Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.231.637
 
Đông Kinh Nghĩa Thục – Một Mẫu Mực Về Đổi Mới Giáo Dục Một Cách Căn Bản Và Toàn Diện
Vũ Thế Khôi

 

Công cuộc vận động canh tân văn hóa-giáo dục hồi đầu thế kỷ XX không chỉ giới hạn trong 9 tháng hoạt động (tháng 3 – tháng 12 / 1907) của trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hàng Đào - Hà Nội.

 

Các hội thảo khoa học, công trình nghiên cứu hai chục năm gần đây trong và ngoài nước cho thấy cuộc vận động ấy có đường lối thống nhất, sách lược chung về trình tự bùng phát - ở xa trung tâm thuộc địa trước, ở thủ phủ Đông Dương sau[1]- sôi nổi trong 5 năm 1903 - 1908, vẫn tiếp diễn thầm lặng trong các nghĩa thục tại đia phương (chẳng hạn, như “nghĩa thục An Phước”[2] – chữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), tạo nên một giai đoạn có thể gọi là “hậu Đông Kinh nghĩa thục” (những thập kỷ 10 - 20).

 

Đặc biệt, một thời gian dài, do những định kiến ý thức hệ, phong trào Duy tân - Nghĩa thục chỉ được nghiên cứu như một trang sử hào hùng đã qua, vì thế không hề đặt ra vấn đề về di sản tư tưởng của nó được thừa kế và phát huy ra sao trong xã hội và công cuộc vận động cách mạng ở các giai đoạn sau. Ngay cả ngày nay, sau hơn hai chục năm Đổi mới, cái dớp của quan điểm mang mầu sắc “Proletkult” (phái “Văn hoá vô sản” mà Lênin từng phê phán) đối với sự nghiệp canh tân văn hoá – giáo dục của các bậc trí thức Nho học chưa phải đã sạch trong học giới nước nhà khi mà 27 tham luận của các vị VS, GS, TSKH... trong một cuộc hội thảo cấp quốc gia chuyên về chủ đề “Triết lý giáo dục Việt Nam” giới thiệu đủ thứ triết lý giáo dục cổ, kim, đông, tây trên thế giới, nhưng duy nhất chỉ 1 tham luận có vẻn vẹn 4 dòng về công cuộc canh tân giáo dục của phong trào Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục.

 

Tức thị người ta vẫn cho rằng chẳng có gì đáng học tập và tiếp thu từ Duy tân - Nghĩa thục như một hình mẫu về đổi mới giáo dục một cách thực sự căn bản và toàn diện.

 

Trong khi đó, một học giả tầm cỡ thế giới như GS Hoàng Xuân Hãn, người Việt Nam duy nhất được đặt tên cho một giảng đường đại học danh gía giữa Paris, lại coi phong trào Duy tân – Nghĩa thục là “cách mạng tân văn hóa”, là “một cuộc cách mạng thầm lặng” (“revolution silencieuse”); một nhà Việt Nam học nổi tiếng người nước ngoài thì khẳng định: “không có cuộc cách mạng ấy thì Cách mạng tháng Tám đã là thế nào, nếu không phải là một cuộc cướp chính quyền tầm thường bằng quân sự?”[3].

 

Ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của Duy tân – Đông Kinh nghĩa thục đến tiến trình xã hội nói chung và tư duy giáo dục Viêt Nam nói riêng quan trọng đến mức nhân dịp tròn 100 năm (1907 - 2007) các nhà Nho duy tân sáng lập trường Đông Kinh nghĩa thục nhằm khai dân trí để cứu nước, từ đầu năm 2007 trong khi các phương tiện truyền thông nước nhà chưa có nửa chữ về sự kiện trọng đại này, các tổ chức văn hóa và giáo dục, cả chính thống lẫn phi chính thống, của Hà Nội và trong cả nước, chưa có một động thái nào chứng tỏ một nhận thức tương xứng với vai trò của nó trong lịch sử cách mạng và giáo dục Việt Nam, thì các nhà Việt Nam học quốc tế ở 5 cơ quan và tổ chức khoa hoc của họ đã kỳ công chuẩn bị và năm tháng sau, đã tiến hành tại Pháp một cuộc Hội thảo lớn, kéo dài trong 3 ngày từ mồng 3 đến mồng 5 tháng 5 năm đó.

