ll n'y a plus d'après
À Saint-Germain-des-Prés
Plus d'après-demain, plus d'après-midi
Il n'y a qu'aujourd'hui.
Quand je te reverrai
À Saint-Germain-des-Prés
Ce n'sera plus toi,
Ce n'sera plus moi
Il n'y a plus d'autrefois.
…
Không còn mai sau đâu nhé
Ở Saint-Germain-des-Prés
Không còn trưa mốt em ghé
Những trưa hè ấy phai rồi
Chỉ có hôm nay mà thôi.
Khi anh lại được gặp em
Ở Saint-Germain-des-Prés
Em đã không còn là em
Anh cũng chẳng còn là anh
Ngày xưa sẽ không còn nữa.
Tháng Mười.
Tôi đang nghe lại Il n'y a plus d'après, do Juliette Gréco hát với lòng tiếc nuối khi nghĩ đến những tháng ngày ngắn ngủi nắng gió thênh thang bên ngoài khung cửa sắp qua rồi và thời gian sắp tới sẽ tự giam cầm chính mình trong ngôi nhà bởi thời tiết lạnh lùng se sắt thật khắc nghiệt của mùa Đông đăng đẳng kéo tới thật mau trên từng táng lá vừa đổi sang đỏ vàng thưa thớt trên cây.
Một bản nhạc quen dễ lay động niềm xúc cảm và câu chuyện chấp nối khi tôi nhớ lại lời mời mọc ân cần của một tình bạn tựa như tri kỷ mặc dầu anh không gần gũi nhưng vẫn hiện diện thường xuyên bằng những chuyện trò thân thiết từ bên kia bờ đại dương mờ mịt: “ Hãy bỏ đó, lên máy bay và đến Paris một chuyến”. Tôi thích du lịch và may mắn được đi đây đó với ông ngoại từ những ngày còn rất nhỏ. Tuy nhiên, càng lớn lên đối với tôi du lịch không phải chỉ là đi thăm thú ngắm nghía những thắng cảnh hay cao ốc đền đài nổi tiếng mà chủ yếu là vì ở đó có bạn có bè, có những người cùng tâm cùng ý dễ dàng chia sẻ mọi chuyện hoặc có khi gặp nhau không nói gì chỉ quanh quẩn bên nhau thôi cũng thật thú vị, nhưng lời mời của anh tôi chưa thực hiện được vì cứ phải bị lúng túng trong vùng lưới bủa vây của đời sống, bị trói buộc hết chuyện này đến chuyện nọ nên đành lỗi hẹn …
Có lẽ tôi cũng giống hầu như những người Việt Nam xưa, trong lòng lúc nào cũng có chút Paris, trong lòng thường có chút hoài niệm bảo tồn “ xưa sao, nay vậy” vì thế trong suốt mùa hè vừa qua khi có dịp đi ngang qua nhiều tiểu bang, ghé nhiều nơi nhưng xúc cảm nhất là một lần được đến quán Café du Monde trong khu Pháp cổ tại New Orleans mà tôi đã âu yếm viết dưới tựa bài Phố Nhạc Xanh những dòng chữ thật lãng mạn.
Như mới đây bài tạp ghi mới nhất của bà Quỳnh Giao cũng tỏ lộ cùng tâm: “… Nếu sau này mà tòa tổng lãnh sự hoặc cơ quan văn hóa Pháp lại hợp tác với thành phố Paris để tổ chức cuộc triển lãm tại Los Angeles hay Hollywood, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng sẽ đi xem. Ðến nơi để nhớ lại thời xa xưa với những cuốn phim đen trắng về “Anh Gù Nhà Thờ Ðức Bà” hay Trà Hoa Nữ “La Dame Aux Camélias” hoặc loạt phim từ đen trắng đến tô màu về “Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ” lấy từ truyện võ hiệp của Alexandre Dumas…”
Nhắc đến kinh đô ánh sáng. Tôi biết, ngày mai hay ngày kia hay một hôm nào đó tôi sẽ đến Paris và thăm anh. Chắc chắn trong những ngày lưu lại anh sẽ đưa tôi đi một số nơi, nhưng có một nơi quyến rũ tôi hơn khích động trí tò mò của tôi và sẽ bắt anh phải đưa tôi tới… chính là khu phố Saint-Germain-des- Prés có những quán café huyền thoại đã đi vào những tác phẩm nổi tiếng.
