Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.228.530
 
Mrs. Dalloway
Nguyễn Thành Nhân

 

Virginia Woolf - Nguyễn Thành Nhân dịch

 

 

GIỚI THIỆU

 

Trong buổi phỏng vấn do Barnes & Noble thực hiện[1], khi được hỏi: “Cuốn sách nào ảnh hưởng nhiều nhất tới cuộc đời ông, và tại sao?” nhà văn Mỹ Michael Cunningham[2] đã đáp: “Khi tôi mười lăm tuổi, tôi đã đọc cuốn Mrs. Dalloway của Virginia Woolf, vì một cô bé mà tôi phải lòng đã ném nó cho tôi và bảo đại loại là ‘sao cậu không đọc cuốn này và cố bớt ngốc hơn chút xíu?’ Tôi đã đọc nó, và dù tôi vẫn khá ngu ngốc không kém trước đó bao nhiêu, nó là một phát hiện đối với tôi. Cho tới khi đó, tôi không hề biết rằng bạn – bất kỳ một ai – có thể làm những điều như thế với ngôn ngữ; tôi chưa bao giờ đọc những câu phức tạp, đầy nhạc tính, đậm đặc và đẹp đẽ như thế. Tôi nhớ tôi đã nghĩ, ‘Chà, bà ấy đã thực hiện với ngôn ngữ một điều gì đó giống như cách Jimi Hendrix thực hiện với một cây đàn guitar.’ Mrs. Dalloway đã biến tôi thành một độc giả, và chỉ là vấn đề thời gian cho tới khi tôi trở thành một nhà văn.

 

Như vậy, tác phẩm này, theo Michael Cunninggham, đã tạo cho ông một ấn tượng vô cùng sâu sắc, biến ông từ một cậu bé “ngốc nghếch” trở thành một độc giả có chiều sâu, và rốt cuộc biến ông trở thành một nhà văn tên tuổi. Thật ra, theo người dịch, một tác phẩm như Mrs. Dalloway không dành cho một cậu bé mười lăm tuổi, vì nó rất khó đọc, cả về văn phong lẫn chiều sâu của chủ đề, mức độ phức tạp của tính cách nhân vật. Có lẽ, nếu nói một cách khách quan và công bằng, ông có ấn tượng mạnh mẽ đến thế là vì từ trong bản chất ông đã có thiên tư của một nhà văn.

 

Chúng ta cũng thử tìm hiểu xem bản thân Virginia Woolf nghĩ gì về đứa con tinh thần này của mình. Bà viết:

 

Trong cuốn sách này, hầu như tôi có quá nhiều ý tưởng. Tôi muốn đưa ra sự sống và cái chết, sự tỉnh táo và sự mất trí; tôi muốn phê phán hệ thống xã hội, và biểu thị nó trong hoạt động, ở trạng thái mãnh liệt nhất của nó.”[3] (Woolf, Diary 57)

 

Trong một phần nhật ký khác viết vào tháng 10-1923, bà nói cụ thể hơn về quá trình viết một phần trong tác phẩm, phần vợ chồng Septimus đang ở trong công viên Recent’s:

 

Tôi đang ở giữa mớ dày đặc của cảnh tượng điên rồ trong công viên Regent’s. Tôi nhận ra tôi viết nó bằng cách cố hết sức bám chặt vào thực tế… Một ngày nào đó, tôi phải viết lại đoạn này. (Woolf, Diary 61)[4].  

 

Virginia Woolf viết Mrs. Dalloway trong lúc đang cố chống chọi với chứng bệnh thần kinh của chính mình. Và đây cũng là tác phẩm đầu tiên bà khai thác thủ pháp Dòng ý thức. Phần vì bút pháp mới thử nghiệm ở đây chưa tinh luyện và nhuần nhuyễn như ở Tới ngọn hải đăng, phần vì lượng nhân vật cũng quá nhiều (Ngoài khoảng mười mấy nhân vật chủ yếu có tới mấy chục nhân vật phụ; có nhân vật chỉ thoáng hiện ra rồi biến mất hoàn toàn.); mặt khác, ý nghĩ và hành động của các nhân vật đan xen như những sợi tơ nhện từ quá khứ sang hiện tại, rồi lại từ hiện tại sang quá khứ, với rất nhiều hình ảnh ẩn dụ, nên đòi hỏi người đọc phải thật sự tập trung.

