƯA LŨ: Từ 1 đến 6/10/2010 mưa lũ gây thiệt hại nặng cho Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình làm 64 người chết, mất tích, hàng trăm nhà sụp đổ, hoa màu – lúa hư hại lớn. (Không bão mà vẫn chết chóc)… Năm 2009, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) cũng bị một trận lũ lớn như thế, 22 người chết, 107 nhà bị đổ ngã – Thiệt hại này là NHÂN TAI, không phải do trời. Nước lũ tràn xuống cuồng điên do nạn phá rừng đầu nguồn.  (9/10/2010).

 

13. THAN ĐEN: Chiều ngày 08/12/2008, trên giường bệnh, anh Đinh Văn Hưng (26 tuổi) công nhân của công ty than Khe Chàm (Quảng Ninh) kể lại vụ nổ khí mêtan thảm khốc khiến anh bị thương.

 

“Lúc đó riêng tổ chúng tôi có 29 người đang làm việc. Tiếng nổ to hơn cả tiếng bom, bất ngờ. Sức nóng thật khủng khiếp, lan tỏa khắp lò, kèm theo đó là đất, đá ào ào đổ xuống. Cả nhóm công nhân bị thiêu cháy nằm rạp trên hầm lò”.

 

Đến 5 giờ sáng 8/12, 28 người chết và bị thương được đưa ra khỏi hầm lò. Qua sáng ngày 9/12, đã có 33 người chết, bị thương và mất tích, trong số người bị thương nhiều người bị bỏng nặng. Những người khác thì bị ngộ độc khí mêtan, hoặc vỡ xương hộp sọ, gãy xương chậu – Trong số người qua đời chỉ có một người 46 tuổi, (ông Đặng Ngọc Ký, phó giám đốc công ty Khe Chàm), còn lại đều trẻ, độ tuổi từ 22 đến 25.

 

Những năm gần đây số vụ tai nạn lao động trong ngành than ở Quảng Ninh không ngừng tăng. Từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra trên dưới 30 vụ tai nạn nghiêm trọng.

(Minh Châu, ANTG, 10/12/2008, tr.24).

 

14. LÚC 2 GIỜ SÁNG: Ngô Hoàng Võ và Ngô Hoàng Văn là anh em ruột, sống bằng nghề làm xiếc. Bốn tháng gần đây hai bé làm ăn trong các quán nhậu, quanh khu vực cầu Trần Khánh Dư, Thị Nghè (Sài Gòn).

 

Bé Văn, 9 tuổi, diễn trò nuốt than hồng, múa lửa. Võ, 7 tuổi, chỉ biết có một màn ruột là quay dĩa trên mũi dao nhọn, kế đó lấy dĩa đập bôm bốp vào đầu mình. Chỉ vậy, nhưng Văn, Võ cũng được bà con gọi là các tay xiếc nhí, do hai bé sống bằng nghề này… Tối ngày 1/1/2009 (tết Dương lịch), Võ làm bên kia đầu cầu, phía quận 1. Đến khoảng gần 1 giờ sáng, bé qua bên này cầu (phía đường Cù Lao, quận Phú Nhuận) để tìm anh. Bé sụp hố ga khi đi men theo bờ kè để vào khu quán nhậu.

 

Rạng sáng ngày 2/1, bé Văn quay lại tìm em, không thấy. Văn đã lùng sục khắp khu vực đó để tìm. Tới chiều 2/1, thi thể bé Võ nổi lên. Người ta đoán, chắc bé gặp nạn lúc 2 giờ sáng. Bé chết co quắp trong hố ga lạnh lẽo, trên người còn mặc bộ đồ mãi võ – Nghe nói, trước kia hố ga này có nắp, nhưng đã bị mất cắp.  (PV, ANTG 14/1/2009, tr.3).

 

15. MỘ ĐÁ: Lúc 7 giờ sáng ngày 1/4/2011, tại mỏ đá Lèn Cờ (xóm Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã xảy ra vụ sập mỏ đá vô cùng thương tâm.

 

Khi tai nạn xảy ra có 40 công nhân, đa số là phụ nữ, đang bốc dỡ đá cho công ty Chín Mến. Mỏ đá Lèn Cờ là nơi khai thác đá phục vụ xây dựng của các công ty tư nhân huyện Yên Thành. Hầu hết công nhân làm việc ở đây không đóng bảo hiểm, chỉ làm việc và nhận tiền công theo ngày, (họ nằm trong diện nghèo sát đáy).