 

 Tham dự Hội thảo có khoảng năm chục nhà nghiên cứu Pháp, Việt Nam, Nhật, Hà Lan, Na Uy, Mỹ, trong đó có một số học giả nổi tiếng trong chuyên ngành Việt Nam học như Ch. Fourniau, D. Hémery, St. Tonnesson, P. Brocheux. Chủ đề của Hội thảo phản ánh ý đồ khoa học của Ban tổ chức muốn đặt thời điểm 1905 - 1908 của Việt Nam trong một bối cảnh (contexte) không gian rộng lớn bao gồm cả Đông Nam Á và châu Á và bối cảnh thời gian khá dài trước và sau thời điểm đó hàng thế kỷ (xét theo những tham luận như về vai trò của các giáo sĩ đạo Gia-tô, hay lịch sử của công ty nước mắm Liên Thành), nhằm những mục tiêu (objectifs) như chính họ nêu ra trong bản Đề dẫn.

 

1) Tìm hiểu phong trào về bề dày xã hội, những cội nguồn của nó;

 

2) liên kết (intégrer) phong trào Duy tân của Việt Nam với các phong trào và xu hướng hiện đại hoá ở các nước khu vực, cả trong và ngoài ảnh hưởng của Trung Hoa (như Xiêm chẳng hạn);

 

3) Xác định di sản (héritage), sự diễn tiến kế tiếp của một phong trào đa nhân tố (hétérogène) như Duy tân - Đông Kinh Nghĩa Thục. Phải thừa nhận rằng cả 3 bình diện nghiên cứu này chưa hề được các chuyên gia nước nhà đề cập thấu đáo.

 

Chính là xuất phát từ mục tiêu thứ nhất – “tìm hiểu phong trào về bề dày xã hội, những cội nguồn của nó”, Ban tổ chức của hội thảo đã dẫn bài nghiên cứu của chúng tôi công bố trên tạp chí Xưa & Nay (số 30, tháng 8 -1996) của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam từ mươi năm trước – “Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn với sự nghiệp chấn hưng văn hóa Thăng Long”, –  và đã mời chúng tôi tham luận về chính vấn đề này.

 

Đáp ứng yêu cầu của Ban tổ chức, chúng tôi đã trình một luận văn khoa học chi tiết (27 tr. A4 + 3 tr. sơ đồ), nhan đề: “Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn – một cội nguồn văn hóa - xã hội sâu xa của phong trào Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục[4]. Nội dung chủ yếu của luận văn này cũng đã được trình bày tại Seminar “Về luồng tư tưởng giáo dục phi chính thống của Nho sĩ bình dân dưới triều Nguyễn” do NXB Tri Thức tổ chức ngày 20 - 5 - 2011. Ở đây chỉ xin khái quát lại những luận điểm chính.

 

“Cách mạng không thể chở từ nước ngoài vào như bọn Bourbon trong các xe hòm fourgone”. Phong trào Duy tân - Nghĩa thục ở Việt Nam xuất hiện không phải chỉ do tác động của “Tân thư” Trung Quốc và công cuộc duy tân kết quả rực rỡ ở Nhật Bản, mà có cơ sở văn hóa-xã hội sâu xa trong lòng xã hội Việt Nam –  những nhân tố nội sinh tác động từ nửa đầu thế kỷ XIX.

 

Những tác nhân nội sinh đó là:

-   Luồng tư tưởng văn hóa-giáo dục của tầng lớp “Nho sĩ bình dân” (Nguyễn Khắc Viện) trong các làng xã thể hiện qua các “chủ trương” (chữ của các cụ ấy trên một vế đối trong đền Ngọc Sơn) về chấn hưng văn hóa-giáo dục bị suy đồi nghiêm trọng sau cuộc nội chiến khốc liệt hai chục năm giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Những “chủ trương” đó là: hướng về cội nguồn dân tộc và văn hoá làng xã Việt, thông hiểu nghĩa lý nhân bản cổ truyền của đạo Nho nguyên thuỷ nhằm làm con người phương chính ngay trong làng mình, biết “trung với dân” và lo khai sáng cho dân chúng trong làng xã mình.