Khu phố Saint-Germain- des- Prés được biết đến không phải chỉ vì mang tên của một tu viện giàu có do vua Childebert I xây cất từ thập niên 540 vì thế tu viện đầy quyền lực này cũng chịu bao thăng trầm do các biến động lớn nhỏ của đất nước mà khu phố này được biết nhiều hơn nhờ vào từng vòng nhà mọc chung quanh vào thế kỷ 17 biến nơi đây trở thành trung tâm của văn học và kịch nghệ và từ đó xuất hiện những quán café là điểm hẹn lui tới mỗi ngày của các tên tuổi nổi tiếng trong giới văn chương nghệ sĩ như quán Café Procope mở cửa đầu tiên từ năm 1689 là nơi gặp gỡ của Voltaire, Diderot, d'Alembert và Benjamin Franklin…những danh nhân xa xưa. Sau này có thêm: Café de Flore, Les Deux Magots và Brasserie Lipp quy tụ giới cầm bút của thế kỷ 20 thích túm tụm huyên thuyên với nhau từ ngày này qua ngày khác vì nhu cầu, vì nghề nghiệp hơn mấy nhân vật khoa học hay chính trị… Vì thế mấy quán café trong khu đó từng là những nơi gặp gỡ thường xuyên, gần như mỗi ngày của vô số tên tuổi lớn như Paul Verlaine, Oscar Wilde, Guillaume Apollinaire, Paul Eluard, André Gide Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir, v.v…Thường họ đến đó có khi ngồi suốt ngày, ăn tại chổ để viết, và nhiều hơn, để gặp gỡ và tán dóc với bạn bè văn chương. Nơi đây còn quy tụ rất nhiều trường học nên được gọi là "Xóm học" - Một tên gọi đã được nhạc sĩ Cung Trầm Tưởng đưa vào bài thơ " Chưa bao giờ buồn thế" sau này Phạm Duy phổ nhạc đổi lại thành " Tiễn em" mà những người Việt Nam có thời đã thuộc lòng.
Từ nhỏ, qua mấy ông cậu, tôi nghe Juliette Gréco hát và thấy hình cô ca sĩ này thường mặc áo đen với đôi mắt tô đậm trên vài đĩa nhạc. Sau này ra hải ngoại sinh sống, tôi biết thêm người ca sĩ này là bạn thân với vợ chồng triết gia theo trường phái hiện sinh mê chủ nghĩa Marx là Jean- Paul Sartre và Simone de Beauvoir nên được họ chèo kéo đến hát thường xuyên ở Café de Fore với những lời xưng tụng thật đẹp như sau: “Elle a des millions dans la gorge, des millions de poèmes qui ne sont pas encore écrits...” (Nàng có trong thanh quản hàng triệu, hàng triệu bài thơ chưa được viết ra...).
Khi Jean-Paul Sartre viết La Nausée ( Buồn Nôn, 1938 ) tôi còn là hạt bụi đâu đó, nhưng ở những năm 70 tôi cũng bắt chước bằng cách cầm trên tay những cuốn sách của ông dịch ra tiếng Việt như một cách trang điểm, làm dáng, nhưng thật tình hầu hết đám sinh viên chúng tôi thật sự không hiểu ông ấy viết gì, nói gì với mớ chữ lê thê trừu tượng đầy triết lý hổn độn, trong khi đó cuốn “ Buồn ơi chào mi” của Francoise Sagan như “đợt sóng mới” hấp dẫn cuốn hút chúng tôi hơn bởi cốt truyện rất bạo và lối viết rất lạ: Cuốn “ Buồn ơi chào mi” (Bonjour Tristesse) được trích từ hai câu thơ "Adieu tristesse/Bonjour tristesse" của thi sĩ Paul Eluard. Nội dung kể về một thiếu nữ 17 tuổi tên gọi Cécile. Đó là một cô gái rất được nuông chiều, lại đang trong tâm trạng buồn chán vì trượt thi. Khi biết bố mình – một người đàn ông góa vợ – đang có ý định làm đám cưới với người bạn cũ của mẹ mình, Cécile – với sự giúp đỡ của một bạn trai là sinh viên luật – đã lập mưu ly gián hai người bằng việc bố trí để người đàn bà đó chứng kiến cảnh bố cô "thân mật" với một người phụ nữ khác. Kế hoạch thành công với kết cục là người đàn bà sắp làm lễ cưới với bố của Cécile đã lao xe vun vút trên đường và… tử nạn.”