 

Toàn bộ câu chuyện diễn tiến trong một ngày Thứ tư của tháng Sáu năm 1923, bắt đầu với cảnh bà Dalloway tự đi mua hoa vào buổi sáng sớm và kết thúc vào cuối buổi tiệc tại nhà bà lúc đêm khuya. Tác phẩm không phân thành chương mà phân thành mười phần, mỗi phần không đánh số mà được đánh dấu bằng một số khoảng trống ở giữa. Nhưng để bạn đọc tiện theo dõi, vì có lẽ các bạn không có thì giờ để đọc liền một mạch, người dịch xin mạn phép đánh dấu các phần trong bản dịch bằng chữ số trong ngoặc đơn, ví dụ (1) nghĩa là phần 1.

 

Chủ đề nổi bật trong tác phẩm này là tác động của Thế chiến I lên mọi tầng lớp xã hội ở Anh. Cuộc chiến tranh đã qua, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn nặng nề, sâu thẳm. Như với Septimus, một cựu chiến binh, bị chấn thương tâm lý trong chiến tranh và sau đó đã tự sát. Anh đã kinh qua cuộc chiến bình an, khá vô cảm; đã cưới một cô gái Ý được vài năm. Nhưng sau đó anh đã phát hiện ra có một cái gì đó không ổn trong tâm hồn mình:

 

“…khi Evans bị giết ở Ý, ngay trước Ngày đình chiến, Septimus, không hề biểu lộ chút cảm xúc hay ghi nhận nào, rằng đây là sự kết thúc của một tình bạn, đã tự chúc mừng mình vì đã cảm xúc rất ít và rất hợp lý. Cuộc chiến đã dạy anh. Nó thật phi thường. Anh đã trải qua toàn bộ vở kịch, tình bạn, cuộc chiến châu Âu, cái chết, đã được thăng cấp, vẫn chưa tới ba mươi và nhất định phải sống sót. Anh đã ở ngay tại đó. Những quả đạn pháo cuối cùng đã sượt qua anh. Anh quan sát chúng nổ tung với sự dửng dưng. Khi hòa bình lặp lại, anh đang ở Milan, tạm trú trong nhà của một ông chủ nhà trọ; ngôi nhà có một mảnh sân nhỏ, những chậu hoa, những cái bàn nhỏ đặt ngoài trời, các cô con gái hành nghề làm mũ, và một tối nọ anh đã hứa hôn với Lucrezia, cô con gái nhỏ hơn, trong lúc đang hoang mang – rằng anh không thể cảm nhận được.”

Hoặc:

 

Nhưng anh không thể thưởng thức, anh không thể cảm nhận. Trong tiệm trà, giữa những cái bàn và những người bồi bàn đang tán gẫu, nỗi sợ kinh khủng lại chế ngự anh – anh không thể cảm nhận. Anh có thể suy luận; anh có thể đọc, Dante chẳng hạn, một cách hoàn toàn dễ dàng… anh có thể cộng tờ hóa đơn của mình; bộ não của anh hoàn hảo; hẳn đây là lỗi của thế giới – rằng anh không thể cảm nhận.