 

-    Những chủ trương ấy được thực thi trong các phường thôn và làng xã không phải do các cá nhân riêng lẻ, mà do một tổ chức văn hóa-xã hội phi chính thống đầu tiên của Nho lâm Việt Nam là Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn, rộng rãi hơn các hội Tư văn chính thống về thành phần xã hội (tập hợp trong một tổ chức Nho sĩ, thương nhân, binh lính, một số quan lại đương chức… )

 

-    Những phương thức hoạt động của họ là: tổ chức các buổi thuyết giảng kinh đạo lý dân tộc cổ truyền tại đền chùa, đặc biệt là mở các trường tư thục tại phường thôn, làng xã, hoạt động không riêng lẻ như trong các đời trước mà “liên thông” (dùng chữ ngày nay)

 

 

-    Không chỉ dùng thư tịch kinh điển Trung Hoa do triều đình ban hành mà tự biên soạn và khắc in các sách giáo khoa, sách truyện danh nhân đất Việt, sách phổ biến kiến thức vệ sinh thường thức …

 

Có thể trình bày nổi bật sự đối lập của luồng tư tưởng giáo dục này với luồng tư tưởng chính thống qua bảng dưới đây:

 

GIÁO DỤC NHO HỌC TRIỀU NGUYỄN (thế kỷ XIX)

 

LUỒNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC QUAN PHƯƠNG CỦA TRIỀU ĐÌNH

LUỒNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA

NHO SĨ BÌNH DÂN

- Trung quân

- “Trung với dân”

- Học làm viên quan trung quân cần mẫn

- “Học làm người” “phương chính”, “làm quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã”

- Thuộc kinh điển toát yếu của Tống nho

- “Thông hiểu nghĩa lý sâu xa của đạo”, “tầm nguyên phỏng cổ”, học để “trị sinh”

- Dùng sách kinh sử thi phú Trung Hoa, các bài văn mẫu của Trung Hoa

- Bổ sung các sách sử, địa, truyện danh nho Việt, tự biên soạn sách văn mẫu

Các cơ sở đào tạo:

Các cơ sở đào tạo:

- Quốc tử giám, trường Đốc học, trường Giáo thụ

- Tư thục tại thôn phường (kể cả các trường đại tập danh tiếng như Hồ đình, Phương đình, Chí đình, Liên đình ...)

 

 

Về mặt thực tế, những chủ trương đã hướng đạo Nho sĩ bình dân hoạt động trong các phường thôn và làng xã suốt thế kỷ XIX, góp phần đưa Hà Nội từ chỗ hoang tàn, suy đốn sau hai chục năm nội chiến, đến khoảng giữa thế kỷ XIX, thực sự phục sinh, theo ghi nhận của ký giả báo Le Courrier de Saigon: “mặc dù nó không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, về kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giầu có, số dân đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn” (dẫn theo Nguyễn Thừa Hỷ).

 

Những hội thảo mới đây nhân 100 năm các trường tân học Phú Lâm (Quảng Nam) và An Phước (Đà Nẵng), hay về “cơ sở Đôn Thư” của hai dòng họ Vũ Phạm Hàm và Nguyễn Thượng Hiền, cung cấp thêm một số minh chứng thuyết phục cho quan điểm  này[5]

 

Về mặt tư tưởng, luồng tư duy giáo dục phi chính thống mang đậm dấu ấn nhân bản, dân tộckhai sáng này của Hướng Thiện hội, truyền thừa qua dòng họ và môn sinh, đã được các ông đồ Duy tân - Nghĩa thục thừa kế và cập nhật với các tư tưởng dân chủ, dân quyền và tư duy khoa học Tây phương để đáp ứng những yêu cầu lịch sử mới và xây dựng thành “đường lối giáo dục quốc dân” của phong trào cách mạng này, được phát biểu toàn diện trong Văn minh tân học sách, bản cương lĩnh cách mạng thực sự chứ không phải cải lương tư sản. Văn minh tân học sách đề xuất một chiến lược đổi mới thực sự CĂN BẢN và TOÀN DIỆN nền giáo dục phục vụ mục đích canh tân cứu nước.