Một nơi chốn ghi dấu nhiều bước chân của những danh nhân. Một nơi chốn sản sinh ra nhiều tác phẩm văn học lẫy lừng phải ghé ít ra một lần nhấm nháp tách café cho biết mùi.
( Hầm Nắng, chớm thu 2012 )
. Tranh vẽ khu Saint-Germain- des- Prés
. Bài “ Il n'y a plus d'après” của Guy Béart do Juliette-Gréco hát:
http://www.wat.tv/video/juliette-greco-il-y-plus-apres-1vjin_2fgqp_.html
. Tranh vẽ quán Café de Flore
Theo Wikipedia: “ Quán Café de Flore được mở cửa vào năm 1887 dưới thời Đệ tam cộng hoà.
Tên hiệu Flore được lấy theo tên bức tượng đặt ở phía bên kia đại lộ. Tại tầng một của quán, vào cuối thế kỷ 19 Charles Maurras đã viết Sous le Signe de Flore
Khoảng năm 1913, Guillaume Apollinaire cùng André Salmon 1913 đầu tư vào địa điểm này để trở thành tòa soạn của tạp chí Les soirées de Paris. Trong thời gian Thế chiến thứ nhất, Apollinaire vẫn tiếp tục làm việc tại Flore. Đây cũng là khoảng thời gian Apollinaire sáng tạo ra từ "siêu thực" để chỉ một trào lưu nghệ thuật mới khi đó. Tristan Tzara tới Paris, Flore trở thành điểm hẹn của các nghệ sĩ Dada Trong những năm 1930, Café de Flore trở thành điểm đến của những vị khách danh tiếng như Trotsky, Chu Ân Lai. Bên cạnh những nhà văn, nhà thơ như Georges Bataille, Robert Desnos… khách hàng của Café de Flore còn có các họa sĩ như Ossip Zadkine, Picasso… cùng những nhà làm phim như Marcel Carné, Yves Allégret...
Năm 1939, Paul Boubal mua lại quán Café de Flore. Từ thập niên 1940, trong những khách hàng thường xuyên của Café de Flore xuất hiện cặp đôi nổi tiếng của triết học, thế kỷ 20: Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir. Sartre viết: Chúng tôi ngồi ở đây từ 9 giờ sáng [...], chúng tôi làm việc, ăn ở đây...
Một điều đặc biệt, trong thời gian Paris bị chiếm đóng, những người Đức không xuất hiện ở Café de Flore. Jean-Paul Sartre viết: Con đường của Flore trong bốn năm với tôi là con đường của tự do. Thời kỳ này, Café de Flore giống một câu lạc bộ kiểu Anh hơn là một quán cà phê. Mỗi bàn thường có tới 10, 12 người ngồi tụ tập. Ngoài nhóm của Sartre, nhóm cộng sản cũng có mặt với Marguerite Duras, Dionys Mascolo, Roger Vailland…
Sau chiến tranh, Café de Flore có thêm các vị khách mới: Albert Camus, Boris Vian, Juliette Gréco, André Breton. Đây cũng là thời kỳ khu phố Saint-Germain-des-Prés trở thành trung tâm của kịch nghệ, văn học. Arthur Koestler, Ernest Hemingway, Truman Capote,Lawrence Durrell cùng tham gia Club de France, câu lạc bộ do Paul Boubal khởi xướng,Thập niên 1960, Café de Flore trở thành điểm điểm yêu thích của giới điện ảnh. Nhiều tên tuổi lớn của điện ảnh Pháp và thế giới tìm tới: Jane Fonda, Roman Polanski, Brigitte Bardot, Alain Delon, Belmondo. Giới văn học tiếp tục với Sagan, Roland Barthes… và có thêm các nhà tạo mẫu Yves Saint Laurent, Givenchy… các họa sĩ Alberto Giacometti, Dali..
Năm 1983, Paul Boubal nhượng lại quán cho vợ chồng nhà Siljegovic. Tên tuổi của Café de Flore đã trở thành nổi tiếng. Quán tiếp tục là điểm đến của những tên tuổi lớn, đặc biệt là giới điện ảnh, cả Pháp và Hoa Kỳ, như Lauren Bacall, Catherine Deneuve, Sharon Stone, Robert De Niro, Francis Ford Coppola, Johnny Depp, Jack Nicholson, Al Pacino, Tim Burton… Những nhà văn như Paul Auster, Paulo Coelho… vẫn tiếp tục là khách hàng của quán …” ( ngưng trích )