           

Những từ “không thể cảm thấy”, “không thể cảm nhận” cứ lặp đi lặp lại trong tác phẩm, lặp đi lặp lại trong ý thức và tiềm thức và của Septimus, và anh kết luận:

 

Vậy là không có gì để biện minh; không có gì, bất kể vấn đề thế nào, trừ tội lỗi mà vì nó bản chất con người đã tuyên án tử hình anh; rằng anh không cảm nhận được. Anh đã không quan tâm khi Evans bị giết; điều đó tệ hại nhất; nhưng tất cả những tội ác khác bên trên cái chấn song giường vào những giờ đầu buổi sáng cũng ngóc đầu lên, búng ngón tay, cười nhạo và châm chọc cái thân thể sóng soày đang nằm nhận thức về sự thoái hóa của nó; anh đã cưới vợ mình mà không yêu cô ta ra sao; đã nói dối cô ta; đã quyến rũ cô ta ra sao; đã sỉ nhục cô Isabel Pole, và bị đánh dấu, đầy những vết rỗ đồi bại đến nỗi những người phụ nữ phải rùng mình khi họ nhìn thấy anh trên phố ra sao. Phán quyết của bản chất con người đối với một kẻ xấu xa đến thế là cái chết.”

 

Septimus nhiều lần nhắc tới từ tự sát, nhưng trong thâm tâm anh không muốn chết. Mâu thuẫn là thế! Anh nghĩ:

 

Vậy là anh đã bị bỏ rơi. Toàn thế giới đang gào thét: Hãy tự sát, hãy tự sát đi, vì chúng tôi. Nhưng tại sao anh phải tự sát vì họ chứ? Thức ăn là một lạc thú; mặt trời nóng ấm; và việc tự sát này, người ta thực hiện nó bằng cách nào, với một con dao ăn, một cách xấu xí, với những vòi máu – bằng cách hít một cái ống dẫn khí đốt chăng?...”

 

Và trước khi quăng mình từ cửa sổ căn nhà trọ xuống cái hàng rào song sắt, anh vẫn nghĩ:

 

“(Anh ngồi lên bệ cửa sổ.) Nhưng anh sẽ chờ cho tới giây phút cuối. Anh không muốn chết. Cuộc sống thật tốt đẹp. Mặt trời nóng ấm. Chỉ có con người – họ muốn gì nhỉ?

 

Ngay cả với bà Dalloway, một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu, yêu cuộc sống và những thú vui vụn vặt hàng ngày của nó, ví dụ những bữa tiệc do bà tổ chức, chiến tranh và cái chết cũng mơ hồ lẫn khuất, hiện diện đâu đó trong cuộc sống quanh bà:

 

Bởi giờ đang giữa tháng Sáu. Cuộc chiến tranh đã kết thúc, ngoại trừ một ai đó như bà Foxcrott ở Đại sứ quán đêm qua đã đau xé cõi lòng vì cậu thanh niên khôi ngô đó đã bị giết và giờ đây ngôi trang viên cũ phải chuyển sang cho một người em họ; hoặc phu nhân Bexborough, người đã mở một cửa hàng phúc thiện, người ta bảo, với bức điện tín trong tay bà ta, rằng John, đứa con bà yêu mến nhất, đã bị giết chết; nhưng nó đã kết thúc; tạ ơn Trời – kết thúc.”

Hoặc nó xuất hiện ngay cả trong bữa tiệc của bà:

 

Ồ! Clarissa nghĩ, giữa buổi tiệc của mình, đây là cái chết, bà nghĩ.”

 

Và:

 

Việc gì gia đình Bradshaw phải nói về cái chết trong bữa tiệc của bà?  Một người đàn ông trẻ đã tự sát. Và họ nói về nó trong bữa tiệc của bà – vợ chồng nhà Bradshaw, nói về cái chết. Anh ta đã tự sát – nhưng như thế nào? Luôn luôn thân thể bà đi qua nó trước nhất, khi bà được kể lại, một cách đột ngột, về một tai nạn; chiếc áo của bà bùng cháy, thân thể của bà bị thiêu rụi. Anh ta đã tự quăng người ra khỏi một cửa sổ. Mặt đất chợt lóe sáng; những que sắt nhọn đầu xuyên qua thân người tím bầm của anh ta, một cách sai lầm. Anh ta nằm đó với một tiếng rơi uỵch, uỵch, uỵch trong bộ não,  và rồi một màu tối đen nghẹt thở. Bà nhìn thấy nó như thế. Nhưng vì sao anh ta làm điều đó? Và vợ chồng nhà Bradshaw đã nói về nó trong bữa tiệc của bà!