 

CĂN BẢN là tận gốc, là không lớt phớt trên ngọn, cải tiến cải lùi tiểu tiết, giảm thiểu chỗ này, gia tăng chỗ kia, khiến “càng cải càng rối” (Nguyên Ngọc). Gốc của một nền giáo dục là cái tư duy cơ bản, nay gọi là triết lý giáo dục chi phối toàn bộ hệ thống. Các nhà nho Duy tân – Nghĩa thục dứt khoát từ bỏ triết lý giáo dục tĩnh của Nho giáo đã chi phối nền giáo dục Viêt Nam hơn 800 năm( kể từ khi sáng lập Quốc Tử Giám năm 1076) nhằm duy trì chế độ phong kiến; chuyển sang xây dựng triết lý giáo dục động trên cơ sở kết hợp các truyền thống đạo Nho nhân bản và văn hóa dân tộc (Đông) với các tư tưởng dân chủ, dân quyền và khoa học tiên tiến (Tây) nhằm canh tân để cứu nước.

 

TOÀN DIỆN là không lấy sự cải tiến bộ phận (chẳng hạn, chỉ cải tiến phương pháp giảng dạy) thay cho cải cách toàn bộ hệ thống cấu trúc tầng bậc (mục tiêu -> nội dung -> phương pháp). Trên cơ sở triết lý giáo dục động của mình[6], các nhà nho Duy tân -  Nghĩa thục đã thực sự đổi mới toàn diện trong hệ thống cấu trúc tầng bậc ấy: từ mục tiêu đến nội dung và phương pháp. Các cụ đã thay mục tiêu đào luyện các thần dân-“bù nhìn” (chữ của chính các cụ!) câm lặng, nhất cử nhất động đều làm theo lệnh trên, bằng mục tiêu đào tạo ra nhữngquốc dân” dám nghĩ và “có thể động[7] trên cơ sở nhận thức “rõ cái lý tương quan giữa nước và dân, làm sao cho họ biết vị trí của họ trong xã hội ở chỗ nào, chức phận ra sao và làm thế nào để gây ý thức ái quốc, ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị tự lập”[8].

 

Mục tiêu đó khiến họ đổi mới toàn bộ nội dung đào tạo, từ bỏ những điều thiên kinh địa nghĩa hàng nghìn năm của chư vị thánh hiền trong Khổng môn (chỉ chọn lọc giữ lại những gì nhân bản và phù hợp văn hóa dân tộc Việt), thay nó bằng “tân thư” với những khái niệm hoàn toàn mới như quốc thể, quốc dân, nghị viện, lập hiến, xã hội, đoàn thể, công nghĩa, công ích v.v…, với những khoa học thực nghiệp, đặc biệt là với việc dạy những nghề thiết thực, có thể hành nghề ngay được để mưu sinh.

 

 Nội dung mới tất đòi hỏi phương pháp giảng dạy mới nên các cụ vứt bỏ luôn cả cái phương pháp thụ động thầy thao thao đọc và bình sách kinh điển, trò cung kính lắng nghe và chép theo (mà than ôi! – nền giáo dục XHCN hiện nay của ta đã phục hồi!). “Văn minh tân học sách” chủ trương: “cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không phải nề hà, không cần thể cách gì hết”.

 

Các Nghĩa thục cùng các hội học, hội buôn, công ty, thương điếm … trong khắp nước đã thực thi cả trên học đường lẫn trong thực tế sản xuất - kinh doanh nhằm đào tạo lại những con người đã quen “tĩnh”, chỉ biết “tĩnh”, chỉ dám “tĩnh” thành những con người “có thể động” và sẵn sàng động quyết liệt khi có “biến cố”.

 

Một điều cần lưu ý là trong công cuộc “đao to búa lớn phá lũy xưa” (Ngô Đức Kế) ấy, bỏ nệ Tầu cổ hủ lậu đã đành, nhưng cũng không nhắm mắt theo Tây mới hào nhoáng Tài liệu giáo khoa chính thức của Nhà trường Luân lý giáo khoa, có quan điểm thật sáng suốt trong việc xây dựng một đường lối giáo dục: “Giáo dục quốc dân thường phải tuỳ theo phong tục, tập quán, lịch sử, chính thể từng nước, nên không giống nhau[9].