 

Do đá lở có kích cỡ lớn nên việc cứu hộ tiến hành rất chậm… Đến 16 giờ, đã tìm được 16 người chết, còn lại hai người bị đất đá chôn vùi chưa tìm thấy (là Nguyễn Thọ Hoàng, Nguyễn Thọ Vũ, anh em ruột, quê xã Nam Thành). Đến 21 giờ, lực lượng cứu hộ vẫn còn làm việc (Duy Cường, Sài Gòn GP online 1/4/2011).

 

16. ĐU DÂY: Cách trở dòng sông Re chảy xiết, nhiều năm qua hơn sáu trăm hộ dân ở xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) phải đu dây thừng đi bè qua sông.

 

Không có cầu bắc qua sông Re, 630 hộ dân với 2.600 nhân khẩu của Sơn Ba đi làm ăn, học tập phải đu dây thừng kéo bè vượt sông sâu – Chiếc bè dài 3 mét, rộng 1,5 mét, làm bằng những ruột ô tô bơm căng, bên trên lót gỗ hoặc thân tre nẹp lại… Nhà ở xa trường 4 km, hàng ngày em Đinh Văn Thương (lớp 1A, trường tiểu học Sơn Ba) và bạn bè phải vượt suối, băng rừng, đu dây đi bè qua sông. Đến được lớp học thì người các em lấm lem bùn đất.

 

Toàn xã Sơn Ba có 7 điểm người dân thường xuyên phải đu dây kéo bè qua sông Re, dòng sông rộng 340 mét. (Bài báo của Trí Tín có 8 ảnh).

(Trí Tín, VNExpress 12/10/2012).

 

17. CÁI MÓN NƯỚC SUỐI: “Thương lắm, Tương Dương” là tên bài báo của nhà báo Quang Long. Kẻ được thương là các em học sinh bán trú tại trường tiểu học bản Xốp Nậm.

 

“Tôi khom người chui vào một túp lều, thấy cô bé học sinh đang lúi húi dọn cơm chiều. Một mình một nồi, chẳng có tí thức ăn, bé múc nước (nước suối) đổ thẳng vào xoong cơm, rồi dùng thìa xúc ăn ngon lành.

 

Con suối nhỏ vắt ngang triền núi, bên này là trường học, bên kia là nhà bán trú của 90 em học sinh người Mông, người Poọng, bản Xốp Nậm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An).

 

Từng nhóm năm, bảy em quây quần bên bữa cơm tối đạm bạc. Nhóm nào sang, có ít canh bí ăn cơm, hầu hết các em phải ăn cơm chan với nước suối. “Sao các cháu không bỏ muối vào, cho dễ ăn?”. Tôi hỏi. “Bọn cháu ăn rứa, quen rồi”. Một em đáp. Các em vừa ăn vừa đùa nghịch, vui cười hồn nhiên.

 

Ở đây không điện. Đêm về, tối như bưng. Ánh sáng bập bùng từ bếp lửa soi tỏ những khuôn mặt sạm đen, hao gầy… Thương các em vô cùng.”.

(Quang Long, Tiền Phong 15/10 – Blog Nguyễn Thông 16/10/2012).


 

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 2328
Ngày đăng: 24.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa Nông Dân Thiên Di - Nguyễn Hàng Tình
Cổ Tích Về Một Gia Đình “Đầu Bếp” - Trần Trung Sáng
“Chim Chèo Bẻo” Nơi Thượng Nguồn Sông Mã - Nguyễn Anh Tuấn
“Bài Hành Phương Nam” Của Dân Nhập Cư - Phạm Nga
Một Buổi Chiều Giữa Mùa Thu Thân Tình & Ấm Áp - Mang Viên Long
Thằng Tý Sún - Hồ Thị Mộng Loan
Ngày cuối cùng của cha tôi trên cõi dương ! - Lâm Bích Thủy
Bóng Nón Xanh Xao - Nguyễn Hàng Tình
Chuyện nhỏ thôi, Vietnam Blues. - Phan Bá Thụy Dương
Tác giả Huỳnh văn Lang và "Việt Sử Khai Tâm" - Lê Đình Cai
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)