 

Bên trên, tác giả thổ lộ với chúng ta về ý đồ sáng tác của bà đối với tác phẩm, là nói về cuộc sống và cái chết, sự tỉnh táo và sự mất trí, phê phán hệ thống xã hội… Chúng ta đã thử điểm qua về cái chết, sự mất trí. Vậy còn cuộc sống, sự tỉnh táo, và hệ thống xã hội thì sao?

 

Mỗi nhân vật của Mrs. Dalloway, dù chính hay phụ, dù xuất hiện nhiều lần hay chỉ trong một đoạn, một dòng duy nhất, cũng đều thể hiện sự muôn màu muôn vẻ của tính cách con người, và đã thật sự góp phần vào bức tranh tổng thể, đem đến thành công cho tác phẩm.

 

Bà Dalloway là một nhân vật vừa đơn giản lại vừa phức tạp, thường xuyên đấu tranh để cân bằng đời sống nội tâm với thế giới bên ngoài. Ở ngoại diện là những thứ lấp lánh, quần áo đẹp, những bữa tiệc, và mối quan hệ với tầng lớp thượng lưu, nhưng sâu bên dưới bề mặt đó là một cuộc kiếm tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, bản chất của linh hồn. Bà thích tổ chức những bữa tiệc là “để trao tặng; để kết hợp, để sáng tạo”:

 

Nhưng nếu đi sâu hơn, bên dưới những gì mọi người nói (và những phán xét này thật nông cạn, thật chắp vá biết bao!) trong tâm trí của bà lúc này, nó có ý nghĩa gì với bà, cái điều mà bà gọi là cuộc đời này? Ôi, nó thật lạ lùng. Đây là Ngài nào đó ở South Kensingtin; một ai đó ở Bayswater; và một ai đó khác, chẳng hạn, ở Mayfair. Và bà cảm thấy một ý thức liên tục về sự tồn tại của họ; bà cảm thấy thật lãng phí biết bao; bà cảm thấy thật đáng tiếc biết bao; bà cảm thấy giá như bà có thể đưa họ tới gần nhau; thế là bà làm điều đó. Và đó là một sự trao tặng; để kết hợp, để sáng tạo; nhưng cho ai?

 

Một sự trao tặng vì chính sự trao tặng, có lẽ.”

 

Bà ghét cô Kilman, gia sư dạy môn lịch sử cho Elizabeth, con gái của bà, vì cô ta ăn mặc xấu xí, lúc nào cũng chỉ “một cái áo khoác đi mưa,” vì cô ta “tước đoạt khỏi bà” Elizabeth. Nhưng bà cũng nghĩ rằng cô Kilman là “kẻ thù của bà: tình yêu của bà.

 

Thường xuyên trong bà là sự phân tranh giữa những đam mê thật sự và một nếp sống thượng lưu dễ chịu mà bà yêu thích. Nhưng cuối cùng, bà nhượng bộ cuộc sống, và bằng cách nhượng bộ, rốt cuộc bà lại là người chiến thắng.

 

Thông qua các nhân vật như Phu nhân Bruton, bác sĩ Holmes, bác sĩ William Bradshaw, ông Thủ tướng, Virginia Woolf cũng đã phê phán tầng lớp thượng lưu London, đặc biệt là giới bác sĩ,  một cách sâu sắc và tinh tế, đôi khi nhuốm vẻ mỉa mai. Họ là những kẻ thích áp chế người khác, áp đặt những điều mình muốn lên toàn thế giới; là những kẻ ảo tưởng về một Đế chế đã lụi tàn.

Bản thân nhân vật Peter Walsh không có gì ấn tượng, chỉ là một người đàn ông đa cảm và thiếu quyết đoán. Tuy nhiên, qua hồi ức và những suy nghĩ của ông, chúng ta hiểu rõ hơn về Clarissa và Sally Seton.