 

Có nghĩa là dẫu ca ngợi văn minh động “Thái Tây”, nêu bật sự ưu việt của nó so với văn minh tĩnh Á Đông, các trí thức Nho học Duy Tân “Á phách, Âu hồn” (lời Huỳnh Thúc Kháng viếng Ngô Đức Kế) ấy vẫn cảnh báo nguy cơ của việc bệ nguyên xi các hình mẫu (nay thường dùng chữ thời thượng: mô hình) giáo dục Tây Âu vào xã hội Việt Nam.

 

Tiếp tục định hướng nhân bản và trở về với văn hóa dân tộc của các ông đồ Hướng Thiện, các nhà nho Duy tân – Nghĩa thục thông qua cụ Cử Nguyễn Hữu Cầu, cây đại thụ cuối cùng trong “ngôi đền văn minh ĐKNT”, người may mắn được thấy thắng lợi huy hoàng của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, vẫn không quên cảnh tỉnh trước khi thanh thản lìa cõi trần vào ngày 13 – 7 – 1946, rằng: “Nền tự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Chính bằng nghệ thuật và khoa học mà các dân tộc trở nên bất diệt. Phải làm sao thông qua nghiên cứu ngôn ngữ mà nghiên cứu dân tộc và làm sao in sâu như khắc trong lòng tính cách Việt thuần khiết. Hiện nay chúng ta quá Tây, quá Tàu rồi, chúng ta là bọn giáo điều chiết trung, chúng ta là kẻ xã hội chủ nghĩa chuyên quyền (nguyên văn: “socialistes autoritaires”): chúng ta cần phải là người Việt” (chúng tôi nhấn)[10].

 

Định hướng này chẳng những được phong trào Duy tân – Nghĩa thục kiên trì trong các chương trình giáo dục của mình, mà còn được lớp trí thức “Tây học” mà không vong bản kế thừa và phát huy.

 

Mới đây, nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn  Nguyễn Triệu Luật, PGS TS Trần Thị Băng Thanh đã giới thiệu cả một chương trình với những biện pháp cụ thể của ông nhằm “giữ Quốc hồn[11]. Nguyễn Triệu Luật là ai? Là cháu nội của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, trưởng môn trường Hồ đình của Hội trưởng Hướng Thiện đầu tiên Vũ Tông Phan. Ông Hoàng giáp sớm có tư tưởng canh tân này (trước cả Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch!),  người cùng Bùi Viện lập ra “Tân đảng” trong triều đình Tự Đức, có con trai thứ tám là Quý Viên và cháu họ Nguyễn Định cùng lập ra tư thục ở Du Lâm - Vân Điềm hưởng ứng Đông Kinh nghĩa thục[12].

 

Sự kế thừa này không bị đứt đoạn ở đấy (đó là về sau mới bi gián đoạn, do những sai lầm mà nguyên Ủy viên Bộ Chính tri Đảng CSVN, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần đã gọi thẳng tên là “tả khuynh”). Vị Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên, người từng được sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc cùng Hội đồng Cố vấn học chính gồm ba chục nhân sĩ lớn cả Hán học lẫn “Tây học” đặt những viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục cách mạng của nước Việt Nam mới, hoàn toàn có cơ sở để phát biểu tại một diễn đàn khoa học: “Trước hết, tôi nghĩ, những tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục trong sự nghiệp cách mạng giải phóng và kiến quốc không xuất hiện ngẫu nhiên, cũng không phải đem đâu đó từ bên ngoài vào, mà bắt nguồn từ những truyền thống và những tư tưởng giáo dục của nhiều thế hệ chí sĩ cách mạng Việt Nam, được Người tiếp thu và phát triển theo quỹ đạo tư tưởng cách mạng xã hội của mình (tác giả nhấn)”[13].  Ô. Bộ trưởng Giáo dục từng tham dự Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ I (24 - 11 - 1946) và theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch đã chuẩn bị trình tại diễn đàn tiêu biểu rộng rãi đó bản Đề án cải cách giáo dục.

 

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có phát biểu dài quan trọng về việc xây dựng nền văn hoá mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tiếc rằng, không hiểu vì lý do gì, bài phát biểu đó cho đến nay không thấy công bố, kể cả trong Hồ Chí Minh toàn tập. May thay, đại ý đã được báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận chính thức của mặt trận Việt Minh tường thuật khá chi tiết.

 

Người nói (trích dẫn theo lời tường thuật của báo Cứu quốc): Nền văn hoá của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở…Văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại… Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. (chúng tôi nhấn. – V.T.K.)

 

Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ. Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hoá có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình (hết trích theo báo)[14].

 

Tuy Hồ Chủ tịch nói rằng đó là ý kiến và quan điểm riêng của Người, nhưng căn cứ những nghiên cứu và phát hiện gần đây về mối quan hệ mật thiết của thân phụ Nguyễn Sinh Sắc và bản thân Người với các lãnh tụ phong trào Duy tân – ĐKNT thì có thể nói Hồ Chí Minh cũng có phần đại diện cho cả một trào lưu tư tưởng văn hoá - xã hội cấp tiến “hậu Duy tân - ĐKNT’, dẫu được đào luyện trong nền Tây học hoàn toàn bằng Pháp văn, say mê tiếng Pháp và tư tưởng dân chủ, tự do - bình đẳng - bác ái của văn học Pháp, nhưng vẫn dám lội ngược trào lưu trưởng giả thắng thế học làm sang dùng tiếng Pháp cả trong sinh hoạt thường ngày và bài xích tiếng mẹ đẻ và chữ Hán: những đại diện uy tín của trào lưu này kêu gọi “thoát ly những ảnh hưởng trơ tráo bên ngoài”, “trở về mình”, với lịch sử và văn hoá dân tộc, đánh giá cả mặt hay lẫn những mặt dở đang là trở lực đối với công cuộc hiện đại hoá đất nước. Một nhà Việt Nam học ở Đại học Paris 7 nhận định hoàn toàn chính xác rằng đó “không phải là một đường lối quốc gia hẹp hòi, càng không phải là mang tính chất sùng bái dĩ vãng”, mà “luôn luôn có sự tìm tòi để tổng hoà nền văn hoá dân tộc với các nền văn hoá Tây phương” (chúng tôi nhấn. – V.T.K.)[15].

 

Riêng trong vấn đề ngôn ngữ, song song với việc trực tiếp tham gia phát huy đường lối của Duy tân - ĐKNT về  “chữ Quốc ngữ là hồn trong nước”, họ hoàn toàn ủng hộ việc lập ra vào năm 1942 chuyên ban Cổ điển Á Đông ở bậc trung học Pháp - Việt (song song với ban Cổ điển Hy – La đã có trước đó), tuần 6 giờ trong 5 năm liền, không chỉ dạy 4 - 5 nghìn chữ Hán “chết”, mà giảng cả sách kinh điển tiêu biểu của Trung Hoa và Việt Nam, coi đó “sẽ là một then chốt quan trọng của một nền xây dựng xã hội trong tư tưởng quốc gia”[16].

 

Quan điểm này, đã được phát triền thành một phác thảo những đường nét chính của chương trình phổ thông trung học và phổ thông chuyên ban trên tạp chí Thanh Nghị[17], và gần như đồng thời đã được hiện thực hoá xuất sắc trong Chương trình trung học phổ thông của GS Hoàng Xuân Hãn, ban hành bởi đạo Dụ số 67 ngày 3 - 6 - 1945.

 

 Đáng chú ý là trong cả hai bản chương trình trên, chữ Hán chẳng những được giảng dạy chu đáo (cùng với văn hoá bằng chữ Hán) ở chuyên ban Cổ điển Á Đông mà còn bắt buộc phải học 1 - 2 giờ/tuần ở tất cả các chuyên ban phổ thông còn lại như một môn cơ sở văn hoá của quốc văn. Cũng cần nói thêm rằng Chương trình Hoàng Xuân Hãn đã được Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Hồ Chí Minh cho thực thi (với một vài thay đổi nhỏ) ngay từ năm học 1945 - 46 tại các trường trung học Kháng chiến cho đến tận năm 1950, nhờ vậy ngày nay chúng ta mới có cả loạt những nhà khoa học với căn bản văn hoá vững vàng và sử dụng thông thạo, chuẩn xác tiếng Việt như Phan Đình Diệu, Văn Như Cương, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Đình Chú v.v…