 

Cô Kilman, gia sư môn lịch sử cho Elizabeth và bà Ellie Henderson là hai nhân vật khá thú vị. Sally Seton, một cô gái táo tợn, thông minh khi còn trẻ và một phu nhân Rosschester trung niên tới dự bữa tiệc cũng là một nhân vật khá đặc biệt, nhưng xuất hiện phần nhiều trong hồi ức của Clarissa Dalloway và Peter Walsh. Sự hiện diện thật sự của nhân vật này trong bữa tiệc không có gì nổi bật. Nụ hôn của Sally trao cho Clarissa vào một đêm giữa vườn rau mang tính chất tình yêu đồng tính, ít ra là về phía Clarissa, vì bà vẫn lưu giữ mãi ấn tượng về nó.

 

Elizabeth, con gái của Richard và Clarissa là một cô bé mười bảy tuổi xinh đẹp, có ước mơ trở thành một bác sĩ hay chủ nông trại.

 

Thời gian là một yếu tố chi phối toàn tác phẩm. Tiếng chuông Big Ben và những cái đồng hồ điểm giờ hầu như hiện diện từ đầu tới cuối tác phẩm. Những tiếng chuông biểu thị sự “bất khả vãn hồi” của thời gian. Quá khứ êm dịu hay cay đắng, hạnh phúc hay đau khổ đan xen với thực tại trong tâm thức của từng nhân vật. Bản thân Virginia Woold lúc đầu cũng định đặt tựa đề cho tác phẩm là Thời khắc (The Hours).

 

Dĩ nhiên trên đây là những nhận định rất sơ lược, đầy tính chủ quan để giúp độc giả có một ý niệm khái quát về tác phẩm. Người dịch rất mong các bạn có thể phát hiện thêm nhiều yếu tố sau khi đọc và sẽ yêu thích tác phẩm qua bản dịch này. Nếu bạn cảm thấy tác phẩm không hay, đó chắc chắn là do khả năng của người dịch còn hạn chế, dù đã cố hết sức mình. Xin chân thành cám ơn mọi ý kiến đóng góp của các bạn.

 

Sài Gòn, 10/2012

 



[1] Nguồn: http://www.barnesandnoble.com/writers/writerdetails.asp?cid=1015986#interview

[2] Ông đoạt giải Pulitzer và giải PEN/ Faulkner về văn học hư cấu trong cùng năm 1999 với tác phẩm Thời khắc (The Hours – xuất bản 1998). Bộ phim cùng tên chuyển thể từ tác phẩm (đạo diễn Stephen Daldry; kịch bản phim David Hare, diễn viên Nicole Kidman, Meryl Streep, Julianne MooreEd Harris) đã được đề cử chín giải Oscar năm 2002 và Nicole Kidman đã đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm đó với vai Virginia Woolf.

[3] Nguồn: http://ayjw.org/articles.php?id=604093

[4] Như chú thích 3.

 

Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 2464
Ngày đăng: 27.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đông Kinh Nghĩa Thục – Một Mẫu Mực Về Đổi Mới Giáo Dục Một Cách Căn Bản Và Toàn Diện - Vũ Thế Khôi
Đức tin trong nguồn thơ Hàn Mạc Tử - Đặng Tiến
Tiếp Nhận Truyện Kiều Dưới Góc Nhìn “Thi Trung Hữu Họa” 2 - Trần Đình Khiêm
Khoa học văn chương - Đặng Phùng Quân
Tiếp Nhận Truyện Kiều Dưới Góc Nhìn “Thi Trung Hữu Họa” 1 - Trần Đình Khiêm
Tiếp nhận Truyện Kiều dưới góc nhìn “Thi trung hữu nhạc” 3 - Trần Đình Khiêm
Tiếp nhận Truyện Kiều dưới góc nhìn “Thi trung hữu nhạc” 2 - Trần Đình Khiêm
Tiếp nhận Truyện Kiều dưới góc nhìn “Thi trung hữu nhạc” 1 - Trần Đình Khiêm
Đường Bay Của Chữ - Nguyễn Ước
Ba đồng vàng 1 - Nguyễn Thành Nhân
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)