 

Chỉ với cuộc cải cách giáo dục năm 1950, được mệnh danh là “lần thứ nhất” (tức coi như không có cuộc cải cách ngay sau Cách mạng tháng 8, được ban hành chính thức bằng Sắc lệnh số146 ngày 10 - 8 - 1946 do Chủ tịch nước ký, thiết lập nền giáo dục độc lập tự chủ, pháp quy tiếng Việt là chuyển ngữ và chữ Hán là môn học bắt buộc!) chữ Hán như một môn cơ sở văn hoá (chứ không phải Trung văn như một môn ngoại ngữ) mới bị loại bỏ hẳn trong hệ thống giáo dục quốc dân, và như vậy không phải thực dân Pháp, cũng không phải các nhà Nho Duy tân - Nghĩa thục, mà chính chúng ta tạo nên “một khoảng trống đáng sợ” mà GS NGND Nguyễn Cảnh Toàn đã báo động[18].

 

 

--------------------------------------------------------

* NGUỒN: Tham luận viết cho Hội thảo “Đông Kinh nghĩa thục và cải cách giáo dục hiện nay” do Trung tâm Minh triết Việt chủ trì tại Trung tâm Văn hóa Pháp “l’Espace” 24 Tràng Tiền, ngày 20 - 9 - 2012.



[1] Vũ Thế Khôi: Tác giả Văn minh  tân học sách phải chăng là Ngô Đức Kế. – Tạp chí Hán Nôm,  số 2 (93) năm 2009, tr. 22 – 33.

[2] Kỷ yếu Hội thảo 100 năm thành lập trường Tiểu học An Phước (1908 - 2008), Đà Nẵng – 2008.

[3] Pierre Brocheux (Université Paris VII): La revue Thanh Nghị et les questions litteraires (1941 - 1945). (Tạp chí Thanh Nghị và những vấn đề văn chương) . - bản dịch tiếng Việt in trong: “Vũ Đình Hoè: Thanh nghị. Hồi ký”. – nxb Văn học 2000, tr. 509 - 521”; “Hồi ký Vũ Đình Hoè “. – nxb Hội nhà văn 2004, tr. 468 – 478.

 

[4] Vũ Thế Khôi: Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn – một cội nguồn văn hoá - xã hội sâu xa của phong trào Duy Tân - Đông Kinh Nghĩa Thục.  Báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế ở Provence (CH Pháp) “Vietnam – le moment moderniste (1905 - 1908)”. – Publication de l’Universie; toàn văn tiếng Việt (30 tr. A4) xem:  http://dongtac.net; từ khoá Vũ Thế Khôi; tóm lược: Xưa & Nay, số 283, tháng 5 - 2007.

 

[5] Kỷ yếu Hội thảo khoa học “100 năm trường Tân học Phú Lâm và nhà thực hành Duy Tân xuất sác Lê Cơ. - Sở Văn hoá  Thông tin tỉnh Quảng Nam 2005 và Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 100 năm thành lập Trường tiểu học An Phước 1908 – 2008. Uỷ ban Nhân dân TP Đà Nẵng; Trường tiểu học An Phước, 95 năm truyền thống. –   nxb Giáo dục 2003; Họp mặt kỷ niệm 100 năm Chí sĩ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền khởi hành từ Đôn Thư xuất dương đầu năm 1908. – Sách chế bản vi tính của họ Phạm Vũ Đôn Thư, 30 - 8 - 2008.

[6] Vũ Thế Khôi: Triết lý giáo dục “Khai dân trí Chấn dân khí”. – Một số vấn đề về triết lý giáo dục và triết lý giáo dục ở Việt Nam: Thông tin và bình luận, Viện Thông tin KHXH, Hà Nội – 2008, tr. 55 - 70

[7] Vũ Thế Khôi: Tinh thần cách mạng trong “đường lối giáo dục quốc dân của Đông Kinh nghĩa thục” – Đổi mới giáo dục Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỷ. Kỷ yếu Hội thảo khoa học do Đại học Hoa Sen tổ chức tháng 12 / 2008. – NXB Văn hóa Sài Gòn & Đại học Hoa Sen – 2009, tr. 67 – 88.

[8] Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục. – Cục Lưu trữ nhà nước Việt Nam & Viện Viễn Đông Bác Cổ pháp, nxb Văn hoá 1997, tr. 46.

[9] Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục. – Cục lưu trữ Nhà nước Việt Nam & Viện Viễn Đông Bác Cổ, nxb Văn hoá 1997, tr. 21.

[10] “Nguyễn Hữu Cầu, chí sĩ yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục”. – nxb Lý luận chính trị, Hà Nội 2007, tr. 13. (Trích theo bản dịch của Nguyễn Chí Công)

 

[11] Trần Thị Băng Thanh: Sửng sốt với ý tưởng “Gây dựng một nền văn hóa riêng” của Nguyễn Triệu Luật. – Báo Thể thao& Văn hóa, số…

[12] Vũ Thế Khôi: Những con đường truyền thừa tư tưởng. – trong sách Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long  Hà Nội. Vũ Thế Khôi chủ biên. – NXB Lao Động & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2010, tr. 383 - 395.

[13] Vũ Đình Hoè: Vài ký ức về tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục thời gian cuối năm 1945 - đầu năm 1946. – Tham luận tại Hội thảo khoa học - thực tiễn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” do Bảo tàng Hồ Chí Minh & Đại học Sư phạm Hà Nội đồng tổ chức ngày 8 - 10 – 2003; đã đăng: a) Tạp chí Khoa học và Tổ quốc (Diễn đàn trí thức), các số 21 / 2003, 1+2 / 2004; b) Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số Xuân 2004; c) (giản lược) báo Giáo dục & Thời đại số 139, ra ngày 20 – 11 – 2003 ; d) (giản lược) tạp chí Xưa & Nay, số 233, 11 – 2004.

 

[14] Báo Cứu Quốc, số 416, ra ngày 25 - 11 - 1946. Người đầu tiên nêu lại bài diễn văn quan trọng này của Hồ Chủ tịch là nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, trên báo Nhân Dân khoảng 1997 và báo Văn Nghệ 2005; cũng có thể xem trên mạng Talawas. Org, mục: Tư tưởng văn hoá và phát triển, 19.5.2008.

[15] Pierre Brocheux, tlđd, tr. 518.

[16] Vũ Đinh Hoè: Việc lập một nền học Cổ điển Á Đông ở Đông Dương. – Báo Thanh Nghị, số 22, tháng 10  1942, tr. 2 - 4 và 31.

[17] Vũ Đình Hoè: Việc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam. – Tạp chí Thanh Nghị, số 108 ra ngày 12 - 5 và số  109 ra ngày 19 - 5 năm 1945; in lại trong sách của tác giả: Những phương pháp giáo ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục. – Thanh Nghị tùng thư 1945, các chương VI và VII.

[18] Nguyễn Cảnh Toàn: Chữ Nho với nền văn hoá Việt Nam. – đăng lần đầu trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, in lại trong Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 4 (59) năm 2003 và sách: Hán Nôm học trong nhà trường, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm - nxb KHXH xuất bản 2008, tr. 9 - 15.

 

Vũ Thế Khôi
Số lần đọc: 1716
Ngày đăng: 24.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đức tin trong nguồn thơ Hàn Mạc Tử - Đặng Tiến
Tiếp Nhận Truyện Kiều Dưới Góc Nhìn “Thi Trung Hữu Họa” 2 - Trần Đình Khiêm
Khoa học văn chương - Đặng Phùng Quân
Tiếp Nhận Truyện Kiều Dưới Góc Nhìn “Thi Trung Hữu Họa” 1 - Trần Đình Khiêm
Tiếp nhận Truyện Kiều dưới góc nhìn “Thi trung hữu nhạc” 3 - Trần Đình Khiêm
Tiếp nhận Truyện Kiều dưới góc nhìn “Thi trung hữu nhạc” 2 - Trần Đình Khiêm
Tiếp nhận Truyện Kiều dưới góc nhìn “Thi trung hữu nhạc” 1 - Trần Đình Khiêm
Đường Bay Của Chữ - Nguyễn Ước
Ba đồng vàng 1 - Nguyễn Thành Nhân
Các giá trị tinh thần trước những thách đố của kỷ nguyên mới - Nguyễn Đăng Trúc